Xem toàn bộ tài liệu Lớp 11: tại đây
Đề bài: “Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong “Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba – 1442” “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”.
A/ Dàn ý chi tiết
I. Mở bài: Trích dẫn câu nói của Thân Nhân Trung “Vai trò, tầm quan trọng của hiền tài đối với đất nước”.
II. Thân bài:
– Hiền tài là người tài cao, học rộng, có đạo đức tốt được mọi người tín nhiệm suy tôn.
– Hiền tài có vai trò quyết định sự hưng thịnh của đất nước, góp phần làm nên sự sống còn của quốc gia và xã hội.
– Mọi thời đại, quốc gia đều rất cần người tài đức vì đó là nguyên khí của quốc gia (Người tài đức có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đất nước phồn vinh. Hiền tài mà không biết tu dưỡng tài, đức thì đất nước suy yếu, suy vong).
– Cần có chính sách khích lệ, bồi dưỡng nhân tài (tinh thần, vật chất). Trọng dụng người tài: đúng người đúng việc, không lãng phí chất xám.
III. Kết bài
– Khẳng định tầm quan trọng của người tài đức đối với đất nước.
– Phương hướng phấn đấu, liên hệ bản thân: rèn luyện tài, đức góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
B/ Bài văn mẫu
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao – mẫu 1
Thế hệ ngày nay, chắc nhiều người biết Thân Nhân Trung viết bài văn cho tấm bia đầu tiên ở Văn Miếu, ông ghi nhận về trí thức “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống thấp.” Đây là tư tưởng quan trọng nhất về văn hoá, giáo dục của Thân Nhân Trung được trình bày tập trung, rõ ràng trong bài ký đề tên bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3(1442). Còn chính là khát vọng của cả dân tộc. Tư tưởng trên, trước hết khẳng định tầm quan trọng của hiền tài đối với quốc gia, là việc đem lại hưng thịnh cho đất nước.
Trong bài kí, Thân Nhân Trung không nói nhân tài mà nói “hiền tài”, Hiền tài theo quan niệm người xưa, cũng như của tác giả là người có cả tài năng không những học rộng hiểu nhiều, có đủ tài giúp vua trị nước, đem lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân; có cả đức hạnh, là người gương mẫu về đạo đức, suốt đời chăm lo tu dưỡng phẩm hạnh cho bản thân, đem hết tài năng và đức hạnh phục vụ cho đất nước. Đó là người “lấy trung nghĩa mà rèn cho danh thực hợp nhau, thực hành điều sở học, làm nên sự nghiệp vĩ đại sáng ngời, khiến cho mọi người đời sau kính trọng thành danh, mến mộ khí tiết…”. Về khái niệm “nguyên khí”, trong kho tàng thư tịch cổ Trung Hoa đã có nhiều sách đề cập. Sách “Bạch hổ Thông” viết: “Địa giả, nguyên khí sơ sinh, vạn vật chi tổ” (Đất là nơi sản sinh ra nguyên khí, tổ của muôn loài), xem nguyên khí là khí đại hoá lớn lao. Còn sách “Đường thư” viết: Liễu Công Độ thiệp nhiếp sinh. Thường viết: “ Ngô sở vô thuật, bất dĩ nguyên khí tả hỉ nộ nhĩ” (Liễu Công Độ giỏi việc dưỡng sinh. Ông thường nói: Ta vốn không có thuật gì, chẳng qua biết dựa vào tính khí mà điều hoà sự yêu ghét, mừng, giận mà thôi), xem nguyên khí là để chỉ tính khí con người ta. Thần Nhân Trung đã mượn nghĩa từ sách Đường thư: nguyên khí chính là tình khí và vận dụng một cách sáng tạo.
Có thể nói, trong lịch sử văn hoá, giáo dục trước đời Lê Thánh Tông, chưa có ai đặt vấn đề như ông. Người ta không ai là không biết mối quan hệ giữa hiền tài và sự thịnh suy của một triều đại, một quốc gia. Nhưng còn coi người “hiền tài là nguyên khí quốc gia” thì phải ghi nhận bắt đầu từ Thân Nhân Trung một câu tổng kết chính xác cho cả một đường lối chiến lược về văn hoá, giáo dục của bất cứ một thời đại nào, một chính thể nào.
Tư tưởng ấy, một lần nữa được nhắc lại trong bài kí để tên bia Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487): “Nếu không có người tài đông đảo thì làm sao có được sự thịnh trị thanh bình” và “muốn có nền giáo hoá, đất nước thịnh trị đó là cái gốc của nó là phải có hiền tài”.
Quan niệm “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” do Thân Nhân Trung đưa được ra các vương triều phong kiến Việt Nam từ triều vua Lê Thánh Tông trở đi coi như một tư tưởng quan trọng trong quốc sách văn hoá, giáo dục.
“Nhân tài thịnh, chính trị lên cao, vận nước nhà rực rỡ vô cùng, càng sâu xa càng lâu dài, mà càng sáng sủa lớn lao thêm” (Bia số 4, khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang thuận 7, 1467). “Quốc gia có người tài cũng như thân thể con người có nguyên khí. Nguyên khí cường thịnh thì con người được hưởng thọ lâu dài, người tài đông đảo thì quốc gia được thái bình vững chãi “(Bia số 29, khoa Bính Thìn, niên hiệu Hoằng Định 20, 1616).
Quan niệm như thế là khẳng định hiền tài định đoạt vận mệnh đất nước, dân tộc. Tư tưởng này dẫn đến sự cầu hiền. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc “chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo hiền tài bồi đắp thêm nguyên khí”.
Có thể nói, ở Việt Nam thời phong kiến, chưa bao giờ nền giáo dục, thi cử lại thịnh đạt cũng như vai trò người trí thức lại được đề cao, đãi ngộ như đời Lê Thánh Tông. Chính vì thế, trong gần 40 năm làm vua, Lê Thánh Tông đã đưa nhà Lê phát triển tới đỉnh cao về mọi mặt đạt tới vinh quang trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hồi thế kỷ XV. Sử gia Ngô Sĩ Liên khen Lê Thánh Tông là vua “anh hùng, tài lược”.Vai trò của nhà nước, người đứng đầu chế độ phong kiến là nhà vua. Muốn bồi dưỡng được hiền tài, theo Thân Nhân Trung người trên (nhà vua) phải biết chăm lo cho dân, lo việc nước khiến cho nước mạnh dân giàu. “Hiền tài phồn thịnh có quan hệ đến khí hóa của trời đất và cốt ở cái gốc giáo hoá của thánh nhân”. Nói sự giáo hoá của thánh nhân là nói về sự quan tâm đặc biệt của nhà vua đối với việc giáo dưỡng tuyển chọn và đãi ngộ nhân tài. Thời đại của Thân Nhân Trung sống, Lê Thánh Tông là một minh quân có tầm nhìn chính trị, có trình độ văn hoá, có tinh thần yêu nước thương dân, chú trọng đến đào tạo và sử dụng hiền tài trong xây dựng đất nước đưa quốc gia Đại Việt trở thành thịnh trị. Việc đào tạo người hiền tài, sử dụng người tài của vua Lê Thánh Tông được phản ánh rõ nét ở 12 khoa thi Tiến sĩ lấy đỗ 502 người, trong đó có 10 người đỗ đệ nhất giáp, đệ nhất danh, và huy động các hiền tài tham gia công cuộc chấn hưng mạnh mẽ nước nhà. Nhà vua còn cho dựng bia khắc tên những người thi đỗ và đặt ở Quốc Tử Giám.
Tiếp thu tinh hoa văn hoá truyền thống dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhà văn hoá, giáo dục lớn, Người suốt đời chăm lo cho độc lập của đất nước, hạnh phúc của nhân dân, “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Cho nên, đất nước vừa giành độc lập, Người đặt giáo dục là một trong nhiệm vụ hàng đầu để chấn hưng đất nước. Người chỉ ra rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người kêu gọi mọi người Việt Nam có quyền lợi và bổn phận học kiến thức mới để xây dựng nước nhà; nhất là các cháu thiếu niên phải ra sức học tập để cho non sông Việt Nam, dân tộc Việt Nam được vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Bên cạnh việc chăm lo giáo dục đào tạo Người còn sử dụng chính sách chiêu hiền tài. Người đưa vào chính phủ lâm thời, các bộ, một số trí thức là những bậc nhân sĩ yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, các luật sư, bác sĩ, kỹ sư Tây học như Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Tùng…Vận động một số trí thức yêu nước đang nghiên cứu, làm việc ở Châu Âu như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Thọ, Đặng Văn Ngữ…về nước tham gia kháng chiến. Rồi các văn nghệ sĩ nổi tiếng thời ấy cũng đứng vào hàng ngũ dưới lá cờ của Bác như Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đình Thi…Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đội ngũ trí thức ấy đã đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của dân tộc. Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc đào tạo và sử dụng hiền tài. Người đặt nhiệm vụ phải đào tạo con người Việt Nam mới vừa hồng vừa chuyên (có đủ đức tài) đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người coi văn hoá giáo dục là một mặt trận quan trọng của sự nghiệp cách mạng trong từng giai đoạn cách mạng cụ thể và có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của một đất nước, một dân tộc. Trên tinh thần ấy, từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta luôn khẳng định: “Cùng với khoa học và công nghệ , giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “khoa học công nghệ là động lực, giáo dục và đào tạo là nhân tố cơ bản để tạo ra động lực” (Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành T.Ư khoá IX) cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục, đào tạo và sử dụng hiền tài đã chấn hưng nền giáo dục nước nhà, phát huy bản lĩnh và tài năng, nhận đúng vai trò của người hiền tài trong tiến trình giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước độc lập, phồn vinh là truyền thống quý báu của cha ông ta được Thân Nhân Trung nêu lên cách đây hơn 500 năm.
Ngày hôm nay, đất nước đang chuyển mình trong hoàn cảnh mới của dân tộc và thời đại, đang hội nhập kinh tế, chuẩn bị nội lực, thực lực cho kinh tế Việt Nam khi nước ta hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thế giới và lĩnh vực giáo dục, đào tạo, làm sao để Việt Nam có một nền giáo dục chất lượng cao, chính sách sử dụng nhân tài như thế nào để người tài có điều kiện phát huy hết khả năng của mình, phục vụ đắc lực và có hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là những vấn đề nóng nhất mà chúng ta cần quan tâm để xây dựng và phát triển đất nước. Giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu, chấn hưng giáo dục là chìa khoá mở cửa vào tương lai dân tộc. Văn hoá, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ vai trò quan trọng đối với sự nghiệp chung của đất nước. Tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Trần Nhân Trung thường xuyên nhắc nhở các triều đại về chính sách đối với kẻ sĩ, và luôn luôn minh chứng lời nói bất hủ của ông về sự thịnh suy của đất nước gắn liền với sự thịnh suy của hiền tài.
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao – mẫu 2
Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã nhìn nhận:
“Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Nhân tài như lá mùa thu”
Để khẳng định giá trị của những trang nam tử, hảo hán cũng như những người tài trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Từ xưa tới nay, người ta luôn đề cao vai trò của hiền tài trong bất cứ hoàn cảnh, triều đại nào. Cũng bàn về vấn đề này, trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại bảo thứ ba – 1442, Thân Nhân Trung đã đề bút: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp.
Thật vậy, với mỗi quốc gia, hiền tài chính là nguyên khí. “Hiền tài” là từ Hán Việt dùng để chỉ những con người vừa tài giỏi lại vừa có tâm, có đạo đức và phẩm chất hơn người. Những người này sẽ mang đến sự hưng thịnh cho quốc gia. Còn “nguyên khí” là cốt khí, sức mạnh nội tại của mỗi quốc gia, dân tộc trong công cuộc xây dựng đất nước. Nói như thế có nghĩa, người vừa có tài, vừa có đức chính là sức mạnh nội tại lớn lao để đất nước có thể phát triển đi lên. Thân Nhân Trung đã nhìn nhận thật sắc vấn đề này, khi khẳng định, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp.
Có thể nói ngoài Thân Nhân Trung thì chưa có bất kì một ai có thể nói nên mối liên hệ giữa hiền tài và sự suy thịnh của một triều đại một quốc gia. Ông đã đặt ra một sự gắn kết chính xác một đường lối chiến lược về văn hóa giáo dục và nó đúng cho dù ở bất cứ một triều đại, một thế kỷ nào.
Và cũng kể từ khi Thân Nhân Trung đưa ra nhận định này nó đã được các triều đại phong kiến coi như một tư tưởng quan trọng trong quốc sách văn hóa giáo dục. Quan niệm như thế khẳng định hiền tài có vai trò ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh dân tộc, Đồng thời cũng nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo hiền tài.
Thời đại của nhà vua Lê Thánh Tông là thời đại hưng thịnh phát triển trên nhiều mặt , đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước chính vì thế nên dưới thời này đất nước có đến 502 người đỗ tiến sĩ trong đó có 10 người đỗ đệ nhất giáp, đệ nhất danh và những vị hiền nhân này có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc chấn hưng mạnh mẽ nước nhà.
Và tiếp thu truyền thống tốt đẹp đó Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vai trò của việc đào tạo nhân tài. Người đã từng nói chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Chính vì thế mà ngay sau khi dân ta giành được độc lập người đã đặt cho giáo dục một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Và Người cũng nhấn mạnh “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. NGười kêu gọi các cháu thiếu nhi phải ra sức học tập để sánh vai với các cường quốc năm châu.
Bên cạnh đó Người cũng sử dụng chính sách chiêu mộ nhân tài đưa vào chính phủ lâm thời. một số những bậc nhân sĩ có tài lại yêu nước có thể kể đến như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Anh, Nguyễn VĂn Huyên, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Hữu Thọ….Quan điểm của Bác cũng được kế thừa từ quan điểm dùng hiền tài chấn hưng nền giáo dục nước nhà đã được Thân Nhân Trung nêu lên cách đây hơn 500 năm.
Có thể nói dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kỳ chế độ nào thì việc đào tạo nhân tài cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Nó không chỉ làm cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn mà điều quan trọng nó còn khiến cho vận khí đất nước trở nên phồn vinh hơn.
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao – mẫu 3
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì nước yếu, rồi xuống thấp”. Bởi vậy, các bậc vua tài giỏi đời xưa chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo hiền tài, bồi đắp nguyên khí quốc gia. Đây là tư tưởng quan trọng nhất về văn hóa, giáo dục của Thân Nhân Trung được trình bày tập trung, khá rõ ràng trong bài kí đề tên bia tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Bảo Đại thứ 3 (1942).
Tư tưởng trên trước hết khẳng định tầm quan trọng của hiền tài đối với quốc gia là việc đem lại hưng thịnh cho đất nước. Trong bài kí, Thân Nhân Trung không nói nhân tài mà là hiền tài. Hiền tài theo quan niệm của người xưa, cũng như của tác giả là người có cả tài năng không những học rộng, hiểu nhiều mà còn có đủ tài giúp vua trị nước, đem lại cuộc sống thanh bình cho nhân dân; ngoài ra, còn có cả đức hạnh, là người gương mẫu về đạo đức, suốt đời chăm lo tu dưỡng phẩm hạnh cho bản thân, đem hết tài năng và đức hạnh phục vụ cho đất nước, làm nên sự nghiệp sáng ngời khiến đời sau kính trọng thanh danh, mến mộ khí tiết, về khái niệm “nguyên khí” trong kho tàng thư tịch cổ Trung Hoa đã có nhiều sách đề cập.
Sách “Bạch Hổ Thông” viết: “Địa giả, nguyên khí sơ sinh, vạn vật chỉ tổ” (Đất là nơi sản sinh ra nguyên khí, tổ của muôn loài), xem nguyên khí là khí đại lớn lao. Còn sách “Đường thừ” viết: Liễu Công Độ thiệp nhiếp sinh. Thường viết: Ngô sở vô thuật, bất dĩ nguyên khí tả hỉ nộ nhĩ (Liễu Công Độ giỏi việc dưỡng sinh. Ông thường nói: Ta vốn không có thuật gì, chẳng qua biết dựa vào tính khí mà điều hòa yêu ghét, Mừng giận mà thôi), xem nguyên khí là để chỉ tính khí của người ta. Ở đây, Thân Nhân Trung đã mượn nghĩa từ sách Đường Thi: “Nguyên khí quốc gia” chính là tinh khí, khí chất, là cái hồn cốt của dân tộc ấy và vận dụng nghĩa ấy một cách sáng tạo.
Người ta không ai là không biết mối quan hệ giữa hiền tài và sự thịnh suy của một triều đại, một quốc gia. Nhưng coi “hiền tài là nguyên khí” thì phải ghi nhận bắt đầu từ Thân Nhân Trung, một câu nói tổng kết chính xác cả một đường lối chiến lược về văn hóa, giáo dục của bất cứ một thời đại, một chính thể nào. Tư tưởng ấy một lần nữa được nhắc lại trong bài kí đề bia Tiến sĩ khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487): “Nếu không có người tài đông đảo thì làm sao có được sự thịnh trị thanh bình” và muốn có nền giáo hóa, đất nước thịnh trị thì cái gốc của nó là phải có hiền tài.
Quan niệm “hiền tài là nguyên khí quốc gia” do Thân Nhân Trung đưa ra đã được các vương triều phong kiến từ thời Lê Thánh Tông trở đi coi như một tư tưởng quan trọng trong quốc sách văn hóa giáo dục. “Quốc gia có người tài cũng như thân thể con người có nguyên khí. Nguyên khí cường thịnh thì con người được hưởng thọ lâu dài, người tài đông đảo thì quốc gia được thái bình vững chãi. (Bia số 29, khoa Bính Thìn, niên hiệu Hoàng Định 20, 1616). Từ sự quý trọng hiền tài, tư tưởng nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc “chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo hiền tài, bồi đắp thêm nguyên khí”. Thời kì phong kiến, vai trò của nhà nước mà đứng đầu là nhà vua đóng vai trò quan trọng. Muốn bồi dưỡng hiền tài thì người trên (nhà vua) phải biết chăm lo cho dân, lo việc nước, khiến cho nước mạnh, dân giàu. Nhà vua đặc biệt quan tâm đến việc giáo dưỡng, tuyển chọn và đãi ngộ nhân tài, nhờ thế mà sẽ đưa quốc gia trở thành thịnh trị.
Tư tưởng tiến bộ của Thân Nhân Trung có ý nghĩa trong mọi thời. Xưa nay, hiền tài vẫn luôn được coi trọng và những người hiền tài vẫn luôn là những người mang lại vinh quang cho quốc gia, dân tộc. Đó là câu chuyện tiếp đãi sứ giả Trung Quốc của nhân dân ta truyền lại. Là Nguyễn Trãi dâng “Bình Ngô sách” thời Lê Lợi; là Trần Quốc Tuấn viết “Hịch tướng sĩ” kêu gọi, động viên tướng sĩ đứng lên quyết tâm chống giặc… Đó là những bậc hiền tài của quốc gia vừa giỏi binh pháp lại vừa có đức nhân. Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ, nhà văn hóa lớn của dân tộc cũng là tấm gương sáng về một hiền tài của dân tộc. Không chỉ có thế, giống như những nhà chiến lược tài ba khác, người nhận thức được vai trò quan trọng của văn hóa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Vừa giành độc lập, người đặt giáo dục là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để chấn hưng đất nước.
Người chỉ ra rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người kêu gọi mọi người Việt Nam có quyền lợi và bổn phận học kiến thức mới để xây dựng nước nhà, nhất là các cháu thiếu niên phải ra sức học tập để cho non sông Việt Nam, dân tộc Việt Nam được vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh cũng rất có ý thức trong việc trọng dụng nhân tài. Người đặt nhiệm vụ phải xây dựng con người vừa hồng vừa chuyên (có đủ đức, tài); coi văn hóa giáo dục là một mặt trận quan trọng của sự nghiệp cách mạng trong từng giai đoạn cụ thể và có tác dụng to lớn đến sự phát triển của một quốc gia, một dân tộc. Đó chính là một biểu hiện của sự tiếp thu tư tưởng tiến bộ từ thời Thân Nhân Trung trong quan niệm của một vị lãnh tụ vĩ đại.
Ngày hôm nay đất nước đang chuyển mình trong những hoàn cảnh mới của thời đại và dân tộc. Làm thế nào để chuẩn bị thực lực và nội lực cho kinh tế Việt Nam bước vào hội nhập?. Làm thế nào để có một nền giáo dục chất lượng cao, vươn tới tầm thế giới?. Làm thế nào để có một chính sách sử dụng nhân tài hợp lý để họ có điều kiện phát huy hết khả năng của mình, phục vụ đắc lực và có hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?. Đó đã và đang là những vấn đề nóng được Đảng, Nhà nước và mọi người dân quan tâm. Giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu, chấn hưng giáo dục là chìa khóa mở cửa vào tương lai. Tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của Trần Nhân Trung thường xuyên nhắc nhở các triều đại về chính sách đối với kẻ sĩ, và luôn luôn minh chứng lời nói bất hủ của ông về sự thịnh suy của đất nước gắn liền với sự thịnh suy của hiền tài.
Xác định được tầm quan trọng của việc học tập cũng như sự quan tâm của toàn xã hội đến học tập và sự trọng dụng đối với những người tài đức, mỗi chúng ta cần cố gắng học tập, rèn luyện mình trở thành những con người có ích cho xã hội, làm cho “nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao”.
Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao – mẫu 4
Quang Trung – Nguyễn Huệ đã từng nói: “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”. Dân tộc Việt Nam ta đã hy sinh hơn 1000 năm dựng nước và giữ nước với biết bao nhiêu mất mác và đau thương nhất là những tấm lưng anh hùng chìa ra làm bia, làm thành bảo vệ đến đổ máu vì một lý tưởng cao cả duy nhất: Độc lập dân tộc. Để có được hòa bình ngày hôm nay, không chỉ nhờ vào sức mạnh đoàn kết mà còn nhờ vào những khối óc tài ba với một lòng nồng nàn yêu nước. Về vấn đề những con người tài giỏi của dân tộc, Thân Nhân Trung đã nêu trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba:
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”. Ý kiến của ông dù qua bao thế kỷ, bao thời đại vẫn luôn giữ giá trị nguyên vẹn.
Tôi cho rằng tư tưởng của Thân Nhân Trung là một tư tưởng hết sức đúng đắn và tiến bộ. Hiền tài là những người tài cao, học rộng lại đức độ, đó là những người vừa có trí tuệ lại vừa có nhân cách đáng trọng. Tài năng, trí tuệ sáng suốt của họ sẽ tạo nên những giá trị, những thành quả, những sản phẩm mới cho con người, cho xã hội, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Vì sao? Bởi vì họ là những con người vốn mang trong mình vốn tri thức thấu đáo, có khả năng làm chủ cuộc sống và vạch ra cho xã hội những bước đi quan trọng để phát triển. Một đất nước mà muốn trở nên giàu mạnh về nhiều mặt thì cần những người giỏi giang, những cá nhân có thực lực thực sự và có nhân cách, đạo đức tốt. Tuy nhiên trong số đó không phải ai cũng là hiền tài. Có nhiều người có tài nhưng lại thiếu đức. Những người này dụng tại vì lợi ích cá nhân chứ không nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng. Còn người hiền tài thực sự bao giờ cũng nghĩ cho cái chung của cộng đồng, về sự phát triển vững mạnh của xã hội. Chính vì thế những gì mà họ tạo ra bao giờ cũng đem lại những tác động tích cực, lành mạnh cho sự phát triển, sự tiến bộ chung của cả xã hội. Không ai có thể phụ nhận được tầm quan trọng của hiền tài đối với sự phát triển của một quốc gia. Như vậy, rõ ràng hiền tài chính là “nguyên khí” của một quốc gia, có vai trò quyết định tới sự thịnh – suy của một đất nước. Một xã hội, một đất nước càng nhiều hiền tài thì càng phát triển nhanh chóng ; một xã hội, một đất nước mà thiếu vắng hiền tài thì sẽ rất khó bền vững, khó có được sự ổn định và phát triển.
Tư tưởng của Thân Nhân Trung không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của hiền tài đối với quốc gia mà còn nêu cao sự cần thiết của việc quan tâm đến hiền tài. Nguyễn Trãi có câu: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu”. Hiền tài đối với một quốc gia được ví như sao sớm, lá mùa thu chứng tỏ số lượng người giỏi của một quốc gia là rất khan hiếm và đòi hỏi chất lượng cao. Nhân tài đã ít mà nếu đất nước không trọng dụng, tận dụng những ngôi sao tinh túy quý giá đó thì sẽ làm hao hụt hiền tài và đất nước thiếu người gây dựng sự nghiệp. Ngày xưa, bao thời Triệu, Đinh, Lí,Trần, thời nào cũng có người tài, người có đức, do đó việc trọng dụng họ vào làm quan, làm tướng làm cho bộ mặt thống trị được mở mang, cách quản lý đất nước cũng được củng cố. Đặc biệt, sẽ một lợi thế lớn khi trong các cuộc đấu tranh chống quân xâm lược, những thủ lĩnh, tướng quân lãnh đạo đội quân ta đều là những vị tướng giỏi, có uy, thật đáng một đấng hiền tài. Một đất nước, một xã hội muốn phát triển cần thiết phải chăm lo bồi dưỡng, trọng dụng hiền tài, cần trân trọng, tôn vinh những cống hiến, những đóng góp của họ, cần bảo vệ, phát huy những giá trị quý giá mà họ đã đem lại cho xã hội, cần tạo một môi trường trong sạch, lành mạnh để người hiền tài được phát huy hết tiềm năng, Cần có sự quan tâm đãi ngộ kịp thời, đúng đắn với người hiền tại. Có như vậy thì hiền tài mới ngày càng dồi dào và đất nước mới thực sự hưng thịnh. Ngược lại, có hiền tài mà không trọng dụng, thậm chí còn tìm cách huỷ hoại thì hiến tài cạn kiệt, không còn những người tài đức đế kiến tạo đất nước, xã hội lâm vào suy thoái.,trì trệ, quốc gia tất sẽ đi đến chỗ suy yếu. Điều này đã được minh chứng rõ ràng bằng lịch sử. Chăm lo đến hiền tài là việc cần làm đầu tiên không chỉ của riêng một nhà nước, một xã hội nào mà là của mọi nhà nước, mọi xã hội.
Thời xưa, bên cạnh những bậc hiền tài trong quá trình tuyển chọn quan lại, nhiều tấm gương sáng giá lộ ra nhưng những người hiền tài có một phần nhỏ là yếu tố bẩm sinh, phần lớn là nhờ tu dưỡng, rèn luyện không ngừng trong quá trình sống. Do đó, việc tạo ra những nhà hiền tài tài ba không phải việc không thể đào tạo được. Vì thế, bản thân những người tài đức trong xã hội phải luôn thấy rõ trách nhiệm của mình đối với đất nước. Đó là cần phát huy tài năng, năng khiếu, tố chất sẵn có của mình và không ngừng tích lũy, trau dồi kinh nghiệm đời. Từ đó mới có thể nổ lực cống hiến hết mình cho xã hội, cho cộng đồng. Mọi cá nhân trong xã hội phải luôn ra sức rèn luyện, phấn đấu để thành người tài đức góp phần xây dựng đất nước. Đất nước phát triển thì cuộc sống của mỗi cá nhân mới ổn định và phát triển dài lâu.
Trong xã hội hiện đại, văn minh ngày nay, mọi quốc gia trên toàn cầu đều thực hiện công cuộc cải cách, thay đổi đất nước hàng ngày để luôn theo kịp nếp sống xã hội. Sẽ là một thiệt thòi lớn cho những đất nước bị thụt lùi, lạc hậu so với quá trình phát triển của tự nhiên và xã hội. Để sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong khu vực và trên thế giới, chúng ta cần đào tạo thật nhiều người tài giỏi qua những chính sách giáo dục đổi mới để kịp phát hiện tài năng sớm. Chính vì vậy, tư tưởng của Thân Nhân Trung là một sự khẳng định sáng suốt về vai trò quan trọng của hiền tài đối với sự nghiệp đất nước.