Viết bài tập làm văn số 5 – Văn thuyết minh

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây

Đề bài: Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt.

A/ Dàn ý chi tiết

DÀN Ý

a) Mở bài. Giới thiệu khái quát về đồ dùng hay vật dụng đó.

b) Thân bài.

– Miêu tả hình dáng, màu sắc.

– Giới thiệu các bộ phận của đồ dùng hay vật dụng đó.

– Công dụng của đồ vật.

– Cách sử dụng đồ dùng hay vật dụng đó.

c) Kết bài. Mối quan hệ của đồ dùng hay vật dụng đó với người học sinh hay với con người nói chung.

B/ Bài văn mẫu

Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt – mẫu 1

Chiếc quạt giấy không biết từ bao giờ đã đi vào thơ ca, nhạc họa một cách rất tự nhiên. Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển cùng với sự phát triển của công nghệ, bằng trí tuệ của loài người đã cho ra đời những thiết bị làm mát hiện đại như quạt điện, điều hòa dần thay thế chiếc quạt giấy.Thế nhưng quạt giấy vẫn luôn là một phần kí ức tuổi thơ đẹp đẽ, không thể lãng quên.

Quạt giấy đã ra đời từ bao giờ? Chiếc quạt đã xuất hiện từ rất lâu khi con người có nhu cầu làm mát và trang trí. Nước ta cũng là một trong những quê hương của quạt giấy. Từ xa xưa, quạt giấy của người Việt Nam đã bắt nguồn từ những lũy tre xanh. Từ những thân tre cao, to, người ta đã chẻ ra những nan quạt cứng cáp. Mỗi chiếc quạt gồm khoảng 18- 20 nan tre mỏng 1mm, dày 1cm dài từ 16- 20 cm xếp lại với nhau. Hai nan ngoài cùng bao giờ cũng to, dày và cứng hơn các nan bên trong để chịu lực chính. Gần cuối các nan được cố định bằng một khuy chốt để quạt có thể mở ra, khép vào dễ dàng. Bao phủ trên toàn bộ khung quạt là một lớp giấy chất liệu tốt, dai, bền. Giấy được dán vào các nan quạt, khoảng cách giữa các nan dính trên giấy đều nhau tạo thành hình bán nguyệt. Để tạo sự hấp dẫn cho chiếc quạt, người ta còn vẽ hoặc in hoa văn, hoa tiết nhiều màu sắc nên giấy, hoặc các danh lam thắng cảnh đẹp.

Quạt giấy có rất nhiều công dụng hữu ích cho con người. Vào những buổi trưa hè nắng nóng, bị mất điện, quạt điện hay điều hòa không thể dùng được nữa thì chiếc quạt giấy thật sự là một vật dụng quan trọng. Quạt giấy phe phẩy trên tay của những người mẹ ru con ngủ hay trên tay của những người bà vừa quạt vừa kể chuyện cho cháu nghe. Quạt giấy nhỏ, nhẹ, có thể gấp gọn lại thuận tiện khi đi đường. Mỗi khi dừng chân, ngồi nghỉ có thể đem ra để quạt xua đi mệt mỏi, nắng nóng. Trong một số trường hợp quạt có thể thay thế cho mũ, nón để che nắng. Vào thời xưa, quạt còn được dùng như một món đồ trang sức, thể hiện đẳng cấp. Quạt giấy còn được các nhà nho, nhà thơ viết những câu đối, những câu danh ngôn hay những bài thơ đặc sắc có thể được dùng làm quà tặng, đồ lưu niệm hay trang trí. Quạt còn là một trong những đạo cụ không thể thiếu trong sân khấu chèo, tuồng…làm tăng thêm sự thùy mị, nết na của những tiểu thư khuê các. Quạt cũng đi vào những điệu múa đầy nhẹ nhàng, uyển chuyển về quê hương, đất nước.

Quạt giấy có những ưu điểm hơn quạt điện là quạt giấy gọn nhẹ, có thể gấp lại gọn gàng thuận lợi mang đi và sử dụng ở bất cứ đâu. Ngoài ra, quạt giấy không tốn điện, không ảnh hưởng đến môi trường như các thiết bị điện. Bên cạnh đó, quạt giấy cũng còn nhiều hạn chế. Làm được một chiếc quạt đẹp phải trải qua nhiều công đoạn và cần sự tỉ mỉ. Tre phải dẻo, già có độ tuổi từ ba năm trở lên, không mối mọt thì nan quạt mới bền, đẹp. Tuy nhiên khi sử dụng lâu sẽ mỏi tay, không quạt mát như quạt điện. Quạt giấy khá mỏng manh dễ bị hỏng nên chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ. Sau khi sử dụng phải gấp lại nhẹ nhàng, cất gọn đi. Không sử dụng quạt để nô đùa để tránh quạt bị gãy.

Chiếc quạt giấy đã đem lại cho con người nhiều công dụng hữu ích. Ngày nay song hành với những chiếc quạt hiện đại thì chiếc quạt giấy vẫn in đậm trong đời sống tinh thần và tâm hồn của những người Việt Nam.

 

Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt – mẫu 2

“Thời gian quý hơn vàng”. Ý thức được điều đó, từ xưa con người đã trân trọng và có nhiều cách thức để đo đếm thời gian. Trong đó, đồng hồ là một phát minh đầy sáng tạo và ý nghĩa. Chiếc đồng hồ vẫn luôn là người bạn thân thiết, gắn bó với mỗi người trong cuộc sống hằng ngày. Với tôi, chiếc đồng hồ báo thức lại càng đặc biệt hơn bởi nó là món quà sinh nhật tôi được tặng từ người bạn thân thiết nhất.

Chiếc đồng hồ của tôi có xuất xứ từ Hong Kong và thuộc loại đồng hồ Analog. Gọi như thế để phân biệt với đồng hồ số, tức đồng hồ điện tử và đồng hồ kĩ thuật số, hiển thị được cả ngày, tháng, năm bằng chữ rất thông dụng hiện nay.

Chiếc đồng hồ không có kích cỡ to lớn, không có cấu tạo quá phức tạp hay cũng không quá sang trọng, cầu kì. vẻ ngoài của nó khá giản dị và xinh xắn. Bao phủ toàn bộ lớp vỏ nhựa bên ngoài chiếc đồng hồ là một màu xanh dương, bóng và đẹp rất phù hợp với sở thích của tôi. Dưới cùng có hai chân bằng kim loại để đồng hồ có thể đủng thẳng một cách tiện lợi mà không cần phải treo hay dựa vào vật gì khác. Trên cùng có trang trí hai quả chuông bằng sắt và một cần kim loại có thể di chuyển sang hai bên. Hai cái chuông này vừa khiến cho đồng hồ trông sinh động hơn, vừa là bộ phận âm thanh quan trọng. Khi báo thức, chiếc cần này di chuyển va vào hai quả chuông tạo ra tiếng chuông báo thức vô cùng hiệu quả. Trên hai quả chuông còn đính thêm tay cầm để chiếc đồng hồ có thể treo được trên tường tùy theo ý muốn của người sử dụng.

Về cấu tạo, chiếc đồng hồ báo thức bao gồm thần hộp, mặt số, tổ hợp kim, trục, hệ thống truyền động, nguồn năng lượng và chuông báo. Thân hộp có nhiệm vụ bảo vệ bộ máy đồng hồ, gồm thân chính, vành tròn, mặt kính và nắp phía sau. Hộp đựng được làm bằng nhựa nên trọng lượng của đồng hồ được giảm nhẹ rất nhiều. Mặt hiển thị ở mặt trước của hộp, có in hình logo của nhà sản xuất. Mặt trước đồng hồ có hệ thống các số chỉ giờ, chỉ phút và các vạch nhỏ được phần cầm rất tỉ mỉ giữa các số để có thể xác định chính xác thời gian.

Tổ hợp kim gồm kim giờ, kim phút, kim giây và kim báo thức. Cả ba chiếc kim đều màu đen nhưng khác nhau về chức năng, kích thước và độ dài. Kim giờ to và ngắn nhất, kim phút nhỏ hơn và dài hơn kim chỉ giờ, kim giây dài nhưng mảnh. Ngoài ra còn có chiếc kim nhỏ xinh màu ghi thực hiện chức năng hẹn giờ. Tổ hợp kim được gắn vào các trục đồng tâm. Các trục này được gắn với các bánh răng tương ứng của bộ máy truyền động.

Bộ máy truyền động gồm bộ động lực, bộ chuyển động, bộ chỉnh động và bộ điều hòa. Nguồn năng lượng của đồng hồ là hai viên pin tích điện duy trì hoạt động của máy. Chiếc đồng hồ này thường sử dụng pin con thỏ, một loại pin rất thông dụng và dễ mua, dễ tìm. Bộ phận quan trọng còn lại là chuông báo thức. Đây cũng là bộ phận tôi yêu thích nhất ở chiếc đồng hồ. Dù gọi là đồng hồ báo thức nhưng chiếc đồng hồ có thể nhắc nhở chúng ta rất nhiều công việc. Từ việc thức dậy mỗi ngày, hẹn giờ học bài, hẹn giờ nấu ăn… Muốn cài đặt thời gian, ta chỉ việc xoay núm kim hẹn giờ ở thân sau của hộp máy sau đó gạt phím bật báo thức về phía chữ “On”, muốn tắt ta chỉ việc gạt sang phía chữ “Off”.

Rất đơn giản và tiện lợi cho người dùng nhưng nguyên lí hoạt động của đồng hồ báo thức lại không hề đơn giản chút nào. Năng lượng được nạp vào từ pin sẽ truyền qua ổ cót tới các bánh răng. Các bánh răng quay và truyền động cho nhau, bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của bộ thoát để các bánh răng không bị hỗn loạn. Trục của các bánh răng nối với các kim chỉ thời gian. Khi kim chỉ giờ trùng với kim hẹn giờ, móc khóa cần gạt bên trên được mở, kích hoạt cần gạt phía trên chuyển động về hai bên, chạm vào hai quả chuông và phát ra âm thanh báo thức.

Chiếc đồng hồ xinh xắn, tiện lợi giống như vị thần canh giữ thời gian, đảm bảo cho tôi tránh những bất cẩn để không bị lãng phí thời giờ và là một người bạn thân thiết ở bên tôi mỗi ngày. Không chỉ là một vật dụng hữu ích, chiếc đồng hồ báo thức còn là một vật trang trí trên bàn học và là vật kỉ niệm hạnh phúc trong sinh nhật dạ,qua của tôi. Nó mãi mãi gợi nhắc về người bạn thân thiết suốt thời thơ ấu của tôi.

Cũng vì ý nghĩa đó, tôi luôn sử dụng và bảo quản món quà của mình rất cẩn thận. Đồng hồ lúc nào cũng được đặt trên bàn học gọn gàng, ngăn nắp, thoáng mát. Không bao giờ tôi để đồng hồ ở nơi ẩm thấp, nơi có nhiệt độ cao hoặc bụi bẩn vì sẽ làm cho đồng hồ nhanh bị hư hỏng. Khi đồng hồ bị hỏng, tôi luôn tìm cách sữa hợp lí, tốt nhất là nhờ đến bác thợ sửa đồng hồ. Để đồng hồ được bền lâu, cũng cần thường xuyên lau bụi bẩn, bôi dầu và bảo quản cẩn thận.

Đã hơn một nghìn năm, kể từ khi tu sĩ Gerbert sáng chế ra chiếc đồng hồ bằng máy, chiếc đồng hồ đã có nhiều cải tiến, biến đổi, ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng của đông đảo mọi người. Công nghệ hiện đại phát triển, các chức năng của điện thoại dần thay thế đồng hồ nhưng ý nghĩa báo hiệu thời gian của đồng hồ vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí mọi người. Đối với tôi, chiếc đồng hồ không chỉ nhắc nhở chúng ta về thời gian mà còn trở thành vật kỉ niệm đáng nhớ của tình bạn chân thành.

Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt – mẫu 3

Bút chì là một sản phẩm quen thuộc được tạo ra để phục vụ đời sống con người, nhất là trong học tập và đối với học sinh chúng ta. Có thể nói, chiếc bút chì đã trở thành một người bạn thân thiết theo ta đã lâu, có lẽ từ lúc vào lớp một chúng ta đã được làm quen và kết bạn.

Đã từ lâu, bút chì xuất hiện với con người mang theo rất nhiều công dụng. Đơn giản, dễ dùng. Những thế kỉ trước chiếc bút chì có hình dáng khá to, gấp ba, bốn lần so với bút chì hiện nay. Thân ngoài được làm bằng gỗ, gồ ghề, không được mài nhẵn, trông rất lạ và vui mắt, nếu trông không kĩ, mọi người đều hiểu nhầm nó chỉ là một khúc gỗ thường mà thôi. Đầu cây bút là một khúc chì nhô ra, chắc vì khi đó. Đồ chuốt bút chì chưa được phát minh nên ngòi bút khá cụt. Đó là những chiếc bút chì đầu tiên của nhân loại.

Hàng trăm năm trôi qua, một thời gian khá dài, chiếc bút chì vẫn là thứ công cụ đơn giản nhưng được làm ra với hình dáng công phu hơn. Chiếc bút dài cỡ một gang tay, hình dáng dài, nhỏ gọn. Ruột bên trong là khúc chì dài được bao bọc bởi một lớp gỗ. Lớp gỗ bên ngoài sau nhiều năm cải tiến thì đã được nhẵn phẳng hơn, gỗ tốt, khó gãy. Đầu bút khi mới mua chưa được chuốt nhọn, ruột bút và lớp vỏ có chiều dài bằng nhau. Sau khi chuốt, đầu bút nhọn ra như hình tam giác. Chiếc bút chì còn hữu dụng hơn khi cuối thân bút được gắn vào một cục tẩy nhỏ. Chiếc bút chì của chúng ta cũng khá đơn giản đúng không nào.

Hiện nay, bút mực, bút bi được ưa chuộng nhiều nhưng vẫn không ai bỏ quên được cây bút chì quen thuộc. Từ nhỏ, ta đã được cầm chiếc bút, lựng khựng vẽ từng vòng tròn rồi dần dần là rèn từng nét chữ. Bạn có nghĩ rằng, bút chì đã trở thành một người bạn tri kỉ của chúng ta? Từ những trang vở đầu tiên những dòng viết, nét bút xấu cũng đã để lại cho chúng ta những kỉ niệm về người bạn ấy. Ngoài ra, chiếc bút chì còn cho ta những bức vẽ, những sự vật, con người được tái hiện bởi bàn tay khéo léo của những người hoạ sĩ tài ba. Để được một bức tranh, chúng ta luôn cần đến bút chì, một chiếc bút khá hữu dụng. Bút chì còn có đặc điểm rất hay đó là khi chúng ta vô tình viết sai hay vẽ không đúng thì gôm được, còn bút bi thì bôi không được. Điều đó góp phần làm cho chiếc bút chì có nhiều công dụng và nét đặc sắc hơn, giúp cho mọi người không bao giờ quên nó.

Tuy chiếc bút chì được biết đến và được nhiều người yêu qúy nhưng vẫn có bạn vô tâm bỏ quên nó, vứt nó và thậm chí còn bẻ gãy nó. Mặc dù giá thành chiếc bút rất vừa túi tiền và thậm chí là rẻ, nhưng nó có rất nhiều công dụng và có ích. Bút chì còn có nhiều độ đậm nhạt khác nhau nên nhà sản xuất đều chú thích độ đậm đó lên thân bút tạo thuận tiện cho người sử dụng khi mua. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường còn cho ra những chiếc bút chì bấm khá nhiều màu sắc, rất thu hút trẻ em. Nhưng tôi nghĩ, một chiếc bút chì truyền thống lại gần gũi với con người hơn

Các bạn có từng nghĩ rằng, chiếc bút chì được khắc tên sẽ trở nên rất ý nghĩa nếu chúng ta dùng làm quà tặng. Tuy chỉ là một vài chiếc bút chì bình thường nhưng trong nó là cả một tình thương yêu và một niềm tin rất lớn. Khi chúng ta tặng cho bạn mình những chiếc bút đó, nó sẽ giúp cho người bạn ghi bài, vẽ những bức tranh thật đẹp hay trưng ở một góc nào đó, để khi nhìn thấy chiếc bút, người bạn ấy sẽ nhớ về chúng ta. Thật không may nếu chúng ta đánh mất chiếc bút chì thân yêu, rồi đến khi mình cần đến nó thì nó đã không còn nữa. Vì vậy, hãy cố gắng giữ gìn chiếc bút cho cẩn thận bạn nhé, chiếc bút rất ý nghĩa đối với học sinh. Tuy nhiên, một số bạn dùng chiếc bút không đúng mục đích, các bạn đã viết, vẽ bậy lên bàn, ghế, tường nhà trường, như vậy là không đúng. Hãy làm sao cho chiếc bút chì trở thành một chiếc bút đầy hữu dụng và sử dụng đúng mục đích.

Tóm lại, chiếc bút chì là một người bạn rất thân thiết và gần gũi đối với chúng ta, là một chiếc bút thông dụng, giá thành thì rẻ. Chiếc bút chì thật ý nghĩa phải không nào, hãy giữ gìn nó cẩn thận và nếu có thể, hãy cố gắng phát huy thêm công dụng của chiếc bút để chiếc bút chì luôn là đồ vật và là người bạn cần thiết của học sinh chúng ta.

Giới thiệu một đồ dùng trong học tập hoặc trong sinh hoạt – mẫu 4

Cuộc sống ngày càng hiện đại hơn. Những cuộc cách mạng khoa học đã từng bước nâng đời sống con người lên tầm cao mới. Một trong những phát minh vĩ đại không thể không nhắc tới của toàn nhân loại là xe đạp. Đó là phương tiện quen thuộc trong giao thông.

Chiếc xe đạp đầu tiên ra mắt năm 1817 bởi Baron von. Chiếc xe này phải dùng đến lực của hai bàn chân chứ không có bánh như ngày nay. Bánh xe ở đằng trước rất to có tác dụng giúp việc dừng lại dễ dàng hơn. Đến năm 1879, một người nước Anh đã sáng tạo ra xích để truyền lực cho bánh sau giúp xe lăn bánh. Năm 1885, J.K.Sartley cải tiến hai bánh xe cùng kích cỡ và thêm khung xe thép. Năm 1887 John Boyd Dunlop tiếp tục cải tiến bánh xe bằng cách thêm ống hơi cho cao su vào bánh để xe chạy êm hơn. Sau đó, người ta còn khiến cho bánh xe có thể tháo lắp linh hoạt. Năm 1920 xe đạp sử dụng hợp kim nhẹ, xe nhẹ đi đáng kể. Qua thời gian, người ta dần cải tiến xe đạp và cho ra nhiều chức năng, lợi thế hơn. Hiện nay xe đạp có mặt trên thị trường với đa dạng mẫu mã, mục đích sử dụng và kích thước như: xe thiết kế cho phụ nữ, đàn ông, trẻ con, xe đua, xe leo núi.

Xe đạp được cấu tạo bởi nhiều bộ phận. Quan trọng là hệ thống truyền động, hệ thống điều khiển và hệ thống chuyên chở. Hệ thống truyền động gồm khung xe, bàn đạp, trục giữa, ổ bi giữa, dây xích, đĩa, ổ líp, hai trục, ổ bi và hai bánh trước sau. Khi đi, ta ngồi lên xe, chân đạp bàn đạp làm trục xe chuyển động, đĩa chuyển động theo kéo dây xích làm ổ líp và bánh sau chuyển động, tạo lực đẩy để xe tiến về phía trước. Đĩa răng cưa có đường kính lớn và nhiều răng cưa. Ổ líp chuyển động 2 vòng thì đĩa mới chuyển động một vòng. Bánh xe hình tròn, có nhiều thanh sắt được ghép chụm lại ở tâm bánh gọi là vành. Đường kính bánh xe được thiết kế tùy theo đối tượng, mục đích sử dụng nhưng lớn gấp nhiều lần ổ líp. Ban đầu, bánh xe chỉ làm bằng gỗ, khi chạy xe bị xóc. Dần dần người ta dùng cao su, lốp ở ngoài, săm ở trong, khi bơm đủ hơi, có lực đàn hồi, xe giảm xóc.

Hệ thống điều khiển gồm ghi đông có hai tay cầm xoay đủ 180 độ trái phái, có ổ bi, nhờ vậy xe được lái đi theo ý muốn dễ dàng. Phanh xe gồm tay phanh, dây phanh lắp ở hai đầu tay cầm, điều khiển tốc độ nhanh chậm. Ghi đông vừa là tay lái, vừa giúp người lái giữ thăng bằng.

Hệ thống chuyên chở gồm yên xe và dàn đèo hàng hoặc giỏ đựng. Yên xe lắp ở trên khung xe thường bọc da, là chỗ ngồi của người đi xe. Dàn đèo hàng lắp ở phía sau yên, dựa trên trục bánh xe sau, kích thước đa dạng. Cũng có chiếc xe lắp bộ phận này ở phía trước, dựa trên trục bánh xe trước.

Ngoài các bộ phận chính như trên, xe đạp còn có cái chắn xích và hai chắn bùn, chuông báo ở tay cầm để xin đường, đèn lắp ở bánh xe. Khi trời tối, đạp xe tạo ra nhiệt, nhiệt chuyển hóa thành điện năng làm đèn sáng có tác dụng soi đường. Xe đạp có thể lắp giỏi hoặc không. Giỏ xe được làm bằng nhiều chất liệu, màu sắc phong phú dùng đựng hoặc tăng vẻ đẹp cho xe.

Xe đạp là phương tiện giao thông quen thuộc mà mọi người ưa chuộng. Xe đạp dễ sử dụng, giá thành không đắt đỏ, chỉ cần vài lần tập luyện là có thể điều khiển được. Tốc độ không cao nhưng an toàn, lại sử dụng sức người nên vừa có tác dụng giảm ô nhiễm môi trường vừa giúp con người rèn luyện sức khỏe. Trong thi đấu thể thao, đua xe đạp là bộ môn nhận được đông đảo sự quan tâm. Xe đạp cũng là sự lựa chọn lý tưởng khi đến các công viên, ta có thể vừa cùng nhau đạp xe vừa hít thở không khí trong lành. Đối với Việt Nam, xe đạp còn có ý nghĩa trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đó là phương tiện vận chuyển vũ khí, lương thực chính của chúng ta, góp phần không nhỏ vào chiến thắng dân tộc. Ngày nay chiếc xe đạp đã trở thành phương tiện thuận lợi cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Khoa học kỹ thuật phát triển cho ra đời nhiều phương tiện hiện đại hơn. Nhưng xe đạp vẫn là sự lựa chọn quen thuộc của nhiều người. Đó thực sự là một phát minh vĩ đại trong lịch sử nhân loại.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 1035

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống