Văn mẫu lớp 10 Học kì 1

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây

Đề bài: Dàn ý Phân tích những câu ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa

Dàn ý mẫu

I. Mở bài

– Giới thiệu về đặc trưng thể loại ca dao: Là thể loại trữ tình diễn tả tâm trạng, cảm xúc của con người, gắn với các hình thức sinh hoạt.

– Giới thiệu về chùm ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa: là bộ phận phong phú nhất trong kho tàng ca dao trữ tình Việt Nam. Nó phản ánh những cung bậc khác nhau trong đời sống tình cảm của người Việt xưa với những đặc trưng nghệ thuật đặc thù

I.. Thân bài

1. Ca dao than thân

a. Bài 1: Tiếng hát than thân của người phụ nữ

– Chủ thể trữ tình: Là người phụ nữ, được xác định qua đại từ nhân xưng “em”

⇒ Người phụ nữ tự than cho số phận mình. Cách xưng hô khiêm nhường

– Các hình ảnh được sử dụng trong bài ca dao: tấm lụa dào, chợ:

     + Hình ảnh so sánh, ẩn dụ: “tấm lụa đào”

Nghĩa đen: Tấm lụa đào là một mảnh vải đẹp, mềm mại, có giá trị

Nghĩa bóng: Gợi liên tưởng đến vẻ đẹp của người phụ nữ, mềm mại nuột nà.

⇒ Người phụ nữ tự ý thức được vẻ đẹp của mình

     + Hình ảnh ẩn dụ “chợ”

Nghĩa đen: Chợ là một nơi để trao đổi, giao lưu buôn bán, rất phức tạp

Nghĩa bóng: Chợ là sự hiển hiện của một xã hội phức tạp.

⇒ Người phụ nữ tự than về số phận của mình.

– Từ ngữ:

     + Từ láy “phất phơ”: gợi ra sự bấp bênh, vô định trong cuộc đời người phụ nữ

     + Câu hỏi tu từ: “biết vào tay ai”: Thể hiện những dự cảm đầy lo âu về cuộc đời của người phụ nữ

⇒ Người phụ nữ tự nhận thức về cuộc đời mình, bất lực trước sự xô đẩy, nổi lênh của cuộc đời

→ Ý nghĩa: Qua bài ca dao than thân của người phụ nữ, tác giả dân gian muốn thể hiện sự trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ đồng thời nói nên niềm cảm thông, chia sẻ với số phận bấp bênh của người phụ nữ.

→ Tố cáo xã hội phong kiến chà đạp quyền sống tự do, được làm chủ của người phụ nữ.

b. Bài 2:

– Mô-típ mở đầu “thân em”

⇒ Người phụ nữ tự than cho thân phận mình. “Em” – cách xưng hô khiêm nhường, tế nhị

– Hình ảnh so sánh, ẩn dụ “củ ấu gai”,

     + Nghĩa đen củ ấu gai được miêu tả chân thực: ruột trong trắng, vỏ ngoài đen

     + Nghĩa bóng: Hình ảnh gợi liên tưởng đến người phụ nữ có bề ngoài nhem nhuốc, lam lũ nhưng bên trong thì trong trắng

⇒ Thể hiện tiếng nói tự ý thức tự khẳng định giá trị bề sâu bên trong của người phụ nữ

– 2 câu cuối là lời mời mọc đầy thiết tha, táo bạo

     + Nghĩa đen: Lời mời nếm thử củ âu gai có bề ngoài đen đúa nhưng bên trong ngọt bùi

     + Nghĩa bóng: Thể hiện khát vọng tự do, khát khao yêu đương, giao cảm của người phụ nữ.

→ Ý nghĩa: Ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ, cổ vũ cho khát vọng yêu đương, giao cảm của họ.

→ Lên án, tố cáo thế lực phong kiến chà đạp quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền làm củ của người phụ nữ

2. Ca dao yêu thương tình nghĩa:

a. Bài 3: Tâm trạng của chàng trai trước chuyện tình duyên lỡ làng

– Mô típ mở đầu “trèo lên” phổ biến trong ca dao: Trèo lên cây bưởi hái hoa, trèo lên cây gạo cao cao và trong bài ca dao này là trèo lên cây khế nửa ngày

     + Trèo lên cây khế: Hành động bình thường

     + Trèo lên cây khế nửa ngày: hành động bất bình thường.

⇒ Biến một hành động bình thường trở thành một hành động bất bình thường để diễn tả chính xác trạng thái, tâm trạng của chàng trai chua xót đến ngẩn ngơ.

– Câu hỏi tu từ “Ai làm chua xót lòng này, khế ơi”: Là lời bộc bạch trực tiếp của chàng trai

     + Ai là đại từ phiếm chỉ để chỉ người hoặc một thiết chế phong kiến nào đó như môn đăng hộ đối, sự phân biệt sang hèn,.. đã chia cắt tình duyên của chàng trai.

     + Cách gọi “khế ơi” thân mật, gần gũi như những người bạn tri kỉ

⇒ Thể hiện sự chua xót, đắng cay, ngậm ngùi của chàng trai

– Các cặp hình ảnh đối lập: Sao hôm – sao mai, mặt trăng – mặt trời

⇒ Nói về sự cách trở trong tình yêu của chàng trai và người yêu

⇒ Các sự vật này dù không bao giờ xuất hiện cùng lúc nhưng chúng luôn đi liền với nhau, không bao giờ cách xa nhau. Khẳng định tình cảm của chàng trai với người mình yêu dù có trắc trở, bị cấm đoán, nhưng hai trái tim luôn hướng về nhau, cùng chung một nhịp đập như những quy luật của vũ trụ kia.

⇒ Chàng trai mượn quy luật vũ trụ để khẳng định tấm lòng chung thủy, tình yêu bền chặt, khát vọng hạnh phúc chân chính của mình.

– Lời giãi bày trực tiếp của chàng trai: “Mình ơi! Có nhớ ta chăng/Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời”

     + Mô típ câu hỏi quen thuộc thường gặp trong ca dao: Mình ơi, mình về, mình đi

     + Cách xưng hô “ta – mình”: gần gũi, ngọt ngào, thân thương.

     + Hình ảnh ẩn dụ so sánh “sao Vượt chờ trăng”: thể hiện tấm lòng thủy chung, son sắt không bao giờ thay đổi của chàng trai.

→ Bài ca dao đã thể hiện sự đồng cảm với những tâm sự của chàng trai trong câu chuyện tình duyên lỡ dở

→ Trân trọng, ngợi những phẩm chất tốt đẹp của chàng trai thôn quê: Thủy chung, sâu sắc

→ Phê phán những thế lực, những rào cản phong kiến chia cắt chuyện tình duyên, ngăn cản tình yêu đôi lứa.

b. Bài 4: Nỗi niềm thương nhớ người yêu của người phụ nữ.

   • 10 câu thơ đầu: Những cung bậc cảm xúc thể hiện gián tiếp

– Phép điệp cấu trúc các câu nghi vấn: khăn thương nhớ ai, đèn thương nhớ ai, mắt thương nhớ ai

– Nhấn mạnh, tô đậm nỗi nhớ thương của nhân vật trữ tình. Sự lặp lại cấu trúc cho thấy điệp khúc nỗi nhớ triền miên không dứt. Đó là lời bộc bạch cũng là lời tự vấn của cô gái.

– Hình tượng “khăn”

     + Khăn vốn là vật gắn bó mật thiết với người con gái, khăn được sử dụng làm kỉ vật đính ước.

     + Là hình ảnh ẩn dụ để chỉ nhân vật trữ tình và nỗi nhớ thương của nhân vật.

     + Các cặp động từ, tính từ đối lập: rơi – vắt, lên – xuống miêu tả trạng thái của chiếc khăn, qua đó hé lộ tâm trạng ngổn ngang, rối bời, lúng túng của nhân vật trữ tình vì thương nhớ.

     + Hành động “chùi nước mắt” cho thấy sự đau khổ của cô gái.

⇒ Mượn hình ảnh nhân hóa, ẩn dụ ‘chiếc khăn”, tác giả dân gian đã diễn tả nỗi nhớ ngổn ngang, thẫn thờ của cô gái vì thương nhớ. Trong nỗi nhớ ấy còn có sự sầu muộn, bất an đến rơi lệ.

– Hình tượng “đèn”, “mắt”

     + “Đèn” là hình ảnh ẩn dụ nhân hóa. Hình ảnh “đèn không tắt” gợi liên tưởng đến thời gian đêm khuya, tĩnh lặng và dài vô tận.

⇒ Gợi hình ảnh cô gái trằn trọc thâu đêm với nỗi nhớ dài đằng đẵng

     + “Mắt” là hình ảnh hoán dụ. Hình ảnh “mắt ngủ không yên” khắc họa hình ảnh con người thao thức trong đêm.

⇒ Gợi nỗi ưu tư nặng trĩu, thao thức, lo lắng bất an của người phụ nữ.

→ Tiểu kết: 10 câu thơ đầu bằng việc phối hợp các biện pháp ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, điệp cấu trúc, sử dụng câu hỏi tu từ đã diễn tả sâu sắc những cung bậc nỗi nhớ trong tình yêu của cô gái. Thương nhớ là trạng thái vô hình nhưng được diễn tả bằng những hình ảnh hữu hình, cụ thể.

   • 2 câu thơ sau: Những cung bậc cảm xúc thể hiện trực tiếp

– Phép điệp liên hoàn: Đêm qua em những lo phiền…lo vì một nỗi…

⇒ Nhấn mạnh tâm trạng chủ đạo của cô gái: lo lắng, phiền muộn

– Đại từ nhân xưng “em” cho thấy nhân vật trữ tình trực tiếp xuất hiện bày tỏ nỗi lo lắng, sầu muộn về tình yêu

– “Không yên một bề” thể hiện nỗi bất an, thổn thức trong lòng cô gái.

– Dấu chấm lửng ở cuối bài ca dao tạo nên một kết thúc mở, đem lại sức gợi to lớn cho cả bài.

→ Tiểu kết: 2 câu sau, bằng việc sử dụng phép điệp, đại từ nhân xưng “em”, dấu câu đã thể hiện trực tiếp niềm lo lắng, trăn trở của cô gái về số phận và hạnh phúc của mình.

→ Ý nghĩa của bài ca dao: Qua nỗi nhớ thương, niềm lo âu trăn trở của nhân vật trữ tình, bài ca dao đã ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người con gái Việt Nam thủy chung, sâu sắc. Đồng thời lên án lễ giáo phong kiến xưa không đem lại hạnh phúc cho người con gái, bởi quan niệm: cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, môn đăng hộ đối…Bài ca dao là tiếng hát đầy thương yêu của một tâm hồn khát khao thương yêu.

c. Bài 5: Tình yêu tha thiết, mãnh liệt của người con gái với người yêu

– Hình ảnh “sông”: Không gian cách trở ngăn cách tình yêu đôi lứa

– Mong ước của cô gái: “sông rộng một gang”: Cách nói cường điệu, phóng đại đầy lí thú

⇒ Đây là ước muốn có phần phi lí nhưng nó lại trở nên có lí trong tình yêu

⇒ Ước muốn táo bạo, thể hiện tình cảm mãnh liệt, trong sáng của cô gái.

– “Cầu dải yếm” là một hình tượng đặc sắc và cũng là mô-típ quen thuộc trong ca dao

     + Cầu là không gian trữ tình, nơi gặp gỡ hẹn hò của biết bao đôi lứa ở làng quê Việt Nam. Hình ảnh cây cầu đi vào ca dao thường mang tính ước lệ “cành hồng, ngọn mồng tơi,..” và trong bài ca dao này là yếm đào.

     + Chiếc cầu này là do chính người con gái bắc cho người mình yêu.

⇒ Thể hiện sự chủ động, táo bạo, mãnh liệt nhưng cũng rất đáng yêu, vượt qua mọi ràng buộc, rào cản của lễ giáo phong kiến.

– Chiếc cầu làm bằng dải yếm: vật mềm mại, gắn liền với thân thể người phụ nữ, là biểu tượng của nữ giới.

⇒ Thể hiện sự ý nhị, đang yêu, duyên dáng.

→ Bài ca dao thể hiện sự cổ vũ, đồng tình với những khát khao tình yêu tha thiết, mãnh liệt của người phụ nữ.

→ Ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của người con gái Việt, mãnh liệt những không mất đi sự tinh tế, ý nhị.

d. Bài 6: Tình nghĩa vợ chồng thủy chung, gắn bó

– Hai câu đầu:

     + Muối, gừng vốn là những gia vị quen thuộc của bữa ăn, cũng là vị thuốc của người lao động nghèo. Hình ảnh gợi sự liên tưởng đến những khó khăn, chuân chuyên của cuộc đời

     + Từ ngữ chỉ thời gian: 3 năm 9 tháng. Đây là khoảng thời gian ước lệ chỉ khoảng thời gian dài .

     + Những từ ngữ chỉ hiện tại “muối đang còn mặn”, “gừng hãy còn cay” khẳng định những phẩm chất không thay đổi đổi.

⇒ Ý nghĩa biểu hiện: Hai câu đầu, bằng việc mượn quy luật của tự nhiên, tác giả dân gian đã:

     + Khẳng định tình yêu thủy chung, bền chặt, gắn bó không bao giờ thay đổi của vợ chồng.

     + Ca ngợi tình nghĩa vợ chồng, đồng cam cộng khổ vượt qua mọi khó khăn, gian nan của cuộc đời.

– Hai câu sau:

     + Đại từ xưng hô “đôi ta”: Chỉ đôi lứa yêu nhau hoặc cặp vợ chồng gắn bó

     + Thành ngữ “nghĩa nặng tình dày”: Khẳng định tình nghĩa sâu nặng, gắn bó của vợ chồng, cùng nhau trải qua những cay đắng của cuộc đời.

     + Hình ảnh hoán dụ: con số “Ba vạn sáu nghìn ngày” tức 100 năm – một đời người: Con số đó đã khẳng định, nếu như vợ chồng có phải xa cách nhau thì đó cũng là lúc đã đi đến tận cùng của cuộc đời. Tức là không gì có thể chia rẽ được vợ chồng cho đến khi chết.

⇒ Ý nghĩa thể hiện: Hai câu thơ đã trực tiếp bày tỏ tình nghĩa vợ chồng bền chặt, khăng khít không bao giờ chia lìa thông qua cách xưng hô, cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh hoán dụ.

I.I. Kết bài

– Khái quát đặc điểm chung của ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa

     + Ca dao than thân thường là lời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến khóc thương cho thân phận bị phụ thuộc, bị ép duyên, lấy phải chồng không ra gì, bị phụ bạc…Họ là nạn nhân của chế độ phong kiến

     + Ca dao yêu thương tình nghĩa thường đề cập đến tình cảm, phẩm chất của người lao động. Đó là tình yêu nam nữ, tình vợ chồng, tình yêu quê hương, đất nước.

– Thể hiện thái độ của bản thân: Thêm hiểu về con người Việt Nam xưa, yêu và trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc qua các bài ca dao ấy.

Đề bài: Phân tích những câu ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa

Bài văn mẫu

     Ca dao là thể loại văn học dân gian diễn tả chi tiết đầy đủ nhất đời sống tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta. Ca dao đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống, nhưng nổi bật hơn cả là ca dao than thân yêu thương tình nghĩa. Đó là những câu hát thể hiện đời sống tình cảm, tiếng hát cất lên từ cuộc đời còn nhiều đắng cay, khổ cực,…

     Trước hết, hai bài ca dao đầu tiên viết về chủ đề than thân. Cả hai bài đều mở đầu bằng motip thân em một motip quen thuộc, thường xuất hiện trong ca dao: Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai và Thân em như củ ấu gai/ Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen/ Ai ơi nếm thử mà xem/ Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi. Đây là tiếng than thân của những người phụ nữ, cho thấy số phận chịu nhiều bất hạnh, bất công. Câu thơ mang đến cảm xúc ngậm ngùi, thương cảm cho số phận bất hạnh của những người con gái. Cùng là tiếng than nhưng ở mỗi bài thơ có những nét riêng, không hòa lẫn. Bài thơ thứ nhất, người con gái tự ví mình với tấm lụa đào – miếng vải cao quý, hiếm và rất đẹp. Cô gái ý thức sâu sắc về vẻ đẹp, giá trị của bản thân. Ấy thế nhưng số phận của cô lại hết sức lênh đênh, bị phụ thuộc phất phơ giữa chợ – thân phận lệ thuộc, bị động, không được tự quyết định cuộc đời mình. Ở bài ca dao thứ hai, câu thơ thứ nhất dường như khiến người đọc chưa thể định hướng gì về vẻ đẹp hay phẩm chất của đối tượng. Câu thơ nói lên đặc điểm của củ ấu gai: bên ngoài xấu xí nhưng bên trong trắng trong, đẹp đẽ, đó cũng chính là vẻ đẹp phẩm chất của người con gái. Dù hình thức bên ngoài không hấp dẫn nhưng sức hấp dẫn nằm ở bên trong, ẩn sâu. Để tìm được vẻ đẹp ấy cần có con mắt tinh tế, tấm lòng thấu hiểu. Câu thơ cuối như một lời mời gọi, lời nói tha thiết, thể hiện mong mỏi của cô gái: Ai ơi, nếm thử mà xem/ Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi. Đằng sau lời đề nghị còn ẩn chứa cả một bi kịch: chính vì vẻ đẹp khuất lấp nên giá trị thực không có nhiều người nhận ra, trở thành vô giá trị trong mắt người khác. Qua đó tác giả dân gian đã khắc họa nỗi đau của người phụ nữ: xã hội không cho người phụ nữ thể hiện giá trị thực của mình. Từ bi kịch của hai cô gái trong bài ca dao, họ đã cất lên tiếng nói tố cáo xã hội: không cho họ quyết định cuộc đời, không cho họ thể hiện giá trị của mình, xã hội đã kiềm tỏa, khống chế người phụ nữ khiến họ không được hưởng hạnh phúc. Đồng thời còn cất lên lời ca ngợi và thể hiện thái độ trân trọng với vẻ đẹp của người phụ nữ.

     Những bài ca dao còn lại thuộc chùm ca dao yêu thương tình nghĩa. Nhưng mỗi bài ca dao lại có cách thể hiện rất riêng, rất đặc sắc, biểu hiện những cung bậc tình cảm khác nhau của nhân vật trữ tình. Bài ca dao thứ ba thể hiện tình nghĩa bền vững sắt son dù duyên kiếp không thành. Bài ca dao cũng bắt đầu bằng một motip quen thuộc Trèo lên đây là motip dùng để diễn tả những hành động trái với tự nhiên. Ở đây để diễn tả những cảm xúc xáo trộn, bất an trong tâm hồn của các chàng trai khi lỡ duyên, thất tình. Bài thơ sử dụng hàng loạt câu hỏi tu từ kết hợp với đại từ phiếm chỉ ai, đã xoáy sâu tố cáo các thế lực, đối tượng gây nên nỗi đau khổ của chàng trai, cũng tức là gây nên sự chia cắt tình yêu của đôi lứa, và đó không gì khác chính là những hủ tục, bất công, ngang trái của xã hội phong kiến. Hình ảnh ẩn dụ: mặt trăng – mặt trời ; sao hôm – sao mai, nhưng một lời khẳng định, nhấn mạnh dù chúng ta không thể nào trùng phùng, không thể đến được với nhau như mặt trăng và mặt trời, như sao hôm và sao mai thế nhưng chúng ta vẫn tương xứng trong vẻ đẹp vĩnh hằng. Và câu thơ cuối, nhân vật trữ tình đã khẳng định lòng thủy chung son sắt của mình: Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời. Bài thơ là lời khẳng định tình cảm thủy chung, son sắt, gắn bó đồng thời lên án, tố cáo những hủ tục đã chia rẽ tình yêu đôi lứa.

     Bài ca dao thứ tư lại diễn tả một cung bậc cảm xúc khác nữa của tình yêu chính là nỗi nhớ. Bài có cấu trúc khác so với những bài thơ trên, đó là sự kết hợp giữa thể vãn bốn và thể lục bát, giúp thể hiện rõ hơn tư tưởng, cảm xúc, tình cảm của nhân vật. Tác giả đã kết hợp linh hoạt các biện pháp nghệ thuật: nhân hóa, hoán dụ, câu hỏi tu từ và các biểu tượng khăn đèn, mắt cho thấy nỗi nhờ thường trực, da diết khắc khoải của cô gái với người mình yêu thương. Nỗi nhớ của nhân vật trữ tình được thể hiện kín đáo qua các vật dụng quen thuộc: khăn, đèn nhưng trạng thái của sự vật không tĩnh tại mà liên tục biến đổi: rơi xuống, vắt lên, chùi nước mắt,… cho thấy nỗi nhớ bồn chồn, khắc khoải của những kẻ đang yêu. Nỗi nhớ mong ấy còn được biểu hiện qua hàng loạt các câu hỏi: Đèn thương nhớ ai; Mắt thương nhớ ai. Dường như nỗi nhớ lúc này đã không thể kìm nén mà bật thành tiếng lòng thổn thức, khắc khoải nhớ thương: đèn không tắt vì nhớ thương, mắt ngủ không yên vì đèn, khăn cũng đang thao thức, đây chính là hình ảnh, biểu hiện cụ thể nhất của tình yêu đôi lứa. Hai câu thơ kết là những âu lo, dự cảm của cô gái: Đêm qua em những lo phiền/ Lo vì một nỗi không yên một bề. Cô lo lắng, bất an, dự cảm về những bất trắc vì người con gái không được tự quyết định tương lai, hạnh phúc của mình. Những vẫn thơ đã chứng tỏ tình yêu chân thành, tha thiết, khắc khoải của cô gái với người mình yêu.

     Bài ca dao thứ năm thể hiện những mong muốn mãnh liệt trong tình yêu: “Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”. Câu thơ sử dụng hình ảnh biểu tượng quen thuộc: dòng sông – cây cầu. Dòng sông biểu tượng cho sự cách trở. Cây cầu là biểu tượng cho sự vượt lên cách trở để đến được với nhau trong tình yêu. Điều ước của cô gái thật chân thực mà vô cùng đáng yêu: Sông rộng một gang, dòng sông chỉ xuất hiện trong tưởng tượng, trong mong ước của cô gái. Ước muốn rằng khoảng cách của hai ta, những cách trở của đôi mình được rút ngắn một cách tối đa. Cầu dải yếm – để tương xứng với dòng sông rộng một gang. Cây cầu này là biểu tượng vượt lên những cách trở. Đây cũng là sản phẩm của trí tưởng tượng của cô gái. Nói lên ước muốn của cô gái – muốn rút ngắn khoảng cách: khoảng cách về mặt địa lí, khoảng cách của trái tim, vượt qua những ngáng trở để đón nhận tình yêu.

     Bài ca dao cuối cùng không thể hiện những cảm xúc mãnh liệt, nỗi nhớ nhung trong tình yêu nữa mà thể hiện tình nghĩa gắn bó thủy chung của vợ chồng. Câu thơ sử dụng hình ảnh biểu tượng quen thuộc: muối – gừng, để nói về nghĩa tình sâu nặng, bền chặt, sự thủy chung, gắn bó của vợ chồng. Ngoài ra tác giả còn sử dụng biện pháp lặp cấu trúc: Muối ba năm muối đang còn mặn, gừng chín tháng gừng hãy còn cay, cho thấy sự bền chặt của nghĩa tình vợ chồng. Bài ca dao là lời khẳng định, ngợi ca nghĩa tình vợ chồng gắn bó thủy chung, sâu nặng.

     Các bài ca dao sử dụng các motip quen thuộc: thân em, trèo lên, ước gì kết hợp linh hoạt các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, hoán dụ,… giúp diễn tả tâm tư, tình cảm của nhân vật trữ tình. Ngôn ngữ chọn lọc, giàu giá trị biểu cảm. Hình ảnh giàu giá trị biểu tượng. Nhịp thơ chủ yếu là 2/2/2 êm ái, dịu dàng diễn tả được đa dạng các cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật.

     Những bài ca dao trên đã bộc lộ một cách chân tình và sâu sắc nỗi niềm chua xót, đắng cay trong cuộc sống và tình yêu; tình cảm yêu thương, chung thủy của người bình dân trong xã hội cũ. Qua đó giúp người đọc biết thấu hiểu và cảm thông hơn với những đau khổ mà người lao động bình dân trong xã hội xưa phải gánh chịu, đặc biệt là người phụ nữ và hơn nữa biết trân trọng những vẻ đẹp tâm hồn của họ.

Đề bài: Phân tích những câu ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa

Bài văn mẫu

   Trong kho tàng ca dao truyền thống của ta, bộ phận nói về chủ đề than thân của người phụ nữ chiếm một tỉ lệ rất lớn và trong đó, đáng chú ý nhất là loại bài ngắn (hai câu lục bát hoặc bốn câu). Đó là một trong những mảng ca dao hay nhất, giàu ý nghĩa xã hội và cũng giàu chất ca dao nhất. Chúng thường được mớ đầu bằng những mô típ truyền thống quen thuộc: “Em như…” hoặc “Thân em…”. Đọc qua hoặc nghe qua thì thấy chúng có dáng dấp bề ngoài hao hao giống nhau, nhưng đi sâu vào từng bài cụ thể thì sẽ thấy mỗi câu, mỗi bài đều có những nét riêng không lặp lại về nội dung cũng như về nghệ thuật:

    “Thân em như tấm lụa đào

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”

   Đây là niềm băn khoăn của cô con gái mới lớn, bước vào tuổi lấy chồng. Hình ảnh tấm lụa đào lộng lẫy tượng trưng cho nhan sắc và tuổi xuân phơi phới của người con gái đến tuổi dậy thì, chứng tỏ người con gái ý thức được rất rõ giá trị của mình. Nhưng đây không phải là tấm lụa đào cất trong rương, vắt trong nhà mà đem bán giữa chợ: phất phơ giữa chợ. Cô gái thấy mình đến tuổi gả bán. Trong điều kiện chưa có hôn nhân tự do, mà do mai mối đưa đường, người con gái cảm thấy như là đang ở giữa chợ. “Biết vào tay ai” là một băn khoăn, không phải sợ ế, sợ rẻ, mà chỉ sợ người chủ tương lai của đời mình sẽ thế nào. Đó cũng là câu hỏi của mọi cô gái đến tuổi lấy chồng, một băn khoăn rất thật, rất người.

    “Thân em như củ ấu gai

    Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen

    Không tin bóc vỏ mà xem

    Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi”.

   Người con gái trong bài này lại có tâm trạng lo lắng khác. Cô tự biết phẩm chất của mình thơm thảo, ngọt ngào, nhưng hình như cô có bề ngoài không lấy làm hấp dẫn cho lắm, cô phải tự giới thiệu, chào mời và hứa hẹn về phẩm chất của mình.

    “Trèo lên cây khế nửa ngày

    Ai làm chua xót lòng này khế ơi!

    Mặt trăng sánh với mặt trời,

    Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng

    Mình ơi có nhớ ta chăng?

    Ta như sao vượt chờ trăng giữa trời”.

   Người con gái trong bài này đã có người yêu, hai người đã khá tương xứng, đẹp đôi như mặt trăng sánh với mặt trời, sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng. Nhưng anh chàng hình như có gì trục trặc, giống như thay lòng đổi dạ. Nhưng người con gái thì kiên định chờ đợi một lòng.

   Ca dao than thân, tình nghĩa là bách khoa thư về hàng nghìn, hàng vạn tâm trạng, số phận con người. Bài Khăn thương nhớ ai nói nỗi lòng tương tư nhớ thương bạn tình qua hình ảnh chiếc khăn, ngọn đèn, con mắt đã làm xúc động bao người. Hoài Thanh có lần nói, nếu chì hai câu sau: Mắt thương nhớ ai mà mắt không yên thì ta đã thấy hay rồi, nhưng là loại hay có thể hiểu được. Còn như hai câu đầu thì hay đẽn mức cơ hồ không hiểu được, không rõ hẳn là nói gì mà vẫn thấy hay. Tôi xem là một trong những câu ca dao hay nhất Việt Nam. Ca dao tương tư rất nhiều và cũng rất đa dạng. Chữ thương, chữ nhớ nói đi nói lại mãi vẫn cứ là mới và không lặp lại. Đây là bài ca dao rất độc đáo, nội dung và nghệ thuật của nó không trùng với bất kì bài ca dao nào khác. Ở đây hai từ thương, nhớ được dùng liền nhau, gắn với từ ai tạo thành một cụm từ điệp và điệp đến năm lần mà mỗi lần nghe đều thấy hay, không biết chán. Bởi vì cụm từ “thương nhớ ai” được gắn với một chủ thể riêng. Các chủ thể Khăn, đèn, mắt tuy khác nhau ahưng đều là một, cáu hỏi thay đổi nhưng câu trả lời thì vẫn giữ nguyên. Khi người ta yêu, mọi vật xung quanh như đều cùng yêu thương và thổn thức cả. Cái hay của bài này là ở đó. Thương, nhớ đều có nghĩa là yêu, nhưng nhớ là yêu mà xa cách, mà xa cách thì lo lắng không yên là rất dễ hiểu: Đêm qua em những lo phiền, Lo vì một nỗi chưa yên mọi bề.

    “Ước gì sông rộng một gang

    Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”.

   Sinh ra trong một nước có nhiều sông ngòi, kênh rạch, hoàn cảnh tự nhiên cũng tác động đến tư duy con người. Nhưng cái ước vọng sông rộng một gang tay thì thật là chưa đâu có. Bởi độ rộng con sông phải tương xứng với vật liệu xây đắp cái cầu là cái dải yếm. Trong ca dao đã có cầu tre, cầu ván, cầu xây, có cầu cành hồng, cầu mồng tơi, cầu sợi chỉ… nhưng độc đáo nhất bài này là cầu dải yếm. Khi thiết kế ra chiếc cầu dải yếm, cô gái kiến trúc sư Việt Nam hẳn đang độ tuổi mười tám, đòi mươi, tình yêu vừa chớm, sức tưởng tượng dồi dào. Chiếc cầu này chỉ tồn tại trong tưởng tượng, trong ước vọng thầm kín giữa chàng và em, chỉ bắc riêng cho chàng sang chứ không cho mọi người, không phải là cầu công cộng. Đó là chiếc cầu tình yêu. Tình yêu luôn luôn đầy sáng kiến và sáng tạo, nó đẻ ra cái cầu kì diệu.

    “Muối ba năm muối vẫn còn mặn

    Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

    Đôi ta nghĩa nặng tình dày

    Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu nghìn ngày mới xa”.

   Trong ca dao Việt Nam thường nói tới gừng cay, muối mặn khi nói về tình nghĩa. Muối không chỉ là khoáng chất thiết yếu của sự sống mà còn là thứ gia vị quý giá của thức ăn, có muối mới được đậm đà. Muối biểu tượng cho sự mặn mà, tình nghĩa. Người Nga đón khách quý thì đem bánh mì và muối ra mời khách nêm, coi như người trong một nhà. Gừng là biểu tượng của mọi sự cay đắng của cuộc đời. Gừng cay muối mặn tượng trưng cho cuộc đời cay đắng, ngọt bùi có nhau. Hai câu đầu bài ca dao nêu ra hai câu khởi hứng, vừa ẩn dụ, khẳng định vị mặn và vị cay vẫn có sức bền những ba năm, chín tháng. Cũng ví như “Đôi ta nghĩa nặng tình dày, Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu nghìn ngày mới xa”. Ba vạn sáu nghìn ngày tức là trăm năm, cũng tức là suốt đời, “bách niên giai lão”. Nói ba vạn sáu nghìn ngày không đơn giản chỉ vì cho hiệp vần, mà còn có ý nói tình đôi ta không phải tính năm, mà tính từng ngày, chúng ta yêu nhau từng ngày, có tính từng ngày thì mới ro được tình của ta. Nói mới xa mà thực là không xa hay nói cách khác chỉ đến chết mới cách xa.

   Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa của Việt Nam thật phong phú, đa dạng. Chỉ tìm hiểu sơ sơ có sáu bài mà ta đã thấy biết bao tâm trạng của con người, biết bao khát vọng, lí tưởng, còn thấy được cái đẹp của biết bao hình ảnh, từ ngữ tài tình mà người bình dân đã sáng tạo ra. Đó là mảng ca dao chẳng những nuôi dưỡng cho ta những tình cảm đẹp đẽ, sâu sắc, đậm đà tính chất dân tộc, mà còn là cả một kho tàng nghệ thuật ngôn từ độc đáo đến bất ngờ, đủ cho ta yêu mến, khâm phục, kích thích ta sáng tạo.

Đề bài: Dàn ý Phân tích câu ca dao

    “Thân em như tấm lụa đào

    phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Dàn ý mẫu

I. Mở bài

– Giới thiệu khái quát đặc trưng ca dao than thân: Là những tiếng ca nỉ non được cất lên từ những mảnh đời nhỏ bé, bất hạnh, tội nghiệp như người phụ nữ, người nông dân. Họ hát vừa để than thân vừa thể hiện tinh thần phản kháng chế độ phong kiến, vừa thể hiện khát vọng tự do, giải phóng thân phận.

– Giới thiệu bài ca dao: Đây là bài ca dao tiêu biểu trong chùm ca dao than thân nói về số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ.

I.. Thân bài

1. Mô típ “thân em”.

– Là mô típ quen thuộc được sử dụng để nói về tiếng khóc than của người phụ nữ không được làm chủ số phận của cuộc đời mình

– “Thân em” thường được so sánh với hai đối tượng:

     + Những vật nhỏ nhoi, tầm thường không đáng được quan tâm: Thân em như giếng giữa đàng, thân em như quả cau khô, thân em như trái bần trôi,…

     + Những thứ tốt đẹp nhưng không được coi trọng: Thân em như tấm lụa đào, thân em như cánh hoa hồng, thân em như đóa hoa rơi,…

→ Cách so sánh gợi lên thân phận nhỏ bé, bất hạnh của người phụ nữ.

→ Hai tiếng “thân em” thốt lên gợi cảm giác mềm mỏng, yếu đuối, rụt rè, khiêm nhường. Người phụ nữ tự than cho số phận mình

2. Người phụ nữ tự ý thức về vẻ đẹp của mình

– Hình ảnh so sánh “tấm lụa đào”

     + Nghĩa đen: Tấm lụa đào là một mảnh vải đẹp, mềm mại, có giá trị. Tấm lụa đào là món đồ trang sức trang trí cho con người hoặc đồ vật.

     + Nghĩa bóng: Tấm lụa đào gợi liên tưởng đến vẻ đẹp của người phụ nữ, mềm mại nuột nà. Trong cuộc sống, người phụ nữ cũng âm thầm, lặng lẽ chịu đựng nhiều bất công.

→ Đây là hình ảnh so sánh rất đẹp, rất thanh cao.

– So sánh với bài thơ “Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương” để thấy sự đồng cảm của đời sau “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”

→ Người phụ nữ tự ý thức được vẻ đẹp hình thức và nội tâm của mình

3. Người phụ nữ tự ý thức về thân phận của mình

– Từ láy “phất phơ”:

     + Miêu tả trạng thái của tấm lụa đào khi đứng trong gió

     + Nói đến sự vô định, nổi trôi, không tự làm chủ được số phận của người phụ nữ.

– Hình ảnh “chợ”

     + Nơi để trao đổi, giao lưu buôn bán, rất phức tạp.

     + Sự hiện diện của một xã hội phức tạp với đủ các loại người.

– Câu hỏi tu từ “biết vào tay ai”: Thể hiện sự chua xót, bất lực, vô vọng của người phụ nữ trước số phận.

→ Người phụ nữ nhỏ bé, bất hạnh không được làm chủ cuốc đời mình, ngay cả giá trị, phẩm hạnh cũng phụ thuộc vào người khác.

4. Nghệ thuật thể hiện

– Sử dụng các hình ảnh so sánh, ẩn dụ gợi liên tưởng độc đáo.

– Sử dụng các từ láy, câu hỏi tu từ

– Giọng điệu xót thương, ngợi ca.

5. Ý nghĩa của bài ca dao

– Thể hiện sự trân trọng vẻ đẹp của người phụ nữ

– Nói nên niềm cảm thông, chia sẻ với số phận bấp bênh của người phụ nữ.

– Tố cáo xã hội phong kiến tàn bạo chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc của người phụ nữ

I.I. Kết bài

– Khái quát lại nội dung và nghệ thuật của bài ca dao

– Mở rộng: Thân phận của người phụ nữ trở thành mạch nguồn xuyên suốt dòng chảy văn học. Đến văn học trung đại, các tác giả vẫn quan tâm đến thân phận của người phụ nữ như “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều của Nguyễn Du,…

Đề bài: Phân tích câu ca dao:

    “Thân em như tấm lụa đào

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Bài văn mẫu

     Ca dao dân ca là tấm gương phản ánh đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân lao động. Ca dao đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, một trong những khía cạnh đó chính là lời than thân ai oán, xót xa của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Một trong những bài ca dao tiêu biểu thể hiện lời than thân ấy chính là bài:

    Thân em như tấm lụa đào

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

     Cuộc đời của người phụ nữ xưa phải chịu vô vàn tủi cực, đắng cay bất hạnh, nó đã được phản ánh trong rất nhiều bài ca dao khác nhau như:

    Chàng ơi phụ thiếp làm chi

    Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng

     Hay:

    Thân em như lá đài bi,

    Ngày thì dãi nắng, đêm thì dầm sương

    Ngày ngày hai bữa cơm đèn

    Lấy gì mà phấn răng đen hỡi chàng.

     Bài ca dao cũng nói về thân phận, số phận bất hạnh của người phụ nữ, song ở bài ca dao này vẫn có những điểm riêng biệt. Đây là một trong số ít bài ca dao mà người phụ nữ ý thức sâu sắc về vẻ đẹp của bản thân: “Tấm lụa đào”. Tấm lụa mang vẻ đẹp mềm mại, óng ả, nổi bật về màu sắc. Không chỉ vậy tấm lụa đào còn tượng trưng cho tuổi trẻ, tuổi thanh xuân đẹp đẽ, giàu sức sống, đây là giai đoạn đẹp nhất với mỗi người con gái. Và nhân vật trữ tình – người con gái cũng ý thức rất rõ về vẻ đẹp của bản thân.

     Nếu trong câu thơ thứ nhất lời thơ vui vẻ, khẳng định bản thân bao nhiêu thì câu thơ thứ hai lại ngậm ngùi, chua xót bấy nhiêu: “Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. “Tấm lụa đào” vừa đẹp về hình thức, vừa giàu giá trị nhưng lại “phất phơ giữa chợ” – nơi kẻ qua người lại buôn bán trao đổi hàng hóa, vật dụng. Ở nơi đó mọi vật đều có thể mua bán bằng tiền. Bởi vậy “tấm lụa đạo” đã trở thành một món hàng hóa, có thể mua bán và trở thành vật sở hữu của bất cứ đối tượng nào. Tấm lụa không được lựa chọn, không được tự quyết định số phận của mình. Hình ảnh ẩn dụ kết hợp với câu hỏi tu từ “biết vào tay ai” chứa đựng biết bao lo lắng về thân phận phụ thuộc, mong manh của người phụ nữ xưa. Đó cũng là lời than, ai oán của biết bao người phụ nữ:

    Thân em như giếng giữa đàng

    Người thanh rửa mặt, người phàm rửa chân.

     Nghệ thuật của bài cũng là một nét đặc sắc không thể không kể đến. Trước hết sử dụng motip quen thuộc “thân em”. Motip này thường kết hợp với các sự vật, hiện tượng giản dị, gần gũi với con người: “tấm lụa” “miếng cau” “hạt mưa sa” “củ ấu gai”,… kết hợp với biện pháp so sánh, cho thấy rõ nét vẻ đẹp, cũng như số phận bất hạnh của người phụ nữ. Ngôn ngữ bài ca dao có sự chọn lọc kĩ lưỡng, giàu giá trị biểu cảm nhưng lại vô cùng giản dị, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Bài ca dao ngắn, chỉ có hai câu, sử dụng thể thơ lục bát với nhịp chẵn 2/2/2 dịu dàng, êm ái với cách gieo vần chân đã diễn tả một cách chính xác tâm trạng của nhân vật trữ tình. Tất cả những yếu tố nghệ thuật đó, kết hợp hài hòa với nhau tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

     Bằng thứ ngôn ngữ giản dị, giàu giá trị biểu cảm bài ca dao đã cho thấy vẻ đẹp và thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Họ mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp nhưng lại chịu nhiều bất công, không được quyền quyết định cuộc đời, lựa chọn hạnh phúc cho bản thân. Bài ca dao giúp ta thấu hiểu sâu sắc hơn nỗi khổ của cuộc đời người phụ nữ xưa, và trân trọng cuộc sống bình đẳng hiện nay.

Đề bài: Phân tích bài ca dao:

    “Trèo lên cây khế nửa ngày

    Ai làm chua xót lòng này khế ơi!

    Mặt trăng sánh với mặt trời,

    Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng

    Mình ơi có nhớ ta chăng?

    Ta như sao vượt chờ trăng giữa trời”.

Bài văn mẫu

   Bài ca thể hiện chân thực và cảm động một tâm trạng phổ biến trong tình yêu của người bình dân xưa: chua xót, tủi buồn cho tình duyên trắc trở; đồng thời bài ca cũng man mác một giọng điệu than thở, tủi hờn cho thân phận

    Trèo lên cây khế nửa ngày,

    Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!

    Mặt trăng sánh với mặt trời.

    Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.

    Mình đi có nhớ ta chăng?

    Ta như sao vượt chờ Trăng giữa trời.

   Bài ca là lời của chàng trai đang yêu. Bài ca theo thể hứng, câu đầu chỉ có tác dụng đưa đẩy bắt vần: Trèo lên cây khế nửa ngày. Có nhiều câu ca dao giống như thế.Trèo lên cây bưởi hái hoa,Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.Trèo lên cây bưởi hái hoa,Người ta hái hết đôi ta bẻ cành.Trèo lên cây gạo cao cao,Bước xuống vườn đào hái nụ tầm xuân. Trèo lên cây khế là bình thường, nhưng ở trên cây khế đến “nửa ngày” thì thật là vô lí. Nhưng chính cái vô lí ấy mới diễn đạt đúng trạng thái tâm hồn của chàng trai: chua xót đến ngơ ngẩn. “Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!”, câu đầu đã mở lối cho lời tâm sự bật ra ở câu thứ hai. Nỗi chua xót trong lòng chàng trai vì “ai” đó, chỉ biết ngỏ cùng cây khế. Vì đâu mà chua xót? Những câu hát còn lại cho ta hiểu được chàng trai chua xót vi sự cách trở trong tình yêu của anh với một người con gái. Trong bài ca có những cặp hình ảnh “mặt trăng” và “mặt trời”; “sao Hôm” và “sao Mai”, “sao Vượt” và “trăng”. Đó đều là những ẩn dụ lấy từ thiên nhiên để chỉ sự cách trở của đôi lứa, của “ta” và “mình”. Cũng như ngày với đêm, “mặt trời” có bao giờ gặp được “mặt trăng”, còn “sao Hôm” thì mãi xa cách “sao Mai”. Sao vượt và “tràng” đều là hình ảnh của bầu trời đêm nhưng cũng chẳng bao giờ gặp nhau được: sao Vượt lên đến đỉnh bầu trời thì trăng mới bắt đầu mọc. Càng xa cách lại càng nhớ thương vời vợi, nỗi thương nhớ của chàng trai bật ra thành câu hỏi da diết: “Mình ơi! Có nhớ ta chăng?”. Những câu hỏi như thế xuất hiện khá nhiều trong ca dao tình yêu:

    Mình về, có nhớ ta chăng,

    Ta về, ta nhớ hàm răng mình cười.

   Cách xưng hô “ta” và “mình” thật gần gũi và nồng nàn yêu thương. Yêu nhau là thế, mà tại sao phải cách trở để lòng người yêu nhau phải “chua xót”: “Ai làm chua xót lòng này, khể ơi!”. Câu hỏi “Ai làm…?” mang tính phiếm chỉ nhưng người đọc dễ dàng hiểu được nguyên nhân của tâm trạng chàng trai. Còn gì khác hơn, nếu không phải là lễ giáo phong kiến trong cuộc đời xưa với bao nhiêu sự ràng buộc khe khắt đã làm cho nhiều đôi lứa phải đau khổ vì yêu nhau mà không đến được với nhau. Bài ca thể hiện chân thực và cảm động một tâm trạng phổ biến trong tình yêu của người bình dân xưa: chua xót, tủi buồn cho tình duyên trắc trở; đồng thời bài ca cũng man mác một giọng điệu than thở, tủi hờn cho thân phận.

Đề bài: Phân tích bài ca dao:

    “Khăn thương nhớ ai,

    Khăn rơi xuống đất.

    Khăn thương nhớ ai,

    Khăn vắt lên vai.

    Khăn thương nhớ ai,

    Khăn chùi nước mắt.

    Đèn thương nhớ ai,

    Mà đèn không tắt.

    Mắt thương nhớ ai,

    Mắt ngủ khóng yên.

    Đêm qua em những lo phiền,

    Lo vì một nỗi không yên một bề…”

Bài văn mẫu

   Bài ca nằm trong hệ thống ca dao về đề tài thương nhớ, một cung bậc trong ca dao tình yêu của người bình dân Việt Nam. Bài ca diễn tả nỗi nhớ niềm thương của một cô gái. Nhớ thương da diết, nhớ đến thao thức, cồn cào gan ruột mà không dễ bộc lộ. Cô phải hỏi khăn, hỏi đèn, hỏi cả mắt mình. Những câu hỏi không có câu trả lời càng nén chặt nỗi thương nhớ, để cuối cùng trào ra trong nỗi lo âu cho hanh phúc:

    Đêm qua em những lo phiền,

    Lo vì một nỗi không yên một bề.

   Cái khăn được hỏi đến đầu tiên và được hỏi nhiều nhất, đến 6 câu thơ:

    Khăn thương nhớ ai,

    Khăn rơi xuống đất.

    Khăn thương nhớ ai,

    Khăn vắt lên vai.

    Khăn thương nhớ ai,

    Khăn chùi nước mắt.

   Cái khăn (khăn đội đầu hoặc khăn tay) thường là vật trao duyên, vật kỉ niệm gợi nhớ người yêu (Gửi khăn, gửi áo, gửi lời – Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa). Sáu câu thơ được cấu trúc theo lối vắt dòng, láy lại 6 lần từ “khăn” ở vị trí đầu các câu thơ và láy lại 3 lần câu “khăn thương nhớ ai” như một điệp khúc bất tận, thể hiện nỗi nhớ triền miên, da diết. Dường như mỗi lần hỏi là nỗi nhớ lại trào dâng thêm. Cái khăn, tự nó không biết “thương nhớ” không biết “rơi xuống”, “vắt lên”, “chùi nước tnắt”, nhưng những hình ảnh vận động mang cảm xúc người đă làm hiện lên hình ảnh con người với tâm trạng ngổn ngang niềm thương nhớ cùng nỗi lo âu. Nhớ đến ngơ ngẩn, nỗi nhớ tỏa theo nhiều hướng của không gian “khăn rơi xuống đất” rồi lại “khăn vắt lên. Vai”, cuôì cùng thu lại trong cảnh khóc thầm “khăn chùi nước mắt”.

   Nỗi nhớ trong 6 câu trên lan tỏa vào không gian, đến 4 câu tiếp lại xuyên suốt theo thời gian. Nỗi nhớ ban ngày kéo dài sang cả ban đêm:

    Đèn thương nhớ ai,

    Mà đèn không tắt.

   Vẫn là điệp khúc “thương nhớ cũ”, nhưng nỗi nhớ đã chuyển từ “khăn” sang “đèn”. Hình ảnh ngọn đèn gợi ra đêm khuya vò võ canh tàn, và cái đốm lửa đang cháy kia phải chăng là hình ảnh của nỗi nhớ cháy rực trong lòng cô gái? Ngọn đèn mãi không chịu tắt, nỗi nhớ cứ da diết khôn nguôi. Cũng như chiếc khăn, ngọn đèn đã giúp cô gái thổ lộ nỗi lòng.

   Nhưng dù gợi cảm bao nhiêu, thì chiếc khăn và ngọn đèn cũng chỉ là cách nói gián tiếp theo lối biểu tượng, nhân hóa. Nỗi lòng của cô gái buộc phải bật ra trong cách nói trực tiếp:

    Mắt thương nhớ ai,

    Mắt ngủ không yên.

   Thương nhớ đến không ngủ được, cứ trằn trọc thao thức là cách biểu lộ quen thuộc trong ca dao:

    Đêm nằm lưng chẳng tới giường.

    Trông cho mau sáng ra đường gặp anh.

   Tuy nhiên, cũng là một tâm trạng ấy, nhưng trong bài ca này, hình ảnh đôi mắt có sức gợi cảm sâu xa hơn nhiều. “Mắt ngủ không yên” tạo nên một đối xứng rất đẹp với “đèn không tắt” ở trên, gợi lên một cảnh tượng rất thực: cô gái giữa đêm khuya một mình đốì diện với ngọn đèn mà nhớ người thương. Vì “mắt ngủ không yên” nên “đèn không tắt”. Nói đèn cũng chỉ là để nói người thôi. Ngọn đèn soi chiếu vào đôi mắt, càng thấy nỗi nhớ thương vời vợi khôn nguôi.

   Mười câu thơ là 5 câu hỏi không có lời đáp. Điệp khúc “thương nhớ ai” trở đi trở lại như xoáy vào một nỗi niềm khắc khoải, da diết. Năm lần từ “thương nhớ” và năm lần từ “ai” xuất hiện. Bản thân từ “ai” xuât hiện. Bản thán từ “ai” mang ý phiếm chỉ, gợi lên một nỗi nhớ thương sâu thẳm mênh mông, không giới hạn. Từ “ai” là phiếm chỉ, không xác định cá thể đối tượng, nhưng người nghe hoàn toàn hiểu được “ai” ấy là ai. Hỏi không có trả lời, nhưng thực ra cầu trả lời đã nằm trong giọng điệu khắc khoải, da diết kia. Không cần nói rõ, nhưng nỗi nhớ người yêu đã được bộc lộ một cách kín đáo mà gợi cảm, sâu sắc, mãnh liệt.

   Cách gieo vần của bài ca cũng rất đặc sắc:

    Khăn thương nhớ ai,

    Khăn rơi xuống đất.

    Khăn thương nhớ ai,

    Khăn vắt lên vai.

    Khăn thương nhớ ai,

    Khăn chùi nước mắt.

    Đèn thương nhớ ai,

    Mà đèn không tắt.

    Mắt thương nhớ ai,

    Mắt ngủ không yên.

   Vần chân và vần lưng xen kẽ nhau, vần bằng và vần trắc luân phiên nhau, tất cả tạo nên một âm điệu luyến láy liên hoàn khiến cho nỗi nhớ thương của cô gái vừa như nén lại, vừa như kéo dài ra đến mênh mông vô tận theo cả không gian và thời gian. Tưởng chừng nỗi nhớ ấy sẽ không có kết thúc… Nhưng bài ca phải có điểm dừng. Khi cô gái không hỏi nữa thì niềm thương nhớ trào ra thành nỗi lo phiền.

    Đêm qua em những lo phiền,

    Lo vì một nỗi không yên một bề…

   Từ nhịp thơ 4 chữ dồn dập, liên tiếp, lời ca chuyển sang nhịp thơ lục bát, nhẹ nhàng hơn nhưng cũng xao xuyến hơn, giãi bày niềm lo âu của cô gái trước hạnh phúc lứa đôi. Không phải ngẫu nhiên mà chữ “lo” được nhắc đến hai lần. Nhớ thương người yêu và lo lắng cho duyên phận của mình “không yên một bề”, tâm trạng của cô gái mang ý nghĩa phổ biến cho người phụ nữ trong cuộc đời xưa: yêu tha thiết nhưug luôn lo sợ cho hạnh phúc bấp bênh.

   Bài ca khá tiêu biểu cho nghệ thuật ca dao với sự lặp lại trong cách diễn tả tâm trạng, cách dùng những hình ảnh biểu tượng, lối nhân hóa để tăng thêm sức sống cho hình ảnh, cách gieo vần linh hoạt, cách cấu tạo truyền thống kết hợp những câu thơ bốn chữ với hai câu lục bát cuối cùng… Qua nỗi thương nhớ và niềm lo âu được diễn tả trong bài ca, ta nhận ra tiếng hát yêu thương và khao khát yêu thương của người bình dân xưa.

Đề bài: Phân tích bài ca dao:

    Ước gì sông rộng một gang

    Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi

Bài văn mẫu

   Bài ca là lời của cô gái, bày tỏ một ước mơ trong tình yêu đôi lứa. Chỉ có hai câu lục bát mà đủ diễn tả một tình yêu thiết tha, mãnh liệt.

   Bài ca mở đầu bằng hình ảnh con sông. Con sông cách trở lứa đôi nên em và chàng khó gặp gỡ. Nhưng có hề gì, “yêu nhau mấy núi sông cũng trèo”- Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”! Tuy nhiên, “lội” cũng là một sự khó khăn rồi: nếu “bắc cầu” thì lứa đôi gặp gỡ sẽ dễ dàng hơn. Cho nên cô gái “ước gì sông rộng một gang”. Sông mà rộng chỉ một gang, cách nói cường điệu tạo nên một sự vô lí thú vị. Vô lí cho nên mới phải “ước”. Sự vô lí trong điều mơ ước diễn tả điều có lí của tình yêu. Sông chỉ một gang thì cô gái mới có thể “bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”.

   Cây cầu – dải yếm là một hình tượng đặc sắc của bài ca. Cây cầu là một trong những mô-típ nghệ thuật quen thuộc và đặc sắc của ca dao, gắn chặt với đời sống tình cảm phong phú, mãnh liệt nhưng cũng hết sức tế nhị, duyên dáng của người bình dân Việt Nam. Mô-típ này xuất phát từ cuộc sống dân dã của người bình dân. Làng quê Việt Nam nơi nào mà chẳng có sông rạch, chẳng có một chiếc cầu. cầu là phương tiện giao thông, cầu cũng là không gian trữ tình, là nơi gặp gỡ, hò hẹn của trai gái. cầu đi vào ca dao,, trở thành biểu tượng của tình yêu, ước mơ của tình yêu. Người bình dân thổ lộ tình yêu của mình trong hình ảnh những chiếc cầu bắc qua sông. Không phải là cầu tre, cầu gỗ, những chiếc cầu này độc đáo hơn nhiều. Khi thì là cành hồng.

    Hai ta cách một con sông,

    Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.

   Khi thì là cành trầm:

    Cách nhau có một con đầm,

    Muốn sang anh bẻ cành trầm cho sang.

    Cành trầm lá dọc lá ngang,

    Đố người bên ấy bước sang cành trầm.

   Lạ hơn nữa là cái cầu – mồng tơi:

    Gần đây mà chẳng sang chơi,

    Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.

    Sợ rằng chàng chả đi cầu,

    Cho tốn công thợ, cho sầu lòng em.

   Đến bài ca này, cái cầu – dải yếm lại càng lạ hơn nữa. Đây mới đúng là cái cầu của người con gái chủ động bắc cho người mình yêu, nó vượt qua mọi sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến ngày xưa. Nó táo bạo, mãnh liệt, và cũng thật trữ tình, ý nhị, bởi nó là cái dải yếm, cái vật mềm mại luôn quấn quýt bên thân hình người con gái, trở thành biểu tượng riêng của người con gái. Người con gái muốn dùng cái vật thân thiết, gần gũi nhất của mình để bắc cầu mời mọc người mình yêu. Cành hồng, cành trầm, ngọn mồng tơi còn là những cái bên ngoài, còn dải yếm là cái bên trong. Cho nên cái cầu – dải yểm mới thật chân tình, táo bạo, và trở thành cái cầu tình yêu đẹp nhất trong ca dao. Cái dải yếm bình thường đi vào bài ca bỗng trở thành đầy chất thơ của tình yêu.

   Bài ca giãi bày ước mơ tha thiết và mãnh liệt của người con gái trong tình yêu, qua đó thể hiện vẻ đẹp tình yêu của người lao động: bình dị, mãnh liệt nhưng cũng hết sức tế nhị, duyên dáng.

Đề bài: Phân tích bài ca dao:

    Muối ba năm muối đang còn mặn

    Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

    Đôi ta nghĩa nặng tình dày

    Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa

Bài văn mẫu

   Ca dao thường mở đầu theo thể hứng: bắt đầu từ một sự vật, sự việc nào đó rồi mới nói đến ý chính. Nhiều khi sự vật mở đầu và ý chính không có liên quan gì với nhau:

    Con chim đỏ đỏ

    Cái mỏ nó xanh

    Nó kêu người ở trong làng,

    Đừng ham lãnh lụa, phụ phùng vải bô.

   Nhưng cũng có khi sự vật mở đầu và ý chính có liên quan với nhau. Bài ca này thuộc trường hợp sau: mở đầu bằng muối – gừng để nói đến tình nghĩa của con người. Muối – gừng đã đi vào ca dao khá nhiều:

    Tay bưng đĩa muối chấm gừng,

    Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau.

   Muối và gừng, đó là những sự vật vô cùng quen thuộc trong đời sống dân dã, bình dị và nghèo khó. Người bình dân dùng hình ảnh muối và gừng để nói đến tình nghĩa một cách kín đáo mà chân thực, sâu sắc. Muôi để càng lâu năm càng mặn, gừng để càng già càng cay. Người bình dân mong muốn tình nghĩa cũng đậm đà, lâu bền như vị mặn của muối, vị cay của gừng. Hai câu đầu nói gián tiếp, hai câu sau dùng cách nói trực tiếp:

    Đôi ta nghĩa nặng tình dày

    Có xa nhau đi nữa củng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.

   Hai tiếng “đôi ta” thật gần gũi, thân thiết. Cụm từ “nghĩa nặng tình dày” nói về nghĩa tình sâu nặng một cách thấm thía. Với người bình dân, tình bao giờ cũng đi với nghĩa. Nghĩa là trách nhiệm, là nghĩa vụ. Tình càng dày thì nghĩa càng nặng. Người bình dân xem nghĩa trọng hơn tinh. Thậm chí có khi không bao giờ phai nhạt. Gừng chín tháng, muối ba năm, nhưng tình nghĩa của con người là trọn đời trọn kiếp. “Ba vạn sáu nghìn ngày” là một trăm năm, là cả đời người. Nghĩa tình gắn bó với nhau suốt đời suốt kiếp như thế mới thật là sâu đậm. Nói xa nhau mà đến một trăm năm sau mới chịu xa tức là không bao giờ xa nhau, không bao giờ quên nhau.

   Bài ca thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người lao động: gắn bó, thủy chung trong tình nghĩa vợ chồng, trong tình yêu đôi lứa.

Bài văn mẫu

   Trong ca dao Việt Nam có một điều rất lạ: nhiều câu ca dao hoàn toàn không khác nhau về nội dung, ý nghĩa, nhưng lại cùng tồn tại và mỗi câu đều đem lại niềm hứng thú riêng cho người thưởng thức. Chẳng hạn có rất nhiều câu bắt đầu bằng “Thân em” cùng nói lên số phận đắng cay của người phụ nữ ngày xưa:

    Thân em như tấm lụa đào,

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

    Thân em như hạt mưa sa,

    Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

    Thân em như giếng giữa đàng,

    Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân.

    Thân em như con hạc đầu đình,

    Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

   Cái chung của những câu ca dao này là gì? Tất cả đều nói lên tình cảnh cay đắng của người phụ nữ, bị tước đoạt quyền tự do, quyền quyết định hanh phúc của mình, hoàn toàn phó mặc cho ngẫu nhiên của số phận. Cho dẫu phẩm chất đẹp đẽ, cao quý như tấm lụa đào, phẩm chất ấy không là cái đảm bảo cho hạnh phúc. Cho dẫu hoàn toàn giống nhau về giá trị, như những hạt mưa từ trời cao sa xuống, số phận của những người con gái cũng chưa chắc giống nhau; sự may rủi của đời có thể đưa đến những khác biệt, thậm chí những số phận tương phản. Sự may rủi có thể đưa đến những cảnh ngộ, hoặc dược trân trọng hoặc bị bạc đãi, như cùng là nước giếng, mà cũng có thể được dùng cho người rửa mặt, hoặc bị đưa cho người rửa chân. Như con hạc đầu đình, người phụ nữ bị trói chặt vào số phận, dẫu có ao ước đổi thay, họ không sao có thể quyết định được. Cả bốn câu ca dao, với những sự so sánh khác nhau, cùng cho ta biết một thực trạng của chế độ phong kiến: quyền sống của người phụ nữ, mà trước hết là quyền tự do quyết định đời mình, hoàn toàn bị phủ nhận. Đó chính là nguồn gốc của mọi đau khổ, mọi cảnh ngang trái mà người phụ nữ phái chịu đựng trong cả đời người dằng dặc.

   Cả bốn câu ca dao là bốn tiếng than dài, làm nên một chuỗi tiếng than buồn bã, đau đớn. Mở đầu bằng “Thân em”, những người phụ nữ ngày xưa đã hiểu được nỗi khổ của mình, nỗi khổ riêng và nỗi khổ chung của mọi người phụ nữ. Bởi xét cho cùng, dẫu cho có tấm lụa đào nào được rơi vào tay khách quý, có hạt mưa sa nào được vào nơi đài các, có nước giếng nào dược đem rửa mặt, thì cũng nhờ vào may mắn mà có, nên thực ra nó cũng bấp bênh. Huống chi trong bao nhiêu tấm lụa đào, bao nhiêu hạt mưa sa, bao nhiêu nước giếng, mới có được một số phận sáng tươi. Cho nên đau khổ vẫn là cái chung. Những câu ca dao trên chính là tiếng than đã cất lên từ hàng triệu cuộc đời trong nghìn năm của chế độ phong kiến. Than vãn mà không oán trách, bởi vì không biết oán trách ai, người phụ nữ ngày xưa chỉ biết đó là thân em, cái sô phận đã dành cho mình, không thể cắt nghĩa được.

   Cả bốn câu ca dao hầu như được đúc ra từ một khuôn: ngoài cái giống nhau về nội dung, cả bốn câu đều giống nhau về kết cấu. Mỗi câu là một so sánh nghệ thuật. Bắt đầu bằng “Thân em” rồi tiếp theo là một sự vật so sánh ở nữa câu trên, để chỉ thân phận của người phụ nữ.

   Tuy nhiên, những câu ca dao ấy không hoàn toàn giống nhau. Nếu hoàn toàn giống nhau, chúng đã không tồn tại. Trên cơ sở giống nhau về ý nghĩa, mỗi câu ca dao lại khác nhau về hình ảnh so sánh. Và đó chính là điều tạo nên sắc thái riêng hứng thú riêng.

   Hình ảnh “tấm lụa đào” gợi nên một ý niệm đẹp, đẹp từ chất liệu, dáng vẻ đến màu sắc “Người đẹp nhờ lụa”, bởi đó là thứ vải mặc được dệt từ loại tơ tằm tốt nhất, bóng sáng, mềm dịu, mặc vào thì mát mẻ, làm đẹp con người lên. Đã lụa lại lụa màu hoa đào nữa thì đẹp quá. Quý thế nhưng khi đem bán thì phải bày lụa ra giữa chợ, để nó “phất phơ giữa chợ”, giữa chốn “trăm người bán, vạn người mua”, có đủ thứ người sang kẻ hèn, người thanh kẻ tục. Lụa đẹp nhưng đã chắc gì có người biết đúng giá trị của nó, thật là tội nghiệp cho tấm lụa!

   Hình ảnh “hạt mưa sa” lại gợi lên một sắc thái khác. Đố ai đếm được có bao nhiêu hạt mưa từ trời rơi xuống trong một cơn mưa! Mọi hạt đều trong trẻo như nhau, ngọt mát như nhau, nhỏ bé như nhau, không có hạt mưa nào hơn hạt mưa nào. Thế nhưng giữa cơn mưa đầy trời ấy, chỗ “rơi xuống”, số phận cuối cùng của các hạt mưa đã không giống nhau. Giữa triệu triệu hạt mưa rơi xuống đất, một số ít hạt mưa may mắn hơn, không rơi xuống bùn lầy, không rơi mất hút vào luống đất vừa cày xới, lại rơi ngay vào chôn lầu son gác tía. Thật là một bức tranh sinh động.

   Câu thứ ba lấy hình ảnh so sánh là “giếng nước giữa đàng”, một hình ảnh vốn quen thuộc với làng xóm ngày xưa. Vì là giữa đàng nên có bao nhiêu người qua lại. Giữa những người qua lại tất nhiên có người khôn (người có lòng, có con mắt tinh đời…), kẻ phàm (kẻ tầm thường, bần tiện…). Thái độ cùa người sử dụng nước giếng giữa đàng không phải do nước giếng mà do phẩm chất của người dùng nước. Hai hình ảnh “rửa mặt” với “rửa chân” thật là sinh động và thú vị.

   Câu ca dao thứ tư dùng hình ảnh so sánh mới thật sắc sảo: “Con hạc đầu đình” vốn không phải là một sinh vật mà là một vật dụng để thờ, bằng gỗ hay bằng đồng. Con hạc ấy không thế bay được. Như nhìn vào thân phận của mình, người phụ nữ xưa đã gán cho nó cái ý “muốn bay” để rồi từ đó nhận ra “không cất nổi mình mà bay”. Sự tương phản giữa ý muốn chủ quan với thực tế khách quan đến là mạnh mẽ. Từ câu ca dao như bật lên niềm khát khao và một nỗi bất bình, bức bối đến nghẹt thở.

   Ta cắt nghĩa như thế nào về sự cùng tồn tại của nhữug câu ca dao vừa giống nhau vừa khác nhau đó?

   Trước hết, ca dao là những tác phẩm đã được sáng tạo ra bởi nhiều người khác nhau, ở những thời kì khác nhau, trên những vùng đất khác nhau. Gặp cảnh ngộ đắng cay, với cách nói cụ thể có hình ảnh, người nông dân xưa liên kết số phận mình với một hình ảnh trùng hợp có trước mắt, thế là câu ca dao ra đời. Câu ca dao ấy vừa mang tâm tư của người sáng tác vừa mang luôn dấu ấn của thực tế mà người sáng tác đang đối diện.Không hẹn mà nên, cái chung của số phận đã làm cho những câu ca dao vốn không hề biết nhau lại gặp nhau ở một nội dung chung.

   Mặt khác, cả khi trong tâm trí đã có sẵn một câu ca dao cũ của người khác, thì gặp cảnh ngộ của mình, dẫu giống mà vẫn có nét khác với nhiều người đi trước đã nói. Đó không phải là sự lập lại mà chỉ là việc bổ sung cho cái đã có thêm đa dạng.

   Chỉ xét riêng bốn câu ca dao “Thân em”, ta cũng thấy được ca dao thật là thú vị, đúng là sản phẩm của tài năng và tâm hồn phong phú của quần chúng nhân dân. Những câu ca dao ấy giúp ta hiểu được những nỗi cay đắng dày đặc mà người phụ nữ Việt Nam ngày xưa đã phải trải qua và đồng tình với khát vọng “cất nổi mình mà bay” của họ.

Đề bài: Phân tích một số biện pháp nghệ thuật thường gặp trong ca dao yêu thương, tình nghĩa

Bài văn mẫu

   Yêu thương tình nghĩa là một trong những chủ đề chính của ca dao Việt Nam. Nội dung chủ yếu của các bài ca dao này phản ánh đời sống tình cảm, tình nghĩa trong các quan hệ gia đình, quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, tình bạn, láng giềng… góp phần tích cực vào việc thể hiện nội dung ấy là một số biện pháp nghệ thuật quen thuộc như so sánh ví von, nhân hóa, ẩn dụ và các mô thức ngôn ngữ…

   Biện pháp nghệ thuật mà ca dao yêu thương tình nghĩa thường xuyên sử dụng là so sánh (còn gọi là tỉ dụ). So sánh là việc đối chiếu sự vật này với sự vật khác dựa trên những đặc điểm giống nhau nào đó giữa hai sự vật nhằm tạo nên những hình ảnh nghệ thuật mới mẻ tạo những cảm xúc thẩm mỹ cho người nghe, người đọc. Ca dao yêu thương tình nghĩa sử dụng biện pháp so sánh để bóc lột những tình cảm trong sáng, cao đẹp hay những trạng thái cảm xúc cụ thể nào đó của nhân vật trữ tình:

    “Tình anh như nước dâng cao

    Tình em như dải lụa đào tẩm hương”.

   Biện pháp so sánh trong ca dao yêu thương tình nghĩa là cách so sánh trực tiếp. Các từ so sánh thường gặp là; “như’, “như thế’’. Nhờ có so sánh, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình được bộc lộ cụ thể hơn, dễ hiểu hơn:

    “Đôi ta như thể con ong

    Con quấn con quýt con trong con ngoài”.

   Bên cạnh so sánh, nhân hóa cũng là một biện pháp nghệ thuật thường gặp trong ca dao yêu thương tình nghĩa.

    “Khăn thương nhớ ai

    Khăn rơi xuống đất

    Khăn thương nhớ ai

    Khăn vắt lên vai”.

   Nhờ biện pháp nhân hóa, những sự vật vô tri vô giác trở nên có tình có nghĩa. Tình nghĩa ấy cũng chính là tình nghĩa của con người được giãi bày, bộc lộ trong ca dao.

   Cùng với so sánh nhân hóa, ẩn dụ cũng được sử dụng thường xuyên. Ẩn dụ là phép so sánh ngầm, so sánh gián tiếp. Biện pháp này làm cho bài ca dao được rút ngắn và do đó trở nên hàm súc, cô đọng hơn.

    “Cô kia đứng ở bên sông

    Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang”.

   Nhiều hình ảnh ẩn dụ được dùng nhiều lần trở thành quen thuộc và dần dẩn trở thành những hình tượng mang tính ước lệ, tượng trưng cao như thuyền – bến, cây đa – bến nước, mận – đào, trúc – mai…

   Ngoài những biện pháp tu từ trên, ca dao yêu thương tình nghĩa còn sử dụng biện pháp lặp, lặp từ ngữ và lặp câu trúc. Việc lặp lại một số từ ngữ hay cấu trúc nào đó trong nhiều bài ca dao đã tô đậm thêm chủ đề và làm tăng thêm sức biểu hiện. Chẳng hạn, trong bài ca dao sau đây, cấu trúc và các từ ngữ ‘Ước gì… để” được lặp lại nhiều lần:

    “Ước gì anh hóa ra gương

    Để cho em cứ ngày thường em soi

    Ước gì anh hóa ra coi

    Để cho em. đựng cau tươi trầu vàng”

   Việc lặp lại như vậy đã dem lại giá trị biểu hiện đáng kể. Nó đã thể hiện được khát vọng cháy bỏng của chàng trai luôn muốn được gần gũi bên cạnh người yêu, thỏa nỗi nhớ niềm thương mà chàng dành cho người yêu.

   Trên đây chính là những biện pháp nghệ thuật truyền thống quen thuộc trong ca dao yêu thương, tình nghĩa nói riêng và ca dao Việt Nam nói chung.

Đề bài: Cảm nghĩ của anh chị về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

Bài văn mẫu

   Kho tàng văn học dân gian Việt Nam luôn là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Cùng với các thể loại khác, ra đời trong xã hội cũ, ca dao diễn tả tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các mối quan hệ lứa đôi, gia đình, quê hương, đất nước… không chỉ là lời ca yêu thương tình nghĩa, ca dao còn là tiếng hát than thân cất lên từ cuộc đời xót xa, cay đắng của người Việt Nam, đặc biệt là của người phụ nữ trong xã hội cũ.

   Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ luôn bị coi nhẹ, rẻ rúng, họ không được quyền quyết định trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã chà đạp lên quyền sống của họ, đàn ông được coi trọng, được quyền “năm thê bảy thiếp”, được nắm quyền hành trong xã hội, trong khi đó phụ nữ chỉ là những cái bóng mờ nhạt, không được coi trọng. Họ phải làm lụng, vất vả cung phụng chồng con, một nắng hai sương mà cuộc đời thì tăm tối. Họ phải cất lên tiếng nói của lòng mình.

    “Thân em như tấm lụa đào

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

    “Thân em như con cá rô thia

    Ra sông mắc lưới vào đìa mắc câu”

   Không một lối thoát nào mở ra trước mắt, họ cảm thấy cuộc đời chỉ là kiếp nô lệ, bốn phía lưới giăng. Hình ảnh “Tấm lụa đào”, hay “con cá rô thia” trong hai câu ca dao trên là hình ảnh so sánh nghệ thuật. Hình ảnh này cho ta liên tưởng tới sự tầm thường, bé nhỏ của thân phận người phụ nữ: tấm lụa thì đem ra đổi bán, con cá rô thia thì được vùng vẫy đây nhưng chỉ trong chiếc ao tù. Hình ảnh con cá rô thia cho ta nghĩ đến người phụ nữ trong sự bủa vây của truyền thống, tập tạc, quan niệm phong kiến bao đời hà khắc, đến hạnh phúc của mình cũng không được quyền quyết định:

    “Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy

    Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa

    Em với anh cũng muốn kết nghĩa giao hòa

    Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời,

    Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,

    Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan”…

   Bao khát khao bị kìm hãm, hạnh phúc lứa đôi bị rào cản phong tục đè nén, họ ngẫm mình và cất lên tiếng than cay đắng.

    “Thân em như miếng cau khô

    Người thanh chuộng mỏng, người khô tham dày”

   Câu ca nào cũng đầy ai oán, số phận nào cũng được ví bằng những thứ bé nhỏ, tầm thường, đó là sự ý thức, sự phản kháng của những con người triền miên bất hạnh. Họ có quyền được sống, được tự do yêu đương, nhưng xã hội đã chà đạp lên quyền của họ, chỉ cho họ một cuộc đời lầm lũi, chua cay.

    “Năm nay em đi làm dâu

    Thân khác gì trâu mang theo ách

    Năm nay em đi làm vợ

    Thân mang cày, dây khiến không biết ai?

    Em đi làm dâu không có mùa nghỉ, chỉ có mùa làm.”

   Người con gái trong bài ca dao H’mông này đang than thân trách phận mình khi “xuất giá tòng phu’’. Họ lấy chồng, không phải vì hạnh phúc mà để làm một con vật lao động trong nhà chồng, một con vật suốt đời “theo ách” như trâu mang. Cuộc sống như khép lại trước mắt họ, chỉ thấy một sự trói buộc đến phũ phàng:

    “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

    Chim vào lồng biết thuở nào ra”

   Có khi họ bị chồng đánh đập:

    “Cái cò là cái cò quăm

    Mày hay đánh vợ mày nằm với ai”

   Có khi bị chồng phụ bạc:

    “Nhớ xưa anh bủng anh beo

    Tay bưng chén thuốc lại đèo múi chanh,

    Bây giờ anh mạnh anh lành

    Anh tham duyên mới anh đành phụ tôi.”

   Ở lĩnh vực nào người phụ nữ xưa cũng không được quyền hanh phúc. Cuộc sống không có tự do, tình yêu không được công nhận, hôn nhân không được định đoạt, quan hệ vợ chồng không được tôn trọng… Ở mặt nào họ cũng bị vùi dập xô đẩy, cũng không được quyền lên tiếng lựa chọn. Đến cả sự tỏ bày tình yêu cũng vô cùng tội nghiệp.

    “Thân em như củ ấu gai

    Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen

    Không tin bóc vỏ mà xem

    Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi”

   Ở câu than thân nào họ cũng ví mình thật tội nghiệp, nào là tấm lụa, nào là hạt mưa, nào là miếng cau khô, rồi củ ấu gai… thứ nào cũng nhỏ nhoi, tội nghiệp. Hạt mưa thì chẳng biết rơi vào đâu, miếng cau thì tùy người chọn, còn củ ấu thì có vẻ đẹp bên trong mà không ai biết. Bài ca dao này là một sự giãi bày của người phụ nữ. Người phụ nữ muốn xã hội công nhận giá trị của mình, nhưng vẫn đầy tự ti: “Không tin bóc vỏ mà xem, ăn rồi mới biết là em ngọt bùi”. Một sự mời mọc ngập ngừng

   Có thể nói, những bài ca dao than thân trách phận không chỉ là lời than thở vì cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực, đắng cay, mà còn là tiếng nói phản kháng, tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội cũ.

Đề bài: Em hãy chỉ ra những đặc điểm nghệ thuật nổi bật của ca dao.

Bài văn mẫu

   – Có sự lặp lại: lặp lại mô thức câu mở đầu (Thân em như…), lặp lại biểu tượng (cây đa, bến nước, con thuyền, cái cầu…).

   – Dùng hình ảnh so sánh ẩn dụ lấy từ cuộc sống đời thường hoặc từ thiên nhiên (tấm lụa đào, củ ấu gai, mặt trăng, mặt trời…).

   – Thể thơ lục bát và lục bát biến thể.

   Những điều này không có hoặc ít có ở thơ của văn học viết. Nó là nghệ thuật đặc thù của ca dao in đậm sắc màu dân gian, bởi nó là tiếng nói của cộng đồng chứ không phải là tiếng nói của cá thể nghệ sĩ như ở văn học viết.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 1091

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống