Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 11: tại đây

Đề bài: Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục trong Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân).

A/ Dàn ý chi tiết

I. Mở bài:

– Giới thiệu vài nét tiêu biểu về tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm Chữ người tử tù: Tác giả với phong cách tài hoa uyên bác. Chữ người tử tù là một truyện ngắn đặc sắc trong Vang bóng một thời

– Khẳng định trong truyện ngắn này, nhân vật Huấn Cao và quản ngục là hai nhân trung tâm của tác phẩm.Thông qua thái độ của Huấn Cao đối với viên quản ngục càng làm nổi bật nhân cách cao đẹp của họ

II. Thân bài:

1. Thái độ của Huấn Cao khi chưa biết quản ngục là “thanh âm trong trẻo”

a. Thái độ khi lần đầu tiếp xúc với quản ngục

– Giới thiệu hoàn cảnh gặp gỡ của hai nhân vật: Huấn Cao và quản ngục gặp nhau lần đầu tiên khi quản ngục tiếp nhận nhóm tử tù nguy hiểm, trong đó có Huấn Cao – thủ lĩnh

– Ngay khi đặt chân vào nhà ngục: Thản nhiên rũ rệp trên thang gông: “dỡ cái gông nặng tám tạ xuống nền đá tảng đánh một cái” và “lãnh đạm” không thèm chấp sự đe dọa của tên lính áp giải.

 Đối với Huấn Cao, quản ngục và bọn lính áp giải chỉ là “một lũ tiểu nhân thị oai”. Cho nên, mặc dù chịu sự giam giữ của bọn chúng nhưng ông vẫn tỏ ra “khinh bạc”.  Ông đứng đầu gông, ông vẫn mang hình dáng của một vị chủ soái, một vị lãnh đạo

 khí phách, tiết tháo của nhà Nho

b. Thái độ trong đối với quản ngục trong những ngày biệt giam

– Trong những ngày biệt giam, mặc dù được quản ngục đối đãi rất mực tử tế, nhưng do Huấn Cao nghĩ quản ngục vẫn là một tay sai trung thành cho chế độ, không có tấm lòng lương thiện nên ông vẫn lạnh lùng với những hành động biệt đãi của quản ngục:

– Hành động biệt đãi của quản ngục:

+ Mong muốn: “Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại”

+ Sai người đem rượu và đồ nhắm đến cho Huấn Cao vì sợ trong buồng giam lạnh

+ Khép nép bày tỏ: Biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều

– Thái độ, hành động của Huấn Cao:

+ Khi được viên quản ngục biệt đãi: “Thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”

 phong thái tự do, ung dung, xem nhẹ cái chết.

+ Trả lời quản ngục bằng thái độ khinh miệt: “Ngươi hỏi ta muốn gì …vào đây”.

 Không khuất phục trước cường quyền.

 khí phách của một người anh hùng.

2. Thái độ của Huấn Cao thay đổi khi nhận ra quản ngục chính là “thanh âm trong trẻo”

– Khi biết tấm lòng”biệt nhỡn liên tài” của quản ngục: Huấn Cao nhận lời cho chữ

 Chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và quý cái đẹp.

– Cảnh cho chữ diễn ra thể hiện thái độ trân quý tấm lòng trong thiên hạ của Huấn Cao dành cho quản ngục

– Lời khuyên quản ngục: “Ở đây lẫn lộn…”

 Lời khuyên thể hiện thái độ trân trọng, lo lắng cho một nhân cách cao đẹp

– Câu nói của Huấn Cao với quản ngục: “Thiếu chút nữa … trong thiên hạ”

 Sự trân trọng đối với những người có sở thích thanh cao, có nhân cách cao đẹp.

 Huấn Cao là một anh hùng – nghệ sĩ, một thiên lương trong sáng.

III. Kết bài:

– Khẳng định thái độ của Huấn Cao đối với quản ngục kể cả khi ông chưa biết tấm lòng và nhân cách cao đẹp của quản ngục đến khi ông đã biết càng làm nổi bật vẻ đẹp của khí phách và thiên lương trong sáng của Huấn Cao

B/ Bài văn mẫu

Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục – mẫu 1

Chữ người tử tù là một tác phẩm xuất sắc nhất trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân. Để hiểu truyện này, thiết tưởng phải nắm được đôi nét về nghệ thuật chơi chữ truyền thống.

Từ xa xưa, ở Trung Quốc, cũng như ở một số nước lân cận ít nhiều đã từng dùng chữ nho như Nhật Bản, Việt Nam. Trong giới trí thức đều có tập quán chơi chữ. Người có tài viết chữ đẹp rất được kính trọng. Chữ nho là một thứ văn tượng hình, viết bằng bút lông mềm mại, viết chữ mà tựa hồ như vẽ một bức tranh. Và cá tính người viết cũng thể hiện trong nét bút. Người ta thường mua chữ hoặc xin chữ. Người cho chữ hoặc bán chữ viết lên bức tranh.. để chủ nhân làm vật trang trí trong nhà. Chữ phải “vẽ” đẹp đã đành, mà ý nghĩa của chữ cũng phải sâu sắc, hợp tình, hợp cảnh… Đây thực chất là một tác phẩm mỹ thuật của người nghệ sĩ, vừa có tài “vẽ” chữ, vừa có khả năng thấu hiểu ý nghĩa của chữ. Bộ môn nghệ thuật này gọi là thư pháp.

Ở Việt Nam, thời phong kiến, Cao Bá Quát được coi là một trong những nghệ sĩ thư pháp đầy tài hoa.

Nguyễn Tuân đã dựa vào nguyên mẫu Cao Bá Quát, một con người có bản lĩnh kiên cường, “lãnh tụ một cuộc khởi nghĩa của nông dân” lại là một bậc tài hoa lỗi lạc chữ viết đẹp, giỏi thơ phú, để xây dựng hình tượng Huấn Cao – một nhân vật khí phách kiên cường, nhân cách cao thượng và rất đỗi tài hoa. Thông qua vẻ đẹp của viên quản ngục, Nguyễn Tuân khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao thượng đối với cái xấu xa thấp hèn.

Huấn Cao trước hết là người hết sức tự trọng, “không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”, “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Ấy là một con người sống hiên ngang bất khuất, “chọc trời khuấy nước”, có “hoài bão tung hoành”, “đến cái cảnh chết chém” ông cũng chẳng sợ. Ông khinh bỉ sâu sắc những người đại diện cho quyền lực thống trị. Dưới mắt ông, chúng chỉ là một lũ “tiểu nhân thị oai”. Do đó tuy dưới quyền cai quản của chúng, ông vẫn cố tình tỏ ra khinh bạc. Ông xuất hiện lần đầu tiên trước viên quản ngục bằng hành động vỗ cái gông nặng 7,8 tạ xuống thềm đá tảng, “đánh thuỳnh một cái”, và “lãnh đạm”, “không thèm chấp”. Khi nghe lời dọa dẫm của tên áp giải thế rồi, sau khi quản ngục khép nép hỏi Huấn Cao: “ngài có cần gì thêm nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu cấp”. Ông đã trả lời với thái độ đầy khinh bỉ: “người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn một điều. Là ngươi đừng đặt chân vào đây”. Theo ông chỉ có “thiên lương” (bản chất tốt đẹp của con người, và tình yêu cái đẹp, cái cao thượng, với tấm lòng “biệt nhỡn, liên tài”) mới là đáng quý. Kiêu sa là thế, nhưng đến khi hiểu được tấm lòng của quản ngục, Huấn Cao chẳng những vui lòng nhận lời cho chữ, mà còn chân thành thốt lên: ta cảm cái lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây là lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.

Và sau khi cho chữ xong, Huấn Cao còn vỗ về khuyên bảo quản ngục, như người cha khuyên bảo con: “tôi bảo thực đấy, thầy quản nên tìm về quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Như vậy theo ông Huấn, cái đẹp không thể chung sống với cái xấu xa thấp hèn và con người chỉ có thể thưởng thức được cái đẹp, nếu như giữ được bản chất trong sáng.

Huấn Cao còn là con người hết sức tài hoa. Ông có “tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, chữ ông “đẹp lắm, vuông lắm”, đến nỗi viên quản ngục coi việc xin được chữ của ông là “có một vật báu trên đời”.

Hình tượng Huấn Cao càng trở nên lộng lẫy bởi tư thế hiên ngang đường hoàng đúng là tư thế của người anh hùng. Với bản chất kiên cường, cho dù đã sa cơ thất thế (bị giam giữ chờ ngày ra pháp trường), Huấn Cao vẫn có tư thế ung dung, tự tại của một người “chọc trời khuấy nước” coi khinh cái chết. Trong tù, ông vẫn thản nhiên ăn thịt uống rượu “coi đó là một việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”. Như vậy, tuy bị giam cầm về thể xác, ông Huấn vẫn hoàn toàn tự do về mặt tinh thần.

Đoạn cho chữ ở cuối truyện có thể coi là đoạn hay nhất, kết tinh nghệ thuật của toàn tác phẩm. Qua đoạn này, hình ảnh ông Huấn Cao càng trở nên uy nghi, lẫm liệt giữa một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Ở đây thủ pháp đối được sử dụng đầy hiệu quả thẩm mỹ: việc cho chữ vốn là một việc thanh cao, một sáng tạo nghệ thuật với lụa trắng, với lụa thơm, với nét chữ tươi tắn lại được tiến hành trong một vùng tối chật hẹp ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Kỳ lạ hơn nữa là sự đối lập giữa hình ảnh kì vĩ của người tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” chỉ sáng mai sẽ bị giải vào kinh chịu án tử hình đang ung dung phóng chữ tô chữ tài hoa trên tấm lụa bạch như một nghệ sĩ hoàn toàn tự do, tự chủ với hình ảnh so le của thầy thơ lại “run run bưng chậu mực” và hình ảnh viên quản ngục khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ, rồi chắp tay vái người tù, “nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ răng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh!”. Chính sự đối lập dường như phi lí này đã tạo ra cảnh tượng mà tác giả gọi là “xưa chưa từng có”, trong nhà tù nhưng cái lạ hơn lại là ở chỗ: té ra giữa chốn tù ngục bạo tàn này không phải những kẻ đại diện cho quyền lực thống trị làm chủ. Đây là sự chiến thắng của cải đẹp, cái tài hoa và nhân cách đối với xấu xa nhơ bẩn. Ý nghĩa tư tưởng của thiên truyện là ở đấy. Huấn Cao là một nhân vật siêu phàm thường thấy trong văn học lãng mạn. Ở nhân vật này, chữ “tài” và chữ “tâm” kết hợp hài hòa với nhau. Ông cũng như nhiều nhân vật chính diện của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời, nhất thiết phải là một con người tài hoa. Song, Huấn Cao còn có vẻ đẹp của một con người đầy khí phách và có trách nhiệm đối với thời cuộc (không phải như nhiều nhân vật khác trong Vang bóng một thời, đành chỉ biết tiêu hao ngày tháng bên chén trà ly rượu đế giải sầu..).

Con người như thế quả là một “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”, là “cái thuần khiết giữa một đống cặn. Lúc đầu, hai người nghi kị lẫn nhau, nhưng cái đẹp và tình yêu cái đẹp đã làm cho họ hiểu nhau. Bên trong con người công cụ ấy của chính quyền tàn bạo, là một tâm hồn nghệ sĩ. Con người khúm núm trước cái đẹp này, thực ra cũng không thiếu sự dũng cảm ngang tàng. Bằng việc xin chữ người tử tù, ông ta chứng tỏ có thể chết vì nghệ thuật (nếu việc bị bại lộ).

Nhiều người có định kiến Nguyễn Tuân trước cách mạng là một cây bút duy mĩ nghệ thuật vì nghệ thuật. Chữ người tử tù có thể coi là một bằng chứng để bác bỏ định kiến ấy. Qua các nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, ta thấy tác giả không hề đối lập tài với tâm, cái đẹp với thiên lương trong sạch của con người. Huấn Cao tin rằng “một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài hẳn không phải là kẻ xấu hay vô tình”. Và một khi cái đẹp, cái tài, cái tâm không bị tách rời, thì nghệ thuật cảm hóa con người, dù phải sống trong bùn như viên quản ngục nhưng thật sự yêu cái đẹp thì vẫn không mất khả năng hướng thiện.

Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục – mẫu 2

Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam từ trước đến nay. Những tác phẩm của ông thường có nhiều thành công lớn về nghệ thuật. Bên cạnh bút pháp lãng mạn, thủ pháp tương phản,… nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng tạo một ấn tượng khó phai mờ, góp phần vào sự thành công của truyện ngắn. Điều đó được thể hiện sinh động qua tâm lí nhân vật chính của thiên truyện – nhân vật Huấn Cao, đặc biệt là diễn biến thái độ của ông đối với nhân vật viên quản ngục.

Huấn Cao là nhân vật được xây dựng với tất cả niềm yêu mến, quý trọng của tác giả. Đó là một người anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất, tài hoa vô song “có tài viết chữ”, văn võ song toàn. Chỉ vì không chịu bị giam cầm trong xã hội nhiều bất công ngang trái mà cùng nhân dân khởi nghĩa chống lại triều đình. Kết cục, ông đành lỡ dở một đời tài hoa anh dũng, bị giam vào chốn ngục tù.

Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật của mình, tác giả đã xây dựng lên không gian hết sức khác lạ, đó là ngục tù, chính tại chốn ngục từ này là nơi “lý tưởng” để diễn ra cuộc đối đầu giữa hai luồng tư tưởng – hai thế lực thù địch: một bên là những quan lại quản ngục đại diện cho chính quyền phong kiến thối nát, bảo thủ, tàn ác đương thời; một bên là những kẻ “nổi loạn”, những tên “giặc cỏ” – những người anh hùng vì bất mãn cường quyền mà đứng lên khởi nghĩa. Hiểu rõ điều đó hơn ai hết, ban đầu Huấn Cao đã tỏ rõ khí khái tiết nghĩa bằng thái độ coi thường miệt thị viên quản ngục. Nhưng hỡi ôi, sự đời vẫn vốn trái ngang như thế. Thối nát, bảo thủ, tàn ác là từ dùng cho ai kia, nó không hoàn toàn đúng với viên quản ngục tỉnh Sơn, nơi Huấn Cao bị giam.

Xây dựng nhân vật viên quản ngục, người đọc tưởng chừng sẽ được gặp nhân vật trái ngược hoàn toàn với Huấn cao, ngược lại Viên quản ngục lại là một người có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” rất mến phục, sùng bái tài viết chữ đẹp của Huấn Cao và thực sự là kẻ còn lại chút “thiên lương”. Cùng với hình tượng nhân vật Huấn cao, viên quản ngục hiện lên thật đẹp, thật đáng khâm phục cho con người có tấm lòng cao đẹp. Dẫu ở giữa chốn quan trường hiểm ác, giữa cái sống và cái chết nhưng viên quản ngục vân thức tỉnh được lương tâm của mình.

Sau khi nhận ra điều ấy, Huấn Cao bằng tất cả sự cao đẹp của nhân cách một nhà nho chân chính đã cúi mình xuống, nâng dậy và phủi bụi cho một linh hồn đang trên bờ vực của tội lỗi. Huấn Cao dành những dòng chữ cuối đời mình tặng cho viên quản ngục, dành tiếng nói nhân tình vọng lên từ sâu thẳm tâm hồn khuyên giải viên quản ngục nhắc ông quay về với thiên lương.

Diễn biến thái độ ấy của Huấn Cao là một quá trình biện chứng phức tạp. Lần đầu tiên “ra mắt” những quản ngục tỉnh Sơn, Huấn Cao đã có một thái độ, việc làm đầy thách thức: “rỗ mạnh gông”. Trong cái “rỗ mạnh” rất tự nhiên ấy ẩn chứa một thái độ khinh bạc: gông cùm của các người có là gì? ta rỗ gông đuổi rệp, và các ngươi chẳng khác chi lũ rệp bám đen mặt đất kia. Vào trong nhà giam rồi, thái độ của ông vẫn không hề nhún nhường uốn mình hơn. Trong khi viên quản ngục vì tấm chân tình tội nghiệp mà hết lòng ưu ái cho ông và các bạn đồng chí thì ông luôn luôn ra mặt: “khinh bạc đến điều”. Khi viên quản ngục đến gặp ông trong nhà giam “khép nép” hỏi: “Ngài muốn gì xin cho biết tôi sẽ cố gắng chu cấp” thì lạnh lùng trả lời: “Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Ông rất ung dung nơi bùn lầy khắc nghiệt ấy, thái độ này tất đã nằm trong toan tính của Huấn Cao: ông càng tỏ ra ung dung bao nhiêu càng tỏ lòng khinh bạc lũ “tiểu lại giữ tù” bấy nhiêu, chúng chẳng hề làm ông lo sợ, chúng đang bị mất hết uy quyền.

Có thể nói, thái độ trên đây của Huấn Cao đối với viên quản ngục là một tất yếu. Bởi ông chưa được rõ nỗi trái ngang trong số phận người quản ngục. Trong suy nghĩ của ông lúc này, hắn là đại diện cho cái chính quyền ông thù ghét: hắn là kẻ thù của ông. Mà Huấn Cao, con người ông đâu chỉ tài năng xuất chúng, ông còn tiêu biểu cho nhân cách và khí phách người anh hùng. Ông đã xả thân vì đại nghĩa, cái chết còn coi nhẹ như lông hồng thì sao lại sợ kẻ giữ từ hèn mọn? Ông là con người đầy tự trọng “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình (…) bao giờ”. Câu nói khẳng khái ấy khiến ta nghĩ đến ý thơ thanh cao của Cao Bá Quát “Nhất sinh đê thủ bái hoa mai”, hay cái nhếch mép “Coi khinh nghìn lực sĩ” của Lỗ Tấn hay cái ý niệm sâu xa “Người đàn ông chỉ có thể quỳ trong hai trường hợp: Để uống nước nguồn và để hái hoa”. Với một nhân cách cao khiết như vậy, trong mắt Huấn Cao, ông chỉ coi viên quản ngục là kẻ tiểu nhân lê bước theo cái chính quyền suy mạt ông căm ghét: tất thảy bọn chúng chỉ là kẻ đáng khinh, đáng coi thường mà thôi!

Thái độ này của Huấn Cao càng khiến người đọc cảm phục ông hơn nữa. Không cúi đầu trước ác quyền, tà lực; biết ghét cái ác đến tận cùng, điều đó chỉ có ở những con người có cái tâm rực rỡ như ánh dương, sáng trong như nước ngọt đầu nguồn và thanh cao như bông mai đầu núi. Nếu câu chuyện đi theo chiều hướng ấy thì cũng đã rất hay. Nhưng ngòi bút Nguyễn Tuân không muốn tuân theo những thói thường của cuộc sống(ông là một nhà văn đầy cá tính mà!). Viên quản ngục của Nguyễn Tuân thực chất không giống những viên quản ngục thông thường. Ông lại là một tâm hồn nhiều uẩn khúc kì lạ. Hiểu rõ con người ấy, Huấn Cao lại có một thái độ khác hẳn, hoàn toàn ngược lại lúc ban đầu.

Ông đã thấy ân hận vì “biết đâu một người như thầy quản lại có tấm lòng biệt nhỡn liên tài”, vì “thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ”. Do đó, dù là một người rất “khoảnh” “trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ” thì nay, những dòng chữ cuối cùng của đời mình ông dành tặng người quản ngục. Chẳng những vậy, ông còn coi người ấy như chỗ tri âm đưa lời khuyên giải. Đoạn văn miêu tả cảnh cho chữ, ban lời trong tác phẩm gây nhiều niềm rung cảm cho người đọc, xứng đáng là một trong những áng văn đẹp nhất của văn học Việt Nam.

Đó quả thực là “Cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy”. Nguyễn Tuân đã tập trung bút lực, tài năng, và sự bay bổng vào cảnh này. Viết chữ, cho chữ, chiêm ngưỡng chữ thánh hiền… Cảnh tượng ấy vốn chỉ dẫn ra nơi thư phòng trang nghiêm, trịnh trọng của những người học rộng tài cao. Còn chốn ngục từ kia nơi “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột phân gián tưởng chỉ là nơi tận đáy cùng xã hội nhơ nhớp tanh hôi”.

Nhưng vào cái đêm khuya thanh vắng trước ngày Huấn Cao về kinh chịu tội, việc cho chữ thiêng liêng đã diễn ta tại nơi mịt mù tăm tối kia. Ở đây, người cho chữ là con nợ rất mực tài hoa, người nhận chữ là viên quản ngục – người mà xã hội vốn chỉ coi là kẻ đi bên lề cuộc đời sinh động cao cả này. Tâm thế người cho chữ – người tù trong sáng bay bổng thanh cao cùng cái đạo chữ thánh hiền mặc thể xác bị giam cầm “cổ đeo gông chân vướng xiềng”. Người quản ngục “run run” khúm núm như đối nhận sự gia ơn của người tử tù.

Đêm sâu thăm thẳm, nhà lao âm u tĩnh mịch giữa đêm đen đặc quánh, sánh lại thứ âm khí tội lỗi, oan khiên tù ngục, bất ngờ rực lên ánh sáng của bó đuốc tẩm dầu đỏ rực bừng lên, “mùi mực tàu” thơm ngát. Ánh sáng của bó đuốc, mùi thơm của mực tàu hay chính là ánh sáng, hương thơm của nhân cách khí phách, của cái thần con chữ thánh hiền, ánh sáng rực rỡ của bó đuốc soi tỏ “ba cái đầu chụm lại” trên vuông lụa trắng tinh “còn nguyên vẹn lần hồ”. Cảnh tượng thiêng liêng và trang trọng quá! Bóng tối không làm tắt đi ngọn đuốc, màn đêm không phủ được màu trắng tinh của lụa, và sự hôi tanh của phân gián phân chuột không ngăn được mùi thực ngào ngạt tỏa lên ướp hương, tẩm vị vào tâm hồn con người.

Cao, tiếng nói của cái đẹp…, tiếng nói khuyên con người về với các Thiện “ở đây lẫn lộn ta khuyên thầy… về quê không ở đây nhem nhuốc” cả tâm hồn nhân phẩm. Và người quản ngục chỉ có thể nghẹn ngào một tiếng “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Vậy là cái Đẹp đã cảm hoá cái xấu, cái ác và nói như Đôxtôiepxki “Cái Đẹp đã cứu vớt nhân thế”. Không gian im lìm tĩnh mịch, nếu có âm thanh vang lên thì đó là tiếng nói của Huấn Lời khuyên chân tình của Huấn Cao “ở đây không phải chốn treo tấm lụa” còn khẳng định một điều: Cái Đẹp không thể sống chung, sống cùng, sống lần lộn với cái ác, cái xấu.

Sau câu nói của Huấn Cao, không gian tĩnh lặng. Tĩnh lặng để cho cái Thiện, cái Đẹp bồi hồi ngân vang… Và khi ấy, Huấn Cao, người quản ngục, từ thế đối lập đã hòa vào nhau chỉ còn niềm tôn kính vô bờ trang trọng với cái Đẹp, cái Thiện của cuộc đời này. Sự thay đổi trong thái độ của Huấn Cao đối với viên quản ngục thực ra không có điều gì bất ngờ và phi li. Bởi thực tế Huấn Cao là người khí phách nhưng viên quản ngục không phải hoàn toàn xấu xa. Huống hồ họ lại gặp nhau nơi lòng yêu mến, tôn sùng cái Đẹp. Vì vậy, ta có thể hiểu con đường họ đi từ thế đối lập đến sự hòa hợp trong sự toả hương của con chữ thiên lương. Không chỉ vậy, trong nhân cách Huấn Cao, ông còn là con người đầy tinh tế, độ lượng, biết trọng người có thiên lương. Ông vì cảm một tấm lòng mà cho chữ kẻ tội đồ của cái Thiện. Nơi tù ngục, lúc cuối đời ông đâu ngờ lại gặp được một tâm hồn tri âm, tri kỷ!

Miêu tả thành công diễn biến thái độ của Huấn Cao đối với viên quản ngục, Nguyễn Tuân đã tô đậm vẻ đẹp nhân cách cho nhân vật ông yêu mến. Đó thực là hình mẫu lí tưởng cho một con người tài hoa, khí phách, độ lượng – một biểu tượng hoàn mĩ cho cái Đẹp, cái Thiện. Qua sự đổi thay trong tâm lí nhân vật, nhà văn cũng khẳng định một điều: cái Thiện có thể sinh ra từ cái ác (thiên lương cho người quản ngục được ban tặng chốn ngục tù) nhưng không thể sống chung, sống lẫn lộn cùng cái ác (Huấn Cao từng khinh thường viên quản ngục vì nghĩ nhầm đó là kẻ ác rồi sau đó khuyên ông rời chốn lao tù thì mới bảo toàn được “thiên lương”).

Huấn Cao là một hình tượng văn học hoàn mĩ đẹp đẽ nhất từ trước đến nay trong văn học nước nhà. Nhưng hình tượng ấy không hề cứng nhắc hoặc lí tưởng hóa trong ngòi bút của nhà văn. Ngược lại nó vô cùng sinh động bởi có một diễn biến tâm tư lôgic, biện chứng. Điều đó càng khẳng định thành công của Chữ người tử tù và thêm một lần ngợi ca tài năng có một không hai của tác giả Nguyễn Tuân trong nền văn học Việt Nam vốn hiếm những hình tượng văn học như thế.

Huấn Cao trong chữ người tử tù hiện lên thật đẹp, thật đáng khâm phục. Dù trong hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt, cái chết cận kề nhưng vị anh hùng này vẫn chấp nhận, vẫn anh dũng kiên cường. Hình ảnh của nhân vật như là tấm gương cho thế hệ chúng ta suy nghĩ là làm theo.

Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục – mẫu 3

Có thể khẳng định trong nền văn học Việt nam Nguyễn Tuân là một người có tên tuổi lớn: “Nói đến Nguyễn Tuân mà chỉ cần gọi gọn ghẽ là nhà văn theo ý nghĩa thông thường đầy vinh dự của chữ đó e vẫn thấy thiêu thiếu thế nào. Nguyễn Tuân đó là một hiện tượng văn hóa phong cách. Con người ông, phong cách của ông cũng đẹp một cách độc đáo như câu văn ông. Một câu văn một không hai trong nghệ thuật ngôn từ Tiếng Việt” (Phan Huy Chú). Thật vậy, Nguyễn Tuân không chỉ góp một phong cách mà ông còn góp được cho văn học Việt nam những tác phẩm hay. Tiêu biểu trong sáng tác của ông là tác phẩm chữ người tử tù. Đặc biệt qua đó ta thấy được nhân vật Huấn Cao không chỉ anh hùng tài giỏi mà ông còn là người rất mực trân trọng thiên lương mà cụ thể ở đây là tấm thiên lương của viên quản ngục.

Truyện kể về nhân vật anh hùng Huấn cao dám một mình đứng lên chống lại triều đình phong kiến. Chính bởi lẽ ấy mà chúng ta thấy được những phẩm chất và tính cách của nhân vật. Huấn Cao là một người không những anh hùng mà lại còn rất có tài nữa mà cái tài ấy chính là tài viết đẹp. Bên cạnh nhân vật Huấn Cao ấy thì ta cũng thấy được một nhân vật cũng đáng quý ấy chính là nhân vật viên quản ngục. Hai người ấy trên lĩnh bình diện xã hội hoàn toàn trái ngược nhau. Thế nhưng họ lại đồng điệu với nhau trong nghệ thuật. Viên quản ngục ấy mến cái tài viết chữ của Huấn Cao có sở nguyện cao quý rằng một ngày kia xin được chữ của Huấn Cao mà treo trong nhà. Cái sở nguyện cao quý cũng như tôn trọng cái đẹp kia phần nào thể hiện được quan niệm của nhà văn về cái đẹp. Có thể nói trong văn Nguyễn Tuân cái đẹp luôn thăng hoa ở mọi lúc mọi nơi mọi hoàn cảnh. Chính cái sở nguyện cao quý của viên quản ngục cũng như sự “ích kỉ” không cho chữ của Huấn Cao đã nói lên điều đó. Không những thế truyện còn mang đến cho chúng ta về vẻ đẹp của cái thiện, cái thiên lương của con người. Tuy nhiên quá trình để cho Huấn Cao thấy được tấm thiên lương của viên quan coi ngục cũng như quá trình để viên quản ngục đạt được sở nguyện cao quý ấy lại là những diễn biến khá dài. Thế nhưng thái độ của Huấn Cao với sự biệt đãi của viên quản ngục như thế nào?. Diễn biến thái độ đó ra sao?.

Trước hết là khi Huấn Cao mới bị bắt và được đưa đến nhà giam nơi quan coi ngục này chịu trách nhiệm cai quản. thế nhưng khi ấy Huấn Cao còn tỏ ra rất lạnh lùng và khinh thường viên quản ngục ấy. Đó là khi ông chưa biết được thiên lương của viên quan coi ngục, ông nghĩ rằng viên quan coi ngục kia cũng cùng một ruộng với triều đình và đều là đáng khinh. Về phía quan coi ngục ngay từ khi biết tin Huấn Cao được giải giam tại đây thì ông vui mừng khi gặp được người mà mình kính trọng nể phục. Ông tiếp rượu thịt cho Huấn Cao và cho Huấn Cao vào một nhà giam riêng. Huấn Cao không những không cảm kích mà cho rằng viên quan coi ngục đang có âm mưu gì. Huấn Cao cũng nghĩ đến việc viên quan coi ngục hạ độc mình trong những rượu thịt mang đến nhưng ông không sợ vì khi ông đã xác định vào đây thì cũng sẽ bị chết chỉ là sớm hay muộn thôi. Thế cho nên cứ mang đến thì Huấn Cao lại ăn uống no say. Viên quan coi ngục như ngỏ ý mình, ông quan tâm hỏi han Huấn Cao thì Huấn Cao lại đáp lại bằng những câu nói và ánh mắt khinh bỉ như đuổi viên quan coi ngục ra khỏi mình. Có thể nói trong chính Huấn Cao ông không hề mảy may đến những quan tâm đặc biệt của viên quản ngục một chút nào. Trong cái nhà ngục tối tăm ấy Huấn Cao khinh thường tất cả cái gì là của triều đình phong kiến lạc hậu. Và chính thế mà viên quan coi ngục kia cũng không thể nào mà có thể lọt qua mắt hay làm động lòng của người anh hùng ấy.

Qua đây ta thấy như vậy khi mới đến ngục thì Huấn Cao không có một chút chú ý nào đến những người quanh đây mà cụ thể là viên quan coi ngục. Đó là một thái độ khinh bỉ của Huấn Cao dành cho viên quản ngục. vậy thì khi hiểu ra thì thái độ của Huấn Cao với viên quan kia như thế nào?.

Sau bao lâu Huấn Cao đã làm cho viên quản ngục thấy buồn may thay có thầy thơ lại nói cho Huấn Cao hiểu chứ không thì Huấn Cao sẽ đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Chữ Huấn Cao rất quý vì thế ông vốn khoảnh ngoài bạn thân ra thì ông cho ai chữ bao giờ. Thế nhưng khi nghe thầy thơ lại nói về tâm tư nguyện ước của viên quan coi ngục thì Huấn Cao bằng lòng cho ngay. Nghe chuyện mà Huấn Cao không khỏi thốt lên “ Suýt chút nữa thì ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Từ câu nói đó ta có thể thấy thái độ của Huấn Cao với viên quan coi ngục đã khác đi. Huấn Cao không còn khinh bỉ nữa mà còn trân trọng những con người thiên lương như thế.

Khi ông quyết định cho chữ, ba người trong phòng giam với sự đối lập của không gian và cảnh tượng cho chữ vẻ đẹp như thăng hoa. Và cũng chính vì thế mà con người cũng gần nhau hơn. Huấn Cao không còn miệt thị khinh bỉ viên quan coi ngục nữa mà ông lại gần viên quan hơn. Ông dậm tô nét chữ để tặng cho viên quản ngục như chính lời mà ông muốn dành cho viên quan coi ngục. Không những thế khi cho chữ xong thì Huấn Cao còn khuyên viên quản coi ngục nên về quê nếu cứ ở đây thì mất cái thiên lương trong sáng ấy mất. Có thể thấy Huấn Cao đang coi viên quan coi ngục như những người thân, người bạn của mình mà khuyên thật lòng.

Qua đây ta thấy qua những hoàn cảnh khác nhau Huấn Cao biểu thị thái độ của mình với viên quan coi ngục rất rõ. Đó không chỉ là những thái độ mà nó còn thể hiện những ý nghĩa nhất định. Mà tiêu biểu trong những ý nghĩa đó là sự trân trọng thiên lương của người xưa.

Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục – mẫu 4

Nguyễn Tuân là người tài hoa hơn người, văn chương của ông cũng từ cái tài hoa đó mà sản sinh ra. Dựa vào một hình tượng có thật của Việt Nam- Cao Bá Quát, Nguyễn Tuân đã tạo dựng được câu chuyện về người tử tù có tên là Huấn Cao – một nhân vật khí phách kiên cường, nhân cách cao thượng và rất đỗi tài hoa. Thông qua vẻ đẹp của viên quản ngục, Nguyễn Tuân khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp, cái cao thượng đối với cái xấu xa thấp hèn.

Thái độ của Huấn Cao cũng chính là cái nhìn của tác giả về mọi thứ xung quanh cũng là cách đánh giá của tác giả về những chân lí trong cuộc sống, về cái đẹp cái thiện .Huấn Cao trước hết là người hết sức tự trọng, “không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”, “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Ông coi chữ là thứ vô cùng quý giá và chữ ấy không phải ai muốn ông đều cho, theo ta nghĩ nếu cho chữ mà không đúng người thì chẳng khác gì tự mình làm mất đi giá trị của thứ mình quý trọng bấy lâu. Ông là một con người sống hiên ngang bất khuất, “chọc trời khuấy nước”, có “hoài bão tung hoành”, “đến cái cảnh chết chém” ông cũng chẳng sợ.Huấn Cao đặc biệt khinh bỉ những người đại diện cho quyền lực thống trị. Dưới mắt ông, chúng chỉ là một lũ “tiểu nhân thị oai”.

Vì vậy, tuy dưới quyền cai quản của chúng, ông vẫn cố tình tỏ ra khinh bạc. Xuất hiện trước mặt viên quản ngục khi gõ gông nặng 7,8 tạ ,“đánh thuỳnh một cái”, và “lãnh đạm”, “không thèm chấp”. Sau khi quản ngục khép nép hỏi Huấn Cao: “Ngài có cần gì thêm nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu cấp”. Huấn Cao trả lời với một giọng điệu đầy khinh bỉ: “người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn một điều. Là ngươi đừng đặt chân vào đây”. Ông không muốn không gian xung quanh ông bị chính những cái thấp hèn , những con người chỉ biết cung phụng cho những tầng lớp trong xã hội cũ có thể quấy rầy mình. Tâm hồn ông rất thanh cao nhưng ông cũng là người khẳng khái không sợ uy lực của cái xấu. Kiêu sa là thế, đến khi hiểu được tấm lòng của viên quản ngục , Huấn Cao chẳng những vui lòng nhận lời cho chữ, mà còn chân thành thốt lên: ta cảm cái lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây là lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.

Không những cho chữ, những lời khuyên răn chân thành của Huấn Cao giành cho viên quản ngục quả là một người có tấm lòng nhân hậu độ lượng: “tôi bảo thực đấy, thầy quản nên tìm về quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Ta nhận ra được một triết lí,một triết lí mà cho tới tận bây giờ nó vẫn giữ nguyên giá trị:’cái đẹp không thể chung sống với cái xấu xa thấp hèn và con người chỉ có thể thưởng thức được cái đẹp, nếu như giữ được bản chất trong sáng”. Ý tứ sâu xa của Huấn cao thật hay thật sâu sắc

Huấn Cao còn là con người hết sức tài hoa, đến nỗi viên quản ngục coi việc xin được chữ của ông là “có một vật báu trên đời”. Hình tượng Huấn Cao càng trở nên lộng lẫy bởi tư thế hiên ngang đường hoàng đúng là tư thế của người anh hùng. Với bản chất kiên cường, cho dù đã sa cơ thất thế Huấn Cao vẫn có tư thế ung dung, tự tại của một người “chọc trời khuấy nước” coi khinh cái chết. Khi ở trong tù, ông vẫn thản nhiên ăn thịt uống rượu “coi đó là một việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”.

Đoạn cho chữ ở cuối truyện có thể coi là đoạn hay nhất, kết tinh nghệ thuật của toàn tác phẩm. Nguyễn Tuân đã sử dụng thủ pháp đối được sử dụng đầy hiệu quả thẩm mỹ: việc cho chữ vốn là một việc thanh cao, một sáng tạo nghệ thuật với lụa trắng, với lụa thơm, với nét chữ tươi tắn lại được tiến hành trong một vùng tối chật hẹp ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Hơn thế đó là sự đối lập giữa hình ảnh kì vĩ của người tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng” đang ung dung phóng chữ tô chữ tài hoa trên tấm lụa bạch như một nghệ sĩ hoàn toàn tự do, tự chủ với hình ảnh của thầy thơ lại “run run bưng chậu mực” và hình ảnh viên quản ngục khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ, rồi chắp tay vái người tù, “nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ răng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh!”.. Đây là sự chiến thắng của cải đẹp, cái tài hoa và nhân cách đối với xấu xa nhơ bẩn. Ý nghĩa tư tưởng của thiên truyện là ở đấy. Ở nhân vật này, chữ “tài” và chữ “tâm” kết hợp hài hòa với nhau. Ông cũng như nhiều nhân vật chính diện của Nguyễn Tuân trong Vang bóng một thời, nhất thiết phải là một con người tài hoa. Song, Huấn Cao còn có vẻ đẹp của một con người đầy khí phách và có trách nhiệm đối với thời cuộc.

Huấn Cao được ví như “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”, nổi bật lên giữa bao nhiêu thứ hỗn tạp chính là một âm trong trẻo không bao giờ dứt. Bên trong con người công cụ ấy của chính quyền tàn bạo, là một tâm hồn nghệ sĩ.

Tác phẩm “Chữ người tử tù” với hình tượng của Huấn Cao và thái độc của ông, diễn biến tâm lí và tính cách của ông thay đổi thay từng chặng. Qua các nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, ta thấy tác giả không hề đối lập tài với tâm, cái đẹp với thiên lương trong sạch của con người. Tuy trong một hoàn cảnh vô cùng oái oăm, nhưng khi cái đẹp, cái tài, cái tâm không bị tách rời, thì nghệ thuật cảm hóa con người, dù phải sống trong bùn như viên quản ngục nhưng thật sự yêu cái đẹp thì vẫn không mất khả năng hướng thiện.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 1015

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống