Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây
- Giải Vở Bài Tập Ngữ Văn Lớp 6
- Tác Giả – Tác Phẩm Văn Lớp 6
- Đề Kiểm Tra Ngữ Văn Lớp 6
- Sách giáo khoa ngữ văn lớp 6 tập 1
- Sách giáo khoa ngữ văn lớp 6 tập 2
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 6 Tập 1
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 6 Tập 2
- Bài Tập Ngữ Văn Lớp 6 Tập 1
- Bài Tập Ngữ Văn Lớp 6 Tập 2
Đề bài: Phân tích truyện cổ tích Thạch Sanh
Bài làm
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam vô cùng phong phú, đặc sắc. Với trí tưởng tượng phong phú, tài hoa các tác giả dân gian đã dựng lên bức chân dung các nhân vật chính diện thật tuyệt mĩ, hoàn hảo, không chỉ đẹp về ngoại hình mà còn đẹp cả phẩm chất bên trong. Thạch Sanh là một truyện cổ tích như vậy.
Thạch Sanh là truyện cổ tích thần kì, nhân vật thuộc kiểu người dũng sĩ, đây là mô típ phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Câu chuyện với những tình tiết bất ngờ, hợp lí đã tạo nên sức hấp dẫn với người đọc.
Trước hết tác phẩm là bài ca ca ngợi người anh hùng lí tưởng Thạch Sanh trong cuộc đấu tranh lại cái ác. Thạch Sanh vốn là con Ngọc Hoàng, nhưng được sai xuống đầu thai làm con của một gia đình nghèo khó, hiền lành, tốt bụng. Sự ra đời của Thạch Sanh cũng ẩn chứa rất nhiều điều kì lạ. Người mẹ sau nhiều năm mang thai mới sinh ra Thạch Sanh. Khi cậu vừa khôn lớn thì mẹ qua đời. Thạch Sanh sống một mình trong túp lều cũ cạnh gốc đa, hàng ngày kiếm củi bán để sống. Sự ra đời của Thạch Sanh là sự kết hợp hài hòa giữa những cái bình thường và phi thường. Điều bình thường ở Thạch Sanh đó là được sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi cha mẹ chết cậu làm nghề kiếm củi để nuôi sống bản thân. Nhưng điểm nhấn của nhân vật chính là yếu tố phi thường: mẹ mang thai vài năm mới sinh, được các thiên thần dạy đủ các môn võ nghệ và phép thần thông. Sự ra đời và lớn lên kì lạ như vậy như một tín hiệu báo những chiến công oanh liệt của Thạch Sanh sau này. Mang trong mình sự hài hòa giữa nét bình thường và khác thường còn cho ta thấy rằng những con người bình thường cũng có thể mang trong mình những khả năng, phẩm chất khác thường.
Cũng như các nhân vật truyện cổ tích khác, Thạch Sanh phải trải qua rất nhiều thử thách khác nhau để khẳng định bản thân và đến được bến bờ hạnh phúc, đồng thời cho thấy quá trình đấu tranh thiện, ác gian nan của chàng. Là một người mồ côi, luôn khao khát được yêu thương, bởi vậy khi Lý Thông ngỏ lời kết nghĩa anh em, Thạch Sanh đã lập tức đồng ý. Ta thấy rằng Lý Thông không hề có lòng tốt khi kết nghĩa với Thạch Sanh mà chỉ muốn lợi dụng chàng. Thử thách đầu tiên mà Thạch Sanh phải trải qua là thử thách lòng tin. Lý Thông nói dối để Thạch Sanh đi canh miếu thờ, mà thực chất là đẩy Thạch Sanh đến chỗ chết, Lý Thông là kẻ hết sức mưu mô, xảo quyệt, ích kỉ vì mạng sống của mình mà đẩy người anh em vào chỗ chết. Vốn là người hiền lành nên chàng tin lời anh ngay, trong đêm canh miếu, Thạch Sanh không những không bị giết mà còn đánh bại chằn tinh. Qua những việc làm đó cho thấy Thạch Sanh là một người thật thà, chất phác.
Lý Thông tiếp tục tỏ ra là tên gian xảo, một lần nữa lừa Thạch Sanh, khiến chàng bỏ về túp lều cũ, còn hắn thì đàng hoàng nhận lấy công trạng và lĩnh thưởng. Công chúa bị đại bàng bắt đi, Thạch Sanh nghĩa hiệp mang cung tên vàng ra bắn bị thương con chim ác, chàng đã đi theo giấu máu và tìm đến tận cửa hang. Nghe theo lời nhờ cậy của Lý Thông, chàng xuống hang sâu cứu công chúa, nhưng lại bị Lý Thông lấp cửa hang. Ở dưới đó, chàng không hề sợ hãi, tìm đường ra, trên đường tìm lối thoát chàng còn cứu thêm con vua Thủy Tề. Chàng quả là người có tấm lòng nhân hậu và lương thiện. Nói về phần công chúa, sau khi được cứu về nàng hóa câm, đó cũng chính là bằng chứng tố cáo tội ác của Lý Thông.
Tội ác của Lý Thông ngày một gia tăng, được các tác giả dân gian khéo léo xếp theo chiều tăng tiến, ban đầu hắn lợi dụng Thạch Sanh thế mạng cho mình, rồi tiếp đến cướp công một cách trắng trợn, không dừng lại ở đó hắn còn nhẫn tâm giết chết Thạch Sanh. Những tội ác của Lý Thông mỗi ngày một tăng lên cho thấy tính cách xấu xa, xảo quyệt, lòng tham vô đáy, ham mê quyền lực, tiền bạc đến mờ mắt của hắn. Vậy liệu Lý Thông có bị trừng phạt đích đáng hay không?
Quá trình đấu tranh giữa cái thiện và cái ác ngày càng gay go, quyết liệt, Thạch Sanh không chỉ chịu sự hãm hại của Lý Thông, mà còn bị hồn của đại bàng và chằn tinh báo thù, chàng bị giam vào ngục. Cái ác ngày càng tăng dần về cấp độ thì ta cũng thấy cái thiện cũng ngày một trưởng thành, lớn mạnh hơn. Nhờ có tiếng đàn Thạch Sanh được giải oan, còn mẹ con Lý Thông phải chịu tội. Tiếng đàn chính là tiếng nói của công lý, nhờ có tiếng đàn mà mọi oan khuất của Thạch Sanh đã được hóa giải. Có một điều đặc biệt đó là Thạch Sanh không phải là người trừng phạt tội ác mẹ con Lý Thông mà chính đất trời đã trừng trị chúng. Qua chi tiết đó càng thể hiện rõ tấm lòng bao dung, độ lượng của Thạch Sanh với kẻ đã hãm hại mình. Câu chuyện kết thúc có hậu, Thạch Sanh lấy công chúa, công lí, công bằng đã được thực thi.
Truyện Thạch Sanh không chỉ phản ánh quá trình đấu tranh thiện ác mà còn thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta. Lấy công chúa, Thạch Sanh trải qua thử thách cuối cùng: thu phục các nước chư hầu. Với niêu cơm thần và tiếng đàn thần các nước chư hầu phải ngả mũ xin hàng. Chi tiết niêu cơm thần và tiếng đàn thần là hai chi tiết có nhiều giá trị, ý nghĩa. Niêu cơm thần thể hiện mơ ước, khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tấm lòng nhân đạo của dân tộc. Tiếng đàn thần tượng trưng cho khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, Thạch Sanh đã đến được bến bờ hạnh phúc, chung sống cùng công chúa và cai trị đất nước. Đây là phần thưởng xứng đáng cho đức hạnh cũng như tài năng của Thạch Sanh.
Để tạo nên sự hấp dẫn ta không thể không nhắc đến những nét đặc sắc về mặt nghệ thuật. Thạch Sanh là một truyện cổ tích có cốt truyện hấp dẫn, giàu kịch tính. Xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập: Thạch Sanh đại diện cho cái thiện, mẹ con Lý Thông, hồn chằn tinh, đại bàng đại diện cho cái xấu cái ác. Thông qua việc xây dựng hai tuyến nhân vật này nhân dân ta còn khẳng định một đạo lý ngàn đời đó là “Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo”. Các chi tiết nghệ thuật được sắp đặt khéo léo, có quan hệ mật thiết với nhau. Ngoài ra, các chi tiết thần kì như cung tên vàng, đàn thần, niêu cơm thần cũng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa, thể hiện mơ ước, khát vọng của nhân dân.
Thạch Sanh là một trong những truyện cổ tích hay và đặc sắc nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Truyện cổ tích Thạch Sanh đã xây dựng thành công hai tuyến nhân vật thiện và ác cùng với những chi tiết thần kì đặc sắc. Tác phẩm đã thể hiện niềm tin, mơ ước của nhân dân ta về đạo lý muôn đời “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” . Không chỉ vậy tác phẩm còn cho thấy tấm lòng nhân đạo và lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta.
Đề bài: Phân tích nhân vật Thạch Sanh
Bài làm
Chàng dũng sĩ Thạch Sanh trong tác phẩm cùng tên là nhân vật cổ tích ghi lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Truyện xoay quanh những biến cố, những thử thách mà Thạch Sanh phải trải qua để đạt được hạnh phúc. Nhân vật đã thể hiện một cách trọn vẹn và đầy đủ những quan niệm của nhân dân ta về cái thiện, cái ác, về lòng yêu chuộng hòa bình.
Thạch Sanh vốn là con của Ngọc Hoàng, vì thương đôi vợ chồng nghèo đã lớn tuổi mà chưa có con nên Ngọc Hoàng sai Thạch Sanh xuống đầu thai làm con. Chàng được sinh ra hết sức đặc biệt, người mẹ mang thai vài năm mới hạ sinh Thạch Sanh và khi chàng vừa khôn lớn thì mẹ đã qua đời. Chàng sinh sống một mình dưới gốc đa, lấy nghề đốn củi để kiếm sống qua ngày. Thạch Sanh còn được các thiên thần xuống chỉ dạy võ nghệ và các phép thần thông. Ta có thể thấy rằng, sự ra đời và cuộc sống của Thạch Sanh là sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố bình thường với những yếu tố phi thường, kì lạ. Bình thường ở chỗ cha mẹ chàng là những người lao động nghèo, hiền lành, tốt bụng, thường giúp đỡ mọi người. Thạch Sanh sớm mồ côi cha mẹ – chàng là đại diện tiêu biểu cho những trẻ mô côi, một trong những lớp người khốn cùng nhất của xã hội. Để nuôi sống bản thân Thạch Sanh đã dùng tài sản duy nhất của cha để lại là chiếc rìu mang đi đốn củi, công việc của chàng hết sức bình dị, đời thường. Những nét đời thường đó khiến cho nhân vật gần gũi hơn với đời sống nhân dân. Nhưng ẩn đằng sau cái bình dị đó lại là sự xuất thân khác thường: chàng vốn là thái tử được sai xuống trần gian, người mẹ mang thai vài năm mới sinh ra Thạch Sanh, chàng được các thiên thần dạy võ nghệ và phép thuật. Những điểm khác thường đó chính lá dấu hiệu báo trước cho người đọc biết những việc làm phi thường của chàng sau này. Đồng thời mở ra hướng phát triển của câu chuyện, làm câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn.
Để đạt đến hạnh phúc cuối cùng, Thạch Sanh đã phải trải qua rất nhiều thử thách. Bị mẹ con Lý Thông lừa đi canh miếu thờ chằn tinh. Lý Thông lừa cứu công chúa rồi chôn vùi chàng dưới hang sâu, ở đây chàng đã cứu được con trai vua Thủy Tề và được tặng một chiếc đàn thần. Tiêu diệt chằn tinh và đại bàng nên chàng còn bị hồn của chúng báo thù, bị vu oan và nhốt vào ngục tối. Nhờ đàn thần chàng đã tự giải cứu mình, không chỉ vậy còn lật tẩy bộ mặt xảo quyệt của mẹ con Lý Thông, giúp công chúa lấy lại được tiếng nói. Và cuối cùng chàng đã nên duyên với công chúa. Những thử thách mà chàng phải vượt qua ngày càng khó khăn hơn, nhưng đồng nghĩa với đó chiến công và phần thưởng chàng có được cũng một tăng dần. Những việc làm, hành động ấy cho thấy Thạch Sanh là con người thật thà, chất phác, sẵn sàng xả thân vì người khác, chàng chưa một lần suy tính cho lợi ích của bản thân. Không chỉ vậy, Thạch Sanh còn là một con người quả cảm, tài năng, đứng trước những kẻ thù hung hãn như chằn tinh, đại bàng chàng không hề nao núng, dùng sức khỏe và tài năng của mình để đánh bại chúng. Chi tiết chàng tha cho mẹ con Lý Thông về quê còn cho thấy tấm lòng nhân đạo, khoan dung của chàng với kẻ thù của mình. Thạch Sanh là hiện thân của vẻ đẹp toàn mĩ, lý tưởng, luôn đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, cứu người dân lương thiện. Mọi hành động chàng làm đều vì cuộc sống thanh bình, tốt đẹp của nhân dân. Kết thúc có hậu khi chàng lấy công chúa, mẹ con Lý Thông bị trừng phạt còn thể hiện ước mơ về công lý xã hội của nhân dân ta.
Không chỉ là hiện thân của vẻ đẹp lý tưởng trong quá trình đấu tranh chống lại cái ác, Thạch Sanh còn là biểu tượng của tấm lòng nhân đạo, lòng yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta. Trong thử thách cuối cùng, Thạch Sanh thu phục các nước chư hầu đã thể hiện rõ nét nhất điều này. Bằng tài năng, tấm lòng của mình chàng đã dùng tiếng đàn thần làm quân giặc “bủn rủn chân tay, không còn nghĩ được gì tới việc đánh nhau nữa”. Chàng lại dùng niêu cơm thần dọn một bữa cơm thiết đãi những kẻ thua trận. Chi tiết niêu cơm thần vừa phản ánh tấm lòng nhân đạo của Thạch Sanh vừa thể hiện mơ ước ấm no, hạnh phúc của dân tộc ta. Thạch Sanh là sự hội tụ những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân Việt Nam: hiền lành, chất phác, tốt bụng, anh dũng , kiên cường, khoan dung và yêu chuộng hòa bình.
Xây dựng nhân vật Thạch Sanh các tác giả dân gian đã tạo nên cốt truyện hết sức hấp dẫn, kịch tính, tạo hai tuyến nhân vật đối lập mà Thạch Sanh là đại diện cho cái thiện. Bên cạnh đó nhân vật được xây dựng là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố bình thường và phi thường khiến cho nhân vật vừa giản dị, gần gũi nhưng cũng hết sức cao quý. Đi kèm với nhân vật luôn có sự trợ giúp của các đồ vật thần kì (đàn, niêu cơm, cung tên) làm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Kết thúc tác phẩm là kết thúc có hậu, đây là kiểu kết thúc phổ biến của truyện cổ tích. Trải qua những khó khăn, vất vả, Thạch Sanh đã dành được phần thưởng xứng đáng (lấy công chúa, lên ngôi vua), qua đó còn phản ánh mơ ước, khát vọng, quan niệm ở hiền gặp lành của nhân dân ta.
Thạch Sanh là truyện cổ tích hấp dẫn, giàu kịch tính. Tác phẩm đã dựng lên chân dung của một vị anh hùng toàn tài, toàn mĩ cả về nhân cách lẫn tài năng. Qua nhân vật này, các tác giả dân gian thể hiện mơ ước, niềm tin về đạo đức, công lí và công bằng trong xã hội, đồng thời thể hiện tư tưởng nhân đạo và yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta.
Đề bài: Em hãy kể tóm tắt truyện Thạch Sanh
Bài làm
Xưa, có hai vợ chồng già sống nhân hậu mà vẫn chưa có con. Ngọc Hoàng cho Thái tử xuống trần đầu thai làm con hai vợ chồng già ấy. Đó là Thạch Sanh.
Thạch Sanh mồ côi cha mẹ, sống ở gốc đa và được các thiên tướng dạy cho võ nghệ. Lí Thông dỗ Thạch Sanh kết nghĩa anh em với mình. Năm ấy, Lí Thông phải đi nộp mạng cho Chằn Tinh. Hắn đã lừa Thạch Sanh đi thế mạng với lí do đi canh miếu thờ. Thach Sanh đã giết chết Chằn Tinh, đốt xác nó và được cây cung vàng. Thế nhưng, chàng bị Lí Thông cướp công, lại trở về gốc đa sống. Lí Thông đem đầu chằn tinh vào nộp cho vua để lĩnh thưởng, được vua phong làm Quận công.
Nhà vua có công chúa đến tuổi kén chồng. Trong ngày hội lớn, công chúa bị đại bàng khổng lồ quắp đi. Lí Thông lại nhờ Thạch Sanh giết đại bàng cứu công chúa, Thạch Sanh xuống hang, giao chiến với Đại bàng và cứu được công chúa nhưng sau khi đưa được công chúa lên khỏi hang. Lí Thông đã lấp hang để giết Thạch Sanh. Chàng lại cứu được con vua Thuỷ Tề và được vua Thuỷ Tề tặng cho cây đàn thần.
Từ khi được cứu về, công chúa không cười không nói. Hồn chằn tinh và đại bàng trả thù, vu vạ cho Thạch Sanh khiến chàng bị nhốt vào ngục. Chàng đánh đàn, công chúa nghe thấy liền khỏi bệnh câm. Thạch Sanh được vua cho gọi lên. Chàng kể lại rõ mọi việc. Vua giao cho chàng xử tội mẹ con Lí Thông. Được chàng tha bổng nhưng hai mẹ con trên đường về đã bị sét đánh chết, hoá kiếp thành bọ hung.
Thái tử 18 nước chư hầu vì không được vua gả con gái cho, đã kéo quân sang đánh nước ta. Thạch Sanh đem đàn ra gảy và lui được quân các nước chư hầu. Chàng cũng đã hào phóng cho họ ăn cơm đựng trong niêu cơm thần.
Đề bài: Kể tóm tắt truyện Thạch Sanh
Bài làm
Ngày xửa ngày xưa, có một đôi vợ chồng già không có con, tuổi cao mà vẫn phải kiếm củi nuôi thân. Thấy họ tốt bụng, Ngọc Hoàng bèn sai thái tử xuống đầu thai làm con trai họ. Mọi người gọi cậu bé là Thạch Sanh, cậu bé trưởng thành thì cả hai vợ chồng đều mất.
Thạch Sanh sống ở túp lều bên gốc đa, tài sản chỉ có chiếc rìu sắt cha để lại, chàng đốn củi để nuôi thân mình. Ngọc Hoàng sai thiên thần dạy cho Thạch Sanh nhiều phép thần thông và võ nghệ, bởi vậy chàng có sức mạnh phi thường. Lí Thông thấy Thạch Sanh khỏe mạnh liền mời chàng kết nghĩa anh em để lợi dụng. Năm đó đến lượt Lí Thông phải nộp mạng cho trằn tinh gian ác, mẹ con hắn lừa Thạch Sanh đến chỗ trằn tinh để mình thoát chết. Thạch Sanh nhờ có phép thần thông nên giết được trằn tinh, cướp được cung tên vàng. Lí Thông lại bày mưu lừa Thạch Sanh trở về gốc đa, hắn đem đầu trằn tinh lên lĩnh thưởng.
Nhà vua có một cô con gái xinh đẹp, vua đã tổ chức kén rể cho nàng, nhưng không may vào đúng hôm ấy, công chúa đã bị đại bàng quắp đi. Thạch Sanh vô tình biết nơi đại bàng giấu công chúa. Lí Thông lại một lần nữa nhờ Thạch Sanh cứu công chúa. Thạch Sanh sau một hồi giao chiến đã giết chết đại bàng, cứu được công chúa. Lí Thông đã lấp cửa hang để Thạch sanh không ra khỏi đó được. Trong hang, chàng đã cứu được con trai vua Thủy Tề, chàng được vua tặng cho một cây đàn thần.
Hồn ma của trằn tinh và đại bàng vì uất hận đã bày mưu ăn trộm vàng bạc của vua giấu ở gốc đa để vu họa khiến Thạch Sanh bị bắt giam. Công chúa sau khi trở về lại không nói, không cười. Kì lạ thay sau khi nghe tiếng đàn của Thạch Sanh trong ngục bèn cất tiếng nói sai người mời chàng tới. Thạch sanh kể hết mọi sự tình cho vua nghe, vua đã gả công chúa cho chàng. Chàng tha cho hai mẹ con Lí Thông về quê làm ăn nhưng trên đường chúng bị sét đánh biến thành con bọ hung.
Bấy giờ hoàng tử các nước chư hầu đến cầu hôn không lấy được công chúa bèn giấy binh nổi loạn. Thạch Sanh gảy đàn thần khiến họ bại trận. Trước khi về, quân lính các nước còn được thết đãi một bữa no nê nhờ niêu cơm thần của chàng. Vua không có con trai nên đã nhường lại ngôi cho Thạch Sanh làm vua.
Đề bài: Kể diễn cảm truyện Thạch Sanh
Bài làm
Ngày xửa, ngày xưa, ở quận Cao Bình có hai vợ chồng tiều phu đã già mà vẫn chưa có con. Ngày ngày, họ phải lên rừng đốn củi về đổi lấy gạo nuôi thân. Tuy nghèo nhưng họ lại hay làm việc nghĩa giúp đỡ mọi người. Thấy thế, Ngọc Hoàng bèn sai thái tử xuống đầu thai làm con của họ.
Rồi bà vợ có mang, nhưng kì lạ thay, đã qua mấy năm mà không sinh nở. Người chồng lâm bệnh qua đời. Mãi sau, bà vợ mới sinh được một cậu con trai, đặt tên là Thạch Sanh.
Khổ thay, khi cậu bé vừa lớn khôn thì mẹ lại chết. Một mình cậu lủi thủi ra vào túp lều rách nát dưới gốc cây đa cổ thụ. Gia tài chẳng có gì đáng giá ngoài lưỡi búa của cha để lại. Cậu tiếp tục kiếm sống bằng nghề đốn củi. Ngọc Hoàng sai các thiên thần xuống dạy Thạch Sanh võ nghệ và các phép thần thông.
Một hôm, Lí Thông làm nghề bán rượu đi ngang qua gốc đa. Thấy chàng trai vạm vỡ khỏe mạnh gánh hai bó củi rất lớn, hắn liền nghĩ bụng: “Chà! Người này khỏe như voi. Nó mà về ở cùng ta thì lợi biết bao nhiêu!”. Lí Thông lân la gợi chuyện làm quen. Thạch Sanh thật thà kể cho hắn nghe gia cảnh của mình. Lí Thông gạ Thạch Sanh kết nghĩa làm anh em. Đang cô đơn, nay có người quan tâm săn sóc đến mình, Thạch Sanh vui vẻ nhận lời rồi từ giã gốc đa, về sống chung với mẹ con Lí Thông.
Bấy giờ, trong vùng có con chằn tinh hung dữ hay ăn thịt người. Nó có phép biến hóa khôn lường. Dân phải lập miếu thờ và mỗi năm phải nộp cho chằn tinh một mạng người để nó đỡ phá phách.
Năm ấy, đến lượt Lí Thông nộp mình. Mẹ con hắn sợ lắm, bày mưu tính kế lừa để Thạch Sanh chết thay. Lí Thông sắp sẵn một mâm rượu thịt. Chiều tối, Thạch Sanh đi kiếm củi về, Lí Thông mời chàng ăn rồi bảo:
– Đêm nay đến lượt anh canh miếu thờ, ngặt vì anh đang cất dở mẻ rượu, em chịu khó thay anh, đến sáng thì về.
Tin lời, Thạch Sanh đi ngay.
Nửa đêm, Thạch Sanh đang thiu thiu ngủ thì chằn tinh sau miếu hiện ra, giơ nanh múa vuốt định vồ lấy chàng. Thạch Sanh lấy búa đánh lại. Chằn tinh thoắt ần thoắt hiện. Không hề sợ hãi, Thạch Sanh trổ hết tài nghệ để đánh quái vật. Lát sau, lưỡi búa của chàng đã chém xả nó làm hai mảnh. Chằn tinh hiện nguyên hình là một con trăn khổng lồ. Cạnh xác nó là bộ cung tên bằng vàng. Thạch Sanh chặt đầu quái vật rồi nhặt bộ cung tên xách về nhà.
Tưởng oan hồn Thạch Sanh hiện về đòi mạng, mẹ con Lí Thông kinh hãi, rối rít lạy van. Nghe Thạch Sanh kể chuyện giết chằn tinh, chúng mới hoàn hồn. Vốn là kẻ độc ác, tham lam và thâm hiểm, Lí Thông nảy ra kế khác, tiếp tục lừa Thạch Sanh. Hắn vờ tỏ vẻ lo lắng:
– Con trăn ấy là của vua nuôi đã lâu. Nay em giết nó, ắt phải tội chết. Thôi em hãy mau mau trốn đi! Mọi việc ở nhà anh sẽ lo liệu.
Thạch Sanh thật thà tin lời hắn. Chàng vội vàng từ biệt mẹ con Lí Thông rồi trở về túp lều cũ dưới gốc cây đa, ngày ngày kiếm củi nuôi thân. Còn Lí Thông, vội vàng mang đầu chằn tinh vào cung nộp cho nhà vua, được vua ban thưởng hậu hĩ và phong cho chức Quận công.
Công chúa con vua đến tuổi lấy chồng. Hoàng tử nhiều nước sai sứ đến cầu hôn nhưng nàng chưa ưng ý một ai. Vua đành mở hội gieo cầu để công chúa trên lầu cao ném quả cầu trúng vào ai thì sẽ lấy người đó làm chồng. Không may, lúc nào sắp gieo cầu thì một con đại bàng khổng lồ sà xuống quắp nàng đi.
Đại bàng bay qua nơi Thạch Sanh ở. Trông thấy nó, chàng liền lấy cung tên vàng ra bắn. Đại bàng trúng thương vào cánh, lảo đảo bay về núi. Lần theo dấu máu, Thạch Sanh tìm được hang sâu, chỗ nó giấu công chúa.
Từ ngày công chúa mất tích, nhà vua vô cùng đau khổ. Ngài ra lệnh cho Lí Thông phải đi tìm và hứa sẽ gả công chúa và truyền ngôi cho. Lí Thông trong lòng vừa mừng vừa sợ. Cuối cùng, hắn lại nghĩ ra được một kế hay.
Hắn truyền lệnh mở hội thi hát mười ngày để nghe ngóng tin tức Thạch Sanh. Đến ngày thứ mười thì hắn gặp Thạch Sanh đi xem hội. Nghe Lí Thông nói phải đi tìm công chúa mất tích, Thạch Sanh kể lại mọi chuyện. Lí Thông mừng rỡ nhờ chàng dẫn đường đến hang của đại bàng.
Đến nơi, Thạch Sanh vội vã xuống cứu công chúa. Quân lính của nhà vua cột dây vào lưng chàng rồi thả xuống hang sâu.
Vốn là một chằn tinh có nhiều phép lạ, đại bàng tuy bị thương nặng nhưng vừa thấy chàng nó liền chồm dậy, tung cánh, chĩa vuốt lao đến. Thạch Sanh giương cung bắn mù mắt nó, lấy búa bổ vỡ đầu nó. Chàng lấy dây buộc ngang mình công chúa rồi ra hiệu cho quân lính ở trên kéo nàng lên. Công chúa vừa được đưa lên mặt đất thì Lí Thông sai quân lính đưa nàng về cung. Hắn ở lại vần đá lấp cửa hang hòng giết chết Thạch Sanh để cướp công chàng.
Biết mình bị hại, Thạch Sanh cố tìm lối thoát. Đến cuối hang sâu, chàng chợt thấy một chàng trai bị nhốt trong cũi sắt. Thạch Sanh lấy bộ cung tên vàng bắn tan cũi sắt, cứu được thái tử con vua Thủy Tề bị đại bàng bắt nhốt ở đây. Thái tử hết lời cảm tạ và mời ân nhân xuống thăm thủy cung. Gặp lại con, Thủy Tề vô cùng sung sướng và đối đãi với Thạch Sanh rất hậu. Thạch Sanh từ chối nhận bạc vàng châu báu, chỉ xin một cây đàn. Thái tử rẽ nước đưa chàng lên bờ. Chàng lại trở về túp lều dưới gốc đa xưa.
Lại kể đến chuyện của chằn tinh và đại bàng. Sau khi bị Thạch Sanh giết chết, hồn chúng lang thang khắp nơi. Tình cờ gặp nhau, chúng bàn cách trả thù chàng. Chúng ăn trộm một số đồ vật quý giá trong cung vua, lén bỏ vào túp lều của Thạch Sanh. Thạch Sanh bị bắt giam vào ngục tối. Chàng chẳng thể nào giãi bày nỗi oan khuất của mình.
Từ hôm được cứu thoát, công chúa tự nhiên sinh bệnh, suốt ngày buồn rầu, ủ rũ, chẳng nói chẳng cười. Lễ cưới của nàng với Lí Thông phải hoãn lại. Vua sai hắn đi mời thầy thuốc về chữa cho công chúa nhưng các danh y dù giỏi đến mấy cũng đành bó tay.
Một hôm, Thạch Sanh ngồi trong ngục tối, buồn quá bèn đem đàn ra gảy. Tiếng đàn nỉ non, ai oán, trách móc… vọng vào tận hoàng cung. Nghe tiếng đàn, bỗng nhiên công chúa nói cười vui vẻ. Nàng xin vua cha cho gọi người gảy đàn.
Nhà vua vừa mừng vừa lấy làm lạ. Khi được đưa vào cung, Thạch Sanh đã kể hết đầu đuôi mọi chuyện. Sự thật được phơi bày. Nhà vua giận dữ sai bắt giam hai mẹ con tên Lí Thông độc ác rồi giao cho Thạch Sanh xét xử. Vốn tính nhân hậu, thương người, Thạch Sanh tha cho chúng nhưng trên đường về nhà, hai mẹ con hắn đã bị sét đánh chết và hóa kiếp thành bọ hung.
Lễ cưới của công chúa và Thạch Sanh được tổ chức linh đình suốt mấy ngày liền. Ai cũng mừng cho chàng trai thật thà tài giỏi.
Nghe tin vua gả công chúa cho một kẻ đốn củi nghèo khổ, hoàng tử của mười tám nước liền kéo quân sang đánh. Thạch Sanh xin vua được đi trừ giặc. Chàng chỉ mang theo cây đàn thần. Tiếng đàn của chàng vừa réo rắt cất lên thì quân giặc bủn rủn hết tay chân, vội vã xin hàng. Thạch Sanh sai dọn một bữa cơm thết đãi những kẻ thua trận. Mấy vạn tướng sĩ thấy chỉ có một niêu cơm bé tí được mang ra thì bĩu môi, không thèm cầm đũa. Thạch Sanh tươi cười đố họ ăn hết niêu cơm ấy, chàng sẽ trọng thưởng. Nhưng kì lạ thay, cơm xới đến đâu lại đầy lên đến đấy. Quân sĩ mười tám nước vô cùng kinh ngạc, vội lạy tạ Thạch Sanh rồi rút về nước.
Nhà vua truyền ngôi cho Thạch Sanh. Hai vợ chồng chàng sống êm đềm, hạnh phúc bên nhau.
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ của em về truyện Thạch Sanh.
Bài làm
Trong truyện cổ nước ta thường có những nhân vật độc đáo, tiêu biểu cho vẻ đẹp của trí tuệ, tài năng và tâm hồn của con người Việt Nam.
Thạch Sanh là truyện kể về người dũng sĩ chém chằn tinh, diệt đại bàng, cứu người bị hại. Tiếng đàn của chàng vạch mặt kẻ vong ơn bội nghĩa và làm nhụt chí quân xâm lược.
Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân nghĩa, yêu hòa bình của nhân dân ta. Trong truyện có nhiều chi tiết thần kì độc đáo và giàu ý nghĩa (như sự ra đời kì lạ của Thạch Sanh, cung tên vàng, cây đàn thần, niêu cơm thần…). Có thể nói, trong những nhân vật chính diện mà truyện cổ tích Việt Nam xây dựng nên thì Thạch Sanh là nhân vật đẹp nhất và tiêu biểu nhất.
Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh có những nét vừa bình thường vừa khác thường.
Xét về nguồn gốc thì Thạch Sanh không phải người thường. Theo truyện kể thì vợ chồng nhà họ Thạch (ở Cao Bằng), tuổi đã già mà chưa có con. Thấy họ tốt bụng, Ngọc Hoàng sai thái tử xuống trần đầu thai làm côn. Bà mẹ mang thai nhiều năm mới sinh ra Thạch Sanh. Lớn lên, chàng lại được các vị thần dạy cho đủ các môn võ nghệ và mọi phép thần thông. Như vậy Thạch Sanh là “người trời”.
Những chi tiết về sự ra đời và lớn lên khác thường của Thạch Sanh có ý nghĩa tô đậm tính chất kì lạ, đẹp đẽ cho nhân vật lí tưởng, làm tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. Nhân dân quan niệm rằng, nhân vật ra đời và lớn lên kì lạ như vậy tất sẽ có khả năng, phẩm chất phi thường và sẽ lập được nhiều chiến công lừng lẫy.
Bình thường ở chỗ Thạch Sanh là con của một gia đình nông dân tốt bụng, sống nghèo khổ bằng nghề kiếm củi. Khi đầu thai vào nhà họ Thạch, Thạch Sanh đã thành người cõi trần, có cha mẹ, họ tên, quê quán, nghề nghiệp cụ thể, rõ ràng. Cuộc đời và số phận Thạch Sanh rất gần gũi với nhân dân.
Thạch Sanh mồ côi cha từ khi còn ở trong bụng mẹ, rồi vừa mới lớn đã mất luôn cả mẹ. Chàng sống một thân một mình từ tấm bé. Đó là đặc điểm có tính phổ biến của các nhân vật chính diện trong truyện cổ tích thần kì. Ngoài đặc điểm ấy, nhân vật Thạch Sanh còn có tính chất của nhân vật thần thoại và nhân vật anh hùng trong truyền thuyết.
Thạch Sanh sống trong túp lều cũ ở dưới gốc đa. Cả gia tài chỉ có một lưỡi búa của cha để lại. Thân cô, thế cô, chàng phải chịu bao khó khăn thử thách của cuộc đời.
Đầu tiên là chuyện chàng bị mẹ con Lí Thông lừa đi canh miếu thờ để thế mạng. Bằng tài năng của mình, Thạch Sanh đã diệt được chằn tinh.
Sau đó là chuyện công chúa bị đại bàng khổng lồ quắp đi. Thạch Sanh đã xuống hang tiêu diệt đại bàng, cứu được công chúa. Chàng bị Lí Thông cố tình hạm hãi, lấp mất cửa hang. Trong khi tìm lối thoát, chàng lại cứu được con vua Thủy Tề và được tặng cây đàn thần. Trở về gốc đa, bị hồn chằn tinh và đại bàng báo thù, Thạch Sanh bị bắt hạ ngục. Nỗi oan của chàng được giải. Mẹ con Lí Thông độc ác bị trừng trị, biến thành bọ hung. Thạch Sanh được kết hôn với công chúa. Hoàng tử mười tám nước chư hầu trước kia bị công chúa từ hôn lấy làm tức giận, họp nhau kéo quân sang đánh. Thạch Sanh lấy đàn thần ra gảy, quân sĩ mười tám nước rút lui. Thạch Sanh và công chúa từ đó sống hạnh phúc bên nhau.
Trong truyện, khó khăn, trắc trở cứ tăng dần, thử thách sau bao giờ cũng gay go hơn thử thách trước. Thạch Sanh đã vượt qua tất cả nhờ tài năng, phẩm chất và sự giúp đỡ của các phương tiện thần kì.
Qua thử thách, Thạch Sanh đã dần dần bộc lộ những phẩm chất quý báu. Đó là tính thật thà chất phác, tinh thần dũng cảm vì nghĩa quên thân, lòng nhân ái và yêu chuộng hòa bình.
Chiến công, sự nghiệp to lớn của Thạch Sanh gắn liền với tài năng và phẩm chất đẹp đẽ của chàng. Tác giả dân gian đã phản ánh điều ấy rất thành công bằng nghệ thuật hoang đường, kì ảo của truyện cổ tích.
Ngoại hình của Thạch Sanh được miêu tả đơn sơ nhưng rất rõ nét. Đó là một chàng trai khôi ngô, khỏe mạnh, quanh năm mình trần, đóng khố. Gia tài của chàng chỉ có hai thứ tầm thường là lưỡi búa đốn củi và túp lều nát dưới gốc đa.
Tuy nghèo nhưng Thạch Sanh có đủ ba điều quý giá ban đầu: sức khỏe, tài năng, nghị lực; có công cụ lao động và mảnh đất quê hương để từ đó làm nên tất cả.
Nhờ cây búa của cha để lại và phép thuật mà các vị thần dạy cho, Thạch Sanh đã chém được đầu chằn tinh. Sau khi đốt xác quái vật, chàng có thêm chiếc cung tên bằng vàng. Thạch Sanh đã dùng cung tên diệt đại bàng, cứu công chúa và Thái tử con vua Thủy Tề. Chàng được vua Thủy Tề tặng cho cây đàn thần.
Ở nhân vật Thạch Sanh, yếu tố bình thường gắn liền với yếu tố phi thường, sức người kết hợp với sức thần một cách chặt chẽ, hài hòa.
Những lần bị Lí Thông và yêu quái hãm hại, Thạch Sanh không được Tiên, Bụt hiện lên giúp đỡ nhưng chàng lại có trong tay những phương tiện kì diệu (cung vàng, đàn thần). Tài năng của chàng là tài năng của con người kết hợp với sức mạnh của thần thánh.
Tiếng đàn thần vô cùng kì diệu đã giải oan cho Thạch Sanh, vạch tội Lí Thông, làm cho công chúa hết câm, khiến cho đội quân xâm lược của mười tám nước phải mềm lòng nhụt chí, buông giáo xin hàng. Đó là tiếng nói nhân nghĩa và công lí, đại diện cho cái thiện, cho tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân.
Với cây đàn thần trong tay, Thạch Sanh được miêu tả như một nghệ sĩ tài hoa, một anh hùng trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ cuộc sống yên vui cho mọi người.
Giặc chấp nhận lui binh, được Thạch Sanh dọn một bữa cơm thết đãi. Niêu cơm thần kì của Thạch Sanh cứ vơi lại đầy, làm cho quân sĩ mười tám nước lúc đầu coi thường và chế giễu, sau đó phải ngạc nhiên khâm phục. Niêu cơm thần kì ấy tượng trưng cho sức mạnh tiềm tàng và tấm lòng nhân đạo cao cả, rộng lớn của nhân dân ta.
Kết thúc truyện, Thạch Sanh được kết hôn cùng công chúa và lên ngôi vua. Đây là phần thưởng lớn lao, xứng đáng với những khó khăn, thử thách và tài năng của Thạch Sanh. Kết thúc có hậu ấy thể hiện quan điểm ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, đồng thời phản ánh ước mơ công lí, ước mơ đổi đời của người lao động thuở xưa.