Văn mẫu lớp 6 Tập 1

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây

Đề bài: Phân tích truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh

Bài làm

   Truyền thuyết Việt Nam là bức tranh đẹp đẽ về đời sống, về trí tưởng tượng tài hoa của ông cha xưa. Trong kho tàng ấy có biết bao câu chuyện làm say đắm các thế hệ người nghe, người đọc và một trong những tác phẩm đó là truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh. Tác phẩm là một thần thoại cổ đã được lịch sử hóa khi gắn với thời đại Hùng Vương và trở thành truyền thuyết trong thời đại các vua Hùng.

   Tác phẩm tập trung thể hiện hai nội dung chính: cuộc giao tranh của Sơn Tinh và Thủy Tinh để giải thích hiện tượng mưa bão hàng năm và sự việc Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh phản ánh khát vọng chế ngự thiên nhiên của nhân dân ta.

   Câu chuyện được bắt đầu bằng việc vua Hùng kén rể cho người con gái yêu của mình là nàng Mị Nương. Trong vô vàn những người kiệt xuất, ưu tú thì Sơn Tinh và Thủy Tinh là hai chàng trai xuất sắc nhất. Sơn Tinh là thần núi Tản Viên, có nhiều phép lạ “vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi”, Thủy Tinh cũng không hề kém cạnh, chàng là chúa vùng nước thẳm cũng có những tài năng kì lạ “gọi gió, gió đến; hô mưa, mưa về”. Quả thực tài năng hai người ngang tài ngang sức nhau, trước tình thế đó vua Hùng không biết lựa chọn ai, bèn đưa ra sính lễ: “Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”, ai mang đến sớm vua Hùng sẽ gả con gái yêu của mình cho người đó. Nhìn vào số đồ sính lễ này ta có thể dễ dàng nhận ra ưu thế đang nghiêng về chàng Sơn Tinh, và bất lợi đang nghiêng về phía chàng Thủy Tinh, đồ sính lễ đều thuộc địa phận cai quản của Sơn Tinh. Và kết quả Sơn Tinh mang sính lễ đến trước và rước được Mị Nương về.

   Thủy Tinh vô cùng giận dữ đem quân đuổi theo đánh Sơn Tinh, cuộc giao tranh diễn ra vô cùng quyết liệt. Thần nước “hô mưa gọi gió, làm thành dông bão, rung chuyển cả đất trời” nước mỗi ngày một dâng cao nhằm đánh bại Sơn Tinh. Nhưng trước sự hung hãn của Thủy Tinh, Thần núi vẫn không hề nao núng, Sơn Tinh “bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất, ngăn chặn dòng nước lũ”. Cuối cùng Thủy Tinh yếu thế đành phải rút lui. Cuộc giao tranh giữa hai vị thần không đơn thuần là cuộc giao tranh để đòi lại người đẹp (Mị Nương) mà nó còn phản ánh sức mạnh của dân tộc ta trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, bão lụt. Thủy Tinh đại diện cho sức mạnh của thiên nhiên hung bạo, Sơn Tinh đại diện cho sức mạnh quật cường của dân tộc Việt. Trước những thiên tai bão lũ dân tộc ta không chịu lùi bước, luôn kiên cường chống đỡ. Đồng thời bằng trí tưởng tượng của mình, các tác giả dân gian còn dùng cuộc đấu tranh giữa hai vị thần về hiện tượng mưa bão, lũ lụt hàng năm.

   Tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm ta không thể không kể đến sự góp công của các yếu tố nghệ thuật. Trước hết là việc xây dựng cốt truyện với tình huống truyện gay cấn, sự kiện sinh động. Không chỉ vậy, xây dựng các nhân vật với tài năng phi thường, các yếu tố kì ảo làm cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Ngoài ra còn phải kể đến sự kết hợp hài hòa giữa các yêu tố tưởng tượng kì ảo với yếu tố hiện thực lịch sử. Tất cả các yếu tố đó đã tạo nên sự thành công cho tác phẩm này.

   Sơn Tinh Thủy Tinh là một truyền thuyết lí thú trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Truyện vừa thể hiện cách giải thích của nhân dân ta về hiện tượng mưa bão hàng năm nhưng đồng thời cũng phản ánh sức mạnh, mơ ước chế ngự thiên tai, bảo vệ và xây dựng cuộc sống của nhân dân ta.

Đề bài: Phân tích nhân vật Sơn Tinh

Bài làm

   Sơn Tinh Thủy Tinh là truyền thuyết nổi tiếng gắn bó với tuổi thơ mỗi người. Tác phẩm đã cho thấy người anh hùng Sơn Tinh tài năng, dũng cảm đã chiến đấu chống lại sự đánh trả quyết liệt của Thủy Tinh. Sơn Tinh đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc.

   Nếu như Thủy Tinh đại diện cho sức mạnh thiên nhiên hung bạo, dữ dội thì Sơn Tinh lại là đại diện sức mạnh của nhân dân, cộng đồng. Tác phẩm được bắt đầu bằng câu chuyện kén rể của vua Hùng. Nhà vua có một người con gái tên là Mị Nương đã đến tuổi lấy chồng, bởi vậy vua cha muốn kén cho con gái yêu của mình một người chồng thật xứng đáng cả về tài năng lẫn phẩm chất. Trong vô vàn những người đến cầu hôn, có hai chàng một người là Sơn Tinh, một người là Thủy Tinh khiến nhà vua ưng ý hơn cả. Thủy Tinh đến từ vùng biển cả có tài hô mưa gọi gió; Sơn Tinh lại là chúa vùng non cao có tài vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Tài năng của hai chàng chẳng ai kém ai khiến nhà vua vô cùng băn khoăn. Trước tình thế đó, vua Hùng đã đưa ra yêu cầu sính lễ, ai đem đến trước sẽ được rước Mị Nương về làm vợ. Sính lễ bên cạnh những sản vật bình dị như cơm nếp, bánh chưng còn có những sản vật kì dị, quý hiếm “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Ngay từ sính lễ ta đã thấy phần nào chiến thắng nghiêng về phía Sơn Tinh. Và quả đúng như vậy, hôm sau, Sơn Tinh mang sính lễ đến sớm, rước nàng Mị Nương về làm vợ. Thủy Tinh vô cùng tức giận, đến sau không lấy được Mị Nương, chàng đã đem quân đánh trả. Trước sự hung hãn của Thủy Tinh, để bảo vệ vợ yêu, bảo vệ người dân Sơn Tinh đã bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi ngăn chặn dòng nước lũ. Trận chiến kéo dài hàng tháng trời, sau Thủy Tinh đuối sức đành phải bỏ về. Nhưng hàng năm Thủy Tinh vẫn quay lại báo thù Sơn Tinh.

   Với việc xây dựng nhân vật Sơn Tinh nhân dân ta đã thể hiện truyền thống đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong những hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống. Đồng thời với nhân vật này, cùng với sự việc hàng năm Thủy Tinh vẫn tiến đánh Sơn Tinh là cách dân gian giải thích về hiện tượng mưa bão hàng năm. Ngoài ra, Thủy Tinh chỉ nhận lại sự thất bại trong cuộc chiến với Sơn Tinh đã phản ánh ước mơ, khát vọng chiến thắng thiên tai, bão lũ của nhân dân ta.

   Để xây dựng nhân vật Sơn Tinh các tác giả đã vận dụng trí tưởng tượng tài hoa tạo nên xuất thân thần kì, những chiến công vĩ đại của nhân vật (thần núi Tản Viên, có nhiều phép lạ: bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi,…). Cùng với đó là việc xây dựng cốt truyện kịch tính, sự kiện sinh động đã góp phần tạo nên thành công của tác phẩm.

   Qua truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, đặc biệt là qua nhân vật Sơn Tinh các tác giả dân gian đã gửi gắm niềm mơ ước, khát vọng chế ngự thiên nhiên của nhân dân ta. Sơn Tinh là một hình tượng đẹp đẽ trong lòng người đọc.

Đề bài: Em hãy kể tóm tắt truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh

Bài làm

   Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái tên là Mị Nương, người đẹp như hoa, tính nết hiền dịu. Vua Hùng muốn kén cho nàng một người chồng xứng đáng. Đến cầu hôn có hai vị thần tài giỏi ngang nhau, đều xứng làm rể Vua Hùng.

   Một người là Sơn Tinh – chúa vùng non cao. Một người là Thuỷ Tinh – chúa vùng nước thẳm. Để lựa chọn được chàng rể xứng đáng, Vua Hùng bèn đặt ra điều kiện: “Ngày mai ai mang lễ vật gồm: Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi đến trước thi ta sẽ gả con gái cho“.

   Hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến truớc, cưới được Mị Nương. Thuỷ Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nồi giận, đem quân đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Thần hô mưa gọi gió, dâng nước sông lên cuồn cuộn làm cho thành Phong Châu ngập chìm trong nuớc. Sơn Tinh không hề nao núng. Thần dùng phép bốc từng quả đồi, dời tùng dãy núi, đắp thành dựng luỹ, ngăn chặn dòng lũ. Hai bên đánh nhau kịch liệt. Cuối cùng Thuỷ Tinh đuối sức phải chịu thua. Từ đó, oán nặng thù sâu, hàng năm Thủy Tinh vẫn làm mưa gió, bão lụt, dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng năm nào cũng mang thất bại trở về.

Đề bài: Kể tóm tắt truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh

Bài làm

    Hùng Vương thứ mười tám có có một người con gái xinh đẹp tên là Mị Nương. Vua muốn kén cho nàng một chàng rể thật xứng đáng.

    Trong vùng có hai chàng trai đến cầu hôn, một người là Sơn Tinh – chúa vùng núi cao, một người là Thủy Tinh – chúa miền biển. Cả hai đều tài giỏi nên vua không biết chọn ai bèn hạ lệnh rằng nếu hôm sau ai đem lễ vật đến trước sẽ được rước Mị Nương về. Lễ vật gồm: một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh trưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi. Hôm sau, Sơn Tinh đem lễ vật đến trước, rước được Mị Nương về. Thủy Tinh đến sau, nổi giận đùng đùng đuổi đánh để cướp Mị Nương. Thủy Tinh hô mưa gọi gió, dâng nước lên cao, Sơn Tinh không nao núng mà bốc từng quả núi chặn lũ. Đánh ròng rã mấy tháng, sức của Thủy Tinh đã đuối nên đành chịu thua.

    Nhưng vì thù hận không thể quên, hằng năm Thủy Tinh vẫn dâng nước lũ đánh Sơn Tinh, nhưng lần nào cũng thua trận.

Đề bài: Kể diễn cảm truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh

Bài làm

   Chuyện xưa kể rằng Hùng Vương thứ mười tám sinh được một cô công chúa đẹp người đẹp nết tên là Mị Nương. Nàng được vua cha hết mực yêu thương, chiều chuộng. Khi Mị Nương đã đến tuổi trưởng thành, Hùng Vương có ý kén chọn cho con gái một người chồng xứng đáng.

   Tin Hùng Vương muốn kén rể liền loan truyền khắp trong thiên hạ. Một hôm, có hai chàng trai đến cầu hôn. Chàng thứ nhất người vùng núi Tản Viên, vẻ mặt khôi ngô tuấn tú, sức khỏe phi thường. Đó là Sơn Tinh. Sơn Tinh có tài lạ : vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Chàng thứ hai sống ở miền biển, hình dạng cổ quái tên là Thủy Tinh. Thủy Tinh có phép gọi gió, gió đến, hô mưa, mưa về. Cả hai đều xứng đáng làm rể vua Hùng. Điều đó làm cho nhà vua phân vân khó xử, không biết chọn ai.

   Sau khi bàn bạc và hỏi ý kiến các Lạc hầu, Lạc tướng, Hùng Vương bèn phán rằng:

   – Hai người đều vừa ý ta, nhưng ta chỉ có một cô con gái. Thôi thì ngày mai ai đem sính lễ đến trước, ta sẽ cho cưới Mị Nương.

   Sơn Tinh, Thủy Tinh tâu hỏi đồ sính lễ gồm những gì, vua phán:

   – Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.

   Hôm sau, Sơn Tinh đem đầy đủ lễ vật đến từ lúc mặt trời chưa mọc. Hùng Vương vui lòng gả con gái cho chàng. Sơn Tinh rước Mị Nương về núi Tản Viên. Hai người thật xứng đôi vừa lứa.

   Thủy Tinh đến trễ, không cưới được Mị Nương liền đùng đùng nổi giận đuổi theo. Thủy Tinh làm mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng, dâng nước sông lên cuồn cuộn ngập đồi ngập núi để đánh Sơn Tinh.

   Với bản lĩnh cao cường, Sơn Tinh không hề nao núng. Chàng dùng phép lạ và tài năng của mình nâng cao đồi núi. Nước dâng tới đâu, núi cao lên tới đó. Suốt mấy tháng ròng, cuộc chiến xảy ra ác liệt. Quân lính của Sơn Tinh từ trên cao lao cây, ném đá xuống sông, tiêu diệt quân của Thủy Tinh. Cuối cùng, Thủy Tinh thua trận đành rút chạy.

   Từ đó trở đi, năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng bảy, tháng tám là Thủy Tinh lại dâng nước đánh Sơn Tinh hòng cướp lại Mị Nương. Nhưng chưa bao giờ Thủy Tinh thắng nổi Sơn Tinh. Cho đến nay, vợ chồng Sơn Tinh – Mị Nương vẫn sống vui vẻ, hạnh phúc bên nhau trên đỉnh núi Tản Viên hùng vĩ.

Đề bài: Hãy phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh. Từ đó, em có suy nghĩ gì về chủ trương xây dựng, củng cố đê điều, nghiêm cấm nạn phá rừng của nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Bài làm

   Trong những truyện thần thoại đã đọc, em rất thích truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh bởi sự cuốn hút, hấp dẫn lạ thường của nó. Truyện mượn thần thánh để giải thích hiện tượng lũ lụt hằng năm ở đồng bằng Bắc Bộ và gửi gắm vào đó ước mơ chiến thắng thiên nhiên, bảo vệ cuộc sống của người xưa, đồng thời suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng.

   Cách đây mấy ngàn năm, khi tổ tiên người Việt từ vùng rừng núi chuyển xuống sinh sống ở đồng bằng Bắc Bộ thì năm nào cũng gặp phải một trong những thiên tai đáng sợ là nạn lụt. Nạn lụt do nước lũ từ các con sông, chủ yếu là sông Hồng, sông Đà gây ra. Để bảo vệ thành quả lao động của mình, nhân dân ta đã dũng cảm, mưu trí, bền bỉ tìm cách chống lụt. Việc đắp đê ngăn nước chính là biểu hiện của tinh thần đó.

   Từ chuyện chống lũ lụt để bảo vệ mùa màng và đời sống, người xưa đã tưởng tượng thành một câu chuyện với nhiều tình tiết li kì : Hai vị thần cùng muốn cưới một công chúa xinh đẹp làm vợ ; rồi người được vợ, kẻ không được vợ, dẫn đến cuộc giao tranh dữ dội. Cuối cùng, bên thắng, bên thua. Kẻ thua cuộc ôm lòng thù hận khôn nguôi, hằng năm vẫn gây sự đánh trả.

   Thực tế là hằng năm ở đồng bằng Bắc Bộ, cứ đến mùa mưa bão là nước dâng to, nhưng chưa bao giờ làm ngập nổi núi đồi. Cuối mùa lũ, nước rút đi, sông suối trở lại hiền hòa. Người xưa cho rằng đó là Thần Nước đánh nhau với Thần Núi để giành lại Mị Nương … Quả là trí tưởng tượng của họ vô cùng phong phú và bay bổng.

   Truyện có hai nhân vật : Sơn Tinh – chúa tể của vùng non cao và Thủy Tinh – chúa tể của vùng nước thẳm. Cả hai đều có tài năng phi thường. Sơn Tinh vẫy tay về phía đông, phía đông nổi lên cồn bãi, vẫy tay về phía tây, phía tây lập tức hiện ra những dãy núi đồi. Thủy Tinh gọi gió, gió tới ; hô mưa, mưa về. Cả hai vị thần đều tài giỏi. Điều ấy khiến nhà vua băn khoăn không biêt chọn ai, đành ra điều kiện : Ngày mai, nếu ai mang lễ vật đến sớm thì được cưới Mị Nương.

   Ngay trong truyện thách cưới, có lẽ ý nhà vua đã nghiêng về phía Sơn Tinh. Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chính hồng mao. Rồi trăm ván cơm nếp, trăm nệp bánh chưng … Tất cả đều là sản vật của đồng ruộng, núi rừng. Vì vậy, kẻ thắng cuộc tất nhiên phải là Sơn Tinh. Sơn Tinh mang lễ vật đến trước, cưới được Mị Nương và đưa nàng về núi Tản Viên. Sơn Tinh thật xứng đôi với nàng công chúa xinh đẹp.

   Không cưới được Mị Nương, Thủy Tinh đùng đùng nổi giận. Chàng phô bày hết sức mạnh tàn bạo của mình trong cuộc giao tranh với Sơn Tinh. Gió bão rung chuyển cả đất trời. Mưa làm nước sông hồ dâng lên cuồn cuộn, ngập tràn đồng ruộng, mùa màng, cuốn phăng cây cối, nhà cửa, súc vật. Nước dâng lên sườn đồi, sườn núi làm trốc cây, lở đá … Thủy Tinh muốn nhấn chìm đỉnh núi để tiêu diệt Sơn Tinh, cướp lại Mị Nương.

   Nhưng Sơn Tinh cũng trổ hết tài bốc đồi, dời núi, dựng thành ngăn nước. Nước dâng cao bao nhiêu, núi đồi cao lên bấy nhiêu. Suốt mấy tháng trời, cuộc tấn công của Thủy Tinh thật là dữ dội : giông bão, sấm chớp, mưa như trút nước, đồng ruộng hóa thành sông, sông thành biển cả. Ấy vậy nhưng Sơn Tinh không hề nao núng, vẫn bình tĩnh, sáng suốt chống trả một cách quyết liệt và thắng lợi. Cuối cùng kiệt sức, Thủy Tinh phải rút lui.

   Cả hai vị thần đều có tài cao, phép lạ. Nhưng Thủy Tinh dù phép thuật cao cường vẫn phải khuất phục trước Sơn Tinh dũng mãnh và mưu trí. Những chi tiết nghệ thuật kì ảo, hoang đường về Sơn Tinh, Thủy Tinh và khí thế hào hùng của cuộc giao tranh giữa hai vị thần thể hiện trí tưởng tượng phong phú của người xưa.

   Cuộc giao tranh không chỉ xảy ra một lần mà nhiều lần, năm nào cũng vậy. Nhưng kết cục thì không thay đổi : thần Núi chiến thắng thần Nước. Mị Nương vẫn sống hạnh phúc bên Sơn Tinh trên đỉnh Tản Viên cao vòi vọi. Thủy Tinh không sao giành lại được nàng.

   Sơn Tinh, Thủy Tinh là những nhân vật hoàn toàn tưởng tượng nhưng lại có ý nghĩa rất thực vì đã khái quát được hiện tượng lũ lụt, đồng thời phản ánh những kì công trong sự nghiệp dựng nước của nhân dân ta dưới triều đại các vua Hùng.

   Tất cả những chi tiết kì ảo trên đều nhằm để giải thích hiện tượng lũ lụt và việc chống lũ lụt hằng năm của nhân dân ta ở đồng bằng Bắc Bộ. Có một chi tiết quan trọng là Sơn Tinh dựng thành ngăn nước. Đó là công việc đắp thành bằng đất của con người – khởi đầu cho những con đê lớn sau này chạy suốt hai bờ những con sông lớn để ngăn lũ. Người xưa để cho Sơn Tinh thắng Thủy Tinh là gửi gắm vào đó ước mơ có được sức mạnh thần kì để chế ngự được nạn lũ lụt – một tai họa lớn của con người.

   Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có giá trị nội dung và nghệ thuật rất đặc sắc.

   Thủy Tinh là hiện tượng mưa gió, bão lụt ghê gớm hằng năm đã được hình tượng hóa thành kẻ thù hung dữ, truyền kiếp của Sơn Tinh.

   Sơn Tinh là hiện thân của người dân Việt cổ cần cù đắp đê phòng chống lũ lụ, là ước mơ chiến thắng thiên tai của người xưa. Tầm vóc vũ trụ, tài năng và khí phách của Sơn Tinh là biểu tượng sinh động cho chiến công của người Việt cổ trong cuộc đấu tranh chống bão lụt ở vùng lưu vực sông Đà và sông Hồng. Đây cũng là kì tích dựng nước của thời đại các vua Hùng và kì tích ấy cho đến nay vẫn được tiếp tục phát huy mạnh mẽ.

   Ước mơ xưa giờ đây đã thành hiện thực. Những công trình thủy lợi lớn như hệ thống đê điều, mương máng, những hồ nước, đập nước điều hòa dòng chảy của sông Đà, sông Hồng đã thực sự chế ngự được sức tàn phá ghê gớm của nước lũ. Hạt lúa, củ khoai do bà con nông dân đổ mồ hôi làm ra đã được bảo vệ. Ngày nay, con cháu của Sơn Tinh đã và đang thực hiện ước mơ của tổ tiên ngày trước.

   Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nạn phá rừng, cháy rừng diễn ra rất nghiêm trọng trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới sinh thái, môi trường của đất nước ta. Hiện tượng thiên tai lũ lụt xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, phần lớn nguyên nhân là do cháy rừng, phá rừng.

   Mất rừng, Sơn Tinh sẽ mất hết sức lực và phép lạ, làm sao chống chọi được với Thủy Tinh ?!

   Nhà nước ta hiện nay đang có chủ trương vận động nhân dân tích cực xây dựng, củng cố đê điều ; nghiêm cấm nạn phá rừng, đi đôi với việc trồng thêm hàng triệu hecta rừng phủ xanh đất trồng, đồi trọc. Đây là chủ trương đúng đắn và hợp lí, được mọi người đồng tình.

   Chẳng lẽ Sơn Tinh lại thua Thủy Tinh ? Chuyện xảy ra từ ngàn xưa nhưng vẫn là bài học thiết thực trong cuộc sống hôm nay, cháu con cần ghi nhớ.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 1138

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống