Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6 – Cánh Diều: tại đây
khác
Với soạn bài Viết bài văn kể lại một trải nghiệm đánh nhớ Ngữ văn lớp 6 sách Cánh diều được biên soạn bởi đội ngũ Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm trả lời các câu hỏi theo tiến trình bài học sẽ giúp các em dễ dàng soạn bài môn Ngữ văn lớp 6.
1. Định hướng
a) Viết bài văn kể lại một trải nghiệm đáng nhớ là kể lại một việc làm, một hoạt động, một tình huống,… mà người viết đã trực tiếp trải qua. Trong bài viết, người kể thường xưng “tôi” – ngôi thứ nhất.
b)
– Xác định một sự việc, một tình huống hoặc hoạt động đáng nhớ mà em đã trực tiếp trải qua hoặc tham gia.
– Ghi lại các chi tiết cụ thể gắn với địa điểm, thời gian, con người, hành động, suy nghĩ, cảm xúc,…
– Ghi lại bài học hoặc kinh nghiệm mà em rút ra được sau trải nghiệm đó.
2. Thực hành
Bài tập: Viết bài văn (khoảng 2 trang) kể lại một chuyến đi đáng nhớ của em
a) Chuẩn bị
– Đọc và xác định yêu cầu của bài tập về kiểu bài, nội dung và dung lượng bài viết.
– Nhớ lại một chuyến đi có nhiều kỉ niệm của em: thành Cổ Loa cùng cả lớp.
b) Tìm ý và lập dàn ý
– Tìm ý:
+ Chuyến đi diễn ra vào lúc kết thúc học kì I, nhà trường tổ chức cho các lớp đi thăm quan di tích lịch sử thành Cổ Loa.
+ Mọi người tham quan di tích thành Cổ Loa: từ khu thờ An Dương Vương đến Mị Châu.
+ Em rất vui khi có chuyến đi tham quan đầu tiên cùng cả lớp và có những bài học bổ ý về lịch sử.
– Lập dàn ý:
+ Mở bài: Chuyến đi thăm di tích lịch sử thành Cổ Loa – chuyến đi đáng nhớ.
+ Thân bài:
Lí do có chuyến đi đáng nhớ: Kết thúc học kì I, nhà trường và ban phụ huynh thống nhất tổ chức tham quan cho cả trường.
Hành trình: Tập trung từ sớm → Khởi hành (2 tiếng) → Đến nơi → Tham quan đền thờ chính – An Dương Vương → Am thờ của Mị Châu → Ra về.
Kể lại sự việc đáng nhớ: Câu chuyện về nàng Mị Châu – bức tượng của nàng công chúa.
+ Kết bài:
Bài học về dựng nước và giữ nước.
Chuyến đi thăm quan bổ ích, lí thú.
c) Viết
Vừa kết thúc học kì I, nhà trường và hội phụ huynh thống nhất tổ chức một chuyến đi tham quan di tích lịch sử. Đây vừa là phần thưởng cho những nỗ lực, cố gắng trong học kì vừa qua mà đó còn là dịp để chúng em thêm hiểu biết về những truyền thống lịch sử quý giá của dân tộc. Là một chuyến đi chơi nhưng đồng thời cũng phục vụ thiết thực cho việc học của chúng em. Đó là chuyến đi thăm di tích lịch sử thành Cổ Loa.
Sau khi bàn bạc và thống nhất ý kiến, ban tổ chức đã quyết định đưa chúng em đi tham quan di tích lịch sử thành Cổ Loa, nơi thờ vua An Dương Vương và công chúa Mị Châu. Đây là di tích lịch sử nổi tiếng của Việt Nam, chứa đựng bài học dựng nước, giữ nước của các vua Hùng. Chúng em đã biết về di tích thành Cổ Loa thông qua truyền thuyết về An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy, nhưng đây là lần đầu tiên chúng em được đặt chân đến địa danh lịch sử, địa danh của những câu chuyện kì bí, hấp dẫn này.
Để bắt đầu chuyến tham quan, các lớp sẽ tập trung ở trường trước 6 giờ sáng. Sau đó mỗi lớp sẽ được cô giáo chủ nhiệm và đại diện hội phụ huynh của lớp đó cùng thực hiện chuyến đi lí thú này. Vì di tích thành Cổ Loa khá xa trường học nên sau ba mươi phút tập trung thì các đoàn xe bắt đầu chuyển bánh. Đây là lần đầu tiên cả lớp chúng em có một chuyến du lịch cùng nhau, lại là chuyến đi về một địa danh lịch sử nổi tiếng như vậy nên chúng em đều vô cùng háo hức, chờ mong.
Sau hai tiếng chạy xe, cuối cùng chúng em đã đến được di tích thành Cổ Loa, đến đây, chúng em được cô hướng dẫn viên du lịch nồng nhiệt tiếp đón và hướng dẫn hành trình cũng như giới thiệu, thuyết minh về khu di tích thành Cổ Loa này. Khu di tích Thành Cổ Loa nằm ở huyện Đông Anh, ngoại thành của thủ đô Hà Nội. Đây là nơi diễn ra câu chuyện dựng nước, giữ nước của vua Thục Phán An Dương Vương và câu chuyện tình yêu bi thảm của công chúa Mị Châu và con trai của Triệu Đà – Trọng Thủy.
Không gian của khu di tích thành Cổ Loa cũng cổ kính, trang nghiêm, mang màu sắc dân gian như trong những câu chuyện cổ, những mái nhà ngói đỏ, những cây đa, cây đề lớn, có lẽ chúng cũng đã sống qua rất nhiều năm rồi, là nhân chứng cho những sự kiện lịch sử. Trung tâm của di tích thành Cổ Loa chính là đền thờ An Dương Vương, đây là điện thờ chính nên rất rộng lớn và trang nghiêm, dẫn vào đền thờ phải đi qua một khoảng sân rộng lớn, hai bên sân có trồng rất nhiều cây cổ thụ, em có cảm tưởng những cây cổ thụ như những người hiền thần luôn ở bên, trung nghĩa với vua An Dương Vương vậy.
Ngôi đền có mái cong hình đầu rồng vô cùng trang nghiêm, trong điện được trưng bày những câu đối lớn bằng tiếng Hán. Chính giữa của điện thờ là một bức tượng An Dương Vương uy nghi trong bộ hoàng bào, ngồi từ trên cao nhìn xuống, cảm xúc chung của chúng em khi vào điện thờ An Dương Vương chính là sự tôn kính, tự hào. Hai bên điện thờ là những bức tượng của những vị quan có công với dân, với nước, những người hiền thần có công giúp vua An Dương Vương dựng nước.
Bên cạnh đền thờ An Dương Vương là một am nhỏ thờ công chúa Mị Châu, công chúa Mị Châu là con gái của vua An Dương Vương, vì ngây thơ, cả tin mà Mị Châu có một kết thúc thật bi thảm. Bức tượng công chúa Mị Châu trong am thờ là một bức tượng không đầu, nó làm cho em nhớ lại sự việc công chúa Mị Châu bị vua cha trừng phạt khi nghe Rùa Vàng kết tội, nhìn hình ảnh bức tượng không đầu khiến cho chúng em vô cùng xót xa cho người công chúa này. Nàng là một người ngây thơ, cả tin vì quá tin tưởng vào người chồng mà vô tình lộ bí mật quốc gia, dẫn đến bi kịch mất nước nhà tan. Theo em thì Mị Nương là một người đáng thương hơn đáng trách. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng bày tỏ sự cảm thông đối với Mị Châu qua những vần thơ như sau:
Tôi kể ngày xưa chuyện Mị Châu
Trái tim lầm chỗ để trên đầu
Nỏ thần vô ý trao tay giặc
Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu
Đằng sau truyền thuyết về An Dương Vương, Mị Châu – Trọng Thủy là bài học về giữ nước, nhưng ta đều cảm thông cho sự dại khờ, thủy chung của công chúa Mị Châu cùng cái chết đầy oan nghiệt của nàng.
Chuyến tham quan di tích thành Cổ Loa là một chuyến đi thực sự bổ ích và lí thú, chúng em biết nhiều hơn về những câu chuyện lịch sử, được tận mắt chứng kiến những nơi diễn ra câu chuyện lịch sử ấy. Thông qua chuyến đi chúng em cũng thêm hiểu hơn về những bài học trên lớp, là cơ hội để chúng em mở mang sự hiểu biết.
d) Kiểm tra và chỉnh sửa