Chương 1: Cơ học

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây

Giải Sách Bài Tập Vật Lí 6 – Bài 14: Mặt phẳng nghiêng giúp HS giải bài tập, nâng cao khả năng tư duy trừu tượng, khái quát, cũng như định lượng trong việc hình thành các khái niệm và định luật vật lí:

Bài 14.1. Cách nào trong các cách sau đây không làm giảm được độ nghiêng của một mặt phẳng nghiêng ?

A. tăng chiều dài mặt phẳng nghiêng

B. giảm chiều dài mặt phẳng nghiêng

C. giảm chiều cao kê mặt phẳng nghiêng

D. tăng chiều dài mặt phẳng nghiêng và đồng thời giảm chiều cao kê mặt phẳng nghiêng

Lời giải:

Chọn B

Vì giảm chiều dài mặt phẳng nghiêng không làm giảm được độ nghiêng của mặt phẳng còn các phương án A, C, D đều làm giảm độ nghiêng của mặt phẳng nên đáp án B là đúng.

Bài 14.2. Chọn từ thích hợp trong dấu ngoặc để điền vào chỗ trống của các câu sau :

a. Dùng mặt phẳng nghiêng có thể kéo vật lên với một lực…trọng lượng của vật (lớn hơn / nhỏ hơn / bằng)

b. Mặt phẳng nghiêng càng nghiêng ít thì lực cần để kéo vật trên mặt phẳng nghiêng… (càng tăng / càng giảm / không thay đổi)

c. Mặt phẳng nghiêng….thì lực cần để kéo vật trên mặt phẳng nghiêng càng tăng. (càng dốc thoai thoải / càng dốc đứng)

Lời giải:

a. Dùng mặt phẳng nghiêng có thể kéo vật lên với một lực nhỏ hơn trọng lượng của vật

b. Mặt phẳng nghiêng càng nghiêng ít thì lực cần để kéo vật trên mặt phẳng nghiêng càng giảm

c. Mặt phẳng nghiêng càng dốc đứng thì lực cần để kéo vật trên mặt phẳng nghiêng càng tăng.

Bài 14.3. Tại sao khi đạp xe lên dốc cậu bé trong hình 14.1 không đi thẳng dốc mà lại đi ngoằn ngoèo từ mép đường bên này chéo sang mép đường bên kia ?

Lời giải:

Cậu bé đi như vậy là đi theo đường ít nghiêng hơn, nên đỡ tốn lực nâng người lên hơn.

Bài 14.4. Tại sao đường ô tô qua đèo thường là đường ngoằn ngoèo rất dài?

Lời giải:

Đường ô tô qua đèo càng ngoằn ngoèo, càng dài thì độ dốc càng ít, lực kéo vật càng nhỏ nên ô tô dễ dàng đi lên đèo hơn.

Bài 14.5*. Dao mũi khoan có thể xoáy dễ dàng vào sâu trong gỗ; chiếc kích xe ôtô có trục xoắn ốc, có thể dễ dàng nâng dần xe nặng hàng mấy tấn lên từng nấc một cách dễ dàng

Hãy chứng tỏ mũi khoan, chiếc đinh vít, kích ô tô là một loại mặt phẳng nghiêng

Lời giải:

Dùng một tờ giấy hình tam giác vuông có dạng mặt phẳng nghiêng và quấn quanh một chiếc bút chì như hình trong sách bài tập để được hình b.

Đặt thẳng đứng hình b để có dạng cái đinh vít, mũi khoan trục xoắn ốc. Sản phẩm chúng ta làm ra đều là mặt phẳng nghiêng.

Giải thích tương tự đối với trường hợp của kích ôtô.

Như vậy mũi khoan, chiếc đinh vít, kích ô tô là một loại mặt phẳng nghiêng. Các dụng cụ này đều áp dụng nguyên tắc mặt phẳng nghiêng ví dụ chiếc kích thay vì nâng thẳng vật người ta quay trục xoắn 1 vòng làm cho kích nâng vật lên độ cao h thì phải đi theo một mặt nghiêng l = 2πR.

Bài 14.6. Dụng cụ nào sau đây là ứng dụng của mặt phẳng nghiêng ?

A. cái kéo

B.cầu thang gác

C.mái nhà

D. cái kìm

Lời giải:

Chọn B

Cầu tháng gác có một độ nghiêng nhất định, giúp con người có thể đi lại được nên nó là ứng dụng của mặt phẳng nghiêng.

Bài 14.7. Dùng một mặt phẳng nghiêng để đưa một vật nặng lên cao, có thể

A. làm thay đổi phương của trọng lực tác dụng lên vật

B. làm giảm trọng lượng của vật

C. kéo vật lên với lực kéo nhỏ hơn trọng lượng của vật

D. kéo vật lên với lực kéo lớn hơn trọng lượng của vật

Lời giải:

Chọn C

Khi sử dụng mặt phẳng nghiêng để đưa một vật nặng lên cao, có thể kéo vật lên với lực kéo nhỏ hơn trọng lượng của vật.

Bài 14.8. Để giảm độ lớn của lực kéo một vật nặng lên sàn ô tô tải bằng mặt phẳng nghiêng người ta có thể

A. tăng độ dài của mặt phẳng nghiêng

B. giảm độ dài của mặt phẳng nghiêng

C. tăng độ cao của mặt phẳng nghiêng

D. giảm độ cao của mặt phẳng nghiêng

Lời giải:

Chọn A

Để giảm độ lớn lực kéo thì ta cần giảm độ nghiêng của mặt phẳng, khi tăng độ dài của mặt phẳng nghiêng sẽ làm giảm độ nghiêng của mặt phẳng nên sử dụng ít lực hơn.

Bài 14.9. Sàn nhà cao hơn mặt đường 50cm. Để đưa một chiếc xe máy từ mặt đường vào nhà, người ta có thể sử dụng mặt phẳng nghiêng có độ dài l và độ cao h nào sau đây ?

A. l < 50cm; h = 50cm

B. l = 50cm; h = 50cm

C. l > 50cm; h < 50cm

D. l > 50cm; h = 50cm

Lời giải:

Chọn D

Sàn nhà cao hơn mặt đường 50cm tương ứng sử dụng mặt phẳng nghiêng có độ cao h = 50cm và chiều dài của mặt phẳng l > 50cm.

Bài 14.10. Để đưa các thùng dầu lên xe tải, một người đã lần lượt dùng bốn tấm ván làm mặt phẳng nghiêng. Biết với bốn tấm ván này người đó đã đẩy thùng dầu đi lên các lực lần lượt là: F1 = 1000N; F2 = 200N; F3 = 500N; F4 = 1200N. Hỏi tấm ván nào dài nhất

A. tấm ván 1

B. tấm ván 2

C. tấm ván 3

D. tấm ván 4

Lời giải:

Chọn B.

Vì độ lớn của lực kéo tỉ lệ với độ nghiêng của tấm ván. Khi lực kéo nhỏ thì độ nghiêng của tấm ván nhỏ và tấm ván càng dài.

Trong trường hợp này F2 = 200N là nhỏ nhất vì vậy tấm ván 2 nghiêng ít nhất tức là nó có chiều dài là dài nhất.

Bài 14.11. Biết độ dài của mặt phẳng nghiêng lớn hơn độ cao bao nhiêu lần thì lực dùng để kéo vật lên cao có thể nhỏ hơn trọng lượng của vật bấy nhiêu lần. Muốn kéo một vật nặng 2000N lên cao 1,2m với lực kéo 500N thì phải dùng mặt phẳng nghiêng có độ dài l bằng bao nhiêu?

A. l ≥ 4,8m

B. l < 4,8m

C. l = 4m

D. l = 2,4m

Lời giải:

Chọn A

Ta có lực kéo nhỏ hơn trọng lượng của vật số lần: 2000:500 = 4 (lần)

Vậy chiều dài l phải lớn hơn độ cao h là 4 lần: l ≥ 4.1,2 = 4,8(m)

Bài 14.12. Cầu thang đi bộ nối một tầng lên tầng kế tiếp thường được xây như trong hình 14.3, không xây như trong hình 14.2 là để

A. làm cho kết cấu của căn nhà vững hơn

B. làm cho căn nhà trở nên đẹp hơn

C. làm giảm độ nghiêng (độ dốc) của cầu thang để tăng lực nâng cơ thể từ bậc thang này lên bậc thang kế tiếp

D. làm giảm độ nghiêng của cầu thang để giảm lực nâng cơ thể từ bậc thang này lên bậc thang kế tiếp

Lời giải:

Chọn D

Để tăng chiều dài vì vậy làm giảm độ nghiêng của cầu thang để giảm lực nâng cơ thể từ bậc thang này lên bậc thang kế tiếp.

Bài 14.13. Hình 14.4 vẽ các mặt phẳng nghiêng dùng ở xe tải chở hàng, xe tải chở cát hoặc than (xe ben), băng chuyền.

Có thể thay đổi độ nghiêng của mặt phẳng nghiêng trong các phương tiện vận chuyển bằng cách nào?

A. Đối với xe tải: thay đổi độ cao

Đối với xe ben: thay đổi độ dài

Đối với băng chuyền: thay đổi độ cao

B. Đối với xe tải: thay đổi độ dài

Đối với xe ben: thay đổi độ cao

Đối với băng chuyền: thay đổi độ dài

C. Đối với xe tải: thay đổi độ cao

Đối với xe ben: thay đổi độ cao

Đối với băng chuyền: thay đổi độ cao

D. Đối với xe tải: thay đổi độ dài

Đối với xe ben: thay đổi độ dài

Đối với băng chuyền: thay đổi độ dài

Lời giải:

Chọn B

Có thể thay đổi độ nghiêng của mặt phẳng nghiêng trong các phương tiện vận chuyển bằng cách:

     + Đối với xe tải: thay đổi độ dài

     + Đối với xe ben: thay đổi độ cao

     + Đối với băng chuyền: thay đổi độ dài

Bài 14.14. Hình 14.5 vẽ hai vật: vật A, khối lượng mA và vật B khối lượng mB, nằm trên hai mặt phẳng nghiêng và được nối với nhau bằng một sợi dây vắt qua một ròng rọc. Nếu gọi độ dài và độ cao của mặt phẳng nghiêng có vật A là lA và hA; của mặt phẳng nghiêng có vật B là lB và hB. Khi hai vật đang nằm yên thì

A. mA > mB vì lA > lB

B. mA < mB vì lA < lB

C. mA < mB vì lA > lB

D. mA = mB vì lA = lB

Lời giải:

Chọn A.

Khi vật đang ở trạng thái đứng yên thì lực kéo của sợi dây vào vật A và vật B là bằng nhau.

Do vật A nằm trên mặt nghiêng nghiêng ít hơn so với mặt nghiêng của B (lA > lB) nên PA > PB. Suy ra mA > mB.

Bài 14.15. Nếu tăng dần độ nghiêng của tấm ván AB hình 14.6 thì lò xo dãn ra hay co lại? Tại sao ?

Lời giải:

Khi tăng độ nghiêng của tấm ván AB, lực do vật nặng tác dụng lên lò xo tăng lên làm cho lò xo dãn thêm ra.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 939

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống