Văn mẫu lớp 6 Tập 1

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây

Đề bài: Phân tích truyện cười Treo biển

Bài làm

   Tiếng cười là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tất cả mọi người đặc biệt là những người lao động. Truyện cười chính là món ăn tinh thần cho nhân dân ta sau những ngày lao động mệt nhọc, vất vả. Trong kho tàng truyện cười Việt Nam ta không thể không nhắc đến câu chuyện Treo biển. Truyện vừa mang tiếng cười hài hước, vui vẻ vừa phê phán những người ba phải, luôn nghe theo những gì người khác nói mà không hề có sự suy xét.

   Truyện kể về một cửa hàng bán cá, để giới thiệu cho mọi người biết sản phẩm nhà mình kinh hoanh, cửa hàng đã làm một cái biển rất to đề chữ: “Ở đây có bán cá tươi” . Nội dung của biển rất đầy đủ bao gồm địa điểm (ở đây), hoạt động (bán), sản phẩm (cá) chất lượng (tươi). Những tưởng một chiếc biển với đầy đủ nội dung như vậy sẽ không bị ai góp ý hay bắt bẻ nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại. Người thứ nhất đi qua bảo “Nhà này ngày xưa quen bán cá ươn hay sao mà giờ phải đề biển là cá tươi” ; người kia lại góp ý “Người ta chẳng nhẽ ra hàng hoa mua cá hay sao, mà phải đề ở đây” ; người thứ ba nói “Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là có bán” ; người cuối cùng góp ý: “Chưa đi đến đầu phố đã ngửi mùi tanh, đến gần nhà thấy đầy những cá, ai chẳng biết là bán cá, còn đề biển làm gì nữa” . Và mỗi một lần nghe lời góp ý của mọi người chủ cửa hàng lại bỏ bớt một chữ, cho đến cuối cùng ông đã cất luôn cả tấm biển. Tiếng cười bật ra thật giòn giã khi thấy cách ứng xử của ông chủ cửa hàng với tấm biển của mình. Ông chủ quả là một người không có chính kiến, khi nghe bất cứ lời nhận xét, lời khuyên nào từ mọi người ông đều răm rắp làm theo mà không hề suy xét xem nó đúng hay sai, có cần bỏ đi hay là không. Đằng sau tiếng cười là tiếng nói phê phán nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến khi làm việc, không suy xét ý kiến khi người khác góp ý.

   Truyện có kết cấu mạch lạc rõ ràng, ngoài lời văn giới thiệu chỉ thêm bốn lời thoại của người đi đường, khách mua cá, người láng giềng nhưng tiếng cười vẫn được bật ra giòn giã. Cười bởi sự ngẩn ngơ, bởi tính vội vã của người chủ cửa hàng, sẵn sàng nghe theo lời mọi người nhận xét. Ngoài ra, để tạo nên tiếng cười thì tình huống truyện đầy kịch tính cũng góp một phân không nhỏ.

   Treo biển đem lại tiếng cười vui vẻ cho mọi người. Truyện còn lên tiếng phê phán một cách nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến khi làm việc, không suy xét kĩ khi nghe ý kiến người khác.

Đề bài: Em hãy kể tóm tắt truyện Treo biển

Bài làm

Một cửa hàng bán cá đề biển: “Ở đây có bán cá tươi”. Cứ nghe người đi qua bình phẩm, nhà hàng lại cất bớt đi một hai chữ, từ “Ở đây có bán cá tươi”, đến “Ở đây có bán cá”, rồi “Có bán cá”. Còn một chữ “Cá” cuối cùng, thế mà vẫn có người đến góp ý. Thế là nhà hàng bèn cất nốt cả tấm biển.

Đề bài: Kể diễn cảm truyện Treo biển

Bài làm

   Trước cửa nhà em có cửa hàng bán cá đã được mấy năm. Một hôm, ông chủ cho treo trước cửa tấm biển to tướng đề mấy chữ : Ở đây có bán cá tươi. Ngắm tấm biển, ông gật gù ra vẻ đắc ý lắm.

   Biển vừa treo lên, có người qua đường đứng xem, cười bảo :

   – Nhà này xưa nay quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ phải đề biển là cá tươi ?

   Nghe nói, ông chủ vội xóa ngay chữ tươi đi.

   Hôm sau, có người khách quen đến mua cá, nhìn tấm biển rồi bảo :

   – Chẳng nhẽ người ta lại ra hàng hoa để mua cá hay sao mà ông lại phải đề là Ở đây ?

   Thấy cũng có lí, ông chủ xóa bỏ hai chữ Ở đây.

   Lại có người khách khác nói với ông ta :

   – Thế bác bày cá ra để khoe chứ không phải để bán hay sao mà lại đề là có bán ?

   Ông chủ lại xóa vội hai chữ có bán. Cuối cùng, trên biển còn độc một chữ cá. Ông nghĩ bụng chắc từ nay sẽ không còn ai chê bài gì nữa.

   Vài hôm sau, người láng giềng sang chơi, nhìn cái biển và nói :

   – Chưa đến đầu phố đã ngửi mùi tanh, đến gần cửa hàng thấy bày đầy những cá, ai chẳng biết là ở đây bán cá, vậy thì ông treo biển làm gì nữa ?

   Ngẫm nghĩ hồi lâu, chủ nhà cất nốt cái biển.

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về truyện Treo biển

Bài làm

   Người Việt Nam chúng ta rất thích cười, dù trong bất kì tình huống, hoàn cảnh nào. Vì vậy, tiếng cười dân gian rất phong phú, có đủ cung bậc khác nhau. Có tiếng cười hóm hỉnh, hài hước để giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc; có tiếng cười trào lộng, châm biếm để phê phán những thói hư tật xấu hay đả kích kẻ thù.

   Treo biển là truyện ngụ ngôn chứa đựng ý nghĩa thâm thúy dưới hình thức tiếng cười vui vẻ, nhẹ nhàng. Nội dung kể về một ông chủ cửa hàng bán cá treo tấm biển: Ở đây có bán cá tươi. Nội dung tấm biển được một số người qua đường góp ý theo cách “nghĩ gì nói nấy”. Ông chủ nghe theo, cứ bỏ dần từng chữ và cuối cùng thì cất luôn cái biển.

   Đọc truyện, người ta thấy buồn cười vì trên đời này không có ai góp ý kiểu như vậy và cũng chẳng có ai lại dễ dàng nghe theo những lời góp ý vớ vẩn như thế. Điều thú vị là truyện lấy cái không thể xảy ra để nói đến những cái hiện tượng có thực trong cuộc sống hằng ngày. Mượn chuyện ông chủ cửa hàng bán cá nghe ai góp ý cũng làm theo, truyện ngụ ý phê phán những người thiếu chủ kiến trong cuộc sống.

   Tuy ngắn gọn nhưng truyện vẫn có đầy đủ cốt truyện và nhân vật. Ngôn ngữ kể giản dị, mộc mạc nhưng hài hước, gây cười. Truyện bắt đầu từ tấm biển đề: Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI.

   Nội dung tấm biển thông báo bốn ý: Ở ĐÂY chỉ rõ địa chỉ bán hàng. CÓ BÁN thông báo chức năng hoạt động của cửa hàng (bán chứ không phải là mua cá). CÁ thông báo loại mặt hàng mà cửa hàng bán ra (cá chứ không phải tôm, cua…). TƯƠI thông báo chất lượng của cá.

   Bốn yếu tốt ấy là cần thiết cho nội dung của một tấm biển quảng cáo bằng ngôn ngữ.

   Thông thường, một cửa hàng muốn bán thứ gì đều phải quảng cáo để giới thiệu hàng của mình với mọi người. Xét về mục đích thì nội dung của tấm biển trên là đầy đủ và hợp lí. Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu không có những lời góp ý vu vơ của một số người.

   Có bốn người góp ý về tấm biển. Mỗi người bảo ông chủ bỏ bớt một yếu tố trong dòng chữ để trên biển.

   Người đầu tiên bảo:

   – Nhà này xưa nay quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ phải đề biển là cá TƯƠI?

   Sự đối lập giữa tươi và ươn đã đánh vào lòng tự ái của ông chủ nên ông ta vội xóa bỏ chữ TƯƠI đi. Tấm biển còn dòng chữ: Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ.

   Người thứ hai nhìn tấm biển cười bảo:

   – Người ta chẳng nhẽ ra hàng hoa mua cá hay sao mà phải đề là Ở ĐÂY?

   Nghe thế, ông chủ vội xóa hai chữ ấy đi. Dòng chữ còn lại là CÓ BÁN CÁ.

   Vài hôm sau, người khách khác đến mua cá, cũng cười bảo:

   – Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra khoe hay sao mà phải đề là CÓ BÁN?

   Ngẫm cũng có lí, ông chủ xóa liền hai chữ CÓ BÁN. Rốt cuộc, tấm biển còn mỗi chữ CÁ. Chẳng cứ ông chủ cửa hàng mà đến chính người đọc, người nghe cũng tưởng rằng đến đây thì chẳng còn gì để góp ý nữa. Những người thứ tư lại bảo:

   – Chưa đi đến đầu phố đã ngửi thấy mùi tanh, đến gần nhà thấy đầy những cá, ai chẳng biết là bán cá, còn đề biển làm gì nữa?

   Vậy thì tấm biển treo lên là thừa, là vô ích, chủ nhà bèn cất luôn cái biển.

   Thoạt nghe, ta tưởng ý kiến của từng người đều có lí nhưng nghĩ kĩ thì hóa ra không phải. Bởi vì người góp ý không hiểu được chức năng, ý nghĩ của yếu tố mà họ cho là thừa và mối quan hệ giữa nó với những yếu tố khác. Mỗi người đều lấy sự hiện diện của khách ở cửa hàng và sự trực tiếp được nhìn, ngửi, xem xét mặt hàng thay cho thông báo gián tiếp vốn là chức năng, đặc điểm của ngôn ngữ. Vì vậy, họ chỉ quan tâm đến một hoặc hai từ mà họ cho là quan trọng mà không thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của các thành phần khác trong câu.

   Đọc truyện này, ta thấy cứ mỗi lần có người góp ý là ông chủ cửa hàng không cần suy nghĩ vội làm theo ngay. Ta cười vì thái độ tiếp thu thụ động, không suy xét cẩn thận của ông ta. Ta cười vì ông ta không hiểu mục đích treo biển để làm gì và những điều viết trên biển có ý nghĩa gì.

   Kết thúc truyện cũng là lúc tiếng cười vang lên bởi vì ý kiến của từng người mới nghe qua tưởng là có lí nhưng làm theo thì kết quả cuối cùng lại thành phi lí. Ta bật cười vì trên đời này có lẽ không có ông chủ nào lại nghe góp ý kiểu “đẽo cày giữa đường” như thế.

   Treo biển là một truyện hài hước tạo nên tiếng cười vui vẻ, phê phán nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến trong suy nghĩ và trong hành động.

   Từ truyện này, ta có thể rút ra bài học: Trong cuộc sống, chúng ta nên lắng nghe lời góp ý của mọi người nhưng không nên vội vàng làm theo khi chưa suy xét kĩ. Làm bất cứ việc gì ta cũng phải đặt ra mục đích, có chủ kiến và biết tiếp thu một cách chọn lọc và sáng tạo ý kiến của người khác để vận dụng thiết thực vào hoàn cảnh của mình. Trước khi làm việc gì cũng nên đặt ra câu hỏi: Mình làm việc ấy để làm gì? Làm như thế nào?

   Qua truyện này, chúng ta cũng có thể rút ra bài học về cách dùng từ. Từ dùng phải có nghĩa, có chứa thông tin cần thiết, không dùng từ thừa và thiếu. Từ được sử dụng phải ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, đem lại hiệu quả cao nhất trong giao tiếp.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1056

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống