Văn phân tích lớp 8 Tập 1 và Tập 2

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây

Đề bài: Phân tích đoạn trích Trong lòng mẹ

Bài làm

    Nguyên Hồng là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học Việt Nam. Ông để lại số lượng tác phẩm tương đối phong phú và giàu giá trị. Ông là nhà văn của những người cùng khổ, đồng cảm và có tình yêu thương tha thiết với họ, bênh vực và bảo vệ những phẩm chất tốt đẹp trong họ. Những ngày thơ ấu là tập hồi kí tiêu biểu cho phong cách Nguyên Hồng: giản dị, chân thành, đậm chất trữ tình. Trong lòng mẹ thuộc chương thứ IV của tác phẩm, thể hiện tình yêu thương sâu sắc của bé Hồng với mẹ.

    Bé Hồng là kết quả của cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cha mất sớm, mẹ vì cùng túng phải đi tha phương cầu thực. Hồng sống trong sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của bà cô. Dù xa mẹ nhưng cậu luôn nhớ và yêu thương mẹ, khao khát có ngày được gặp lại mẹ. Tình yêu thương đó được thể hiện trong cuộc đối thoại với bà cô và khi bất ngờ được gặp lại mẹ.

    Trong tác phẩm gồm hai nhận vật: bà cô, bé Hồng. Qua ngôn ngữ, cử chỉ và tâm trạng của mỗi nhân vật ta thấy được những nét tính cách tiêu biểu, cảm xúc của các nhân vật.

    Trước hết bà cô là một người thâm hiểm, độc ác. Trước tình cảnh của Hồng, bà ta “Cười hỏi: Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không?”. Là cười hỏi chứ không phải vì lo lắng, quan tâm mà hỏi, bà ta là kẻ bên ngoài ngọt ngào, yêu thương mà bên trong thực chất là kẻ độc ác, thâm hiểm. Không chỉ vậy từng hành động, lời nói của bà ta còn mang ý xúc phạm đến mẹ bé Hồng, đặc biệt hai chữ “em bé” kéo dài thể hiện rõ sự độc ác, tính toán của bà ta. Trước sự kháng cự yếu ớt của bé Hồng, bà cô tiếp tục cười rồi kể chuyện mẹ Hồng gầy gò, ốm yếu, chật vật với cuộc sống ra sao. Những lời lẽ thâm độc này nhằm làm bé Hồng tổn thương, khiến Hồng oán hận mẹ. Bé Hồng càng đau đớn bao nhiêu thì bà cô càng sung sướng thỏa mãn bấy nhiêu. Bà ta là kẻ độc ác, tàn nhẫn, thích thú khi nhìn người khác đau khổ. Với hình thức đối thoại theo trình tự tăng tiến, người đọc ngày càng thấy rõ sự độc ác của bà cô. Khi nỗi đau của bé Hồng bị đẩy lên cùng cực, bà cô mới “ngậm ngùi”: “Mấy lại rằm tháng tám này là giỗ đầu cậu mày, mợ mày về dù sao cũng đỡ tủi cho cậu mày, và mày cũng còn phải có họ, có hàng, người ta hỏi đến chứ”, sự ngậm ngùi lại càng cho thấy rõ hơn bản chất trỡ trẽn, xảo trá của mụ. Bà cô là kẻ độc ác, thâm hiểm, đại diện cho những định kiến hẹp hòi, tàn nhẫn với người phụ nữ trong xã hội cũ.

    Bé Hồng là nhân vật chính của đoạn trích, thể hiện tình yêu thương mẹ mãnh liệt. Trước hết là trong cuộc đối thoại với bà cô. Khi nghe bà cô hỏi, là một đứa bé nhạy cảm Hồng nhận ra ngay ý nghĩ cay độc sau giọng nói và nét mặt “rất kịch” của bà cô. Cậu thầm nghĩ về mẹ và không đáp lại lời bà cô, trong lòng cậu vẫn có một niềm tin mãnh liệt chắc chắn thế nào mẹ cũng về, cậu trả lời bà cô mà lòng thắt lại, khóe mắt đã bắt đầu cay cay. Rồi liên tiếp bị những lời lẽ bà cô dồn ép, nước mắt cậu chảy ròng ròng, vì thương mẹ, cũng vì đau đớn khi mẹ đã giấu mình sinh em bé. Hai chữ “em bé” như bóp nghẹt trái tim nhỏ bé, non nớt của cậu. Bé Hồng cười dài trong tiếng khóc. Giận dữ vì những hủ tục đã đầy đọa mẹ mình và ước chúng là những vật hữu hình như đầu mẩu gỗ, hay cục thủy tinh mà nhai, mà cắn cho nát vụn mới thôi. Cậu bé đau đớn, xót xa trước những lời gièm pha, xúc xiểm với người mẹ bất hạnh của bà cô. Hồng là một người mang trái tim nhân hậu, có niềm tin và tình yêu thương mẹ sâu sắc.

    Tình yêu đó được thể hiện rõ hơn khi Hồng bất ngờ gặp lại mẹ. Bỗng thấy bóng dáng quen thuôc, cậu vội vàng chạy theo: gọi bối rối, thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, ríu cả chân lại. Hàng loạt động từ đã cho thấy khao khát gặp mẹ mãnh liệt của Hồng. Khi biết đó chính là mẹ, cậu bé òa khóc nức nở. Đây là những giọt nước mắt bị dồn nén bấy lâu nay, là những giọt nước mắt hạnh phúc chứ không phải những giọt nước mắt phẫn uất, đau đớn tủi hổ: “Mẹ tôi vừa kéo tay tôi, xoa đầu tôi, thì tôi òa lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Cậu nằm trong lòng mẹ và cảm nhận hơi ấm từ mẹ sang mình.

    Hình ảnh mẹ trong cảm nhận của Hồng thật gần gũi, thân quen lại vừa có gì đó mới mẻ, lạ lẫm: “vạt áo nâu”, “gương mặt tươi sáng với đôi mắt trong” vẫn thật ấm áp, quen thuộc. Nhưng từ hơi quần áo đến hơi thở của mẹ đều “thơm tho lạ thường”. Những cảm giác của tình mẫu tử bao lâu nay mất đi thì bỗng lại mơn man khắp da thịt: “để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Lúc này chỉ còn tình mẹ con, tình mẫu tử thiêng liêng tồn tại còn bao nhiêu lời nói, ý nghĩ cay độc của bà cô đều tan biến hết thảy.

    Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tài tình qua việc xây dựng tình huống, ngôn ngữ và cử chỉ của nhân vật. Nghệ thuật tăng tiến độc đáo, sự độc ác của bà cô ngày càng tăng lên thì cùng với đó tình yêu thương, sự bảo vệ của bé Hồng với mẹ cũng ngày một nhiều hơn. Những hình ảnh so sánh độc đáo, thể hiện được cung bậc cảm xúc, tình yêu thương mẹ mãnh liệt của bé Hồng. Câu chuyện đậm chất trữ tình được thể hiện rõ qua tình huống, nội dung và ngôn ngữ kể chuyện giàu cảm xúc, đầy chất thơ.

    Chỉ với một phần trích ngắn ngủi nhưng cũng đủ để người đọc cảm nhận được tình cảm mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc mà bé Hồng dành cho mẹ. Không chỉ vậy tác phẩm còn thể hiện niềm cảm thông, lên án những hủ tục phong kiến đã đẩy người phụ nữ vào con đường bất hạnh, cùng cực.

Đề bài: Dàn ý Phân tích nhân vật Hồng trong truyện ngắn Trong lòng mẹ

Bài làm

A. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Đoạn trích “Trong lòng mẹ” được trích trong tác phẩm “Những ngày thơ ấu” của nhà văn Nguyên Hồng.

– Khái quát tính cách, phẩm chất nhân vật bé Hồng trong đoạn trích: Nhân vật bé Hồng là nhân vật trung tâm của đoạn trích với cảnh ngộ đáng thương và tình yêu thương mẹ đáng trân trọng.

B. Thân bài:

Luận điểm 1: Cảnh ngộ đáng thương, buồn tủi của chú bé Hồng

– Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Cha mất sớm. Người mẹ vì cùng túng quá phải tha hương cầu thực. Chú phải sống xa mẹ, sống cùng họ hàng ở bên nội. Nhưng cậu lại không hề được yêu thương. Cậu phải sống trong sự ghẻ lạnh và cay nghiệt của những người được gọi là thân thích.

– Trong ngày giỗ đầu của cha, cậu vừa phải chịu nỗi đau mất cha, vừa phải nghe những lời châm chọc, cay nghiệt của người cô về mẹ của mình. Từng lời nói từ cô như cứa thêm vào tâm hồn nhỏ bé, đáng thương hàng nghìn nỗi đau. Họ chỉ muốn gieo giắc vào đầu cậu bé những điều xấu xa, để cậu ruồng bỏ chính mẹ ruột của mình như cách họ ruồng bỏ râu con trong nhà.

– Lời bà cô càng thâm hiểm, ác độc bao nhiêu thì chú bé lại càng đáng thương bấy nhiêu khi phải một mình chống đỡ yếu ớt lại miệng lưỡi người đời và những hủ tục lạc hậu, ác nghiệt.

Luận điểm 2: Tình yêu thương mẹ của chú bé Hồng

– Trong cuộc đối thoại với người cô, Hồng đã thể hiện tình yêu thương, niềm tin của mình vào người mẹ khi trả lời cô một cách dứt khoát và thông minh

    + Nhận ra ý nghĩ thâm độc trong giọng nói và nét cười rất kịch của cô tôi

    + Nhận ra mục đích của người cô : Biết rõ “ nhắc đến mẹ tôi cô tôi chỉ gieo giắc vào đầu tôi những hoài nghi và khinh miệt để tôi ruồng rẫy mẹ tôi”

    + Người cô càng mỉa mai Hồng càng thương mẹ hơn. Một khao khát mãnh liệt trong suy nghĩ của Hồng đó là muốn những cổ tục đã đầy đọa mẹ thành một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ để vồ lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi.

– Nếu trong cuộc hội thoại với người cô, chú bé Hồng thể hiện tình yêu me bằng cách phản kháng mãnh liệt thì trong cuộc gặp gỡ bất ngờ với mẹ của mình, chú bé Hồng như quay trở về với chính tâm hồn non nớt, bé bỏng đáng có của mình.

– Khi “ thoáng thấy một bóng người ngồi trên xe kéo”, chú bé đã vội vã chạy đuổi theo từ đây ta thấy được tâm trạng hồi hộp, niềm khát khao mong được gặp mẹ của Hồng

– Tâm trạng cô đơn khi thiếu vắng mẹ và mong ước cháy bỏng được gặp lại mẹ của Hồng được bộc lộ rõ qua những suy nghĩ, những giả thiết ngây thơ, trong sáng mà chứa đựng nhiều nỗi đau.

– Được ngồi lên xe cùng mẹ chú òa lên khóc rồi cứ thế nức nở khiến cho người mẹ cũng sụt sùi theo. Ba từ “ òa, nức nở, sụt sùi” cùng một trường nghĩa , nối nhau miêu tả các dạng thức đặc biệt của tiếng khóc của những dòng lệ. Đây là âm thanh, là nước mắt của biết bao nỗi niềm, tâm trạng của hai mẹ con : tủi hận, tự hào, bàng hoàng, sung sướng……

– Suy nghĩ liên tưởng của Hồng : “ Phải bé lại và lăn vào lòng mẹ” ⇒ cảm giác mình đang bé lại để làm nũng mẹ, để hưởng sự vuốt ve, chiều chuộng lâng lâng.

⇒ Nhờ tình yêu thương và niềm tin ấy, đến khi gặp mẹ, bé Hồng đã nhận được niềm sung sướng và hạnh phúc lớn lao. Người mẹ của bé Hồng trở về đúng thời điểm quan trọng nhất, đã xua tan mọi đau đớn, dằn vặt trong tâm hồn chú bé.

C. Kết bài:

– Khái quát lại hình ảnh nhân vật chú bé Hồng và nghệ thuật của đoạn trích: Hình ảnh nhân vật chú bé Hồng khiến người đọc xúc động với tình mẫu tử thiêng liêng, cao quý.

– Liên hệ phong cách sáng tác của nhà văn Nguyên Hồng: Nhà văn Nguyên Hồng là một nhà văn nhân đạo – hiện thực luôn hướng ngòi bút của mình cho những con người bất hạnh, đặc biệt là phụ nữ và trẻ con.

Đề bài: Phân tích nhân vật Hồng trong truyện ngắn Trong lòng mẹ

Bài làm

    Trong lòng mẹ được trích trong cuốn Những ngày thơ ấu là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyên Hồng. Tác phẩm không chỉ cho thấy số phận cơ cực bất hạnh của chú bé Hồng mà trên hết còn cho thấy tình thương sâu sắc cậu dành cho mẹ. Trong lòng mẹ là trích đoạn phản ánh đầy đủ những nội dung, tình cảm ấy.

    Trước hết Hồng là một đứa trẻ có tuổi thơ bất hạnh. Hoàn cảnh của Hồng hết sức đáng thương: cha mất, mẹ bỏ đi tha hương cầu thực. Đến gần ngày giỗ đầu của cha vẫn chưa thấy mẹ về. Cậu phải sống cùng họ hàng trong sự kinh ghét, ghẻ lạnh của mọi người. Hồng luôn sống trong sự thiếu thốn tình yêu thương. Đáng thương hơn nữa, sống trong hoàn cảnh như vậy, Hồng còn nhiều lần bị bà cô dùng những lời lẽ độc địa để đay nghiến, hạ nhục mẹ của cậu. Quả thực, số phận của Hồng hết sức bất hạnh, thương cảm.

    Nhưng cậu là người có tình yêu thương mẹ mãnh liệt. Đầu tiên được thể hiện trong cuộc đối thoại với bà cô. Cuộc đối thoại này chẳng khác gì cuộc chiến tranh không cân sức: bà cô dùng những lời lẽ, hành động (vỗ vai, kéo dài tiếng em bé, đôi mắt sắc lạnh) liên tiếp tấn công bé Hồng. Bé Hồng yếu ớt, tội nghiệp chống trả lại những lời của bà cô. Những lời đó như con dao khứa vào tầm hồn non nớt, đáng thương của bé Hồng. Tình yêu thương mãnh liệt đối với mẹ được thể hiện qua suy nghĩ, cảm xúc của Hồng khi trả lời người cô. Trước những lời nói rất “kịch” bé Hồng nhận ra ngay sự giả dối trong suy nghĩ, hành động của bà cô. Điều này được thể hiện rõ trong các chi tiết: “nhận ra những ý nghĩ cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch” của người cô, cậu bé hiểu rằng “nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi”,… Nhưng tất cả những lời mỉa mai, cay độc đó cũng không thể làm xấu đi hình ảnh người mẹ trong lòng bé Hồng. Ngược lại càng làm tình yêu đó bùng cháy, mãnh liệt hơn “đời nào tình yêu thương và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến”. Mặc dù kiên quyết bảo vệ mẹ trước những lời lẽ thâm hiểm của bà cô, nhưng cậu bé vẫn giận mẹ, bởi “căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách giấu giếm”. Và tình yêu đó được đẩy lên một mức cao hơn nữa qua hình ảnh so sánh đặc sắc: “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Chỉ với câu văn ngắn tác giả tách làm nhiều vế, sử dụng các động từ mạnh theo hình thức tăng tiến: cắn, nhai, nghiến những hủ tục phong kiến, qua đó đã cho thấy tình yêu thương mẹ mãnh liệt của bé Hồng.

    Tình yêu thương đó dâng trào hơn nữa khi cậu bất ngờ gặp lại mẹ. Bóng dáng mẹ sao cậu có thể quên, vậy mà trong vô thức ám ảnh cậu vẫn nghi ngờ đó không phải là mẹ. Nhưng cậu vẫn chạy đuổi theo, và nghĩ: “Nếu người quay lại ấy là người khác thì thật là một trò đùa tức cười cho lũ bạn. Và cái lầm đó không những làm tôi thẹn mà còn tủi cực nữa, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc”. Và niềm tin, sự khao khát gặp lại mẹ của cậu đã được đền đáp, người đàn bà trên xe ấy chính là mẹ của cậu. Cậu lập cập, bối rối, vội vã thở hồng hộc, chạy theo xe mẹ, và khi mẹ kéo tay, xoa đầu hỏi thì “tôi òa lên khóc rồi cứ thế nức nở”. Đây là giọt nước mắt của niềm vui, sự hạnh phúc, khi được nằm trong lòng mẹ, đùi áp vào đùi mẹ, được cảm nhận hơi thở thân thương phả ra từ khuôn miệng xinh xắn của mẹ. Những lời lẽ của bà cô về mẹ xơ xác, còm cõi cậu không thấy mà vẫn thấy mẹ như xưa, gương mặt tươi sáng, đôi mắt trong, hơi thở thơm tho lạ thường,… và từ giấy phút ấy Hồng lâng lâng trong cảm giác được gặp lại mẹ, bao lời nói, ý nghĩ cay độc bà cô cố công tiêm nhiễm vào đầu giờ đã tan biết hết cả, chỉ còn lại tình mẫu tử thiêng liêng.

    Tác phẩm không chỉ xuất sắc về mặt nội dung mà có hấp dẫn ở nghệ thuật. Tác giả sử dụng linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: so sánh, liệt kê, tăng tiến,.. cho thấy tình yêu thương mẹ mãnh liệt, tha thiết của bé Hồng. Không chỉ vậy, nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật cũng rất đặc sắc, mỗi nhân vật thể hiện tính cách riêng qua suy nghĩ, hành động. Đây là tác phẩm thấm đẫm chất trữ tình: tình huống truyện chứa đầy cảm xúc: bé Hồng gặp lại mẹ sau bao lâu xa cách; nội dung câu chuyện cũng đậm chất trữ tình: cảnh ngộ đáng thương, éo le của mẹ và bé Hồng đã gieo vào lòng người đọc những cảm xúc mạnh mẽ; ngôn ngữ kể chuyện giàu cảm xúc kết hợp hài hòa giữa kể và bộc lộ cảm xúc.

    Bằng ngôn ngữ trần thuật tha thiết, giàu tình cảm, tác phẩm đã cho thấy tình yêu thương mãnh liệt của bé Hồng dành cho mẹ trong hoàn cảnh éo le của cuộc sống. Tình mẫu tử là mạch nguồn sâu thẳm trong mỗi con người, không có yếu tố, tác nhân nào có thể giết chết tình cảm thiêng liêng ấy.

Đề bài: Phân tích nhân vật bà mẹ và bé Hồng trong tập hồi kí “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng.

Bài làm

   Nguyên Hồng là nhà văn của những người cùng khổ. Ông thường viết về những lớp người “dưới đáy” với tình cảm yêu thương sâu sắc, chân thành. Những ngày thơ ấu là một tập hồi kí giàu chất trữ tình, trung thực và cảm động về tuổi thơ cay đắng của Nguyên Hồng thời thơ ấu.Đây là tác phẩm có giá trị của Nguyên Hồng và cũng là một tác phẩm có giá trị của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.

   Trong lòng mẹ là chương IV của tập hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng với tấm lòng yêu thương mẹ thật tha thiết, hồn nhiên, mãnh liệt trong đoạn trích.

   Chương IV của tác phẩm đã miêu tả một cách sinh động “những rung dộng cực điểm của một tâm hồn trẻ dại” (Thạch Lam) đối với người mẹ, đã bộc lộ sâu sắc lòng yêu thương mẹ của bé Hồng. Hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến, bị trói buộc trong những hủ tục khắt khe từ đó mà đau khổ, bắt hạnh triền miên được thể hiện rõ.

   Qua tác phẩm, bà mẹ của bé Hồng là người phụ nữ bất hạnh, không hề có hạnh phúc! Bà bị ép gả chồng mà không hề được tự ý lựa chọn theo mơ ước của mình. Càng đau khổ hơn khi chồng bà là người nghiện ngập, bệnh hoạn. Gia đình bên chồng tuy khá giả nhưng ích kỉ, nhiều thành kiến và cổ hủ nên đã ghét bỏ bà. Họa vô đơn chí! Bà góa chồng, gia đình tan nát lại nghèo khó, đành gửi con lại cho gia đình bên chồng để lưu lại kiếm sống.

   Người mẹ tái giá. Gia đình chồng coi đó là hành động tội lỗi nhục nhã vì bà có thai khi chưa hết tang chồng. Bà luôn bị gièm pha, oán trách, mỉa mai. Đến ngày giỗ chồng, cũng như lúc ra đi, bà mạnh dạn trở về để gặp con, để hai mẹ con lại có những phút giâ ngọt ngào êm dịu hiếm hoi.

   Như vậy, trước hết ta thấy bà mẹ bé Hồng điển hình cho người phụ nữ xưa, ngoan ngoãn theo thói tục cũ: lấy chồng theo sự lựa chọn của cha mẹ. Xuất giá tòng phu, bà vẫn sống trong khuôn khổ cũ. Khi chồng mất, bà túng quẫn, bà lại “bước đi bước nữa”, đã tự cởi trói cho mình để tìm hạnh phúc cho cuộc đời còn lại của mình. Bà đã thể hiện cá tính mạnh mẽ vượt lên thói tục thông thường để tìm hạnh phúc mới.

   Người mẹ phải xa đứa con yêu dấu của mình nhưng lúc nào bà cũng thương nhớ con, đau nhói trong tim khi nghĩ đến cảnh con bà bơ vơ, lạc lõng, bị hắt hủi bên gia đình chồng cũ. Yêu con, bà đã chấp nhận mọi lời dị nghị và cách đối xử ghẻ lạnh đề về thăm con trong ngày giỗ đầu chồng cũ. Ta có thể hiểu vì sao bà bặt tăm, không thư từ thăm hỏi, không quà bánh cho con đến gần một năm trời. Bà không muốn con bà phải nghe những lời đay nghiến, mỉa mai. Gặp lại con, bà xúc động, ôm con vào lòng với biết bao yêu thương và nước mắt. Đó là tình mẫu tử vô biên của một người đàn bà bất hạnh, đắng cay.

   Thật xót xa khi cảnh đời thật của người mẹ trong hồi ký của nhà văn lại là cảnh đời tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam thời xưa. Lễ giáo phong kiến, hủ tục khắt khe chỉ tạo thêm những dòng lệ thảm cho cuộc đời vốn bất hạnh của người phụ nữ. Mẹ bé Hồng là người dám thoát ra để vươn tới một hạnh phúc, một cuộc sống hợp lí tốt đẹp hơn.

   Qua hồi kí về tuổi thơ nhiều cay đắng của Nguyên Hồng; ta hiểu về phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại với những hoàn cảnh thương tâm và ước mơ chân chính, với lòng thương con đậm đà, tha thiết.

   Nội dung cơ bản của đoạn trích cũng toát lên từ Chương hồi kí này là nỗi cay đắng uất ghẹn và tình thương yêu vô bờ bến của bé Hồng đối với người mẹ nhân từ, tần tảo mà cuộc đời chịu nhiều bất hạnh. Có hai sự kiện đã hóa thành kỉ niệm không thể phai mờ được nhà văn kể lại. Thứ nhất là cuộc trò chuyện của bé Hồng với bà cô; thứ hai là mẹ bé Hồng trở về, cuộc gặp gỡ đầy nước mắt, đầy niềm vui và hạnh phúc.

   Nhớ lại cuộc trò chuyện với bà cô tức là nhà văn nhớ lại cảnh côi cút của một đứa bé và cảnh ngộ thương tâm của người mẹ hiền từ. Cha bé Hồng mất chưa đầy một năm. Mẹ bé Hồng trở thành người đàn bà bị cái tội bước đi bước nữa, nên bị gia đình chồng ruồng rẫy.

   Vì “cùng túng quá” trong cái xã hội đầy thành kiến và hủ tục độc ác, người mẹ khốn khổ ấy phải bỏ con đi tha phương cầu thực. Thế là bé Hồng mất cha, lại xa mẹ phải sống nhờ họ hàng, bị hắt hủi tàn nhẫn. Đã một năm, bé Hồng không nhận được thư, không lời hỏi hay một đồng quà của mẹ, bé Hồng thương mẹ, nhiều khi rơi nước mắt.

   Cuộc trò chuyện với bà cô là kỉ niệm không thể quên về một nỗi uất ghẹn mà tuổi thơ Nguyên Hồng đã trải qua. Nỗi đau sâu xa của bé Hồng không chỉ là xa vắng mẹ mà còn là nỗi đau xé lòng khi đang nhớ thương mẹ, lại phải nghe những lời nói xấu cay nghiệt về mẹ. Ác ý của người cô bộc lộ rất rõ. Giọng của bà cô lúc ngọt lúc nghiêm nghị tỏ ra ngậm ngùi thương xót. Nhưng thực ra, lời nói của bà như khoét sâu vào nỗi đau của đứa bé tội nghiệp. Bé Hồng nhận rõ nét mặt khi cười rất kịch của bà cô. Rắp tâm của bà là gieo rắc vào đầu óc đứa cháu những hoài nghi để nó khinh miệt và ruồng rẫy mẹ nó nhưng bé đinh ninh đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị rắp tâm tanh bẩn xâm phạm ngay đến. Tuy còn bé, rơi vào hoàn cảnh éo le như thế, Hồng đã sớm khôn ngoan, cố gắng giấu kín ý nghĩ và tình cảm của mình đối với bà cô. Nhưng cũng giấu kín nên nỗi đau và uất ghẹn ấy càng bùng nổ dữ dội.

   Nỗi đau khổ sâu xa của chú bé không chỉ là thiếu tình thương mà còn ở chỗ chú thường bị người khác xúc phạm một cách độc ác về mẹ chú. Một người đàn bà bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải đi tha phương cầu thực, xa cả đứa con yêu dấu.

   Bằng cử chỉ cùng giọng nói thân tình tự nhiên nhất, bà cô bảo chú bé hãy đi thăm mẹ và “thăm em bé” (con sau của người mẹ). Đấy là những lời đầy dụng ý: hai tiếng “em bé” mà cô tôi ngân dài ra thật ngọt, thật rõ, quả nhiên đã xoắn chặt lấy tâm có thể tôi như ý cô tôi muốn. Chú bé Hồng từ chỗ im lặng cúi đầu đến nước mắt ròng ròng… Cái cười dài trong tiếng khóc đó cho ta thấy nỗi đau đớn tủi cực và cả nỗi căm giận buộc phải nén lại của chú bé sâu sắc biết chừng nào! Không phải là giọt nước mắt xấu hổ, tủi thân mà là giọt nước mắt của tình thương qua ý nghĩ thương mẹ tại sao phải sinh em bé một cách giấu diếm, trốn tránh.

   Dường như chưa cho thế là đủ, bà cô còn tươi cười kể cho chú bé nghe rằng mẹ chú ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng ngồi cho con bú ở chợ. Chưa nghe hết câu chú bé đã nghẹn họng khóc không ra tiếng. Chú đau đớn và vô cùng căm giận những cổ tục đã đầy đọa người mẹ hiền từ đáng thương của mình.

   Tình thương yêu mẹ của chú bé khi gặp lại mẹ là cảm giác vui sướng thấm thía tột cùng của chú khi được trở về “trong lòng mẹ”. Đó là một cảm xúc lớn lao, mãnh liệt dâng trào, một cảm giác hạnh phúc tuyệt vời đã xâm chiếm toàn bộ cơ thể và tâm hồn chú bé.

   Thoáng thấy bóng người ngồi trên xe kéo giống mẹ mình, chú bé cuống quýt đuổi theo gọi bối rối: “Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!…” Nếu người quay lại ấy là người khác thì thật là điều tủi cực ghê gớm cho chú bé, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc. Bé Hồng khát tình mẹ như người hộ hành khát nước đến kiệt sức của bé Hồng. Khát khao càng mãnh liệt nên được gặp mẹ, bé Hồng xiết bao hồi hộp, sung sướng! Chú bé thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi và khi treo lên xe, chú ríu cả chân lại. Biết báo hồi hộp sung sướng, đau khổ toát lên từ những cử chỉ cuống quýt ấy. Và khi được mẹ kéo tay, xoa đầu hỏi thì chú bé òa lên khóc và cứ thế nức nở. Dường như bao nhiêu sầu khổ dồn nén không được giải tỏa trong chú bé suốt thời gian xa mẹ dài đằng đẵng, lúc này bỗng vỡ òa trong tiếng khóc nức nở, tức tưởi của bé Hồng. Trong ánh mắt thương yêu của đứa con mong mẹ, mẹ chú hiện ra xiết bao thân yêu, đẹp tươi: vẫn tươi sáng với đôi mắt trong và nước da mịn, làm nổi bật màu hồng của hai gò má. Chú bé cảm thấy ngây ngất sung sướng tận hưởng cảm giác khi được sà vào lòng mẹ, cảm giác mà chú đã mất từ lâu. Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Chú bé còn cảm nhận thấm thía hơi lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Chú bé còn cảm nhận thấm thía hơi mẹ vô cùng thân thiện đối với chú: Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng sinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường.

   Dường như tất cả các giác quan bé Hồng đều thức dậy và mở ra để tận hưởng cái êm dịu vô cùng của người mẹ. Trong những giấy phút say sưa và rạo rực ấy, bé Hồng không nhớ gì, không nghĩ gì, kể cả những lời âu yếm mẹ con nói với nhau, lẫn câu nói cay độc của bà cô hôm nào. Sự xúc động, tình thương yêu của bé Hồng thật sinh động, nồng thắm.

   Tình thương mẹ là nét nổi bật trong tâm hồn bé Hồng. Nó mở ra trước mắt ta cả thế giới tâm hồn phong phú của bé. Thế giới ấy lấp lánh ánh sáng nhân đọa, luôn luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên.

   Tình thương mẹ đã cho bé Hồng một cái nhìn sắc bén đối với con người và sự việc ngoài đời. Tình thương ấy không gì có thể cản ngăn, chia cắt được và ngày càng trở nên thắm thiết nồng nàn. Qua đó, ta càng hiểu và yêu mến bé Hồng, hiểu sâu hơn tình mẫu tử thiêng liêng. Hồi kí Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng trở thành một áng văn nghệ thuật, vừa có tầm vóc tư tưởng lớn lao, vừa thể hiện chân thật : rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại”

Đề bài: Phân tích nhân vật bé Hồng trong đoạn trích “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng.

Bài làm

   Nếu ai hỏi tôi: Tình cảm nào thiêng liêng cao đẹp nhất? Tôi xin trả lời là tình mẫu tử! Nếu ai hỏi tôi: Nhà văn Việt Nam nào viết về tình mẫu tử đẹp nhất? Tôi xin trả lời là Nguyên Hồng! Có phải chăng vì Nguyên Hồng là một người con thương mẹ tha thiết, nên ông đã nổi tiếng khi viết về mẫu thân mình? Vâng, chính tác phẩm Những ngày thơ ấu được Nguyên Hồng viết khi vừa tròn mười tám tuổi, đã đưa ông bước vào làng văn một cách chững chạc và vững chắc. Tác phẩm chính là một tập hồi kí về cuộc đời đầy đau khổ, sóng gió của nhà văn.

   Sau đây, chúng ta chủ yếu đi vào đoạn trích “Trong lòng mẹ để phân tích nhân vật “bé Hồng”. Bằng cách dẫn truyện tài tình, tác giả đưa ta đến với gia đình bé Hồng, một gia đình khá giả nhưng bất hạnh. Bằng chứng là vào ngày sinh của chú bé, rất nhiều vị có máu mặt đến chúc mừng. Đồ lễ, đồ mừng chật ních cả nhà. Tưởng rằng bé Hồng sẽ mãi sống trong cảnh giàu sang, sung sướng, nhưng đâu ngờ cuộc đời em chìm ngập trong đau thương, khổ ải. Có lẽ bất hạnh lớn nhất đối với Hồng là việc cha mẹ em lấy nhau chỉ vì ép buộc, không có hạnh phúc. “Sự trái ngược cay đắng đó tôi đã hiểu rõ rệt và thấm thía ngay từ năm tôi lên bảy, lên tám”. Chính em cũng phải nói thế là gì! Còn cay đắng, xót xa nào hơn khi biết :người mẹ thỉnh thoảng lại mỉm cười êm ấm, dịu dàng”, nhưng trong lòng thì “luôn luôn giá buốt, đau đớn, phiền muộn”. Trong máu nhà thơ ấu của bé Hồng, tình cảm gia đình đã có cái gì đó gượng ép, cha mẹ sống với nhau mà như không có tình cảm, tất cả là vì đứa con chung, chính là Hồng. Và cũng ngay từ bé, Hồng đã nghe những lời đồn không mấy tốt đẹp về mẹ. Vì thế, trong suốt một thời gian dài, Hồng phải sống trong sự dằn vặt, phân vâ, không biết ai đúng, ai sai. Rồi khi gia cảnh sa sút vì cái bàn đèn của bố Hồng, gia đình đã quyết định bán nhà. Tuy rằng đó là một sự mất mát lớn, nhưng Hồng là một chú bé rất giàu tình cảm. Những lời nói ngây thơ của em: Để con đi học rồi con xây lại nhà cho bà đã phần nào giảm bớt không khí nặng nề, u ám đang bao trùm lên gia đình Hồng. Mẹ thì buôn bán thua lỗ, thầy thì nghiện thuốc phiện, ngày ngày phải sống ăn bám vào vợ. Vậy đấy! Cái cuộc sống tưởng như sung sướng, nhàn hạ của Hồng, giờ trở nên nghèo túng, thiếu thốn. Mà không những em thiếu thốn về mặt sinh hoạt, vui chơi mà em còn thiếu một gia đình ấm cúng, thực sự tở thành chỗ dựa vững chắc cho tuổi ấu thơ của em. Người cha, chỗ dựa của cả gia đình, nay lại nghiện ngập, hút sách, sống ăn bám, đến nỗi phải cướp tiền của Hồng để mua thuốc hút! Thử hỏi rằng ai mà không xấu hổ, đau đớn khi có một người chồng, một người cha như vậy? Cuối cùng, thì cha Hồng, cả đời sống tối tắm, u uất, đã chết trong nghèo nàn, nghiện ngập.

   Mẹ Hồng bao lâu khao khát yêu thương, đã phải chôn vùi tuổi thanh xuân trong cuộc hôn nhân không lối thoát, nay đã vùng lên, thoát khỏi sự cổ hủ của phong kiến đè nặng lên cuộc đời mình. Bà đi vào Thanh Hóa, bỏ lại bé Hồng bơ vơ, côi cút giữa sự ghẻ lạnh của những ngời họ hàng giàu có. Hồng phải chịu đựng những lời cay nghiệt, xấu xa từ phía họ nội giàu có. Hoàn cảnh làm em phải trở thành đứa trẻ lêu lổng, đói rách, luôn khao khát cuộc sống, một tình yêu thương đích thực. Thế mà cái mong muốn giản đơn ấy mãi mãi không thực hiện được. Đối với Hồng, cái cảnh của nhà thờ đêm Nô – en không có chỗ cho em, cho những con chiên bé nhỏ tìm sự che chở, ban phước của Chúa, mà chỉ dành cho những ông Tây, bà Đầm, những chức dịch, những kẻ quyền quý, khệnh khạng và bệ vệ. Khó khăn lắm em mới len được vào, để có thể nhìn thấy bàn thờ. Rõ ràng cái xã hội thối tha bẩn thỉu ấy không phải là chỗ đứng của em. Nhưng biết làm sao được! Chúa đã ấn định cho cuộc đời Hồng một vực thẳm tăm tối, vô đáy. Cái vự thẳm ấy sẵn sàng nhấn chìm em, nếu em có một phút lỡ làng, quên đi bản chất hồn nhiên, ngây thơ, chân thật của mình.

   Tình thương và hình ảnh của mẹ luôn ngời sáng trong tâm trí Hồng. Mặc dù sống hoàn cảnh như vậy, nhưng tâm hồn Hồng vẫn cứ là vì sao lấp lánh giữ bầu trời thăm thẳm. Trong tâm tư của em vẫn tồn tại hình ảnh một người cha dịu dàng, ngọt ngào; một người mẹ chỉ vì sợ hãi những thành kiến cổ hủ mà xa lìa các con, nhưng tình thương và hình ảnh của mẹ luôn ngời sáng trong tâm trí Hồng. Chính cuộc nói chuyện giữa Hồng, ngay cả chúng ta cũng phải công nhận rằng Hồng rất thông minh, tinh ý. Bởi với một đứa trẻ, một năm không được gặp mẹ, không nhận được một lá thư, một lời thăm hỏi âu yếm, không xin được mẹ một đồng quà thì khi bắt gặp câu hỏi (của người cô) có muốn vào chơi với mẹ hay không? Với tâm lý ngây thơ, trong sáng sẽ trả lời ngay là có, nhưng chợt nhận ra những điều không tốt đẹp trong câu nói ấy nên mới phản bác lại ý muốn dồn nén trong lòng từ bấy lâu nay của mình. Để có được cái chợt ấy quả là một quá trình quan sát lâu dài, được hình thành từ những việc xảy ra trong cuộc sống mà em quan sát và tiếp thu được. Những động cơ xấu, như lời bà cô, đã làm mất đi phần nào tính ngây thơ trong Hồng, để đến nỗi mỗi lời nói, mỗi hành động của em đều được cân nhắc, suy nghĩ kĩ càng. Trong em, sự độc ác của bà cô đã cho em một bài học về cách tính tốn của người lớn, đã biến em thành một người khôn ngoan, “phòng thù kẻ xấu” đã trở thành bản năng tự vệ, và vũ khí duy nhất của em, để bảo vệ cho danh dự của người mẹ thân yêu. Bởi ở cái xã hội của em, mọi người hầu như đều giả dối, ác độc. Đáng thương biết bao! Và tiếng cười của em khi trả lời bà cô: “Cháu không muốn vào” như gây cho người đọc cảm giác dường như Hồng không chú ý, không buồn bã khi phải xa mẹ. Mặc đù trả lời như vậy nhưng chắc rằng lúc bấy giờ, trong lòng Hồng, hình ảnh và những tình cảm yêu thương mặn nồng đối với mẹ đang trào dâng nghẹn ngào.

   Tất cả diễn biến tâm trạng của Hồng đều trái ngược với lời nói, hành động của em. Điều đó chẳng lẽ không phải là một nỗi đau thầm kín nhưng sâu sắc, giằng xé tâm hồn em hay sao? Đặc biệt tâm trí của bé Hồng cũng được nhà văn miêu tả theo mức độ tăng dần. Lúc đầu Hồng còn cười sau đó “lòng em thắt kaij, khóe mắt đã cay cay”. Chúng ta càng hiểu rõ và căm ghét bà cô độc ác bao nhiêu, thì tình thương yêu, cảm thông dành cho bé Hồng lại càng mãnh liệt, đậm đà bấy nhiêu. Vết thương lòng trong em đã không được hàn gắn, nay lại bị người khác khoét sâu thêm nên Hồng cảm thấy lòng mình thoắt lại, quặn đau. Nếu trước kia em cố làm ra vẻ tỉnh táo thì nay không thể kìm nén được nữa. Em trở về đúng tâm trạng của mình: đau đớn, khi thấy cô nói xấu, xúc xiểm người mẹ mà em hằng tôn quý. Sự đau đớn đó lại càng lên tới cột đỉnh khi Hồng nghe cô nói mẹ mình sắp sinh em bé, và Hồng đã chỉ: “cười dài trong tiếng khóc”. Nhưng Hồng đâu trách mẹ, dù mẹ chưa đoạn tang cha mà đã chữa đẻ với người khác. Chính bởi em cũng hiểu cuộc hôn nhân của cha mẹ hoàn toàn bị ép buộc không có hạnh phúc. Cho nên việc mẹ xây dựng hành phúc với người khác, chẳng qua vì mẹ cố tìm lại thời thanh xuân mà mình đã đánh mất, đã chôn vùi dưới nấm mồ thời gian mà thôi.

   Nhà văn miêu tả rất thành công điệu cười của Hồng: “cười dài trong tiếng khóc”. Cái tiếng cười ấy chứa đựng biết bao hàm ý. Trước hết dó là một tiếng cười chua xót, tủi phận khi không có một gia đình như ai. Sau nữa là tiếng cười căm giận, mỉa mai. Trong cuộc nói chuyện ấy, cuối cùng là hình ảnh bé Hồng với cổ họng nghẹn ứ, khóc không còn ra tiếng. Có lẽ lúc ấy do quá đau đớn nên Hồng mới trở nên yếu đuối, quỵ gục về thể các. Nhưng trong tâm hồn em, tình thương đối với mẹ vẫn là vô biên. Nhà văn viết: giá những cổ tục đã đầy đọc mẹ tôi ấy là một vật như hòn đá, cục thủy tinh hay mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy, nhét vào miệng, nghiến cho kì vụn như cám mới thôi. Phải! Em vẫn còn đủ sức để nghiền nát, để xóa bỏ những gì đã đày đọa mẹ em khổ cực. Chi tiết này chứng tỏ tình cảm của Hồng đối với mẹ thật bao la, vô bờ bến.

   Nếu trong cuộc nói chuyện với bà cô, Hồng đã phải đau đớn, giằng xé bao nhiêu thì nay em lại được đền bù bấy nhiêu. Đó là sự trở về của mẹ Hồng. Bằng những trực giác hết sức tinh tế nhạy bén của mình, thêm vào đó là tình cảm nồng nàn Hồng dành cho mẹ, em đã phát hiện rất chính xác người ngồi trên xe kéo là mẹ mình. Nhưng do quá sung sướng, bất ngờ nên Hồng nghĩ mình đã lầm. Vậy nhưng em vẫn cất tiếng gọi một cách bối rối: “Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!”

   Đến đây, ngay cả người đọc cũng hồi hộp và mừng thầm thay cho em. Nếu ngời đó là mẹ Hồng thì em đã được đền bù thích đáng sau bao ngày sống khốn khổ, bơ vơ. Nhưng nếu em nhầm lẫn thì “khác nào người bộ hành đi giữa sa mạc mênh mông hì bắt gặp ảo ảnh của bóng râm và dòng suối”. May mắn thay đó chính là mẹ. Hình ảnh em hồng hộc chạy theo xe tay, đến nơi thì khóc lên nức nở chứng tỏ em rất nhạy cảm. Em tủi thân lắm nén tiếng khóc nghẹn ngào mới bật ra khi gặp mẹ. Đồng thời đó còn là tiếng khóc sung sướng, vỡ òa ra. Và khi nhà văn nói lên tâm trạng của em: Nhận ra mẹ không còm cõi xơ xác quá như lời cô nói, chúng ta mới vỡ lẽ rằng dù sao Hồng vẫn còn là một đứa trẻ. Em bảo vệ, bênh vực mẹ là thế, nhưng em vẫn chịu ảnh hưởng của lời nói độc địa từ bà cô. Niềm sung sướng choáng ngợp tâm trí nên em có thể quên ngay những lời đồn đại xấu xa về mẹ. Từ những cảm giác đê mê sung sướng của chú bé khi nằm “trong lòng mẹ”, nhà văn nêu lên nhận xét khái quát và đầy xúc động về sự êm dịu vô cùng của người mẹ trên đời: “Phải bé lại và để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Lúc nỗi nhớ, niềm thương, nỗi uất ức lâu ngày bị dồn nén, bỗng đột ngột được giải tỏa, bé Hồng òa lên khóc rồi cứ thể nức nở…”Hồng lúc ấy chỉ là một chú bé con, trở về trong lòng người mẹ yêu dấu, rất thơ ngây và trong trắng. Em thực sự phải được hưởng niềm hạnh phúc to lớn lao ấy bởi con người, tâm hồn em đích thực là một vì sao lạc lõng, nhỏ bé nhưng sáng chói giữa bầu trờ bao la.

   Qua toàn bộ tác phẩm, nhất là ở chương IV, chúng ta có thể học tập được rất nhiều đức tính ở bé Hồng. Mặc dầu lớn len trong một hoàn cảnh rất khắc nghiệt nhưng Hồng vẫn đấu tranh cho cuộc sống của mình, đấu tranh cho những gì mà mình thấy là lẽ phải, hợp đạo lí. Chắc chắn sau này hình ảnh cậu bé đáng yêu và đáng thương này mãi ngời sáng trong tâm hồn chúng ta. 

   Qua miêu tả của nhà văn, ta cảm nhận được một thế giới tâm hồn phong phú, đạo làm con ngời sáng của chú bé Nguyên Hồng. Tình mẫu từ trong trái tim cậu bé như viên kim cương tỏa sáng, như ngọn đuốc soi đường cho chú bé, sưởi ấm hai mẹ con, sưởi ấm boa trái tim người đọc trong những đêm tối đâu thương cuối thế kỉ XX, và mãi mãi là bài ca bất hủ về tình mẫu từ thiêng liêng bất diệt!

Đề bài: Phân tích nhân vật bé Hồng trong đoạn trích “Trong lòng mẹ”.

Bài làm

Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ

Hãy còn mường tượng lúc vảo ra

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh nắng trưa hè trước giậu thưa

    Tình cảm gia đình, tình cảm mẫu tử luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, bất diệt trong lòng mỗi chúng ta. Trong văn học có biết bao người phụ nữ sẵn sàng hi sinh, đánh đổi tất cả vì con cái, nhưng đồng thời cũng có những người con yêu thương, bảo vệ mẹ hết lòng. Người con hiếu thảo, giàu tình yêu thương ấy chính là chú bé Hồng trong trích đoạn Trong lòng mẹ của nhà văn Nguyên Hồng.

    Để hiểu về tình cảm Hồng dành cho mẹ, chúng ta cũng cần tìm hiểu sơ qua về hoàn cảnh sống của Hồng. Hồng trước đây sống trong gia đình trung lưu, đủ đầy về tiền bạc nhưng lại thiếu tình yêu thương. Cha nghiện thuốc phiện, tiêu tốn tài sản rồi qua đời, mẹ bỏ đi để Hồng ở lại với bà cô cay nghiệt, đầy những rắp tâm xấu xa, hàng ngày tiêm nhiễm những điều không tốt vào cậu bé Hồng.

    Tình yêu thương của bé Hồng dành cho mẹ trước hết là ở sự kiên định trong tình yêu thương trước những lời gièm pha, xúc xiểm của bà cô. Những lời bà cô nói như ngàn nhát dao đâm vào trái tim non nớt, nhỏ bé của Hồng. Hai tiếng em bé kéo ra thật dài, rồi lời hỏi han: “Hồng ! Mày có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ mày không?” rồi lời mắng: “Mày dại quá, cứ vào đi, tao chạy tiền tàu cho. Vào mà bắt mợ mày may vá sắm sửa và thăm em bé chứ” . Những lời nói tưởng là quan tâm đến cậu bé nhưng thực tế lại chỉ làm cho trái tim non nớt của cậu đau nhói. Hồng cố gắng kím nén cảm xúc bản thân để cho bà cô không đạt được mục đích của mình. Không chỉ vậy cậu còn kiên định, quả quyết rằng: “Thế nào cuối năm mợ cháu cũng về” . Cậu nói ấy như một hành động đanh thép đập tan nhưng suy nghĩ, hành động xấu xa của bà cô. Đồng thời cũng là một minh chứng cho tình yêu thương, niềm tin sâu sắc Hồng dành cho mẹ.

    Hồng thương mẹ, thương mẹ rất nhiều, nhưng cũng giận mẹ, bỏ đi biệt xứ, để lại mình Hồng ở đây phải chống trọi lại người cô độc ác, cay nghiệt. Đỉnh điểm của tình yêu thương đó, trong suy nghĩ ngây thơ mà rất đỗi chân thành của Hồng, em đã ước; “Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi” . Hình ảnh so sánh vô cùng đặc sắc, so sánh cổ tục phong kiến bảo thủ với những vậy hữu hình: đầu mẫu gổ, thủy tinh,… để có những hành động hết sức quyết liệt: vồ, cắn, nhai, nghiến cho kì nát vụn. Mong ước ấy của Hồng một lần nữa khẳng định tình yêu thương sâu nặng em dành cho người mẹ bất hạnh của mình.

    Tình yêu thương mẹ của bé Hồng được thể hiện đặc biệt rõ khi cậu gặp lại mẹ. Hồng đã từng có lần đau đớn nghĩ rằng: “Mợ, ơi! Con khổ quá mợ ơi, giá ai cho tôi một xu nhỉ, chỉ một xu thôi để tôi mua một năm xôi hay một chiếc bánh khúc ăn cho đỡ đói…”. Đó là những tâm sự thấm đẫm nước mắt của một cậu bé nhỏ người mà tâm hồn đã già dặn. Và bao nhiêu đau đớn, tủi cực đã được bù đắp trong giờ phút gặp lại. Hai mẹ con mừng mừng, tủi tủi, gặp nhau. Hồng chạy nhanh tới, hơi thở hồng hộc, trán đẫm mồi hôi, cả hai chân níu lại,… mừng rỡ, sung sướng đến cực điểm trèo lên xe mẹ. Nếu người quay lại ấy không phải mẹ, có lẽ sẽ là điều đau đớn, cơ cực nhất trong cuộc đời: “Và cái lầm đó không những làm tôi thẹn mà còn tủi cực nữa, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc” . Hình ảnh so sánh gợi cảm, chính xác khi lấy hình ảnh người bộ hành đi giữa sa mạc để so sánh với tình yêu thương mãnh liệt Hồng dành cho mẹ. Hình ảnh dòng suối là một ví von đặc sắc cho thấy mẹ chính là dòng nước trong xanh và mát lành làm dịu mát những nỗi cay đắng trong cuộc đời con.

    Ngồi kề bên mợ, Hồng lúc này mới sụt sùi và khóc nức nở. Cũng chính trong lúc được kề sát vào lòng mẹ Hồng mới thấy rằng mẹ không giống những lời bà cô nói. Mẹ vẫn xinh đẹp, tươi sáng, hai gò má ứng hồng, mẹ vẫn đẹp như thuở còn sung túc. Được mẹ ôm ấp vào lòng, Hồng mới cảm nhận được tất cả niềm hạnh phúc mà mỗi đứa con được cảm nhận trong cuộc đời: “Phải bé lại lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay của người mẹ vuốt ve, gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”.

    Trích đoạn ngắn Trong lòng mẹ, với ngôn từ giản dị, hình ảnh so sánh đặc sắc, giọng văn trữ tình tình cảm, là một minh chứng điển hình cho tình mẫu tử bất diệt. Tình cảm thiêng liêng, cao cả ấy lay động đến hàng triệu trái tim và như một lời nhắc nhở đến mỗi người con phải luôn biết yêu thương và kính trọng cha mẹ.

Đề bài: Qua đoạn trích “Trong lòng mẹ”, em hãy chứng minh nhận định: “Hồi kí của Nguyên Hồng không phải là những trang ghi chép một cách giản đơn, khô khan những sự việc đã qua. Ông viết hồi ký theo cách thức của một nhà văn với một rung động mãnh liệt của trái tim người nghệ sĩ“.

Bài làm

   Nguyên Hồng là ngòi bút của “Những người khốn khổ”, đã thủy chung với con đường văn học trong suốt cuộc đời cầm bút của mình. Đặc biệt qua hồi ký, ông không ghi chép một cách đơn giản, khô khan sự việc đã qua. Ông viết hồi kí theo cách thức của một nhà văn với những rung động mãnh liệt của trái tim người nghệ sĩ.

   Cụ thể qua đoạn trích Trong lòng mẹ, Nguyên Hồng đã thể hiện số phận đau thương và vẻ đẹp phong phú của người phụ nữ bất hạnh cũng như đứa trẻ thơ vô tội bằng trái tim xúc động chân thành.

   Thực vậy, Trong lòng mẹ là chương tiêu biểu cho bút pháp giàu chất trữ tình, xuất phát từ một trái tim người nghệ sĩ. Suốt cả chương sách đều tràn đầy cảm xúc. Phần trên thuật lại cảnh đối thoại giữa chú bé và bà cô thâm độc, cảm xúc của chú bé cố nén lại, nhưng ẩn giấu bên trong là nỗi căm ghét đối với hủ tục, đối với bà cô thâm độc đang làm tổn thương đến lòng yêu thương mẹ của chú bé. Nhân vật bà cô được thể hiện khác sắc sảo, sinh động. Bà ta chẳng những tiêu biểu cho cái nhìn thành kiến cổ hủ, phi nhân đạo của xã hội khi đó, mà còn là người đàn bà có tâm địa thật đen tối khi cố ý khoét sâu vào nỗi đau rướm máu trong tâm hồn nhạy cảm của đứa cháu mồ côi, cố ý gieo vào lòng nó thái độ khinh miệt, ruồng rẫy đối với người mẹ mà nó vẫn yêu thương.

   Qua đoạn văn, có thể thấy ngòi bút Nguyên Hồng khá sắc sao, tinh tế trong việc đi sâu thể hiện tâm lí, tâm trạng nhân vật. Diễn biến tâm trạng đau đớn, căm giận ngày càng tăng của chú bé Hồng khi nghe những lời lẽ ngọt ngào giả dối của bà cô được miêu tả thật cụ thể: từ chỗ cúi đầu không đáp hoặc cười đáp lại đến chỗ lòng thắt lại, khóe mắt đã cay cay rồi nước mắt ròng ròng… với cảm giác đau đớn song đã cười dài trong tiếng khóc để hỏi lại bà cô và cuối cùng là cổ họng nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Tất cả chứng tỏ sự đau đớn và căm giận đến điên cuồng, muốn vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghền cho kì nát vụn những cổ tục đã đày đọa mẹ chú.

   Đến đoạn tả cảnh chú bé gặp mẹ, nhào vào lòng mẹ, ngòi bút phân tích cảm xác, cảm giác của tác giả đã đạt tới độ sâu sắc tinh tế hiếm có. Cảnh ngộ và tâm sự riêng của một đứa trẻ bị lạc loài được Nguyên Hồng thuật lại, kể lại dưới ánh sáng cùa những tư tưởng xã hội vả tình cảm nhân đạo sảụ sắc. Nguyên Hồng không chỉ kể lại những kỉ niệm thời thơ ấu mà thực sự sổng tại những ngày thơ ấu của mình. Câu văn nào của Nguyên Hồng cũng rưng rưng những cảm xúc tươi rói. Ông sáng tạo ra những nhân vật sinh động giống như những con người đang đi lại nót năng, suy nghĩ, toan tính trong cuộc đời thật

   Là một em bé mồ côi cha, bé Hồng rất giàu tình thương mẹ. Chính tình thương đó dẫn giúp cho bé Hồng nhận ra đâu là lẽ phải, đâu là những người, những tập tục cần lên án. Tình thương ấy sẽ được tác giả tả một cách sinh động qua lần bé Hổng gặp mẹ.

   Ở đoạn văn này, tình yêu thương mẹ của chú bé không phải chỉ là những ý nghĩ tính táo mả là một cảm xúc lớn lao mãnh liệt dâng trào. Từ những cảm giác đê mê sung sướng của chú bé khi nằm “trong lòng mẹ”, nhà văn nêu lênn nhận xét khái quát đầy xúc động về sự êm dịu vô cùng của người mẹ trên đời: “Phải bé lại và để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”.

   Đây là hồi kí, lời nhân vật cũng là lời tác giả, nhà văn đã nhập thân với nhân vật, nên cảm xúc dào dạt trong lòng chú bé thể hiện đầy đủ ở lời văn, giọng văn của tác phẩm. Rồi trong khi nhân vật đang kể chuyện mình, nhà văn còn xen vào những lời trữ tình ngoài đề để bình luận, đầy xúc động và sự êm dịu vô cùng của người mẹ. Đó cùng là một biểu hiện đậm nét về chất trữ tình của nhà vãn Nguyên Hồng.

   Nguyên Hồng quả là nhà văn có tài. Với một trái tìm nghệ sĩ, ông nắm bắt và miêu tả chính xác những chi tiết ngoại hình thể hiện tinh tế quá trình chuyển biến của đời sống nội tâm nhân vật Trong lòng mẹ rmiêu tả rất nhiều tiếng khóc của bé Hổng mà không lần nào giống lần nào. Khi uất nghen phải ghìm nén, bé Hồng cảm thấy cổ họng… đã nghẹn ứ khóc khổng ra tiếng. Lúc nỗi nhớ, niềm thương, nỗi uất ức lâu ngày bị dồn nén, bỗng đột ngột được giải tỏa, bé Hồng òa lên khóc rồi cứ thề nức nở.

   Tuy nhiên, sự hấp dẫn và sức mạnh lay động lỏng người trong hổi kí của Nguyên Hồng chủ yếu vẫn là nhờ ở sự chân thành trong cảm xúc của người viết Nguyên Hồng không chỉ kể lại, thuật lại những sự việc đã qua, mà còn sống lại, hóa thân vào những sự việc ẩy. Các sự việc được kể, được thuật cũng chỉ là để nhà văn giãi bày, bộc bạch những tình cảm yêu thương, căm giận đang cần được thể hiện. Kỉ niệm về bà cô là những nỗi đau cố nén lại rồi uất nghẹn bật thành tiếng khóc. Cuộc gặp gõ với mẹ là những rung động mãnh liệt nhất của tâm hồn trẻ thơ và cuối cùng cả cơ thể đứa bé hòa tan vào những cảm giác rạo rực, vui sướng cực điểm. Văn Nguyên Hổng tràn theo cảm xúc ấy. Cho nên nhịp điệu, giọng văn thấm đẫm cảm hứng trữ tình.

   Không theo sự sắp xếp của lí trí, mạch văn Nguyên Hồng tràn theo cảm xúc, theo con tim của nghệ, nhạy cảm, chan chứa yêu thương, căm giận sôi nổi và chân thành. Nguyên Hồng đã cho ta những trang hồi kí có sức cuốn hút người đọc rất đặc biệt, đậm đà tinh nhân đạo, thông cảm sâu sắc vói những đau khổ và khát vọng hạnh phúc thầm kín cùa người phụ nữ. Trái tìm nghệ sĩ ấy cũng chan chứa niềm yêu thương và thể hiện mãnh liệt quan điểm tiến bộ về tình yêu và hôn nhân.

Đề bài: Phân tích nhân vật bà cô trong đoạn trích “Trong lòng mẹ” của Nguyên Hồng.

Bài làm

   Nhân vật bé Hồng có một hoàn cảnh vô cùng bất hạnh. Cha mất, mẹ bỏ đi theo người khác nên bị gia đình chồng thù ghét, Hồng ở với họ hàng bên nội. Sau khi cha Hồng mất gần một năm, sắp đến ngày giỗ đầu của ông, mẹ ở Thanh Hóa vẫn chưa về. Người bà cô của Hồng gọi chú bé lại trò chuyện với một tâm địa xấu xa, độc ác. Bà ta vừa cười vừa hỏi Hồng. Đây không phải là sự lo lắng, nghiêm nghị, cũng không phải âu yếm. Cái cười này thể hiện một sự không thiện chí. Câu hỏi của mụ ta: có muốn vào Thanh Hoá thăm mợ mày không cũng chứa đựng ý nghĩa cay độc một sự giả dối.

   Nhận ra ý nghĩ cay độc của cô, Hồng cúi đầu không đáp. Nhưng sau đó, chú cười đáp lại: “không cháu không muốn vào, cuối năm thế nào mợ cháu cũng về”. Thái độ đó chứng tỏ chú rất yêu thương và kính trọng mẹ, chú nhận ra được ý nghĩ cay độc của bà cô trong giọng nói và nét mặt khi cười rất kịch của bà cô. Em không thể để tình yêu thương và lòng kính mến mẹ bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến.

   Người bà cô “Giọng vẫn ngọt”, “sao không vào mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu!”, “Hai con mắt long lanh của cô chằm chặp nhìn” vào Hồng rồi “Vỗ vai cười nói” “mày dại quá, vào bắt mẹ mày may vá sắm sửa cho và bế em bé chứ”. Giọng mụ ta bình thản nhưng mỉa mai. Cái nhìn của bà chứng tỏ bà cô rắp tâm muốn kéo đứa cháu đáng thương vào một trò chơi độc ác đã dàn tính sẵn. Cử chỉ vỗ vai, cười nói – thể hiện sự giả dối độc ác. Câu nói “mày dại quá…” không chỉ lộ rõ sự ác ý mà còn chuyển sang chiều hướng châm chọc, nhục mạ với một giọng điệu cay nghiệt, độc ác.

   Vẫn chưa chịu buông tha Hồng, bà cô tiếp tục kể về tình cảnh tội nghiệp của mẹ Hồng. Đó là sự vô cảm sắc lạnh đến ghê người. Chúng khiến tâm trạng của Hồng đau đớn, uất ức đến cực điếm. Cử chỉ đổi giọng, vỗ vai, nghiêm nghị của bà cô thực chất là sự thay đổi đấu pháp tấn công. Khi thấy cháu tức tưởi phẫn uất bà mới hạ giọng tỏ sự ngậm ngùi thương xót người đã mất. Khi đó, sự giả dối thâm hiểm trơ trẽn của bà cô đã phơi bày toàn bộ.

   Qua đoạn trích “Trong lòng mẹ” (Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng) người bà cô bộc lộ bản chất là một kẻ lạnh lùng, độc ác, thâm hiểm. Đây là hình ảnh mang ý nghĩa tố cáo hạng người sống tàn nhẫn, khô héo cả tình máu mủ ruột rà trong xã hội thực dân nửa phong kiến lúc đó.

   Nhân vật bà cô trong đoạn trích nói riêng và toàn bộ tác phẩm nói chung mang giá trị hiện thực sâu sắc. Nó ẩn chứa sức mạnh tố cáo hạng người giả dối, tàn nhẫn, mất hết sự trắc ẩn của tình người, tình máu mủ.. Đồng thời, nó cùng khẳng định tấm lòng đồng cảm, yêu thương của nhà văn đối với những số phận bất hạnh trong xã hội phong kiến nửa thực dân xưa.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 893

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống