Văn mẫu lớp 7 Tập 1

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7: tại đây

Đề bài: Cảm nghĩ của em về người em thần tượng nhất

Bài làm

   Trong cuộc đời chúng ta chắc hẳn ai cũng sẽ thần tượng một người, đó có thể là một cô ca sĩ hát hay nhảy đẹp, đó có thể là một doanh nhân tài ba,… Còn đối với riêng tôi người tôi thần tượng nhất chính là chị họ của mình.

   Chị họ tôi tên Dương, chị con nhà bác cả, chị có vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt thanh thú, những đường nét trên mặt nhỏ bé, xinh xinh nhìn rất đáng yêu. Chị có mái tóc đen, dài bồng bềnh. Trán chị rộng và cao, đôi mắt đen láy và sáng, ánh lên sự thông minh, lanh lợi. Đôi môi chị bé xíu như môi em bé, lúc nào cũng hồng hồng mọng nước. Nhưng tôi thần tượng chị không phải bởi vẻ ngoài dễ thương, xinh xắn mà bởi ý chí nghị lực phi thường của chị.

   Năm chị học lớp chín, hôm ấy, trên đường đi học về, chị đã bị một người đàn ông say rượu đâm. Chân phải của chị dập nát, không còn khả năng phục hồi nữa nên buộc phải cắt bỏ đi. Nghe tin ấy gia đình tôi ai cũng thắt tim lại, hai bác khóc ngất đi, nhìn cảnh tượng đó không ai có thể kìm được nước mắt. Chị mê man, gương mặt lanh lợi hàng ngày thay thế bằng gương mặt xám ngoét, đôi môi tái nhợt, mắt nhắm nghiền. Chị tỉnh dậy sau vài ngày mê man, tôi còn nhớ mãi sự thảng thốt, hốt hoảng của chị khi phát hiện mình chỉ còn lại một chân. Chị khóc như mưa một ngày ròng, bất kể ai động viên, an ủi cũng không được. Làm sao có thể không đau đớn, xót xa cho được khi một phần cơ thể mất đi, khi tương lai phía trước đóng sầm lại. Vừa thương chị lại vừa ái ngại cho hoàn cảnh của chị, tôi chỉ biết động viên để chị nguôi ngoai.

   Sau một tuần ủ dột, buồn bã, không ai có thể ngờ rằng chị lấy lại tinh thần nhanh đến vậy. Tôi bắt gặp lại con người nhanh nhẹn, luôn luôn tươi cười của chị khi xưa. Chị ăn uống đầy đủ và bắt đầu đi học lại. Nhìn chị tôi càng khâm phục và ngưỡng mộ hơn nữa. Dù đôi chân tật nguyền nhưng ý chí nghị lực của chị quả thật phi thường. Cánh cửa tương lai và hi vọng lại mở ra trước mắt khi chị xuất sắc đỗ đầu kì thi vào chuyên Anh của tỉnh. Quả thật chị đã đem đến cho tôi hết bất ngờ, ngưỡng mộ này đến bất ngờ, ngưỡng mộ khác. Vượt qua thử thách khắc nghiệt đó một cách kiên cường, dũng cảm tôi lại càng yêu quý và khâm phục bản lĩnh của chị hơn.

   Chị Dương là tấm gương sáng của đại gia đình tôi để chúng tôi học tập và noi theo. Mỗi lúc có khó khăn trong học tập hay cuộc sống tôi lại nghĩ về chị để có động lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn. Quả thật mỗi giông bão trong cuộc đời là thử thách để chúng ta trưởng thành, bản lĩnh và vững vàng hơn.

Đề bài: Cảm nghĩ của em về cuốn sách em yêu thích nhất

Bài làm

   Tôi đã từng nghe nói ở đâu rằng “sách là thế giới” . Quả thật đúng như vậy, sách là thế giới thu nhỏ, cho phép ta trải nghiệm, cảm nhận rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Qua những câu chuyện đầy xúc động mỗi người lại tự rút ra những bài học cho riêng mình. Đối với tôi cuốn sách gối đầu giường, cuốn sách tôi yêu thích nhất chính là “Cây chuối non đi giày xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

   Câu chuyện được bắt đầu thật tự nhiên hợp lý. Nhân vật Đăng cũng là nhân vật chính trong tác phẩm nhận được lời đề nghị của người bạn: “Mày viết cho tao một bài về những kỉ niệm lúc mày còn ở đây … Mày viết thật thơ mộng vào. Như viết tiểu thuyết càng tốt” . Nhận lời đề nghị của người bạn Đăng bắt tay vào viết, đó cũng là lúc biết bao kỉ niệm xưa cũ, trong trẻo, hồn nhiên của tuổi thơ ùa về: tình bạn, tình yêu, tình cảm thầy trò. Những kỉ niệm ấy thật đẹp đẽ, mơ mộng và đáng trân trọng biết bao.

   Trong cuốn truyện điều tôi ấn tượng nhất là hành trình tuổi thơ cũng là hành trình phát triển từ tình bạn thành tình yêu của Đăng và nhỏ Thắm. Những đứa trẻ con ngây thơ, hồn nhiên bên nhau trong suốt thuở thiếu thời: bị chết đuối hụt, chúng cùng đi học bơi, bảo vệ nhau trước những kẻ xấu, cùng nhau đi học, cùng nhau cười đùa,… và chúng ngượng ngùng, xấu hổ khi nghe thấy những lời chòng ghẹo, trêu đùa từ người khác. Nhưng trên hết đó là sự quan tâm, giúp đỡ nhau chân thành, tha thiết. Tôi đã vô cùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên với hành động hồn nhiên mà cũng đầy chân thành của chú tiểu Khôi, Phan… khi Thắm buộc phải lấy người mà bố mẹ mai mối. Đó còn là sự yêu thương vô bờ của mẹ Thắm dành cho đứa con của mình. Chẳng phải ai khác mà chính là bà đã dán tờ giấy ấy trước nhà với nội dung phản đối hôn nhân lạc hậu. Bà mẹ ấy thật bao dung và vĩ đại biết bao. Bà biết rằng nếu bị phát hiện chắc chắn nhỏ Thắm sẽ bị ăn đòn, bởi vậy bà tình nguyện làm việc đó để đỡ đòn roi thay cho con.

   Tác phẩm còn thể hiện tình người, tình làng nghĩa xóm đầm ấm, thân thiết. Ông hớt tóc chẳng khác nào ông Ba Bị mà bố mẹ vẫn dọa mỗi lần tôi hư. Ông hay chòng ghẹo những đứa bé trong làng, miệng ông nhai trầu đỏ lòm làm tất thẩy những đứa trẻ trong làng phải khiếp sợ. Nhưng khi thấy Đăng và Thắm bị ngã nước, sắp chết đuối ông đã vội vàng xuống cứu. Ẩn sau con người gàn dở ấy là cả một tấm lòng nhân hậu và lương thiện biết bao.

   Và còn rất nhiều câu chuyện nhỏ nhặt, vô cùng đời thường trong truyện khiến người ta đọc một lần rồi chẳng thể nào quên được. Có lẽ khi đọc cuốn sách này những đứa trẻ nông thôn sẽ như được sống lại những kí ức ngây thơ, hồn nhiên của mình. Chỉ là những câu chuyện vặt, câu chuyện nhỏ nhưng đầy chất nhân văn và thấm đẫm tình người.

   Truyện được viết bằng giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đẫm chất trữ tình. Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, đậm chất Nam Bộ khiến người đọc cảm nhận được thân thương, gần gũi. Không chỉ vậy, Nguyễn Nhật Ánh còn tạo dựng tình huống đặc sắc, những chi tiết bất ngờ làm câu chuyện trở nên hấp dẫn, lí thú hơn.

   Gấp cuốn sách lại, những gì đọng lại trong lòng mỗi người không chỉ là giọng văn đằm thắm, chân thành mà còn bởi tình người sâu sắc, cảm động, bởi những suy nghĩ hồn nhiên, ngây thơ nhưng hết sức chân thành. Qua tác phẩm, không chỉ tôi mà rất nhiều bạn khác sẽ rút ra cho mình bài học riêng cho mình: bài học về tình bạn, tình cảm hàng xóm, về tình cảm gia đình,…

Đề bài: Cảm nghĩ về người thân trong gia đình: ông bà, bố mẹ, anh chị …

Bài văn về Ông nội

   Ông nội em là sĩ quan quân đội về hưu với hàm đại tá. Gần như suốt cuộc đời, ông công tác xa nhà, giờ đây mới có điều kiện chung sống với gia đình. Ông em rất vui, vì được ở nhà với đàn cháu thân yêu.

   Ngày nào cũng vậy, cứ tang tảng sáng là ông em dẫn đầu nửa “tiểu đội” cháu nội, cháu ngoại chạy dọc con đường làng dẫn ra cánh đồng để hít thở không khí trong lành. Gió sớm mát lộng, bầu trời thoáng đãng. Em khoan khoái hít căng lồng ngực hương vị quen thuộc của đất đai, cây cỏ quê hương. Tập thể dục buổi sáng xong, ông nhắc nhở các cháu đánh răng, rửa mặt, ăn sáng và thay quần áo, chuẩn bị đến trường. Nhìn đàn cháu ngoan ngoãn khoanh tay, cúi đầu lễ phép đồng thanh cất tiếng chào, ông em mỉm cười sung sướng: “Ừ! Ông chào các cháu! Nhớ học cho ngoan nhé!”.

   Em rất thích tác phong làm việc nhanh nhẹn, dứt khoát của ông. Trước khi làm bất cứ việc gì, ông đều cân nhắc kĩ. Ông thường bảo: “Làm việc cũng như đánh trận ấy các cháu ạ! Phải xem xét thật cẩn thận, tìm ra cách thực hiện nhanh nhất và có hiệu quả nhất”. Ông nói được, làm được và rèn luyện cho đàn cháu nề nếp ấy. Từ ngày ông về, ngôi nhà khang trang, sáng sủa hẳn lên, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng đâu vào đấy. Không còn cảnh giày dép, đồ chơi, sách vở bạ đâu vứt đấy bừa bãi như trước đây. Cháu nào phạm lỗi, ông nhẹ nhàng nhắc nhở, ít khi quở mắng. Thấy cách dạy các cháu của ông, bà em bằng lòng lắm.

   Mặc dù gắn bó với môi trường quân đội gần bốn mươi năm nhưng ông em vẫn giữ nguyên bản chất của người nông dân chất phác thật thà, cần cù chăm chỉ. Mọi việc lớn nhỏ, ông chẳng nề hà vất vả. Khu vườn nhà em dạo trước chỉ có dăm ba cây ổi, cây táo cằn cỗi, bây giờ đã xanh tốt với những dãy chuối, bưởi, cam, nhãn, vải thiều và nhiều thứ cây ăn quả khác. Mùa nào thức ấy, trong nhà lúc nào cũng có hoa quả tươi mới, ngọt ngào. Đó là công sức của ông đổ ra đã mấy năm nay. Ông em thích làm việc, thích mang lại niềm vui cho mọi người.

   Mỗi tháng, Hội Cựu chiến binh của xã lại họp ở nhà em một lần vì ông em là chủ tịch hội. Gặp gỡ nhau, các ông thường nhắc đến những kỉ niệm vui buồn thời chiến tranh, đến những người đồng đội đã hi sinh bằng giọng bùi ngùi, xúc động. Em không thể hình dung ra được người ông giản dị, hiền hậu của em cách đây hơn ba mươi năm đã từng là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn xung kích trong cánh quân từ miền Đông Nam Bộ tấn công vào giải phóng Sài Gòn. Ngày lễ, ngày Tết, ông em lấy bộ quân phục sĩ quan mới nhất ra mặc, huy chương cài đầy trên ngực, trông oai phong lắm! Được đi bên ông, nắm chặt tay ông, em không giấu nổi vẻ hãnh diện, tự hào trước đám bạn cùng xóm, cùng trường. Em ao ước sau này trưởng thành cũng được vào bộ đội, cầm súng bảo vệ Tổ quốc, sẽ in dấu chân trên khắp mọi miền đất nước như ông nội kính yêu.

   Đang mải mê suy nghĩ, chợt em nghe tiếng ông gọi:

   – Đồng chí Hoàng Khôi! Đồng chí đã học bài xong chưa?!

   Em đứng bật dậy, dập chân đứng nghiêm, giơ tay chào:

   – Báo cáo thủ trưởng, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ!

   Ông dang rộng vòng tay ôm chầm lấy em. Hai ông cháu cùng cười vang khiến bà nội đang vo gạo ngoài sàn nòi nước phải ngoại lại nhìn rồi mắng yêu:

   – Đúng là ông nào cháu nấy!





Đề bài: Cảm nghĩ của em về người ông kính yêu

Bài làm

   Ông nội em là sĩ quan quân đội về hưu với hàm đại tá. Gần như suốt cuộc đời, ông công tác xa nhà, giờ đây mới có điều kiện chung sống với gia đình. Ông em rất vui, vì được ở nhà với đàn cháu thân yêu.

   Ngày nào cũng vậy, cứ tang tảng sáng là ông em dẫn đầu nửa “tiểu đội” cháu nội, cháu ngoại chạy dọc con đường làng dẫn ra cánh đồng để hít thở không khí trong lành. Gió sớm mát lộng, bầu trời thoáng đãng. Em khoan khoái hít căng lồng ngực hương vị quen thuộc của đất đai, cây cỏ quê hương. Tập thể dục buổi sáng xong, ông nhắc nhở các cháu đánh răng, rửa mặt, ăn sáng và thay quần áo, chuẩn bị đến trường. Nhìn đàn cháu ngoan ngoãn khoanh tay, cúi đầu lễ phép đồng thanh cất tiếng chào, ông em mỉm cười sung sướng: “Ừ! Ông chào các cháu! Nhớ học cho ngoan nhé!”.

   Em rất thích tác phong làm việc nhanh nhẹn, dứt khoát của ông. Trước khi làm bất cứ việc gì, ông đều cân nhắc kĩ. Ông thường bảo: “Làm việc cũng như đánh trận ấy các cháu ạ! Phải xem xét thật cẩn thận, tìm ra cách thực hiện nhanh nhất và có hiệu quả nhất”. Ông nói được, làm được và rèn luyện cho đàn cháu nề nếp ấy. Từ ngày ông về, ngôi nhà khang trang, sáng sủa hẳn lên, đồ đạc được sắp xếp gọn gàng đâu vào đấy. Không còn cảnh giày dép, đồ chơi, sách vở bạ đâu vứt đấy bừa bãi như trước đây. Cháu nào phạm lỗi, ông nhẹ nhàng nhắc nhở, ít khi quở mắng. Thấy cách dạy các cháu của ông, bà em bằng lòng lắm.

   Mặc dù gắn bó với môi trường quân đội gần bốn mươi năm nhưng ông em vẫn giữ nguyên bản chất của người nông dân chất phác thật thà, cần cù chăm chỉ. Mọi việc lớn nhỏ, ông chẳng nề hà vất vả. Khu vườn nhà em dạo trước chỉ có dăm ba cây ổi, cây táo cằn cỗi, bây giờ đã xanh tốt với những dãy chuối, bưởi, cam, nhãn, vải thiều và nhiều thứ cây ăn quả khác. Mùa nào thức ấy, trong nhà lúc nào cũng có hoa quả tươi mới, ngọt ngào. Đó là công sức của ông đổ ra đã mấy năm nay. Ông em thích làm việc, thích mang lại niềm vui cho mọi người.

   Mỗi tháng, Hội Cựu chiến binh của xã lại họp ở nhà em một lần vì ông em là chủ tịch hội. Gặp gỡ nhau, các ông thường nhắc đến những kỉ niệm vui buồn thời chiến tranh, đến những người đồng đội đã hi sinh bằng giọng bùi ngùi, xúc động. Em không thể hình dung ra được người ông giản dị, hiền hậu của em cách đây hơn ba mươi năm đã từng là tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn xung kích trong cánh quân từ miền Đông Nam Bộ tấn công vào giải phóng Sài Gòn. Ngày lễ, ngày Tết, ông em lấy bộ quân phục sĩ quan mới nhất ra mặc, huy chương cài đầy trên ngực, trông oai phong lắm! Được đi bên ông, nắm chặt tay ông, em không giấu nổi vẻ hãnh diện, tự hào trước đám bạn cùng xóm, cùng trường. Em ao ước sau này trưởng thành cũng được vào bộ đội, cầm súng bảo vệ Tổ quốc, sẽ in dấu chân trên khắp mọi miền đất nước như ông nội kính yêu.

   Đang mải mê suy nghĩ, chợt em nghe tiếng ông gọi:

   – Đồng chí Hoàng Khôi! Đồng chí đã học bài xong chưa?!

   Em đứng bật dậy, dập chân đứng nghiêm, giơ tay chào:

   – Báo cáo thủ trưởng, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ!

   Ông dang rộng vòng tay ôm chầm lấy em. Hai ông cháu cùng cười vang khiến bà nội đang vo gạo ngoài sàn nòi nước phải ngoại lại nhìn rồi mắng yêu:

   – Đúng là ông nào cháu nấy!

Đề bài: Cảm nghĩ của em về người cha thân yêu

Bài làm

   Trong đời sống tinh thần đa dạng và phong phú của con người thì tình cha con là một trong những tình cảm máu thịt thiêng liêng, sâu đậm nhất. Công lao to lớn của người cha được nhắc đến rất nhiều trong ca dao, dân ca: Công cha như núi Thái Sơn… , Con có cha như nhà có nóc, Phụ tử tình thâm…

   Người cha đóng vai trò trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa đáng tin cậy cho vợ con. Ngày xưa, mọi việc lớn như làm nhà, tậu ruộng, tậu trâu, dựng vợ gả chồng cho con cái… thường là do người cha quyết định. Trách nhiệm của người cha rất nặng nề. Con cái ngoan hay hư, chủ yếu tùy thuộc vào sự bảo ban dạy dỗ của người cha. Bên cạnh người mẹ dịu dàng là người cha nghiêm khắc. Dẫu cách thức biểu hiện tình thương yêu có khác nhau nhưng bậc cha mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con cái trưởng thành về mọi mặt, đúng như dân gian đã nói : Con hơn cha là nhà có phúc. Trong lúc người mẹ hàng ngày chẳng quản vất vả nhọc nhằn, lo lắng cho các con từ bát cơm, tấm áo thì người cha ngoài những thứ đó ra còn phải nghĩ đến việc dạy dỗ, truyền kinh nghiệm sống mà mình đã đánh đổi mồ hôi nước mắt, để các con được những bài học thiết thực khi bước vào đời. Thật hạnh phúc cho những đứa con được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ!

   Có biết bao người cha chấp nhận thiệt thòi về mình, dành tất cả thuận lợi cho con cái. Em đọc trên báo và xem truyền hình thấy những người cha lam lũ, quần quật làm những việc như : quét rác, đội than, đội trấu, đạp xích lô… không từ nan bất cứ chuyện gì, miễn là lương thiện để kiếm tiền nuôi đàn con ăn học đến nơi đến chốn. Gần nhà em có một bác người Quảng Ngãi, tuổi hơn năm chục, làm nghề mài dao kéo. Ngày ngày, bác rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe đạp cà tàng với vài hòn đá mài và thùng nước nhỏ. Bác vào thành phố đã hơn ba năm, kể từ khi anh con trai lớn thi đậu đại học Bách khoa. Mỗi lúc kể về những đứa con ngoan, bác rất mãn nguyện, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào : “Nhà bác nghèo lắm ! Được mấy đứa con, đứa nào cũng ham học và học giỏi. Năm nay cô con gái thứ hai cũng đậu đại học Sư phạm. Bác ráng làm kiếm ngày vài chục ngàn, cha con đùm túm nuôi nhau. Mình chẳng có chi cho các con thì cho chúng cái chữ, cái nghề !”.

   Em thấy ở bác có những nét rất giống cha em, một người thợ cơ khí bình thường, quanh năm làm việc với máy móc, dầu mỡ. Đôi bàn tay của cha chai sần, thô ráp, mạnh mẽ nhưng ấm áp lạ thường. Có thể nói rằng trong gia đình em, cha làm nhiều mà hưởng thụ ít. Cha giống mẹ ở chỗ nhường nhịn hết cho đàn con những miếng ngon, miếng lành, còn mình chỉ cơm dưa cơm mắm qua ngày.

   Đức tính nổi bật của cha em là cần cù, chịu khó, hết lòng vì vợ con.Tuy công việc thường xuyên bận bịu, cha vẫn cố dành thời gian quan tâm chăm sóc đến việc học hành của các con. Cha em ít lời, chỉ nói những câu nào đáng nói như nhắc nhở, uốn nắn khuyết điểm hay động viên, khen ngợi khi các con làm được điều tốt, điều hay. Cha dạy chúng em lòng tự trọng và tính tự lập. Có lần cha bảo : “Đã là người thì phải có ý chí, không được ngại khó, ngại khổ. Càng khó càng phải làm bằng được.” Em quý nhất cha em ở thái độ tôn trọng mọi người trong gia đình. Có việc gì không vừa ý, cha bình tĩnh phân tích chứ không la lối, chửi bới. Bởi thế cho dù tính cha nghiêm khắc mà vẫn dễ gần, từ vợ con đến hàng xóm láng giềng đều nể phục. Cứ nghe những lời cha nói, nhìn những việc cha làm, em học được rất nhiều điều hay, điều tốt. Cha thường bảo con cái lấy cha mẹ làm gương nên cha rất giữ gìn ý tứ.

   Chúng em yêu kính cha, cố gắng chăm học, chăm làm để cha mẹ vui lòng. Đó cũng là cách đền đáp chữ hiếu cụ thể và thiết thực nhất. Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã nói giúp tuổi thơ chúng em những suy nghĩ tốt đẹp về cha mẹ: Cha sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa, cho con cài lên ngực. Cha mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con… Ngày mai con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền. Con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương!

Đề bài: Cảm nghĩ về đêm trung thu (Bài 2)

Bài làm

Tiếng trống ếch rộn vang, những đứa trẻ nô nức với chiếc đèn ông sao trong tay í ới gọi nhau đi phá cỗ. Lắng nghe những âm thanh ấy, tôi bất giác giật mình nhìn lên bầu trời, vầng trăng hôm nay tròn đầy và sáng trong quá. Tôi mỉm cười nhớ lại kí ức tươi đẹp của tuổi thơ với những đêm trăng trung thu ngập tràn kỉ niệm vui tươi và hạnh phúc.

Tôi nhớ như in vẻ đẹp của bầu trời đêm trăng trung thu. Chưa bao giờ tôi hết say đắm vẻ đẹp của vầng trăng khi ấy. Giờ đây mỗi khi ngước mắt lên bầu trời đêm trăng trung thu tôi vẫn luôn cảm thấy rạo rực, xao xuyến. Đó chính là sự rung động trước vẻ đẹp tuyệt vời của tạo hóa. Giữa khoảng không sâu thẳm của bầu trời đêm nổi bật lên một vầng trăng sáng tròn đầy. Vầng trăng tròn vành vạnh như được mẹ tạo hóa đúc khuôn. Ánh trăng rát vàng xuyên qua kẽ lá, nhành cây như dệt trải lên không gian một tấm thảm đẹp diệu kì. Vầng trăng sáng trong, ấp ôm cảnh vật, tắm ánh sáng dịu ngọt lên đầu, lên cổ, lên vai chúng tôi – những đứa trẻ hồn nhiên đang vui đùa rước đèn, phá cỗ. Không gian đêm trăng huyền ảo đưa chúng tôi vào những câu chuyện về chú Cuội chăn trâu dưới gốc đa, chị Hằng xinh đẹp với vui đùa cùng thỏ ngọc. Vẻ đẹp đêm trăng cùng những câu chuyện cổ tích ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ tôi.

Vào mỗi đêm trăng trung thu, mẹ lại mua cho anh em chúng tôi những chiếc đèn ông sao rực rỡ với mâm cỗ vô cùng bắt mắt để cùng bạn bè đón trăng. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác vui sướng, phấn khởi khi được mẹ chở đi mua đèn, những chiếc đèn lồng, đèn ông sao lấp lánh như đang chào mời, vẫy gọi chúng tôi. Mẹ chọn mua cho anh em tôi chiếc đèn nhỏ xinh, nhiều màu sắc bắt mắt nhất. Đến buổi chiều, chúng tôi cùng mẹ làm mâm cỗ trung thu, mâm cỗ lúc nào cũng có chuối, bưởi, cam và đặc biệt không thể thiếu bánh trung thu. Dưới bàn tay khéo léo của mẹ tôi, chúng tôi luôn có được những mâm cỗ rất ngon và đẹp. Cho đến bây giờ khi đã khôn lớn, trưởng thành, mỗi khi nhớ về những chiếc đèn ông sao, những mâm cỗ trung thu cùng kỉ niệm bên mẹ và anh trai, tôi vẫn luôn cảm thấy lưu luyến, bồi hồi và xúc động.

Đặc biệt, nhớ nhất là những kỉ niệm trong đêm trăng trung thu, được cùng bạn bè rước đèn ông sao, liên hoan văn nghệ, phá cỗ trung thu ở đình làng. Tôi làm sao quên được cảm giác tôi rạo rực, háo hức sau bữa ăn tối, bạn bè ríu rít gọi nhau đi rước đèn. Đoàn chúng tôi lúc nào cũng rất đông, đi đến đâu là náo nhiệt đến đó. Ánh đèn lấp lánh hòa cùng ánh trăng làm sáng cả vùng không gian mà chúng tôi đặt chân qua. Những nụ cười giòn giã, hồn nhiên, những ánh mắt vui tươi, hạnh phúc ngập tràn trong đêm trăng trung thu sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Sau khi rước đèn, chúng tôi trở về đình làng xem văn nghệ và cùng bạn bè phá cỗ. Những câu hò, tiếng hát vang xa trong đêm trăng trung thu, khoảnh khắc cùng bạn bè phá cỗ dưới ánh trăng mãi là những kỉ niệm tuổi thơ thật đẹp trong tôi.

Sau khi phá cỗ cùng bạn bè, tôi trở về cùng gia đình. Năm nào cũng vậy, đêm trăng trung thu bố mẹ đều đợi anh em chúng tôi trở về nhà để cùng nhau quây quần phá cỗ. Sau những phút giây vui vẻ, sôi nổi cùng bạn bè, tôi về với sự đầm ấm, yên vui cùng bố mẹ. Gia đình tôi cùng nhau ngắm trăng, cùng nhau trò chuyện và phá cỗ rất vui vẻ. Nhiều lúc tôi thầm cảm ơn khoảnh khắc đêm trăng trung thu, nó không chỉ là dịp để tôi được thưởng thức vẻ đẹp ánh trăng, được vui vẻ cùng bạn bè mà con là dịp để gia đình tôi quây quần, hạnh phúc bên nhau.

Kí ức về đêm trăng trung thu cứ thế bước vào tuổi thơ tôi như những lời ru, câu hát, mà bà và mẹ thường hay kể. Giờ đây khi đã khôn lớn, trưởng thành, chỉ cần nghe một âm thanh, thấy một dấu hiệu của thiên nhiên về đêm trung thu là lòng tôi lại rộn lên những cảm xúc bồi hồi của quá khứ. Tôi tin chắc bây giờ và cho đến tận mai sau, kỉ niệm về đêm trăng trung thu sẽ mãi không phải mờ trong trái tim tôi.

Đề bài: Cảm nghĩ của em về tình bạn

Bài làm

   Cuộc sống quanh ta có biết bao điều thiêng liêng cao quý đáng để cho ta phải nâng niu, trân trọng. Một trong những điều vô giá ấy đó chính là tình bạn. Ai đó đã từng nói với tôi “tình bạn cũng như triết học, như nghệ thuật… nó không có giá trị để sống sót, nhưng nó lại là một trong những điều tạo ra giá trị cho sự sống”, câu nói ấy khiến tôi vô cùng thấm thía về giá trị của tình bạn.

   Cũng giống như tình cha con, mẹ con, vợ chồng, tình bạn cũng là một phạm trù xã hội chỉ quan hệ giữa người với người không cùng huyết thông nhưng có những nét giống nhau về tâm tư, tình cảm, quan điểm,…từ đó họ có thể đồng cảm, chia sẻ với nhau, cùng giúp nhau tiến bộ. Cuộc sống có thể tạo cho bạn nhiều mối quan hệ gặp gỡ, nhưng nó không để lại được cho bạn nhiều tình bạn đẹp, chân thành. Bởi lẽ tình cảm ấy có được phải xuất phát từ tấm chân tình và sự nỗi lực từ cả hai phía.

   Tình bạn đẹp xuất phát từ tình cảm trong sáng, chân thành, không toan tính, vụ lợi. Những người bạn đến với nhau chỉ vì vật chất, vì những lợi ích cá nhân sẽ không bao giờ tồn tại được lâu bền. Sự giả dối, lật lọng, toan tính, hơn thua là liều thuốc kịch độc giết chết tình bạn. Chỉ có sự đồng điệu về tâm hồn, sự tri âm trong tình cảm mới giúp tình bạn được thăng hoa. Ta bao lần xúc động đến nhỏ lệ trước tình bạn đầy ân nghĩa của Lưu Bình, Dương Lễ, tình bạn cao thượng vượt lên trên mọi thứ vật chất tầm thường của Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, tình bạn tri âm, đồng điệu trong tiếng đàn giữa Bá Nha và Chung Tử Kì,…Những mối tình tri âm, trong sáng ấy đã khắc tạc nên dấu ấn thiêng liêng của tình bạn.

   Trong tình bạn, sự sẻ chia, quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau chính những điều quan trọng nhất. Cuộc sống với bao bộn bề, lo toan cho ta những niềm vui, hạnh phúc, nhưng đôi khi nó cũng khiến ta phải đau buồn, thất vọng. Những khi ấy, nếu không có những người bạn bên ta, cùng ta chia sẻ đắng cay, vui buồn thì cuộc sống của ta sẽ vô cùng cô đơn, tẻ nhạt. Niềm vui sẽ được nhân đôi, nỗi buồn được sẻ nửa nếu như có những người bạn ở bên. Bạn sẽ là người cùng cười với ta mỗi khi ta vui, nhưng bạn sẽ không khóc với ta mỗi khi ta buồn bởi khi ấy bạn còn phải động viên, an ủi ta. Gặp những cơn phong ba của cuộc sống, bạn thân cũng sẽ là người ở bên cạnh ta, cùng kề vai sát cánh, giúp đỡ ta vượt qua mọi sóng gió ấy. Thật may mắn cho những ai có được một tình bạn đẹp.

   Tình bạn đẹp còn cần phải có sự tin tưởng lẫn nhau, biết bao dung, vị tha cho nhau những lỗi lầm. Con người sinh ra vốn bất toàn, không ai là hoàn hảo, chính vì thế sẽ có lúc ta mắc sai lầm, có những thói xấu mà ta chưa kịp sửa đổi. Người bạn tốt sẽ bao dung cho ta những sai trái, giúp ta nhận ra những điều đúng, sai mà không che đậy, xóa mờ những thói hư tật xấu của ta, cùng giúp đỡ nhau tiến bộ. Trong tình bạn, cần phải dành cho nhau sự tin tưởng tuyệt đối, những nghi ngờ, đố kị sẽ đưa tình bạn đến vực sâu của sự đổ vỡ.

   Một tình bạn đẹp không phải dễ dàng có được, chính vì thế nó cũng không thể mất đi dễ dàng. Tình bạn đẹp sẽ không bị phai nhạt bởi không gian hay thời gian, thậm chí chính những gian nan, khó khăn sẽ là phép thử hữu ích cho tình bạn. Có nhà văn đã từng nói “Tình bạn sẽ không mất đi sự giam cầm của chiến tranh, bởi khổ đau hay sự im lặng, chính trong những thứ đó mà nó bắt rễ sâu nhất, chính từ những thứ đó mà nó nở hoa”.

   Tình bạn đẹp là món quà thiêng liêng, vô giá mà cuộc sống dành tặng cho mỗi người. Thực sự là điều đáng buồn, đáng tiếc, thậm chí đáng thương cho những ai sống một đời mà không tìm được cho mình một tình bạn đẹp. Chính vì thế, những ai đã và đang có một tình bạn đẹp thì hãy biết trân quý và xem trọng nó, thường xuyên vun đắp để nó ngày càng đẹp hơn.

Đề bài: Cảm nghĩ của em về mùa xuân

Bài làm

   Chẳng phải ngẫu nhiên, mùa xuân trở thành nàng thơ kiều diễm trong con mắt si tình của các thi nhân. Mùa xuân thường được ngợi ca với vẻ đẹp của đất trời cùng cỏ cây muôn loài, là mùa của sự sống nảy nở sinh sôi, mùa của tình yêu và hạnh phúc. Cũng như bao người, tôi yêu và khát khao mùa xuân tới – mùa xuân của đất trời và cũng là mùa xuân của lòng người.

   Bức tranh bốn mùa trong năm, mỗi mùa lại đem đến cho đất trời một sắc màu riêng biệt, nhưng với tôi mùa xuân luôn là mùa đẹp nhất. Khi từng đàn én nô nức chao liêng trên bầu trời, những tia nắng ấm áp bắt đầu lấp ló trên nhành cây cũng là lúc xuân tới. Nắng xuân ấm áp, chan hòa chứ không rực lửa như nắng mùa hạ nhưng cũng đủ để đánh thức muôn loài thức dậy sau một mùa đông giá lạnh. Hơi xuân ấm ấp phả vào đất trời làm cho cảnh vật như được hồi sinh thêm lần nữa. Cây cối trong tiết xuân đua nhau đâm chồi nảy lộc, nhựa sống căng tràn từ những mầm xanh. Chưa bao giờ tôi hết yêu sự sống sinh ra từ những chồi non ấy, ngắm nhìn nó mà ta cũng cảm thấy yêu đời, yêu thiên nhiên hơn. Khi nàng xuân tới, muôn hoa còn đua nhau khoe sắc lộng lẫy như một bữa tiệc màu sắc để đón chào bà chúa của mình. Nếu có dịp được đến chợ hoa, chắc chắn bạn sẽ choáng ngợp bởi thiên đường màu sắc và hương thơm, chỉ có mùa xuân chợ hoa mới trở nên đông vui rộn ràng hơn cả. Màu vàng của hoa mai, màu hồng của hoa đào, màu trắng của hoa huệ, hoa lan, màu tím, màu trắng của hoa cúc,…tất cả đã dệt lên một bức tranh rực rỡ, ngập tràn sắc màu. Đắm chìm vào những sắc xuân tôi cảm thấy bâng khuâng, hạnh phúc vô cùng. Tôi yêu mùa xuân của đất trời, yêu sự sống mà nó mang tới, yêu từng hơi thở của tiết xuân, yêu cả những hương sắc ngọt ngào mà mùa xuân đem tới.

   Mùa xuân được xem là mùa của ước hẹn, mùa của tình yêu.Giữa tiết xuân chan hòa, ấm áp lòng người trào dâng bao khát vọng, bao tình yêu, khi ấy chúng ta dễ mở lòng mình hơn, cuộc sống trở nên tươi mới và hạnh phúc hơn. Chính vì thế chúng ta thường chọn mùa xuân để trao cho nhau những lời yêu, lời chúc. Những người đi xa cũng thường hẹn ước về một mùa xuân để gặp lại. Đôi lứa yêu nhau cũng vẫn hay chọn mùa xuân để trao cho nhau những đính ước hẹn thề về một ngày vu quy hạnh phúc. Với những ý nghĩa thiêng liêng ấy khiến ta càng thêm yêu và mong chờ mùa xuân về hơn bao giờ hết.

   Mùa xuân còn là mùa của tuổi trẻ, mùa của sự bắt đầu. Người ta thường ví von rằng nếu như mùa xuân là mùa khởi đầu của một năm thì tuổi trẻ là khởi đầu của một đời người. Cả mùa xuân và tuổi trẻ giống nhau đều là hiện thân của sức sống mãnh liệt, sôi nổi chính vì thế mùa xuân của tuổi trẻ còn gánh thêm bao ước mơ, hi vọng về tương lai cuộc đời. Mùa xuân không chỉ là của đất trời mà còn là mùa xuân của lòng người rạo rực, tràn đầy sức sống.

   Nhắc đến mùa xuân ta không thể không nhắc đến ngày tết cổ truyền của dân tộc. Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng chuyển mình từ năm cũ sang năm mới cũng có sự chứng kiến của mùa xuân. Trong giây phút ấy, mùa xuân hòa cùng lòng người giống tạo nên sự giao thoa hòa quyện không tách rời giữa đất trời và con người. Tết cổ truyền còn là tết đoàn viên, cả năm đi làm ăn xa, các thành viên trong gia đình chỉ có ngày tết là được trở về đoàn tụ bên nhau, cùng nhau ngắm sắc xuân, vì thế, mùa xuân còn được xem là mùa của sự đoàn tụ. Không chỉ vậy, trong tiết xuân ấm áp còn diễn ra rất nhiều những lễ hội ở khắp mọi miền tổ quốc như hội lim, hội đua thuyền, đua voi, lễ hội chọi trâu,…Những nét đẹp văn hóa ấy đã làm phong phú thêm vẻ đẹp của mùa xuân, khiến cho nó thêm phần rực rỡ, sinh động.

   Nếu như mùa xuân của đất trời mang bao hương sắc, lộng lẫy, kiêu sa thì mùa xuân của lòng người cũng không kém phần phong phú, rộn ràng. Mùa xuân với những ý nghĩa của nó không chỉ đẹp mà còn vô cùng thiêng liêng. Có ai chưa từng một lần rung động trước sắc xuân, có ai chưa từng biết tới vẻ đẹp và giá trị của mùa xuân? Hãy dành những khoảnh khắc cuộc đời mình để đắm chìm cùng mùa xuân, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy yêu đời yêu cuộc sống hơn rất nhiều.

   Mùa xuân thực sự là món quà vô giá mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người. Ta thực sự tự hào vì mùa xuân hiện diện trên đất nước Việt Nam hòa cùng bức tranh bốn mùa trong năm. Mùa xuân yêu kiều, diễm lệ, mùa xuân sôi nổi, giàu sức sống, mùa xuân của tình yêu và đoàn tụ. Chỉ thế thôi cũng đủ để ta yêu và trân trọng mùa xuân.

Đề bài: Cảm nghĩ của em về người cha thân yêu (Bài 2)

Bài làm

   Người ta thường hay nói rằng “tấm lòng người cha là một tuyệt tác của tạo hóa” tôi tin điều đó là thật. Tình yêu thương và tấm lòng mà cha đã dành cho tôi thực sự thiêng liêng và cao quý. Tôi luôn biết ơn cuộc đời đã ưu ái cho tôi có được một người cha đáng kính, tuyệt vời như thế. Chưa bao giờ tôi dám nói với cha những lời tự sự của trái tim nhưng thẳm sâu trong lòng, tôi luôn kính yêu và tự hào về cha.

   Cha tôi năm nay ngoài 40 tuổi nhưng dường như gánh nặng cuộc đời đã khiến cha già đi nhiều, Sự nhọc nhằn hằn in rõ nhất trên mái đầu bạc của cha mà mỗi lần nhìn nó tôi không khỏi chạnh lòng, xót xa. Nước da của cha ngăm đem khỏe mạnh, bờ vai rắn chắc, đầy vững chãi khiến tôi luôn tin tưởng để dựa vào. Dáng người cha hơi đậm nhưng làm việc rất nhanh nhẹn. Tôi rất thích đứng ở đằng sau để nhìn bóng lưng của cha, tôi cảm giác nó như một bức tường cao lớn, vững chãi có thể che chắn cho tôi qua những bão giông cuộc đời. Tôi đặc biệt yêu đôi mắt của cha, đôi mắt hơi nâu và luôn sáng lên những ánh nhìn trừu mến với tôi. Cha có khuôn mặt chữ điền nhìn rất phúc hậu, nổi bật trên khuôn mặt ấy đó là vầng trán cao lộ rõ sự thông minh.

   Cha tôi không hoàn hảo nhưng ông luôn yêu thương tôi theo cách hoàn hảo nhất. Cha tôi không phải dân trí thức, cũng không giàu có, cha chỉ là một người lao động bình dân với đồng lương công nhân trong xí nghiệp thế nhưng chưa bao giờ cha để tôi phải thiếu thốn thứ gì. Cha lo cho tôi ăn học, cho tôi một cuộc sống đủ đầy mặc dù tôi biết chính cha cũng không có nhiều tiền. Tôi để ý có đến cả năm cha cũng không may cho mình một bộ áo mới. Dù vai áo đã sờn, chiếc quần cũ kĩ bạc màu nhưng cha vẫn cứ cười xòa mà bảo rằng trong tủ cha còn nhiều đồ đẹp. Thế mà với tôi, cứ đến ngày tựu trường, ngày lễ tết, rồi thời tiết chuyển mùa cha lại giục mẹ đi sắm cho tôi quần áo mới. Thuở nhỏ vô tư không nghĩ suy, cứ hồn nhiên coi đó là điều bình thương nhưng càng lớn khôn, càng hiểu chuyện thì tôi lại càng thương cha nhiều hơn. Từ chiếc bóng đèn học đến bộ áo mưa, tập vở để đi học chính tay cha cũng là người mua. Cả ngày đi làm vất vả nhưng cha không bao giờ quên quan tâm đến chuyện học hành của tôi. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ cùng cha những buồn vui, những câu chuyện hằng ngày bởi tôi cảm nhận được sự lắng nghe và thấu hiểu từ cha. Đặc biệt, tôi rất thích được lắng nghe những lời khuyên của cha dành, đứng từ phương diện của một người đàn ông trưởng thành cha luôn chỉ ra cho tôi những con đường đi đúng đắn, để tôi không chệch bước trên những lối đi gập ghềnh. Những điều ấy khiến tôi càng kính yêu và tự hào hơn về người cha của mình.

   Tôi không bao giờ quên những bài học đạo đức, bài học làm người mà cha đã dạy cho tôi. Ngày còn bé, cha dạy tôi phải biết tự đứng lên sau những lần tập đi, dạy tôi cách sống tự lập và biết giúp đỡ, nhường nhịn người khác, đến khi lớn khôn, cha dạy tôi cách để trưởng thành, biết tự tin vào bản thân, vào cuộc sống, biết yêu thương và tôn trọng người khác. Cha chính là người thầy đầu tiên trong cuộc đời tôi, những bài giảng của cha đều không được viết thành sách, ít khi nói thành lời mà hầu hết được dạy thông qua cách cha sống và đối nhân xử thế với mọi người. Cứ như thế, những bài học của cha đi vào trong đầu tôi một cách tự nhiên mà thấm thía, sâu sắc.

   Tôi luôn tự hào với bạn bè về gia đình của mình. Nhà tôi giàu có lắm nhưng không phải giàu vì tiền bạc mà giàu bởi tình cảm. Có được điều đáng quý này phải kể đến sự góp công rất lớn của cha. Gia đình muốn giữa được lửa hạnh phúc cần có sự đồng cảm, quan tâm và sẻ chia. Cả ngày đi làm vất vả nhưng cha vẫn luôn sẵn sàng đỡ đần mẹ công việc nhà. Tôi biết công việc của cha cũng nhiều khó khăn và áp lực, nhưng đến khi bước chân vào cánh cổng mọi buồn bực ưu phiền cha đều gác lại, để cho nụ cười hé nở trên môi. Có nhiều lần tôi bắt gặp nét âu sầu trên khuôn mặt cha, thế nhưng khi tôi hỏi cha lại tỏ ra vui vẻ như không có chuyện gì. Cha tôi là vậy đấy, luôn đem niềm vui, sự ân cần tin tưởng cho người khác còn nỗi buồn chỉ để cho riêng mình. Tôi thương và trân quý tấm lòng của cha vô cùng.

   Cha tôi hiền lắm, lại dễ gần dễ mến cho nên ai gặp cũng đều có cảm tình. Mọi người trong xóm thường xuyên sang nhà tôi chơi cũng bởi sự thân thiện, quý khách của cha. Trong làng, nhà ai có công chuyện cha tôi đều nhiệt tình giúp đỡ cho nên mọi người đều rất quý mến ông. Từ khi tôi biết nhận thức đến giờ chưa một lần tôi thấy cha to tiếng với ai. Tính cha tôi sởi lởi nhưng rất biết cách cư xử với mọi người vì thế cha tôi không bao giờ để mất lòng người khác. Điều này khiến tôi vô cùng khâm phục.

   Nói về người cha thân yêu của mình, ngôn ngữ cũng không thể giúp tôi đong đầy tất cả cảm xúc. Tôi sẽ chứng minh tình cảm của tôi đối với cha bằng hành động, tôi sẽ cố gắng chăm chỉ học tập thật tốt, rèn luyện thật tốt như những lời cha dạy, phát huy tất cả năng lực cản bản thân để trở thành một người con hiếu thảo, một công dân có ích cho xã hội. Bạn bè con chạy theo những thần tượng âm nhạc, phim ảnh nhưng với con cha chính là thần tượng mà con sùng bái suốt đời.

Đề bài: Cảm xúc về một con vật nuôi

Bài làm

   Người và động vật thuộc về hai thế giới khác nhau nhưng tôi tin giữa hai thế giới ấy luôn có một mối giao cảm đặc biệt. Chẳng thế mà có những câu chuyện về chú chó tuyệt đối trung thành với chủ, thậm chí vì chủ mà hi sinh cả tính mạng của mình, những chú mèo biết làm nũng, luôn muốn gần gũi với con người. Tôi cũng rất yêu động vật, tôi đã từng dành tình cảm thật nhiều cho một chú chó. Đến giờ đây khi chú không còn bên cạnh tôi nữa nhưng tình cảm tôi dành cho nó vẫn luôn vẹn nguyên.

   Chú chó của tôi tên là Xuka, cái tên giống một nhân vật hoạt hình mà tôi yêu thích từ nhỏ. Xuka là món quà đặc biệt mà ông nội tặng cho tôi trong dịp sinh nhật. Khoảnh khắc ông trao tay tôi chú chó hạnh phúc vô cùng. Tôi như nhận được của quý nên nâng niu trân trọng nó vô cùng. Xuka khi đó là một chú chó nhỏ với bộ lông màu đen mượt. Hai tai to như hai chén nước lúc nào cũng vểnh lên để nghe ngóng mọi thứ xung quanh. Đôi mắt nó tròn đen như hai hạt nhãn trông rất sáng. Từ khi có Xuka tôi có thêm một người bạn mới, hằng ngày đến bữa ăn tôi lại dành ra một phần thức ăn phần cho nó. Những ngày đầu ở với tôi, Xuka tỏ ra lạ lẫm, ngượng ngùng, nó cứ nằm mãi trong gầm giường mà không chịu ra ngoài. Tôi để ý mỗi khi mang cơm đến, nó phải chờ tôi đi khuất mới dám ra để ăn. Cứ rảnh rỗi, tôi lại đến bên Xuka, vuốt ve bộ lông mượt mà của nó, thủ thỉ nói chuyện với nó như một người chị đang cưng nựng đứa em của mình. Ngày tháng trôi qua như thế, tôi và Xuka càng ngày càng quấn quýt bên nhau. Chỉ nghe thấy tiếng bước chân của tôi, Xuka đã chạy ra cổng cuống cuồng mừng rỡ, hai chân trước nó nhảy cao lên, cái đuôi ngoáy tít tỏ rõ niềm vui. Tôi hay tắm rửa cho Xuka, là một chú chó ưa sạch sẽ vì thế mỗi lần được vệ sinh, nó thích thú vô cùng. Nhìn chú chó nhỏ của mình nằm cuộn tròn trong thau nước ngập trắng bọt xà bông mới ngộ nghĩnh, đáng yêu làm sao.

   Xuka của tôi là một chú chó rất khôn ngoan và biết điều. Tôi nhớ có một lần, Xuka chót ăn vụng bát thịt mà tôi hớ hênh không đạy lại. Tôi tức giận buông lời mắng mỏ, mặt nó tiu nghỉu, mắt nhìn cụp xuống tỏ vẻ sợ hãi, hối hận. Từ đó về sau, thức ăn dù có để trước mặt nhưng tôi chưa gọi và đưa cho nó đều tuyệt nhiên không đụng vào. Xuka còn rất nhanh nhạy, đêm đêm chú không quản mệt mỏi thức trắng để trông nhà, có người lạ đến chú kêu lên inh tai cho đến khi chủ nhà cất tiếng mới chịu dừng lại. Dù đang ở bất cứ đâu chỉ cần nghe tiếng tôi gọi, Xuka lập tức quay về, vểnh tai lên như sẵn sàng đón chờ đợi mệnh lệnh. Xuka của tôi hiền lắm, chưa bao giờ tôi thấy nó gây lộn với bạn bè xung quanh. Dù thân hình chú nhỏ bé nhưng chú chơi đùa rất hòa đồng với các bạn của mình trong xóm. Lắm khi tôi thấy Xuka dẫn một đám bạn về nhà chơi, tôi thấy chúng có những trò đùa thật lạ lùng mà có lẽ chỉ có thế giới của chúng mới hiểu được. Tôi thầm nghĩ, thế giới của những con vật như Xuka có lẽ cũng giống như loài người, chúng cũng có bạn bè, cũng có những cuộc vui, những trò đùa con trẻ hồn nhiên. Như một thói quen, sự có mặt của Xuka trong cuộc sống của tôi trở thành một phần quan trọng, nếu một ngày không được nhìn thấy Xuka tôi lại cảm thấy nhớ nhung và trống vắng vô cùng.

   Thế nhưng điều mà tôi không bao giờ muốn và cũng chưa bao giờ nghĩ tới đã đến – đó là ngày tôi mất đi Xuka. Còn nhớ có lần, Xuka bị ốm nặng, tôi đã buồn và lo lắng vô cùng. Nhìn chú chó cưng của mình ủ rũ trong góc nhà, thấy tôi về vẫn cố gắng gượng dậy vẫy đuôi nhưng có sức để chạy đến bên chủ mà tôi thấy thương nó làm sao. Tôi đem thức ăn hằng ngày mà Xuka yêu thích đến nó chỉ ngửi ngửi mà không ăn miếng nào. Mẹ tôi mời bác sĩ đến khám cho Xuka, nhìn từng mũi tiêm xuyên vào cơ thể gầy gò của nó mà tôi xót xa vô cùng. Xuka ngày càng yếu đi mà tôi thì không biết làm cách nào để nó khỏe lại. Cảm giác bất lực dằn vặt trong suy nghĩ của tôi. Tôi chỉ ước sẽ xuất hiện một phép màu cho Xuka trở lại như xưa. Thế nhưng, bà tiên đã không tới, kì tích cũng không đến với chú chó nhỏ. Sáng hôm ấy, buổi sáng đầy sương mù lại lất phất những hạt mưa, tôi tỉnh dậy đã thấy Xuka nằm bất động ngoài sân. Tôi òa khóc, tiếng khóc xót xa đến xé lòng cho một người bạn, người em, thậm chí là một người thân củ mình. Sự ra đi của Xuka kiến tôi đau đớn một thời gian dài, không thể ngờ tháng ngày mà chúng tôi bên nhau lại ngắn ngủi đến thế. Tôi sẽ trân trọng và nhớ mãi những giây phút, những kỉ niệm đã có cùng Xuka.

   Từ ngày Xuka ra đi, tôi không nuôi thêm bất cứ một chú chó nào khác. Tôi muốn dành trọn tình cảm của mình cho người bạn tri kỉ ấy. Giờ đây, mỗi khi nhớ về nó, lòng tôi vẫn ghi lại vẹn nguyên hình ảnh của một chú chó nhỏ đen mượt rất khôn ngoan và tình cảm. Tôi sẽ không bao giờ quên Xuka, tình yêu mà tôi dành cho chú sẽ mãi đong đầy cùng năm tháng.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1037

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống