Văn mẫu lớp 7 Tập 2

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7: tại đây

Đề bài: Phân tích bài Đức tính giản dị của Bác Hồ

Bài làm

   Viết về vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu, về những đức tính của Bác là một đề tài lớn trong văn học. Góp một bài viết nhỏ về đức tính tốt đẹp của Bác là văn bản “Đức tính giản dị của Bác Hồ” của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng. Văn bản đã làm sáng tỏ đức tính giản dị của Bác trên nhiều phương diện.

   Văn bản được trích từ bài: Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại – diễn văn trong lễ kỉ miệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết đã tập trung làm sáng tỏ sự giản dị của Bác trong đời sống hàng ngày, trong quan hệ với mọi người và trong lời nói, bài viết.

   Trước hết, tác giả chứng minh sự giản dị của Bác trong đời sống. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lấy dẫn chứng rõ ràng cụ thể sự giản dị của Bác được thể hiện trong bữa cơm, đồ dùng, cái nhà và lối sống. Bữa cơm của Bác hết sức đạm bạc, “chỉ có vài ba món ăn rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch, và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất”, đó chính là biểu hiện của sự quý trọng lao động và thành quả người lao động làm ra. Căn nhà nhỏ giản dị, đơn sơ mà lúc nào cũng lộng gió thời đại và chan hòa với thiên nhiên, cây cỏ. Nơi ở của Bác thật gần gũi với thiên nhiên, với ánh sáng, hương thơm, cây cỏ, cuộc sống của Bác mới tao nhã làm sao. Lối sống của Bác cũng hết sức dung dị, những việc hàng ngày Bác làm giản dị biết mấy mà cũng sâu sắc biết mấy. Bất cứ chuyện gì dù nhỏ hay lớn nếu có thể tự làm Bác đều tự mình làm lấy, không cần đến sự giúp đỡ của ai. Từ những việc lớn như lo cho vận mệnh đất nước cho đến việc nhỏ như viết thư cho các cháu miền Nam Bác luôn làm bằng một trái tim yêu thương bao la vô bờ, đó là sự quan tâm chân thành, sâu sắc.

   Sự giản dị đó không có nghĩa là Bác đang rời xa cuộc sống giống như các nhà Nho ẩn dật xưa, mà cuộc sống của Bác là “đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất”. Đây chính là nét đẹp sáng ngời trong lối sống của Bác để thế hệ sau cùng noi theo học tập.

   Không chỉ giản dị trong đời sống và trong quan hệ với mọi người, Bác còn giản dị trong lời nói, bài viết. Những chân lí luôn được Bác truyền đạt bằng hình thức ngôn ngữ hết sức dễ hiểu, ngắn gọn, súc tính như: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” hay “Nước Việt Nam là một dân tộc, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi của thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi” ,…

   Trong đoạn trích Đức tính giản dị của Bác Hồ, người viết đã có sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa chứng minh với giải thích, bình luận, lựa chọn dẫn chứng phong phú, tiêu biểu. Tác giả có sự gần gũi, am hiểu về lối sống con người Bác nên có những dẫn chứng hết sức giản dị, giàu sức thuyết phục, tác động đến nhận thức, tình cảm của người đọc.

   Bài văn với những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng sinh động, thuyết phục đã cho người đọc, người nghe cái nhìn toàn diện về đức tính giản dị của Bác. Bài viết chính là sự tổng kết ngắn gọn nhất, đầy đủ nhất những đức tính tiêu biểu làm nên cốt cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đức tính giản dị của Bác vẫn là tấm gương mẫu mực không chỉ cho người viết mà còn là cho toàn thể nhân dân Việt Nam học tập, noi theo.

Đề bài: Phân tích bài Đức tính giản dị của Bác Hồ

Bài làm

   Bài Đức tính giản dị của Bác Hồ trích từ diễn văn Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc trong lễ kỉ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1970).

   Phạm Văn Đồng là một trong những học trò xuất sắc và là người cộng sự gần gũi suốt mấy chục năm sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như : Hồ Chí Minh, hình ảnh của dân tộc (1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại (1970) không chỉ nói về sự nghiệp và lí tưởng cách mạng cao cả mà còn phản ánh trung thực lối sống giản dị và phẩm chất đạo đức tốt đẹp của Bác Hồ.

   Có thể coi đây là bài nghị luận chứng minh mà sức thuyết phục của nó toát lên từ tính cụ thể, chân thực và toàn diện của chứng cứ. Tác giả đã kết hợp giữa chứng minh với nhận xét, giải thích và bình luận để làm nổi bật đức tính giản dị của Bác Hồ và thể hiện sự thống nhất giữa đức tính ấy với các phẩm chất cao quý khác trong con người Bác.

   Dựa trên vốn hiểu biết sâu sắc và tình cảm yêu mến, kính phục chân thành đối với lãnh tụ cách mạng tài ba, qua bài văn, tác giả khẳng định giản dị là đức tính nổi bật của Hồ Chủ tịch. Bác giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong lời nói và bài viết. Ở Bác, sự giản dị kết hợp hài hòa với đời sống tinh thần phong phú, với lí tưởng cách mạng kiên trung.

   Trong phần mở đầu văn bản, tác giả đã nêu lên nhân xét : Điều rất quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch.

   Tiếp theo là lời khẳng định thể hiện rõ tình cảm kính yêu và khâm phục của tác giả đối với Bác : Rất lạ lùng, rất kì diệu là trong 60 năm của một cuộc đời đầy sóng gió diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới cúng như ở nước ta, Bác Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một người chiến sĩ cách mạng, tất cả vì nước, vì dân, vì sự ngiệp lớn, trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp.

   Đức tính giản dị của Bác trong đời sống hằng ngày được tác giả ngợi ca bằng những mĩ từ : trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp… rất lạ lùng, rất kì diệu … Tính từ thanh bạch thể hiện chính xác nhất đức tính giản dị đó. Nếp sống thanh bạch của Bác Hồ là nếp sống của một vị lãnh tụ cách mạng chân chính, suốt đời cống hiến, hi sinh cho đất nước và dân tộc.

   Tác giả đã đưa ra những lí lẽ chặt chẽ và dẫn chứng chính xác, cụ thể để chứng minh cho sự giản dị trong tác phong sinh hoạt và trong quan hệ với mọi người của Bác Hồ. Trong tác phong sinh hoạt và trong quan hệ với mọi người của Bác Hồ. Trong tác phong sinh hoạt, sự giản dị của Bác thể hiện ở bữa cơm, đồ dùng, căn nhà, lối sống:

   Bữa cơm chỉ vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất.

   Tác giả đưa ra lời bình luận xác đáng về ý ngĩa sâu xa của những việc Bác làm : Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ.

   Bác ăn uống hết sức đạm bạc, còn nơi ở thì : Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao!

   Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chứng minh, bình luận và biểu cảm đã tạo nên tính hiện thực và tính trữ tình cho đoạn văn. Bên cạnh đó, nó cũng thể hiện hiểu biết sâu sắc và tình cảm chân thành của tác giả, do vậy mà xúc động lòng người.

   Nói về sự giản dị của Bác Hồ trong quan hệ với mọi người, tác giả đã nêu ra những dẫn chứng cụ thể để minh họa : Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn : việc cứu nước, cứu dân đến việc nhỏ, trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm như khu tập thể của công nhân, từ nơi làm việc đến phòng ngủ, nhà ăn… Trong đời sống của mình, việc Bác tự làm được thì không cần người giúp, cho nên bên cạnh Bác, người giúp việc và người phục vụ có thể đếm lên đầu ngón tay, và Bác đã đặt cho số đồng chí đó những cái tên mà gộp lại là ý chí, chiến đấu và chiến thắng: Trường, Kì, Tự, Lực, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi!

   Yêu Bác, hiểu Bác nên tác giả đã có những nhận xét, phân tích rất chính xác về cội nguồn và bản chất đức tính giản dị của Bác Hồ.

   Nhưng chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật. Bác Hồ sống đời sống giản dị, thanh bạch như vậy, bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân. Đời sống vật chất giản dị càng hòa hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với tư tưởng, tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là đời sống thực sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay.

   Bác Hồ sống giản dị vì suốt cuộc đời hoạt động cách mạng hơn sáu mươi năm, Người được tôi luyện trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng khỏi xích xiếng nô lệ thực dân của nhân loại và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ xâm lược đau thương, oanh liệt của dân tộc.

   Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: Đó là lối sống thực sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay.

   Những lời giải thích, bình luận nêu trên hoàn toàn đúng vói bản chất của Bác. Lối sống giản dị về vật chất hòa hợp với sự phong phú về tinh thần, tạo thành phẩm chất cao quý tuyệt vời. Nghĩ về Bác, mọi người đều có chung cảm xúc yêu mến và kính phục, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi:

Như đỉnh non cao tự giấu hình,
Trong rừng xanh lá ghét hư vinh.
       ......
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
              (Theo chân Bác)

   Để chứng minh cho sự giản dị trong lời nói và bài viết, tác giả đã dẫn chứng câu nói nổi tiếng của Bác như : Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Hoặc : Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi. Đó là những câu nói cô đọng, hàm súc về nội dung ý nghĩa và ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuôc.

   Bác đã dùng cách nói giản dị để nói về những điều lớn lao vì Bác muốn quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. Những lời nói và bài viết của Bác có tác dụng tập hợp, lôi cuốn, cảm hóa long người rất lớn. Mọi người dân đều hiểu và quyết tâm thực hiện bằng được nhưng lời dạy quý báu của Bác Hồ.

   Những chân lí giản dị mà sâu sắc đó lúc thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

   Lời bình luận này của tác giả đã đè cao sức mạnh phi thường của những chân lí mà Bác nêu ra dưới hình thức những câu nói tự nhiên, mộc mạc, giản dị và sâu sắc. Lời Bác đã khơi dậy lòng yêu nước, ý chí cách mạng trong quần chúng nhân dân. Qủa là Bác Hồ giản dị mà vĩ đại như chân lí.

   Giản dị là một đức tính, một phẩm chất nổi bật và nhất quán trong lối sống, sinh hoatjm trong quan hệ với mọi người, trong công việc và cả trong lời nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là điều mà bất kì ai khi được tiếp xúc với Người đều cảm nhận được, nhưng hiểu và đánh giá đúng được phẩm chất ấy ở lãnh tụ Hồ Chí Minh thì không phải dễ dàng. Hình ảnh bộ quần áo nâu, đôi dép lốp cao su… , đã gắn với cuộc sống đời thường của Bác. Bác cũng đã thể hiện quan niệm sống giản dị mà rất đỗi thanh cao ấy trong một số bài thơ:

Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên.
              (Sáu mươi tuổi)
  
  Sống quen thanh đạm nhẹ người
Việc làm ngày rộng tháng dài ung dung.
             (Sáu mươi ba tuổi)

Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau má vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh, dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang!
              (Tức cảnh Pác Bó)

   Văn nghị luận: Đức tính giản dị của Bác Hồ đã cho chúng ta hiểu thêm về phẩm chất tốt đẹp của chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ cách mạng tài ba, người Cha kính yêu cuẩ dân tộc và nhà văn hóa lớn của nhân loại.

Đề bài: Phân tích bài Đức tính giản dị của Bác Hồ

Bài làm

   Tác phẩm “Đức tính giản dị của Bác Hồ” được trích trong diễn văn ” Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh hoa và khí phách dân tộc” do Phạm Văn Đồng đọc trong lễ kỉ niệm 80 năm ngày sinh của Người. Tác phẩm đã cho ta thấy những đức tính tốt đẹp của Bác mà nổi bật là tính giản dị, trong sáng của một vị nguyên thủ quốc gia.

   Sự giản dị của Bác được thể hiện trong đời sống hàng ngày. Ngay đầu tác phẩm, Thủ tường Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Điều quan trọng cần phải làm nổi bật là sự nhất quán giữa đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống bình thường vô cùng giản dị và khiêm tốn của Hồ Chủ tịch”.

   Cũng giống như các vị nguyên thủ quốc gia khác trên thế thới, Bác Hồ cũng có những chế độ riêng trong sinh hoạt và làm việc. Tuy nhiên, Người đã lựa chọn cho mình lối sống thanh bạch, giản dị đến bất ngờ: “Rất lạ lùng, rất kì diệu là trong 60 năm của một cuộc đời đầy sóng gió diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta, Bác Hồ vẫn giữ nguyên phẩm chất cao quý của một chiến sĩ cách mạng, tất cả vì nước, vì dân, vì sự nghiệp lớn, trong sáng, thanh bạch”. Tính từ “thanh bạch” đã thể hiện chính xác nhất đức tính giản dị đó của Bác. Một lối sống dung dị về vật chất nhưng phong phú, cao sang về tinh thần. Tác giả cũng đã đưa ra những lí lẽ và dẫn chứng để chứng minh cho sự giản dị trong tác phong sinh hoạt và lối sống, trong mối quan hệ với mọi người của Bác Hồ. Trong lối sống, đó là sự giản dị từ bữa cơm, đồ dùng, căn nhà: “bữa cơm chỉ có vài ba món rất giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột cớm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch và thức ăn còn lại thì được sắp xếp rất tươm tất”. Trong thời chiến hay thời bình, những bưqx ăn của Bác vẫn giản dị như bao người khác. Bác chủ thích ăn những món ăn dân giã như dưa cà mắm muối, có thức ăn ngon Bác đều chia phần cho mọi người. Chỉ trong bữa ăn thôi chúng ta cũng đã thấy được Bác giống như là một người cha thân thiết hơn là một vị lãnh tụ xa cách với mọi người. Như lời tác giả nhận định: “Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào công lao người phục vụ”.

   Ăn uống đơn giản là thế, còn nơi ở của Bác cũng hết sức giản dị: “cái nhà sàn của bác chỉ vẻn vẹn có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nhỏ đó luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và nhàn nhã biết bao”. Ắt hẳn chúng ta đã có một lần đến thăm ngôi nhà sàn của Bác trong phủ chủ tịch. Ngôi nhà ấy hết đỗi đơn sơ, đồ vật thì chỉ có vài cái quan trọng và cần thiết, đều được sắp đặt rất gọn gàng. Quần áo của Người cũng chỉ có vài ba bộ kaki đã cũ sờn, đôi dép cao su đi khắp năm châu bốn bể. Sự mộc mạc trong đời sống vật chất không làm người bị lạc lõng khi đứng cùng các nguyên thủ khác mà ngược lại luôn tạo được sự gần gũi, thân mật ngay từ những cử chỉ đầu tiên. Tác giả vừa viết vừa đưa ra những nhận định chính xác. Qua đó cho thấy cái nhìn tinh tế và tình cảm chân thành mà cố thủ tướng dành cho vị cha già dân tộc.

   Bác cũng sống rất giản dị với những người xung quanh: “Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, từ việc rất lớn: cứu nước, cứu dân đến việc rất nhỏ, trồng cây trong vườn, viết một bức thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu miền Nam, đi thăm nhà tập thể của công nhân, từ nơi làm việc đến phòng ngủ, nhà ăn,… Trong đời sống của mình, việc Bác tự làm được thì không cần người giúp, cho nên bên cạnh Bác, người giúp việc và phục vụ có thể đếm trên đầu ngón tay, và Bác đã đặt cho số đồng chí trên những cái tên mà gộp lại là ý chí chiến đấu và chiến thắng: Trường, Kì, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi!” Bác vẫn luôn ân cần như vậy. Những việc gì tự làm Bác không bao giờ phiền đến người khác. Người hoà mình vào cuộc sống của mọi người xung quanh, cùng ăn, cùng làm việc, chơi thể thao, câu cá. Đọc những dòng này, người đọc thật sự xúc động trước hình ảnh của một vị lãnh tụ sống giản dị như tất thảy những người dân bình thường khác, chỉ có điều “người dân bình thường” ấy mang trên mình trọng trách, sứ mệnh của cả dân tộc.

   Bác Hồ sống đời sống vật chất giản dị vì người đã dành hết tâm huyết cho đời sống tinh thần phong phú của mình. Người sống hoà mình vào thiên nhiên, dành nhiều thời gian để đọc sách, nghiên cứu, lúc rảnh rỗi người còn sáng tác thơ văn. Người sống giản dị nhưng không tẻ nhạt, cũng không phải khắc khổ như những nhà tu hành. Như lời cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói “Đó là đời sống thực sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay”

   Giản dị là một đức tính, một phẩm chất nổi bật và nhất quán trong lối sống, sinh hoạt và mối quan hệ với mọi người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là điều mọi người đều cảm nhận được khi tiếp xúc vơia người. Tấm gương sáng về một lối sống thanh bạch của Người luôn là hình mẫu mà các thế hệ sau phải luôn học hỏi và noi theo.

   Tác phẩm đã cho người đọc thấy được đức tính tốt đẹp của Bác, đó chính là sự giản dị. Qua đó, ta càng yêu thêm, càng kính trọng thêm vị lãnh tụ tài ba, người cha già của dân tộc và một vị danh nhân vĩ đại của nhân loại.

Đề bài: Giản dị trong đời sống, trong tác phong, trong quan hệ với mọi người, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được.

Em hãy tìm một số ví dụ để chứng minh cho sự giản dị trong thơ văn của Bác.

Bài làm

   Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, là nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh sự nghiệp cứu nước vĩ đại, Bác đã để lại cho chúng ta một di sản văn chương vô cùng quý giá.

   Bác không hề có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương và chưa bao giờ tự nhận mình là văn nghệ sĩ. Bác viết văn, làm thơ xuất phát từ nhận thức văn chương là vũ khí sắc bén chống quân thù và là phương tiện thuận lợi để tuyên truyền cách mạng.

   Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đã trải qua nhiều hoàn cảnh sống và tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau. Tùy từng tình huống, từng nhiệm vụ chính trị mà Bác có cách viết cho phù hợp. Với lực lượng quần chúng cách mạng phần lớn là nông dân, công nhân, Bác đã chọn hình thức sáng tác quen thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ như ca dao, thơ lục bát… để lồng vào đó nội dung chính trị.

   Giản dị trong đời sống – đó là điều nổi bật trong phong cách của Hồ Chủ tịch . Bác cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết vì muốn cho nhân dân hiểu được, nhớ được và thực hiện được những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

   Trong qua trình vận động cách mạng, Bác làm nhiều bài ca dưới hình thức văn vần để giác ngộ quần chúng như Bài ca sợi chỉ, Bài ca binh lính, Bài ca đoàn kết… Bác viết thật mộc mạc, giản dị để người nghe, người đọc dễ tiếp thu và truyền bá cho nhau.

   Sau đây là một số ví dụ tiêu biểu:

   Sau khi về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác đã viết nhiều câu thơ, bài thơ làm tài liệu giác ngộ, vận động quần chúng tham gia vào hội Việt Minh, đoàn kết đánh đuổi thực dân Pháp và phát xít Nhật:

   Muốn phá sạch nỗi bất bình,
Dân cày phải kiếm Việt Minh mà vào.

   Hoặc:

   Hỡi ai con cháu Hồng Bàng,
Chúng ta phải biết kết đoàn mau mau.

   Thơ Bác còn chỉ ra nguyên nhân khổ đau, bất hạnh của nông dân:

   Dân ta không có ruộng cày,
Bao nhiêu đất tốt về Tây đồn điền.

   Hay của giai cấp công nhân:

   Công nhân sức mạnh nghề quen
Làm ra của cải cho thiên hạ nhờ
   Mà mình quần rách áo xơ
Tiền công thì bớt mà giờ thì thêm 
   Lại còn đánh chửi tần phiền 
Cúp lương tháng trước, phạt tiền hôm qua.

   Bác thể hiện rõ nỗi khổ, nỗi nhục của kẻ lầm đường lạc lối cầm súng giặc bắn vào cha mẹ, anh em, bà con làng xóm:

   Hai tay cầm khẩu súng dài,
Ngắm đi ngắm lại, bắn ai bây giờ.

   Cuối năm 1946, thực dân Pháp và đế quốc Mĩ cấu kết với nhau, cố tình xâm lược nước ta một lần nữa. Sau khi chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa được thành lập, với cương vị Chủ tịch, Bác đã làm bài thơ chúc mừng năm mới 1947, kêu gọi đồng bào quyết tâm kháng chiến để bảo vệ chủ quyền độc lập, tự do vừa giành được:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến.
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kì kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công.

   Xuân 1949 là mùa xuân tưng bừng khí thế trong bài thơ nổi tiếng của Bác:

  Người người thi đua
  Ngành ngành thi đua,
  Ta nhất định thắng
  Địch nhất định thua;
      (Mừng xuân 1949)

   Cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt, chấn đông năm châu. Miền Bắc giải phóng, nhân dân nô nức bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và trở thành hậu phương lớn của miền Nam – thành đồng Tổ quốc – đang ngày đêm trực tiếp đối đầu với quân xâm lược Mĩ và bè lũ tay sai.

   Bài thơ chúc Tết năm 1956 là lời Bác hô hào, động viên nhân dân cả nước đoàn kết một lòng đánh Mĩ:

Thân ái mấy lời chúc Tết:
Toàn dân đoàn kết một lòng,
Miền Bắc thi đua xây dựng
Miền Nam giữ vững thành đồng,
Quyết chí bền gan chiến đấu, 
Hòa bình, thống nhất thành công.

   Nhân dân Việt Nam mỗi khi Tết đến xuân về lại hân hoan, phấn khởi đón nghe thơ Bác vì đó chính là tâm tình, ý nguyện, là lí tưởng và khát vọng chiến thắng của toàn dân tộc.

   Mừng xuân 1969 là bài thơ chúc Tết cuối cùng Bác để lại cho đất nước, nhân dân:

Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào!
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

   Thơ Bác chính là con người Bác, thật gần gũi, giản dị mà cũng thật sâu sắc, hào hùng. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ.

   Dân tộc Việt Nam sung sướng và hạnh phúc được chiến đấu dưới lá cờ vinh quang của Đảng, của Bác Hồ kính yêu!

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1210

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống