Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây
- Giải Lịch Sử Lớp 10
- Sách Giáo Viên Lịch Sử Lớp 10
- Sách Giáo Viên Lịch Sử Lớp 10 Nâng Cao
- Sách Bài Tập Lịch Sử Lớp 10
Giải Bài Tập Lịch Sử 10 Bài 15: Thời Bắc thuộc và các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc (từ thế kỉ II TCN đến đầu thế kỉ X) giúp HS giải bài tập, cung cấp cho HS những kiến thức cơ bản, chính xác, khoa học để các em có những hiểu biết cần thiết về lịch sử thế giới, nắm được những nét lớn của tiến trình lịch sử Việt Nam:
Trả lời câu hỏi Lịch Sử 10 Bài 15 trang 81: Chính quyền đô hộ truyền bá Nho giáo vào nước ta, bắt dân ta thay đổi phong tục theo người Hán nhằm mục đích gì?
Trả lời:
Các triều đại phong kiến phương Bắc truyền bá Nho giáo bắt nhân dân ta theo phong tục cùa người Hán nhằm mục đích:
– Lấy Nho giáo làm công cụ tinh thần cho chế độ cai trị của chúng ở nước ta.
– Thực hiện âm mưu đồng hoá, biến dân tộc ta trở thành một bộ phận của người Hán, đất nước ta trở thành một tỉnh của Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi Lịch Sử 10 Bài 15 trang 82: Vì sao người Việt vẫn giữ được tiếng nói, phong tục tập quán của mình?
Trả lời:
Người Việt vẫn giữ được tiếng nói, phong tục tập quán của mình vì:
– Trước khi người Hán vào Việt Nam, Người Việt đã có nền văn hóa truyền thống riêng, phát triển cao, đậm đà bản sắc dân tộc.
– Chính sách của nhà Hán chỉ phổ biến ở cấp trung ương, chứ không đến được cấp làng xã Việt.
– Người Việt tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa Trung Hoa và Việt hóa những yếu tố đó cho phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt.
Bài 1 trang 82 Lịch Sử 10: Trình bày những chính sách độ hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nhân dân ta.
Trả lời:
Những chính sách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nhân dân ta:
– Chính trị : chia nước ta thành các quận, châu, huyện, sáp nhập nước ta thành một bộ phận của Trung Quốc. Kiểm soát chặt chẽ, cử quan lại cai trị tới cấp huyện.
– Kinh tế: Thi hành chính sách bóc lột, cống nạp nặng nề. Chúng còn cướp đoạt ruộng đất, cưỡng ép nhân dân ta cày cấy, thực hiện chính sách đồn điền, nắm độc quyền về muối và sắt.
– Văn hoá : Thực hiện chính sách đồng hóa dân tộc, tăng cường truyền bá Nho giáo và chữ Hán.
Bài 2 trang 82 Lịch Sử 10: Mục đích của chính sách đô hộ đó có thực hiện được hay không? Tại sao?
Trả lời:
– Mục đích của chính sách đô hộ: Xoá tên nước ta, biến nước ta thành các đơn vị hành chính của Trung Quốc; Bóc lột, vơ vét các nguồn lợi về kinh tế; Thực hiện đồng hoá đối với nhân dân ta, biến dân tộc ta trở thành một bộ phận của người Hán.
– Mục đích của chính sách đô hộ đó chỉ được thực hiện ở mức tương đối:
• Chính quyền đô hộ không khống chế nổi các làng xóm mà vẫn do người Việt tự quản lí.
• Những chính sách về văn hoá như truyền bá Nho giáo, chữ Hán chỉ tác động đến một bộ phận trong xã hội thuộc tầng lớp trên, còn đại bộ phận nhân dân không chịu ảnh hưởng nhiều mà vẫn bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống của mình.
Bài 3 trang 82 Lịch Sử 10: Hãy cho biết những chuyền biến về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước ta thời Bắc thuộc. Nguyên nhân của sự chuyển biến đó.
Trả lời:
Sự chuyển biến về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta thời Bắc thuộc:
– Về kinh tế:
• Nông nghiệp : công cụ bằng sắt được sử dụng phổ biến, diện tích trồng trọt được mở rộng và các công trình thuỷ lợi được xây dựng nhờ vây năng suất lúa cao hơn trước.
• Thủ công nghiệp – Thương mại có sự chuyển biến đáng kể, xuất hiện nhiều nghề thủ công mới, buôn bán các vùng được đẩy mạnh.
– Văn hoá :
• Tiếp nhận những yếu tố tích cực của văn hoá Trung Hoa (Ngôn ngữ, văn tự).
• Bảo tồn nền văn hoá truyền thống dân tộc.
– Xã hội : Mâu thuẫn dân tộc gay gắt giữa nhân dân ta với chính quyền đô hộ.
Nguyên nhân :
– Do sự phát triển nội tại của kinh tế, văn hóa đất nước.
– Nhờ sự học hỏi những tiến bộ về kỹ thuật sản xuất và việc tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn hóa Trung Hoa.
– Do những chính sách cai trị tàn bạo của các triều đại phương Bắc làm xuất hiện mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chính quyền đô hộ.