Bài 5: Thơ văn Nguyễn Trãi

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10 – Cánh Diều: tại đây

1. Bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội với việc đọc hiểu tác phẩm văn học

– Đọc hiểu tác phẩm luôn gắn liền với việc vận dụng kiến thức về hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội. Hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội thời kì nhà văn sống với những sự kiện, các mối quan hệ xã hội, sinh hoạt văn hoá đã tác động trực tiếp và gián tiếp tới sáng tác của nhà văn và được phản ánh một cách sâu sắc trong các tác phẩm của họ. Nhiều vấn đề trong các tác phẩm văn học chỉ có thể cắt nghĩa được khi vận dụng các tri thức về hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội vào việc đọc hiểu tác phẩm đó.

– Thời đại Nguyễn Trãi là thời đại đau thương và quật khởi. Đau thương bởi sau hơn bốn thế kỉ độc lập, tự chủ (từ năm 938 đến 1407), dân tộc ta lại rơi vào thảm hoạ mất nước, chịu sự thống trị tàn bạo của giặc Minh xâm lược. Quật khởi bởi đây là giai đoạn truyền thống yêu nước, anh hùng được trỗi dậy và phát huy mạnh mẽ, mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn – cuộc khởi nghĩa gian khổ bậc nhất, thắng lợi huy hoàng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam trước năm 1945.

– Nguyễn Trãi là người sống hết mình với thời đại, có những đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và sự nghiệp xây dựng đất nước sau khi dân tộc giành lại quyền độc lập, tự chủ.

2. Nghị luận xã hội trung đại

– Nghị luận xã hội trung đại thường được viết bằng các thể văn như: chiếu, hịch, cáo, thư,…, phản ánh những vấn đề chính trị, xã hội và có giá trị nghệ thuật cao. Chiếu, cáo thường để ban bố trước dân chúng về những công việc và sự kiện có tính chất quốc gia; thư dùng để trao đổi, thuyết phục người khác trong công việc. Các bài nghị luận xã hội trung đại có một số đặc điểm nổi bật sau đây:

– Là thể văn tổng hợp “văn, sử, triết bất phân”, có sự kết hợp hài hoà giữa lí lẽ và cảm xúc, giữa tư tưởng và tình cảm của người viết; bài văn vừa có tính thuyết phục, vừa giàu màu sắc biểu cảm. Văn nghị luận trung đại thường được viết bằng văn biền ngẫu, từ ngữ trang trọng, uyên bác, giàu tính ước lệ, tượng trưng.

– Trong nhiều bài nghị luận xã hội trung đại, vai trò của người viết rất đặc biệt, tác giả thường là các bậc vua, chúa, thủ lĩnh hoặc được vua, chúa, thủ lĩnh uỷ nhiệm soạn thảo các văn bản. Như việc Nguyễn Trãi thừa lệnh và nhân danh Lê Lợi viết thư từ răn bảo các tướng sĩ của ta và thuyết phục tướng giặc nhà Minh, được tập hợp trong sách Quân trung từ mệnh tập (Tập văn từ lệnh trong quân). Nguyễn Trãi cũng được Lê Lợi giao viết Đại cáo bình Ngô với danh nghĩa nhà vua để bố cáo thiên hạ về đại thắng của dân tộc,… Các tác giả được uỷ thác thường là những nhà văn hoá lỗi lạc hoặc có địa vị, uy tín cao trong triều đình và xã hội. Văn bản nghị luận do họ soạn thảo không chỉ thể hiện tư tưởng, tình cảm của các bậc vua, chủa, thủ lĩnh, đại diện cho tư tưởng thời đại, ý chỉ, khát vọng của cả quốc gia, dân tộc, mà còn chứa đựng trí tuệ, tình cảm và tài năng văn chương của mỗi người.

3. Thơ Nôm Đường luật thất ngôn xen lục ngôn

– Thơ Nôm thất ngôn xen lục ngôn là sự sáng tạo của các nhà thơ Việt Nam trên cơ sở kế thừa thơ Đường luật. Theo các tư liệu hiện còn thì thể thơ này đạt đến đỉnh cao nghệ thuật trong tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Điều đó cho thấy ông là người xây dựng thành công một thể thơ mới theo hướng dân tộc và tập thơ Nôm của ông được đánh giá là thành tựu lớn của thơ ca tiếng Việt.

– Việc xuất hiện các câu lục ngôn (sáu chữ) xen kẽ các câu thất ngôn (bảy chữ) phá vỡ ít nhiều kết cấu của thơ Đường luật thất ngôn, tạo nên các điểm nhấn về cảm xúc, suy tư, hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu,… góp phần mở ra thời kì mới cho sự phát triển của thơ ca tiếng Việt.

4. Biện pháp liệt kê

– Liệt kê là biện pháp tu từ, theo đó, người nói, người viết kể ra nhiều sự vật, sự việc, hoạt động, tính chất, trạng thái,… trong cùng một câu, một đoạn văn để tạo nên một ấn tượng mạnh, hiệu quả cao trong miêu tả, kể chuyện hoặc biểu lộ tình cảm, cảm xúc. Phép liệt kê được dùng trong cả văn xuôi và văn vần.

– Xét theo cấu tạo, các sự vật, sự việc, hoạt động, tính chất, trạng thái,… có thể được liệt kê theo từng cặp hoặc không theo từng cặp. Ví dụ, trong câu: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.” (Hồ Chí Minh), tác giả liệt kê sự vật theo từng cặp: tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải. Cách liệt kê này làm nổi bật quyết tâm của dân tộc ta bảo vệ nền độc lập bằng cả sức mạnh tinh thần và vật chất, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng và tài sản của mình.

– Xét theo ý nghĩa, các sự vật, sự việc, hoạt động, tính chất, trạng thái,… có thể được liệt kê theo kiểu tăng tiến hoặc không tăng tiến. Ví dụ, trong ba câu nối tiếp nhau: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuồng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước.” (Hồ Chí Minh), tác giả liệt kê sự vật theo thứ tự tăng dần, từ những vũ khí chuyên dùng để chiến đấu như súng, gươm đến những vật dụng hằng ngày như cuốc, thuổng, gậy gộc để động viên toàn dân tham gia đánh giặc, giữ nước.

Đã có lời giải bài tập lớp 10 sách mới:

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1056

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống