Văn mẫu lớp 6 Tập 2

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây

Đề bài: Hãy tả quang cảnh phiên chợ theo tưởng tượng của em

Bài làm

   Quê tôi ở thành phố Hòa Bình, một thành phố nhỏ ở vùng núi phía Bắc, ngay cái tên đã gợi lên sự yên bình, giản dị. Quê hương tôi nổi tiếng nhất có lẽ là đập thủy điện Hòa Bình nhưng còn một nơi nữa mà rất nhiều người biết đến đó là chợ Nghĩa Phương. Chợ đã được thành lập cách đây mười năm, là nơi tập trung buôn bán của rất nhiều thương lái.

   Chợ Nghĩa Phương trước khi được xây dựng là một chợ tự phát của người dân. Họ đổ ra buôn bán ven đường gây ùn tắc và nguy hiểm đến những người tham gia giao thông, bởi vậy, chính quyền địa phương đã xây chợ để tạo điều kiện cho mọi người thuận lợi mua bán. Chợ được xây to đẹp, với diện tích lớn, chia làm nhiều gian hàng rất quy củ. Chợ chia làm 10 dãy chính: hai dãy đầu buôn bán quần áo, hàng xén, bốn dãy hàng tiếp theo buôn bán thực phẩm, rau cỏ; hai dãy tiếp bán những sản vật địa phương, các dãy còn lại và phần cuối chợ dành cho các loại gia cầm và hải sản. Với sự phân chia hợp lí như vậy, tạo ra sự thuận lợi cho việc mua bán ở chợ.

   Chợ Nghĩa Phương quê tôi không chia thành các phiên chính phụ, bởi là chợ lớn nên lúc nào cũng đông đúc người mua kẻ bán, nhưng chợ đặc biệt đông hơn cả vào ngày chủ nhật. Những ngày này chợ trở nên đông vui, nhộn nhịp như chợ ngày tết.

   Chợ họp từ lúc 3 giờ sáng, khi màn đêm vẫn còn bao phủ, sương giăng khắp thôn cùng ngõ xóm, ngoài đường đã nghe thấy tiếng í ới gọi nhau của những người đi chợ. Xe chở hoa, tiếng lợn eng éc, tiếng vịt quàng quạc,… trên khắp các nẻo đường nghe thật rộn rã. Lúc bấy giờ là chợ của những người bán buôn, họ chở xe lớn xe nhỏ đến để bán lại cho các chủ cửa hàng nhỏ. Gần sáng chợ thưa người hơn, những chủ buôn lớn tranh thủ ăn cái bánh, bát bún, đợi những bà, những mẹ đi chợ để bán hàng lẻ.

   Trời rạng dần, sương đêm đã gần tan hết, bắt đầu thấy rõ từng tốp người xách làn đi chợ. Lúc này các bà, các mẹ đi chợ mua những thức ăn cho cả gia đình trong ngày. Ai nấy cũng hớn hở, vội vã, nhanh tay lựa những món hàng tươi nhất, ngon nhất bỏ vào làn của mình. Chỉ vừa lúc nãy chợ mới lác đác vài người, giờ đã chật như nêm cối, không còn chỗ chen chân.

   Phía gian hàng quần áo mọi người lũ lượt đi ra đi vào mong tìm được cho mình được bộ quần áo ưng ý. Những bộ quần áo sặc sỡ, đủ sắc màu trên giá được treo lên hạ xuống liên tiếp. Ở hàng quà bánh, những chiếc bánh rán vàng ruộm được tẩm đường hoặc rắc vừng thơm lừng, chiếc bánh chưng bé bằng bàn tay bốc khói nghi ngút trong nồi, nom mới hấp dẫn làm sao. Những đứa trẻ theo bố mẹ đi chợ, đến hàng quà bánh thì sà vào, nhất quyết không chịu đi nữa. Đi qua dãy hàng bán thịt lợn, những chiếc dao được mài sắc, sáng bóng, tay của các bác bán hàng đưa thoăn thoắt xẻo những miếng thịt lợn tươi ngon bán cho khách hàng, ngay cả những khách hàng khó tính nhất cũng không thể chê được. Tài tình nhất ấy là người mua muốn lấy bao nhiêu lạng bác bán hàng có thể cắt chính xác không sai chút nào, thật chẳng khác gì ảo thuật gia. Đi quá thêm chút nữa là đến gian hàng sản vật quê hương, tại đây bày bán những món ăn đặc sản của Hòa Bình quê tôi. Đó là rượu cần khi uống nhẹ nhàng như uống nước nhưng lại làm người ta say ngây ngất. Những quả cam vàng ối, chín mọng bóng lên, là giống cam Cao Phong thơm ngon, nổi tiếng khắp nơi. Hay những thanh cơm lam thơm lừng mùi nếp nương. Nào ai có thể nỡ bước qua mà không ghé vào mua những đặc sản ấy.

   Cứ như vậy, cả buổi sáng người mua kẻ bán đi ra đi vào tấp nập không ngớt. Cho mãi đến gần trưa, khi mặt trời đã lên cao, cái nắng nóng bắt đầu len lỏi, chợ dần dần vãn người. Người ta bắt đầu quét dọn, thu vén và kiểm hàng, có người tranh thủ ăn vội cái bánh và đếm lời lãi của ngày hôm nay. Mọi người hỏi han nhau, cười nói với nhau, những nụ cười thật sáng khoái, tươi vui. Chẳng mấy chốc chợ tàn, tiếng ồn ào, ầm ĩ mà chỉ mới cách đây vài phút cũng đã biến đi đâu mất hẳn. Chợ lại trở về cái vẻ thanh bình của nó.

   Mỗi lần đến chợ luôn mang đến cho tôi những cảm giác mới mẻ. Nhìn quang cảnh mọi người buôn bán tập nập lòng tôi vô cùng vui sướng vì cuộc sống của mọi người ngày được cải thiện, ấm no, hạnh phúc hơn.

Đề bài: Từ bài văn Lao xao của Duy Khán, em hãy tả lại khu vườn trong một buổi sáng đẹp trời.

Bài làm

   Quê hương, tiếng gọi nghe mới thân hương và ấm áp làm sao, bởi vậy mà nhà thơ Trung Quân cũng đã từng nhắn nhủ:

Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người

   Tôi cũng như tất cả mọi người, luôn yêu quý và trân trọng quê hương. Quê hương là nơi tôi đã được sinh ra, nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành, bồi đắp tâm hồn và nơi ấy còn gắn với biết bao kỉ niệm đẹp đẽ. Một phần kí ức đẹp đẽ ấy được nuôi dưỡng từ khu vườn nhỏ bé của ông bà tôi.

   Khu vườn của ông bà không quá lớn nhưng được trồng rất nhiều loài hoa, loài cây khác nhau, đây cũng là nơi thu hút chim chóc, ong bướm tụ hội vào mỗi buổi sáng. Khi ông mặt trời còn chưa ló rạng, những tiếng chim líu lo đã cất vang khắp vườn, đánh thức muôn loài tỉnh giấc. Những âm thanh rộn ràng ấy khiến tôi không thể ngủ thêm, mà phải nhanh chóng dậy để hòa mình vào không khí vui tươi của thiên nhiên. Không khí buổi sáng thật dễ chịu, mát mẻ, từng cơn gió nhẹ nhè lướt qua. Những hạt sương lớn vẫn còn vương vấn trên khắp các cành cây. Khi tia nắng đầu tiên chiếu vào chúng, hạt sương như biến thành hàng ngàn viên ngọc với đủ màu sắc và kích cỡ khác nhau.

   Vườn hoa được trồng tách hẳn riêng ra một khu với vườn cây ăn quả. Nào hoa cúc vàng óng ả, hoa thược dược hồng rực rỡ, hoa đồng tiền đỏ tươi, hoa hồng ngát hương thơm,… muôn loài hoa thi nhau khoe sắc. Vườn hoa là nơi thu hút nhiều nhất chị ong, cô bướm đến vui đùa. Ai cũng khoác lên mình một bộ cánh đẹp đẽ nhất: chị bướm trắng điểm thêm vài chấm đen trên cánh, chị bướm Vàng lại có những họa tiết đen huyền bí trên bộ quần áo của mình, những chú ong vàng ăn vận đơn giản mà vẫn cực kì đẹp đẽ,… ai nấy đều lộng lẫy như đi dự vũ hội. Từng đàn, từng đàn tấp nập bay lượn, trêu đùa nhau, nhảy múa cùng nhau, khiến khung cảnh khu vườn trở nên tươi vui, nhộn nhịp hơn.

   Líu lo phía cuối vườn là những chú chim tề tựu về đây góp vào cuộc thi tiếng hót sơn ca. Mỗi loài chim có tiếng hót khác nhau, chúng tranh giành chỗ đứng, tranh giành cất tiếng hót, khiến cho cả khu vườn náo động cả lên. Những chú chim bồ câu được nuôi ở nhà ông bà hiền hậu đến lạ, chỉ kêu khe khẽ “gù gù gù” và khi bị các bạn chim khác đến chòng ghẹo thì bẽn lẽn rời ra chỗ khác. Xa xa trên những cành bưởi trĩu quả là dàn đồng ca của chim họa mi. Bộ lông nâu vàng óng mượt của chim họa mi như bị hòa lẫn vào không gian vườn tược, nhưng tiếng hót thánh thót như những bản tình ca của chúng thì khó loài nào có thể địch lại nổi. Không chịu thua, mấy chị chích bông với bộ lông xanh xen xám cũng vươn chiếc cổ, kiêu hãnh hót những bài ca vui tươi chào ngày mới và cũng như để khẳng định rằng tiếng hót của mình cũng chẳng kém gì tiếng hót của họa mi. Lại gần hơn chút nữa là những chú chim sẻ cần mẫn chuyền từ cành này qua cành khác tìm bắt sâu, trị bệnh cho cây. Thỉnh thoảng chúng tranh phần nhau, cãi nhau, đánh nhau chí chóe. Khung cảnh mới náo nhiệt làm sao.

   Những âm thanh đó như một phần kỉ niệm trong tôi, đó là âm thanh nuôi tôi khôn lớn trưởng thành, giúp tôi thêm yêu quê hương, xứ sở. Tôi luôn mong có thật nhiều thời gian về quê để được hòa mình vào thiên nhiên.

Đề bài: Hãy tả lại một nhân vật có hành động và ngoại hình khác thường mà em đã có dịp quan sát, đã đọc trong sách hoặc nghe kể lại.

Bài làm

   Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp rất nhiều người có hoàn cảnh sống khác nhau. Tôi còn nhớ trong kì nghỉ hè vừa rồi tôi cùng gia đình đến Quảng Nam, trong chuyến đi này tôi đã gặp một con người có nghị lực phi thường, dù bản thân không được lành lặn như những người khác. Anh là một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vượt lên số phận.

   Đợt ấy vào tháng 7, sau một năm học tập và làm việc vất vả cả gia đình tôi đã có một chuyến du lịch đến vùng đất Quảng Nam. Trong chuyến đi này tôi đã được đi thăm thú rất nhiều nơi: Hội An bình dị, xinh đẹp; Cù Lao Chàm với sóng biển xanh biếc và những tháp chăm cổ kính của thánh địa Mỹ Sơn,… nhưng để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất là anh Bảy Văn, cái tên thân thương do mọi người đặt cho anh. Anh là trẻ mồ côi, ngay từ khi sinh ra đã khuyết tật mất hai chân do di chứng của chất độc màu da cam, anh được đưa về nuôi tại cô nhi viện. Trong chuyến thăm Hội An tôi đã tình cờ nhìn thấy anh đang dạy trẻ con học, điều đó đã làm tôi vô cùng bất ngờ, ngưỡng mộ và tôi đã được những người dân nơi đây kể lại câu chuyện cuộc đời anh.

   Anh Bảy Văn người nhỏ thó, vì đã mất đi đôi chân nên nhìn anh lại càng trở nên nhỏ bé hơn. Anh có làn da ngăm rám nắng đặc trưng của những người miền Trung. Khuôn mặt anh vuông vức, cùng chiếc mũi cao khiến cho đường nét trên khuôn mặt trở nên hài hòa hơn. Anh có chiếc trán rộng và cao thể hiện rõ sự thông minh, nhanh nhẹn. Mái tóc anh được cắt gọn gàng, màu đen mượt. Đôi mắt anh sáng, tinh anh cùng đôi lông mày rậm khiến cho cái nhìn trở nên cương nghị, chính trực hơn. Tôi đặc biệt ấn tượng với nụ cười của anh, đó là nụ cười tỏa ra một sức hút mãnh liệt, hàm răng đều tăm tắp cùng với nụ cười sảng khoái khiến mọi người đều thoải mái khi nghe tiếng cười ấy. Giọng nói của anh trầm ấm và rất truyền cảm.

   Anh ăn mặc giản dị, chỉ có hai bộ quần áo duy nhất, một chiếc áo sơ mi trắng và một chiếc sơ mi xanh da trời. Mỗi lần mặc xong anh luôn giặt sạch sẽ và là cẩn thận. Ngôi nhà anh ở đơn sơ chỉ có bộ bàn uống nước, cái tủ đứng, giường ngủ và một bàn học nhưng luôn được anh sắp xếp hết sức ngăn nắp, gọn gàng.

   Mặc dù ngay từ khi sinh ra đã bị tật nguyền nhưng chưa bao giờ anh chịu thua số phận. Anh luôn tự mình làm mọi việc, chỉ khi gặp khó khăn anh mới nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Anh là người thông minh, sáng dạ, mọi thứ anh học rất nhanh, lại là người ngoan ngoãn nên được thầy cô và bạn bè hết mực yêu mến. Khi học xong cấp 3 anh quyết tâm thi đỗ sư phạm để có thể mang tri thức về cho những trẻ em nghèo mồ côi như mình. Học xong anh trở về quê hương và đi dạy cho những đứa trẻ mồ côi.

   Anh giảng say sưa, nhiệt huyết, giọng giảng truyền cảm và chứa chan tình yêu thương. Nét chữ anh viết trên bảng luôn ngay ngắn, thẳng hàng. Anh đứng hơi nghiêng người để tất cả lũ trẻ đều có thể nhìn thấy những gì mình viết trên bảng. Những đứa bé ngồi dưới lớp cũng mê mải nghe những lời anh giảng, chúng như nuốt từng lời anh nói ra. Từng khuôn mặt ngây thơ, non nớt như được tiếp thêm sức mạnh khi nghe những bài giảng của anh. Theo nghề này đã được gần mười năm, nhưng anh chưa bao giờ nhận tiền của bất cứ học sinh nào, thù lao của anh đơn giản chỉ là những nụ cười, cái ôm thật chặt, đôi khi là ít trứng gà nhưng anh chưa bao giờ thôi nhiệt huyết với nghề. Nghe những điều hàng xóm của anh kể lại và chứng kiến những việc anh làm tôi càng thêm kính phục và yêu quý anh hơn.

   Chuyến đi này quả thực đã cho tôi rất nhiều, nó không chỉ cho tôi mở mang tầm mắt trước vẻ đẹp của quê hương, mà quan trọng hơn nó còn cho tôi những bài học giá trị trong cuộc sống. Anh Bảy Văn sẽ mãi là tấm gương sáng chói để tôi học tập và noi theo, không bao giờ đầu hàng, lui bước trước số phận.

Đề bài: Em đã từng gặp Tiên ông trong những truyện cổ dân gian. Hãy miêu tả lại hình ảnh Tiên ông theo trí tưởng tượng của mình.

Bài làm

   Cũng giống như bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa, em rất thích đọc và được nghe bà kể những câu chuyện cổ thật hay như Tấm Cám, Thạch Sanh, Sọ Dừa, Cây tre trăm đốt… Điều thú vị là những chi tiết hoang đường, kì ảo tạo nên sự hấp dẫn lạ lùng của câu chuyện đều do thần thánh, Tiên, Bụt tạo ra. Nhân vật Tiên ông thường xuất hiện vào những lúc gay cấn nhất để cứu giúp người nghèo khổ, hiền lành và trừng trị kẻ giàu có mà xấu xa, độc ác.

   Sau khi chú cá bống nhỏ xinh bị mẹ con mụ dì ghẻ ăn thịt, cô Tấm đau khổ lắm. Thế là cô đã mất một người bạn thân, một nguồn an ủi. Cô ôm mặt khóc nức nở. Bỗng nhiên một cơn gió mạnh nổi lên, Tiên ông hiện ra giữa vầng hào quang và làn hương thơm ngát. Mái tóc Tiên ông bạc phơ búi cao trên đỉnh đầu, bộ râu ba chòm trắng như bông thả dài trước ngực. Trong tay Tiên ông là cây gậy trúc nâu bóng. Tiên ông bước đi, nhẹ như gió thoảng. Đôi hài vải màu lam lướt trên mặt đất.

   Đến bên cô Tấm, Tiên ông mỉm cười, cất giọng trầm ấm hỏi:

   – Cháu ơi! Điều gì làm cho cháu đau khổ đến thế? Cháu hãy nín khóc và kể lại mọi chuyện cho ta nghe! Biết đâu ta lại giúp được cháu chăng?!

   Cô Tấm ngẩng mặt lên nhìn. Nụ cười hiền từ làm cho gương mặt của Tiên ông càng thêm phúc hậu. Cô Tấm chắp tay lạy Tiên ông rồi kể đầu đuôi sự việc. Nghe xong, Tiên ông khuyên nhủ:

   – Cháu hãy ghi nhớ lời ta dặn: cô’ tìm lấy xương bống, chia đều bỏ vào bốn chiếc lọ, chôn dưới chân giường. ít lâu sau, phép lạ sẽ xảy ra với cháu!

   Dứt lời, Tiên ông biến mất, chỉ còn khói sương lãng đãng và mùi hương phảng phất đâu đây.

   Cô Tấm làm đúng theo lời Tiên ông dặn, nhưng tìm mãi, tìm mãi mà chẳng thấy xương bống đâu. Bất ngờ, một con gà cất tiếng: “Cục ta cục tác! Cho ta nắm thóc, ta bới xương cho! “. Cô Tấm cho gà ăn thóc. Loáng chốc, gà đã bươi được xương bống từ trong đống tro bếp. Tiên ông đã kín đáo sai gà tìm giúp Tấm.

   Lễ hội lớn đầu xuân đã đến. Tấm muốn đi dự hội nhưng khổ thay, cô không có quần áo mới. Đã thế, mụ dì ghẻ độc ác lại trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm nhặt xong mới cho đi. Tủi thân, tủi phận, Tấm chỉ biết âm thầm khóc. Tiên ông hiện ra an ủi rồi sai một bầy chim sẻ giúp Tấm nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo. Tiên ông lại bảo Tấm hãy đào bốn chiếc lọ đựng xương bống lên, sẽ có đủ quần áo đẹp mặc đi dự hội.

   Cô Tấm dịu dàng, chăm chỉ, thật thà, xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Giống như Sọ Dừa hay anh Khoai nghèo khổ, cô Tấm đã được Tiên ông giúp đỡ và ban thưởng xứng đáng. Hình ảnh đẹp đẽ, đáng yêu của Tiên ông mãi mãi ln đậm trong kí ức tuổi thơ của chúng em bởi Tiên ông thay mặt nhân dân bênh vực người lương thiện, trừng trị kẻ xấu xa. Tiên ông chính là hiện thân cho ước mơ công lí muôn đời của nhân dân ta.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 928

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống