Tóm Tắt Lý Thuyết Lịch Sử Lớp 12 Chi Tiết, Ngắn Gọn

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 12: tại đây

I. KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC CHỐNG THỰC DÂN PHÁP BÙNG NỔ

1. Thực dân Pháp bội ước và tiến công nước ta

– Sau khi kí kết Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và Tạm ước (14/9/1945), Pháp bội ước, đẩy mạnh các hoạt động xâm lược Việt Nam:

+ Khiêu khích, tấn công Việt Nam ở Hải Phòng và Lạng Sơn (tháng 11/1946).

+ Ở Hà Nội: Pháp bắn súng, ném lựu đạn ở nhiều nơi, đốt Nha Thông tin ở phố Tràng Tiền,…

– Ngày 18/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư buộc chính phủ ta phải giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng. Pháp tuyên bố: nếu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chấp nhận thì ngày 20/12/1946, chúng sẽ hành động.

⇒ Hành động của Pháp đã xâm phạm nghiêm trọng đến độc lập, chủ quyền của Việt Nam.

2. Đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng.

a. Toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ.

– Âm mưu và hành động xâm lược của Pháp đã đe dọa nghiêm trọng đến độc lập, chủ quyền của Việt Nam.

⇒ Tình thế khẩn cấp đòi hỏi Đảng và Chính phủ phải có hành động kịp thời:

+ 12/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến.

+ 18 và 19/12/1946, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng, quyết định phát động phong trào toàn quốc kháng chiến.

+ Tối 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

b. Đường lối kháng chiến của Đảng

– Những nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược được thể hiện trong các văn kiện:

+ Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (12/12/1946).

+ “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946).

+ Tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi” của Trường Chinh (1947).

Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi

– Nội dung đường lối: Toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.

II. CUỘC CHIẾN ĐẤU Ở CÁC ĐÔ THỊ VÀ VIỆC CHUẨN BỊ CHO KHÁNG CHIẾN LÂU DÀI

1. Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16

a. Mục đích:

– Giam chân địch ở thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã

– Tạo thế trận để đi vào cuộc chiến đấu lâu dài.

b. diễn biến

– Cuộc chiến đấu bùng nổ đầu tiên tại Hà Nội. Trong 60 ngày đêm, quân dân Hà Nội đã chiến đấu gần 200 trận, giết và làm bị thương hàng nghìn tên địch, phá hủy hàng chục xe cơ giới và 5 máy bay…

Quyết tử quân ôm bom ba càng

– Tại các thành phố khác: quân dân Việt Nam đã bao vây, tấn công và tiêu diệt nhiều tên địch; giam châm địch trong các thành phố, thị xã trong một thời gian,…

c. kết quả – ý nghĩa

– Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.

– Bước đầu làm phá sản kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp.

– Làm chạm bước tiến của quân Pháp, tạo điền kiện cho nhân dân cả nước đi vào cuộc kháng chiến lâu dài.

2. Tích cực chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài

– Sau khi rút khỏi Hà Nội, các cơ quan Đảng, Chính phủ, Mặt trận,.. chuyển lên Việt Bắc.

– Đảng, Chính phủ lãnh đạo và tổ chức nhân dân cả nước xây dựng lực lượng kháng chiến về mọi mặt:

+ Chính trị: Lập Ủy ban kháng chiến hành chính, thực hiện kháng chiến kiến quốc; lập Hội Liên Việt.

+ Kinh tế: duy trì và phát triển sản xuất, nhất là lương thực.

+ Quân sự: quy định người dân từ 18t đến 45 t được tham gia các lực lượng chiến đấu.

+ Văn hóa: tiếp tục duy trì,phát triển phong trào bình dân học vụ, trường phổ thông các cấp vẫn giảng dạy, học tập trong hoàn cảnh chiến tranh.

III. CHIẾN DỊCH VIỆT BẮC THU – ĐÔNG VÀ VIỆC ĐẨY MẠNH KHÁNG CHIẾN TOÀN DÂN, TOÀN DIỆN

1. Chiến dịch Việt Bắc thu – đông (1947)

a. Hoàn cảnh lịch sử:

– Sau nhiều tháng tiến hành chiến tranh xâm lược, đến đầu năm 1947, Pháp vẫn chưa tiêu diệt được cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của Việt Nam.

– Tháng 3/1947, Chính phủ Pháp cử Bô-la-e làm cao ủy Pháp ở Đông Dương, thực hiện kế hoạch tiến công lên Việt Bắc, nhằm:

+ Tiêu diệt bộ đội chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của Việt Nam.

+ Khóa chặt biên giới Việt – Trung, ngăn chặn liên lạc giữa Việt Nam với quốc tế.

+ Giành thắng lợi quân sự để nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

– Để thực hiện âm mưu tấn công lên Việt Bắc, Pháp đã huy động 12000 quân, chia làm 3 cánh quân, tấn công Việt Bắc từ ngày 7/10/1947:

+ Binh đoàn quân dù, đổ quân xuống thị xã Bắc Cạn, thị trấn Chợ Mới, Chợ Đồn.

+ Binh đoàn bộ binh bao vây Việt Bắc ở phía Đông và phía Bắc.

+ Binh đoàn hỗn hợp lí bộ và lính thủy bao vây Việt Bắc ở phía Tây.

b. Quân dân Việt Nam chiến đấu bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc.

– Chủ trương của Đảng: Khi Pháp vừa tiến công Việt Bắc, Đảng ra chỉ thị “Phải phá tan cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp”.

– Diễn biến chính:

+ Tại Bắc Kạn: quân dân Việt Nam chủ động tiến công, bao vây, tập kích vào những nơi địch chiếm đóng, phục kích trên đường từ Bắc Kạn đi Chợ Mới, Chợ Đồn; khẩn trương di chuyển các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ các công xưởng, kho tàng từ nơi địch uy hiếp, chiếm đóng đến nơi an toàn.

+ Tại mặt trận hướng Đông: quân dân Việt Nam phục kích chặn đánh địch trên Đường số 4, cản bước tiến của chúng, tiêu biểu là trận đánh phục kích trên đường Bản Sao – đèo Bông Lau ngày 30 – 10 – 1947.

+ Tại mặt trận hướngTây: quân dân Việt Nam phục kích chặn đánh nhiều trận trên sông Lô, tiêu biểu là các chiến thắng ở Đoan Hùng, Khe Lau,….

+ Phối hợp với cuộc chiến đấu ở Việt Bắc, quân dân ta trên các chiến trường toàn quốc hoạt động mạnh, góp phần kiềm chế quân địch.

⇒ Ngày 19/12/1947, Pháp rút chạy khỏi Việt Bắc.

Lược đồ chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947

c. Kết quả, ý nghĩa:

– Đẩy lui được cuộc tiến công của Pháp.

– Bảo vệ cơ được cơ quan đầu não kháng chiến, bộ đội chủ lực trưởng thành.

– Làm phá sản hoàn toàn kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh”, buộc Pháp phải chuyển sang “đánh lâu dài”, thực hiện âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

⇒ Thế và lực của Việt Nam đã chuyển biến theo hướng bất lợi cho Pháp.

2. Đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện

a. Hoàn cảnh:

– Thất bại trong chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947, kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp đã hoàn toàn phá sản → Pháp buộc phải chuyển sang thực hiện kế hoạch “đánh lâu dài” và “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”

⇒ Ý đồ của Pháp: chống lại cuộc kháng chiến lâu dài, toàn dân, toàn diện; chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của nhân dân Việt Nam.

b. Những biện pháp, chính sách của Đảng, chính phủ

Lĩnh vực Chủ trương, biện pháp
Quân sự – Động viên nhân dân thực hiện vũ trang toàn dân, phát triển chiến tranh du kích.
Chính trị – Ngoại giao

– Tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp.

– Củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Tháng 6/1949, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt quyết định tiến tới thống nhất hai tổ chức từ cơ sở đến trung ương.

– Ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Kinh tế

– Phá hoại kinh tế địch.

– Đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ nền kinh tế dân chủ nhân dân.

Văn hóa – giáo dục

– Tiến hành cải cách giáo dục.

– Hướng giáo dục vào phục vụ kháng chiến và kiến quốc.

IV. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ MỚI VÀ CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI THU – ĐÔNG NĂM 1950

1. Hoàn cảnh lịch sử mới của cuộc kháng chiến

Sau chiến thắng Việt Bắc thu – đông năm 1947, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam có thêm nhiều thuận lợi, song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

– Thuận lợi:

+ Sau gần 5 năm kháng chiến, Việt Nam đã thu được nhiều thắng lợi quan trọng trên các mặt chính trị, quân sự, ngoại giao => thế và lực của Việt Nam mạnh hơn trước.

+ Tình hình quốc tế có nhiều thuận lợi: thắng lợi của cách mạng Trung Quốc; phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa dâng cao,…

+ Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

– Khó khăn:

+ Mĩ bắt đầu can thiệp và “dính líu” trực tiếp vào cuộc chiến tranh Đông Dương.

+ Tháng 5/1949, Pháp đề ra kế hoạch Rơ-ve, âm mưu mở cuộc tấn công lên Việt Bắc lần thứ hai.

2. Chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950

a. Chủ trương của Đảng:

Tháng 6/1950, Đảng và Chính phủ quyết định mở chiến dịch Biên giới, nhằm mục đích:

+ Tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch.

+ Khai thông biên giới Việt – Trung.

+ Mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến.

⇒ đây là chiến dịch chủ động tiến công lớn đầu tiên của Việt Nam.

b. Diễn biến chính:

– Tháng 9/1950, quân dân Việt Nam tấn công, tiêu diệt cứ điểm Đông Khê, uy hiếp Thất Khê, Cao Bằng bị cô lập.

– Quân dân Việt Nam mai phục, chặn đánh nhiều nơi trên đường số 4 => Pháp rút khỏi đường số 4 (22/10/1950).

Lược đồ chiến dịch Biên giới

c. Kết quả, ý nghĩa:

– Đạt được mục tiêu đề ra: làm phá sản kế hoạch Rơ-ve của Pháp; khai thông biên giới Việt – Trung; giải phóng được một vùng đất đai rộng lớn.

– Mở ra bước phát triển mới cho cuộc kháng chiến: quân đội Việt Nam giành được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ.

– Quân đội Việt Nam trưởng thành, thế và lực của Việt Nam phát triển vượt bậc.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 969

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống