Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây
Đề bài: Tuổi trẻ và tương lai đất nước .
A/ Dàn ý chi tiết
I. MỞ BÀI:
– Dẫn dắt, nêu vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước.
– Có thể dẫn dắt lời thư của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam công học tập của các em” hoặc một số câu khác có nội dung tương tự.
II. THÂN BÀI:
* Giải thích thế nào là tuổi trẻ?
– Tuổi trẻ là lứa tuổi thanh niên, thiếu niên. Là lứa tuổi được học hành, được trang bị kiến thức và rèn luyện đạo đức, sức khỏe, chuẩn bị cho việc vào đời và làm chủ xã hội tương lai.
– Tuổi trẻ là những người chủ tương lai của đất nước, là chủ của thế giới, động lực giúp cho xã hội phát triển. Một trong những việc làm quan trọng nhất của tuổi trẻ chính là nhiệm vụ học tập.
* Vì sao thế hệ trẻ lại ảnh hưởng đến tương lai đất nước?
– Thanh niên học sinh hôm nay sẽ là thế hệ tiếp tục bảo vệ, xây dựng đất nước sau này.
– Vốn tri thức được học và nền tảng đạo đức được nhà trường giáo dục là quan trọng, cơ bản để tiếp tục học cao, học rộng, đem ra thực hành trong cuộc sống khi trưởng thành.
– Một thế hệ trẻ giỏi giang, có đạo đức hôm nay hứa hẹn có một lớp công dân tốt trong tương lai gần. Do đó, việc học hôm nay là rất cần thiết.
– Thế giới không ngừng phát triển, muốn “sánh vai các cường quốc” thì đất nước phải phát triển về khoa học kĩ thuật, văn minh – điều đó do con người quyết định mà nguồn gốc sâu xa là từ việc học tập, tu dưỡng thời trẻ.
* Thực tế đã chứng minh, việc học tập của tuổi trẻ tác động lớn đến tương lai đất nước.
– Những người có sự chăm chỉ học tập, rèn luyện khi còn trẻ thì sau này đều có những cống hiến quan trọng cho đất nước:
+ Ngày xưa: Những người tài như Lí Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi từ thời trẻ đã chăm chỉ luyện rèn, trưởng thành lập những chiến công làm rạng danh đất nước.
+ Ngày nay: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng. Các nhà khoa học xã hội có nhiều đóng góp cho đất nước trong mọi lĩnh vực như nhà bác học Lương Định Của, tiến sĩ Tạ Quang Bửu, anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa.
– Từ xưa đến nay, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại gian khó, hy sinh.
+ Trong chiến tranh: (Dẫn chứng cụ thể)
+ Trong thời bình: (Dẫn chứng cụ thể)
– Các thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay cũng đang ra sức luyện tài, đã gặt hái được những thành công trong học tập, nghiên cứu khoa học đó sẽ là tiền đề quan trọng để đưa đất nước phát triển hơn trong tương lai.
* Làm thế nào để phát huy được vai trò của tuổi trẻ?
– Đảng và nhà nước cần có những chính sách ưu tiên hơn nữa cho việc đào tạo thế hệ trẻ.
– Nhà trường phải đẩy mạnh công tác giáo dục thế hệ trẻ về tài, đức.
– Mỗi người trẻ cần ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với sự phát triển của đất nước, phải chăm chỉ học hành, rèn luyện đạo đức.
III. KẾT BÀI:
– Khẳng định tầm quan trọng của việc học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ đối với tương lai của đất nước.
– Liên hệ bản thân, rút ra bài học.
B/ Bài văn mẫu
Tuổi trẻ và tương lai đất nước – mẫu 1
Người Việt Nam thường nói: “Tre già măng mọc”, “Con hơn cha là nhà có phúc”. Vấn đề truyền thống là mạch ngầm trong lòng dân tộc, là sức sống kỳ diệu 4000 năm dựng nước và giữ nước. Cha ông ta trao cho con cháu ngọn lửa thiêng của nền văn hóa, văn hiến và hơn ai hết tuổi trẻ của thế hệ hôm nay phải có sứ mệnh thắp sáng hơn đưa ngọn lửa thiêng ấy lên đài vinh quang trong tương lai.
Tuổi trẻ là những người người thuộc thế hệ trẻ trong xã hội. Họ đang ở lứa tuổi đang hăng say học tập, làm việc, cống hiến sức mình xây dựng đất nước. Tương lai đất nước là vị thế của đất nước trong tương lai. Tuổi trẻ hôm nay chính là lực lượng xây dựng và khẳng định vị thế đất nước trong tương lai.
Tuổi trẻ thời đại nào cũng vậy, họ chính là tương lai của đất nước. Trần Quốc Toản lúc chưa tròn 14 tuổi đã đứng trong hàng ngũ gia tướng nhà Trần làm nên những chiến công xuất sắc. Chàng thanh niên Phạm Ngũ Lão lúc mười chín, đôi mươi đã lập biết bao chiến công hiển hách, vang danh đến ngàn đời. Nguyễn Trãi anh hùng xuất thiếu niên, cùng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đánh cho quân Minh kinh hồn bạt vía, dựng nên triều Lê hùng mạnh suốt trăm năm.
Đến thời đại Hồ Chí Minh, có biết bao anh hùng trẻ tuổi đã không tiếc máu xương của mình bảo vệ nền độc lập dân tộc. Lớp lớp người ngã xuống, trở thành tấm gương sáng ngời về ý chí đấu tranh, tinh thần xả thân cứu nước, không ngại gian khổ, hi sinh. Họ sống anh hùng, gan dạ, chết kiên trung, bất khuất. Tên tuổi của họ mãi mãi được khắc ghi vào lịch sử. Nếu không có sự đóng góp sức lực và hi sinh cao cả của lớp người trẻ tuổi ấy, cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược của dân tộc chắc chắn sẽ còn kéo dài hơn nữa.
Khi đất nước hoà bình, tuổi trẻ lại đem hết sinh lực của mình phục vụ cho công cuộc khôi phục và phát triển đất nước. Tuổi trẻ lại tiên phong tuyến đầu trong phong trào kinh tế mới. Máu lại tiếp tục đổ xuống vì bom đạn của kẻ thù vẫn còn chìm sâu trong đất. Biết bao con người đã ngã xuống để cho những mảnh đất chết nay lại xanh cây, tốt lúa, nhà máy mọc lên ngay trên chiến trường năm xưa.
Nhắc lại những trang quá khứ hào hùng ấy là để chúng ta nhìn rõ hơn thế hệ tuổi trẻ hôm nay phải làm sao cho xứng đáng với thế hệ đã đổ máu xương cho Tổ quốc. Có thể nói ở thời điểm hiện tại lúc ấy, những con người cống hiến và biết hy sinh đã làm nên hôm nay. Hiện tại họ đổ máu. Họ hướng tới mục đích độc lập dân tộc tự do để cho tương lai, chúng ta có nền tự do dân chủ cộng hòa.
Nhiệm vụ của tuổi trẻ thời nào cũng có những mục đích rất cụ thể. Hàng triệu thanh niên đã ngã xuống trong cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ đề có độc lập, tự do. Giờ đây hàng triệu thanh niên học sinh Việt Nam cần phải thấm nhuần lời dạy của Bác: “Học tập tốt, lao động tốt”. Hơn bao giờ hết chúng ta cần suy ngẫm tới những lời nói vàng ngọc xuất phát từ gan ruột của Bác trong “Thư gửi học sinh” nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Muốn đạt tới điều ấy, Bác kỳ vọng rất nhiều vào thế hệ trẻ. Bởi vì, thế hệ trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước, sẽ đưa đất nước đi xa vào nền văn minh hạnh phúc.
Nhiệm vụ của thế hệ trẻ với tương lai không có sự lựa chọn nào khác đó là phải chăm chỉ học tập và tiếp thu kho tàng kiến thức của nhân loại. Phải là những người nắm vững và sở hữu những tri thức tiến bộ nhất của văn minh loài người thì mới có thể đưa nước nhà vào quỹ đạo của những nước văn minh, như Lênin đã từng nói: “Tri thức là sức mạnh; ai có tri thức, người đó có sức mạnh”
Tiếp cận tri thức nhân loại và làm giàu cho đất nước ngày nay cũng là một mặt trận không có tiếng súng nhưng chiến thắng trong lĩnh vực trí tuệ là đều không dễ dàng. Được học là hạnh phúc, là được lao vào biển cả mênh mông đầy kỳ thú của tri thức. Học là để mưu sinh cho mình, cho gia đình và rộng lớn là cống hiến cho cộng đồng, cho dân tộc… Nói một cách khác, học tập là nhu cầu tự thân. Học tập phải đi theo đúng quy luật của việc tiếp nhận tri thức để sau này thực hành nó trong nghề nghiệp, ứng xử nó trong cuộc đời. Học tập cho cá nhân mình trở nên hoàn thiện, tự tin vào chính năng lực của mình để làm chủ mình, làm chủ xã hội…
Tuy nhiên, có người coi chuyện học như một việc khổ sai. Việc học là do sự thúc ép của cha mẹ, của thầy cô. Việc học không tự giác dẫn tới sự lười biếng cẩu thả. Chính mình tự đầu độc mình bằng… học. Người ta coi học tập là ngày hội thì một số người coi học tập là nỗi nhọc nhằn phải chịu đựng. Kiến thức của các bộ môn cứ y như rơm mà con người phải nhai vậy. Có nhiều bạn trẻ người coi chuyện học tập là thi cử, học chỉ để lấy bằng cấp, sau này thăng quan tiến chức. Bằng cấp giả, đạo đức giả, tệ tham nhũng, hối lộ, thất thoát tiền của nhà nước, mất công bằng xã hội cũng từ những con người ấy mà ra. Thật nguy hại thay lối học cơ hội này sẽ tạo ra những nhân cách cơ hội. Chúng chẳng những không đưa nước ta sánh vai các cường quốc mà ngược lại chúng làm cho dân tộc ta tụt hậu, lụn bại dần đi.
Thời đại của tri thức, của khoa học và công nghệ. Ai nắm được tri thức, công nghệ, người ấy nắm được chiếc đũa thần để tạo được những bước đi thần diệu cho đất nước. Nhiệm vụ của tuổi trẻ phải có được những chiếc đũa thần để sánh vai các nước anh em. Bất cứ ai đang ở tuổi ăn học, phải tạo mọi điều kiện để tiếp cận tri thức. Chỉ có tri thức dồi dào trong tầng lớp tuổi trẻ thì tương lai dân tộc mới xán lạn, lấp lánh ánh hào quang.
Tuổi trẻ cũng cần phải nâng cao ý chí, quyết tâm, củng cố nghị lực, niềm tin, sống có ước mơ, khát vọng, hoài bão lớn lao. Phải xây dựng cho mình một lý tưởng sống cao đẹp, phù hợp với thời đại, đáp ứng được yêu cầu của bản thân và dân tộc. Tuổi trẻ phải sẵn sàng tiên phong mặt trận, xung kích đi đầu trong những nhiệm vụ khó khăn, sẵn sàng khi tổ quốc cần. Làm sao sánh vai được với các cường quốc năm châu như lời mong ước của Bác đặt kỳ vọng vào tuổi trẻ Việt Nam? Tuổi trẻ hôm nay không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vụ học tập và rèn luyện, tự hoàn thiện tri thức, đạo đức và lý tưởng sống cao đẹp, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, là người kế tục nhiệm vụ của cha anh tiếp tục xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tuổi trẻ Việt Nam không phải không có những nhân tài. Nhưng tất cả tuổi trẻ Việt Nam phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở. Mọi người đều phải là anh vệ quốc quân, anh giải phóng quân ngày nào. Tất cả chúng ta phải coi chuyện học tập bình lặng hằng ngày là những chiến công. Nói như đại tướng Võ Nguyên Giáp là thanh niên ta hiện nay cần phải lập những Điện Biên Phủ mới để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên huy hoàng, ấm no, hạnh phúc.
Tuổi trẻ và tương lai đất nước – mẫu 2
Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ đã thiết tha căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Lời nhắn nhủ của Bác một lần nữa càng giúp ta thấm thía hơn vai trò, trách nhiệm của thế hệ với tương lai đất nước.
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Cuộc đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Vâng, tuổi trẻ là chặng đời con người có thể có những đóng góp lớn lao nhất cho xã hội. Vì sao vậy? Bởi lẽ, tuổi trẻ là tuổi sung sức nhất trong cuộc đời mỗi con người. Tuổi trẻ là tuổi ôm ấp bao ước mơ, hoài bão. Tuổi trẻ là tuổi năng động và sáng tạo. Tuổi trẻ cũng là tuổi có sức bật mạnh hơn hết thảy. Với tất cả những phẩm chất tinh túy ấy, không bàn cãi gì nữa, thế hệ trẻ sẽ là những chủ nhân của đất nước, sẽ là nguồn động lực hàng đầu trong công cuộc xây dựng một đất nước phát triển và giàu mạnh. Song, để có thể sống và đóng góp một cách trọn vẹn, viên mãn nhất cho đất nước, tuổi trẻ cũng cần chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết để tiến vào tương lai, đảm đương vai trò, sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Tuổi trẻ ấy không ai khác chính là chúng ta, thế hệ học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Vậy, chúng ta phải chuẩn bị những gì cho hàng trang đi vào tương lai? Thiết nghĩ, trước hết chúng ta phải là những con người có đạo đức tốt, có nhân cách cao đẹp. Đồng thời, phải không ngừng nỗ lực để nâng cao tri thức, hiểu biết, trí tuệ nhằm đem tài năng của mình phục vụ cho Tổ quốc. Nghĩa là, mỗi người phải phần đấu để trở thành con người toàn diện, vừa có đức, vừa có tài. Lời Bác dạy vẫn còn đó: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Con đường tiếp cận tri thức của nhân loại là cả một hành trình không mệt mỏi, không có chỗ dừng. Để có thể thực sự trở thành những chủ nhân vững vàng của đất nước tương lai, ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta phải không ngừng học tập, nắm bắt một cách đầy đủ những kiến thức cơ bản để có thể tiến xa hơn trên con đường khám phá tri thức nhân loại, trở thành lực lượng lao động tri thức, trở thành những con người cốt cán của thời đại khoa học kĩ thuật.
Tương lai đất nước phụ thuộc vào việc học của chúng ta. Lời nhắn nhủ của Bác đặt trong hoàn cảnh hiện nay càng sâu sắc hơn bao giờ hết. Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội sẽ không chấp nhận những ai bằng lòng với những gì mình đang có. Điều đó cũng có nghĩ làm không chịu học, không ham học thì chúng ta sẽ bị tụt hậu. Chắc chắn, sứ mệnh của những chủ nhân tương lai sẽ không phải là chúng ta. Điều này quả là ngoài ý muốn của những ai biết yêu Tổ quốc, giống nòi, biết tự hào với truyền thống cao đẹp của “con Hồng cháu Lạc”.
Vậy chúng ta phải học tập như thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu lớn lao đó? Thiết nghĩ, mỗi người phải ý thức rõ vai trò chủ nhân tương lai đất nước. Không ngừng học tập và học hỏi, học với tất cả sự nhiệt tình và niềm say mê khám phá không ngừng để tiếp cận chân lí của tri thức nhân loại. Xác định rõ mục tiêu học tập vinh quang ấy, mỗi học sinh phải xem những tấm gương hiếu học, những gương mặt tài năng trẻ không chỉ là niềm tự hào của tuổi trẻ chúng ta mà còn là cái đích vươn lên của mỗi con người. Trau dồi kiến thức, học đến đâu chắc đến đó; kết hợp học với hành, lí thuyết gắn với thực nghiệm để có kích thích sáng tạo; tìm tòi cái mới. Và tất nhiên, không bao giờ quên ý thức trau dồi trở thành con người toàn diện cả tài và đức. Bởi chỉ thực sự có tài và có đức thì mới mong đóng góp được nhiều cho đất nước, cho dân tộc.
Bác mong các cháu mai khôn lớn
Nối gót ông cha bước kịp mình.
(Tố Hữu)
Lời Bác dạy và mong ước tha thiết của Người sẽ mãi là lẽ sống đẹp của mỗi chúng ta, hôm nay và mai sau. Bạn, tôi và tất cả chúng ta chắc chắn sẽ là những chủ nhân xứng đáng của đất nước. Và, tất nhiên phải bắt đầu ngay từ bây giờ, những gì cần thiết nhất để hoàn thành sứ mệnh của tương lai.
Tuổi trẻ và tương lai đất nước – mẫu 3
Tuổi trẻ là lực lượng những con người đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, thời gian cống hiến cho xã hội lâu dài. Họ có sức khoẻ, có khát vọng hoài bão, có lý tưởng, dám nghĩ dám làm, không ngại khó khăn hay lùi bước trước gian khổ. Nói một cách khác, họ là nguồn tài nguyên vô giá của mỗi dân tộc. Còn tương lai đất nước là để chỉ con đường phía trước của một dân tộc. Nó có thể tươi đẹp hoặc có thể ảm đạm. Nói đến tương lai của đất nước là nói đến sự phát triển của mỗi dân tộc, tuổi trẻ có vai trò quyết định rất lớn. Bởi vì lịch sử của mỗi dân tộc, thì trong mỗi giai đoạn đều có những đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết mà con người phải đáp ứng. Và hơn hết, lực lượng tuổi trẻ là những con người có thể đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử.
Để hiểu rõ được điều này, chúng ta cần thấy được, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, tuổi trẻ đã làm được gì? Xưa kia, những vị anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Quốc Toản, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi đã làm cho để quốc phương Bắc hiểu rằng không dễ gì có thể thôn tính được dân tộc ta. Ví dụ như hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị đã dấy lên cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô vào thế kỷ thứ I, khiến toàn thể Giao Châu bị chấn động. Hay như ông Quang Trung, ông đã chỉ huy nhân dân ta, chiến thắng hai mươi vạn quân Thanh xâm lược. Ông là một con người đánh trăm trận trăm thắng. Họ là những con người của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, họ cứ kế tiếp nhau đứng dậy đánh giặc, duy trì sự tồn tại của đất nước.
Vào những năm thế kỷ hai mươi, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tuổi trẻ Việt Nam đã lập được rất nhiều chiến công. Họ là những lực lượng bộ đội du kích, dân quân, thanh niên xung phong, họ bảo vệ đất nước, họ đánh đuổi giặc, với một khát vọng giải phóng đất nước. Nào là chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi, anh Bế Văn Đàn, họ đã viết tiếp những trang sử vàng cho dân tộc ta. Và đặc biệt, người thiếu niên trẻ tuổi, tiêu biểu nhất đó là Nguyễn Ái Quốc. Người đã dùng sức mạnh của tri thức để giải phóng dân tộc ta. Với đức tình cần cù, ham học hỏi, Bác đã thu nhận được nguồn kiến thức to lớn khiến người đời phải thán phục.
Tuổi trẻ hiện nay, chiến tranh đã lùi xa ba mươi năm, và hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta phải góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước để thỏa lòng mong ước của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.” Tuổi trẻ Việt Nam luôn đi đầu trong mọi lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, kinh doanh, sản xuất. Những tấm gương học tập như Ngô Bảo Châu, Nguyễn Phương Ngọc đã làm rạng danh cho nền toán học nước nhà, để thế giới phải khâm phục tuổi trẻ Việt Nam, hay như Đặng Lê Nguyên Vũ – một doanh nghiệp trẻ, Phan Hồng Huy – 15 tuổi giải nhất tin học không chuyên,… Và còn biết bao con người Việt Nam khác, họ đã trở thành những lực lượng thanh niên tình nguyện, đi đến những miền đất xa xôi của tổ quốc để lập nghiệp, cứu giúp những người còn nghèo khổ.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những học sinh, sinh viên không biết tôn trọng tuổi trẻ, sống hời hợt, vô trách nhiệm. Họ đam mê những thị yếu tầm thường, như là rượu chè, cờ bạc, nặng hơn nữa, họ lười lao động, sống bằng lừa đảo, trộm cắp.
Vậy, chúng ta phải làm gì? Tuổi trẻ hiện nay phải sống có lý trí, có hoài bão và có đạo đức. Chúng ta phải trau dồi tri thức để đáp ứng kịp thời những nhu cầu của đất nước, của xã hội.
Tuổi trẻ và tương lai đất nước – mẫu 4
“Tre già măng mọc” quy luật ngàn đời nay vẫn thế. Cũng như cuộc sống con người, thế hệ trước cống hiến, hi sinh cũng sẽ đến lúc nhường bước cho thế hệ trẻ vươn lên làm chủ vận mệnh của đất nước. Và tuổi trẻ chính là tương lai của đất nước, tuổi trẻ sẽ quyết định sự tồn vong, hưng vượng của một quốc gia.
Tuổi trẻ không ai khác chính là lứa tuổi thanh thiếu niên, những bạn độ tuổi học sinh sinh viên, họ được trang bị kĩ lưỡng về tri thức và kĩ năng để chuẩn bị hành trang vững chắc bước vào cuộc sống, bước vào hành trình xây dựng đất nước.
Vậy vì sao tuổi trẻ và chỉ có tuổi trẻ mới là tương lai, mới là sự phát triển của đất nước? Trước hết, theo đúng như quy luật đã nói ban đầu, tre già măng mọc, cây già ngã xuống cây non sẽ đứng lên tiếp bước. Con người ta không ai có thể trường tồn mãi mãi, mà cũng sẽ có lúc phải nghỉ ngơi, và để xã hội tiếp tục phát triển các thế hệ sau sẽ kế tục. Thứ hai thế hệ trẻ được trang bị đầy đủ, kĩ lưỡng trên tất cả các phương diện: sức khỏe, tri thức, đạo đức để đem những điều mình đã được học phục vụ cuộc sống bản thân và xã hội khi đã trưởng thành. Sự ảnh hưởng của thế hệ trẻ đến tương lai của đất nước còn thể hiện ở sự phát triển của đất nước khi thế hệ đó kế tục. Một thế hệ giỏi giang, cần mẫm, sống có đạo đức của ngày hôm nay chính là dấu hiệu cho tương lai vững bền, tươi sáng của đất nước trong tương lai. Không chỉ vậy, thế giới không ngừng phát triển, khoa học công nghệ đưa văn minh nhân loại đến những bước tiến ngoài sức tưởng tượng, mà thế hệ trẻ lại là thế hệ có sức trẻ, có nhiệt huyết, thông minh và sáng tạo dễ dàng tiếp thu và đưa vào thực tiễn các tri thức mới. Bởi vậy, họ chính là chủ nhân tương lai của đất nước.
Vai trò của thế hệ trẻ, không phải chỉ đến bây giờ mới được xác định, mà hàng trăm năm trước đây đã được minh chứng bằng những vị anh hùng đã lưu danh sử sách. Lý Công Uẩn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,… đều là những người có học thức uyên bác, tuổi trẻ cần cù, chăm chỉ lại thêm thiên phú trời ban đã lập nên những chiến công hiển hách, đã để lại sự nghiệp văn chương vĩ đại cho muôn đời sau. Gần hơn ta có thể kể đến chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người thanh niên trẻ tuổi, thông minh, hiếu học, đã sẵn sàng rời quê nhà ra đi tìm đường cứu nước. Trong quá trình bôn ba hải ngoại vẫn không ngừng học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, để tìm ra con đường cứu nước đúng đăn cho dân tộc. Gần hơn chút nữa, chắc hẳn các bạn vẫn không quên cậu bé Đỗ Nhật Nam, tuy nhỏ tuổi nhưng rất thông minh, xuất chúng, đây chính là mầm mon sẽ gánh vác sự phát triển của đất nước sau này.
Nhìn vào thực tiễn lịch sử, từ xưa đến nay thế hệ trẻ luôn là thế hệ đi đầu, tiên phong, sẵn sàng xông vào khó khăn hiểm nguy. Trong thời chiến ta vẫn nhớ những vị anh hùng trẻ tuổi như Lê Văn Tám,… đến thời bình những chiếc áo xanh tình nguyên khoác trên mình khẩu hiệu, “Đâu cần thanh niên có. Việc khó có thanh niên” đem sức trẻ đi giúp đỡ mọi người trên khắp mọi miền đất nước. Vậy ta mới thấy, tuổi trẻ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của đất nước.
Để phát huy sức trẻ, chúng ta, thế hệ học sinh cần chăm chỉ học tập hơn nữa, không chỉ bồi đắp tri thức mà còn rèn đạo đức, luyện kĩ năng, để có đầy đủ công cụ cần thiết, sẵn sàng bước vào cuộc sống và cống hiến. Bên cạnh đó nhà nước cũng cần có các chính sách ưu tiên hơn nữa khuyến khích việc học, phát triển tài năng…
Thế hệ trẻ chính là tương lai đất nước, là cội rễ cho sự phát triển của dân tộc. Là một học sinh, chúng ta cần không ngừng nỗ lực, cố gắng, xây dựng cho bản thân một mục đích, mục tiêu rõ ràng, không ngừng phấn đấu để đạt được những mục tiêu mình đã đề ra.