Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10 – Cánh Diều: tại đây
1. Định hướng
a) Giới thiệu, đánh giá về một tác phẩm thơ là trình bày trước người nghe những thông tin cơ bản về bài thơ như: nhan đề, tác giả, nội dung (đề tài, chủ đề, cảm xúc,…) và đặc sắc nghệ thuật (thể loại, từ ngữ, vần, nhịp, các biện pháp tu từ,…); đồng thời, nêu nhận xét, ý kiến của người giới thiệu về nội dung, nghệ thuật,… của bài thơ đó.
b) Để giới thiệu, đánh giá một tác phẩm thơ, các em cần:
– Lựa chọn bài thơ định giới thiệu, đọc kĩ để hiểu bài thơ.
– Xác định thời lượng và người nghe bài giới thiệu để có cách trình bày phù hợp.
– Tìm ý và lập dàn ý cho bài nói.
– Chuẩn bị các tư liệu, tranh ảnh, thiết bị hỗ trợ (nếu có).
– Kết hợp ngôn ngữ nói với các yếu tố phi ngôn ngữ (nét mặt, ánh mắt, giọng điệu,…) phù hợp với nội dung giới thiệu.
2. Thực hành
Bài tập (trang 86 sgk Ngữ văn lớp 10 Tập 2 – Cánh diều): Hãy giới thiệu và nêu ý kiến đánh giá của em về một bài thơ thuộc đề tài quê hương đất nước.
a) Chuẩn bị
-Lựa chọn bài thơ về đề tài quê hương đất nước: Mùa hoa mận (Chu Thuỳ Liên).
– Văn bản bài thơ được trình bày trên giấy hoặc trên trang trình chiếu của máy tính (slide), hình ảnh, sơ đồ (nếu cần thiết).
– Tập đọc diễn cảm bài thơ.
b) Tìm ý và lập dàn ý
– Hoàn cảnh ra đời, đề tài của bài thơ: Mùa hoa mận được viết vào tháng chạp năm 2006, trích trong tập Thuyền đuôi én, NXB văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2009. Đề tài: tình yêu quê hương, đất nước
– Bài thơ thể hiện tâm trạng: trân trọng, tự hào, nhớ thương quê hương của nhân vật trữ tình
– Bài thơ có những nét đặc sắc về nghệ thuật: điệp cấu trúc, nhân hoá, sử dụng từ láy,…
– Bài thơ thể hiện cái nhìn của tác giả về con người và cuộc đời: hình bóng quê hương luôn tồn tại trong tâm trí con người gắn với những hình ảnh giản dị, gần gũi, thân thương
– Yếu tố để lại ấn tượng sâu đậm nhất: nội dung – hình ảnh thơ “cành mận bung cánh muốt”.
c) Thực hành nói và nghe
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1 (trang 37).
* Bài nói mẫu tham khảo:
Các bạn đã bao giờ có khoảng thời gian quê hương của mình chưa? Khi xa quê, bạn thường nhớ về hình ảnh gì đầu tiên? Hãy cùng tôi chia sẻ những cảm xúc của bạn thông qua bài thơ “Mùa hoa mận” của Chu Thuỳ Liên nhé!
Quê hương là nơi chúng ta đi để trở về. Và trong tâm trí chúng ta, khi nhắc về quê hương, mỗi người sẽ có một ấn tượng riêng. Quê hương có thể gắn với một mối tình đậm sâu, một ngôi nhà ấm cúng, một con đường tấp nập hay đơn giản chỉ là những cành mận trắng xoá. Quê hương Tây Bắc đã xuất hiện trong những vần thơ “Mùa hoa mận” của Chu Thuỳ Liên một cách thật đặc biệt.
Chỉ với một cành mận trắng, Chu Thuỳ Liên đã tinh tế vẽ nên không khí Tây Bắc vào mỗi dịp đầu năm. Mùa xuân Tây Bắc say đắm lòng người bởi trùng trùng thung núi, bát ngát mây trời, bềnh bồng sương khói, và đặc biệt là muôn vàn loài hoa đua nhau khoe sắc, tạo thành những rừng hoa, đồi hoa bạt ngàn. Nổi bật nhất, ấn tượng nhất của hoa Tây Bắc có lẽ là những cánh rừng hoa mận. Sắc trắng của loài hoa này như làm bừng sáng cả không gian núi đồi. Khung cảnh ấy đã đi vào thơ Chu Thùy Liên với những vần thơ mộc mạc mà đầy cảm xúc trong “Mùa hoa mận”. Câu thơ “cành mận bung cánh muốt” được lặp lại ở đầu mỗi khổ thơ đã để lại nhiều ấn tượng với bạn đọc. Với từ “bung” và từ “muốt”, ta không chỉ cảm nhận được sắc trắng của bông hoa mà còn thấy được cả sức sống căng tràn trong đó. Đây được coi là hình ảnh, điểm nhấn cho bài thơ, tạo nên cảnh sắc đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Có thể thấy rằng, những cánh hoa mận trắng đã có tác động mạnh mẽ như thế nào trong tâm trí của nhân vật trữ tình.
Bên cạnh một thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, căng tràn sức sống, chúng ta còn cảm nhận được không khí tươi vui, rộn ràng của con người trong “mùa hoa mận”. Lũ con trai thì háo hức chơi cù, con gái thì rộn ràng khăn áo. Những trái bóng bay nhưng nâng cao ước mơ của con trẻ.Chúng chính là tương lai, niềm hy vọng và niềm tự hào của quê hương. Hoa mận nở, báo hiệu xuân về, cũng là lúc “giục mẹ xôn xang lá, gạo/ giục cha vui lòng căng cánh nỏ/ giục người già bản hối hả làm đu”. Tất cả mọi người nơi đầy đều đang hối hả chuẩn bị cho một năm mới. Tinh thần lao động tươi vui, sảng khoái của họ khiến núi rừng Tây Bắc thêm phần rộn ràng, nô nức. Qua đó, tác giả đã tái hiện nếp sống của người dân vùng núi cao trong mỗi dịp đầu năm. Đó cũng chính là cách để nhà thơ gửi gắm tình cảm với con người nơi đây.
Kết thúc bài thơ là nỗi nhớ quê hương của người con đi xa. Cành mận bung cánh muốt không chỉ tạo nên cảnh sắc mùa xuân mà còn để dẫn lối người đi xa trở về. Một người con xa quê mang theo nỗi nhớ nhung, hồi hộp, bâng khuâng khi trở về mảnh đất nơi mình đã sinh ra. Nhớ quê, con người “nhớ màu hoa mận, nhớ nhà trình tường ủ hương nếp, nhớ lửa hồng nở hoa trong bếp”. Quê hương luôn thường trực trong tâm trí của nhân vật trữ tình, gắn với những hình ảnh thật giản dị, thân quen, gần gũi.
Như vậy, bài thơ là bức tranh đẹp, yên bình về cảnh sắc thiên nhiên và mùa xuân miền Tây Bắc. Qua đó, nỗi nhớ quê hương, tình yêu quê hương của “người đi xa” theo từng mùa hoa mận mà “nhớ lối trở về”. Bằng nghệ thuật điệp cấu trúc độc đáo kết hợp với các từ láy, hình ảnh nhân hoá, bài thơ “Mùa hoa mận” trở nên thật ấn tượng, giàu sức hút với bạn đọc. Như vậy, quê hương trong mỗi chúng ta chính là thiên nhiên quen thuộc, gẫn gũi, là những con người giản dị.Dù ở bất cứ nơi đâu, quê hương sẽ luôn dang rộng vòng tay đón ta trở về.
Còn bạn thì sao? Quê hương trong tâm trí bạn là gì? Hãy chia sẻ cùng tôi nhé!
d) Kiểm tra và chỉnh sửa
Tham khảo các yêu cầu đã nêu ở Bài 1 (trang 37).
Soạn bài Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật … (cả ba sách)
Đã có lời giải bài tập lớp 10 sách mới: