Viết bài tập làm văn số 5: Văn lập luận chứng minh

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 7: tại đây

Đề bài: Ít lâu nay, một số bạn trong lớp có phần lơ là học tập. Em hãy viết bài văn thuyết phục bạn: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

A/ Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

– Vai trò của học tập: học tập là một quá trình không bao giờ có điểm kết thúc, nó là cách giúp con người trở nên có ích, biết điều hay lẽ phải để cuộc sống ý nghĩa hơn. 

– Thực trạng: một số bạn trong lớp có phần lơ là học tập.

– Nêu luận điểm cần chứng minh: “Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích”.

II. Thân bài

1. Giải thích

– Học tập là quá trình con người chủ động tìm kiếm, lĩnh hội tri thức để góp phần hoàn thiện bản thân mình, đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

– Phải học tập khi còn trẻ vì:

+ Tuổi trẻ là lứa tuổi sung sức, nhiều năng lượng, ước mơ, khát vọng. Tuổi trẻ cũng là khoảng thời gian lí tưởng để ta rèn luyện tâm hồn, tình cảm, những trải nghiệm, vốn sống thiết yếu để hoàn thiện và phát triển cả về thể chất và trí tuệ.

+ Khi còn trẻ, ta học tập, trải nghiệm nếu thất bại thì chỉ như những cơ hội giúp ta nhận ra thiếu sót mà cải thiện, nhưng khi trưởng thành, có thể sẽ có những thất bại làm ta ngã gục, đau đớn, bị nhiều người chỉ trích, chê cười…

– “Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích” vì ta không có những hiểu biết chung nhất về công việc, xã hội nên không biết làm thế nào để đạt hiệu quả cao.

→ Ý kiến nêu trên là một lời khẳng định khá đúng đắn và sâu sắc về tầm quan trọng của việc học đối với mỗi cá nhân.

2. Ý nghĩa của việc học

– Đối với bản thân: Học tập là con đường ngắn nhất giúp ta tiến về phía trước, mở ra cánh cửa tương lai nơi có thành công, hạnh phúc đang đón đợi.

– Đối với xã hội: học tập là phương tiện thúc đẩy con người phát triển xã hội. Khi chúng ta có tri thức, vốn sống cộng thêm lòng nhiệt huyết, khát vọng được cống hiến thì đất nước sẽ phát triển giàu mạnh hơn, con người sẽ hạnh phúc, giàu sang hơn.

3. Chứng minh 

– Trong tư tưởng, từ xa xưa, nhân dân ta đã đề cao việc học: “Người không học như ngọc không mài”; cho trẻ đến trường từ khi còn nhỏ; đề cao vai trò của người thầy.

– Trong cuộc sống:

+ Người chăm chỉ học hành: thành đạt, làm việc đạt hiệu quả cao, có cuộc sống no đủ…

+ Người không lo học hành: không làm được việc gì tốt, sống cuộc sống bấp bênh…

4. Thực trạng

– Ít lâu nay, một số bạn trong lớp có phần lơ là học tập dù biết đó là việc quan trọng nhưng vẫn phớt lờ, chểnh mảng.

– Học qua loa, đối phó.

– Học vì thành tích, vì áp lực từ thầy cô, cha mẹ.

– Lâu dần hình thành thói quen lười biếng, ỷ lại vào người khác mà không cố gắng, chủ động học tập để phát triển bản thân

5. Giải pháp

– Cần xác định được động lực học tập để cố gắng không ngừng.

– Việc học phải đi đôi với hành để những kiến thức sách vở trở nên thiết thực, gần gũi hơn.

– Chủ động học tập và chủ động góp ý khi thấy những người xung quanh lơ là việc học.

III. Kết bài: Cảm nhận của bản thân:

– Học tập là con đường tốt nhất và ngắn nhất để thành công trong cuộc sống và sự nghiệp.

– Mỗi người cần phải có ý thức học tập và rèn luyện ngay khi còn chưa muộn.

B/ Sơ đồ tư duy

C/ Bài văn mẫu

Em hãy viết 1 bài văn để thuyết phục bạn khi bạn lơ là học tập – mẫu 1

Trong mỗi chúng ta ai cũng có ước mơ cho riêng mình, ai cũng muốn lớn lên sẽ làm được những việc có ích cho bản thân và xã hội. Để đạt được ước mơ, chúng ta phải học tập, rèn luyện mọi kỹ năng để có những thành công. Tuy nhiên, hiện nay một số bạn lại lơ là việc học tập, chỉ biết ước mơ mà không chịu cố gắng để đạt được ước mơ. Các bạn hiện còn rất trẻ, nếu không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích!

Thật vậy, cuộc sống ngày càng tiên tiến và hiện đại nên luôn cần những người tài, có tri thức. Dù bạn làm bất kỳ công việc gì, từ một bác sỹ, kỹ sư, thầy cô giáo hay cả những người thợ, công nhân và nông dân, muốn làm được đều phải có tri thức. Bạn đừng nghĩ một người nông dân chỉ biết cày cấy, cuốc đất làm ruộng hay một người công nhân chỉ biết khuân vác, làm những việc dựa vào sức lực là có thể tồn tại được. Nếu không có tri thức, bạn sẽ bị lệ thuộc vào kẻ khác, bị cuộc sống xô đẩy mà sẽ không tìm được những gì mình mong muốn. Do đó mà lúc nào bạn cũng thấy mình bị đối xử bất công và sống trong khổ sở.

Lịch sử cho thấy, hầu hết những người có tri thức luôn được tôn trọng và đề cao. Họ là những người làm được nhiều việc lớn cho xã hội. Ngay từ xưa, các vị anh hùng lãnh đạo chống ngoại xâm cho dân tộc như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ…tất cả đều là những người chịu khó học tập từ nhỏ, lớn lên có tri thức, có tài mới làm được những việc lớn, lập các chiến công vĩ đại nên để lại tiếng thơm muôn đời cho con cháu… Hay ngày nay, chỉ những học sinh siêng năng học giỏi sau này mới có thể có những phát minh cho nhân loại, làm việc lớn cho đời. Nếu đọc tiểu sử của những người như vậy bạn sẽ thấy tất cả họ đều là những người cần cù học tập chịu khó ngay từ lúc còn trẻ.

Nước ta ngày xưa sống trong xã hội phong kiến, nhà nước không quan tâm đầu tư giáo dục, không quan tâm nâng cao dân trí nên hầu hết người dân không có tri thức. Đất nước do vậy mà nghèo nàn, lạc hậu. Những người dân nghèo khổ lại phải chịu sự tác động, chi phối của cuộc sống và bị xã hội vùi dập nhưng chỉ biết than thân, trách phận mà không biết làm thế nào để thoát khỏi số phận long đong ấy. Đặc biệt, đối với người phụ nữ, họ không được học hành nên việc họ bị áp bức, trà đạp là chuyện tất yếu. Chỉ những người phụ nữ có hiểu biết, có tri thức thì mới ý thức được thân phận, cuộc đời mình. Họ tìm được cho mình con đường đi đúng. Hai bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa thắng lợi. Hồ Xuân Hương ý thức được thân phận của mình trong trong lễ giáo phong kiến hà khắc. Họ làm được điều đó do họ có tri thức. Vậy nên, muốn có cuộc sống như ý muốn, không gì khác ngoài việc bạn phải có tri thức. Muốn có tri thức, phải học ngay lúc sớm nhất có thể.

Có thể tuổi trẻ bạn ham chơi, bởi theo bạn có nhiều thứ lôi cuốn hấp dẫn hơn việc học nhiều. Bạn cho rằng những trò chơi điện tử trên máy tính, những cuộc đi chơi với bạn bè… là những việc lí thú hơn cả vì chúng mang lại cho bạn nhiều niềm vui thích, hứng khởi hơn là ngồi vào bàn học với đống sách vở nhàm chán. Thế nhưng bạn ơi! Hãy nghĩ lại! đừng chỉ nhìn thấy những lợi ích, thú vui trước mắt mà quên đi những ước mơ, hoài bão sau này đang chờ bạn thực hiện. Nếu bạn không học, bạn sẽ nhanh chóng tạo ra cho mình một lỗ hổng lớn về kiến thức mà khó bù đắp lại được. Bạn sẽ nhanh chóng chán nản việc học. Điều đó là cực kỳ nguy hiểm cho tương lai của bạn. Có thể tuổi trẻ còn dài nhưng thời gian trôi đi không trở lại, bạn sẽ không làm được việc của ngày hôm nay nếu ngày hôm nay trôi qua. Đời người chẳng bao lâu, nếu không học thì sau này bạn sẽ không còn cơ hội học tập nữa. Đừng để sau này hối hận và cất lên những trường khúc: “Giá như ngày trước mình…”. Tất cả không trở lại bạn ạ.

Vậy nên, chúng ta phải học, học để biến những ước mơ của mình thành sự thật. Phải chịu khó và hi sinh những thú vui không có lợi cho việc học. Bởi chỉ có học thì mai này lớn lên mới đủ khả năng làm được những việc có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội và tương lai sẽ rộng mở với chúng ta. Bây giờ vẫn chưa là muộn, tất cả đều có thể, hãy chăm chỉ học tập và chúng ta sẽ làm được điều mình muốn!

Em hãy viết 1 bài văn để thuyết phục bạn khi bạn lơ là học tập – mẫu 2

“Tuổi trẻ là tương lai của đất nước”. Thật vậy, trong xã hội ngày càng phát triển hiện nay, tầng lớp lao động là thanh niên đang chiếm đa số. Xã hội có phát triển hay không một phần là nhờ công sức dựng xây của các bạn trẻ. Tuy nhiên, khi cuộc sống con người ngày càng phát triển, nhiều bạn trẻ đã không biết trân trọng những gì mình đang có. Có những bạn được sinh ra trong một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, điều kiện đủ đầy nhưng lại không biết cố gắng, phấn đấu vươn lên mà lại lơ là trong việc học hành. Đó là thực trạng đáng buồn bởi các bạn không biết rằng nếu khi còn trẻ, ta không chịu học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích!

Học ở đây là con đường tiếp thu, lĩnh hội tri thức. Đây là quá trình lâu dài giúp mỗi con người có thể chiếm lĩnh được tri thức vô tận của thế giới. Học cho bản thân và học cho sự phát triển của xã hội. Học tập từ xưa đến nay luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển con người. Nó là chìa khóa vạn năng, là cánh cửa rộng mở cho tương lai, giúp con người làm giàu cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Học không chỉ có vai trò quan trọng với bản thân mỗi con người, mà còn có vai trò nhất định đối với xã hội. Học tập chính là động lực để xã hội lớn mạnh, ngày càng phát triển, tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây cũng là con đường nhanh nhất đưa nước ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ đã khẳng định. Walt Disney, ông trùm của hãng hoạt hình Walt Disney, là người sáng lập nên hãng phim hoạt hình nổi tiếng trên thế giới đã khơi nguồn cảm hứng cho hàng triệu triệu người trên thế giới. Gặp phải nhiều thất bại trong cuộc sống, tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả và vấp phải khá nhiều những thất bại trong cuộc sống. Tuy vậy, ông vẫn học tập không ngừng và vươn lên để đạt được thành công vang dội như hiện tại. Abraham Lincoln là tổng thống thứ 16 của nước Mỹ. Ông chính là tấm gương sáng của sự tự lập, biết phấn đấu vươn lên để trở thành người quyền lực nhất nước Mỹ. Dù xuất thân trong gia đình nghèo khó, thiếu thốn nhưng ông luôn cố gắng, nỗ lực không ngừng. Ông gặp phải nhiều thất bại nhưng sau đó, ông đều coi đó là động lực để tiếp tục con đường học tập, trải nghiệm để gặt hái thêm nhiều thành công khác. Thomas Edison được biết đến là nhà phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại, làm thay đổi cuộc sống của cả nhân loại. Thời gian khi còn đi học, các thầy cô đều cho rằng ông “quá ngu ngốc để không thể học bất cứ thứ gì”. Vậy nhưng chính Edison đã cố gắng để chứng minh cho họ biết họ đã sai. Ông làm thí nghiệm đến 10.000 lần, và đều thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn điện, mang đến cuộc cải cách cho lịch sử nhân loại. Ở Việt Nam, từ xa xưa, tinh thần hiếu học của cha ông ta đã được minh chứng rất rõ qua các tấm gương sáng về học tập. Mạc Đĩnh Chi, Cao Bá Quát đều là những con người hiếu học. Tấm gương tiêu biểu nhất có thể kể đến là chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người dành trọn cả đời để học tập và rèn luyện, phấn đấu không ngừng. Trong cuộc sống đời thường, còn muôn vàn những tấm gương sáng về tinh thần tự học vươn lên và thành công. Đó là câu chuyện của Nguyễn Minh Trí, chàng sinh viên không tay kiên cường. Trí sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con, không được lành lặn như bạn bè khi không có hai cánh tay do dị tật bẩm sinh nhưng Trí vẫn quyết tâm học để đổi đời. Chính tinh thần học tập đáng khen ngợi ấy đã đem lại trái ngọt khi Trí đã thi đỗ vào trường Đại học An Giang theo đúng chuyên ngành mình mong muốn. Nguyễn Sơn Lâm được nhiều người biết đến là một trong các tấm gương vượt khó trong học tập. Anh là người khuyết tật nổi tiếng và thành công tại Việt Nam. Anh bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam sau chiến tranh. Việc dị tật ở hệ xương nên chân tay rất yếu, việc học tập của anh cũng không được như bạn bè. Tuy vậy, anh đã xóa tan mặc cảm ấy bằng việc cố gắng nỗ lực vươn lên. Anh tự đọc tự học qua thầy cô, qua sách vở và đỗ hai trường đại học. Anh có thể nói thông thạo ba thứ tiếng là Nhật, Anh, Pháp. Anh là một diễn giả nổi tiếng và là chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Đào tạo Tỏa sáng. Họ đều là những người trẻ, đều là những con người kém may mắn trong cuộc sống. Vậy nhưng ở họ có một tinh thần tự học đáng ngưỡng mộ.

Con đường học tập có rất nhiều những hình thức khác nhau. Bạn có thể học ở trường phổ thông, học nghề, học để nâng cao chuyên môn…Bạn có thể học ở nhà trường, học trên sách vở, báo đài, học ngoài thực tế hay học ở bạn bè…Học không chỉ là điều kiện cần và đủ để được bằng cấp, để có việc làm mà học để không ngừng nỗ lực hoàn thiện chính bản thân mình về mọi mặt, từ kiến thức, kĩ năng đến thái độ. Hãy đưa ra một giả thuyết, nếu bạn không học, bạn không thể sửa một chiếc quạt khi hỏng, bạn cũng không thể lắp một chiếc xe đạp đầy đủ phụ tùng. Chính vì thế, học để đem lại kiến thức lý thuyết cho bản thân cũng như đem lại những kĩ năng để vận dụng thực hành cho cuộc sống.

Việc học đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống mỗi con người. Thế nhưng, thực trạng hiện tại lại vô cùng đáng buồn khi phần lớn các bạn trẻ hiện nay lại lờ là việc học tập. Phần lớn các bạn đều chưa ý thức được vai trò, tầm quan trọng của việc học tập. Các bạn có lối sống quá thực dụng, không thực tế. Các bạn có điều kiện vật chất lớn nên dễ hình thành thói quen ỷ lại, không định hướng học tập được cho bản thân, bị cám dỗ vào những trò tiêu khiển, những thú vui chơi, những thói hư, tật xấu của xã hội…Thực trạng này diễn ra với việc học qua loa, đối phó cha mẹ, thầy cô; đến trường chỉ chăm chăm quan trọng hình thức vẻ bề ngoài, đua đòi những thói hư tật xấu khi bạn bè rủ rê. Phần lớn các bạn trẻ hiện nay đều thích chơi game, nghiện mạng xã hội, sống ảo, xa rời thực tế…thậm chí có nhiều bạn trẻ còn sa ngã vào con đường hút chích, nghiện ma túy…Các bạn có tư tưởng “Trẻ không chơi, già hối hận” hay chỉ nhìn những thứ trước mắt hào nhoáng, phù du mà quên đi những giá trị đích thực. Hậu quả của việc lơ là học tập hình thành thói quen lười biếng, ỷ lại, không làm được việc lớn; khi tham gia vào các tệ nạn xã hội sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội…Ngay từ khi còn trẻ, khi bạn còn có tuổi trẻ, có sức khỏe, có nhiệt huyết mà bạn không cố gắng học tập thì sau này, bạn sẽ phải cố gắng 200% để được như những người khác. Tích lũy tri thức là một quá trình dài, một quá trình bền vững. Không phải ngày một ngày hai mà chúng ta có thể tích lũy khối lượng tri thức vô tận. Người xưa thường có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim”, “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Cứ chịu khó chăm chỉ học tập, ắt hẳn đến một ngày nào đó, bạn sẽ nhận lại được trái ngọt của thành công. Người ta thường nói thiên tài là do 99% sự chăm chỉ còn chỉ có 1% là sự thông minh bẩm sinh. Vì thế, bạn hãy biến 99% kia thành thành quả ngọt ngào của sự cố gắng.

Cuộc sống là của bạn, tương lai cũng là của bạn, thế giới này cũng là của bạn. Hành trình đi từ “ao làng” vươn ra thế giới nằm ở trong tầm tay bạn. Nếu bạn cố gắng, bạn chăm chỉ học tập thì không gì là không thể. Tôi tin tôi, bạn và chúng ta, những người trẻ tuổi sẽ làm được như những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Em hãy viết 1 bài văn để thuyết phục bạn khi bạn lơ là học tập – mẫu 3

Mỗi chúng ta, bất kỳ ai sống trên đời đều có những ước mơ, những đích đến của riêng mình. Để biến những điều đó thành hiện thực, chúng ta không thể không học tập, không rèn luyện. Có những người luôn nỗ lực, cố gắng học tập không ngừng, nhưng cũng có một số người lơ là học tập, đặc biệt là thế hệ trẻ. Họ không hề biết rằng nếu khi khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích!

Cuộc sống luôn chứa đựng bao khó khăn, thử thách, đời người hữu hạn, thời gian lại chảy trôi không ngừng. Tuổi trẻ là tuổi có đủ sức khỏe, có nhiều thời gian để rèn luyện, phấn đấu nhất. Đó là quãng thời gian để chúng ta tạo dựng cho tương lai, tích lũy thêm kiến thức để nâng cao trình độ. Kiến thức là thứ mà bất kỳ ai cũng cần có, học tập là việc mà không ai không làm. Giáo viên, bác sĩ, kỹ sư…cũng phải học tập chăm chỉ khi còn trẻ mới có thể đứng lớp giảng bài, cầm dao chữa bệnh và thiết kế những công trình vĩ đại. Đến bác nông dân cũng phải học tập mới chăm sóc được cây lúa, làm ra được hạt gạo trắng ngần.

Học tập là quyền lợi và nghĩa vụ của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khi còn trẻ, nếu không chịu khó học tập, bạn không chỉ thua kém bạn bè cùng lứa mà còn lãng phí thời gian. Khi bản thân không có kiến thức đến mình muốn gì cũng không xác định được, ước mơ không còn thì động lực cố gắng cũng sẽ biến mất. Còn trẻ đã đánh mất phương hướng thì sau này liệu có thành công? Hơn nữa, thời gian không bao giờ dừng lại để chờ đợi một ai, xã hội loài người phát triển không những, cái mới cứ nối nhau ra đời, nếu bạn lơ đãng học tập, bỏ cơ hội tiếp thu, bạn sẽ nhanh chóng tụt lại phía sau. Những người khác đã đi được cả quãng đường, bạn lại lùi về phía sau, khoảng cách sẽ ngày càng xa. Đến khi nhận ra đã không còn kịp nữa.

Nhìn lại lịch sử vẻ vang của dân tộc, nếu không chăm chỉ học tập từ khi còn trẻ, liệu chúng ta có tự hào về những trạng nguyên trẻ tuổi, những thiên tài như Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh…? Nếu không học tập chăm chỉ, có cho mình nhận thức vững vàng thì thế hệ trẻ có xung phong nhập ngũ để chiến đấu cho độc lập tự do hôm nay?

Tuổi trẻ là giai đoạn con người còn thiếu sót về nhận thức, suy nghĩ và tư duy, dễ bị cuốn vào những điều sai trái. Nếu không học tập, thế hệ trẻ không những không có nhận thức về điều sai mà còn càng dễ sa ngã. Khi đó, bạn đã từ bỏ cơ hội thành công, từ bỏ cơ hội trở thành người có ích, để mình trượt dài trên con đường đánh mất chính mình.

Không những thế, nếu biết chú trọng việc học ngay từ khi còn trẻ, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để trải nghiệm, để tích lũy, để vấp ngã, thất bại và thành công. Có vượt qua thật nhiều thử thách mới vững vàng bước đến thành công, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn,

Gạo giã xong rồi trắng tựa như bông;

Sống ở trên đời người cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công”.

Tuổi trẻ là tương lai đất nước. Nước nhà gửi gắm rất nhiều vào những chủ nhân tương lai ấy. Nếu mải chơi, lơ là học tập, bạn đã sống quay lưng với quá khứ, phụ lòng của gia đình, phụ lòng của cả Tổ quốc. Còn trẻ mà đã như vậy, sau này làm sao có thể trở thành người có ích. Đừng chờ đợi mà hãy nỗ lực ngay khi còn trẻ, khi thời gian vẫn còn, khi nhiệt huyết vẫn cháy trong tim. Từ việc nhỏ nhất, thế hệ trẻ phải cố gắng học tập, học tri thức, học làm người để nâng cao vốn hiểu biết, rèn luyện và hoàn thiện nhân cách của mình. Học tập chăm chỉ, thường xuyên như Lênin nói “Học, học nữa, học mãi”, học có phương pháp đúng đắn “học đi đôi với hành” để đạt được thành công, để sau này không phải hối tiếc.

Thời gian chính là tên trộm đáng ghét nhất, nếu không nhanh, bạn sẽ để nó lấy mất những điều quan trọng. Khi còn trẻ, hãy coi việc học là điều may mắn và cố gắng hoàn thành nó thật tốt. Sống trên đời không chỉ vì mình mà còn vì người, đừng để mình trở thành một gánh nặng và bởi vì “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, nên đừng ngại ngần cống hiến.

Em hãy viết 1 bài văn để thuyết phục bạn khi bạn lơ là học tập – mẫu 4

Lãnh tụ vĩ đại Lê-nin đã từng nói: “Tri thức là sức mạnh, ai có tri thức người đó có sức mạnh”. Nhà văn M.Gor-ki cũng cho rằng: “chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Bởi thế: “Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích”. Học tập là nhiệm vụ diễn ra suốt cuộc đời của mỗi con người, điều đó thật đúng đắn.

 Kể từ khi hình thành xã hội loài người cho đến nay, mấy ngàn năm đã trôi qua. Từ thực tế cuộc sống, con người đã đúc kết được vô vàn kinh nghiệm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Những kinh nghiệm đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua các hình thức truyền miệng hay sách vở. Muốn tiếp thu được kho tàng kiến thức phong phú, đa dạng của người xưa để lại, chỉ có một con đường duy nhất là học tập. “Bể học không bờ” (Khổng Tử). Cho nên, chúng ta phải học tập suốt đời, không ngừng bồi bổ, nâng cao kiến thức cho kịp với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kĩ thuật trong thời đại ngày nay.

Học tập vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi. Việc học tạo nên giá trị tinh thần và mang lại những hiệu quả vật chất lớn lao. Phải trải qua một quá trình học tập lâu dài và gian khổ thì con người mới trở nên hoàn thiện. Mục đích của việc học là để có hiểu biết, để làm việc thành công, để chung sống với cộng đồng và để tự khẳng định mình trong cuộc sống.

Có học thì mới tiếp thu được tri thức và có tri thức chúng ta mới có thể làm tốt mọi việc. Thực tế cho thấy trình độ văn hóa rất quan trọng. Ví dụ như cùng đứng trước một công việc hay một vấn đề nào đó thì người có trình độ cao hơn giải quyết vấn đề nhanh hơn, hoàn hảo hơn. Cho nên, muốn mọi việc đạt hiệu quả tốt, bắt buộc chúng ta phải học. Lí thuyết sẽ soi sáng thực tế, giúp ta tiết kiệm công sức, rút ngắn được thời gian mò mẫm, thử nghiệm. Tất nhiên, chất lượng công việc cũng sẽ được nâng lên.

Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì việc học tập lại càng quan trọng. Nếu chúng ta dễ dàng thỏa mãn với những gì đã có thì điều đó chứng tỏ rằng ta đã lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Quy luật cuộc sống là tiến về phía trước. Nó sẽ đào thải tất cả những gì là thấp kém, lỗi thời và có như vậy thì cuộc sống của nhân loại mới càng giàu mạnh, văn minh.

Học trong sách vở, học ngoài cuộc đời. Học để làm giàu tri thức và vốn sống thực tế. Việc học không bị hạn chế bởi tuổi tác và hoàn cảnh mà tùy thuộc vào ý thức của mỗi người.

Ông giám đốc một cơ quan, xí nghiệp nào đó muốn điều hành và quản lí tốt mọi mặt hoạt động của đơn vị mình thì phải học. Người công nhân muốn nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cũng phải thường xuyên học hỏi, rút kinh nghiệm. Người nông dân muốn đỡ vất vả trong công việc trồng trọt, chăn nuôi và tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống thì đương nhiên cũng phải học tập khoa học kĩ thuật và áp dụng nó vào thực tế. Muốn có một công trình nghiên cứu hay một phát minh nào đó, nhà khoa học phải vừa học tập vừa làm việc trong một thời gian vài ba năm, năm năm, có khi cả đời người… Nhưng khi phát minh ấy có kết quả thì nó sẽ đem lại lợi ích lớn cho cả nhân loại.

Xung quanh chúng ta có biết bao tấm gương kiên trì học tập và đã thành công. Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên Nguyễn Hiền đã vượt qua khó khăn của hoàn cảnh nghèo khó, kiên trì học tập, cuối cùng đạt đến thành công rực rỡ, trở thành những tấm gương sáng ngời về ý chí học tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có lời khuyên sáng suốt rút ra từ thực tế cuộc sống sôi động, cách mạng sống động và phong phú của người: Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở dân.

Tri thức do học tập đem lại là chìa khóa vàng cho chúng ta mở được mọi cánh cửa trong cuộc đời. Ngoài trường học còn có trường đời. Nếu có ý chí, có quyết tâm và khiêm tốn, chuyên cần học hỏi, chúng ta sẽ thành công.

Việc học có tầm quan trọng rất lớn trong việc quyết định thành bại của một con người. Tuy vậy, hiện nay vẫn có một số người coi thường việc học với suy nghĩ thiển cận là không cần học cũng kiếm ra tiền, vẫn sống. Họ không biết rằng thất học là sự thiệt thòi, là nỗi bất hạnh và nếu dân trí thấp thì một đất nước khó có thể phát triển về mọi mặt.

“Nếu còn trẻ mà không chịu học hành thì khi lớn lên sẽ chẳng thể làm được việc gì có ích”. Học tập là nhiệm vụ suốt đời của mỗi con người. Thấu hiểu ý nghĩa sâu sắc trong lời khuyên của người xưa, tuổi trẻ cần phải cố gắng học tập để nâng cao hiểu biết, hoàn thiện bản thân. Học và học không ngừng, như vậy chúng ta mới có thể trở thành người có đủ khả năng, đáp ứng yêu cầu của thời đại, xứng đáng là chủ nhân của đất nước giàu đẹp trong tương lai.

Em hãy viết 1 bài văn để thuyết phục bạn khi bạn lơ là học tập – mẫu 5

Việc học tập trong cuộc sống, đặc biệt là đối với những ai đang ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng quan trọng. Đây là việc chúng ta cần thực hiện khi còn trẻ nhưng nó lại mang lợi ích trong suốt cuộc đời sau này. Nếu khi ta còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích.

Trước hết, học là thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kỹ năng, nhận thức. Có rất nhiều hình thức học tập như học ở trên lớp, học thêm, học từ thầy cô, học từ bạn bè…Việc học tập có một vai trò to lớn trong cuộc sống của con người.

Chắc hẳn bất kỳ ai cũng đều biết đến chủ tịch Hồ Chí Minh. Người không những giỏi việc nước, yêu thương dân mà còn là một người uyên bác. Điều đó có được nhờ sự chịu khó học tập. Bác luôn tự tìm hiểu, học tập. Trong những năm Bác ra đi để tìm đường cứu nước, trước mỗi lần dọn dẹp boong tàu, Bác luôn luôn ghi trên tay mình mười chữ cái tiếng Anh. Bác không biết thì Bác tra cứu tài liệu, học cho thuộc lòng, vượt chỉ tiêu đặt ra thì mới chịu thôi. Cứ như thế, ngày qua ngày, Bác trở nên thành đạt, thông thạo ngoại ngữ chẳng khác chi so với một người nước ngoài cả. Một ví dụ điển hình cho chúng ta một bài học rất hay chính là thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thầy ấy bị liệt hai tay từ nhỏ, mọi người ai cũng nghĩ rằng: “Chắc tàn đời rồi còn đâu mà học nữa” nhưng thật sự không phải như thế. Dù thầy liệt hai tay nhưng thầy vẫn còn yêu việc học tha thiết. “Thua keo này, bày keo khác”. Thầy không thể viết chữ bằng tay nhưng quyết không nản chí, thầy đã học cách viết được chữ bằng chân. Nét chữ đúng là có xấu, nhưng thầy vẫn không nản ý chí học tập của mình mà vẫn kiên trì khổ luyện. Nên kết quả đạt được của thầy chính là trở thành một người thầy được mọi người quý trọng, có nét chữ thật đẹp.

Ông bà ta cũng hay có câu: “Một rương vàng không bằng một nang chữ” để nói cho con cháu hiểu rằng tiền bạc không là gì nếu thiếu một cái đầu thông minh… Quả đúng là thế: “Tiền bạc, công việc có thể kết thúc một ngày nào đó, nhưng sự học vấn thì không bao giờ” – Đó là câu nói của một danh nhân nổi tiếng có ý bảo ta rằng, tiền bạc ngày qua ngày cứ mất dần, những kiến thức sẽ giúp ta có việc làm nên kiến thức vẫn quý hơn ngàn lần tiền bạc: “Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc”.

Như vậy, mỗi người cần phải chăm chỉ học tập, đặc biệt là khi còn trẻ thì lớn lên mới làm được việc có ích, làm được việc lớn được.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 979

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống