Xem toàn bộ tài liệu Lớp 12: tại đây
- Giải Sinh Học Lớp 12
- Giải Sinh Học Lớp 12 (Ngắn Gọn)
- Sách Giáo Viên Sinh Học Lớp 12
- Sách Giáo Viên Sinh Học Lớp 12 Nâng Cao
- Sách Bài Tập Sinh Học Lớp 12
Giải Bài Tập Sinh Học 12 – Bài 38: Các nhân tố tiến hóa (tiếp theo) (Nâng Cao) giúp HS giải bài tập, cung cấp cho học sinh những hiểu biết khoa học về đặc điểm cấu tạo, mọi hoạt động sống của con người và các loại sinh vật trong tự nhiên:
Trả lời câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 38 trang 153: Vì sao các alen trội bị tác động của chọn lọc nhanh hơn các alen lặn?
Lời giải:
Ở sinh vật lưỡng bội, các alen trội chịu tác động chọn lọc nhanh hơn nhiều các alen lặn vì alen trội ở thể đồng hợp hay dị hợp đều biểu hiện thành kiểu hình. Chọn lọc tác động vào kiểu gen hay alen thông qua tác động vào kiểu hình. Alen lặn sẽ không biểu hiện kiểu hình ở kiểu gen dị hợp nên không chịu tác dụng của chọn lọc tự nhiên, alen lặn chỉ biểu hiện thành kiểu hình ở kiểu gen đồng hợp lặn, mà xác suất để tổ hợp gen đồng hợp lặn xuất hiện là rất thấp.
Trả lời câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 38 trang 154: – Ví dụ trên chứng minh được điều gì?
– Kết quả của chọn lọc đối với quần thể và cá thể như thế nào?
Lời giải:
– Ví dụ trên chứng minh quần thể là đối tượng chọn lọc. Dưới tác dụng của chọn lọc tự nhiên, quần thể có vốn gen thích nghi sẽ thay thế cho quần thể kém thích nghi.
– Chọn lọc quần thể hình thành những đặc điểm thích nghi tương quan giữa các cá thể về mặt kiếm ăn, tự vệ, sinh sản, bảo đảm sự tồn tại, phát triển của những quần thể thích nghi nhất.
– Chọn lọc cá thể làm tăng tỉ lệ những cá thể thích nghi hơn trong nội bộ quần thể, làm phân hóa khả năng sống sót và sinh sản của các cá thể trong quần thể.
→ Chọn lọc tự nhiên thường hướng tới sự bảo tồn quần thể hơn là cá thể khi mà mâu thuẫn nảy sinh giữa lợi ích cá thể và quần thể thông qua sự xuất hiện của các biến dị di truyền.
Trả lời câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 38 trang 155: – Hãy phân tích mối quan hệ giữa ngoại cảnh và chọn lọc tự nhiên.
– Nêu điểm đặc trưng của mỗi hình thức chọn lọc.
Lời giải:
– Mối quan hệ giữa ngoại cảnh và chọn lọc tự nhiên: Các điều kiện bất lợi trong ngoại cảnh là các nhân tố chọn lọc. Tùy thuộc vào điều kiện ngoại cảnh mà có hình thức chọn lọc cụ thể, nghĩa là ngoại cảnh quy định hướng chọn lọc.
– Điểm đặc trưng của mỗi hình thức chọn lọc:
+ Chọn lọc ổn định (kiên định): là hình thức chọn lọc bảo tồn những cá thể mang tính trạng trung bình, đào thải những cá thể mang tính trạng chệch xa mức trung bình. Kiểu chọn lọc này diễn ra khi điều kiện sống không thay đổi qua nhiều thế hệ, do đó hướng chọn lọc trong quần thể ổn định, kết quả là chọn lọc tiếp tục kiên định kiểu gen đã đạt được.
+ Chọn lọc vận động: là chọn lọc chỉ giữ lại kiểu hình cao nhất hoặc thấp nhất của quần thể, khi điều kiện sống thay đổi theo một hướng xác định. Kết quả là đặc điểm thích nghi cũ dần được thay thế bởi một đặc điểm thích nghi mới, giá trị trung bình về kiểu hình của quần thể sẽ dịch chuyển theo một hướng xác định ở thế hệ sau. Tần số kiểu gen biến đổi theo hướng thích nghi với tác động của nhân tố chọn lọc định hướng.
+ Chọn lọc phân hóa (Chọn lọc gián đoạn): là hình thức chọn lọc chỉ giữ lại cá thể có giá trị biên, đào thải cá thể có giá trị trung bình, khi điều kiện sống thay đổi nhiều và không đồng nhất. Chọn lọc diễn ra theo một số hướng, trong mỗi hướng hình thành nhóm cá thể thích nghi với hướng chọn lọc. Mỗi nhóm chịu tác động của kiểu chọn lọc ổn định. Kết quả là quần thể ban đầu bị phân hóa thành nhiều kiểu hình.
Bài 1 trang 157 sgk Sinh học 12 nâng cao: Nêu tác động của chọn lọc tự nhiên.
Lời giải:
– Thực chất tác động của chọn lọc tự nhiên là sự phân hóa khả năng sinh sản của những kiểu gen khác nhau trong quần thể, biểu hiện ở các mức độ: kết đôi giao phối, khả năng sinh con, độ mắn đẻ.
– Dưới tác động của CLTN tần số tương đối của các alen có lợi được tăng lên trong quần thể. CLTN làm cho tần số tương đối của các alen trong mỗi gen biến đổi theo hướng xác định. Áp lực của CLTN lớn hơn nhiều so với áp lực của quá trình đột biến, chẳng hạn để giảm tần số ban đầu của một alen đi một nửa dưới tác động của CLTN chỉ cần số ít thế hệ
– CLTN không tác động đối với từng gen riêng rẽ mà tác động đối với toàn bộ kiểu gen, trong đó các gen tương tác thống nhất ; CLTN không chỉ tác động đối với từng cá thể riêng rẽ mà còn đối với cả quần thể, trong đó các cá thể có quan hệ ràng buộc với nhau.
Bài 2 trang 157 sgk Sinh học 12 nâng cao: Thuyết tiến hóa hiện đại đã phát triển quan niệm của Đacuyn về chọn lọc tự nhiên như thế nào?
Lời giải:
Thuyết tiến hóa hiện đại dựa trên cơ sở di truyền học, đã làm sáng tỏ nguyên nhân phát sinh biến dị, cơ chế di truyền biến dị, do đó đã hoàn chỉnh và phát triển quan niệm CLTN của Đacuyn:
– Thuyết tiến hóa hiện đại cho rằng thực chất tác dụng của CLTN là sự phân hóa khả năng sinh sản của những kiểu gen khác nhau trong quần thể, biểu hiện ở các mức độ: kết đôi giao phối, khả năng sinh con, độ mắn đẻ.
– Dựa trên cơ sở di truyền học, thuyết tiến hóa hiện đại xác định đúng nguyên liệu của CLTN là các đột biến và biến dị tổ hợp còn Đacuyn thì chưa phân biệt được biến dị di truyền và biến dị không di truyền.
– Về cơ chế tác động của CLTN, Đacuyn chỉ nghiên cứu hiện tượng, chưa đi sâu vào bản chất của quá trình CLTN. Theo tiến hóa hiện đại thì CLTN chọn lọc kiểu hình, thông qua đó chọn lọc kiểu gen.
– Đacuyn cho rằng kết quả của CLTN là sự sống sót của cá thể thích nghi nhất, thì tiến hóa hiện đại cho rằng kết quả của CLTN là sự phát triển và sinh sản ưu thế của các kiểu gen thích nghi hơn, quần thể có vốn gen thích nghi thay thế cho quần thể kém thích nghi.
Bài 3 trang 157 sgk Sinh học 12 nâng cao: Vì sao nói chọn lọc tự nhiên là nhân tố chính của quá trình tiến hóa?
Lời giải:
– Dưới tác động của CLTN, tần số tương đối của các alen có lợi được tăng lên trong quần thể. CLTN làm cho tần số tương đối của các alen trong mỗi gen biến đổi theo một hướng xác định. Áp lực của CLTN lớn hơn nhiều so với áp lực của quá trình đột biến.
– CLTN không chỉ là nhân tố quy định nhịp điệu biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể mà còn là nhân tố quy định hướng quá trình tiến hóa.
Bài 4 trang 157 sgk Sinh học 12 nâng cao: Tác động của các yếu tố ngẫu nhiên đến vốn gen của quần thể như thế nào?
Lời giải:
Tần số tương đối của các alen trong một quần thể có thể thay đổi đột ngột do một yếu tố ngẫu nhiên nào đó. Hiện tượng này còn được gọi là biến động di truyền, thường xảy ra trong những quần thể nhỏ. Số lượng cá thể của nhóm càng ít thì độ dao động của tần số gen càng cao.
Bài 5 trang 157 sgk Sinh học 12 nâng cao: Hãy chọn phương án trả lời đúng. Vai trò chủ yếu của chọn lọc tự nhiên trong tiến hóa nhỏ là
A. làm cho tần số tương đối của các alen trong mỗi gen biến đổi theo hướng xác định.
B. quy định chiều hướng và nhịp độ biến đổi thành phần kiểu gen của quần thể, định hướng quá trình tiến hóa.
C. phân hóa khả năng sinh sản của những kiểu gen khác nhau trong quần thể.
D. phân hóa khả năng sống sót của các cá thể thích nghi nhất.
Lời giải:
Đáp án B