Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7: tại đây
A. Soạn bài Chương trình địa phương (phần Văn và Tập làm văn) (cực ngắn)
Nội dung bài học
20 câu ca dao, dân ca, tục ngữ về Hà Nội
1. Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
2. Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
3. Ai qua phố Nhổn, phố La
Dừng chân ăn miếng chả pha thơm giòn
4. Gắng công kén hộ cốm Vòng
Kén chồng Bạch Hạc cho lòng ai vui.
5. Nhác trông lên chốn kinh đô
Kìa đền Quán Thánh, nọ hồ Hoàn Gươm.
6. Đường về xứ bắc xa xa
Có về Hà Nội với ta thì về
Đường thủy thì tiện thuyền bè
Đường bộ cứ bến Bồ Đề mà sang
7. Bao giờ lấp ngã ba Chanh
Để ta gánh đá xây thành Cổ Loa.
8. Thanh Trì có bánh cuốn ngon
Có gò Ngũ Nhạc, có con sông Hồng
Thanh Trì cảnh đẹp người đông
Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh.
9. Sông Tô nước chảy trong ngần
Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa
Thon thon hai mũi chèo hoa
Lướt đi lướt lại như là bướm bay.
10. The La, lĩnh Bưởi, sồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên.
11. Thứ nhất là Hội Cổ Loa
Thứ nhì Hội Gióng, thứ ba Hội Chèm.
12. Ai ơi mồng chín tháng tư
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời.
13. Tháng giêng giỗ Thánh Sóc Sơn
Tháng ba giỗ Tổ Hùng Vương nhớ về.
14. Bỏ con bỏ cháu, không bỏ mồng sáu tháng giêng.
Mồng sáu tháng giêng là ngày hội Cổ Loa, hội đền Sóc.
15. Mỗi năm vào dịp xuân sang
Em về Triều Khúc xem làng hội xuân…
16. Nhớ ngày hăm ba tháng ba
Dân Trại ta vượt Nhị Hà thăm quê…
Là hội làng Lệ Mật.
17. Lạy trời cho cả gió lên
Cho cờ vua Bình Định bay trên kinh thành.
18. Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn.
19. Đống Đa ghi để lại đây
Bên kia Thanh Miếu, bên này Bộc Am.
20. Long thành bao quản nắng mưa
Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây…
B. Kiến thức cơ bản
I. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Học sinh sưu tầm những câu ca dao, dân ca, tục ngữ lưu hành ở địa phương mình, nhất là những câu đặc sắc, mang tính địa phương (mang tên riêng địa phương, nói về sản vật, di tích, thắng cảnh, danh nhân, sự tích, từ ngữ địa phương,…)
2. Mỗi học sinh ít nhất ghi được 20 câu.
II. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
1. Cách sưu tầm:
+ Tìm hỏi người địa phương.
+ Chép lại từ sách báo ở địa phương.
+ Tìm các sách ca dao, tục ngữ viết về địa phương.
2. Kết quả:
a. Mang tên riêng địa phương:
– Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
(Tên sông, tên đất ở Nam Bộ)
– Hải Vân bát ngát ngàn trùng
Hòn Hồng ở đấy là trong Vịnh Hàn.
(Trung Bộ)
b. Nói về sản vật địa phương
– Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm
Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây.
(Một số đặc sản ở Hà Nội)
– Dưa La, húng Láng, nem Bảng, tương Bần,
Nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét.
(Một số đặc sản ở các địa phương)
– Ai về nhớ vải Định Hòa
Nhớ cau Hổ Bái, nhớ cà Đan Nê
Nhớ dừa Quảng Hán, Lựu Khê
Nhớ cam chợ Bản, thịt dê Quán Lào.
(Thanh Hóa)
c. Nói về di tích, thắng cảnh địa phương:
– Đồng Đăng có phố Kì Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
(Lạng Sơn)
– Đông Ba, Gia Hội hai cầu
Ngó lên Diệu Đế bốn lầu hai chuông.
(Huế)
d. Nói về danh nhân, lịch sử địa phương:
– Ai về đến huyện Đông Anh
Ghé thăm phong cảnh Loa Thành Thục Vương.
(Hà Nội)
– Thùng thùng trống đánh quân sang,
Chợ Già trước mặt, quán Nam bên đàng.
Qua Chiêng thì rẽ sang Giàng,
Qua quán Đông Thổ vào làng Đình Hương.
Anh đi theo chúa Tây Sơn
Em về cày cuốc mà thương mẹ già.
(Thanh Hóa)
e. Được diễn đạt bằng từ ngữ địa phương:
– Ai ơi về miệt Tháp Mười
Cá Tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn.
(Vùng đồng bằng Nam Bộ)
– Rồi mùa toóc rã, rơm khô
Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm.
(Vùng Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên)
(miệt: vùng, miền; lúa trời: giống lúa mọc hoang; toóc: rạ; mô: đâu)