Văn mẫu lớp 10 Học kì 1

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây

Đề bài: Dàn ý Đóng vai nhân vật Trọng Thủy kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy.

Dàn ý mẫu

I. Mở bài

– Trọng Thủy xưng tôi giới thiệu về sự về sự xuất thân cả mình.

– Dùng lời Trọng Thủy, dẫn dắt vào câu chuyện

I.. Thân bài

1. Trọng Thủy kể về lí do xuất hiện của mình trên mảnh đất Âu Lạc

– Cha ta thất bại trong cuộc chiến xâm lược Âu Lạc do đất nước này có vũ khí lợi hai.

– Nuôi lòng uất hận và chí phục thù, thôn tính bằng được Âu Lạc, cha sai ta sang ở rể và làm gián điệp. Ban đầu không chấp nhận, sau đó nhận ra được ý đồ của cha nên bằng lòng.

2. Trọng Thủy kể về quá trình lừa dối Mị Châu.

– Ban đầu sang Âu Lạc chỉ với tham vọng lấy cắp nỏ thần, tiêu diệt Âu Lạc, nhưng không ngờ tôi lại đem lòng yêu Mị Châu.

– Tuy nhiên, tình riêng không thắng nổi chí lớn, ta buộc phải lừa dối Mị Châu.

     + Dụ Mị Châu dẫn đi thăm thú Âu Lạc, ngắm nhìn báu vật quốc gia

   • Phát biểu một vài cảm nhận về đất nước Âu Lạc: rộng lớn, thành trì kiên cố, thành cao hào sâu.

   • Mị Châu kể cho ta về quá trình xây thành và chế nỏ: Ban đầu rất vất vả, khó khăn nhưng được Rùa Vàng giúp đỡ

→ Ta nắm được toàn bộ về đặc điểm của đối thủ

     + Lợi dụng lòng tin của Mị Châu để học cách sử dụng nỏ thần.

     + Trước sự ngây thơ, cả tin của Mị Châu, lừa dối nàng để đuổi cùng giết tận

   • Ta đã nói những lời dự báo với nàng nhưng Mị Châu không chút nghi ngờ

   • Nàng rắc lông ngỗng chỉ đường cho ta đuổi theo.

3. Trọng Thủy kể về quá trình đánh chiếm Âu Lạc

– Mang nỏ thần về, vua cha vô cùng sung sướng lập tức đem quân đánh Âu Lạc

– An Dương Vương chủ quan vẫn đinh ninh có bảo vật trong tay bên coi thường, điềm nhiên đánh cờ.

– Cha con ta đem quân đuổi theo vết lông ngỗng của Mị Châu đến bờ biển thì mất dấu vết.

4. Trọng Thủy kể về cái chết của Mị Châu và quyết định tự vẫn của mình.

– Ta bắt tên lính còn sống sót tra hỏi thì được biết An Dương Vương đã rẽ sừng tê 7 tấc theo Rùa Vàng xuống biển. Mị Châu bị Rùa Vàng kết tội nên bị vua cha chém chết, trước khi chết nàng đã khấn để bày tỏ lòng trong sạch của mình. Máu của nàng chảy xuống biển trai sò ăn phải đều hóa ngọc.

– Ta ôm xác Mị Châu mà khóc, lòng đau khổ, xót xa ân hận vô cùng.

– Vì quá thương nhớ nàng, khi đi tắm nhìn xuống giếng, thấy bóng nàng, ta đã nhảy xuống. Trước khi xuống gặp nàng, ta khấn nếu nàng chịu tha thứ cho ta, hãy đem ngọc trai đem rửa xuống giếng nước thì ngọc sẽ sáng hơn.

I.I. Kết bài

Tưởng tượng một kết thúc mới cho câu chuyện.

Gợi ý: Hai người đoàn tụ ở kiếp sau, Mị Châu tha thứ cho Trọng Thủy.

Đề bài: Đóng vai nhân vật Trọng Thủy kể lại truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy.

Bài văn mẫu

     Lòng ta quặn thắt khi nhìn thấy thi thể nàng, ta đứng lặng hồi lâu nhìn dòng máu đỏ thẫm chảy xuống biển. Ta một kẻ vô tâm đã không nhận ra tình yêu Mị Châu dành cho mình, ta một kẻ mù quáng vì quyền lực. Nàng chết rồi ta biết phải sống sao, cuộc đời ta biết sẽ đi về đâu khi thiếu tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc của nàng. Ta ngã khụy, ôm xác nàng Mị Châu mà khóc. Ông trời đã trêu đùa tình yêu của ta và nàng quá rồi…

     Ta vẫn còn nhớ ngày vua cha (Triệu Đà) thất bại thảm hại sau đợt tấn công với vua An Dương Vương nước Âu Lạc, khuôn mặt cha sa sầm, ánh mắt bừng bừng giận dữ. Âu Lạc vốn là vùng đất phía Nam đất nước ta, đó là nơi thiên nhiên, sản vật vô cùng phong phú, tốt tươi, thuận tiện giao thương buôn bán. Từ lâu vua cha ta đã muốn chiếm vùng đất đó. Nhưng quân đội Âu Lạc rất tài giỏi, vũ khí tối tân nên nhiều lần cha ta đem quân tấn công mà chỉ nhận về thất bại. Ta là con cả, nhưng cũng không biết làm gì hơn, chỉ biết động viên cha dưỡng sức, luyện tập quân đội chờ đến lần sau.

     Sau mấy ngày, cha nguôi ngoai và bỗng gọi ta vào ngự phòng nói chuyện riêng. Cha yêu cầu ta hãy sang nước Âu Lạc lấy nàng Mị Châu và phải lấy cho bằng được bí mật của đất nước Âu Lạc về đây. Phận làm con lại là bề tôi, ta không thể nào làm trái ý cha. Ta nhận lời mà lòng đầy băn khoăn, bởi ta không biết nàng Mị Châu là ai, ta không yêu nàng sao có thể nên duyên, và liệu ta có thể làm tròn sứ mệnh mà vua cha giao cho.

     Ngày ta và vua cha nhận được lời đồng ý kết duyên của vua An Dương Vương ta và cha vô cùng sung sướng. Ta luôn nghĩ rằng An Dương Vương không quên lòng dạ phương Bắc, luôn hòng chiếm phương Nam nên sẽ không bao giờ đồng ý. Nào ngờ… Vậy là ông trời đã giúp cha con ta một bước. Cha con ta nhanh chóng chuẩn bị lễ vật, cử hành hôn lễ và cũng là để sớm thực hiện âm mưu như đã trù tính trước đó.

     Trước khi sang Âu Lạc ta đã tìm hiểu qua về nàng Mị Châu – vợ tương lai của ta. Nàng là người con gái xinh đẹp, hiền thục, nết na lại là con duy nhất của vua An Dương Vương nên rất được cưng chiều.

     Ngày diễn ra hôn lễ, ai cũng vui mừng, nhất là vua cha ta, bởi kế hoạch của ông đã từng bước thành công. Còn ta lòng nặng trĩu ưu tư và lo lắng, sứ mệnh cao cả đó liệu ta có thể hoàn thành, và sau khi hoàn thành ta biết sẽ phải cư xử ra sao với nàng Mị Châu.

     Sau lễ kết kết hôn ta chính thức trở thành con rể của nước Âu Lạc, theo phong tục nơi đây ta về sống cùng Mị Châu. Nàng là người con gái dịu dàng, nữ tính, trong sáng và vô cùng thơ ngây. Nàng yêu ta, chăm lo cho ta, điều này ta biết rõ, từng ánh mắt, từng lời nàng nói tràn đầy âu yếm và tin yêu. Ta luôn đáp lại nàng bằng sự hời hợt, ta lấy nàng là nhiệm vụ nên yêu nàng cũng chỉ là một công việc. Thực lòng ta chưa bao giờ yêu Mị Châu thật tâm. Chỉ vì lúc ấy ý nghĩ chiếm đoạt bảo vật của Âu Lạc quá lớn đã khiến đầu óc ta lu mờ, ta không ngờ rằng ta đã yêu nàng tự lúc nào không hay.

     Rồi ngày ấy cũng đến, nhân cơ hội An Dương Vương ra ngoài đi săn, ta đã thủ thỉ tâm tình và xin Mị Châu cho xem trộm nỏ thần. Thoáng trên gương mặt nàng ta thấy có sự thay đổi, nàng nhìn thẳng mắt ta rồi vội quay đi ngay. Có lẽ nàng đã nhận ra chăng? Nhưng vì tình yêu với ta quá lớn, nên nàng đã mù quáng mà cho ta xem nỏ thần, mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch, ta đã đánh tráo được lẫy nỏ khác thay cho lẫy Rùa Vàng mà Mị Châu không hề hay biết. Xong việc ta nói dối với nàng về thăm cha:

     – Tình vợ chồng không thể lãng quên, nghĩa mẹ cha không thể dứt bỏ. Ta nay trở về thăm cha, nếu như đến lúc hai nước thất hòa, Bắc Nam cách biệt, ta lại tìm nàng, lấy gì làm dấu.

     Nàng thật thà đáp:

     – Thiếp phận nữ nhi, nếu gặp cảnh biệt lit hì đau đớn khôn xiết. Thiếp có áo gấm lông ngỗng thường mặc trên mình, đi đến đâu sẽ rứt lông mà rắc ở ngã ba đường để làm dấu, như vậy sẽ có thể cứu được nhau.

     Những lời nàng nói vẫn văng vẳng bên tai ta, ta độc ác quá, trong lúc đó ta chỉ cốt nghĩa sao cho diệt tận gốc cha con nàng, mà chẳng hề nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng bao lâu nay nàng nhọc công vun đắp.

     Ta trở về lòng hả hê với chiến công mình lập. Vua cha ta đem quân sang đánh, An Dương Vương cậy có nỏ thần mà không phòng bị nên đã thất bại thảm hại, ông phải bỏ chạy cùng con gái. Trên đà chiến thắng, ta lần theo dấu lông ngỗng Mị Châu để lại làm dấu hòng bắt sống cha con An Dương Vương. Nhưng khi ta đến nơi chỉ còn lại những sợi lông ngỗng trắng thẫm máu người vợ, người con gái ta yêu. Vua An Dương Vương đã không còn ở đó nữa.

     Ta ôm nàng vào lòng mà gào lớn: “Mị Châu… ta đã sai rồi. Là ta đã hại chết nàng, ….”. Ta gào khóc khản cổ cũng không còn thấy đâu giọng nói trọng trẻo, dịu dàng ấy nữa. Đôi bàn tay trắng trẻo mềm mại ngày ngày vẫn mang cơm, bưng nước, pha trà và vuốt ve âu yếm vào má ta nay không còn nữa. Ta nhớ da diết, nhớ đến thắt tim những cử chỉ nũng nịu của nàng. Giờ ta chỉ mong thấy nàng một lần nữa, thấy nụ cười duyên dáng, thấy đôi má hồng đào thì dù ta phải trả bất cứ giá nào ta cũng ưng thuận.

     Ta đem xác nàng về chôn ở Loa Thành, thì thật kì lạ xác nàng hóa thành ngọc thạch. Giành được Âu Lạc, ta là người có công lớn nhất, vua cha ban thưởng hậu hĩnh, nhưng ta chẳng màng đến, giờ tâm trí ta chỉ có mình nàng, người vợ bé nhỏ của ta. Ta sống thu mình khép kín, đêm đến hễ nhắm mắt là hình bóng nàng lại xuất hiện.

     Không lâu sau đó, khi ta đi tắm ở giếng, nhìn xuống thấy bóng Mị Châu đưa tay với, ta vui mừng, vội vàng với theo nàng, ta đã phải chờ đợi biết bao lâu nay nàng mới xuất hiện, ta phải nắm lấy tay nàng trước khi nàng biến mất. Có những tiếng gọi ta từ xa, nhưng ta mặc kệ, ta phải theo Mị Châu và ta đã mãi mãi được ở bên nàng.

Đề bài: Dàn ý Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình

Dàn ý mẫu

I. Mở bài

– Giới thiệu về đối tượng được kể bằng ngôi thứ nhất (gợi ý bài làm: Cô giáo)

– Trình bày hoàn cảnh gợi nhớ lại kỉ niệm (nằm mơ thấy cô, tình cờ gặp lại cô hoặc hỏi thăm được tin tức về cô,…) (gợi ý bài làm: Tình cờ gặp lại cô khi đi công tác, hai người đã trở thành đồng nghiệp)

I.. Thân bài

1. Cảm xúc khi gặp lại cô (dùng ngôi thứ nhất, xưng tôi trực tiếp nói lên cảm xúc)

– Vui mừng, xúc động, hạnh phúc khi gặp lại cô (Chạy tới chào hỏi, ôm lấy cô, hỏi thăm cô..)

– Mừng rỡ khi cô vẫn còn nhận ra mình

– Hai cô trò ôn lại kỉ niệm, mừng mừng tủi tủi, vô cùng xúc động.

2. Hồi tưởng lại hình ảnh của cô giáo (dùng ngôi thứ nhất xưng tôi để kể chuyện)

– Tên, tuổi, ngoại hình (nhấn mạnh vào đặc điểm ngoại hình mà mình ấn tượng nhất về cô: đôi mắt, mái tóc, làn da,..), cử chỉ, giọng nói,…

– Tính cách của cô: Dịu dàng nhưng cũng vô cùng cương quyết, mạnh mẽ

→ Tôi không bao giờ quên được hình bóng của cô.

3. Kỉ niệm sâu sắc cùng cô.

– Thời gian: Đó khi tôi vừa bước chân vào trường THPT.

– Học ở ngôi trường mới, bạn bè mới, chương trình học mới khó hơn, nặng hơn khiến tôi không thể thích nghi ngay, bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng và áp lực, chán nản và không muốn tới trường.

– Bố mẹ đặt nhiều kì vọng, bạn bè mới chưa thân quen nên không biết chia sẻ cùng ai.

– Cô giáo là người đã tinh tế nhìn ra vấn đề tôi đang gặp phải

– Cuối giờ học, cô gặp tôi để trò chuyện, cô tỏ ra rất đồng cảm với tôi, cô giúp tôi có những suy nghĩ tích cực hơn.

– Trong mỗi tiết học, cô quan tâm chú ý tôi, giảng cho tôi cặn kẽ những điều tôi còn chưa hiểu, cô còn chủ động nhờ các thầy cô giáo bộ môn kèm thêm cho tôi.

– Cô thường xuyên cử tôi tham gia các hoạt động tập thể của lớp giúp tôi tự tin và thân thiết hơn với các bạn.

– Cô liên lạc với bố mẹ tôi về tình hình của tôi, chia sẻ để bố mẹ tôi cùng quan tâm, động viên tôi.

– Nhờ có cô giúp đỡ tôi học hành tiến bộ, tự tin, hòa đồng hơn, lấy lại được tâm thế và phong độ của mình.

– Một thời gian sau cô chuyển trường, hai cô trò không còn liên lạc được với nhau.

→ Mỗi lần nhìn lại quãng thời gian đã qua, lại nhớ ngay đến những khoảnh khắc của quãng thời gian đó, nhớ lại những kỉ niệm bên cô, được cô dẫn dắt từ bóng tối ra ngoài ánh sáng.

4. Cảm xúc của mình khi nhớ lại kỉ niệm đó

– Đó là kỉ niệm suốt đời không bao giờ quên vì nó gắn với một bước ngoặt lớn của cuộc đời

– Nhớ và biết ơn cô rất nhiều vì đã giúp mình vượt qua thời gian khủng hoảng

– Kính trọng và cảm phục vì sự tâm, tận lực, yêu nghề, yêu học sinh của cô.

5. Cảm xúc khi chia tay cô

– Cô trò bịn rịn lưu luyến

– Hứa hẹn ngày gặp mặt.

I.I. Kết bài

– Khái quát lại tình cảm thầy trò gắn với kỉ niệm được cô dìu dắt qua khỏi thời gian khủng hoảng của năm đầu cấp

– Tự hứa với lòng mình, thầm hứa với cô sẽ trở thành một người giáo viên tốt như cô.

Đề bài: Kể lại một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm gia đình.

Bài văn mẫu – kỉ niệm về Mẹ

     Mẹ tôi!

     Ba mẹ tôi chia tay từ sớm, mẹ đưa tôi rời bỏ quê hương đến một vùng đất mới để sinh sống. Khi ấy tôi còn nhỏ tôi chưa biết thế nào là cực khổ, vất vả, tôi chỉ biết gia đình tôi nghèo hơn những gia đình khác. Nếu mâm cơm bình thường mọi nhà mỗi người sẽ có một quả trứng, thì nhà tôi chỉ có duy nhất một quả cho hai mẹ con. Nếu nhà mọi người được làm bằng gỗ, láng si măng thì nhà tôi được quây lại bằng những phên nứa ọp ẹp mà chỉ cần một cơn mưa to là có thể đổ ập. Nhưng mẹ tôi là một người phụ nữ kiên cường. Những năm đói khổ ấy mẹ vẫn vững vàng trước mọi giông tố nuôi tôi khôn lớn.

     Mẹ tôi nhỏ người, thấp và gầy. Khuôn mặt mẹ tròn và những đường nét trên mặt rất đẹp. Dù phải chịu nhiều vất vả, khổ cực nhưng cũng không làm phai mờ nét đẹp đó của mẹ. Đôi lông mày đen dài dài, uốn cong cong, ôm trọn lấy đôi mắt trong, sáng và có hồn. Đôi mắt mẹ, tôi ít thấy tươi vui, trong mắt ngập đầy nỗi buồn và ưu tư. Nhưng cũng có đôi khi tôi thấy đôi mắt ấy cười, nhất là những ngày mẹ đi làm được nhiều tiền hơn, hôm ấy bữa ăn đủ đầy và nhìn thấy tôi ăn ngon miệng, hết bát này đến bát khác. Niềm vui của mẹ thật bình dị. Da mẹ trước đây rất trắng, hồng hào, tôi đã từng xem một bức ảnh của mẹ, nhưng từ ngày dời quê hương, phải vất vả kiếm sống da mẹ đã sạm dần, những vết nhăn cũng xuất hiện trên mặt. Tôi thích giọng mẹ nói, giọng mẹ hát ru. Những trưa hè nghe tiếng mẹ ru ngọt ngào: “Đôi làn môi con ….” Dù có nóng nực cũng khiến tôi chìm sâu vào giấc ngủ.

     Những năm đầu sống ở đây cuộc sống của hai mẹ con rất chật vật, vất vả. Mẹ tôi làm đủ nghề, đi chợ huyện, bán hàng,… để trang trải cuộc sống. Mẹ hay cáu gắt và khe khắt với tôi. Bất cứ lỗi nào, dù nhỏ mẹ cũng mắng và tệ hơn là đánh. Đôi khi tôi rất ghét mẹ, vì mẹ đã đối xử tệ bạc với tôi. Nhưng tôi đâu thấu hiểu nỗi lòng của một bà mẹ phải tự mình nuôi con. Sợ tôi được nuông chiều đâm hư hỏng, nên mẹ khắt khe với tôi hơn những người mẹ khác.

     Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi chính là ngày hôm ấy. Trước khi mẹ được nhận làm giáo viên ở trường mầm non và cuộc sống hai mẹ con bớt chật vật, sáng nào mẹ cũng dậy từ 3 giờ, đi chợ huyện để bán hàng. Hôm ấy như mọi ngày mẹ đi chợ vào sáng sớm và để tôi ở nhà tự lo liệu mọi việc. Nhưng hôm ấy thay vì như mọi lần tôi ở nhà ngoan ngoãn, đợi mẹ về thì tôi lại cùng chúng bạn vào rừng lấy củi từ sớm. Tôi muốn tạo cho mẹ một bất ngờ, tôi muốn cho mẹ thấy tôi đã trưởng thành và có thể giúp đỡ của mẹ. Mọi chuyện vẫn êm đẹp nếu tôi không nổi hứng cùng chúng bạn nhảy xuống sông nghịch nước. Ban đầu tôi men ở gần bờ, rồi sau đi ra ngày một xa mà không hề biết. Tôi bất ngờ trượt chân vào vùng nước sâu, tôi chới với, khua chân, đập tay cầu cứu. Rồi tôi lả dần, lịm đi và không còn biết gì nữa.

     Có lẽ sau đó ai đấy nhìn thấy nên đã ra cứu tôi, mang tôi về nhà, có lẽ lúc ấy tôi đã như một con cá mắc cạn, người lả đi, môi tím tái. Tôi không biết gì cả cho đến sáng hôm sau, lờ mờ mở mắt ra thì thấy mẹ ngủ gục bên cạnh. Trên mặt mẹ vẫn còn ướt đẫm nước mắt, những giọt nước mặt vẫn còn vương trên mi, tay mẹ nắm chặt lấy tay tôi. Tôi thấy người mỏi và nóng nên khẽ cựa mình. Thấy tôi cử động, mẹ choàng tỉnh, cuống cuồng hỏi han và ôm lấy tôi. Mẹ ghì chặt tôi vào lòng, có cảm giác tôi không thể thở được nữa. Có lẽ mẹ sợ mất tôi. Người thân duy nhất còn lại bên mẹ. Mẹ để tôi nằm xuống không mắng mỏ, không quát tháo, chỉ nhìn, nhìn thấu tôi,… đôi mắt vừa sầu bi, buồn thảm vừa vui mừng,… tôi không biết diễn tả sao cho hết ánh mắt ấy. Chỉ biết đến tận bây giờ tôi vẫn ám ảnh.

     Một đêm thức chăm tôi mẹ gầy rộc đi, có lẽ vì lo cho tôi mà mẹ gầy nhanh đến vậy, mẹ bỏ bê cả buôn bán, chợ búa – việc mà mẹ yêu nhất trên đời, mẹ chưa bỏ buổi chợ nào kể cả những ngày mưa bão hãy gió lạnh. Mẹ ở nhà quanh quẩn bên tôi, tôi cần gì mẹ sẽ đem đến tận nơi. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ mình như vậy. Nhà tôi vốn nghèo nên chẳng có gì tẩm bổ, nên những bữa cơm hôm đó mẹ nhường cả quả trứng bé tí hon cho tôi ăn. Mẹ chỉ ăn rau và luôn nói, có rau là đủ chất rồi. Còn tôi, tôi lại nghĩ rằng đó là mẹ nói thật, tôi ăn hết cả quả trứng mà chẳng hề suy tư, chẳng hề biết rằng đó là lời mẹ nói dối. Mãi sau này khi lớn lên, khi đã hiểu chuyện hơn tôi mới thấu hiểu những lời mẹ mắng, những lần mẹ đánh và cả những lời mẹ nói dối khi xưa.

     Giờ cuộc sống của hai mẹ con đã dần ổn hơn, mẹ đã không còn vất vả như xưa nữa. Nhưng mỗi lần nghĩ về mẹ, nghĩ về những năm tháng nhọc nhằn nuôi tôi khôn lớn tôi lại thầm cảm ơn mẹ. Nếu không có mẹ có lẽ sẽ không có tôi mạnh mẽ, trưởng thành và khôn lớn như ngày hôm nay. Cảm ơn mẹ của con.

Bài văn mẫu – kỉ niệm về Mẹ

   Trong cuộc đời mỗi người chắc hẳn ai cũng đều có người để yêu thương và quý mến nhưng đã có ai từng nghĩ: “Ai là người mình yêu nhất và ai là người để lại cho mình những kỉ niệm không thế phai mờ?”. Đối với mọi người có thể người ấy là bạn thân, ông bà hay anh, chị, em nhưng riêng đối với tôi, người mà tôi luôn yêu mến và mãi sẽ yêu là Mẹ – người đã trao cho tôi cuộc sống.

   Mẹ tôi năm nay đã gần bốn mươi tuổi. Mọi người vẫn khen mẹ tôi trẻ và xinh nhưng đôi khi tôi gần mẹ, tâm sự với mẹ, tôi thấy mẹ như đã già đi nhiều. Đôi mắt mẹ ánh lên vẻ ấm áp, trìu mến, giờ đây đã xuất hiện nhĩíng vết chân chim. Vầng trán mẹ đã có nhiều nếp nhăn. Nổi bật nhất trên khuôn mặt mẹ là chiêc mũi cao dọc dừa và đôi môi đỏ. Tôi vẫn còn nhớ như in những nụ hôn ấm áp mẹ trao cho khi tôi còn bé. Làn da mẹ mềm mại, trắng hồng nhưng đã điểm những nốt tàn nhang của tuổi bốn mươi. Trước đây, khi tôi còn nhỏ, mẹ có mái tóc dài, mượt mà, mái tóc đen của mẹ như một đoạn của dải của Ngân Hà, đen mượt và óng ả. Khi tôi học lớp Năm, mẹ tôi đã thay đổi kiểu tóc, mẹ đã cắt mái tóc dài và thay vào đó là mái tóc xoăn. Mái tóc ngắn, xoăn, màu nâu đỏ thả bồng bềnh trên vai có lẽ hợp với khuôn mặt trái xoan của mẹ hơn, nhưng tôi vẫn thích mẹ để tóc dài như trước.

   Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên tôi đi học. Tối hôm đó, sau bữa tối, mẹ đã mang vào phòng tôi một bọc quà rất to. Tôi cứ nghĩ là được mẹ mua cho đồ chơi hay là một bộ lego mà tôi hằng mong muốn. Tôi háo hức mở bọc quà, thì ra đó toàn là sách, vở, đồ dùng học tập và có cả một chiếc cặp sách in hình siêu nhân mà tôi rất thích. Bộ đồng phục đã được mẹ là phẳng phiu. Mọi thứ đã sẵn sàng, tôi rất thích thú đợi đến ngày mai — ngày đầu tiên tôi gấp thành nêp và được xếp lại ngay ngắn bước vào lớp Một. Sáng hôm sau, mẹ âu yếm dắt tôi đến trường. Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp và lo sợ lúc đó, tôi không biết mình sẽ làm gì và mình sẽ như thế nào khi không có mẹ ở bên. Rời tay mẹ, tôi bước vào cổng trường, tôi thấy mình thật bơ vơ và lạc lõng. “Cố lên con, rồi con sẽ quen với cô giáo và các bạn.

   Mẹ ôm tôi vào lòng âu yếm: “Con lớn rồi mà, từ hôm nay con đã là học sinh lớp Một rồi. Hãy tự tin lên nào!”. Tôi nghe lời mẹ, vào lớp học. Ngày hôm đó đối với tôi thật dài, tôi rất nhớ mẹ, chưa bao giờ tôi lại thấy yêu mẹ và cần mẹ hơn lúc này.

   Đã tám năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên đi học nhưng tôi không thể nào quên được hình ảnh thân thương của mẹ và những cảm xúc của mình trong cái ngày đáng nhớ ấy. Mẹ đã giúp tôi tự tin, vững vàng bước những bước đi đầu tiên trên con đường tri thức.

   Đã có lần, tôi vô lễ với mẹ và tôi nhớ mãi để không bao giờ tái phạm nữa. Tôi còn nhớ như in, đó là một ngày mưa, khi tôi còn là một cậu học sinh lớp Sáu. Tôi đi học về với một vẻ mặt buồn bã. Mẹ rất quan tâm, mẹ hỏi han rất nhiều. Nhưng vi quá bực bội nên tôi đã gắt lên với mẹ: “Con ghét mẹ lắm, mẹ đừng nói nữa!”. Nói rồi tôi bật khóc và chạy lên phòng, đóng sập cửa lại. Tôi khóc rất to, mắt đã đỏ hoe. Chỉ vì thằng bạn thân hiểu nhầm tôi mà chúng tôi cãi nhau to. Cả ngày hôm nay, tôi không có tâm trí nào mà tập trung vào việc học được nữa và hậu quả là tôi đã không làm được bài kiểm tra môn Toán. Nghĩ đến những việc đó, đầu óc tôi lại như phát điên. Tôi nằm bẹp suốt một giờ đồng hồ. Cảm giác cô đơn và lạnh lẽo khiến tôi tỉnh táo hẳn. Tôi nghĩ đến mẹ, nghĩ đến câu mình vừa nói với mẹ. Trời ơi, tôi đã mắc phải một sai lầm lớn! Tại sao mình lại có thể nói vô lễ với người luôn yêu thương, chăm sóc mình được chứ? Tôi ân hận lắm! Chỉ vì bị bạn hiểu lầm mà tôi đã trút giận lên mẹ. Tôi bật dậy, định chạy ra ngoài xin lỗi mẹ thì mẹ tôi đã mở cửa phòng bước vào. Như đoán được suy nghĩ của tôi, mẹ nhìn tôi bằng ánh mắt trìu mến và ngồi xuống bên tôi. “Mẹ ơi, con xin lỗi, con sai rồi!”. Tôi nói trong tiếng nấc nghẹn ngào. Mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc tôi rồi nói thật nhẹ nhàng: “Mẹ cũng có lỗi vì đã không thông cảm và hỏi han con”. Tôi rất ân hận vì đã làm mẹ — người tôi luôn yêu thương bấy lâu nay, phải buồn. Chính những lời nói nhẹ nhàng, cử chỉ âu yếm của mẹ làm tôi thêm day dứt vì lỗi lầm của mình hơn. Tôi đã kể cho mẹ nghe mọi chuyện. Mẹ đã an ủi và động viên khiến tôi phấn chấn hơn nhiều. Từ lần đó, tôi luôn tự hứa phải suy nghĩ kĩ trước khi nói và không được làm mẹ buồn nữa.

   Có những lần tôi bị ốm, mẹ đã chăm sóc tôi tận tình và dành cho tôi tình yêu thương nồng ấm để tôi mau khỏi bệnh. Những đêm tôi ôn thi, mẹ đã thức cùng tôi, ở bên động viên và giúp tôi học.

   Với tôi, mẹ như một làn mây che cho tôi mưa nắng, mẹ là ngọn lửa thôi thúc con tim tôi để vững bước trên đường đời. Dù mai đây nếu mẹ có mất đi thì trong tôi, mẹ luôn sống và theo tôi suốt cuộc đời.

Đề bài: Dàn ý Tưởng tượng mình là Xi-mông, kể lại truyện của Bố của Xi-mông

Dàn ý mẫu

I. Mở bài

– Xi – mông xưng tôi, giới thiệu về mình (tôi là Xi – mông, cậu bé từng nghĩ đến cái chết khi bị mọi người trêu đùa, hắt hủi vì không có cha…)

– Nhập vai Xi – mông dẫn dắt vào câu chuyện (Gợi ý: gặp một đứa trẻ có số phận giống mình, nhớ lại câu chuyện về mình năm xưa).

I.. Thân bài

1. Xi – mông kể lại về hoàn cảnh của mình

– Tôi được sinh ra là hậu quả của sự lầm lỡ của mẹ, dù mẹ rất yêu thương tôi nhưng tôi vẫn là một đứa trẻ không cha.

→ Tôi cảm thấy mặc cảm, buồn rầu

– Tôi bị bạn bè và những người xung quanh xa lánh, hắt hủi, đặc biệt tôi bị đám bạn trong trường trêu đùa, bỡn cợt.

→ Tôi hoang mang, sợ hãi, tủi nhục

– Dù được mẹ dặn chánh xa chúng nhưng nhiều lần vì tức giận tôi lao vào đánh chúng và bị đánh lại đau điếng.

→ Tôi tức giận, căm thù và bất lực

2. Xi – mông kể về cuộc gặp gỡ với bác Phi- líp

– Hoàn cảnh gặp gỡ:

     + Một hôm tình trạng bị trêu đùa, bỡn cợt ấy lại tái diễn, tôi nổi giận, túm tóc, cắn vào má bọn chúng. Bọn chúng đánh trả tôi ác liệt, bọn bên ngoài thì cổ vũ, chúng luôn miệng điệp khúc “con không cha”, cố tình đâm sâu vào vết thương của tôi.

     + Tôi bỏ học lang thang ra bờ sông vắng

     + Tôi có ý định tự tử vì nỗi buồn, nỗi đau đớn, hổ thẹn vì không cha

     + Tôi day dứt về suy nghĩ ấy của mình khi nghĩ đến mẹ

     + Tôi tận hưởng không khí êm đêm, tươi mát ở bờ sông.

     + Tôi nằm cầu nguyện và lại nghĩ đến nỗi khổ của mình, tôi òa khóc lớn, chính lúc đó bác Phi-líp xuất hiện.

– Cuộc trò chuyện với bác Phi-líp

     + Bác hỏi thăm, động viên, an ủi tôi

     + Tôi kể câu chuyện mình bị bạn bắt nát vì không có cha.

     + Nghe xong câu chuyện, ban đầu bác ngạc nhiên bối rối, sau đó quả quyết dẫn tôi về nhà và nói sẽ tìm cha cho tôi.

→ Tôi ngạc nhiên, bất ngờ nhưng cũng đầy hi vọng

3. Xi –mông kể lại cuộc gặp gỡ giữa mẹ và bác Phi-líp

– Bác đưa tôi về tận nhà, nhìn thấy mẹ tôi, bác bối rối và nói “tôi dắt về trả chị cháu bé bị lạc ở bờ sông”.

– Tôi ôm mẹ khóc và kể lại toàn bộ câu chuyện cho mẹ. Mẹ nghẹn ngào, xúc động ôm tôi vào lòng mà hôn.

– Tôi đề nghị bác Phi-líp làm cha mình, tôi còn đe dọa nếu bác không đồng ý tôi sẽ nhảy xuống sông.

– Được Bác nhận lời, tôi vui sướng và hạnh phúc vô cùng, đó là khoảnh khắc không bao giờ quên trong cuộc đời tôi.

4. Xi-mông sau khi được bác Phi – líp nhận lời làm cha.

– Tôi hãnh diện khoe với các bạn của mình về người cha Phi-líp

– Bọn chúng vẫn chế giễu, coi thường tôi vì cho rằng tôi bịa chuyện và đó không phải là một người bố thực sự.

– Sau đó bác Phi-líp đến ngỏ lời cùng mẹ tôi để về chung một nhà, mẹ tôi đồng ý. Từ đó tôi có một gia đình thực sự. Tôi sung sướng và vô cùng hạnh phúc

I.I. Kết bài

– Xi-mông bày tỏ cảm xúc sau câu chuyện cuộc đời mình: Đó là câu chuyện ý nghĩa của cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy mình thật may mắn khi gặp được bác Phi-líp, biết ơn bác.

– Tưởng tượng về cuộc sống sau này của Xi-mông: được sống trong gia đình hạnh phúc, được nhận sự thương yêu từ cha và mẹ.

Đề bài: Tưởng tượng mình là Xi-mông, kể lại truyện của Bố của Xi-mông

Bài văn mẫu

     Tiếng bố thân thương, đã bao lần tôi nằm mơ được có một người bố thực thụ. Và ngày hôm ấy chính là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi khi bác Phi-lip đã nhận tôi làm con.

     Tôi là một cậu bé không có cha, mẹ tôi là Blăng-sốt một người phụ nữ trẻ đẹp, có gương mặt nghiêm nghị. Tôi không biết cha tôi là ai, tôi chỉ biết tôi và mẹ mới chuyển đến đây sinh sống. Nhưng đây thực sự là một tai họa với tôi, tôi không giống như những đứa trẻ khác, tôi không có cha, và đó là nỗi nhục nhã, nỗi đau mà những đưa bạn cùng lớp xoáy vào châm chọc tôi. Chúng không thể hiểu nỗi đau của một người không có cha ở bên che chở yêu thương, chúng chưa biết và chưa từng nếm trải điều ấy một lần nên những lời chúng nói ra thật độc địa. Tim tôi đau nhói mỗi lần chúng trêu chọc tôi và tôi uất hận, giận dữ với mẹ, tại sao mẹ lại không cho tôi một người cha. Và tôi cũng biết rằng người lớn tuy không nói ra nhưng lúc nào cũng ném ánh vừa dò xét, vừa thương hại và thì thầm nói với nhau: “Nó là một đứa trẻ không có cha”.

     Hôm ấy vẫn như mọi ngày, tôi đến trường, lòng tôi xao xác buồn đau và tôi lại tiếp tục bị lũ bạn hùa vào trêu chọc. Nỗi buồn hòa cùng nỗi giận dữ tôi bỏ đi với ý định tự tử. Chỉ cần kết thúc cuộc đời này tôi sẽ không phải chịu những lời gièm pha cay nghiệt của chúng nữa.

     Bên ngoài khung cảnh thật đẹp đẽ, trời ấm áp vô cùng. Ánh mặt trời không quá gắt, sưởi ấm bãi cỏ, dòng nước. Không khí thật ấm áp, trong lành và dễ chịu. Những chú nhái xanh lục nhảy nhót quanh tôi. Tôi chạy đuổi để bắt chúng, nhưng chúng thật nhanh, tôi chưa kịp vồ chúng đã thoát khỏi tay. Tôi không bỏ cuộc, sau hai ba lần vô hụt tôi đã cầm được con vật, nõ giãy giụa nhằm thoát khỏi bàn tay tôi. Nhìn vậy tôi bỗng nhớ những đồ chơi làm bằng gỗ hẹp đóng đinh chữ chi được xếp chồng lên nhau và ta có thể điều khiển được. Bất giác tôi lại nhớ đến mẹ của tôi, lòng tôi quặn thắt, tôi nức nở khóc thật to, tôi khóc cho vơi nỗi tủi hờn, uất ức.

     Nhưng bỗng từ phía sau tôi một bàn tay ấm nóng, chắc nịch đặt lên đôi vai bé nhỏ đang rung lên từng đợt theo tiếng khóc của tôi. Một giọng nói ồm ồm cất lên:

     – Có điều gì làm cháu buồn phiền đến thế, cháu ơi?

     Đó là một người công nhân cao lớn, với bộ râu đen và quăn tít lại, tôi lau nước mắt, nghẹn ngào nói:

     – Cháu … cháu không có bố.

     Khuôn mặt bác bỗng có sự thay đổi, đôi mắt trở nên hiền từ, nhân hậu hơn. Bằng đôi bàn tay to lớn, bác vỗ nhẹ vào lưng tôi an ủi với một giọng nhẹ nhàng nhất, bác khuyên tôi:

     – Thôi nào, đừng buồn nữa, cháu ơi, và về nhà mẹ cháu với bác đi. Người ta sẽ cho cháu một ông bố.

     Nghe thấy tôi sẽ có bố, tôi lập tức vui mừng và nín khóc ngay. Bác nắm tay đưa tôi về, đôi bàn tay đen xì, đầy muội than nhưng thật ấm nóng và chắc chắn. Ước gì tôi có một người bố như bác. Chẳng mấy chốc tôi đã đứng trước cửa nhà mình, bác công nhân gõ cửa và mẹ tôi xuất hiện. Thấy mẹ tôi bác trao tôi cho mẹ và giọng ngập ngừng nói:

     – Đây, thưa chị, tôi dắt về trả cho chị cháu bé bị lạc ở gần bờ sông.

     Lúc ấy bao nhiêu tủi hờn trong tôi lại trào dâng, tôi chạy đến ôm cổ mẹ mà òa khóc, vừa khóc tôi vừa nói:

     – Không, mẹ ơi, con đã muốn nhảy xuống sông cho chết đuối, vì chúng nó đánh con … đánh con … tại con không có bố. Tôi gục lên vai mẹ mà khóc lớn hơn. Rồi tôi bỗng nảy ra ý định, hay là xin bác công nhân là bố của mình. Không chần chừ, tôi rời vòng tay mẹ, chạy đến bác và đề nghị:

     – Bác có muốn làm bố cháu không?

     Bác im lặng, không nói gì, tôi tủi hổ và thét lớn:

     – Nếu bác không muốn, cháu sẽ quay trở ra nhảy xuống sông chết đuối.

     Nghe thấy tôi lặp lại ý định tự tử, bác lập tức gật đầu đồng ý. Tranh thủ cơ hội đó tôi hỏi tên bác và biết bác tên là Phi-lip. Vậy là từ bây giờ tôi đã có bố, bố của tôi là Phi-lip, tôi hạnh phúc và sung sướng biết bao. Cũng từ bây giờ tôi sẽ không phải chịu sự hành hạ, lăng nhục của lũ bạn nữa.

     Ngày hôm sau tôi đến lớp tâm trạng đầy vui vẻ, hứng khởi. Tôi tự tin đứng trước lũ bạn, chúng có trêu đùa, tôi cũng có thể dõng dạc tuyên bố, tôi đã có bố và bố của tôi tên là Phi-lip. Có bố là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi. Nó đem lại cho tôi sự tự tin để đối mặt với tất cả những khó khăn trong cuộc sống này.

Bài văn mẫu

   Tôi là đứa trẻ bất hạnh vì không có bố. Tuy lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ nhưng tôi vẫn thấy thiếu thốn tình cảm của một người bố. Điều mà tôi sợ nhất là ngày ngày đến trường,lũ trẻ nghịch ngớm cứ quây quanh tôi mà la toáng lên : “Ê,ê! Thằng con hoang không có bố!”.

   Mặc dù mẹ dặn là tránh xa chúng nó ra nhưng đã vài lần,tôi không thể kìm được cơn giận dữ,lao vào đánh đấm chúng túi bụi. Đương nhiên là rồi bị chúng tẩn cho ra trò. Tôi về mách mẹ. Mẹ ôm tôi vào lòng vuốt ve,an ủi,nhưng rốt cuộc thì cả hai mẹ con cùng khóc.

   Một hôm,tình trạng ấy lại tái diễn. Tôi buồn bã bỏ học,lang thang ra bờ sông vắng. Nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy,bỗng dưng tôi muốn chết… Tôi định nhảy ùm xuống. Mặc cho dòng nước cuốn trôi đến đâu thì đến,chết lại càng hay! Lũ trẻ sẽ chẳng còn trêu chọc tôi được nữa và nỗi khổ tâm của tôi sẽ hoàn toàn chấm dứt.

   Tôi chìm ngập trong cảm xúc đau thương. Gối đầu lên đôi bàn tay, tôi nằm ngửa nhìn trời. Trên cao là bầu trời xanh cao vời vợi. Những đám mây đủ mọi hình thù lãng đãng trôi. Ô kìa! Rõ ràng ba đám mây trắng ở sát bên nhau trông giống bố mẹ cùng dắt tay đứa con thơ. Tôi chợt bật khóc nức nở và gọi thật to: “Bố ơi! Bố ở đâu? Sao bố không về với con?”. Không một lời đáp lại. Chỉ có tiếng gió thổi xào xạc trong đám sậy ven sông. Tôi úp mặt xuống cỏ ướt, dần dần tỉnh lại. Rồi tôi nghĩ đến mẹ, Mẹ Blăng-sốt yêu quý của tôi! Nếu tôi không về nhà đúng giờ,mẹ sẽ lo lắng,sốt ruột biết chừng nào! Nếu tôi chết, chắc mẹ sẽ khóc hết nước mắt, có khi mẹ cũng sẽ chết theo tôi. Hình dung ra cảnh tượng ấy, tôi tự sỉ vả mình là đồ nhu nhược,đồ hèn! Không,tôi chẳng việc gì mà phải chết! Tôi phải đi học, lớn lên còn đi làm kiếm tiền nuôi mẹ chứ! Người mẹ dịu dàng, chịu thương chịu khó đã nuôi tôi khôn lớn. Mẹ là tất cả những gì tôi có trong cuộc đời này.

   Đang miên man nghĩ,tôi chợt nghe tiếng bước chân tới gần. Tôi ngồi dậy nhìn,thì ra bác thợ rèn Phi-líp ở đầu làng. Bác Phi-líp có mái tóc xoăn và bộ râu quai nón bao quanh gương mặt vuông vức. Đôi mắt xanh nheo nheo hóm hỉnh dưới hàng lông mày rậm. Thân hình bác to lớn hơn hẳn người thường. Chân bác đi đôi ủng đã cũ. Bác đang sải những bước mạnh mẽ về phía tôi. Ngắm bác, tôi càng thèm khát có được một người cha như bác.

   – Bé con! Sao cháu lại ở đây? Trốn học hả?

   Bác Phi-líp cất giọng ồm ồm hỏi tôi. Tôi chỉ nhún vai,không đáp. Bác Phi-líp ngồi xuống, nâng nhẹ mặt tôi:

   – Tại sao cháu khóc? Nói cho bác nghe nào!

   Tôi òa khóc nức nở, nghẹn ngào:

   – Bác ơi! Chúng nó trêu chọc cháu, chửi cháu là đồ con hoang, đồ không có bố!

   – Tệ thật! Thế bây giờ, bác có thể giúp cháu gì nào?

   – Cháu muốn có bố! Cháu muốn có bố như chúng nó!

   Trán bác Phi-líp nhăn lại, cái đầu cứ gật gật liên tục. Bác bảo tôi:

   – Thế bác sẽ nhận cháu làm con nuôi nhé! Cháu gọi bác là bố,còn bác gọi cháu là con. Được chưa nào?!

   Còn gì hay hơn thế nữa?! Tôi sung sướng ôm ghì lấy cổ bác Phi-líp,dụi mặt vào bộ ngực vạm vỡ của bác. Bác đưa tôi về. Mẹ tôi ngạc nhiên trước sự xuất hiện của bác. Nghe tôi kể đầu đuôi câu chuyện, mẹ tôi lúng túng cảm ơn bác rồi dắt tôi vào nhà.

   Ngày hôm sau đi học, lũ bạn lại xúm vào trêu chọc tôi. Thay vì uất ức hay giận dữ, tôi kiêu hãnh đáp: “Bố tớ là bác thợ rèn Phi-líp!”.Lũ bạn nhao nhao : “Không đúng! Không đúng! Mày phải có một ông bố đàng hoàng như chúng tao cơ!”. Tôi không hiểu thế nào là một ông đàng hoàng nên đành nín nhịn, chờ tan buổi học.

   Lúc đi ngang qua lò rèn, tôi rẽ vào gặp bác Phi-líp, kể mọi chuyện cho bác nghe. Tôi thấy vẻ mặt bác trầm ngâm hẳn. Bác lẩm bẩm : “Thôi được! Thôi được! Cháu hãy về nhà đi! Cháu sẽ có bố. Bác sẽ là ông bố thực sự,ông bố đàng hoàng của cháu!”.

   Mấy hôm sau, một điều bất ngờ ghê gớm xảy ra: bác Phi-líp đến gặp mẹ tôi, ngỏ lời cầu hôn với mẹ Blăng-sốt của tôi. Bác bảo tôi cần có bố,cần người bảo vệ. Bác đã đem lại cơ hội cho mẹ tôi được làm vợ một người đàn ông tử tế. Khỏi phải nói tôi vui mừng đến chừng nào! Thế là từ nay, đố đứa nào dám ức hiếp tôi nữa. Bố Phi-líp mạnh mẽ và tốt bụng sẽ là chỗ dựa chắc chắn cho cuộc đời tôi. Mẹ tôi ngạc nhiên lắm, cứ hết nhìn tôi lại nhìn bác Phi-líp. Rồi mẹ lấy chiếc khăn choàng trên vai, lau nước mắt.

   Bác Phi-líp đã dọn đến ở hẳn với hai mẹ con tôi. Mấy người thợ rèn khen hành động của bác là đúng,bác chỉ cười. Tôi rất thích được ngồi trên đôi vai rắn chắc của bác vào mỗi chiều để đi dạo dọc bờ sông. Tôi âu yếm gọi: “Bố Phi-líp của con! Con yêu bố lắm!”.

Bài văn mẫu – Sọ Dừa

   Ngày xưa, có hai vợ chồng một lão nông nghèo đi ở cho nhà một phú ông. Họ hiền lành, chăm chỉ nhưng đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có lấy một mụn con.

   Một hôm, người vợ vào rừng lấy củi. Trời nắng to, khát nước quá, thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bèn bưng lên uống. Thế rồi, về nhà, bà có mang.

   Ít lâu sau, người chồng mất. Bà sinh ra một đứa con không có chân tay, mình mẩy, cứ tròn lông lốc như một quả dừa. Bà buồn, toan vứt nó đi thì đứa bé lên tiếng bảo.

   – Mẹ ơi! Con là người đấy! Mẹ đừng vứt con mà tội nghiệp. Bà lão thương tình để lại nuôi rồi đặt tên cho cậu là Sọ Dừa.

   Lớn lên, Sọ Dừa vẫn thế, cứ lăn lông lốc chẳng làm được việc gì. Bà mẹ lấy làm phiền lòng lắm. Sọ Dừa biết vậy bèn xin mẹ đến chăn bò cho nhà phú ông.

   Nghe nói đến Sọ Dừa, phú ông ngần ngại. Nhưng nghĩ: nuôi nó thì ít tốn cơm, công sá lại chẳng đáng là bao, phú ông đồng ý. Chẳng ngờ cậu chăn bò rất giỏi. Ngày ngày, cậu lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về nhà. Cả đàn bò, con nào con nấy cứ no căng. Phú ông lấy làm mừng lắm!

   Vào ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm hết cả, phú ông bèn sai ba cô con gái thay phiên nhau đem cơm cho Sọ Dừa. Trong những lần như thế, hai cô chị kiêu kì, ác nghiệt thường hắt hủi Sọ Dừa, chỉ có cô em vốn tính thương người là đối đãi với Sọ Dừa tử tế.

   Một hôm đến phiên cô út mang cơm cho Sọ Dừa. Mới đến chân núi, cô bỗng nghe thấy tiếng sáo véo von. Rón rén bước lên cô nhìn thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Thế nhưng vừa mới đứng lên, tất cả đã biến mất tăm, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần như vậy, cô út biết Sọ Dừa không phải người thường, bèn đem lòng yêu quý.

   Đến cuối mùa ở thuê, Sọ Dừa về nhà giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ. Bà lão thấy vậy tỏ ra vô cùng sửng sốt, nhưng thấy con năn nỉ mãi, bà cũng chiều lòng.

   Thấy mẹ Sọ Dừa mang cau đến dạm, phú ông cười mỉa mai:

   – Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.

   Bà lão đành ra về, nghĩ là phải thôi hẳn việc lấy vợ cho con. Chẳng ngờ, đúng ngày hẹn, bỗng dưng trong nhà có đầy đủ mọi sính lễ, lại có cả gia nhân ở dưới nhà chạy lên khiêng lễ vật sang nhà của phú ông. Phú ông hoa cả mắt lúng túng gọi ba cô con gái ra hỏi ý. Hai cô chị bĩu môi chê bai Sọ Dừa xấu xí rồi ngúng nguẩy đi vào, chỉ có cô út là cúi đầu e lệ tỏ ý bằng lòng.

   Trong ngày cưới, Sọ Dừa cho bày cỗ thật linh đình, gia nhân chạy ra chạy vào tấp nập. Lúc rước dâu, chẳng ai thấy Sọ Dừa trọc lốc, xấu xí đâu chỉ thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đứng bên cô út. Mọi người thấy vậy đều cảm thấy sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì vừa tiếc lại vừa ghen tức.

   Từ ngày ấy, hai vợ chồng Sọ Dừa sống với nhau rất hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra rất thông minh. Chàng ngày đêm miệt mài đèn sách và quả nhiên năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Thế nhưng cũng lại chẳng bao lâu sau, Sọ Dừa được vua sai đi sứ. Trước khi đi, chàng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà nói là để hộ thân.

   Ganh tị với cô em, hai cô chị sinh lòng ghen ghét rắp tâm hại em để thay làm bà trạng. Nhân quan trạng đi vắng, hai chị sang rủ cô út chèo thuyền ra biển rồi cứ thế lừa đẩy cô em xuống nước. Cô út bị cá kình nuốt chửng, nhưng may có con dao mà thoát chết. Cô dạt vào một hòn đảo, lấy dao khoét bụng cá chui ra, đánh đá lấy lửa nướng thịt cá ăn. Sống được ít ngày trên đảo, cặp gà cũng kịp nở thành một đôi gà đẹp để làm bạn cùng cô út.

   Một hôm có chiếc thuyền đi qua đảo, con gà trống nhìn thấy bèn gáy to:

    Ò… ó… o

    Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.

   Quan cho thuyền vào xem, chẳng ngờ đó chính là vợ mình. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Đưa vợ về nhà, quan trạng mở tiệc mừng mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong nhà không cho ai biết. Hai cô chị thấy thế khấp khởi mừng thầm, tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro ra chiều thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì, tiệc xong mới cho gọi vợ ra. Hai cô chị nhìn thấy cô em thì xấu hổ quá, lén bỏ ra về rồi từ đó bỏ đi biệt xứ.

Bài văn mẫu

   Sau khi biết được người vợ thân yêu của mình đã phải chết bi thảm. Trọng Thủy vô cùng đâu khổ, dằn vặt và hối hận vì mình đã gây ra cái chết của Mị Châu. Suốt ngày, chàng thẫn thờ, ngẩn ngơ như người mất hồn. Rồi một hôm, chàng như thấy bóng dáng Mị Châu thấp thoáng trong làn nước giếng Loa Thành nên đã lao đầu xuống giếng mà chết.

   Giếng Loa Thành nổi tiếng là sâu nên Trọng Thủy rơi mãi mà không chạm đáy. Khi rơi xuống, Trọng Thủy đã bị va đầu vào đá, chảy nhiều máu và bất tỉnh, không còn biết gì nữa. Khi Trọng Thủy tỉnh dậy, chàng thấy mình đang ở một nơi rất lạ. Chàng con đang ngồi băn khoăn không hiểu chuyện gì xảy ra thì thấy có một con cá chép vàng to đi thẳng bằng đuôi, hai vây của nó cầm giáo trông rất kì lạ. Con cá tiến lại gần và cất tiếng nói:

   – Thưa! Long Vương chúng tôi thấy xác ngài trôi dạt đến tận ngoài biển Đông này, đã thương tình vẩy nước thần cho ngài sống lại. Nay ngài khỏe lại, Long Vương có lời mời ngài đến gặp mặt.

   Trọng Thủy đáp ngay:

   – Ồ! Ra là vậy! Ta đang băn khoăn không biết mình đang ở đâu. Được rồi, ngươi hãy dẫn ta đến diện kiến Long Vương.

   Thế là cá chép vàng dẫn chàng đi đến chỗ Long Vương. Trước mặt chàng là một thế giới rộng lớn, xung quanh là nước với những loại tảo biển, san hô và các loại sinh vật tuyệt đẹp nơi biển cả, mà chàng chưa bao giờ được thấy. Có những đàn cá nối đuôi nhau, vui đùa nhảy múa…Đến diện kiến Long Vương, Trọng Thủy cám ơn Long Vương về ơn cứu mạng. Chàng cũng bày tỏ nỗi lòng mình và thỉnh cầu được gặp Mị Châu. Thấu hiểu được nổi lòng của Trọng Thủy, Long Vương khéo léo sắp xếp cho chàng gặp Mị Châu. Vậy là họ đã được gặp nhau. Trọng Thủy chạy lại nắm tay Mị Châu. Nàng rất dỗi bất ngờ khi thấy Trọng Thủy đến tìm gặp mình. Tim nàng thổn thức. Đứng trước mặt Trọng Thủy , Mị Châu rất muốn được ôm lấy chàng. Nhưng rồi, nàng cố nén lòng, bình thản gạt tay Trọng Thủy ra:

   – Người kia! Người đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ giúp Triệu Đà thôn tính nước Âu Lạc, sao không ở trên đó hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý mà lại xuống tìm gặp ta làm gì?

   Từng câu, từng chữ trong lời nói đanh thép của Mị Châu như từng vết dao cứa vào lòng Trọng Thủy khiến trái tim chàng đau nhói. Đau khổ, chàng cất tiếng:

   – Ôi Mị Châu yêu dấu! Sao nàng lại có thể phủ phàng đến thế. Ta biết ta sai, ta rất hối hận và dằn vặt bản thân mình. Nhưng xin nàng hãy hiểu cho tình cảm của ta đối với nàng, xin nàng hãy tha thứ cho ta.

   Mị Châu đang rất khổ tâm, con tim nàng như bị giằng xé. Nàng rất muốn tha thứ cho Trọng Thủy, nhưng nàng lại nhớ đến tội bất trung với nước, bất hiếu với cha mà mình đã gây ra, Mị Châu cất tiếng hỏi:

   – Cớ sao chàng lại nhẫn tâm lừa dối ta khiến ta đau khổ? Ta thật ngây dại, vì tình yêu mà nghe theo mọi sự sắp đặt của chàng.

   Trọng Thủy đau khổ, xót xa, ân hận:

   Nàng ơi, mong nàng hiểu cho ta, ta không thể nào làm khác được. Ta không dám chống lại mệnh lệnh của vua cha. Quả thật, lúc đầu ta rắp tâm lừa dối cha con nàng, nhưng sau một thời gian chung sống với nhau, ta đã thật sự yêu nàng – một cô gái hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng. Làm sao ta có thể quên được nàng, vợ chồng một ngày nên tình, nên nghĩa. Lúc ta nhận ra sự tàn bạo , nghiệt ngã của chiến tranh phi nghĩa, thì đã quá muộn rồi. vì mù quán tuân theo lệnh của vua cha mà ta đã trở thành tội đồ, kẻ phản bội đáng bị người đời lên án, ta còn phải trả giá bằng chính hạnh phúc của mình. Mị Châu ơi! Lần nữa ta cầu xin sự rộng lòng tha thứ của nàng.

   Mọi vật xung quanh tĩnh lặng như đang đồng cảm thương xót cho số phận đôi vợ chồng trẻ này. Nước mắt Mị Châu vẫn lã chã tuôn rơi. Nàng vừa giận, vừa thương. Trọng Thủy – một nạn nhân khốn khổ của cuộc chiền tranh phi nghĩa tàn ác. Nhưng lí trí đang mách bảo nàng quyết không để “trái tim lầm chỗ để trên đầu” lần nữa, nàng dịu giọng:

   – Thôi, chàng đừng nói nữa, dù sao cũng cám ơn tình cảm chân thành của chàng dành cho ta. Nhưng ra không thể tha thứ cho chàng – kể tội đồ của nước Âu Lạc. Ta không thể! Từ nay chàng đừng đến tìm gặp ta nước, ta không muốn !

   Trái tim Trọng Thủy như đang ta vỡ thành nhiều mảnh. Chàng đau khổ muốn chết. Chàng khuẩn khoản cầu xin Mị Châu lần nữa:

   – Mị Châu ơi! Xin nàng hãy tha thứ cho ta. Ta đã biết tội của mình rồi, đã ân hận lắm rồi. Dù ta phải chịu nhiều hình phạt, cực hình, đau khổ đến nhường nào nữa, cũng mong nàng tha thứ và mong được gặp nàng

   Mị Châu nhất quyết cự tuyệt Trọng Thủy. Rồi cả Mị Châu và cung điện tự nhiên biến mất. Trọng Thủy còn lại trơ trọi một mình . Buồn rầu, khổ não, Trọng Thủy mong ước nước biển ngàn năm sẽ xóa sạch lỗi lầm của mình.

   – Mị Châu, ta ao ước biết bao đến một lúc nào đó, ta và nàng sẽ gặp lại nhau, một nơi rất xa. Khi ấy không còn những cuộc chiến tranh giữa các dân tộc. Ta và nàng sẽ không còn kẻ Bắc người Nam nữa, và rồi tình yêu sẽ trở lại giữa hai ta.

   Vừa dứt lời, Trọng Thủy hóa thành một bức tượng đá, vĩnh viễn nằm lại dưới đáy đại dương.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 992

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống