Xem toàn bộ tài liệu Lớp 9: tại đây
Đề bài: Nghị luận về đức tính khiêm tốn.
A/ Dàn ý chi tiết
I. Mở bài
– Khiêm nhường là một trong những đức tính tốt đẹp mà mỗi người cần hướng tới trong quá trình tự hoàn thiện bản thân mình.
II. Thân bài
1. Giải thích
– Khiêm nhường: đức tính khiêm tốn, nhún nhường, không tự đề cao cá nhân mình.
2. Những biểu hiện của đức tính khiêm nhường (khiêm tốn)
– Người có đức tính khiêm nhường là người luôn hiểu mình, biết người, do vậy thường có thái độ nhã nhặn, hay lắng nghe ý kiến của người khác.
– Luôn khiêm tốn học hỏi, có tinh thần cầu tiến, tự nỗ lực để tiến bộ.
– Không tự đề cao mình, không khoe khoang bản thân mình với những người xung quanh.
3. Tại sao mỗi người cần có đức tính khiêm nhường?
– Đức tính khiêm nhường (với những biểu hiện: nhã nhặn, lịch sự, khiêm tốn) sẽ giúp ta có được mối quan hệ gần gũi, hòa hợp trong giao tiếp với những người xung quanh.
– Đức tính khiêm nhường giúp mỗi người tự nhận ra mặt hạn chế của bản thân mình để cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân.
– Sự khiêm tốn, thái độ cầu tiến, ham học hỏi sẽ giúp ta tiến bộ, thành công trên đường đời.
* Dẫn chứng:
– Sự khiêm tốn, cầu tiến được người xưa đúc kết qua những câu tục ngữ: “Muốn lành nghề, chớ nề học hỏi”, “Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”.
– Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về đức tính khiêm nhường.
– Có thể lấy thêm nhiều dẫn chứng khác: trong thực tế, những người có đức tính khiêm nhường thường là những người đạt được những thành công trong công việc cũng như trong đời sống.
4. Phản đề
– Ngược lại với đức tính khiêm nhường là sự kiêu căng, tự mãn. Những người có tính tự kiêu thường hay tự đề cao mình, luôn coi thường những người xung quanh, dễ bị mọi người xa lánh.
– Cũng cần phải thấy rằng: khiêm nhường không có nghĩa là tự ti, tự hạ thấp mình. Khiêm nhường thực sự là đức tính góp phần nâng cao giá trị của con người.
III. Kết bài
– Khiêm nhường là đức tính tốt đẹp, không thể thiếu trong mỗi con người.
– Ngay từ bây giờ, mỗi học sinh cần rèn luyện để có được các đức tính tốt đẹp.
B/ Sơ đồ tư duy
C/ Bài văn mẫu
Nghị luận về đức tính khiêm tốn – mẫu 1
Trong xã hội ngày nay, có không ít người với bước thành công ban đầu đã khoe khoang này nọ đủ thứ để chứng tỏ mình tài giỏi, hiểu biết. Tuy nhiên không phải trong trường hợp nào cũng phải “phô” ra cho người khác xem như thế, vì lòng khiêm tốn trong mọi trường hợp chưa bao giờ là thừa.
Lòng khiêm tốn là gì? Khiêm tốn chính là một lối sống không tự đề cao mình, đánh giá đúng mực về bản thân, không khoe khoang thành công và không ngừng học hỏi ở những người khác. Lòng khiêm tốn là một đức tính đáng quý, cần phát huy của mỗi con người. Nó sẽ giúp cho bạn thành công một cách vững chắc nhất. Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều người tài giỏi, vì thế không nên khoe khoang, khoác loác rằng mình làm được cái này cái nọ, mình hiểu được điều này biết được điều kia. Đó sẽ chỉ là trò cười cho thiên hạ mà thôi. Bản thân mình năng lực như thế nào mọi người sẽ có thể thấy được qua hành động của bạn chứ không phải qua lời nói. Như chúng ta đã biết, thành công luôn là thành quả của một quá trình gian nan, vất vả mới có được. Khi thời gian đủ chín và mọi việc đủ thành thì bạn sẽ nắm trong tay phần thắng. Nếu như lúc đó bạn không khiêm tốn, không biết cách kiềm chế cảm xúc thì có lẽ bạn sẽ chìm ngập trong “mùi vị” vinh quang mà quên mất rằng thực tế bên ngoài còn nhiều điều chưa biết. Những người biết phân biệt đâu là cái danh, đâu là cái mình cần mới thực sự cân bằng được cuộc sống này. Bởi vậy, trong những lúc thế chúng ta mới thấy được lòng khiêm tốn quan trọng như thế nào. Trong xã hội phong kiến có rất nhiều bậc danh nhân vì chán ghét cảnh tranh chấp quan trường mà cáo quan về ở ẩn. Họ luôn giữ cho lòng mình luôn sáng, tinh thần khiêm tốn, thanh cao. Đấy mới là điều đáng quý. Hay như Hồ Chí Minh, một con người vĩ đại lập được bao nhiêu công lao nhưng người chưa bao giờ nói rằng tôi đã làm được cái này, tôi đã làm được cái kia. Người tự cho rằng sự học không bao giờ là thừa, và lòng khiêm tốn cũng vậy. Chúng ta thành công như thế này, có người khác còn thành công hơn chúng ta. Xã hội không thiếu những người tài giỏi mà mình phải ngưỡng mộ học hỏi.
Tuy nhiên hiện nay có một số người với chút công lao ban đầu đã to tiếng rằng mình là người tài giỏi thì thực sự công danh ấy có tồn tại được lâu. Khi tự nhận mình tài giỏi thì họ sẽ tự thỏa mãn rằng như thế là đủ, không cần cố gắng thêm. Như thế là quá sai lầm. Khiêm tốn sẽ giúp cho bản thân mình nhận ra rằng còn điều gì thiếu sót mà mình phải hoàn thiện, học hỏi được từ người khác nhiều điều mà mình không có. Lòng khiêm tốn sẽ khắc phục được rất nhiều nhược điểm đang tồn tại trong bạn, ngày càng hoàn thiện được bản thân mình. Lòng khiêm nhường luôn đi liền với sự hòa nhã, hòa đồng với mọi người, vì tinh thần không ngừng cố gắng học hỏi. Còn đối với những kẻ tự thỏa mãn bản thân thì luôn thấy người khác là thấp hơn mình, không đáng học hỏi. Vậy là tự họ tạo nên khoảng cách cho mình với mọi người. Họ thành kẻ cô lập.
Bởi vậy lòng khiêm tốn đối với mỗi con người là vô cùng quan trọng, giúp cho mỗi con người chúng ta có thể thấy được rằng không có điều gì là đủ, là thừa. Càng khiêm tốn, chúng ta sẽ học hỏi thêm nhiều điều. Nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay.
Nghị luận về đức tính khiêm tốn – mẫu 2
Một bông hoa sẽ trở nên đẹp đẽ trước mắt người đọc khi nó tỏa ngát hương thơm với những màu sắc và vẻ đẹp tượng trưng của mình, và một con người thật sự trở nên là đẹp trước mắt người khác khi con người đó tồn tại nhiều đức tính tốt hơn là xấu. Không ai trong chúng ta không có tật xấu cả trừ những người vĩ đại như Bác Hồ. Thế nên người được coi là đẹp khi có nhiều đức tính tốt hơn và tật xấu thì phải hạn chế được. Một trong những đức tính tốt làm nên vẻ đẹp tâm hồn của con người đó chính là đức tính khiêm nhường.
Khiêm nhường có thể được hiểu là một đức tính tốt của con người mà nó thể hiện được sự nhường nhịn trong con người. Cắt nghĩa từng từ một ta thấy khiêm có nghĩa là khiêm tốn, nhường có nghĩa là nhường nhịn. Vì thế khiêm nhường có nghĩa là khiêm tốn và nhường nhịn trong các mối quan hệ, không tự đánh giá cao bản thân mình và cũng không khoe khoang. Nói tóm lại khiêm nhường chính là không tranh giành sự hơn kém với người khác, khiêm tốn, không ba hoa hay khoe khoang và đồng thời cũng là nhường nhịn sẵn sàng cho họ ý nghĩ là hơn mình. Nói về tính khiêm nhường trong cuốn “Nhật ký về lòng thương xót” của Thánh Nữ Faustina Kowalska, Chúa Giêsu nói với Thánh Nữ về nhân đức khiêm nhường: “Con hãy đem đến Ta các tâm hồn hiền hòa, khiêm tốn và những tâm hồn trẻ thơ. Hãy nhấn chìm họ vào đại dương thương xót của Ta. Những tâm hồn này giống trái tim hơn hết. Họ tăng nghị lực cho Ta để Ta bước vào cơn hấp hối đau thương. Ta thấy họ như những thiên thần trần thế, chầu chực quanh các bàn thờ của Ta. Ta đổ tràn trên họ những dòng thác lũ ân sủng. Duy chỉ những tâm hồn khiêm nhường mới có khả năng đón nhận ân huệ của Ta. Ta đặc biệt tín nhiệm nơi những tâm hồn đó”.
Vậy thì khiêm nhường được thể hiện như thế nào trong cuộc sống hiện nay. Có thể nói rằng trong cuộc sống hiện nay thì khiêm nhường biểu hiện rất rõ qua tính cách của một con người và cũng chính vì thế mà qua các mối quan hệ nó lại càng được thể hiện rõ ràng hơn. Trước hết là tính khiêm nhường trong mối quan hệ của anh chị em trong gia đình. Bố mẹ thì luôn là người hi sinh nhận phần khó phần thiệt phần vất vả về mình để cho ta những cái dễ rồi còn những anh chị em trong một gia đình thì thế nào? Có thể nói chị em trong gia đình nếu có đức tính khiêm nhường thì những người ấy sẽ luôn luôn đặt mình nhỏ hơn và kém hơn anh chị em của mình. Cũng vì thế mà chúng ta học tập được từ những người mình cho là hơn mình những phẩm chất hay bất cứ những thứ gì bản thân mình không có. Nói về khiêm nhường của anh chị em trong nhà dân gian có câu “Chị em lọt sàng thì cũng xuống nia”. Câu nói ấy nói lên được sự khiêm nhường của những anh chị em trong gia đình mặc dầu không có được những cái lợi trong tay mình nhưng chị em mình lại được người máu mủ với mình chứ có phải người dưng đâu mà tiếc. Chính vì thế trong mối quan hệ gia đình cũng rất cần những con người có tính khiêm nhường yêu thương lẫn nhau. Nếu như không có đức tính ấy thì những người trong tranh giành nhau mà đấu đá nhau.
Không những thế mà chúng ta còn phải duy trì tính khiêm nhường với những người xung quanh ta kể cả những người không cùng dòng máu không cùng dân tộc. Chúng ta những người con Việt Nam thì cần phải có đức tính ấy. Bởi vì người dân Việt Nam ta sống rất trọng chữ tình mà khiêm nhường là một đức tính khiến cho ta giữ lại những cái tình trong nhau. Có thể nói rằng khiêm nhường được thể hiện rất rõ trong mối quan hệ xã hội mặc dù không phải là thân thiết hay máu mủ. học cùng với nhau trong một lớp thì dẫu biết mình giỏi đứng đầu lớp thế nhưng nếu là người biết khiêm nhường thì chúng ta sẽ vẫn thấy mình còn rất nhỏ bé, và cần phải học ở những bạn khác nhiều điều. Thật vậy việc mình xếp tên đầu bảng những lĩnh vực mình giỏi không có nghĩa là mình hơn người ta tất cả. biết đâu rằng kiến thức thì ta hơn nhưng kĩ năng sống lại không bằng họ. Chính vì thế mà ta nên học hỏi ở họ giữ một sự khiêm nhường nhất định không nên tự đánh giá mình quá cao mặc cho người ta cũng biết mình giỏi rồi. Tấm gương của đức tính khiêm nhường của chúng ta phải kể đến Bác Hồ. Người là hội tụ đầy đủ nhất những đức tính tốt đẹp của dân tộc ta. Người không những giản dị mà còn rất khiêm nhường. người tìm ra con đường cách mạng cho Việt Nam nhưng Người không hề cảm thấy mình giỏi giang gì so với người khác, luôn luôn nhường cho những người có khả năng lãnh đạo để thay mình.
Như vậy qua đây ta có thể thấy đức tính khiêm nhường là một đức tính tốt và bản thân mỗi người cần xây dựng và gìn giữ nó. Những người có đức tính tốt đẹp này thì thường được mọi người không những yêu quý mà còn rất nể phục. Bởi vì họ có tinh thần học hỏi cao và những người như thế thường rất là tốt. Như vậy còn ngần ngại gì nữa mà không xây dựng đức tính đó cho mình?
Nghị luận về đức tính khiêm tốn – mẫu 3
Trong xã hội hiện đại, để hòa nhập và phát triển bản thân, con người cần không ngừng rèn luyện, hoàn thiện mình, đó là những kĩ năng sống, kĩ năng ứng xử và cả những phẩm chất đạo đức cần thiết. Một trong những đức tính tốt đẹp mà mỗi con người cần hướng đến tu rèn cho bản thân, đó chính là sự khiêm nhường.
Khiêm nhường là một đức tính tốt đẹp nên có và cần phải có ở mỗi con người trong quá trình phát triển, tự hoàn thiện mình. Hiểu một cách đơn giản nhất, “khiêm nhường” là thái độ không tự đề cao mình, biết đánh giá đúng mực ở bản thân, luôn có ý thức học hỏi người khác. Những người có đức tính khiêm nhường thường hòa nhã, thân thiện, biết lắng nghe, tôn trọng người khác hơn là việc tự đề cao, tự mãn với những gì mình đạt được. Những người có đức tính khiêm nhường sẽ không ngừng học hỏi để hoàn thiện mình, bởi họ biết cách tôn trọng, học hỏi những điều hay, lẽ phải ở người khác để phát triển, đồng thời có ý thức khắc phục những hạn chế, nhược điểm ở bản thân. Có rất nhiều tấm gương về đức tính khiêm nhường, Adele – cô ca sĩ nổi tiếng được coi là “họa mi” của nước Anh với giọng hát đầy nội lực, có sức truyền cảm với hàng triệu người nghe nhạc trên thế giới nhưng khi nói về vai trò của người ca sĩ, cô vẫn khiêm tốn thừa nhận “Tôi chỉ là một cô nàng bình thường thôi, danh xưng ca sĩ thật quá tầm với tôi”.
Khiêm nhường là một đức tính đẹp, cần phải có trong thái độ sống của con người hiện đại. Con người là chủ nhân của mọi thành tựu văn minh nhưng xét trên góc độ cá nhân thì không một ai có thể khẳng định mình hoàn hảo. Trong thế giới rộng lớn chúng ta chỉ là hạt cát nhỏ trên xa mạc cát mênh mông, khi biết khiêm nhường chúng ta sẽ biết cách học hỏi để hoàn thiện bản thân, mở rộng hơn cho vốn hiểu biết của mình. Bất kể chúng ta là ai, đang giữ chức vụ gì, tài giỏi đến đâu đều cần có đức tính khiêm nhường. Thái độ sống tốt đẹp này có thể giúp chúng ta duy trì những mối quan hệ tốt đẹp, tạo thiện cảm với những người xung quanh. Trong cuộc sống, tự tin về bản thân là tốt nhưng nếu quá tự mãn về những thành tựu mình đạt được, con người sẽ ngủ quên trong chính những vinh quang của mình. Khi đã tự mãn về bản thân nghĩa là đánh giá mình cao hơn người khác, từ đó mà con người sẽ trở nên trì trệ, không phát triển cũng không thể tiến bộ hơn. Tuy nhiên, khiêm nhường cũng không có nghĩa là tự ti, xem nhẹ bản thân mình vì con người sẽ chẳng thể thành công nếu như chính bản thân họ cũng không tin vào mình. Vì vậy hãy cố gắng hoàn thiện bản thân bản thân bằng cách khiêm nhường, ham học hỏi nhưng cũng cần có ý thức phấn đấu, vươn lên để hướng đến sự tiến bộ, tích cực.
Khiêm nhường là một trong những đức tính quan trọng giúp hoàn thiện giá trị đạo đức của con người. Khi biết khiêm nhường là khi chúng ta biết cách lắng nghe, biết học hỏi những điều tốt đẹp từ người khác, một người có giáo dục thực sự luôn luôn khiêm nhường.
Nghị luận về đức tính khiêm tốn – mẫu 4
Không phải tự nhiên mà Karl Marx đã từng nói rằng: “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự kiêu một chút cũng là nhiều”. Thế mới biết lòng khiêm tốn trong cuộc sống thật quan trọng đến nhường nào.
Lòng khiêm tốn là một phẩm chất tốt mà chúng ta cần phải có trong văn hóa ứng xử hàng ngày. Ấy chính là một lối sống không kiêu căng tự mãn, không tự đề cao mình lên hay hạ thấp người khác xuống, không khoe khoang thành công và không ngừng lòng ham học hỏi ở những người khác. Người có lòng khiêm tốn luôn luôn thể hiện một thái độ hòa nhã, nhún nhường trong cách ứng xử. Trong công việc và trong cuộc sống, những người khiêm tốn thường không dễ dàng thỏa mãn với những gì mình đã đạt được, thỏa hiệp với cuộc sống hiện tại mình đang có mà ngược lại, họ luôn luôn cố gắng phấn đấu vươn lên để có thể bước lên những nấc thang cao hơn nữa. Chính vì thế mà người có lòng khiêm tốn lại thường gặt hái được nhiều kết quả đáng kinh ngạc.
Con người ta là một sinh thể không toàn vẹn trong cõi đất trời, không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả, huống chi trí tuệ của mỗi người chúng ta chỉ là một hạt cát nhỏ bé giữa sa mạc rộng lớn, là một giọt nước giữa đại dương mênh mông. Lòng khiêm tốn sẽ giúp chúng ta có thể hoàn thiện bản thân và mở rộng vốn hiểu biết của mình hơn. Có thể bạn sẽ vỗ ngực tự hào và nói rằng: Tôi có tài năng, tôi nhận thức được tài năng của tôi, vậy tôi có quyền tự hào. Tất nhiên, bạn có quyền tự hào, nhưng tự hào không có nghĩa là tự mãn. Chúng ta không phải là thiên tài duy nhất của vũ trụ, giống như cha ông ta vẫn nói: “núi cao còn có núi cao hơn, người tài còn có người tài hơn”. Hãy nhìn xem Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về đức tính khiêm tốn. Bác có tài giỏi không? Bác có ý chí và tâm hồn thanh sạch không? Bác có phải một hiền nhân của đất nước không? Tất nhiên là có. Thế nhưng suốt cuộc đời mình, Bác luôn giữ một lối sống giản dị, thanh đạm. Dù ở cương vị của một chủ tịch nước, Bác vẫn ở trong ngôi nhà sàn đơn sơ, mộc mạc.
Khiêm tốn giúp con người ta thắng không kiêu, bại không nản, và người biết khiêm tốn sẽ lấy thành công cùng thất bại đó làm động lực thúc đẩy họ tiếp tục tiến lên phía trước. Ngược lại, những kẻ tự mãn, ngu ngốc đắm chìm trong thành công của mình mà quên mất rằng họ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo lập những thành quả mới.Cuộc sống là một sự vận động và biến đổi không ngừng, thành công hôm nay là vinh quang nhưng đối với ngày mai chỉ là quá khứ. Chỉ có khiêm tốn, không ngừng học hỏi, tích lũy tri thức, thì sự hiểu biết ngày càng mở rộng, khẳng định được tài năng và giá trị của chính mình. Một kẻ tự phụ về tài năng học thức của mình, không chịu học hỏi bất kỳ ai, không tiếp thu những cái mới thì một ngày nào đó, kiến thức của họ sẽ trở nên nông cạn, lạc hậu, không theo kịp được sự phát triển của xã hội.
Thế nhưng, trong cuộc sống ngày nay con người quá coi trọng danh tiếng, đẳng cấp và quyền lợi, họ sẵn sàng giành giật những điều tốt đẹp về mình mà sẵn sàng đụng chạm đến những ham muốn của người khác. Đôi khi chỉ là một lời khen, một danh hiệu trong lớp nhưng vì nhiều người cùng ham muốn đạt được, chẳng ai biết khiêm nhường, chẳng ai chịu lùi ra sau mà gây nên bao tranh giành, thù oán và chia rẽ. Thế nên mỗi người trong chúng ta cần phải biết học tập, rèn luyện và trau dồi để hoàn thiện đức tính tốt đẹp này.