Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7: tại đây
1. Nguồn âm
– Vật phát ra âm gọi là nguồn âm.
– Sự rung động (chuyển động) qua lại vị trí cân bằng gọi là dao động.
– Các vật phát ra âm đều dao động.
2. Độ cao của âm
– Số dao động vật thực hiện được trong 1 giây gọi là tần số.
Đơn vị tần số là Héc (Hz).
– Âm phát ra càng cao (càng bổng) khi tần số dao động càng lớn.
– Âm phát ra càng thấp (càng trầm) khi tần số dao động càng nhỏ.
3. Độ to của âm
– Độ lệch lớn nhất của vật dao động so với vị trí cân bằng của nó được gọi là biên độ dao động.
– Biên độ dao động càng lớn, âm càng to.
– Độ to của âm được đo bằng đơn vị đêxiben (dB).
Chú ý:
+ Tai người chỉ nghe được âm có tần số từ 20 Hz đến 20000 Hz. Các âm có tần số nhỏ hơn 20 Hz gọi là hạ âm, các âm có tần số lớn hơn 20000 Hz gọi là siêu âm.
+ Tai người chịu được âm có độ to lớn nhất là 130 dB.
4. Môi trường truyền âm
– Chất rắn, chất lỏng, chất khí là những môi trường có thể truyền được âm.
– Chân không không truyền được âm.
– Vận tốc truyền âm trong chất rắn lớn hơn trong chất lỏng, trong chất lỏng lớn hơn trong chất khí.
5. Phản xạ âm – Tiếng vang
– Âm phản xạ là âm dội lại khi gặp một mặt chắn.
– Âm gặp mặt chắn đều bị phản xạ nhiều hay ít. Tiếng vang là âm phản xạ nghe được cách âm trực tiếp ít nhất là 1/15 s.
– Các vật mềm, có bề mặt gồ ghề phản xạ âm kém. Các vật cứng, có bề mặt nhẵn, phản xạ âm tốt (hấp thụ âm kém).
6. Chống ô nhiễm và tiếng ồn
– Ô nhiễm tiếng ồn xảy ra khi tiếng ồn to, kéo dài, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hoạt động bình thường của con người.
– Để chống ô nhiễm tiếng ồn cần giảm độ to của tiếng ồn phát ra, ngăn chặn đường truyền âm, làm cho âm truyền theo hướng khác.
– Những vật liệu làm giảm tiếng ồn truyền đến tai gọi là những vật liệu cách âm.