Viết bài tập làm văn số 5

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 9: tại đây

Đề bài: Chất độc màu da cam mà đế quốc Mĩ đã rải xuống các cánh rừng miền Nam thời chiến tranh đã để lại di hoạ nặng nề cho hàng chục vạn gia đình. Hàng chục vạn người đã chết. Hàng vạn trẻ em chịu tật nguyền suốt đời. Cả nước đã lập quỹ giúp đỡ các nạn nhân nhằm phần nào cải thiện cuộc sống và xoa dịu nỗi đau cho họ. Em hãy nêu suy nghĩ của mình về các sự kiện đó.

A/ Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

– Giới thiệu, dẫn dắt người đọc về hiện tượng chất độc màu da cam.

– Nêu suy nghĩ cụ thể của em.

2. Thân bài:

– Nỗi đau của những người trong cuộc:

+ Sự đau đớn về thể xác và tinh thần của các nạn nhân chất độc màu da cam, nhất là các em nhỏ được sinh ra khi bố hoặc mẹ bị nhiễm chất độc màu da cam.

+ Chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng nó vẫn còn để lại những hậu quả rất đau lòng, nhất là đối với cha mẹ các nạn nhân.

+ Sự khó khăn về kinh tế cũng ngày càng hành hạ họ.

– Thái độ của chúng ta:

+ Lên án kẻ thù đã gây ra những hậu quả to lớn cho con người, tổ quốc ta. Đó chính là đế quốc Mĩ.

+ Phê phán thái độ thờ ơ của mọi người, nhất là khi chúng ta mang ơn cha mẹ các nạn nhân đó đã không quản ngại hi sinh để có nền độc lập cho chúng ta hưởng thụ như ngày nay.

+ Cần có biện pháp cụ thể từ phía nhà nước để có chế độ hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân

+ Mỗi người chúng ta cần có trách nhiệm lập ra các quỹ giúp nạn nhân chất độc da cam; các quỹ, hội cần có các hoạt động đấu tranh đòi quyền lợi cho những nạn nhân…

3. Kết bài: Nghị luận xã hội về chất độc màu da cam

– Đất nước ta không thể nào bình yên khi hàng ngày, hàng giờ vẫn có những con người bị ảnh hưởng của hậu quả chiến tranh để lại, khi mà những thảm họa chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. 

– Cần có suy nghĩ và việc làm cụ thể của bản thân để giúp ích cho xã hội trong việc phát triển đất nước và tăng cường các hoạt động tình nguyện để giúp ích cho các nạn nhân chất độc da cam.

B/ Sơ đồ tư duy

C/ Bài văn mẫu

Suy nghĩ của em về các sự kiện chất độc màu da cam – mẫu 1

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, và hiện tại dân tộc Việt Nam đang sống trong bầu trời xanh của sự hòa bình, tự do nhưng những vết thương và hậu quả tàn khốc do chiến tranh gây ra vẫn còn tồn tại trong thực tiễn cuộc sống và trong tiềm thức của mỗi người. Một trong những ám ảnh thể hiện rõ điều này là nỗi đau mang tên “chất độc màu da cam”.

Tên gọi chất độc màu da cam gắn liền với sự kiện lịch sử hết sức tàn khốc trong giai đoạn những năm từ 1961 đến năm 1971. Với thành phần chính là đi- ô- xin, chất độc màu da cam được xếp vào chất độc thuộc nhóm nguy hiểm ở cấp độ 1. Vậy mà, để thỏa mãn khát vọng bành trướng và mở rộng thuộc địa lúc bấy giờ, đế quốc Mĩ đã không ngần ngại sử dụng hóa chất độc hại này với mục đích tàn phá căn cứ địa, các tuyến đường giao thông huyết mạch của dân tộc ta. Để rồi cuối cùng, hậu quả mà nó gây ra không chỉ dừng lại ở việc cướp đi mạng sống của hơn 400.000 người, phá hoại những cánh rừng trù phú, biến những mảnh đất màu mỡ trở thành miền đất của tử thần mà còn gây ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai của hàng triệu con người khác. Mặc dù đã hơn nửa thế kỉ trôi qua kể từ khi 80 triệu lít chất độc màu da cam được rải xuống miền Nam nước ta nhưng hậu quả của nó vẫn đeo bám đến những thế hệ sau đó, và rồi hàng triệu con người Việt Nam đã phải sinh ra với hình hài tật nguyền và không trọn vẹn. Cuộc đời của họ không chỉ trải qua những nỗi đau, mất mát về thể xác mà còn phải mang trong mình những ám ảnh tinh thần. Với đặc tính di truyền, những con số về những trẻ em được sinh ra do ảnh hưởng của chất độc màu da cam vẫn chưa dừng lại mà vẫn tiếp tục có dấu hiệu gia tăng từng ngày, từng giờ. Chào đời trong hình hài dị dạng, những nạn nhân của chất độc màu da cam phải sống trong những mặc cảm cùng sự đau đớn về thể xác cũng như tinh thần. Được sinh ra với hình hài khỏe mạnh và lành lặn mới thấu và thấm thía hết nỗi đau này: “Tôi đã khóc khi không có giày để đi, cho đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày” (câu nói của nhà văn Mĩ Helen Keller).

Trước những mất mát, đau thương mà những nạn nhân phải gánh chịu, những con người Việt Nam đã mở rộng tấm lòng để đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau của họ. Nỗi đau mang tên chất độc màu da cam được gây ra bởi chính lòng tham và tham vọng vô nhân đạo của con người. Với dã tâm bành trướng và thâu tóm, xâm chiếm nước ta, đế quốc Mĩ không ngần ngại sử dụng chất độc này để thực hiện phương châm càn quét “giết nhầm còn hơn bỏ sót” và để lại những vết thương không bao giờ lành khi nói đến hậu họa do chiến tranh phi nghĩa để lại. Thực tế đã chứng minh rằng, có rất nhiều phong trào quyên góp, ủng hộ quỹ vì nạn nhân chất độc màu da cam vẫn diễn ra thường xuyên và rộng khắp. Cuộc đấu tranh để đòi quyền lợi cùng bồi thường cho các nạn nhân cũng diễn ra sôi nổi. Ngày “Vì nạn nhân chất độc màu da cam” được thành lập vào ngày 10 tháng 8 hằng năm dựa trên mốc thời gian 10- 8- 1961 – ngày đánh dấu việc quân đội Mĩ rải chất độc màu da cam xuống nước ta. Đồng thời, những công ty tham gia và sản xuất, cung cấp chất độc nguy hại này cho quân đội Mĩ vẫn đang hứng chịu làn sóng chỉ trích, lên án mạnh mẽ của dư luận. Những hành động, việc làm thấm đẫm tinh thần nhân đạo và ngời sáng tinh thần nhân văn trên đã thể hiện rõ sự đồng cảm, sẻ chia và tình yêu thương luôn lan tỏa trong mối quan hệ giữa những con người cùng mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.

Thời gian luôn được xem là liều thuốc hữu hiệu có tác dụng chữa lành mọi vết thương. Nhưng đã hơn nửa thế kỉ trôi qua, vết thương mang tên chất độc màu da cam vẫn còn đó và những nạn nhân của nỗi đau này vẫn phải hứng chịu những bất hạnh và khổ đau. Bởi vậy, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trên con đường đấu tranh đòi lại công lí để làm vơi bớt sự đau thương mà các nạn nhân phải trải qua.

Suy nghĩ của em về các sự kiện chất độc màu da cam – mẫu 2

Có lẽ trên thế giới, ít có dân tộc nào lại phải chịu đựng nhiều cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc và kéo dài tưởng chừng bất tận như dân tộc Việt Nam. Vừa kết thúc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp chưa được bao lâu, dân tộc ta lại phải đương đầu với đế quốc Mĩ – một cường quốc hùng mạnh nhất thế giới. Trong suốt hai mươi năm, giặc Mĩ đã gây ra những tội ác tày trời ở Việt Nam. Dã man nhất là tội ác có tính hủy diệt thiên nhiên và con người. Với mục đích “tìm diệt” đối phương (tức quân Giải phóng của ta), Mĩ đã cho máy bay rải chất độc hóa học ở nhiều nơi trên chiến trường miền Nam, nhất là miền Trung và Tây Nguyên. Những cánh rừng trụi lá, thân cây cháy đen. Rồi vườn tược, ruộng đồng hoa màu khô héo. Sông suối cũng bị đầu độc. Không một thứ sinh vật nào có thể sống sót dưới những cơn mưa chất độc màu vàng.

Chất độc màu da cam đã để lại di họa nặng nề, khủng khiếp cho hàng chục vạn gia đình. Hàng vạn người đã chết, không ít trẻ em ra đời sau chiến tranh đã trở thành nạn nhân của nó. Vấn đề này đang là thời sự nóng hổi được dư luận trong và ngoài nước quan tâm. Phong trào Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam đã và đang lan rộng khắp nơi, được nhiều người tham gia, ủng hộ. Khi xem phim ảnh chiếu trên truyền hình và được tiếp xúc với các bạn nhỏ ở làng Hòa Bình trong bệnh viện Từ Dũ, thành phố Hồ Chí Minh, em thật sự xúc động và có cảm giác là trái tim như bị một bàn tay vô hình bóp thắt. Tội ác của giặc Mĩ, di hại của chất độc màu da cam hiển hiện rõ ràng trên những con người tật nguyền, dị dạng. Có bé không chân, có bé không tay, có bé toàn thân đầy lông lá,… nhiều bé chân tay vặn vẹo, không thể đi lại, một số ít may mắn có được hình dáng bình thường thì lại câm điếc hoặc bị bại não… Số phận bất hạnh sẽ đeo bám các em suốt đời. Thử hỏi có ai không động lòng thương trước những bé thơ vô tội ấy?! Nỗi đau đớn về thể xác của các em đã ghê gớm nhưng nỗi đau đớn, dày vò về tinh thần của các em và gia đình, dòng họ… còn ghê gớm gấp trăm lần. Sinh ra là người mà các em không được quyền sống, học tập và làm việc như bao người khác. Những bệnh tật hiểm nghèo và số phận bất hạnh đeo đẳng các em suốt đời khiến cho hoàn cảnh sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Càng thương xót các nạn nhân, chúng ta càng căm phẫn những kẻ đã gieo rắc tai họa trên đất nước này. Tội ác của chúng là tội ác hủy diệt, đi ngược lại quá trình tiến hóa của tự nhiên, chà đạp thô bạo lên quyền sống của con người. Tội ác khủng khiếp đó đã bị nhân loại tiến bộ trên thế giới đồng thanh lên án.

Từ năm 2004 đến nay, phong trào Góp tay xoa dịu nỗi đau da cam đã phát triển rộng rãi trên khắp đất nước ta. Hàng triệu tấm lòng, hàng triệu cánh tay, hàng triệu chữ kí sẵn sàng giúp đỡ và đấu tranh cho quyền lợi của các nạn nhân. Các cơ quan, đoàn thể, trường học… đều nhiệt tình hưởng ứng phong trào để góp phần làm vơi bớt nỗi bất hạnh của họ. Tình thương yêu đồng loại, tình cảm dân tộc được thể hiện rõ ràng, cụ thể qua những căn nhà tình thương, những đồng vốn cấp cho các gia đình nạn nhân để xóa đói giảm nghèo, để chữa bệnh… Gần đây, ủy ban về vấn đề của nạn nhân chất độc màu da cam đã khởi kiện các công ti hóa chất sản xuất và cung cấp chất độc cho quân đội Mĩ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Sự kiện này đã làm rung động dư luận quốc tế và thức tỉnh lương tri nhân loại. Chắc chắn, những kẻ gây ra tội ác sẽ phải chịu trách nhiệm và phải bồi thường cho hàng vạn nạn nhân. Chúng ta tin rằng chân lí cuối cùng sẽ chiến thắng.

Thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần của các gia đình nạn nhân là to lớn, không gì bù đắp được. Những việc mà chúng ta làm cho họ dù bao nhiêu cũng vẫn là quá nhỏ, chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau chứ không thể nào chấm dứt những nỗi đau khủng khiếp mà họ phải chịu đựng! Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Không nỗi đau nào riêng của ai” (Máu và hoa), nỗi bất hạnh của các nạn nhân nói riêng cũng là nỗi bất hạnh của dân tộc Việt Nam nói chung. Chúng ta hãy cùng nhân loại cất cao tiếng nói phản đối chiến tranh phi nghĩa, ngăn chặn bàn tay tội ác để không bao giờ thảm kịch “chất độc màu da cam” tái diễn ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này.

Suy nghĩ của em về các sự kiện chất độc màu da cam – mẫu 3

Nhà văn hào Victor Hugo từng nói: “Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác”. Quả thực, chiến tranh đã qua đi hơn nửa thập kỷ nhưng những tội ác mà nó để lại vẫn luôn còn hiện hữu trong đời sống con người, không ngoại trừ những con người Việt Nam. Chất độc màu da cam là một trong những tội ác kinh hoàng mà chiến tranh để lại cho người dân Việt, để lại hậu quả nặng nề cho những nạn nhân.

Vậy: “chất độc màu da cam là gì?” Chất độc màu da cam là loại thuốc diệt cỏ cực mạnh được Mỹ sản xuất, sử dụng để mục đích tàn phá các cánh rừng Trường Sơn để làm lộ con đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa và căn cứ của ta. Chất độc này phá hoại mùa màng của ta trong chiến tranh chống Mỹ. Thành phần chính của chất độc là điôxin. Những nạn nhân của chất độc màu da cam gồm lính Mỹ và đồng minh, người dân thường, quân dân Việt Nam nhiễm phải chất độc qua đường hô hấp. Hiện nay hiện có năm triệu người là nạn nhân của chất độc này nhưng phần lớn đều là người Việt Nam. Về thực trạng Việt Nam có hơn bốn triệu nạn nhân mắc các căn bệnh hiểm nghèo đều là do hậu quả của chất độc màu da cam như ung thư, phụ nữ đẻ non hoặc sinh con bị quái thai như sứt môi, hở hàm ếch, thiếu chân tay, tâm thần, bại liệt hay dị dạng,…Đã có trường hợp trong một gia đình có từ 3 – 5 người con bị nhiễm độc. Họ đang đòi công lý trong cuộc đấu tranh nhọc nhằn giai dẳng và Mỹ chưa chịu đền bù khi khiến hàng chục vạn người chết. Hàng vạn trẻ em chịu tật nguyền suốt đời.

Tội ác của lính Mỹ khi reo rắc nỗi sợ hãi mang tên “Chất độc màu da cam” đã gây ra hậu quả nặng nề. Những người dân Việt không may lại nhiễm chất độc màu da cam thời đánh Mỹ sẽ có tính chất di truyền sinh ra con bị biến dị, mất năng lực hành vi dân sự và thậm chí bị vô sinh. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới sự duy trì, phát triển nòi giống của đất nước. Các nhà khoa học kết luận rằng chất độc màu da cam đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khỏe con người, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3 là con em của những người bị phôi nhiễm. Thậm chí, cả những trẻ em sống trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học cũng có biểu hiện tâm lý. Chất dioxin đã ảnh hưởng về di truyền sinh thái đặc biệt gây ra tình trạng sẩy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh ở phụ nữ bị nhiễm. Tác động của chất độc cơ thể lên tới 100 năm. Bên cạnh đó, những người bị nhiễm chất độc màu da cam bị khuyết tật, ung thư… Thậm chí là mất năng lực hành vi dân sự sẽ ảnh hưởng không ít đến sự phát triển của đất nước, trở thành nỗi đau, gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Vậy nên, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, thành lập quỹ cho nạn nhân chất độc màu da cam. Các tổ chức, xã hội tiếp tục đấu tranh đòi công lý với các công ty hóa chất để được bồi thường. Chúng ta đã tận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Các cá nhân đồng cảm, sẻ chia bằng việc làm thiết thực.

Suy nghĩ của em về các sự kiện chất độc màu da cam – mẫu 4

Chiến tranh đã lùi xa nhưng di hoạ mà nó để lại vẫn hàng ngày hàng giờ làm bao người Việt Nam đau đớn. Trước tình hình ấy, cả nước đã lập quỹ giúp đỡ các nạn nhân chất độc màu da cam nhằm phần nào cải thiện cuộc sống và xoa dịu nỗi đau của họ.

Chất độc màu da cam mà Đế quốc Mỹ đã rải xuống các cánh rừng miền Nam thời chiến tranh đã tạo nên nỗi kinh hoàng cho thế hệ sau của những người đã từng sống ở những khu vực đó. Những đứa trẻ vô tội, tật nguyền, dị dạng, vừa chào đời đã phải lìa đời hoặc nếu sống được thì sức khoẻ, trí tuệ thậm chí cả hình hài đều không bình thường… Những sinh linh quái dị và vô tội ấy trở thành nỗi ám ảnh, đau đớn đến tê tái của người thân, gia đình và của toàn xã hội.Nguyên nhân nào dẫn đến thảm hoạ ấy? Chính là do sự vô nhân đạo của giới cầm quyền ở một đất nước đã từng tuyên bố về quyền con người trước toàn thế giới. Để thực hiện âm mưu xâm lược của mình, đế quốc Mỹ đã không từ một thủ đoạn nào kể cả việc vi phạm quyền làm người của những trẻ thơ vô tội. Những bọc nước, cục thịt, quái thai hoặc những sinh thể điên dại, vô tri vô giác do chất độc màu da cam không chỉ khiến cho gia đình đau đớn về tinh thần, khốn khổ về vật chất mà còn là gánh nặng cho toàn xã hội… Những vết thương không mảnh đạn mà đeo bám dai dẳng mãi mãi không lành. Đó chính là tội ác tày trời mà chiến tranh đã gây ra.

Trước tình hình đó nhiều chương trình ủng hộ những nạn nhân chất độc màu da cam đã được tổ chức. Biết bao người đã khóc thương cho những số phận bất hạnh, biết bao chữ ký đã được thu thập để ủng hộ cuộc đấu tranh đòi bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh. Ngày đầu tiên Mỹ rải chất độc chết người này xuống Việt Nam: 10-8-1961 đã trở thành ngày “Vì nạn nhân chất độc màu da cam”. Cả nước Việt Nam đã lập quỹ giúp đỡ các nạn nhân khốn khổ. Đó là việc làm cần thiết để giúp đỡ họ phần nào cải thiện cuộc sống và xoa dịu nỗi đau. Nhiều em bé tật nguyền, côi cút đã được chăm sóc, nhiều tổ chức chính quyền, doanh nghiệp, cá nhân đã xây dựng nhà tình nghĩa, tặng xe lăn, tiền, quà, thăm hỏi và giúp đỡ các nạn nhân. Nhiều nhóm tình nguyện viên được thành lập để làm việc tại các trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam… Dẫu biết rằng tất cả những giúp đỡ đó không thể bù đắp được những mất mát đau đớn của họ song đó thực sự là hành động đền ơn đáp nghĩa, phù hợp với truyền thống “tương thân tương ái”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta. Cuộc sống không phải luôn mỉm cười với bất kỳ ai. Một danh nhân đã nói: “Không có số phận, chỉ có những quyết định của con người làm nên số phận mà thôi”.

Việt Nam đã cố gắng để xoa dịu nỗi đau chiến tranh, song “ơn phải trả, oán phải đền”. Chính phủ Mỹ và 37 công ty hoá chất đã cung cấp chất độc này cho quân đội Mỹ cũng phải chịu trách nhiệm về sự vô nhân đạo của mình.Nỗi đau của những nạn nhân da cam là một nỗi ám ảnh dai dẳng, việc giúp đỡ họ cần phải làm thường xuyên và liên tục. Bởi vậy mỗi chúng ta cần nhận thức sâu sắc về vấn đề này, tích cực học tập, phấn đấu xây dựng xã hội tốt đẹp mà ở đó mọi người đều được đảm bảo quyền sống và quyền hạnh phúc.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 906

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống