Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây
Đề bài: Thuyết minh về một tác phẩm văn học.
A/ Dàn ý chi tiết
I. MỞ BÀI
– Giới thiệu về tác phẩm văn học – Truyện Kiều của Nguyễn Du.
II. THÂN BÀI
– Hoàn cảnh ra đời của truyện Kiều:
+ Có nhiều lời đồn cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc và có khi là trước khi đi sứ Trung Quốc.
+ Ngay sau khi ra đời, Truyện Kiều được nhiều nơi khắc in và lưu hành rộng rãi.
+ Hai bản in xưa nhất hiện còn là bản của Liễu Văn Đường (1871) và bản của Duy Minh Thị (1872), đều ở thời vua Tự Đức.
+ Truyện dựa theo bộ truyện văn xuôi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, lấy bối cảnh Trung Quốc thời vua Gia Tĩnh Đế đời nhà Minh (từ năm 1521 tới năm 1567).
– Các nhân vật trong tác phẩm: Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Vương quan, tú bà, Thúc Sinh, Hoạn Thư…
– Giá trị tư tưởng của Truyện Kiều:
+ Khát vọng về tự do, công lí và ước mơ của con người.
+ Là tiếng khóc thảm thiết của người phụ nữ phong kiến xưa.
+ Phê phán những thế lực vì đồng tiền mà áp bức người khác.
+ Là tình yêu thương của con người của ông.
– Giá trị nghệ thuật của Truyện Kiều:
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo.
+ Nghệ thuật tự sự.
+ Ngôn ngữ trong sang, điêu luyện.
+ Giọng điệu thương cảm, phù hợp với giá trị tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du.
III. KẾT BÀI
– Cảm nghĩ của em về Truyện Kiều: Thể hiện nên sự phân biệt đối với phụ nữ ở thời phong kiến.
– Khẳng định tài năng của Nguyễn Du, lòng thương người của ông.
B/ Bài văn mẫu
Thuyết minh về một tác phẩm văn học – mẫu 1
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn…
Những câu thơ được trích trong bài thơ Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? của Tố Hữu đã khẳng định về giá trị trường tồn của Truyện Kiều trong nền văn học nước nhà. Bởi lẽ, truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn… (Phạm Quỳnh)
Truyện Kiều có tên là Đoạn trường tân thanh (Đoạn: đứt; trường: ruột; tân: mới; thanh: âm thanh, tiếng kêu). Ta có thể hiểu nhan đề ấy có nghĩa là tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột. Nhan đề Đoạn trường tân thanh được Nguyễn Du lấy gốc từ hai điển cố ở Trung Quốc. Một là từ câu chuyện của người đàn ông họ Trường ở Phúc Kiến, vào rừng bắt vượn con đánh để chúng kêu khóc vì muốn bắt vượn mẹ. Vượn mẹ không làm gì được, đứng trên cao nhìn, rú lên một tiếng rồi chết. Ông lão mang về nhà mổ bụng vượn mẹ thì thấy ruột đứt ra từng khúc. Câu chuyện ấy ca ngợi tình mẫu tử thiên liêng và nỗi đau đứt ruột khi chứng kiến con mình bị hành hạ, đánh đập. Và một là câu chuyện về nàng cung nữ Mạnh Tài Nhân của vua Đường Vũ Tông, trước khi vua băng hà, nàng đã múa một điệu cuối cùng rồi chết đứng. Khám tử thi thì thấy ruột nàng đứt ra từng đoạn. Câu chuyện đã nhắc tới nỗi đau đứt ruột của đôi lứa khi vợ chồng phải xa lìa nhau. Đó là tiếng kêu về nỗi đau đứt ruột từ xa xưa, được người đời truyền tụng. Nguyễn Du đã dựa vào hai câu chuyện trên để đặt tên cho tác phẩm của mình là Đoạn trường tân thanh. Ngày nay chúng ta gọi là Truyện Kiều – cách gọi tên truyện theo nhân vật chính là Thúy Kiều.
Truyện Kiều được viết bằng chữ Nôm, gồm 3254 câu thơ viết theo thể lục bát – thể thơ đặc trưng của dân tộc, rất giàu âm điệu và nhạc tính. Truyện được viết dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Nguyễn Du đã “hoán cốt đoạt thai” tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân để thổi một luồng gió mới vào trong tác phẩm, khiến nàng Kiều của Nguyễn Du mang vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và mang vào Truyện Kiều những sáng tạo mới mẻ về cả nội dung và nghệ thuật. Về thời điểm sáng tác, Từ điển văn học (bộ mới) ghi rằng: “Có thuyết cho rằng Nguyễn Du viết ra sau khi ông đi sứ Trung Quốc (1814 – 1820), có thuyết cho nói ông viết trước khi đi sứ, có thể vào khoảng thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804 – 1809). Thuyết sau được nhiều người chấp nhận hơn”.
Nội dung chính của truyện xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều, một cô gái có tài sắc. Thúy Vân, Thúy Kiều và Vương Quan là con của Vương quan ngoại. Cả Vân và Kiều đều là người có nhan sắc nhưng Kiều không chỉ mang vẻ đẹp sắc sảo mà còn có đủ tài cầm, kì, thi, họa, đặc biệt là tài đánh đàn. Nhân một lần ba chị em đi du xuân trong tiết thanh minh, trên đường về Kiều đã gặp nấm mồ không hương khói của Đạm Tiên, nàng đã thắp một nén hương rồi gặp Kim Trọng. Đêm về, Kiều nằm mơ thấy Đạm Tiên báo cuộc đời nàng cũng phải trả kiếp nợ hồng nhan giống mình. Kim Trọng vì yêu mến Kiều đã chuyển về cạnh nhà nàng sinh sống. Nhân cha mẹ đi vắng, Kiều đã sang nhà bên cùng Kim trọng uống rươu thề nguyền dưới trăng. Cha và em Kiều bị thằng bán tơ vu oan, bị bắt giải lên nha môn, Kim Trọng phải về quê chịu tang chú nên không hay biết Kiều phải bán mình chuộc cha và em. Trước khi đi, Kiều đã trao duyên cho Vân, nhờ Vân trả nghĩa chàng Kim. Kiều bị lừa bán vào tay Mã Giám Sinh – Tú Bà, những tay buôn người chuyên nghiệp. Bị ép tiếp khách nhưng Kiều không đồng ý mà dùng cái chết để giữ gìn trinh tiết của mình. Tú Bà sợ mất món tiền lớn đã vờ ngon ngọt, hứa gả Kiều cho người tử tế sau khi nàng lành bệnh nhưng lại âm thầm cấu kết với Sở Khanh ép Kiều ra tiếp khách. Kiều được Thúc Sinh cứu và cưới làm vợ lẽ nhưng lại bị Hoạn Thư đánh ghen, nàng đã trầm mình trên sông Tiền Đường nhưng được sư bà Giác Duyên cứu. Thế nhưng sư bà Giác Duyên đã gửi gắm Kiều vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh – những kẻ buôn người, Kiều rơi vào lầu xanh lần thứ hai. Tại đây nàng đã gặp Từ Hải – người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, đã cứu Kiều khỏi lầu xanh, giúp nàng báo ân báo oán và có cuộc sống hạnh phúc ngắn ngủi. Từ Hải vì nghe lời Kiều mà ra đầu hàng Hồ Tôn Hiến để rồi bị chết đứng. Kiều phải ra hầu đàn, hầu rượu cho kẻ thù giết chồng bị ép gả cho một viên quan quèn. Quá uất ức, nàng đã trẫm mình trên sông nhưng lại được sư bà Giác Duyên cứu. Kim Trọng sau khi chịu tang chú trở lại biết chuyện, nên duyên với Vân nhưng vẫn đi tìm Kiều. Cuối cùng tìm được Kiều nhưng Kiều tủi nhục, xấu hổ vì không xứng đáng với Kim. Hai người đã chấp nhận “đem tình cầm sắt đổi sang cầm kì”
Truyện Kiều của Nguyễn Du sở dĩ trở thành kiệt tác bởi những giá trị tư tưởng và nghệ thuật mà nó mang đến cho nền văn học Trung đại Việt Nam. Trước hết, Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh sinh động về một xã hội phong kiến thối nát – nơi mà sức mạnh của đồng tiền có thể mua được tất cả: công lý, đạo đức, số phận của một con người. Xuyên suốt cả tác phẩm, ta như thấy được một thế lực đen tối của các ác trong xã hội đương thời không ngừng vùi dập, dìm sâu những khao khát rất đỗi nhân văn của con người xuống tận đáy sâu của sự tuyệt vọng. Truyện Kiều chính là bản cáo trạng đanh thép tội ác của kẻ thống trị và sức mạng của đồng tiền.
Cũng ở đó, ta bắt gặp số phận của một người con gái tài sắc nhưng lại truân chuyên, lênh đênh, chìm nổi. Khao khát được sống, được yêu, được hạnh phúc và tấm lòng sắc son của Thúy Kiều luôn được Nguyễn Du nhắc tới với một sự trân trọng, nâng niu. Trong suốt 15 năm lưu lạc, chưa bao giờ Kiều thôi nhớ về Kim Trọng và khao khát được trở về nhà. Nhưng ngặt một nỗi món nợ hồng nhan cứ cuốn chặt lấy nàng, càng giãy dụa, Kiểu càng bị thít chặt hơn. Và chỉ khi trả hết món nợ ấy, Kiều mới được trở về. Bởi vậy, Nguyễn Du mới đau đáu về thân phận của con người, đặc biệt là những người phụ nữ tài sắc trong xã hội xưa:
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Đọc hết Truyện Kiều, người đọc càng thương cảm cho số phận Kiều bao nhiêu thì khát vọng về tình yêu tự do và ước mơ công lý được Nguyễn Du gửi gắm càng hiện rõ bấy nhiêu. Khao khát tình yêu tự do ấy được Nguyễn Du gửi gắm trong bước chân “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Kiều trong đêm thề nguyền dưới trăng với Kim Trọng. Có người đã nhận xét, khi Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình để gặp Kim Trọng cũng là lúc nàng đạp đổ những định kiến của xã hội phong kiến, phá bỏ những rào cản, xiềng xích trói buộc người phụ nữ đến với hạnh phúc cuộc đời mình. Ước mơ về công lý ấy được Nguyễn Du gửi gắm trong phiên tòa báo ân báo án của Thúy Kiều với Thúc Sinh, Hoạn Thư, Tú Bà….Như một câu chuyện cổ tích, Kiều được gặp gỡ Từ Hải và được chàng yêu thương. Có lẽ, quãng thời gian ngắn ngủi bên từ Hải là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong suốt 15 năm lênh đênh chìm nổi của Kiều. Và chắc hẳn, Nguyễn Du cũng nhận ra chính Từ Hải và chỉ có Từ Hải mới mang đến cho Kiều hạnh phúc trọn vẹn như nàng mong muốn mà thôi.
Truyện Kiều cũng là bức chân dung tinh thần tự họa của Nguyễn Du, với “con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”. Con người chan chứa tình yêu thương con người ấy đau cùng nỗi đau của nhân vật, khóc cũng nỗi tủi hờn, nhục nhã của nhân vật và cũng vui sướng khi đứa con tinh thần của mình được yêu thương, trân trọng.
Với Truyện Kiều, Nguyễn Du đã xây dựng thành công hệ thống nhân vật với hai tuyến nhân vật thiện – ác rõ ràng. Mỗi nhân vật đều mang chân dung riêng biệt và chỉ được phác họa qua vài nét chấm phá nhưng cũng đủ để khắc sâu vào lòng người đọc một cô Kiều thông minh, sắc sảo, đa sầu đa cảm; một nàng Vân hiền lành, phúc hậu; một Kim Trọng thư sinh, một Mã Giám Sinh tục tằn, một Sở Khanh đểu giả, một Hoạn Thư ghê gớm, một Từ Hải oai hùng….tất cả nhân vật hiện lên như một mảnh ghép hoàn hảo hoàn thiện bức tranh hiện thực đương thời. Nguyễn Du đã lựa chọn lối kể chuyện mới mẻ: kể chuyện bằng thơ lục bát. Thơ lục bát vốn dĩ giàu âm điệu, thanh sắc là sự lựa chọn đúng đắn trong việc thể hiện nội tâm nhạy cảm, đa màu sắc, biến đổi tinh tế của nhân vật. Với Truyện Kiều, ngôn ngữ tiếng Việt của ta đã được khẳng định bởi mức độ biểu đạt tinh tế, sâu sắc của mình. Truyện Kiều còn thành công trong việc sử dụng điển tích, điển cố, miêu tả tâm lý nhân vật qua những đoạn độc thoại nội tâm đắt giá.
Truyện Kiều có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống của con người Việt Nam. Từ đó, lấy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều… đã phát sinh trong cộng đồng người Việt. Bên cạnh đó, một số nhân vật trong truyện cũng trở thành nhân vật điển hình: Sở Khanh (chỉ những người đàn ông phụ tình), Tú bà (chỉ những người dùng phụ nữ để mại dâm, và thu lợi về mình), Hoạn Thư (chỉ những người phụ nữ có máu ghen thái quá), v.v….
Ngoài ra, Truyện Kiều còn là đề tài cho các loại hình khác, như âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh, thư pháp,… Hiện nay, Truyện Kiều đang được giảng dạy trong môn Ngữ văn lớp 9 và lớp 10 với các đoạn trích được đặt tên như Chị em Thúy Kiều, Cảnh ngày xuân, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Mã giám sinh mua Kiều, Kiều báo ân báo oán…
Không chỉ có ảnh hưởng ở Việt Nam, Truyện Kiều còn chinh phục được cả bạn bè quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng với trên 60 bản dịch khác nhau. Và gần như mỗi năm, Truyện Kiều đều được tái bản. Từ năm 1975 đến nay cứ cách khoảng 10 năm lại có một bản Truyện Kiều được dịch sang tiếng Nhật. Truyện Kiều cũng là cuốn sách duy nhất trên thế giới có thể đọc ngược từ cuối đến đầu để câu chuyện về nàng Kiều diễn ra theo chiều thời gian ngược lại, như đang xem một cuốn phim tua ngược chiều (đúng với nội dung trong tác phẩm của Nguyễn Du).
Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du ta không chỉ thấy lênh đênh, chìm nổi một cuộc đời của một người phụ nữ tài hoa mà ta còn thấy ở đó một trái tim, một con người với tầm nhìn vượt xa thời đại lúc bấy giờ.
Thuyết minh về một tác phẩm văn học – mẫu 2
Nếu văn học Trung Quốc tự hào về nhà văn Lỗ Tấn, văn học Nga tự hào về nhà văn Macxim Gooky thì Việt Nam cũng tự hào về đại thi hào Nguyễn Du. Ông đã để lại cho nền văn học nước nhà tác phẩm văn học vô cùng nổi tiếng mang tên Truyện Kiều. Với học vấn uyên thâm cùng tài năng văn học xuất chúng, cùng những giá trị nhân đạo sâu sắc, Nguyễn Du và Truyện Kiều thực sự đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Du (1765 – 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan, có truyền thống văn học. Cha ông là Nguyễn Nghiễm, cũng là người giỏi văn chương. Ông thi đỗ tiến sĩ và làm quan Tể tướng. Mẹ ông là bà Trần Thị Tân, người con gái Bắc Kinh cũng văn hay chữ tốt. Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản làm quan từ dưới thời Lê Trịnh.
Ông xuất thân danh giá nhưng cuộc đời lại nhiều nỗi đau. Năm 13 tuổi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải sống với anh Nguyễn Khản. Khi ông 15 tuổi, Nguyễn Khản bị khép tội mưu phản, ông phải nương nhờ nhà họ hàng xa. Đặc biệt, cuộc đời ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử giai đoạn của thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX – giai đoạn mà giai cấp cai trị thối nát, tham lam, không quan tâm nhân dân, họ chém giết lẫn nhau để tranh giành quyền lực.
Ông phiêu bạt nhiều nơi trong hoàn cảnh đó, đến năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, Nguyễn Du phải bất đắc dĩ làm quan. Ông được cử sang Trung Quốc hai lần nhưng lần thứ 2 vào năm 1820 chưa kịp đi thì ông bị bệnh và mất tại Huế. Tuy cuộc đời nhiều biến cố nhưng đổi lại ông có được vốn kiến thức sâu rộng cùng nỗi lòng thương cảm xót xa với số phận bi thảm của người dân. Ông là đại thi hào của dân tộc với nhiều tác phẩm có giá trị gồm ba tập thơ bằng chữ Hán gồm Thanh Hiên Thi tập, Bắc Hành tạp lục, Nam Trung tạp ngôn và tác phẩm chữ Nôm xuất sắc nhất là Truyện Kiều.
Truyện Kiều trước đó có tên là Đoạn trường Tân Thanh. Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tạo từ truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân Trung Quốc. Tuy nhiên Truyện Kiều lại được viết bằng thể thơ lục bát gồm 3254 câu thơ và chia thành ba giai đoạn: Gặp gỡ và đính ước, gia biệt và lưu lạc, đoàn tụ. Truyện kể về cuộc đời của nàng Kiều. Thúy Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, trưởng thành trong gia đình trung lưu lương thiện họ Vương, nhà có ba chị em: Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan. Trong một lần du xuân, Kiều gặp gỡ Kim Trọng, cả 2 đem lòng yêu nhau và âm thầm tự do đính ước. Gia đình Kim Trọng xảy ra biến cố, chú mất, Kim Trọng phải về Liêu Dương để tang chú, gia đình Kiều cũng gặp biến cố, Kiều phải bán thân chuộc cha.
Kiều bị bọn buôn mình là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt, lưu lạc vào lầu xanh. Kiều gặp Thúc Sinh và được về làm vợ lẽ, nhưng Hoạn Thư là vợ Thúc Sinh ghen tuông, nàng bị đánh ghen. Trốn khỏi nhà Thúc Sinh và lại rơi vào tay Bạc Hà, Bạc Hạnh lưu lạc lầu xanh lần hai. Tại đây Kiều gặp Từ Hải – một anh hùng “đội trời đạp đất”. Từ Hải chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, giúp Kiều báo ân, báo oán. Song, Kiều lại mắc mưu Hồ Tôn Hiến, Từ Hải chết, Kiều bị ép lấy viên quan thổ quan. Vì quá nhục nhã, đau đớn, nàng gieo mình xuống sông Tiền. Sau đó, nàng được sư Giác Duyên cứu và quyết định tu hành. Kim Trọng sau khi chịu tang xong trở lại kết duyên với Thúy Vân nhưng vẫn không quên được Kiều. Sau 15 năm lưu lạc Kiều đoàn tụ cùng gia đình và Kim Trọng nhưng quyết định không kết duyên với Kim Trọng mà trở thành tri âm tri kỉ.
Giá trị nội dung được thể hiện qua giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm. Truyện Kiều phản ánh hiện thực xã hội đương thời với bộ mặt tàn bạo của giai cấp thống trị. Sức mạnh của đồng tiền và số phận những con người bị áp bức, nạn nhân của đồng tiền, đặc biệt là người phụ nữ. Cuộc đời đầy nước mắt của người con gái tài sắc Thuý Kiều cũng bắt đầu từ chính sức mạnh và sự bất nhân của đồng tiền.
Truyện cũng có giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc. Trước hết là sự trân trọng đề cao con người từ ngoại hình, phẩm chất, tài năng khát vọng đến ước mơ và tình yêu chân chính. Đồng thời lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp lên quyền sống của con người. Mặt khác Truyện Kiều còn thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước số phận và những khổ đau của con người, đặc biệt là người phụ nữ và trân trọng tài năng, nét đẹp của những con người tài hoa mà bạc mệnh.
Về giá trị nghệ thuật, Nguyễn Du đã bộc lộ tài hoa, sắc sảo trong nghệ thuật tự sự, miêu tả nhân vật, tả cảnh, sử dụng ngôn từ. Truyện Kiều là một kiệt tác nghệ thuật, với bút pháp của một nghệ sĩ thiên tài, tiếng Việt trong Truyện Kiều đã đạt đến độ giàu và đẹp. Với việc sử dụng ngôn ngữ kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật miêu tả – tả cảnh ngụ tình Nguyễn Du đã tái hiện thành công bức tranh một xã hội tàn bạo bất công, chà đạp lên những con người nghèo khó, đặc biệt là người phụ nữ. Qua đó lên án các thế lực xấu xa. Đồng thời đề cao vẻ đẹp ngoại hình, tài năng cùng nhân phẩm và khát vọng chân chính của con người về tự do hạnh phúc, chân lí.
Với những thành công về nội dung và nghệ thuật như thế, Truyện Kiều đã trở thành tác phẩm tiêu biểu của đời thơ Nguyễn Du, của văn học dân tộc. Nguyễn Du và Truyện Kiều sẽ sống mãi trong lòng người đọc, sống mãi với dân tộc.
Thuyết minh về một tác phẩm văn học – mẫu 3
Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét về tác gia Nguyễn Du và Truyện Kiều: “Tuy Nguyễn Du đã sáng tạo nhân vật Thúy Kiều nhưng Kiều lại có thật với Nguyễn Du, Nguyễn Du đã sống rất lâu trong tâm tình của Kiều, đã nhập vào Kiều làm một”. Qua đó, ta thấy được rằng tuyệt tác Truyện Kiều ghi dấu tâm huyết, tài năng của thi nhân.
Đại thi hào Nguyễn Du tên hiệu là Thanh Hiên, tên chữ là Tố Như. Ông xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, giàu truyền thống khoa bảng. Cơn lốc lịch sử đạp đổ lầu son gác tía đẩy ông vào cuộc sống lay lắt, tha hương suốt mười lăm năm trời. Cuộc sống đó bóp nghẹt lí tưởng nhất quán khiến ông sống giữa cuộc đời như những người dân thường. Con người thanh liêm, sống thầm lặng, khinh bỉ quan lại chỉ biết lo vinh hoa phú quý, không lo gì đến việc dân, việc nước, nay lại trực tiếp chứng kiến nỗi khổ của nhân dân nên ông có con mắt nhìn đời thông suốt sáu cõi. Những va đập cuộc đời khiến thi sĩ đồng cảm sâu xa với mọi kiếp người đày đọa, tạo nên chiều sâu tư tưởng tác phẩm Truyện Kiều sau này. Vốn hiểu biết uyên bác làm cơ sở để tuyệt tác Truyện Kiều trở thành một viên ngọc sáng trong văn học Việt Nam về giá trị nghệ thuật.
Mộng Liên Đường cho rằng: “Những lời văn tả ra hình như có máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thía, ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột”. Tác phẩm ban đầu mang tên Đoạn trường tân thanh nhưng nhân dân gọi là Truyện Kiều. Áng truyện thơ lấy nội dung từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện nhưng những sáng tạo của đại thi hào là rất lớn. Câu chuyện nói về mười lăm năm lưu lạc, tủi nhục của nàng Kiều sau khi gia biến, bán mình chuộc cha và em. Chủ nghĩa nhân đạo cao đẹp của Nguyễn Du biến một câu chuyện tình khổ thành khúc ca đớn đau, tri âm với kẻ bạc mệnh, những điều mắt thấy tai nghe trong xã hội bấy giờ cũng đi vào trang viết của thi sĩ. Truyện Kiều ngợi ca tình yêu tự do và ước mơ công lí. Mối tình Kim – Kiều dám vượt lên những ràng buộc của lễ giáo phong kiến khắt khe để thề nguyền cùng nhau, rung động đầu đời trong sáng, chân tình không chút vụ lợi. Hình ảnh nàng Kiều:
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Còn khiến mỗi chúng ta ngạc nhiên bởi Nguyễn Du khuyến khích tinh thần chủ động ấy. Giữa phường gian trá, thi nhân khắc họa nhân vật Từ Hải không chỉ thể hiện ước nguyện xã hội công lí mà nhân vật phần nào phản ánh lí tưởng của thi sĩ từng bị giam hãm. Từ Hải là ngôi sao sáng bang qua cuộc đời Kiều, giúp nàng thực hiện màn báo ân, báo oán thích đáng. Đọc Truyện Kiều như vọng lại tiếng khóc đau thương cho thân phận con người. Nguyễn Du từng nói:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
Người cho rằng: Chữ tài liền với chữ tai một vần nên xoay quanh đời Kiều- người con gái tài hoa luôn phải gánh chịu bao giông tố. Tiếng khóc xót xa cho mối tình đằm thắm Kim – Kiều “đứt gánh tương tư”, mối tình tri kỉ của Từ Hải và nàng Kiều. Giọt nước mắt đắng chát khi nhân phẩm bị chà đạp, thân xác con người bị đánh đập tàn nhẫn. Sâu xa hơn, tiếng kêu khóc vang lên đòi quyền sống cho con người trong nỗi đau nhân thế. Nguyễn Đình Thi nhận định: “Truyện Kiều là ngọn roi sắt quất thẳng vào những sự bất công, độc ác, dối trá…”, có thể xem thi phẩm là bản cáo trạng đanh thép vạch trần sự mục ruỗng, thối nát của xã hội bấy giờ. Mọi tầng lớp đều bỉ ổi bị thế lực đồng tiền chi phối từ thằng bán tơ, lũ buôn thịt bán người như Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh, chức quan Hồ Tôn Hiến… Nguyễn Du bóc trần nhìn thẳng vào thực trạng, gọi tên những kẻ chà đạp lên quyền sống con người.
Truyện Kiều có sức sống trường tồn còn bởi những giá trị nghệ thuật đặc sắc. Với học vấn uyên thâm, Nguyễn Du thành công xây dựng nhân vật sinh động, cá tính. Nàng Kiều không phải nhân vật minh họa mà nàng có đời sống nội tâm, lí tưởng cao đẹp của Từ Hải cũng được khắc tạc. Với thể thơ lục bát giàu truyền thống, đại thi hào biến một tiểu thuyết thành thơ vừa mộc mạc vừa trang nhã, cổ điển. Điểm nhìn trần thuật của tác giả cũng thay đổi linh hoạt, đặt vào từng nhân vật, khiến tác phẩm không khô khan. Ngôn ngữ trong Truyện Kiều có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn từ bác học và dân gian tạo nên sức biểu cảm, sự trong sáng.
Nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du, ta không thể không nhớ tới áng thiên cổ kì bút Truyện Kiều. Ở đó hội tụ tất cả cái tài, tấm lòng và tầm vóc của thi nhân. Những giá trị đích thực của tác phẩm còn bất tử với nền văn học Việt Nam.
Thuyết minh về một tác phẩm văn học – mẫu 4
Nguyễn Du từ những điều đã “trông thấy” mà “đau đớn lòng”, từ việc học tiếng nói của người trồng dâu và cả trái tim nhân đạo lớn, một tài năng lớn mà ông đã viết nên Truyện Kiều. Đã mấy thế kỉ qua đi, nhưng Truyện Kiều vẫn có một sức hấp dẫn đối với các thế hệ bạn đọc.
Truyện Kiều được Nguyễn Du sáng tác dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Từ câu chuyện đó, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một câu chuyện mới. Truyện Kiều có 3254 câu thơ Nôm và được viết bằng thể thơ lúc bát. Truyện xoay quanh nhân vật chính là Thúy Kiều và gồm có ba phần. Phần một đó là gặp gỡ và đính ước. Vào năm Gia Tĩnh triều Minh, có một nhà viên ngoại họ Vương có ba người con. Nhà ông là thuộc kiểu “ Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung” và có ba người con, trong đó Thúy Kiều là chị cả, tiếp đó là Thúy Vân, em út là Vương Quan. Trong tiết thanh minh, ba chị em đi du xuân và tình cờ trong buổi hôm đó, Thuý Kiều đã gặp được Kim Trọng – một văn nhân tài tử. Hai người gặp gỡ nhau rồi sau đó, thề nguyện cùng nhau.
Phần hai – gia biến và lưu lạc, không lâu sau đó, gia đình Kim Trọng xảy ra biến cố, chàng phải trở về quê để chịu tang chú. Còn gia đình Kiều, cha nàng bị thằng bán tơ lừa nên Thúy Kiều buộc phải bán mình để chuộc cha. Sóng gió cuộc đời xô đẩy khiến nàng rơi vào tay những kẻ buôn phấn bán hương như Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh. Nhưng rồi, một khách làng chơi là Thúc Sinh đã cứu nàng khỏi chốn lầu xanh. Vợ của Thúc Sinh là Hoạn Thư vì ghen với nàng nên nàng bỏ đi và nương nhờ nơi cửa Phật. Sư Giác Duyên vô tình giao lầm nàng cho Bạc Bà, Bạc Hạnh – những kẻ cũng giống như Tú Bà, Mã Giám Sinh. Kiểu rơi vào lầu xanh một lần nữa. Từ Hãi bống xuất hiện và cứu vớt nàng khỏi chốn nhơ nhớp đó. Tưởng rằng từ đây hạnh phúc đã mỉm cười với nàng…Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến, nàng phải hầu rượu cho hắn ta. Thúy Kiều quyết định tự tử và một lần nữa sư Giác Duyên đã cứu nàng.
Phần ba đó là đoàn tụ. Sau khi chịu tang chú xong, Kim Trọng trở về thì hay tin Thuý Kiều đã bán mình chuộc cha và trao duyên cho em gái là Thuý Vân. Kim Trọng vô cùng đau khổ. Thúy Kiều trở về nhưng Kim Trọng và Thúy Kiều quyết định “Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”
Truyện Kiều có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Nguyễn Du đã phơi bày những hiện thưch xấu xa, tàn ác trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Đồng thời, trái tim của đại thi hào cũng đồng cảm với những con người mà “tài mệnh tương đố”, Nguyễn Du trân trọng và ngợi ca những giá trị tốt đẹp, đồng tình với những ước mơ, khát vọng của họ. Về giá trị nghệ thuật, Nguyễn Du đã kế thừa thể thơ lục bát từ văn học dân gian. Đồng thời, ngôn ngữ mà ông sử dụng thật chính xác và giàu giá trị biểu cảm, có giá trị nghệ thuật cao.
Truyện Kiều luôn có một sức hấp dẫn đối với các thế hệ bạn đọc. Những vấn đề mà Nguyễn Du đã đặt ra không chỉ có ý nghĩa thời đại mà còn chạm đến những vấn đề mang tính muôn đời. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy trân trọng kiệt tác của dân tộc, đó chính là viên ngọc quý không dễ có được, thậm chí là vài trăm năm ta mới thấy xuất hiện một lần.