Chương 1: Cơ chế di truyền và biến dị

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 12: tại đây

Giải Bài Tập Sinh Học 12 – Bài 5: Nhiễm sắc thể (Nâng Cao) giúp HS giải bài tập, cung cấp cho học sinh những hiểu biết khoa học về đặc điểm cấu tạo, mọi hoạt động sống của con người và các loại sinh vật trong tự nhiên:

Trả lời câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 5 trang 25: Dựa vào dẫn liệu trong bảng hãy nhận xét mối quan hệ giữa số lượng NST của các loài với mức độ tiến hóa của chúng.

Lời giải:

– Ở sinh vật nhân thực, bộ NST của mỗi loài là khác nhau.

– Số lượng NST nhiều hay ít không phụ thuộc vào mức độ tiến hóa của các loài. Sinh vật có số lượng NST nhiều nhưng không tiến hóa hơn sinh vật có số lượng ít. VD: tinh tinh 2n = 48 kém tiến hóa hơn người 2n = 46.

Trả lời câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 5 trang 25: Hãy mô tả cấu trúc hiển vi của NST qua các kì trong chu kì tế bào.

Lời giải:

Cấu trúc hiển vi của NST qua các kì:

– Kì trung gian: NST sợi mảnh. Mỗi NST tự nhân đôi thành một NST kép gồm 2 sợi crômatit dính với nhau ở tâm động.

– Kì đầu: các NST bắt đầu đóng xoắn, co ngắn lại, có hình dạng rõ rệt.

– Kì giữa: các NST đóng xoắn cực đại, có hình dạng và kích thước đặc trưng.

– Kì sau: mỗi crômatit của từng NST kép tách nhau ra ở tâm động và dàn thành hai nhóm đều nhau, mỗi nhóm di chuyển về một cực của tế bào.

– Kì cuối: các NST tháo xoắn và trở về dạng sợi mảnh.

Bài 1 trang 28 sgk Sinh học 12 nâng cao: Nêu những đặc trưng về hình thái, số lượng của bộ NST của loài. Cho ví dụ chứng minh số lượng NST không phản ánh mức độ tiến hóa.

Lời giải:

– Mỗi loài có bộ NST khác nhau về hình thái, số lượng và cấu trúc gen trên NST.

– Số lượng NST nhiều hay ít không phản ánh mức độ tiến hóa thấp hay cao của loài. Sinh vật có số lượng NST nhiều nhưng không tiến hóa hơn sinh vật có số lượng ít. VD: tinh tinh 2n = 48 kém tiến hóa hơn người 2n = 46, dương xỉ 2n = 116 kém tiến hóa hơn lúa 2n = 24. Sinh vật có số lượng NST ít có thể kém tiến hóa: ví dụ: ruồi giấm 2n = 8 kém hơn gà 2n = 78.

Bài 2 trang 28 sgk Sinh học 12 nâng cao: Mô tả hình thái, kích thước các mức cấu trúc siêu hiển vi của NST ở sinh vật nhân thực.

Lời giải:

Cấu trúc siêu hiển vi của NST:

– Phân tử ADN: mạch xoắn kép, có chiều ngang 2 nm.

– Sợi cơ bản: là chuỗi nuclêôxôm xếp khít nhau, đường kính 11 nm. Mỗi nuclêôxôm gồm lõi là 8 phân tử histôn và bên ngoài là đoạn ADN chứa 146 cặp nuclêôtit, quấn quanh 7/4 vòng. Giữa hai nuclêôxôm liên tiếp là một đoạn ADN và một phân tử prôtêin histôn.

– Sợi nhiễm sắc: sợi cơ bản cuộn xoắn lần 2 tạo nên sợi có chiều ngang khoảng 30 nm.

– Vùng xếp cuộn: sợi nhiễm sắc xếp cuộn lần nữa tạo sợi có bề ngang 300 nm.

– Crômatit: sợi nhiễm sắc ở vùng xếp cuộn tiếp tục tạo thành crômatit có chiều ngang khoảng 700 nm.

– NST ở kì giữa: ở trạng thái kép gồm 2 crômatit. Chiều ngang của mỗi NST có thể đạt tới 1400 nm.

Bài 3 trang 28 sgk Sinh học 12 nâng cao: Tại sao NST được coi là cơ sở vật chất của tính di truyền ở cấp độ tế bào?

Lời giải:

NST được coi là cơ sở vật chất của tính di truyền ở cấp độ tế bào vì:

– NST có chức năng lưu trữ, bảo quản và truyền đạt thông tin di truyền.

   + NST là cấu trúc mang gen.

   + Gen trên NST được bảo quản nhờ liên kết với pr ô t ê in hist ôn.

   + Bộ NST đặc trưng cho loài sinh sản hữu tính được duy trì, ổn định nhờ cơ chế: nguyên phân, giảm phân, thụ tinh.

– Điều hòa hoạt động của gen thông qua các mức cuộn xoắn của NST.

– Giúp tế bào phân chia đều vật chất di truyền vào các tế bào con ở pha phân bào.

Bài 4 trang 28 sgk Sinh học 12 nâng cao: Hãy chọn phương án trả lời đúng. Một nuclêôxôm có cấu trúc gồm

A. phân tử histôn được quấn bởi một đoạn ADN dài 146 cặp nuclêôtit.

B. lõi là 8 phân tử histôn được một đoạn ADN chứa 146 cặp nuclêôtit quấn quanh 7/4 vòng.

C. 9 phân tử histôn được quấn quanh bởi đoạn ADN chứa 140 cặp nuclêôtit.

D. lõi là đoạn ADN chứa 146 cặp nuclêôtit được bọc ngoài bởi 8 phân tử histôn.

Lời giải:

Đáp án B

Bài thu hoạch

Mô tả, nhận xét các quá trình: 1. Nhân đôi ADN; 2. Phiên mã; 3. Dịch mã.

Trả lời:

1. Nhân đôi ADN:

– Các enzim tháo xoắn phân tử ADN tạo chạc chữ Y, để lộ 2 mạch đơn trong đó một mạch có đầu 3’ – OH và mạch kia có đầu 5’ – P.

– ADN pôlimeraza chỉ có thể bổ sung nuclêôtit vào nhóm 3’ – OH nên tổng hợp mạch đó liên tục. Mạch bổ sung thứ 2 tổng hợp từng đoạn ngắn ngược với chiều phát triển chạc chữ Y, sau đó được nối lại nhờ enzim nối ligaza.

– Kết thúc: ADN được nhân đôi theo nguyên tắc bổ sung và nguyên tắc bán bảo toàn. Nhờ đó, 2 phân tử ADN con được tạo ra giống nhau và giống với ADN mẹ.

– Nhân đôi ở sinh vật nhân chuẩn giống cơ chế nhưng sự nhân đôi xảy ra ở nhiều điểm tạo nhiều đơn vị nhân đôi và nhiều loại enzim tham gia.

2. Phiên mã:

– Giai đoạn khởi đầu: Enzim ARN pôlimeraza bám vào vùng khởi đầu làm gen tháo xoắn để lộ ra mạch mã gốc có chiều 3’→ 5′ và bắt đầu tổng hợp mARN tại vị trí đặc hiệu (khởi đầu phiên mã).

– Giai đoạn kéo dài: ARN pôlimeraza trượt dọc mạch mã gốc để tổng hợp nên phân tử mARN theo nguyên tắc bổ sung (A với U, T với A, G với X và X với G).

Chiều tổng hợp của mARN là: 5’ → 3’.

– Giai đoạn kết thúc: Khi enzim gặp tín hiệu kết thúc thì nó dừng phiên mã và phân tử mARN vừa tổng hợp được giải phóng. Vùng nào trên gen vừa phiên mã xong thì 2 mạch đơn đóng xoắn ngay lại.

Ở tế bào nhân sơ, mARN sau phiên mã được trực tiếp dùng làm khuôn để tổng hợp prôtêin. Ở tế bào nhân thực, mARN sau phiên mã phải được sửa đổi, cắt bỏ các intron, nối các êxôn lại với nhau rồi qua màng nhân ra tế bào chất làm khuôn tổng hợp prôtêin.

→ Kết quả: thông tin di truyền trên mạch mã gốc của gen được phiên mã thành phân tử mARN theo nguyên tắc bổ sung.

3. Dịch mã:

* Hoạt hóa axit amin:

Trong tế bào chất, nhờ các enzim đặc hiệu và năng lượng ATP, các axit amin được hoạt hóa và gắn với tARN tương ứng tạo nên phức hợp axit amin – tARN (aa – tARN).

* Tổng hợp chuỗi pôlipeptit:

– Giai đoạn khởi đầu:

    + Tiểu đơn vị bé của ribôxôm gắn với mARN ở vị trí nhận biết đặc hiệu. Bộ ba đối mã của phức hợp mở đầu Met – tARN (UAX) bổ sung chính xác với côđon mở đầu (AUG) trên mARN.

    + Tiểu đơn vị lớn của ribôxôm kết hợp tạo ribôxôm hoàn chỉnh sẵn sàng tổng hợp chuỗi pôlipeptit.

– Giai đoạn kéo dài:

    + Tiếp theo tARN mang axit amin thứ nhất (aa1-tARN) tới vị trí bên cạnh, anticôđon của nó khớp bổ sung với côđon của axit amin thứ nhất ngay sau côđon mở đầu trên mARN.

    + Enzim xúc tác tạo thành liên kết peptit giữa axit amin mở đầu và axit amin thứ nhất (met-aa1).

    + Ribôxôm dịch chuyển đi một bộ ba trên mARN theo chiều 5’ → 3’, đồng thời tARN (đã mất axit amin mở đầu) rời khỏi ribôxôm.

    + Sau đó, phức hợp aa2-tARN tiến vào ribôxôm, anticôđon của nó khớp bổ sung với côđon của axit amin thứ hai trên mARN. Liên kết peptit giữa axit amin thứ nhất và axit amin thứ hai (aa1- aa2) được tạo thành. Sự dịch chuyển của ribôxôm tiếp tục theo từng bộ ba trên mARN.

– Giai đoạn kết thúc:

    + Quá trình dịch mã diễn ra cho đến khi gặp côđon kết thúc trên mARN thì dừng lại.

    + Ribôxôm tách ra khỏi mARN và chuỗi pôlipeptit được giải phóng, đồng thời axit amin mêtiônin mở đầu cũng tách ra khỏi chuỗi pôlipeptit.

    + Chuỗi pôlipeptit sau đó hình thành phân tử prôtêin hoàn chỉnh.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 1126

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống