Bộ Đề Thi Ngữ Văn Lớp 10 (Có Lời Giải)

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây

Phòng Giáo dục và Đào tạo …..

Đề thi Giữa học kì 2

Môn: Ngữ văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề 1)

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ… trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.

Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?

Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.

Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…

(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà Văn, 2012, tr.43-44)

Câu 1 (0,5 điểm)Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. 

Câu 2 (1,0 điểm): Hãy chỉ ra và nêu tác dụng của phép tu từ được sử dụng trong câu văn sau: “Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy”. 

Câu 3 (0,5 điểm)Anh/chị hiểu thế nào về ý kiến: “Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn”? 

Câu 4 (1,0 điểm)“Ước mơ cháy bỏng nhất” của anh/chị là gì? Anh/chị làm gì để biến ước mơ đó thành hiện thực? (Trả lời trong khoảng 5-7 dòng). 

PHẦN II – LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) với chủ đề: Theo đuổi ước mơ.

Câu 2 (5,0 điểm): Cảm nhận về chữ “nhàn” trong bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ đó liên hệ với đoạn thơ sau trong Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của hai tác giả:

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ, khắp đòi phương.

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

————————HẾT———————–

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ SỐ 1

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2:

– Biện pháp tu từ so sánh: “Sống một cuộc đời” so sánh với “vẽ một bức tranh”, qua từ so sánh “giống như” (chỉ rõ mới cho 0,5)

– Tác dụng: chỉ ra sự tương đồng giữa “sống một cuộc đời” với “vẽ một bức tranh”, giúp người đọc dễ hình dung ra cách sống chủ động để biến ước mơ của mình thành hiện thực; khiến câu văn hình ảnh, sinh động hơn.

Câu 3:     

– Ước mơ là những khát khao, mong đợi hoặc những ý tưởng đẹp đẽ mà con người muốn biến thành hiện thực.

– Câu nói là một lời khuyên con người cần biết giữ gìn, bảo vệ, không để những thử thách, khó khăn trong cuộc sống làm thui chột ước mơ và cũng không để người khác ngăn cản việc chúng ta hiện thực hóa ước mơ ấy.

Câu 4: 

– Học sinh trả lời theo yêu cầu:

+ Nêu ước mơ cháy bỏng của bản thân.

+ Cần làm gì để biến ước mơ thành hiện thực?

– Nội dung câu trả lời cần chặt chẽ, hợp lí, không trái với các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

PHẦN II – LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: Viết đoạn văn nghị luận với chủ đề: Theo đuổi ước mơ.

– Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận: Có đủ các phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, thân đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.

– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Theo đuổi ước mơ.

– Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

+ Giải thích:

       • Ước mơ là những khát khao, mong muốn thiết tha về những điều tốt đẹp trong tương lai.

       • Việc theo đuổi ước mơ có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người.

+ Bàn luận:

       • Con người sống trên đời cần có ước mơ dù ước mơ vĩ đại hay nhỏ bé. Bởi ước mơ làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp, ý nghĩa; giúp con người sống có mục đích, lí tưởng, có động lực để vượt qua những khó khăn thử thách, hướng tới thành công, thậm chí còn tạo ra những phát minh vĩ đại cho nhân loại. (Nêu dẫn chứng)

       • Nhưng ước mơ không bao giờ có sẵn, để đạt được ước mơ, con người phải khát khao, kiên trì, nỗ lực, dũng cảm vượt qua những thử thách, thậm chí chấp nhận thiệt thòi, hi sinh. Ước mơ càng lớn, càng cao đẹp bao nhiêu thì đòi hỏi con người càng phải nỗ lực bấy nhiêu. (Nêu dẫn chứng)

       • Ước mơ cũng không thể quá viển vông, xa vời mà phải gắn liền với thực tế.

       • Phê phán những người sống thụ động, không có ước mơ, thiếu ý chí vươn lên.

+ Bài học nhận thức và hành động:

       • Hãy sống và ước mơ. Học tập, rèn luyện, quyết tâm, có những hành động thiết thực để từng bước chinh phục ước mơ của mình.

– Lưu ý: Không đúng hình thức đoạn văn trừ 0,5 điểm.

Câu 2: Cảm nhận về chữ “nhàn” trong bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ đó liên hệ với đoạn thơ sau trong Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của hai tác giả:

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ, khắp đòi phương.

– Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm một bài văn nghị luận văn học. Bố cục sáng rõ, hệ thống luận điểm chặt chẽ, hành văn trôi chảy, không mắc các lỗi diễn đạt, câu từ, chính tả…

– Yêu cầu về kiến thức: Có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo một số ý cơ bản sau:

* Vài nét về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm, tác phẩm, nêu vấn đề.

* Giải thích:

Nhàn tức là nhàn nhã, thảnh thơi, không vướng bận.

– Nhàn được nâng lên thành lối sống, thậm chí là triết lí sống, rất phổ biến ở các tầng lớp trí thức thời xưa. Lối sống nhàn thường nảy sinh từ tâm lí bất mãn với thời cuộc.

⇒ Nhàn là một chủ đề lớn trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, với nghĩa bản chất là sống thuận theo tự nhiên, vượt lên trên danh lợi, giữ cốt cách thanh cao.

*Về chữ “nhàn” trong bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

– Nhàn là trạng thái thảnh thơi, tự do lựa chọn cách sống, hòa vào thiên nhiên bốn mùa, sống đạm bạc thanh cao. (Phân tích dẫn chứng câu 1,2 và 5,6)

– Đối lập dại – khôn, thể hiện trí tuệ tỉnh táo sáng suốt, coi thường danh lợi, giữ gìn nhân cách thanh cao. (Phân tích dẫn chứng câu 3,4 và 7,8)

– Nghệ thuật:

+ Bài thơ Nôm thất ngôn bát cú đường luật, kết hợp trữ tình và triết lí; cách nói ẩn ý, thâm trầm sâu sắc.

+ Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên; giọng thoải mái phù hợp với tinh thần bài thơ.

+ Nghệ thuật đối, ẩn dụ, cách nói ngược, và điển tích được vận dụng sáng tạo, kín đáo.

* Liên hệ với đoạn thơ trong Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của hai tác giả:

– Liên hệ:

+ (Giới thiệu ngắn gọn về Nguyễn Trãi, bài thơ, đoạn thơ)

+ Bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè sôi động (âm thanh của tiếng ve kêu rộn rã), cuộc sống thanh bình, yên vui nơi làng quê (lao xao chợ cá). Nguyễn Trãi ước có cây đàn của vua Thuấn để ca ngợi cảnh “dân giàu đủ, khắp đòi phương”, mong nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

+ Nghệ thuật: Thể thơ thất ngôn được sử dụng sáng tạo; từ ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm; nghệ thuật đối, điển tích.

* Nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của hai tác giả:

– Điểm giống nhau: Cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm đều là những trí thức tài năng, yêu nước thương dân, bất đắc dĩ lánh đục về trong để giữ gìn phẩm cách trong sạch. Qua hai bài thơ, ta thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, không màng danh lợi. Đó là nhân cách thanh cao của hai tác giả.

– Điểm khác nhau:

+ Điểm kết tụ trong hồn thơ Ức Trai là ở người dân. Về nhàn, mong nguôi thế sự, nhưng niềm ái quốc ưu dân vẫn canh cánh trong lòng thi nhân, nhàn thân mà không nhàn tâm.

+ Ở bài thơ Nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm vui trọn với thiên nhiên, cuộc sống điền viên thôn dã, vượt lên danh lợi tầm thường; sống ung dung, an nhiên tự tại. Nhàn được nâng lên thành triết lí sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm, thể hiện phẩm cách thanh cao, trí tuệ uyên thâm của nhà nho.

+ (Học sinh có thể lí giải điểm khác nhau dựa vào bối cảnh xã hội, tính cách của hai nhà nho, và bản chất sáng tạo của nghệ thuật).

* Kết luận: Khái quát vấn đề, liên hệ bản thân.

Phòng Giáo dục và Đào tạo …..

Đề thi Giữa học kì 2

Môn: Ngữ văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề 2)

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Việc theo đuổi đam mê có thể sẽ mang lại nhiều phần thưởng, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống của bạn không có nhiều thách thức hoặc những đấu tranh. Bất cứ một người tận tụy nào dù là một y tá, họa sĩ, nhà xây dựng, linh mục hay diễn viên đều có thể nói với bạn rằng, sự chăm chỉ, sự hi sinh và nỗ lực to lớn là những điều cần thiết, ngay cả với những người yêu thích công việc họ làm. […] Hầu hết những người được niềm đam mê thúc đẩy đều chấp nhận sự hi sinh và tranh đấu. Helen Keller đã vượt lên khuyết tật mù và điếc để trở thành niềm cảm hứng, nguồn khích lệ đối với triệu người trên thế giới. Bà đã từng nói: “Trong sự dễ dàng và bình lặng, tính cách không thể phát triển được. Chỉ qua khó khăn thử thách, tâm hồn mới trở nên mạnh mẽ, khát vọng mới được khơi nguồn và thành công mới được gặt hái”. “Thành công bất ngờ” thường là kết quả của nhiều năm lao động chăm chỉ và âm thầm. Ỷ vào vinh quang thoáng chốc thường không phải là một sự lựa chọn. Tuy nhiên có lẽ không có phần thưởng nào lớn hơn được làm việc mà bạn sinh ra để làm trong khi phục vụ một mục đích lớn lao hơn bản thân bạn. Trong chuyến đi của mình, tôi gặp rất nhiều người, cả đàn ông và phụ nữ, đang thực hiện sứ mệnh tạo ra sự thay đổi tích cực bằng chia sẻ tài năng và sự hiểu biết của họ. Chúng ta chia sẻ về những cuộc đấu tranh vượt qua nghịch cảnh và khích lệ người khác vượt lên nghịch cảnh mà họ đang đối mặt.

(Trích Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng – Nick Vuijic, NXB Tổng hợp TP.HCM)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2 (0,5 điểm)Nêu nội dung chính của văn bản?

Câu 3 (1,0 điểm)Theo anh/chị vì sao bà Helen Keller cho rằng: “Thành công bất ngờ” thường là kết quả của nhiều năm lao động chăm chỉ và âm thầm. Ỷ vào vinh quang thoáng chốc thường không phải là một sự lựa chọn?

Câu 4 (1,0 điểm)Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị ?

PHẦN II – LÀM VĂN(7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Trong sự dễ dàng và bình lặng, tính cách không thể phát triển được. Chỉ qua khó khăn thử thách, tâm hồn mới trở nên mạnh mẽ, khát vọng mới được khơi nguồn và thành công mới được gặt hái.

Câu 2 (5,0 điểm):

Phân tích nhân vật “khách” trong tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu.

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

————————HẾT———————–

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ SỐ 2

PHẦN I – ĐỌC HIỂU(3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính nghị luận.

Câu 2: Nội dung chính: Việc theo đuổi đam mê có thể sẽ mang lại nhiều phần thưởng, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống của bạn không có nhiều thách thức hoặc những đấu tranh.

Câu 3: Bà Helen Keller cho rằng: “Thành công bất ngờ” thường là kết quả của nhiều năm lao động chăm chỉ và âm thầm. Ỷ vào vinh quang thoáng chốc thường không phải là một sự lựa chọn: Vì có lao động cần cù, chăm chỉ thì mới có thể thành công. Còn nếu ỷ lại vào vinh quang thoáng chốc cũng đồng nghĩa với việc ta bằng lòng với thành công hiện tại và không còn mục tiêu phấn đấu.

Câu 4: Học sinh có thể trình bày suy nghĩ cá nhân, lí giải hợp lí. Có thể chọn một trong số gợi ý sau:

– Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng. Vì nó là sẽ giúp bản thân mỗi chúng ta vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, vươn lên và thành công.

– Thành công là quá trình lao động miệt mài, chăm chỉ và phải trải qua nhiều khó khăn, thất bại.

– Đừng hài lòng, ỷ lại vào vinh quang thoáng chốc.

PHẦN II – LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong phần Đọc hiểu: Trong sự dễ dàng và bình lặng, tính cách không thể phát triển được. Chỉ qua khó khăn thử thách, tâm hồn mới trở nên mạnh mẽ, khát vọng mới được khơi nguồn và thành công mới được gặt hái.

– Yêu cầu chung: HS phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ và chính kiến của mình để làm bài.

– Yêu cầu cụ thể:

+ Hình thức:

       • Viết đúng 01 đoạn văn, khoảng 200 từ. 

       • Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,…

+ Nội dung

       • Giải thích: Có thể hiểu “sự dễ dàng và bình lặng” là môi trường êm đềm, không có va chạm, không khó khăn, thử thách. 

=> Ý kiến trên khẳng định rằng qua những thử thách tính cách con người mới phát triển, từ đó mới có thể chạm tay tới thành công.

       • Bàn luận

            ‣ Cuộc sống “dễ dàng và bình lặng” ta sẽ không có nhu cầu trang bị những điều cần thiết để đối diện với khó khăn, thử thách. Chính vì thế mà khi bước ra khỏi nơi bình yên ấy ta dễ bị vấp ngã, cám dỗ và khó đứng dậy được; ta sẽ không biết giá trị của đấu tranh và niềm hạnh phúc.

            ‣ Nếu chúng ta can đảm thoát ra khỏi cuộc đời bình lặng, đối diện với gió to, sóng lớn, có thể vấp ngã nhưng sẽ rút ra được kinh nghiệm, bài học cho mình.

            ‣ Có trải qua những thử thách ta mới hiểu được giá trị của hạnh phúc, thành công đắt như thế nào.

            ‣ Cần phê phán những người có lối sống “thu mình vào vỏ ốc”, ngại thử thách, ngại đấu tranh.

       • Bài học nhận và hành động: Cuộc sống là vô vàn những điều biến động. Vì vậy, ta phải biết dấn thân vào khó nhăn thì mới thành công; sự dấn thân ấy sẽ giúp ta trở nên mạnh mẽ hơn, tự tin hơn.

Câu 2: Phân tích nhân vật “khách” trong tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu.

– Yêu cầu chung: 

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản. 

+ Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. 

+ Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.

– Yêu cầu cụ thể:

+ Giới thiệu vài nét về tác phẩm

       • Giới thiệu tác giả Trương Hán siêu, tác phẩm Phú sông Bạch Đằng (hoàn cảnh ra đời của bài phú). 

       • Khái quát chung về nhân vật “khách”: Là hình tượng sáng tạo nghệ thuật của tác giả để gửi gắm tình cảm, cảm xúc, tư tưởng.

+ Phân tích hình tượng nhân vật “khách” (3,0 điểm)

       • Khách có tâm hồn tự do, phóng khoáng: Giương buồm, giong gió, lướt bể chơi trăng mải miết. 

            ‣ Khách dạo chơi phong cảnh không chỉ để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên mà còn nghiên cứu cảnh trí của đất nước, bồi bổ tri thức. 

            ‣ Có hoài bão lớn lao: Nơi có…chẳng biết; Đầm Vân Mộng vẫn còn tha thiết. 

            ‣ Tráng chí của “khách” được gợi lên qua hai loại địa danh: 

                    º Các địa danh của Trung quốc: Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt, đầm Vân Mộng g Những vùng đất nổi tiếng, đều được khách đi qua bằng sách vở và trí tưởng tượng phong phú. 

                    º Một loạt các danh lam thắng cảnh của Đại Việt: cửa Đại Than, bến Đông Triều và nhân vật khách dừng chân ở Bạch Đằng, dòng sông của chiến công lịch sử vẻ vang của dân tộc. 

=> Tâm hồn say mê, chủ động đến với thiên nhiên, hành trình dài được khách thực hiện trong một ngày. Không gian, thời gian của cuộc hành trình đã nâng cao tầm vóc của khách.

       • Hình tượng “khách” qua những cảm xúc trước cảnh sông Bạch Đằng 

            ‣ Cảnh sắc thiên nhiên trên sông Bạch Đằng: hùng vĩ, thơ mộng, trữ tình: Bát ngát sóng kình muôn dặm, thướt tha đuôi trĩ một màu, nước trời một sắc, phong cảnh ba thu… 

            ‣ Tâm trạng của “khách”: 

                    º Vui mừng trước cảnh đẹp của sông nước, vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.

                    º Niềm tự hào trước dòng sông ghi dấu những chiến công lịch sử. 

                    º Buồn thương, tiếc nuối trước cảnh vật đổi thay, chiến trường xưa oanh liệt nay chỉ còn trơ trọi, hoang vu, hiu quạnh. 

→ Tư thế đứng lặng giờ lâu cho thấy tâm thế đắm chìm vào cảm xúc buồn thương, tiếc nuối của khách.

→ Khách có những phát hiện tinh tế, cụ thể vẻ đẹp cảnh sắc phong phú, đa dạng của sông Bạch Đằng. 

=> Là con người yêu thiên nhiên, tự hào về những cảnh sắc hào hùng gắn với lịch sử dân tộc.

       • Hình tượng “khách” qua niềm tự hào về những chiến công lịch sử

            ‣ Khách không trực tiếp tham gia vào câu chuyện của các vị bô lão nhưng câu chuyện về những chiến công vẻ vang của một thời lịch sử oanh liệt gắn với con sông Bạch Đằng đã gieo vào lòng khách niềm tự hào, kiêu hãnh về quá khứ hào hùng của dân tộc. 

            ‣ Khách đồng tình với các vị bô lão trong việc lí giải nguyên nhân của chiến thắng do thiên thời – địa lợi – nhân hòa và đặc biệt nhấn mạnh yếu tố con người.

            ‣ Lời ca của “khách”

                    º Cụ thể hóa chân lí của các bô lão đã bình luận ở trên: anh hùng lưu danh ở đây chính là hai vị thánh quân anh minh: Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông sẽ lưu danh muôn thuở, tiếng thơm lưu truyền mãi mãi. 

                    º Ca ngợi dòng sông Bạch Đằng lịch sử ghi dấu những chiến công anh hùng suốt chiều dài lịch sử đất nước. 

                    º Mượn ý trong câu thơ Đỗ Phủ “Tịnh tẩy giáp binh trường bất dục” (rửa sạch vũ khí mãi mãi không dùng đến): Mong muốn hòa bình. → Đây cũng chính là mục đích của những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. 

                    º Khẳng định vai trò của con người, đặc biệt là yếu tố nhân đức. → Quyết định làm nên chiến thắng.

+ Nghệ thuật:

       • Là đỉnh cao nghệ thuật của thể Phú trong văn học trung đại Việt Nam. 

       • Lời văn linh hoạt, ngôn ngữ trang trọng, hàm súc, hình tượng nghệ thuật sinh động. 

       • Sử dụng phép liệt kê, phóng đại, ẩn dụ. 

       • Cách kể và tả ngắn gọn nhưng giàu sức biểu đạt.

+ Đánh giá chung:

       • Khái quát nội dung và nghệ thuật xây dựng nhân vật. 

       • Với hình tượng nhân vật khách, bài phú thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc của tác giả.

+ Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

+ Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

Phòng Giáo dục và Đào tạo …..

Đề thi Giữa học kì 2

Môn: Ngữ văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề 3)

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa

Đã mười lần giặc đến tự biển Đông

Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử

Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng

…   

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

(Nguyễn Việt Chiến, Tổ quốc nhìn từ biển, NXB Phụ nữ, 2015, trang 7 – 8)

Câu 1 (0,5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản? 

Câu 2 (1,0 điểm): Câu thơ Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử được tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tên hai tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 10 có sử dụng địa danh Bạch Đằng. 

Câu 3 (1,5 điểm): Trong văn bản, tác giả suy ngẫm về Tổ quốc qua điểm nhìn nào? Điểm nhìn ấy cho anh chị nghĩ gì về Tổ quốc chúng ta? 

PHẦN II – LÀM VĂN(7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):  Lấy chủ đề Tổ quốc nhìn từ biển, anh chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (10 – 15 dòng).

Câu 2 (7,0 điểm): Bàn về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, PGS.TS Lã Nhâm Thìn viết: Đây là hình tượng tiêu biểu của kẻ sĩ cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà. (Lã Nhâm Thìn, Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, NXB Giáo dục, 2009, trang 7).

Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

————————HẾT———————–

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ SỐ 3

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt biểu cảm.

Câu 2:

– Biện pháp tu từ nhân hóa: Bạch Đằng cảm tử.

– Tác phẩm nhắc đến địa danh Bạch Đằng: Phú sông Bạch Đằng, Đại cáo Bình Ngô.        

Câu 3:

– Trong văn bản, tác giả suy ngẫm về Tổ quốc qua điểm nhìn từ biển, đề cập đến những hiểm họa và mất mát của Tổ quốc.

-Từ điểm nhìn ấy, có thể nhận thấy:

+ Trong lịch sử, đất nước Việt Nam luôn bị đe dọa bởi giặc ngoại xâm, chịu rất nhiều mất mát đau thương.

+ Dù phải đổ máu xương suốt ngàn đời, dân tộc ta vẫn luôn bất khuất, kiên cường bảo vệ từng tấc đất, mặt biển quê hương.

– Thí sinh có thể trình bày bài làm theo những cách khác, nhưng phải nhưng phải hợp lí, thuyết phục; giáo viên linh hoạt trong đánh giá.         

PHẦN II – LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: Lấy chủ đề Tổ quốc nhìn từ biển, anh chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (10 – 15 dòng).

– Yêu cầu về kĩ năng: biết cách viết đoạn văn; đoạn văn hoàn chỉnh, chặt chẽ; diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả; đảm bảo dung lượng như yêu cầu đề.

– Yêu cầu về kiến thức: Trình bày đúng chủ đề Tổ quốc nhìn từ biển, có thể triển khai:

+ Niềm tự hào về biển Việt Nam: lịch sử, địa lí, tài nguyên, vẻ đẹp;

+ Biển là một phần không thể thiếu của Tổ quốc.

+ Cần thấu hiểu, tự hào, bảo vệ biển.

– Thí sinh có thể trình bày bài làm theo những cách khác, nhưng phải nhưng phải hợp lí, thuyết phục; giáo viên linh hoạt trong đánh giá.         

Câu 2: Bàn về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, PGS.TS Lã Nhâm Thìn viết: Đây là hình tượng tiêu biểu của kẻ sĩ cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà. (Lã Nhâm Thìn – Phân tích tác phẩm văn học trung đại Việt Nam từ góc nhìn thể loại, NXB Giáo dục, 2009, trang 7). 

Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

– Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên để làm rõ ý kiến: Đây là hình tượng tiêu biểu của kẻ sĩ cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà.

– Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm, thể hiện sự cảm nhận cá nhân và vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng

+ Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật, nhận định.

+ Làm sáng tỏ nhận định qua nhân vật Ngô Tử Văn: Tính cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà của Ngô Tử Văn thể hiện qua:

       • Lời kể xuất hiện ở đầu câu chuyện của nhà văn

       • Hành động đốt đền trừ hại cho dân.

       • Tinh thần dũng cảm đấu tranh bảo vệ chính nghĩa khi ở Minh ti.

       • Việc nhận chức phán sự đền Tản Viên.

+ Đánh giá: 

       • Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Khắc họa tính cách nhân vật qua thái độ, lời nói, hành động của nhân vật; sử dụng kết hợp thành công hai yếu tố “kì” và “thực”.

+ Ý nghĩa của việc xây dựng nhân vật Tử Văn: Khẳng định niềm tin vào công lý: chính nghĩa thắng gian tà; tự hào về kẻ sĩ đất Việt, cũng là cách thể hiện lòng yêu nước.

– Sáng tạo

+ Ý mới mẻ, sâu sắc.

+ Chính tả, dùng từ, đặt câu.

Phòng Giáo dục và Đào tạo …..

Đề thi Giữa học kì 2

Môn: Ngữ văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề 4)

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

CHÂN QUÊ

Hôm qua em đi tỉnh về

Đợi em ở mãi con đê đầu làng

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng

Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?

Cái dây lưng chũi nhuộm hồi sang xuân?

Nào đâu cái áo tứ thân?

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em

Van em em hãy giữ nguyên quê mùa

Như hôm em đi lễ chùa

Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.

Hoa chanh nở giữa vườn chanh

Thầy u mình với chúng mình chân quê

Hôm qua em đi tỉnh về

Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

(Dẫn theo Nguyễn Bính – Thơ và đời, NXB Văn học)

Câu 1 (0,5 điểm): Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là gì?

Câu 2 (0,75 điểm): Xác định và nêu hiệu quả biểu đạt của hai biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong các câu thơ sau:

Nào đâu cái yếm lụa sồi?

Cái dây lưng chũi nhuộm hồi sang xuân?

Nào đâu cái áo tứ thân?

Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Câu 3 (0,75 điểm)Anh/chị có đồng tình với quan điểm của nhân vật trữ tình trong những câu thơ sau không? Vì sao? (Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng)

Nói ra sợ mất lòng em

Van em em hãy giữ nguyên quê mùa

Như hôm em đi lễ chùa

Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.

Câu 4 (1,0 điểm): Từ bài thơ, nêu suy nghĩ của anh/chị về việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

PHẦN II – LÀM VĂN(7,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (trích Truyền kỳ mạn lục) của Nguyễn Dữ.

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

————————HẾT———————–

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT ĐỀ SỐ 4

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Câu 2:

– Học sinh nêu hai biện pháp trong những biện pháp sau: Câu hỏi tu từ; điệp ngữ Nào đâu; liệt kê (các loại trang phục).

– Tác dụng: góp phần thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình: bất ngờ, ngỡ ngàng; xót xa, đau khổ và tiếc nuối trước sự thay đổi trong cách ăn mặc của người con gái mình yêu.

Câu 3: Học sinh bày tỏ sự đồng tình hoặc phản đối quan điểm của nhân vật trữ tình và có lí giải hợp lí. Nội dung câu trả lời phải thể hiện sự trân trọng với cách nói ý tứ, tế nhị và tình yêu tha thiết, chân thành, mộc mạc của chàng trai dành cho người mình yêu và sự trân trọng, giữ gìn truyền thống cha ông.

Câu 4: Học sinh đưa ra quan điểm cá nhân. Câu trả lời phải hợp lí, có sức thuyết phục.

– Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá riêng. Đó là sự kết tinh những giá trị văn hoá cơ bản, cốt lõi của dân tộc đã được thử thách qua năm tháng.

– Tuy nhiên giữ gìn bản sắc văn hoá không đồng nghĩa với từ chối tiếp nhận văn hoá của dân tộc khác.

– Muốn giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, cần phải có bản lĩnh văn hoá, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nước ngoài và phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc.

PHẦN II – LÀM VĂN(7,0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (trích Truyền kỳ mạn lục) của Nguyễn Dữ.

1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Đủ ba phần mở bài, thân bài, kết luận. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề. Kết bài thể hiện được ấn tượng, cảm xúc cá nhân.

2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (trích Truyền kỳ mạn lục) của Nguyễn Dữ.

3. Nội dung: Có thể trình bày theo định hướng sau:

a. Giới thiệu chung:

– Tác giả Nguyễn Dữ là “cây đại thụ của văn học Việt Nam thế kỉ XVI”.

– Giới thiệu về Truyền kì mạn lục: Được xem là “áng thiên cổ kì bút” trong nền văn học nước nhà, ghi chép những câu chuyện kì lạ trong dân gian.

– Giới thiệu về Chuyện chức phán sự đền Tản Viên và hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn.

b. Hình tượng Ngô Tử Văn

– Trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, tính cách nhân vật Ngô Tử Văn được khắc họa thông qua lời giới thiệu của tác giả và việc kể lại các hành động của nhân vật. Người đọc nhận ra phẩm chất khảng khái, cứng cỏi, giàu tinh thần dân tộc ở chàng.

* Phẩm chất cương trực, khảng khái, giàu tinh thần dân tộc:

– Nhân vật Ngô Tử Văn xuất hiện qua lời giới thiệu trực tiếp và ngắn gọn của người kể chuyện về tên tuổi, quê quán, tính tình và phẩm chất.

– Ngô Tử Văn được miêu tả là người “nóng nảy, khẳng khái, thấy sự gian tà thì không chịu được” đến mức “cả vùng Bắc vẫn khen anh là người cương trực”.

=> Lời giới thiệu ngắn gọn, có giọng điệu ngợi khen tạo cảm giác chân thực cho tác phẩm và có vai trò định hướng cho người đọc về tính cách nhân vật.

– Tính cách khảng khái, cương trực của Tử Văn được thể hiện rõ nét nhất qua hành động đốt đền tên Bách hộ họ Thôi (Lý do đốt đền; trước khi đốt đền Tử Văn “rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền”; sau khi đốt đền Tử Văn “vung tay không sợ gì cả”; ý nghĩa của hành động đốt đền…).

=> Hành động đốt đền của Tử Văn đã khẳng định tính cách khẳng khái, chính trực, căm ghét sự gian tà và thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ qua việc diệt trừ hồn ma tướng giặc, bảo vệ thổ thần nước Việt, người từng có công giúp Lý Nam Đế chống giặc ngoại xâm.

– Cuộc đấu tranh với hồn ma tên tướng giặc.

– Bản lĩnh của Tử Văn còn được thể hiện rõ nét qua cuộc trò chuyện với thổ công.

=> Tử Văn đã dám làm những việc mà đến cả thánh thần cũng không làm được, hành động vượt qua sự tưởng tượng của người thường, thể hiện tính cách cương trực, thẳng thắn, trọng nghĩa khí, bất bình và dám đấu tranh trước mọi phi lí ở đời.

* Sự dũng cảm, tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với cái ác:

– Một lần nữa, thủ pháp tương phản đối lập lại được nhà văn sử dụng để miêu tả cuộc đấu tranh của Tử Văn dưới âm ty với hồn ma tướng giặc, qua đó mài sắc thêm bản lĩnh cương trực, thẳng thắn của nhân vật.

=> Qua cuộc chiến chốn công đường, Tử Văn một lần nữa khẳng định tính cách bộc trực, khảng khái, quyết tâm đấu tranh đến cùng vì chính nghĩa, không nao núng trước khó khăn. Từng bước Ngô Tử Văn đánh lui tất cả sự phản công, kháng cự của kẻ thù, đánh gục hoàn toàn tên tướng giặc. Kết quả, Tử Văn giành chiến thắng, nhận chức phán sự đền Tản Viên. Chiến thắng của Tử Văn đã trừng trị thích đáng hồn ma tướng giặc, làm sáng tỏ nỗi oan khuất, bảo vệ thổ thần nước Việt, giải trừ tai họa cho nhân dân.

* Chi tiết kì ảo ở cuối tác phẩm: Tử Văn nhận chức phán sự đền Tản Viên.

– Phần thưởng xứng đáng cho những đấu tranh không khoan nhượng của Tử Văn với cái ác.

– Tạo ra một kết thúc có hậu rất quen thuộc trong văn học dân gian. Đây là lời khẳng định niềm tin của Nguyễn Dữ về sự chiến thắng của chính nghĩa trước cái phi nghĩa. Tử Văn đại diện cho chính nghĩa, thể hiện quan niệm của dân gian cái thiện tất thắng cái ác, những con người dũng cảm luôn chiến thắng mọi gian tà trong xã hội.

– Bộc lộ niềm tin và ước mơ của nhân dân và tác giả về xã hội công bằng, về sự chiến thắng của chính nghĩa trong xã hội. Đó là giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm.

c. Nghệ thuật miêu tả nhân vật :

– Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố thực và ảo tạo nên câu chuyện đầy li kì với sự xuất hiện của hồn ma, thế giới âm cung, những sự việc khác thường (nhân vật chết đi sống lại). Nguyễn Dữ đã lấy cái kì để nói cái thực, dùng chuyện xưa nói chuyện nay, tạo nên giá trị muôn đời cho tác phẩm.

– Nhân vật có tính cách riêng và được khắc họa qua nhiều mối quan hệ tạo tính chân thật sâu sắc cho hình tượng nhân vật.

– Cốt truyện được xây dựng đầy kịch tính: có thắt nút (Tử Văn đốt đền), có phát triển, có cao trào và giai đoạn cởi nút.

=> Sự hòa quyện của những đặc sắc nghệ thuật trên khiến cho Chuyện chức phán sự ở đền Tản Viên trở thành tác phẩm tiêu biểu cho thể loại truyền kì trong văn học Việt Nam.

4. Sáng tạo:

– Bộc lộ sự sáng tạo trong cách trình bày luận điểm, luận cứ, luận chứng; trong diễn đạt, tư duy.

– Có quan điểm, thái độ riêng, sâu sắc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

5. Ngôn ngữ diễn đạt trong sáng, giàu sức biểu cảm; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1061

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống