Bộ Đề Thi Ngữ Văn Lớp 11 (Có Lời Giải)

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 11: tại đây

Phòng Giáo dục và Đào tạo …..

Đề kiểm tra 1 tiết Học kì 1

Môn: Ngữ Văn lớp 11

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề 1)

Phần I. Đọc hiểu (4 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

   HỎI

Tôi hỏi đất:

– Đất sống với đất như thế nào ?

– Chúng tôi tôn cao nhau.

Tôi hỏi nước:

– Nước sống với nước như thế nào ?

– Chúng tôi làm đầy nhau.

Tôi hỏi cỏ:

– Cỏ sống với cỏ như thế nào?

– Chúng tôi đan vào nhau.

Làm nên những chân trời.

Tôi hỏi người:

– Người sống với người như thế nào ?

Tôi hỏi người:

– Người sống với người như thế nào ?

Tôi hỏi người:

– Người sống với người như thế nào ?”

      (Hữu Thỉnh)

Câu 1: Anh(chị) hãy giúp nhà thơ trả lời câu hỏi trong bài thơ trên bằng một, hai câu ngắn gọn?

Câu 2: Hãy nêu thông điệp mà nhà thơ muốn gửi đến cho bạn đọc?

Câu 3: Chỉ ra biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong văn bản? Tác dụng?

Câu 4: Cụm từ “ đan vào nhau” có ý nghĩa gì?

Câu 5: Tại sao nhà thơ lại đặt nhan đề bài thơ là “hỏi”?

Câu 6: Từ thông điệp của nhà thơ, anh(chị) hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ gì của mình về lối sống của con người trong xã hội hiện nay?

Phần II. Làm văn (6 điểm)

Đọc truyện “Tấm Cám”, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc sống đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?

Đáp án và thang điểm

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1: các câu trả lời nhắc đến lối sống đẹp của con người. Có thể trả lời một trong các trường hợp sau:

– Con người sống với nhau cần lòng vị tha và tình đoàn kết.

– Nhân ái và đoàn kết là sức mạnh của con người.

– Sống trên đời cần có một tấm lòng: nhân ái, vị tha, đoàn kết.

Câu 2 : với các câu trả lời nhắc tới thông điệp của nhà thơ về lối sống vị tha của con người.

– Nhà thơ khuyên con người xây dựng cho mình lối sống đẹp: nhân ái, vị tha, đoàn kết.

– Nhà thơ gủi gắm triết lý về lẽ sống cao đẹp.

– Nhà thơ phê phán lối sống cá nhân ích kỉ

Câu 3:

– Biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu: Lặp cấu trúc, điệp ngữ, câu hỏi tu từ

– Tác dụng: nhấn mạnh, khẳng định sự gắn bó tốt đẹp của con người bằng tình yêu thương, lòng vị tha, tấm lòng chân thành.

Câu 4: Nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, đoàn kết tạo nên sức mạnh.

Câu 5: Niềm băn khoăn, trăn trở của nhà thơ về mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội hiện nay.

Câu 6:

– Mặt tích cực trong quan hệ giữa con người với con người: nhiều con người trong xã hội đối xử với nhau bằng lòng nhân ái, tình yêu thương, vị tha họ làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn như: giúp đỡ người nghèo, những người lầm lỡ trở lại hoàn lương…

– Bên cạnh đó còn không ít người mất lương tâm đối xử tàn nhẫn với con người cả trong gia đình và ngoài xã hội(dẫn chứng)

– Quan điểm cá nhân về cách ứng xử giữa con người với con người.

Phần II: Làm văn

a. Mở Bài

– Tấm cám tuy là câu chuyện cổ tích đã cách chúng ta khá lâu nhưng vấn đề xã hội đặt ra trong câu chuyện ấy đến giờ vẫn còn nguyên giá trị giáo dục con người….. Bạn nên dẫn ra nội dung câu chuyện, từ đó cho thấy cuộc đấu tranh giữa thiện bao giờ cái thiện cũng giành chiến thắng.

b. Thân Bài

– Trong xã hội xưa: Nạn nhân của cái xấu thường là những người có hoàn cảnh đặc biệt: cô bé mồ côi, những người có ngoại hình xấu xí nhưng có tấm lòng nhân hậu. Truyện Tấm Cám cũng ko ngoại lệ, Tấm là 1 cô bé từ nhỏ đã phải chịu sự thiệt thòi vì mất mẹ từ nhỏ, người cha lấy vợ lẽ đã có một người con riêng ….

   + Cái ác luôn tàn nhẫn, nhiều thủ đoạn, đã chà đạp lên cái thiện như thế nào? (Mẹ con Cám giết Tấm mấy lần? Vì sao?)

   + Cái thiện không đơn độc mà luôn được sự giúp đỡ của mọi người. (Tấm được Bụt giúp đỡ)

   + Cái thiện đã vùng lên đấu tranh với cái ác ra sao? (Từ thụ động chỉ biết trông chờ vào Bụt, đến chủ động, Tấm tự đấu tranh giành hạnh phúc; phản ứng từ yếu ớt đến mạnh mẽ, quyết liệt như thế nào?)

– Trong xã hội nay:

   + Cái thiện và ác vẫn luôn song hành, bởi cuộc đời luôn có những bất công.

   + Cái ác càng nhiều thủ đoạn, càng thâm hiểm hơn.

   + Cái thiện phải xây dựng được vị trí xã hội vững chắc, lập trường vững vàng, phải đoàn kết để chống cái ác.

→ Dù là xã hội xưa hay nay thì phần thắng cuối cùng cũng nghiêng về cái THIỆN, và cái ÁC luôn bị tiêu diệt. Những người sống ác độc luôn phải chịu những hậu quả nặng nề.

– Quy luật: “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”

c. Kết bài

– Liên hệ bản thân rút ra bài học:

   + Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, tốt và xấu không chỉ tồn tại trong xã hội xưa và nay mà còn tồn tại trong bản thân mỗi người.

   + Cần xây dựng nhân cách tốt đẹp để vững vàng trước những tác động xấu.

   + Kiên quyết đấu tranh chống cái xấu, cái ác trong xã hội.

Phòng Giáo dục và Đào tạo …..

Đề kiểm tra 1 tiết Học kì 1

Môn: Ngữ Văn lớp 11

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề 2)

Phần I. Đọc hiểu (4 điểm)

Đọc kĩ văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

   Vịnh khoa thi Hương

   (Trần Tế Xương)

   “Nhà nước ba năm mở một khoa,

   Trường Nam thi lẫn với trường Hà.

   Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,

   Ậm ọe quan trường miệng thét loa.

   Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,

   Váy lê quét đất mụ đầm ra.

   Nhân tài đất Bắc nào ai đó,

   Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.

Câu 1: Xác định bối cảnh giao tiếp rộng và bối cảnh giao tiếp hẹp trong bài thơ “Vịnh khoa thi hương”?

Câu 2: Hai câu thơ đầu cho thấy kì thi có gì đặc biệt?

Câu 3: Nhận xét hình ảnh sĩ tử và quan trường?

Câu 4: Chỉ ra đặc sắc nghệ thuật trong hai câu thơ 5,6? Nêu tác dụng?

Câu 5: Viết đoạn văn phân tích tâm trạng, thái độ của nhà thơ trong hai câu thơ kết

Phần II. Làm văn (6 điểm)

Qua các bài thơ Bánh trôi nước, Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài Thương vợ của Trần Tế Xương, anh (chị) hiểu những gì về người phụ nữ Việt Nam thời xưa.

Đáp án và thang điểm

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1:

– Bối cảnh giao tiếp rộng: xã hội VN cuối thế kỉ XIX

– Bối cảnh giao tiếp hẹp: Kì thi năm Đinh Dậu (1897) toàn quyền Pháp Pôn-đu-me cùng vợ đến dự.

Câu 2:

– Kì thi có sự xáo trộn thiếu nề nếp quy củ trường thi ở Nam Định thi lẫn với trường thi Hà Nội.

– Nhà nước tổ chức chứ không phải triều đình.

Câu 3:

– Sĩ tử lôi thôi, luộm thuộm, nhếch nhác.

– Quan trường ậm ọe âm thanh ú ớ, nói không rõ tiếng, la lối hách dịch, vênh váo.

Câu 4:

– Đối: lọng cắm rợp trời >< váy lê quét đất; quan sứ đến >< mụ đầm ra.

– Tác dụng: tác giả châm biếm mạnh mẽ hình ảnh quan sứ được đón tiếp trọng thể, mụ đầm ăn mặc diêm dúa, điệu đáng. Tất cả đều phô trương hình, hình thức.

Câu 5: HS cần nêu được nội dung sau:

– Hai câu kết tác giả thức tỉnh các sĩ tử và nỗi xót xa của nhà thơ trước cảnh mất nước.

– Thấy được tấm lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc của nhà thơ.

Phần II: Làm văn

1. Mở bài: Giới thiệu hình ảnh người phụ nữ trong văn học nói chung.

Ví dụ: Trong kho tàng văn học Việt Nam có rất nhiều bài thơ nói lên thân phận của người phụ nữ phong kiến xưa. Họ phải chịu sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến “Tam tòng, tứ đức” ( tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử và công dung ngôn hạnh). Họ hầu như không có quyền quyết định cuộc đời mình, chỉ biết sống cam chịu và phục tùng. Cảm thông với số phận, thân phận và phẩm chất của người phụ nữ xưa, hai nhà thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương đã thay họ nói lên tiếng lòng mình qua các bài thơ như: Tự tình, Bánh trôi nước, Thương vợ

2. Thân bài

Các ý chính cần đạt là:

* Cảm hứng về người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương và thơ Trần Tế Xương.

* Qua ba bài thơ, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời xưa được thể hiện nổi bật những phẩm chất sau:

– Người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, gian nan, vất vả:

+ Ở bài Bánh trôi nước là thân phận trôi nổi lênh đênh của người phụ nữ. Họ không có quyền lựa chọn quyết định tình duyên, thậm chí là cuộc sống của mình. Đó là hình ảnh người phụ nữ mang dáng dấp của những người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục trong ca dao xưa.

+ Ở bài Thương vợ là hình ảnh người phụ nữ chịu thương chịu khó, lặn lội sớm khuya, vất vả quanh năm vì những gánh nặng cơm áo gạo tiền của gia đình.

+ Ở bài Tự tình là nỗi buồn về thân phận, về chuyện tình duyên, về hạnh phúc gia đình – những điều rất quan trọng và vô cùng có ý nghĩa đối với những người phụ nữ.

– Người phụ nữ với nhiều phẩm chất tốt đẹp và khao khát yêu thương:

+ Trong hai bài thơ của Hồ Xuân Hương, hình ảnh người phụ nữ còn hiện lên nổi bật với niềm khao khát yêu thương và khao khát được yêu thương mạnh mẽ.

+ Ở bài Thương vợ, hình ảnh bà Tú nổi bật với vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam nhân hậu, đảm đang, giàu đức hi sinh, yêu chồng thương con hết mực.

3. Kết bài: Tổng kết và đánh giá vấn đề nghị luận. Nêu cảm nghĩ của bản thân.

Ví dụ: Ngày nay thân phận người phụ nữ đã chiếm một vị trí quan trọng trong gia đình. Bởi lẽ cái xã hội “Trọng nam khinh nữ” đã bị xóa bỏ mà thay vào đó là một xã hội “công bằng, bình đẳng, nam nữ bình quyền”. Nhưng không vì thế mà người phụ nữ Việt Nam làm mất đi vẻ thuần phong mỹ tục vốn có của mình. Và vẫn giữ được phẩm chất, vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Viêt Nam, đảm đang tháo vác.

Phòng Giáo dục và Đào tạo …..

Đề kiểm tra 1 tiết Học kì 1

Môn: Ngữ Văn lớp 11

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề 3)

Phần I. Đọc hiểu (4 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4

   Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

   Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;

   Kính yêu từ trước đến sau,

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?

   Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;

   Có khi từng gác cheo leo,

Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.

   Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.

   Có khi bàn soạn câu văn,

Biết bao đông bích, điển phần trước sau.

      (Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục, 2012, trang 31)

Câu 1: Những biện pháp nghệ thuật nào đã được nhà thơ dùng để ôn lại những kỉ niệm về tình bạn thắm thiết?

Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ: “Bác Dương thôi đã thôi rồi”.

Câu 3: Nghĩa của từ “xuân” trong câu thơ: “Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân”.

Câu 4: Đoạn thơ trên cho anh/chị suy nghĩ gì về tình bạn của học sinh thời nay? (viết thành một đoạn văn ngắn khoảng 1/2 trang giấy).

Phần II. Làm văn (6 điểm)

Vẻ đẹp của hình tượng người nông dân trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu

Đáp án và thang điểm

Phần I: Đọc hiểu:

Câu 1. Phép điệp và liệt kê (đồng thời nêu được dẫn chứng minh họa) đã được nhà thơ dùng đề ôn lại những kỉ niệm về tình bạn thắm thiết.

Câu 2.

– Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu thơ “Bác Dương thôi đã thôi rồi”: nói giảm (nói tránh).

– Tác dụng: nhà thơ sợ phải nhắc đến một sự thật đau đớn; thể hiện tình cảm buồn thương, nuối tiếc… trong lòng mình.

Câu 3. Nghĩa của từ “xuân” trong câu thơ “Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân” chỉ chất men say của rượu ngon, đồng thời cũng có nghĩa bóng chỉ sức sống dạt dào của cuộc sống, tình cảm thắm thiết của bạn bè…

Câu 4. Suy nghĩ về tình bạn của học sinh thời nay.

– Ở câu này, giám khảo chấm điểm linh hoạt. Chỉ cho điểm tối đa khi học sinh viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

– Học sinh trình bày suy nghĩ của mình với thái độ chân thành, nghiêm túc, có thể theo định hướng sau:

+ Quan niệm về tình bạn, biết phân biệt các biểu hiện tốt và chưa tốt trong tình cảm bạn bè ở tuổi học sinh…

+ Thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa của tình bạn…

+ Bản thân phải làm gì để có tình bạn đẹp, có những người bạn tốt …

Phần II: Làm văn

1. Mở bài:

Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc là đỉnh cao sáng tác của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu bởi nó biểu hiện cao độ nhất, sâu sắc nhất tư tưởng yêu nước thương dân của ông. Với lòng cảm thương và khâm phục chân thành, nhà thơ đã xây dựng nên một tượng đài nghệ thuật bất hủ về người anh hùng nghĩa sĩ nông dân trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Có thể nói bài Văn tế là khúc ca bi tráng ca ngợi người nghĩa sĩ nông dân đã xả thân vì sự tồn vong của đất nước.

2. Thân bài: Các ý chính:

– Hoàn cảnh xuất thân: là những người lao động chất phác, giản dị, sống cuộc đời lam lũ, cơ cực (Cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó). Họ chỉ quen với việc đồng áng, hoàn toàn xa lạ với binh đao. (Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.)

– Những chuyển biến khi giặc Pháp tới xâm lược:

    + Tình cảm: Có lòng yêu nước (trông tin …), căm thù giặc sâu sắc (muốn tới ăn gan, muốn ra cắn cổ).

    + Nhận thức: Có ý thức trách nhiệm với Tổ quốc trong lúc lâm nguy (Một mối xa thư đồ sộ … treo dê bán chó)

    + Hành động tự nguyện và ý chí quyết tâm tiêu diệt giặc (Nào đợi ai đòi bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ …)

– Vẻ đẹp hào hùng của người nông dân nghĩa sĩ:

    + Mộc mạc giản dị (manh áo vải, ngọn tầm vông, lưỡi dao phay, rơm con cúi)

    + Rất mực nghĩa khí và với tinh thần xả thân cứu nước hết sức quả cảm (Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; chín chục trận binh thư, không chờ bày bố. […] Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bòn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt, tàu đồng súng nổ.)

3. Kết bài:

– Nguyền Đình Chiểu đã bất tử hóa hình tượng người nông dân yêu nước chống giặc ngoại xâm. Ông đã xây dựng được bức tượng đài nghệ thuật bất hủ về người nghĩa sĩ nông dân hiên ngang, dũng cảm trong tác phẳm của mình. Bài văn tế như một cái mốc, một minh chứng về tấm lòng yêu nước, về phẩm chất của người nông dân lao động.

– Tinh thần chiến đấu của người nghĩa binh nông dân là tấm lòng yêu nước nghìn đời đáng ghi nhớ và học tập.

Phòng Giáo dục và Đào tạo …..

Đề kiểm tra 1 tiết Học kì 1

Môn: Ngữ Văn lớp 11

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề 4)

Phần I. Đọc hiểu (4 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

“Người ta có thể yêu nhau và ghét nhau nhưng xin đừng hãm hại nhau. Tôi sợ lắm những gì mang đến bất hạnh cho con người. Hãy cố gắng mang đến cho nhau những giấc mơ, những giấc mơ làm nên hạnh phúc. Đi đâu, đến đâu cũng chỉ thấy những nụ cười. Những nụ cười như đóa hồng đứa bé cầm trên tay đi qua những phố rực rỡ một lòng yêu thương vô tận. Chúng ta hình như thừa bạo lực nhưng lại thiếu lòng nhân ái”.

   (Trích Viết bên bờ Loiret- Trịnh Công Sơn)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 2: Nêu ngắn gọn nội dung chính của đoạn trích?

Câu 3: Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn sau: “Những nụ cười như đóa hồng đứa bé cầm trên tay đi qua những phố rực rỡ một lòng yêu thương vô tận”?

Câu 4: Anh/ chị có đồng tình với ý kiến: “Chúng ta hình như thừa bạo lực nhưng lại thiếu lòng nhân ái” Vì sao?

Phần II. Làm văn (6 điểm)

Phân tích bức tranh phố huyện lúc về đêm cho đến khi đoàn tàu đi qua trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

Đáp án và thang điểm

Phần I: Đọc hiểu:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

Câu 2: Nội dung chính đoạn trích: Đoạn trích là lời cầu khẩn tha thiết về mối quan hệ tốt đẹp, nhân ái giữa con người với con người.

Câu 3:

– Biện pháp so sánh: Những nụ cười với đóa hồng đứa bé cầm trên tay đi qua những phố rực rỡ một lòng yêu thương vô tận

– Hiệu quả NT:

+ Tạo cách nói sinh động, giàu hình ảnh gợi cảm

+ Khẳng định ý nghĩa của những nụ cười yêu thương mà con người trao tặng cho nhau

Câu 4: Nêu rõ quan điểm đồng tình hay không đồng tình, lý giải hợp lí, thuyết phục.

(HS lựa chọn nêu quan điểm và lí giải được quan điểm đã nêu – GV linh hoạt khi chấm bài)

Phần II: Làm văn

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

– Không gian phố huyện lúc đêm khuya: Bóng tối tối dày đặc bao trùm lên phố huyện đối lập với ánh sáng nhỏ nhoi, mong manh. Thế giới bóng tối cũng chính là cuộc sống tăm tối và tù túng đang bao phủ con người

– Cuộc sống của con người nghèo khó, bấp bênh, bế tắc. Nhịp sống cứ lặp đi lặp lại một cách đơn điệu, quẩn quanh, tẻ nhạt, mỏi mòn, buồn chán. “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

– Phố huyện lúc chuyến tàu đêm đi qua:

* Khi tàu đến:

Từ xa: sự xuất hiện của người gác ghi. Ngọn lửa xanh biếc, một làn khói bừng sáng. Tiếng còi vang lại, tiếng xe rít mạnh vào ghi, tiếng hành khách ồn ào khe khẽ

Đến gần:Tiếng còi rít lên, tàu rầm rộ đi tới; lố nhố những người, các cửa kính sang trọng. các toa đèn sáng trưng, sang trọng, đồng và kền lấp lánh.

→ Tâm trạng vui mừng, hân hoan, hạnh phúc. Chuyến tàu tới làm cho phố huyện bừng sáng. Ánh sáng và âm thanh náo nhiệt của đoàn tàu đã phá vỡ màn đêm mênh mông và tịch mịch của phố huyện.

* Tàu đi qua:

– Những đốm than đỏ, chiếc đèn xanh… khuất sau rặng tre. Phố huyện tịch mịch và đầy bóng tối

→ nuối tiếc, lặng theo mơ tưởng về Hà Nội.

Đoàn tàu là biểu tượng về một thế giới tươi sáng và tốt đẹp hơn trong ước mơ của những người dân nơi phố huyện nghèo.

Tâm trạng của Liên:

– Gần gũi với thiên nhiên, với phố huyện

– Nhớ những kỉ niệm về Hà Nội – “một vùng sáng rực và lấp lánh”

– Cảm thông, dõi theo cuộc sống của những mảnh đời nghèo khổ nơi phố huyện

– Cố thức để được nhìn chuyến tàu đi qua – sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya

– Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu. Tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn, đôn hậu.

– Chờ đợi đoàn tàu trong niềm nuối tiếc về quá khứ, về Hà Nội, những ngày tháng hạnh phúc, ấm áp, sung túc khi xưa; ước mơ về một thế giới khác đi qua, rực rỡ, vui tươi, tràn đầy âm thanh và ánh sáng.

* Nghệ thuật: Nghệ thuật đối lập, miêu tả tâm lí nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu…

Kết thúc vấn đề: qua nhân vật Liên nhà văn bày tỏ sự xót thương sâu sắc với những kiếp người nhỏ bé, cơ cực; sự đồng cảm, trân trọng với ước mơ, khát vọng của con người.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 984

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống