Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6 – Kết Nối Tri Thức: tại đây

Bài tập 1. trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Đọc lại bài thơ Chuyện cổ tích về loài người (từ Mắt trẻ con sáng lắm đến Đường có từ ngày đó) trong SGK (tr. 40 – 41) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Theo lời kể của nhà thơ, vì trẻ con, những sự vật, hiện tượng nào được sinh ra?

Trả lời:

Theo lời kể của nhà thơ, vì trẻ con mà các sự vật, hiện tượng như mặt trời, cỏ cây, hoa, chim, làn gió, sông, biển, cá tôm, cánh buồm, đám mây, con đường,… được sinh ra.

Câu 2 trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Nhà thơ đã sử dụng những biện pháp tu từ nào để miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên? Những biện pháp tu từ đó có tác dụng gì?

Trả lời:

Những biện pháp tu từ nhà thơ sử dụng để miêu tả thiên nhiên và tác dụng của những biện pháp tu từ đó:

– Biện pháp tu từ so sánh trong những dòng thơ Cây cao bằng gang tay/ Lá cỏ bằng sợi tóc/ Cái hoa bằng cái cúc gợi cảm giác mọi sự vật đều nhỏ bé, xinh xắn, dễ thương và rất đỗi gần gũi với thế giới trẻ thơ.

– Biện pháp tu từ so sánh trong những dòng thơ Tiếng hót trong bằng nước/ Tiếng hót cao bằng mây có tác dụng giúp người đọc cảm nhận được một cách cụ thể sự trong trẻo và cao vút của tiếng chim.

– Biện pháp tu từ nhân hoá trong dòng thơ Những làn gió thơ ngây khiến làn gió mang vẻ đáng yêu, hồn nhiên của trẻ thơ.

– Biện pháp tu từ điệp ngữ trong những dòng thơ Biển có từ thuở đó/ Biển thì sinh ý nghĩ/ Biển sinh cá sinh tôm/ Biển sinh những cánh buồm nhấn mạnh sự hào phóng của thiên nhiên trong việc tạo sinh vạn vật để nuôi dưỡng, khơi gợi những ước mơ, khát vọng của trẻ con.

Các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ đã nhấn mạnh ý: trẻ em được sống trong một thế giới tuyệt đẹp, vạn vật được sinh ra là để dành cho trẻ em và vì trẻ em mà dâng hiến hết mình, dành tặng những gì đẹp đẽ, đáng yêu nhất.

Câu 3 trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Qua đoạn trích, nhà thơ muốn nhắn gửi tới trẻ con điều gì?

Trả lời:

Trẻ thơ được yêu thương, dành tặng những gì đẹp đẽ nhất. Vì vậy, các em cũng cần có ý thức, trách nhiệm và biết trân trọng những gì mình nhận được.

cố định

Bài tập 2. trang 12, 13 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Đọc lại bài thơ Những cánh buồm trong SGK (tr. 57 – 58) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Tìm những dòng thơ miêu tả hình ảnh cha và con. Hình ảnh cha và con trong bài thơ khơi gợi trong em những suy nghĩ, cảm xúc gì?

Trả lời:

Những dòng thơ miêu tả hình ảnh cha và con:

+ Hai cha con bước đi trên cát

+ Bóng cha dài lênh khênh

+ Bóng con tròn chắc nịch

+ Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng

+ Nghe con bước, lòng vui phơi phới.

– Hình ảnh bóng cha cao lớn, bóng con thấp tròn chắc nịch gợi liên tưởng đến sự từng trải trong cuộc đời của cha, tương phản với sự thơ ngây, trong trẻo của con.

Hình ảnh “Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng” thể hiện tình yêu con rất riêng của người cha. Hình ảnh đó cũng thể hiện niềm tin tưởng của người cha vào tương lai ngời sáng của con. Có cha dìu dắt, con nhất định sẽ vững bước và trưởng thành. Hình ảnh thân mật đầy yêu thương của cha và con gợi lên trong người đọc niềm xúc động sâu xa.

Câu 2 trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Qua miêu tả của nhà thơ, khung cảnh cuộc dạo chơi của hai cha con hiện lên như thế nào?

Trả lời:

Hai cha con dạo chơi trên bờ biển vào buổi sớm mai. Nhà thơ đã tái hiện khung cảnh thiên nhiên rực rỡ sắc màu. Bình minh trên biển có cát trắng mịn, nước biển xanh trong, nắng vàng óng ả. Tất cả các màu sắc hoà trộn vào nhau tạo thành bức tranh ban mai tươi hồng.

Câu 3 trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Chỉ ra yếu tố tự sự và miêu tả trong bài thơ. Nhà thơ kết hợp sử dụng yếu tố tự sự, miêu tả nhằm mục đích gì?

Trả lời:

Nhà thơ sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả để biểu hiện rõ hơn khung cảnh cuộc dạo chơi và cảm xúc của hai cha con.

– Yếu tố tự sự: Nhà thơ kể lại sự việc hai cha con đi dạo trên bờ biển và cuộc trò chuyện của họ.

– Yếu tố miêu tả: Nhà thơ miêu tả cảnh biển buổi sớm mai với sắc màu, hình ảnh, ánh sáng,…

Câu 4 trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Hình ảnh những cánh buồm trên biển buổi sớm mai sau trận mưa đêm có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Trong bài thơ, hình ảnh cánh buồm chứa đựng nhiều ý nghĩa.

– Cánh buồm tượng trưng cho những ước mơ, khát vọng, hoài bão,… của bao thế hệ. Đó là cánh buồm của con thuyền chở ước mơ của tuổi thơ đi đến những chân trời mới, cuộc sống mới, khát vọng mới.

– Cánh buồm cũng tượng trưng cho tinh thần, ý chí sẵn sàng đương đầu với thử thách, đối mặt với sóng gió để vươn tới thành công.

– Hình ảnh những cánh buồm trên biển buổi sớm mai sau trận mưa đêm là một hình ảnh đẹp, lãng mạn. Trận mưa đêm gợi liên tưởng tới những âm u, ảm đạm đã qua, nhường chỗ cho một bình minh tươi sáng, rực rỡ, ấm áp, hứa hẹn một tương lai với bao điều tốt đẹp.

Câu 5 trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Em hiểu như thế nào về dòng thơ Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con?

Trả lời:

Cha nghe con nói về ước mơ theo cánh buồm đi đến những nơi xa, tưởng như con đã nói hộ những nỗi niềm còn ẩn kín trong lòng về những say mê và khát vọng thời trai trẻ: Ước vọng được đặt chân đến mọi miền đất nước để khám phá những điều mới mẻ.

Câu 6 trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Qua hai bài thơ Chuyện cổ tích về loài người và Những cánh buồm, hãy nêu nhận xét của em về tình cảm của cha dành cho con.

Trả lời:

Tình cảm cha dành cho con có những biểu hiện rất riêng. Nếu tình yêu của mẹ dành cho con chủ yếu thể hiện ở sự chăm sóc tỉ mỉ trong cuộc sống hằng ngày thì tình cảm của cha dành cho con thể hiện ở sự truyền thụ tri thức; nuôi dưỡng ý chí, khát vọng, phấn đấu biến ước mơ thành hiện thực; bản lĩnh sống mạnh mẽ, kiên cường.

Câu 7 trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong những dòng thơ sau và nêu tác dụng của biện pháp tu từ ấy:

Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:

Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa

Sẽ có cây có cửa có nhà,

Vẫn là đất nước của ta,

Nhưng nơi đó cha chưa hề đi đến.

Trả lời:

Nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ (có cây, có cửa, có nhà), nhằm khẳng định niềm tự hào, niềm tin và khát vọng của cha về một miền đất xa xôi, trù phú của đất nước.

Câu 8 trang 12 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Từ nghe trong dòng thơ Nghe con bước lòng vui phơi phới có thể thay thế bằng từ khác được không? Hãy chỉ ra sự tinh tế của nhà thơ trong việc sử dụng từ nghe.

Trả lời:

Có thể kết hợp từ nhìn với con bước lòng vui phơi phới, tuy nhiên, nhà thơ sử dụng từ nghe với dụng ý thể hiện tình cảm gắn bó máu thịt giữa cha và con. Hành động của cha không phải là một hoạt động vật lý của giác quan. Cha đã “nghe con bước” bằng trái tim đầy yêu thương. Từ nghe thể hiện sự tinh tế của tác giả trong việc sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ (chuyển đổi cảm giác). Do vậy, không thể thay thế nghe bằng từ khác.

Câu 9 trang 13 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Tìm các từ láy trong đoạn thơ từ Hai cha con bước đi trên cát đến Nghe con bước lòng vui phơi phới và nêu tác dụng của những từ láy đó.

Trả lời:

Rực rỡ: dùng để chỉ vẻ đẹp của ánh mặt trời. Mặt trời sớm mai chiếu ánh sáng lấp lánh, vàng rực lên biển xanh. Vẻ đẹp ấy tượng trưng cho tương lai tươi sáng, rộng mở của con.

Lênh khênh: từ láy tượng hình dùng để diễn tả cái bóng cao lớn của cha, qua đó nói lên vai trò che chở, bảo vệ và nâng đỡ để con trưởng thành.

Rả rích: từ láy tượng thanh dùng để tả trận mưa đêm nhưng nó cũng ẩn dụ cho những gì lạnh lẽo, tối tăm đã qua, đối lập với buổi bình minh lộng lẫy hiện tại, cho thấy niềm tin của cha vào tương lai tốt đẹp của con.

Phơi phới: có tác dụng nhấn mạnh niềm vui trào dâng trong lòng người cha khi thấy con tiếp bước mình thực hiện ước mơ.

cố định

Bài tập 3. trang 13 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Đọc lại văn bản Bức tranh của em gái tôi trong SGK (tr. 48 – 51) và thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 trang 13 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Em hãy kẻ bảng vào vở (theo mẫu dưới đây) và liệt kê một số chi tiết tiêu biểu được tác giả sử dụng để miêu tả nhân vật Kiều Phương:

Trả lời:

Những chi tiết miêu tả nhân vật Kiều Phương:

Ngoại hình:

– Mặt mũi lem nhem màu vẽ

Hành động:

– Hay lục lọi, tự pha chế màu vẽ

Lời nói:

– ” Em muốn cả anh cũng đi nhận giải”

Thái độ:

– Thân thiện, hồn nhiên, vừa làm vừa hát, vui vẻ

Câu 2 trang 13 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Bức tranh Anh trai tôi của Kiều Phương đã khiến nhân vật “tôi” thay đổi như thế nào?

Trả lời:

Bức tranh Anh trai tôi của Kiều Phương đã khiến nhân vật “tôi” thay đổi. Hình ảnh cậu bé trong bức tranh của bé Mèo với khuôn mặt “tỏa ra một ánh sáng rất lạ” đã giúp người anh trai thấy được sự nhỏ nhen, ích kỷ của mình và đồng thời nhận ra ánh sáng của lòng nhân ái và tình yêu thương.

Câu 3 trang 13 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Hãy tìm và nêu tác dụng của những từ phức miêu tả diễn biến tâm trạng người anh khi xem bức chân dung của mình do em gái vẽ.

Trả lời:

Các từ phức: giật sững, ngỡ ngàng, hãnh diện, xấu hổ được nhà văn dùng để miêu tả diễn biến tâm trạng của người anh khi xem bức chân dung của mình do em gái vẽ. Thoạt tiên, người anh giật sững người vì quá bất ngờ khi thấy em gái vẽ mình. Từ láy ngỡ ngàng nhấn mạnh cảm xúc bất ngờ của người anh. Từ ghép hãnh diện thể hiện tâm trạng tự hào của người anh khi thấy bức tranh về mình được treo trong phòng trưng bày. Từ xấu hổ khép lại diễn biến tâm trạng của nhân vật khi nhận ra bản thân dường như không tương xứng với cậu bé đẹp đẽ trong bức tranh của em gái.

cố định

Bài tập 4. trang 13, 14 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Đọc bài thơ Trường hoa của Ta-go và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

Khi mây dông ù ù và mưa hè rào rào đổ xuống.

Gió đông thổi tới lững thững trên dải đất hoang thổi kèn trong rặng tre.

Khi ấy, từng bầy hoa không ai biết từ đâu chợt nảy sinh, đến nhảy múa say vui trên thảm cỏ.

Mẹ ạ, thực bụng con nghĩ rằng hoa đi học trong lòng đất.

Lớp của chúng kín cửa, và bông nào muốn ra sân chơi sớm thì thầy giáo bắt đứng một xó.

Mùa mua tới là kì nghỉ hè của chúng.

Cành chen nhau trong rừng, lá xào xạc trong gió dại, sấm vỗ tay reo mừng, và những hoa con ùa ra với áo hồng, vàng hay trắng toát.

Mẹ có biết không, nhà chúng ở trên trời cùng với muôn sao.

Mẹ có thấy không, chúng hăm hở về trời xiết bao? Mẹ có biết tại sao chúng vội vã thế không?

Hẳn là con cũng đoán ngay được chúng giơ tay đón ai; chúng cũng có mẹ như con có vậy.

(Ta-go, Trăng non, Phạm Hồng Dung – Phạm Bích Thuỷ dịch

trong Tuyển tập tác phẩm R. Ta-go, NXB Lao động, Hà Nội, 2004, tr. 639 – 640)

Câu 1 trang 15 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Nhan đề Trường hoa gợi cho em liên tưởng tới điều gì?

Trả lời:

Nhan đề Trường hoa có thể gợi lên nhiều liên tưởng:

– Trường học có nhiều hoa rất đẹp.

– Ngôi trường của các loài hoa.

– Ngôi trường của các em bé đẹp như hoa.

– Ngôi trường đẹp như hoa.

Câu 2 trang 15 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Đọc bài thơ, ta như đang được nghe những lời trò chuyện. Theo em, trong bài thơ, ai nói với ai và nói về chuyện gì?

Trả lời:

Trong bài thơ, em bé đang nói chuyện với mẹ và kể cho mẹ một câu chuyện tưởng tượng thú vị về các loài hoa.

– Em bé kể lại câu chuyện tưởng tượng về một ngôi trường trong lòng đất của các loài hoa. Ở đó, hoa cũng đi học. Mùa mưa là mùa nghỉ hè, các loài hoa đột nhiên ùa ra sân chơi, ấy là mặt đất. Các loài hoa mặc áo rực rỡ đủ sắc màu, nhảy múa, chơi đùa vui vẻ như các em học sinh. Buổi chiều, hoa tàn, các cánh hoa theo gió bay lên không trung nên em bé tưởng tượng rằng, hoa cũng như em, tan học, hoa vội về nhà của hoa ở trên trời. Chúng đi rất vội vã vì biết rằng có vòng tay mẹ đang mở rộng chờ đón ở nhà.

Câu 3 trang 15 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Theo lý giải của em bé, vì sao hoa lại hăm hở về trời?

Trả lời:

Theo lý giải của em bé, hoa hăm hở về trời vì nơi đó là nhà của chúng. Chúng biết mẹ đang nóng lòng chờ mình trở về sau mỗi buổi học. Chúng vội về nhà vì yêu mẹ, không muốn mẹ lo lắng; muốn được sà vào vòng tay mẹ yêu thương.

Câu 4 trang 15 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Theo em, có phải em bé chỉ định kể với mẹ câu chuyện của hoa không? Vì sao em nhận xét như vậy?

Trả lời:

Em bé trong bài thơ mượn câu chuyện của hoa để nói lên tình yêu đối với mẹ của các em bé nói chung và của em nói riêng.

Câu 5 trang 15 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Hãy tìm những dòng thơ kể về hoa trong bài thơ. Trong những dòng thơ đó, nhà thơ đã sử dụng những biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của những biện pháp tu từ đó.

Trả lời:

– Những dòng thơ kể về hoa:

+ Khi ấy, từng bầy hoa không ai biết từ đâu chợt nảy sinh, đến nhảy múa say vui trên thảm cỏ.

+Mẹ ạ, thực bụng con nghĩ rằng hoa đi học trong lòng đất.

+ Lớp của chúng kín cửa, và bông nào muốn ra sân chơi sớm thì thầy giáo bắt đứng một xó.

+ Mùa mưa tới là kì nghỉ hè của chúng.

+ Cành chen nhau trong rừng, lá xào xạc trong gió đại, sấm vỗ tay reo mừng, và những hoa con ùa ra với áo hồng, vàng hay trắng toát.

+ Mẹ có biết không, nhà chúng ở trên trời cùng với muôn sao.

+ Mẹ có thấy không, chúng hăm hở về trời xiết bao? Mẹ có biết tại sao chúng vội vã thế không?

+ Hẳn là con cũng đoán ngay được chúng giơ tay đón ai; chúng cũng có mẹ như con có vậy.

– Trong những dòng thơ đó, nhà thơ đã dùng biện pháp tu từ nhân hoá, khiến người đọc liên tưởng những bông hoa với các em bé, cánh đồng hoa với trường học của các em bé. Giữa các em bé và những bông hoa có nhiều điểm tương đồng nên không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi tuổi thơ là “tuổi hoa”, “hoa niên”,… Trẻ em tươi đẹp, rực rỡ, sinh động như hoa. Hoa rung rinh trong gió như các em vui say ca múa. Hoa xuất hiện trên mặt đất theo mùa như các em được nghỉ ngơi, vui chơi theo kỳ (nghỉ hè). Những cánh hoa tàn theo gió bay lên không trung như các em hăm hở về nhà với mẹ sau một ngày đi học ở trường. Nghệ thuật nhân hoá nhấn mạnh vẻ đáng yêu và dễ thương của cả hoa và các em bé.

Câu 6 trang 15 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Qua hai bài thơ Mây và sóng và Trường hoa, em cảm nhận tình cảm nhà thơ Ta-go dành cho trẻ em như thế nào? Vì sao?

Trả lời:

Nhà thơ Ta-go rất yêu trẻ thơ, ông nâng niu, trân trọng những gì đẹp đẽ trong các em với một tấm lòng bao dung, độ lượng và cái nhìn thiết tha trìu mến. Ông thấu hiểu trẻ và đã khắc hoạ trong thơ mình một thế giới trẻ thơ vô cùng dễ thương. Qua cái nhìn trìu mến của nhà thơ, trẻ em hiện lên với tất cả sự ngây thơ, trong sáng, giàu tình cảm, thông minh và sáng tạo, như là những thiên sứ mang thông điệp yêu thương đến với mặt đất này.

cố định

Bài tập 5. trang 14, 15 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Đọc bài thơ Mái ấm ngôi nhà và trả lời các câu hỏi:

Nếu ngọn gió nào dẫn con đến phương trời xa thẳm

Con đừng quên lối về nhà

Nơi thung sâu khơi nguồn ngọn gió…

Nếu cánh chim nào chở con lên thăm mặt trời cháy đỏ

Con đừng quên lối về nhà

Nơi sớm chiều vẫn nhen ngọn lửa

Nếu vạt mây nào đưa con lên chơi với ngôi sao xanh biếc

Con đừng quên lối về nhà

Suối trong con tắm mình thuở bé… ?

(Trương Hữu Lợi, Bài hát con kiến, NXB Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 60 – 61)

Câu 1 trang 14 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Bài thơ là lời nhắn nhủ của ai với ai?

Trả lời:

Bài thơ là lời nhắn nhủ của cha mẹ với những đứa con.

Câu 2 trang 14 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Hãy tìm những dòng thơ nói về “nhà” trong bài thơ. Những dòng thơ này giúp em cảm nhận như thế nào về “nhà”?

Trả lời:

Những dòng thơ nói về “nhà” trong bài thơ:

+ Nơi thung sâu khơi nguồn ngọn gió.

+ Nơi sớm chiều vẫn nhen ngọn lửa.

+ Suối trong con tắm mình thuở bé

– Những dòng thơ này khiến “nhà” hiện lên thật thân thương, gần gũi và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi người. Đó là nơi cuộc sống của mỗi người bắt đầu, là nơi mang lại cho con người hơi ấm của tình yêu thương, nuôi dưỡng những cảm xúc trong trẻo cho tâm hồn.

Câu 3 trang 14 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong bài thơ? Việc sử dụng biện pháp tu từ đó có tác dụng gì?

Trả lời:

Biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng trong bài thơ khiến cho lời nhắn nhủ của cha mẹ với con cái trở nên tha thiết: Hãy luôn nhớ về những người thân, gia đình, quê hương.

Câu 4 trang 15 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Những hình ảnh “phương trời xa thẳm” “mặt trời cháy đỏ? “ngôi sao xanh biếc” gợi cho em liên tưởng tới điều gì?

Trả lời:

“Phương trời xa thẳm”, “mặt trời cháy đỏ”, “ngôi sao xanh biếc” là những hình ảnh ẩn dụ gợi liên tưởng tới những xứ sở xa xôi, đẹp đẽ, huyền bí, những điều mới mẻ hấp dẫn, vẫy gọi con người; những hình ảnh đó cũng có thể gợi liên tưởng đến những thành công mà mỗi con người đạt được.

Câu 5 trang 15 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Lời nhắn nhủ trong bài thơ khơi gợi trong em những cảm xúc, suy nghĩ gì?

Trả lời:

Những lời nhắn nhủ trong bài thơ khơi gợi trong mỗi người tình cảm yêu thương, sự gắn bó tha thiết với gia đình, quê hương.

cố định

Bài tập 6. trang 15, 16 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Đọc bài thơ Cái cầu của nhà thơ Phạm Tiến Duật và trả lời các câu hỏi:

Cha gửi cho con chiếc ảnh cái cầu

Cha vừa bắc xong qua dòng sông sâu;

Xe lửa sắp qua, thư cha nói thế,

Con cho mẹ xem – cho xem hơi lâu.

Những cái cầu ơi, yêu sao yêu ghê,

Nhện qua chum nước bắc cầu tơ nhỏ,

Con sáo sang sông bắc cầu ngọn gió,

Con kiến qua ngòi bắc câu lá tre.

Yêu cái cầu vồng khi trời nổi gió

Bắc giữa trời cao, vệt xanh vệt đỏ,

Dưới gầm cầu vồng nhà máy mới xây

Trời sắp mưa khói trắng hơn mây.

Yêu cái cầu tre bắc qua sông máng

Mùa gặt con đi đón mẹ bên câu;

Lúa hợp tác từng đoàn nặng gánh

Qua câu tre, vàng cả dòng sâu

Yêu cái cầu treo lối sang bà ngoại

Như võng trên sông ru người qua lại,

Dưới cầu nhiều thuyền chở đá chở vôi;

Thuyền buồm đi ngược, thuyền thoi đi xuôi

Yêu hơn, cả cái cầu ao mẹ thường đãi đỗ

Là cái cầu này ảnh chụp xa xa;

Mẹ bảo: cầu Hàm Rồng sông Mã

Con cứ gọi: cái cầu của cha.

(Phạm Tiến Duật, Vầng trăng quầng lửa – Thơ,

NXB Văn học, Hà Nội, 1970, tr. 5 – 6)

Câu 1 trang 16 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Bài thơ kể về một câu chuyện. Đó là câu chuyện gì và người kể là ai?

Trả lời:

Đọc bài thơ, ta như được nghe một câu chuyện. Người kể xưng “con”, kể cho mẹ nghe chuyện về những cây cầu sau khi nhận “thư cha” kèm theo bức ảnh chụp cây cầu mà người cha mới xây xong. Cây cầu của cha gợi lên trong người con hình ảnh về những cây cầu gắn với bao kỉ niệm đẹp đẽ, thân thương.

Câu 2 trang 16 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Từ“cái cầu của cha” bạn nhỏ liên tưởng đến nhiều cây cầu khác. Hãy liệt kê và nêu hình dung của em về những cây cầu đó.

Trả lời:

Từ “cái cầu của cha”, bạn nhỏ liên tưởng đến nhiều cây cầu khác như:

– Cầu tơ nhỏ con nhện bắc để qua chum nước.

– Cầu ngọn gió con sáo bắc để sang sông.

– Cầu lá tre con kiến bắc để qua ngòi.

– Cầu vồng bắc ngang trời khi trời nổi gió.

– Cái cầu tre bắc qua sông máng.

– Cái cầu treo lối sang bà ngoại.

– Cái cầu ao mẹ thường đãi đỗ.

Những cây cầu nối đôi bờ xa cách, giúp những con người, những miền quê gần gũi nhau hơn. Những cây cầu cũng tô điểm thêm cho vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Với bạn nhỏ, những cây cầu nhỏ bé cũng là nơi ghi dấu bao kỉ niệm thân thương về gia đình, người thân.

Câu 3 trang 16 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Biện pháp tu từ nào được sử dụng để biểu đạt tình cảm của bạn nhỏ dành cho những cây câu? Em hãy chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ đó.

Trả lời:

Nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ, lặp đi lặp lại từ yêu (6 lần). Biện pháp tu từ này đã nhấn mạnh tình yêu tha thiết của bạn nhỏ dành cho những cây cầu.

Câu 4 trang 16 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Theo em, bạn nhỏ yêu nhất là cây cầu nào? Vì sao?

Trả lời:

Trong lời kể của bạn nhỏ, cây cầu nào cũng có vẻ độc đáo, đáng yêu riêng. Nhưng bạn nhỏ yêu nhất là cây cầu trong bức ảnh của cha, là “cái cầu của cha”. Đối với mẹ, đó là cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã – cây cầu đóng vai trò vô cùng quan trọng: chi viện cho miền Nam kháng chiến. Chiếc cầu là chứng nhân của biết bao chiến công anh hùng của quân và dân tỉnh Thanh Hoá nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung trong những năm tháng chiến tranh. Đối với  bạn nhỏ thì đó là cây cầu của cha, do chính cha bắc cho xe lửa chạy qua sông sâu. Điều đó khiến cây cầu vốn xa lạ trở nên gần gũi và thân thương. Nói tình yêu quê hương, đất nước bắt nguồn từ tình yêu đối với những điều bình dị nhất là vì vậy.

Câu 5 trang 16 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Tình cảm của bạn nhỏ đối với những cây cầu thể hiện điều gì?

Trả lời:

Hình ảnh những cây cầu giản dị, thân thương, mộc mạc, chân chất gợi nhắc những kỉ niệm chứa đựng tình cảm của bạn nhỏ đối với cha mẹ, gia đình, quê hương, đất nước. Vì vậy, tình cảm của bạn nhỏ đối với những cây cầu cũng thể hiện tình yêu, niềm tự hào về cha mẹ, gia đình, quê hương, đất nước.

Câu 6 trang 16 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Hình ảnh người cha và người mẹ xuất hiện trong bài thơ gợi cho em suy nghĩ và cảm xúc gì?

Trả lời:

– Hình ảnh người cha xuất hiện trong bài thơ là một người đi xây cầu, góp phần xây dựng Tổ quốc. Vì tính chất công việc, vì tinh thần trách nhiệm với công cuộc kiến thiết đất nước, người cha thường xuyên phải xa nhà. Nhưng ông luôn dành tình cảm cho gia đình. Mỗi lần hoàn thành công việc, người cha không quên chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với những người thân trong gia đình qua những bức ảnh, những lá thư.

– Người mẹ là một nông dân, sống ở nông thôn, nhiệt tình tham gia lao động sản xuất, chẳng quản các công việc đồng áng nặng nhọc của hợp tác xã. Đó cũng là một người mẹ giàu tình yêu thương, luôn chăm lo cho gia đình.

cố định

Bài tập 1. trang 16 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 10 câu) ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Trường hoa của Ta-go.

Trả lời:

Bài thơ “Trường hoa” của nhà thơ Ta-go gợi cho em rất nhiều cảm xúc. Nhân vật trong bài thơ mượn câu chuyện của hoa vô cùng độc đáo để nói lên tình yêu đối với mẹ của các em bé nói chung và của em nói riêng. Trong từng vần thơ, nhà thơ Ta-go đã dùng biện pháp tu từ nhân hoá, khiến người đọc liên tưởng những bông hoa với các em bé, cánh đồng hoa với trường học của các em bé. Trẻ em tươi đẹp, rực rỡ, sinh động như hoa. Hoa rung rinh trong gió như các em vui say ca múa. Những cánh hoa tàn theo gió bay lên không trung như các em hăm hở về nhà với mẹ sau một ngày đi học ở trường. Cách sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả càng khiến cho những em bé hiện lên đầy vui tươi, đáng yêu, hồn nhiên. Qua cái nhìn trìu mến của nhà thơ, trẻ em hiện lên với tất cả sự ngây thơ, trong sáng, giàu tình cảm, thông minh và sáng tạo, như là những thiên sứ mang thông điệp yêu thương đến với mặt đất này.

cố định

Bài tập 2. trang 16 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 10 câu) ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Cái cầu của Phạm Tiến Duật.

Trả lời:

Đọc bài thơ “Cái cầu” của nhà thơ Phạm Tiến Duật mà em ngỡ em đang được nghe câu chuyện sinh động mà người con kể cho mẹ về những cây cầu sau khi nhận “thư cha”. Cây cầu của cha gợi lên trong người con hình ảnh về những cây cầu gắn với bao kỉ niệm đẹp đẽ, thân thương. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ, lặp đi lặp lại từ yêu tới 6 lần để nhấn mạnh tình yêu tha thiết của bạn nhỏ dành cho những cây cầu. Những cây cầu không chỉ tô điểm thêm cho vẻ đẹp của quê hương, đất nước mà còn là nơi ghi dấu bao kỉ niệm thân thương về gia đình, người thân. Hình ảnh người cha xuất hiện trong bài thơ là một người đi xây cầu, góp phần xây dựng Tổ quốc. Người mẹ là một nông dân, sống ở nông thôn, nhiệt tình tham gia lao động sản xuất, chẳng quản các công việc đồng áng nặng nhọc của hợp tác xã, luôn yêu thương, chăm sóc gia đình. Hình ảnh những cây cầu giản dị, thân thương, mộc mạc, chân chất gợi nhắc những kỉ niệm nhưng cũng là nơi chứa đựng tình cảm của bạn nhỏ đối với cha mẹ, gia đình, quê hương.

cố định

Bài tập 1. trang 16 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Trình bày cảm nghĩ của em về bài thơ Trường hoa của Ta-go.

Trả lời:

Bài thơ “Trường hoa” của nhà thơ Ta-go gợi cho em rất nhiều cảm xúc. Nhân vật trong bài thơ mượn câu chuyện của hoa vô cùng độc đáo để nói lên tình yêu đối với mẹ của các em bé nói chung và của em nói riêng. Trong từng vần thơ, nhà thơ Ta-go đã dùng biện pháp tu từ nhân hoá, khiến người đọc liên tưởng những bông hoa với các em bé, cánh đồng hoa với trường học của các em bé. Trẻ em tươi đẹp, rực rỡ, sinh động như hoa. Hoa rung rinh trong gió như các em vui say ca múa. Những cánh hoa tàn theo gió bay lên không trung như các em hăm hở về nhà với mẹ sau một ngày đi học ở trường. Cách sử dụng yếu tố tự sự và miêu tả càng khiến cho những em bé hiện lên đầy vui tươi, đáng yêu, hồn nhiên. Qua cái nhìn trìu mến của nhà thơ, trẻ em hiện lên với tất cả sự ngây thơ, trong sáng, giàu tình cảm, thông minh và sáng tạo, như là những thiên sứ mang thông điệp yêu thương đến với mặt đất này. Trên đời này, điều đáng quý nhất chính là nụ cười của những đứa trẻ và điều đáng trân trọng nhất chính là tình cảm thiêng liêng của gia đình.

cố định

Bài tập 2. trang 16 sách bài tập Ngữ Văn lớp 6 Tập 1 – Kết nối tri thức với cuộc sống: Trình bày suy nghĩ của em về tình cảm gia đình sau khi đọc bài thơ Cái cầu của Phạm Tiến Duật.

Trả lời:

Đọc bài thơ “Cái cầu” của nhà thơ Phạm Tiến Duật mà em ngỡ em đang được nghe câu chuyện sinh động mà người con kể cho mẹ về những cây cầu sau khi nhận “thư cha”. Cây cầu của cha gợi lên trong người con hình ảnh về những cây cầu gắn với bao kỉ niệm đẹp đẽ, thân thương. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ, lặp đi lặp lại từ yêu tới 6 lần để nhấn mạnh tình yêu tha thiết của bạn nhỏ dành cho những cây cầu. Những cây cầu không chỉ tô điểm thêm cho vẻ đẹp của quê hương, đất nước mà còn là nơi ghi dấu bao kỉ niệm thân thương về gia đình, người thân. Hình ảnh người cha xuất hiện trong bài thơ là một người đi xây cầu, góp phần xây dựng Tổ quốc. Người mẹ là một nông dân, sống ở nông thôn, nhiệt tình tham gia lao động sản xuất, chẳng quản các công việc đồng áng nặng nhọc của hợp tác xã, luôn yêu thương, chăm sóc gia đình. Hình ảnh những cây cầu giản dị, thân thương, mộc mạc, chân chất gợi nhắc những kỉ niệm nhưng cũng là nơi chứa đựng tình cảm của bạn nhỏ đối với cha mẹ, gia đình, quê hương. Đọc xong bài thơ, em càng thêm trân trọng những vất vả của bố mẹ, càng thêm yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước của mình hơn và tự dặn bản thân phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để không phụ sự kỳ vọng của bố mẹ.

cố định

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1116

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống