Văn mẫu lớp 6 Tập 2

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây

Đề bài: Hãy tả lại hình ảnh cây mai hoặc cây đào vào dịp Tết.

Bài làm

   Những ngày cuối cùng của năm, không khí tết đã tràn ngập muôn nơi. Trên mọi nẻo đường, trăm hoa đã khoác lên mình bộ quần áo mới, nào hồng đỏ thắm, nào ly trắng tinh khôi,… và làm sao có thể quên được sắc hồng rực rỡ của những cành đào – biểu tượng của tết cổ truyền nước ta:

“Dừng chân ghé lại xứ hoa đào

Xuân đã đến rồi buổi sáng nao”

   Cây đào nhà em được trồng ở vị trí đẹp nhất của vườn, nó thuộc giống bích đào nên hoa có màu hồng đậm. Cây đào này được đích thân ông em lựa chọn ở vườn đào Nhật Tân và đem về nhà trồng, nó đã là thành viên của gia đình gần năm năm nay. Chỉ cần nhìn những chiếc nụ đỏ lấm tấm, xinh xinh là cả gia đình đã biết Tết sắp về.

   Cây đào nhìn từ xa cao lớn, các cành của cây cong vút, mềm mại tỏa ra bốn phía như ôm trọn lấy bầu trời. Thân đào sần, to bằng cổ tay, thân cây màu nâu pha những khoanh tròn màu trắng. Khi hơi ấm của những chị gió mùa xuân xuất hiện, từng chiếc chồi non bé xíu khẽ cựa mình chuẩn bị chào đón một năm mới và không lâu sau các nụ hoa cũng dần dần hé mở. Nụ hoa đào màu hồng đậm, lúc nào cũng bẽn lẽn, chúm chím y như môi em bé. Hàng ngày, em cùng ông ra vườn chăm bón, tưới nước cho cây. Mỗi khi cây đào nhìn thấy em và ông đều rung ring như đang chào đón hai ông cháu. Dưới bàn tay chăm sóc của ông chẳng mấy chốc lá và nụ đã phủ kín cây. Chẳng còn thấy đâu nữa thân cây xù xì, chỉ còn một màu xanh non của lá. Những nụ hoa căng tràn nhựa sống cứ lớn mãi lên, chỉ chờ khoảnh khắc giao thừa là bung nở mạnh mẽ. Vào đúng đêm 30 tết, khi tiếng chuông điểm báo một năm mới đã sang, những cánh đào cựa mình, bung cánh nở, khoe vẻ đẹp rực rỡ trước thiên nhiên, vạn vật. Cánh hoa màu hồng đậm, mỏng mảnh, mịn màng như nhung. Nhụy hoa màu vàng, thật hài hòa với sắc hồng rực rỡ của cánh hoa. Hoa đào có hương thơm dịu dàng, ngan ngát nhưng lại rất thu hút ong bướm. Những cánh đào đua nhau khoe sắc thắm, cả cây chỉ thấy một màu hồng rực rỡ, những chiếc lá xanh cũng phải nương mình, nhường lại cho hoa được khoe trọn vẹn vẻ đẹp của mình. Để làm cho cây đào thêm phần lung linh, bố mẹ em còn mua rất nhiều đèn nhấp nháy và những dải dây kim tuyến lóng lánh đem treo lên cây. Khi đêm xuống, ánh đèn lấp lánh hòa cùng sắc hoa khiến cho cây đào lại càng lung linh, huyền ảo hơn chẳng khác nào vị nữ hoàng của mùa xuân.

   Ai đến nhà em cũng phải trầm trồ trước vẻ đẹp của cây đào, mọi người dừng chân lại ngắm nghía, thưởng thức hương thơm dịu nhẹ của cây, đôi khi còn chụp lại những cánh đào xinh đẹp làm kỉ niệm. Cây đào làm không khí tết của gia đình em trở nên vui vẻ, đầm ấm hơn.

   Ra giêng, những bông đào lần lượt rụng xuống gốc cây, tạo nên một tấm thảm tuyệt đẹp. Lúc bấy giờ, những chiếc lá xanh non lại vươn mình trỗi dậy, các bông hoa còn sót lại nhường chỗ, e ấp bên cạnh những nhành lộc biếc. Hoa đào ở thời điểm nào cũng đẹp, ra giêng, cánh đào đã nhạt bớt cái rực rỡ, chỉ còn lại màu phớt hồng, nhưng cũng đủ làm say mê, quyến rũ biết bao người.

   Hoa đào trở thành một biểu tượng đẹp đẽ cho tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, thiếu đi hoa đào sẽ thiếu hẳn đi hương vị của ngày Tết. Em mong rằng những cánh hoa đào rực rỡ kia sẽ đem lại may mắn, bình an, hạnh phúc cho gia đình em cũng như tất cả các gia đình khác trên đất nước Việt Nam.

Đề bài: Hãy viết bài văn miêu tả hàng phượng vĩ và tiếng ve kêu vào một ngày mùa hè.

Bài làm

“Là bạn của mùa hè

Đâu phải những chú ve

Mà còn là hoa phượng

Là cảnh sắc mùa hè…”

   Mỗi khi nghe thấy tiếng râm ran của những chú ve hòa cùng màu vàng óng của nắng và màu đỏ rực của phượng là biết khi ấy hè đã về. Hoa phượng biểu tượng cho tuổi học trò hồn nhiên, thơ ngây, cho những năm tháng cắp sách đến trường. Đây cũng là loài hoa được biết bao thế hệ học trò yêu quý, khắc ghi mãi trong tim.

   Em không biết cây phượng được trồng tự bao giờ chỉ biết rằng cây to lớn, như một người canh gác khổng lồ đứng ở góc sân trường, lặng lẽ quan sát, chia sẻ mọi vui buồn với chúng em trong suốt những năm tháng tuổi học trò. Phượng đẹp nhất là mỗi khi hè về.

   Từ xa cây phượng thật nổi bật giữa nền trời trong xanh. Cây phượng cao lớn, to sừng sững đứng ở góc sân trường. Thân phượng màu nâu nhạt, trải qua nhiều sương gió đã bạc đi vài phần, thân cây to lớn, xù xì phải ba người chúng em ôm mới hết. Lên cao độ khoảng hai mét, thân phượng tách làm ba nhánh, tỏa ra các hướng. Cành phượng như những cánh tay sải dài đến hàng mét, vươn bàn tay khổng lồ che mát cho chúng em trong những ngày hè nóng bức. Những chiếc rễ to tướng, ngoằn ngoèo nổi gồ lên mặt đất chẳng khác nào những con rắn khổng lồ đang đội đất nhô lên. Thân cây to lớn là vậy, nhưng lá phượng lại rất nhỏ bé, mong manh. Lá phượng chỉ to bằng nửa đầu ngón tay, đan lại với nhau thành nhiều tầng, nhiều lớp che mát cho chúng em. Mỗi khi có cơn gió đi qua, lá phượng mỏng manh lại ào ào rơi xuống tựa như những cơn mưa, khiến cho không gian trở nên vô cùng lãng mạn.

   Đẹp nhất của cây phượng có lẽ là những bông hoa đỏ rực rỡ. Hoa phượng của chúng em khắc hẳn hoa phượng những nơi khác, nó không mang màu đỏ cam mà mang sắc đỏ rực, đỏ thẫm như màu máu, đó là hoa phượng Hải Phòng, loài hoa này cũng chính là biểu tượng của quê hương em. Hoa phượng có năm cánh, cánh phượng không quá dày, tròn tròn, nhìn rất đáng yêu. Trong một bông hoa năm cánh, sẽ luôn có một cánh mang màu trắng với những đốm đỏ mà chúng em vẫn thường gọi là cánh phượng sữa, cánh phượng này làm cho bông hoa trở nên đặc biệt hơn.

   Phượng trở thành người bạn thân thiết với chúng em. Khi hoa phượng bắt đầu bung nở, cùng với tiếng ve râm ran cũng là lúc vào mùa thi cử bận rộn. Phượng luôn bên cạnh cổ vũ động viên chúng em học tập tốt hơn để đạt kết quả cao nhất trong kì thi. Trong những ngày cuối cùng của năm học, phượng buồn thiu khi cánh cổng trường khép lại, các bạn học sinh lần lượt về hết và bắt đầu kì nghỉ hè của mình.

   Em còn nhớ mãi kí ức về cây phượng thân yêu trong năm học cuối cùng ở trường tiểu học. Dưới gốc phượng chúng em đã mang quyển sổ nhỏ xinh để ghi những lời chúc cho nhau trước khi chia tay. Mỗi dòng lưu bút lại đi kèm một cánh phượng, hay một con bướm làm từ cánh phượng. Làm sao em có thể quên những giây phút đẹp đẽ và thân thương ấy. Phượng là bạn, người thân của chúng em.

   Cây phượng mãi là người bạn thân thiết của em, nơi lưu giữ những kí ức học trò hồn nhiên, đẹp đẽ. Dù sau này sẽ phải rời xa mái trường thân yêu nhưng em cũng sẽ không bao giờ quên người bạn này.

Đề bài: Hãy viết thư cho bạn ở miền xa, tả lại khu phố hay thôn xóm, bản làng mình ở vào một ngày mùa đông giá lạnh.

Bài làm

Hà Nội, ngày 8 tháng 1 năm 2018

   Phương xa nhớ!

   Phương à, đã bao lâu rồi chúng mình chưa viết thư hỏi thăm nhau Phương nhỉ? Tớ còn nhớ lắm những ngày chúng mình được nô đùa bên nhau dưới cái nắng ấm áp hay cơn mưa bất chợt của Sài Gòn. Phương dạo này thế nào rồi? Hà Nội lạnh lắm, và tớ lại tha thiết nhớ ánh nắng ấm áp, vàng ruộm của Sài Gòn.

   Hà Nội lạnh giá, nhưng cũng đẹp lắm Phương ạ. Chỉ tiếc rằng Phương chưa bao giờ được chìm đắm trong cái lạnh se sắt của Hà Nội. Tớ hi vọng rằng qua những lời kể của tớ, và trí tưởng tượng tài hoa của bạn, bạn có thể phần nào cảm nhận được cái lạnh đặc sản chỉ có ở miền Bắc.

   Sáng nay bước xuống phố, tớ bỗng nhận ra cơn gió se se, sắc màu vàng nhẹ của nắng mùa thu đã biến đi đâu mất mà thay vào là từng đợt gió mùa Đông Bắc ùa về, đó là lúc mùa đông đã đến. Mùa đông về quang cảnh khu phố đã thay đổi hẳn, khắp nơi khoác lên mình một màu xám xịt, những đám mây xanh, mây trắng bồng bềnh trốn đi đâu hết chỉ còn lại những cô mây ảm đạm, buồn rầu. Từng đợt gió lùa về, mang theo cái lạnh thấu da. Sương giăng kín lối và chỉ thực sự tan hết khi có ánh nắng ấm áp của ông mặt trời xuất hiện. Những ngày như vậy, mọi sự vật xung quanh trở nên mờ ảo, như lạc vào thế giới cổ tích.

   Đông về cây cối cũng trở nên khép mình hơn. Không còn những bông hoa khoe sắc rực rỡ như mùa hè, không còn tiếng chim ca líu lo. Mỗi loài cây, mỗi bông hoa chỉ khoác lên mình bộ quần áo xơ xác, trơ trụi, thỉnh thoảng còn vương lại một vài chiếc lá. Cảnh vật có phần buồn tẻ, đơn điệu. Nhưng Phương sẽ chẳng thấy đơn điệu đâu nếu được nhìn thấy cây bàng già ở góc phố, cả cây khoác lên mình bộ quần áo đỏ rực làm ấm áp cả không gian xung quanh. Và nếu may mắn Phương còn được cảm nhận hương hoa sữa nồng nàn hòa quyện trong gió lạnh mùa đông.

   Vào mùa đông ai cũng khoác lên mình những chiếc áo to sụ như những chú gấu khổng lồ, khăn len đủ các màu sắc xua đi cái màu u ám, ảm đạm của mùa đông. Mọi người cũng trở nên thong thả hơn, không còn vội vã, tất bật như mùa hè.

   Phương có thấy mùa đông của Hà Nội đẹp không? Nó không đẹp theo cách náo nức, ồn ã mà mang một vẻ đẹp bình dị, giản đơn. Tớ yêu lắm những ngày mùa đông Hà Nội, thời tiết tuy lạnh giá nhưng lại được sưởi ấm bằng những cái nắm tay thật chặt, ấm áp tình người. Tớ hi vọng một ngày không xa Phương và cả gia đình có thể đến Hà Nội để cùng tớ nhâm nhi một ly nước ấm và hòa mình vào cái lạnh của mùa đông.

   Thư đã dài, mình xin được dừng bút ở đây. Hi vọng sớm nhận được hồi ầm từ bạn và hơi ấm từ Sài Gòn xa xôi.

Kí tên:

Linh

Nguyễn Hoàng Linh

Đề bài: Em đã từng chứng kiến cảnh bão lụt ở quê mình hoặc xem cảnh đó trên truyền hình. Hãy viết bài văn miêu tả trận lũ lụt khủng khiếp ấy.

Bài làm

   Đồng Tháp là một trong những vùng đất trũng của đồng bằng miền Tây Nam Bộ. Năm nào cũng cứ đến khoảng tháng bảy, tháng tám Âm lịch là lũ từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về, biến nơi đây thành một biển nước mênh mông. Dân gian có câu: Tháng bảy nước nhảy lên bờ là thế.

   Mưa kéo dài nhiều ngày không dứt khiến mực nước ngày càng dâng cao. Gió lốc xoáy từng cơn hợp với sóng lớn giật sập những căn nhà đứng chơi vơi giữađồng không mông quạnh. Làng mạc, trường học, bệnh xá cùng hàng ngàn hécta lúa sắp chín, những rừng tràm, những đầm sen, vườn cây… bị nhấn chìm dưới nước sâu. Bao nhiêu công sức mồ hôi nước mắt của bà con nông dân quê em đã bị thiên tai cướp trắng.

   Trong những ngày này, hàng ngàn người phải sống trong cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn. Đáng thương nhất là những em thơ không được vui đùa chạy nhảy. Chúng ngồi co ro trong căn lều tạm, mắt nhìn dõi ra bốn phía, vẻ mặt buồn hiu. Có những bé chừng một hai tuổi bị cha mẹ buộc vào chân giường hay cột lều vì sợ các em rơi xuống nước. Cha mẹ các em đang dầm mình ngoài ruộng đềcố gặt những đám lúa chín non. Bao nguy hiểm đang vây bủa cuộc sống con người.

   Nhưng quê em đã nhận được sự giúp đỡ kịp thời của nhân dân cả nước. Những chuyến xe tải chở lương thực, thuốc men, quần áo, lưới đánh cá và xuồng nối nhau trên con đường lớn. Hàng cứu trợ được chuyển bằng thuyền, bằng ca nô đến từng gia đình.

   Đáng nhớ nhất là ngày đoàn nghệ sĩ cải lương thành phố đem hàng về cứu trợ. Lần đầu tiên người dân quê em được nhìn tận mắt những nghệ sĩ nổi tiếng mà bà con hằng mến mộ qua tivi, băng đĩa. Bà trưởng đoàn thay mặt đoàn phát biểu, chia sẻ nỗi bất hạnh và động viên mọi người cố gắng vượt khó khăn. Bà nói rằng những món quà của giới nghệ sĩ tuy ít nhưng tình cảm chân thành thì không sao kể xiết. Quả là Một miếng khi đói bằng một gói khi no.

   Nhờ nhiều năm phải “sống chung với lũ” nên chính quyền và nhân dân địa phương đã có kinh nghiệm đối phó như mở rộng kênh mương, đắp đê bao, bờ bao giữ lúa và chuẩn bị sẵn những khu vực cao ráo, an toàn để dựng lán trại cho bà con tránh lũ,. Do đó cũng giảm bớt được phần nào thiệt hại do lũ lụt gây ra.

   Lũ lụt kéo dài hàng mấy tháng trời, gây ra nhiều khó khăn trở ngại cho đời sống sinh hoạt của người dân. Chúng em, những học sinh vùng lũ chỉ mơ ước được tung tăng cắp sách đến trường vào đúng ngày khai giảng đầu tháng 9 như bao bạn bè cùng trang lứa trong cả nước.

Đề bài: Hãy tả lại hình ảnh cây đào vào dịp Tết đến xuân về.

Bài làm

   Khi nào có dịp ra thăm Hà Nội, xin mời bạn hãy ghé thăm Nhật Tân, xứ sở của hoa đào – thứ hoa tiêu biểu cho mùa xuân phương Bắc. Chắc chắn, bạn sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp mê hồn của những vườn đào đang được bàn tay con người chăm chút kĩ lưỡng, chờ Tết đến.

   Trong khu vườn của ông tôi, dễ cũng có đến vài trăm gốc đào bích, cây nào cây nấy chi chít nụ. Những ngày cuối đông, trời lạnh giá, ông tôi vẫn ra vườn, chăm sóc cho từng cây một. Ông ngắm nghía vườn đào, vẻ hài lòng hiện rõ trên nét mặt.

   Vườn đào của ông tôi nổi tiếng từ lâu nên khách quen đã đặt mua trước cả tháng. Giáp Tết, khách đến đông, cả nhà tôi bận rộn, suốt ngày làm việc ngoài vườn. Bố tôi bứng gốc, mẹ tôi lấy bẹ chuối và dây cột xung quanh gốc đào. Còn ông khéo tay và có kinh nghiệm thì nhận phần buộc và bao kín ngọn đào đềcho cành và nụ không gãy, không rụng, ông muốn cây đào giữ được vẻ đẹp hoàn hảo khi về tới từng nhà. Như vậy thì niềm vui năm mới sẽ tăng lên gấp bội.

   Sáng Ba Mươi, cây đào đẹp nhất vườn đã được ông và bố nâng niu nhẹ nhàng đặt vào chiếc chậu sứ lớn để ở trước thềm. Những bông hoa đào xoè cánh màu hồng thắm, phô chùm nhuỵ vàng tươi, ông tôi bảo cây đào này sẽ nở hoa suốt tháng Giêng.

   Mồng một Tết, tôi xúng xính trong bộ quần áo mới, cùng cha mẹ chúc Tết ông bà. Trên bàn thờ, đèn nến sáng trưng, nhang trầm thơm ngát. Tưởng như tổ tiên cũng đã về vui đón xuân cùng con cháu. Trước thềm, cây đào bừng dậy một sắc hồng tuyệt đẹp giống như một lời chúc năm mới tốt lành. Mọi người đứng xung quanh cây đào, trầm trồ khen ngợi. Sau khi chụp ảnh chung cùng với gia đình, tôi nhờ bố chụp cho một kiểu đứng vịn cành đào để làm kỉ niệm. Những bông hoa đào tươi thắm rung rinh như chia vui cùng tôi, cậu bé mười một tuổi đang hân hoan chào đón mùa xuân.

Đề bài: Hãy tả hình ảnh cây mai vàng vào dịp Tết đến xuân về.

Bài làm

   Ở thị xã Tân An nhỏ bé quê em, rất nhiều người biết đến cây mai lão của ông giáo Hảo. Chủ nhân trở nên nổi tiếng một phần là nhờ vẻ đẹp đặc biệt của cây mai đó.

   Ông giáo Hảo kể rằng gốc mai này đã hơn năm chục tuổi. Ngày trước, cụ thân sinh dạy học ở dưới Tiền Giang, một buổi đi thăm chợ hoa ngày Tết, thấy cây mai đẹp nên đã mua về, trồng trước sân.

   Sau nửa thế kỉ, cây mai đã trở thành cổ thụ, cành lá sum suê, toả rộng, che gần hết chiều ngang của một gian nhà. Dấu vết thời gian ln đậm trên thân cây màu nâu, loang lổ vết rêu xanh. Năm nào cũng vậy, cứ đến khoảng rằm tháng Chạp (tháng 12 Âm lịch) là cha con ông giáo lại bắc thang để tuốt lá cho cây và hai người phải làm từ sáng sớm đến chiều tối mới xong.

   Vốn là người giàu kinh nghiệm, ông giáo tự tay bón phân, tưới nước để cây mai ra hoa theo ý muốn. Cách Tết độ vài ngày, hoa mai bắt đầu nở lác đác. Bông hoa lớn với nhiều tầng cánh mỏng màu vàng tươi, rung rinh trong gió nhẹ. Những chùm nụ màu xanh bóng chi chít khắp cành.

   Mấy ngày Tết cũng là lúc hoa mai nở rộ, hương thơm thoang thoảng bay xa. Một màu vàng rực bao phủ khắp cây, tạo nên một vẻ đẹp lạ lùng, khiến ai đi qua cũng phải dừng chân chiêm ngưỡng và trầm trồ khen ngợi.

   Chưa bao giờ ông giáo Hảo chặt một cành mai vì ông rất quý cây mai và coi nó như một người bạn thân thiết, gắn bó với ông suốt cả cuộc đời. ông giáo thường nói với hàng xóm rằng cây mai lão này là một tài sản vô giá của gia đình ông.

   Hoa mai là loài hoa đẹp, mỗi năm chỉ nở một lần vào dịp Tết đến, xuân về. Nhìn hoa mai, lòng người náo nức niềm vui, niềm tin vào một năm mới với bao điều tốt đẹp đang chờ phía trước. Cùng với hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam góp phần tô điểm cho sắc xuân tuyệt vời của đất nước Việt Nam yêu dấu.

Đề bài: Hãy viết bài văn miêu tả cây phượng vĩ và tiếng ve kêu vào một ngày hè

Bài làm 1

   Trong sân trường em có một cây phượng vĩ, có lẽ đã được vài chục tuổi. Cây phượng cao hơn nóc nhà, cành lá sum suê che rợp một khoảng sân. Thân cây xù xì, mấy vòng tay ỏm không hết. Những chiếc rễ lớn nổi gồ trên mặt đất. Mỗi sớm mai, trong tán lá xanh, tiếng chim hót ríu rít nghe thật vui tai. Lá phượng là loại lá kép, gồm nhiều lá nhỏ, mỏng, màu xanh sẫm, mọc song song hai bên cuống, trông xa như đuôi con chim phượng. Tuốt hết lá đi rồi buộc túm lại với nhau, em đã có trong tay một cây vợt bắt bướm xinh xinh.

   Xuân qua, hè tới, cây phượng bắt đầu nở hoa. Hoa phượng kết thành chùm lớn, mỗi bông có năm cánh, bốn cánh màu đỏ tươi và một cánh lốm đốm trắng. Nhuỵ hoa dài và cong, đầu nhuỵ là một túi phấn hình bầu dục. Chúng em thường chơi chọi gà bằng những nhuỵ hoa đó. Kẻ thua người thắng đều thích thú cười vang.

   Khi tiếng ve sầu kêu ra rả cũng là lúc hoa phượng nở nhiều. Một màu đỏ rực như lửa bao phủ khắp ngọn cây. Lúc ấy, trông cây phượng già trẻ hẳn lại, bừng bừng sức sống. Nhìn hoa phượng nở, những tấm lòng thơ dại náo nức nghĩ tới một mùa hè đầy ắp niềm vui.

   Chúng em gọi hoa phượng bằng cái tên thân yêu: hoa học trò. Hoa phượng nở báo hiệu năm học kết thúc, chúng em chuẩn bị nghỉ hè để sau đó bước vào năm học mới với nhiều tiến bộ.

   Hết mùa, hoa phượng tàn dần. Những cánh phượng lả tả bay theo chiều gió. Trái phượng non màu xanh, mỏng và dài, khe khẽ đung đưa trên cành. Cây phượng già trở lại vẻ đẹp mộc mạc, thân quen của nó.

   Đầu năm học mới, cây phượng lại xoè bóng mát, che chở cho những người bạn thân thiết là những cô bé, cậu bé học sinh cổ quàng khăn đỏ, vai đeo cặp sách, tung tăng tới trường.

Xem thêm bài văn mẫu: tả cây phượng vĩ và tiếng ve kêu


 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 960

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống