Văn nghị luận xã hội

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7: tại đây

Đề bài: Chứng minh rằng dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay sống theo đạo lí: Ăn quả nhớ kẻ trồng câyUống nước nhớ nguồn.

Bài làm

   Truyền thống đạo lí xưa nay là thước đo phẩm chất nhân cách ở đời của mỗi con người. Vì thế nhân dân Việt Nam ta luôn tự hào bởi lối sống đậm chất nhân văn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “uống nước nhớ nguồn”. Bằng cách nói giàu hình ảnh, hai câu tục ngữ chính là tiếng nói khẳng định về lối sống ân tình thủy chung, biết ghi nhớ và báo đáp công ơn đôi với những người có công lao với mình của con người Việt Nam.

   Để hiểu được bản chất của đạo lí trước hết chúng ta cần nắm được ý nghĩa của hai câu tục ngữ. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” mang nội dung nhắc nhở con người khi ăn những trái thơm ngọt lành phải biết nhớ tới công lao vun sới, chăm sóc của người trồng vườn. Suy rộng ra, quả ngọt tượng trưng cho cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc của mỗi người, kẻ trồng cây chính là người tạo ra cuộc sống ấy. Vì thế câu tục ngữ muốn nhắn nhủ phải biết ghi nhớ công ơn những người cho ta có được cuộc sống tốt đẹp. “Uống nước nhớ nguồn” xuất phát từ hiện tượng tự nhiên, bất cứ dòng nước nào chảy đi cũng đều bắt đầu từ nguồn của nó cho nên khi uống nước phải biết nhớ tới nguồn cội sinh ra dòng nước ấy. Câu tục ngữ mang hàm nghĩa sâu sa, “uống nước” là hình ảnh tượng trưng cho sự hưởng thụ thành quả còn “nhớ nguồn” là nhớ tới công lao của người tạo ra thành quả ấy. Tóm lại cả hai câu tục ngữ đều là lời nhắc nhở con người về bài học đạo lí biết trân trọng và ghi nhớ công lao những người đi trước đã hi sinh cho ta có được cuộc sống tốt đẹp hôm nay.

   Từ xưa đến nay, lòng biết ơn và báo đáp công ơn của người dân Việt Nam đã trở thành nét đẹp văn hóa đáng trân trọng. Vậy tại sao truyền thống ấy lại ăn sâu bám rễ lâu bền vào đời sống con người như thế. Đây là một đạo lí mang đậm chất nhân văn và là tiền đề cơ sở cho mọi hành động tốt đẹp của con người. Chẳng phải tự nhiên mà mỗi người được sinh và có được cuộc sống yên bình, tốt đẹp như ngày hôm nay, nó được đánh đổi bởi sự mồ hôi, nước mắt và cả sương máu của thế hệ đi trước. Không có cha mẹ sinh thành dưỡng dục làm sao ta có thể trưởng thành khôn lớn. Không được thầy cô dạy dỗ thì sao ta có được tri thức vào đời. Bưng bát cơm trắng ngần thơm dẻo trên tay ta lại nghĩ về những giọt mồ hôi vã xuống cánh đồng của người nông dân một nắng hai sương làm ra nó. Nếu không có sự hi sinh anh dũng quả cảm của những người chiến sĩ thì ta cũng đâu có được một cuộc sống hòa bình, yên vui. Tất cả những gì chúng ta có ngày hôm nay đều là nhờ công lao của thế hệ đi trước, chính vì vậy sống ở đời mỗi người đều phải biết biết ghi nhớ và đền đáp công ơn với những người làm ra thành quả cho ta thụ hưởng. Đồng thời đối với những kẻ vong ân phụ nghĩa, ăn cháo đá bát chúng ta cần phải lên tiếng phê phán nghiêm khắc và có những biện pháp trừng trị thích đáng,

   Tấm lòng ân nghĩa, thủy chung của người dân Việt Nam được minh chứng bằng rất nhiều những hành động cụ thể, thiết thực. Dân tộc ta đã trải qua bao tháng năm lịch sử đau thương mà hào hùng với những cuộc chiến khốc liệt giữa ta và địch. Biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để tổ quốc được đứng lên. Thay cho lời tri ân và lòng biết ơn sâu sắc, những đền thờ, đài tưởng niệm, khu nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng khang trang trên khắp mọi miền đất nước. Hằng năm nhà nước luôn có những chính sách ưu tiên cho người có công, gia đình thương binh liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng để phần nào bù đắp sự hi sinh to lớn của họ dành cho đất nước. Phong trào đền ơn đáp nghĩa diễn ra rộng khắp, nhà nước dành ngày 27/7 là ngày ghi nhớ và tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ những ngôi nhà tình nghĩa được xây lên bằng niềm tri ân, những nguồn trợ cấp xã hội được mang đến tận tay cho những người có công. Tất cả những hành động ấy đã thể hiện lòng biết ơn vô tận của thế hệ ngày nay với những người đi trước.

   Đặc biệt, truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “uống nước nhớ nguồn” được thể hiện trong phong tục thờ cũng của người Việt. Làng quê Việt Nam đâu đâu cũng có tục thờ thành hoàng làng để thể hiện lòng biết ơn, trân trọng với người có công xây làng lập ấp. Trong mỗi gia đình, con cháu đều lập bàn thờ ông bà tổ tiên, ngày giỗ chạp hay lễ tết chính là dịp để con cháu tưởng nhớ công lao của những đấng sinh thành của mình. Ngoài ra những truyền thống tôn sư trọng đạo biết ơn tới những người thầy cô giáo, truyền thống hiếu học làm vẻ vang gia đình dòng tộc cũng được xuất phát từ cội nguồn lòng biết ơn và ghi nhớ công ơn của con người.

   “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “Uống nước nhớ nguồn” là những truyền thống đạo lí tốt đẹp của người dân Việt Nam cần được giữ gìn và phát huy muôn đời. Muốn làm được điều đó, mỗi người thuộc thế hệ hôm nay cần phải biết luyện tu dưỡng đạo đức, biết sống cho mình và cho người, biết cống hiến và hi sinh vi một ngày mai tươi đẹp hơn.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 1156

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống