Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây
Đề bài: Phân tích bức tranh tứ bình trong bài Nhớ rừng của Thế Lữ.
A/ Dàn ý chi tiết
I. Mở bài
– Đôi nét chính về tác giả Thế Lữ: người cầm lá cờ chiến thắng cho phong trào Thơ mới…
– Giới thiệu tác phẩm Nhớ rừng của Thế Lữ: nêu khái quát tư tưởng cùng nội dung của bài thơ.
– Dẫn dắt đến bức tranh tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng.
II. Thân bài
– Bức tranh đêm trăng và sự say sưa của con hổ.
– Bức tranh ngày mưa và sự điềm nhiên của chúa sơn lâm.
– Bức tranh lúc bình minh với sự uy nghi của con hổ.
– Bức tranh chiều tàn cùng những sắc màu bi tráng.
III. Kết bài
– Khái quát lại toàn bộ giá trị nội dung và nghệ thuật điển hình trong tác phẩm.
– Nhấn mạnh lại ý nghĩa sâu sắc của bài thơ Nhớ rừng.
– Khẳng định bức tranh tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng là một điểm nhấn mang đến giá trị lớn cho tác phẩm này.
B/ Sơ đồ tư duy
C/ Bài văn mẫu
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài Nhớ rừng – mẫu 1
Bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ không chỉ là một “khúc trường ca dữ dội” thể hiện tâm trạng vĩ đại của chúa sơn lâm mà còn là một họa phẩm hoành tráng từng bước làm nổi hằn lên trên mặt bằng của câu chữ hình tượng vị “chúa tể cả muôn loài”. Tính tạo hình được thể hiện rất đặc sắc trong bài thơ đặc biệt là thông qua bức tranh tứ bình.
Tứ bình là một lối tạo hình quen thuộc từ cổ điển. Người xưa thường khái quát một hiện thực toàn vẹn nào đó vào bộ tranh gồm bốn bức. Cho nên tự thân tứ bình là một cấu trúc, một chỉnh thể, một thế giới. Thời gian thì Xuân Hạ Thu Đông, thảo mộc thì Tùng Trúc Cúc Mai, nghề nghiệp thì Ngư Tiều Canh Mục, nghệ thú thì Cầm Kỳ Thi Họa.v.v… Nảy sinh từ hội họa, về sau tứ bình xâm nhập vào nhiều nghệ thuật khác. Người đọc thơ có thể thấy ở Chinh phụ ngâm, những đoạn như nỗi nhớ chồng của nàng chinh phụ diễn ra trọn vẹn khi “trông bốn bề”, mỗi bề là một phía, một cung bậc, một nông nỗi của nhung nhớ. Tâm trạng buồn nản, hãi hùng của Thuý Kiều trước lầu Ngưng Bích cũng diễn thành tứ bình với điệp khúc “buồn trông”… Vậy, dùng tứ bình thì chưa phải là gì thật đáng nói. Đáng nói là: cả bốn bức tứ bình ở đây đều là những chân dung tự họa khác nhau của cùng một con hổ. Nó đã khái quát trọn vẹn về cái “thời oanh liệt” của chúa sơn lâm.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
…
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Đọc đoạn thơ ta dễ thấy đây là đoạn tuyệt bút của “Nhớ rừng” mà tiêu biểu nhất là lối tạo hình bằng thơ. Bốn bức là bốn nỗi hoài niệm đầy tiếc nuối, uất hận. Đồng thời, là bốn câu hỏi mà giọng điệu càng lúc càng dữ dằn. Mỗi bức một khung cảnh, một gam màu, một dáng điệu của vị “chúa tể cả muôn loài”. Bức thứ nhất thật thi vị:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Gam màu vàng lóng lánh của ánh trăng in trên suối vắng. Đối với con hổ giờ đang bị giam cầm trong cũi sắt, đó không chỉ là những kỷ niệm lấp lóa trăng vàng, mà thực sự là những “đêm vàng” – những kỷ niệm được đúc bằng vàng ròng – không bao giờ còn có lại. Chúa sơn lâm hiện ra như nhà thi sĩ của chốn lâm tuyền, với cử chỉ uống ánh trăng tàn đầy thơ mộng.
Bức thứ hai, chúa sơn lâm hiện ra như một minh đế trước giang sơn của mình:
Đâu những chiều mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đêm trăng đã nhường chỗ cho chiều mưa. Gam vàng đã chuyển qua gam xám bạc điểm ánh tươi xanh. Đấng vương chủ của chốn rừng già đang phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh vương quốc đương thay da đổi thịt dưới sự trị vì của mình. Trang nghiêm, ưu tư, và đầy kiêu hãnh.
Bức thứ ba, chiều mưa đã chuyển sang rạng đông, nền tranh đã rạng rỡ cái gam màu thắm nắng bình minh. Chúa sơn lâm hiện trong dáng điệu một lãnh chúa cứ nghiễm nhiên ườn mình trong giấc ngủ trễ tràng khi ngày đã lên mà thụ hưởng cái lạc thú cung – đình – rừng – xanh của mình:
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đọc câu thơ ta có thể hình dung: cây xanh nắng gội là màn trướng, còn chim chóc như những bầy cung nữ đang hân hoan ca múa quanh giấc nồng của hổ vương.
Bộ tứ bình khép lại bằng bức cuối cùng, cũng là bức ấn tượng hơn cả:
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Giọng điệu không còn là thở than, mà đã thành chất vấn đầy giận dữ và oai linh đối với quá khứ mà cũng là đối với hiện tại. Tương ứng với giọng điệu, chúa sơn lâm hiện ra cùng với một tư thế hoàn toàn khác: tư thế kiêu hùng của một bạo chúa. Nền cảnh thuộc gam màu máu. Mấy chữ “lênh láng máu” thật dễ sợ! Qua cảm nhận của chúa sơn lâm, ánh mặt trời lúc hoàng hôn đỏ rực giống hệt sắc máu. Trong chốn thảo hoa không tên tuổi ấy dường như chỉ có mặt trời là đối thủ duy nhất và xứng đáng phô bày quyền uy sánh cùng với hổ. Nhưng mảnh mặt trời kia cũng đang hấp hối trong tư thế gục ngã, lênh láng máu. Dưới con mắt mắt ngạo mạn và khinh bỉ của con mãnh thú, ngôi vị cao cả của mặt trời cũng không là gì, mặt trời kia cũng chỉ là những mảnh vụn tầm thường. Quyền uy của chúa sơn lâm như càng bao trùm cả vũ trụ mà mặt trời cũng phải dần lùi bước. Đến câu “Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”, bức tứ bình cuối cùng dường như đã thể hiện được bàn chân ngạo nghễ siêu phàm của con thú như dẫm đạp lên bầu trời, cái bóng của nó dường như đã trùm kín cả vũ trụ. Hình ảnh con hổ vờn bóng, như dẫm nát mặt trời là hình ảnh đẹp đẽ và dữ dội nhất diễn tả đỉnh điểm của quyền lực kẻ thống trị vũ trụ.
Ghê gớm thật! Ngay đến mặt trời cũng trở nên tầm thường, thì xem ra sự phi thường đã tới vô biên rồi vậy! Sự hồi tưởng đã xong: thời oanh liệt của cái tôi – hùm thiêng đạt cực điểm!
Một thi sĩ rình trăng chốn lâm tuyền. Một vương chủ say ngắm giang sơn. Một lãnh chúa rừng xanh giữa bầy ác điểu. Một bạo chúa ngạo mạn với mặt trời. Bốn kỷ niệm kiêu hùng, bốn khoảnh khắc hoành tráng! Bộ tứ bình hoàn tất!
Có ý kiến cho rằng: Thơ Thế Lữ tràn đầy chất lãng mạn, lời thơ giàu hình ảnh, màu sắc và nhạc điệu; câu thơ mở rộng, ào ạt như để chứa đựng mọi cung bậc của những cảm xúc phức tạp, tinh vi trong tâm hồn. Đọc “Nhớ rừng” và đặc biệt cảm nhận bức tranh tứ bình thì thực sự thấy lời nhận xét trên hoàn toàn đúng!
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài Nhớ rừng – mẫu 2
“Thi trung hữu họa” Các cụ xưa đã nói như thế. Thế Lữ bằng chất liệu ngôn ngữ đã vẽ nên bộ tranh tứ bình về “Chúa sơn lâm” khá hoàn hảo trong bài thơ “Nhớ rừng” của mình. Bức tranh một vẽ chân dung tâm hồn hổ vào một đêm trăng đầy mơ mộng.
“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan”
Cảnh có màu vàng óng ả của trăng, màu xanh trong vắt của nước suối đại ngàn, màu trắng đen mờ ảo của cỏ cây hoa lá. Hổ ta đang đứng trên bờ, say sưa ngắm nhìn cảnh vật đẹp đến say lòng ấy. Ta có cảm giác hổ say mồi thì ít mà say đắm vẻ đẹp huyền ảo của đêm trăng thì nhiều. Vũ trụ có trăng, lúc khuyết, lúc tròn, lúc lên, lúc lặn để rồi hổ ta không biết bao lần ngây ngất trước ánh trăng vàng tung tóe. Nhớ làm sao những đêm vàng đấy mộng mơ ấy! Và giờ đây nó càng quý vô ngần vì nó là đêm của tự do và ảo mộng.
Bức tranh hai, Thế Lữ cho chúa tể rừng xanh đối diện với sự gào thét của thiên nhiên hùng vĩ vào những ngày mưa:
“Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới”
Mưa rừng không phải là “mưa bay như khói qua chiều”, không phải là “mưa giăng mắc cửi”, càng không phải là “mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng” mà mịt mù, dữ dội rung chuyển cả núi rừng. Thế Lữ thật tài tình khi biết lấy sự gào thét dữ dội của thiên nhiên, sự ngã nghiêng của cây cối, cảnh tuôn rơi ồn ào của ngày mưa làm phông nền cho một hổ ta điềm nhiên lặng ngắm giang sơn đổi mới của mình. Quả là bức tranh của một nghệ sĩ kỳ tài.
Còn đây là một cảnh khác, tươi sáng, tưng bừng của buổi bình minh.Chúa tể rừng xanh lúc nầy đang ngon giấc:
“Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng”
Một buổi bình minh tinh khôi rạng rỡ, chim chóc reo ca, cây cối gọi mời, mọi vật đã thức giấc đón bình minh lên. Riêng hổ ta lại ngủ, một giấc ngủ lạ đời : giấc ngủ “tưng bừng”. Hổ có giấc ngủ riêng của hổ, cảnh vật xung quanh có ồn ào, sôi động bao nhiêu càng làm cho giấc ngủ hổ thêm say, giấc mơ hổ thêm đẹp. Chỉ bằng vài nét chấm phá má cảnh có âm thanh, có màu sắc, đường nét hài hòa, sống động.
Bức tranh cuối cùng tuyệt đẹp, đẹp một cách lộng lẫy và bi tráng:
“Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”
Bức tranh này khác hẳn với ba bức tranh trên, từ màu sắc, đường nét, đến ánh sáng. Màu vàng óng ả của trăng, màu đen mờ ảo của những trận mưa rừng, cả màu hồng tươi của nắng mới đều không còn nữa thay vào đó là màu đỏ rực của máu và của ánh mặt trời sắp tắt. Hổ ta lúc này cũng không còn say sưa, mơ mộng như đêm nào, ngày nào mà đã hiện nguyên hình là một mãnh thú. Bên hổ, dưới chân hổ là cảnh “lênh láng máu” của những con thú yếu hèn. Ngoài xa, trên bầu trời cao rộng mênh mông ấy mặt trời cũng chỉ là một mảnh. Ta có cảm giác mặt trời cũng bé đi qua cái nhìn của hổ. Trong bức tranh, mọi vật hình như nhỏ hơn, chìm hẳn chỉ có hổ ta đứng đấy uy nghi, chễm chệ với tư thế là chúa tể của muôn loài. Chúa sơn lâm đẹp thật, một vẻ đẹp dữ dằn ghê gớm của một mãnh thú đang say mồi.
Quả là một bộ tranh tứ bình hoàn hảo, với sự phối cảnh hài hòa, bố cục mỹ cảm, đường nét thanh tao, gam màu chuẩn xác. Thế Lữ đã để lại bộ tranh hổ bằng ngôn ngữ có một không hai trong lịch sử văn học.
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài Nhớ rừng – mẫu 3
Mười sáu câu đầu bài thơ Nhớ rừng là một bức tranh tứ bình đặc sắc. Thế Lữ đã vẽ lên bốn cảnh rừng núi với những vẻ đẹp khác nhau, trong những khoảnh khắc khác nhau.
Trước tiên là cảnh đêm vàng rực rỡ “ta say mồi đứng dưới ánh trăng tan”. Cảnh vật ở đây thật thơ mộng, lãng mạn: không gian trời nước như được nhuộm vàng bởi ánh trăng huyền ảo. Từ “vàng” ở đây có thể hiểu theo nghĩa là: huy hoàng, vàng son. Đó chính là thời kì huy hoàng, thời vàng son của chúa sơn lâm. Hổ như một thi sĩ thưởng thức vẻ đẹp của đêm trăng giữa rừng suối. Mặc dù vậy, ở nó vẫn toát lên dáng dấp của một mãnh thú với sức mạnh phi thường khi” uống ánh trăng tan. Cảnh ở đây vừa có cái thơ mộng lại vô cùng huy hoàng.
Bức tranh thứ hai là cảnh “những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn”. Đó là những ngày mưa dữ dội, bốn phương ngàn như xoay chuyển, trắng xóa một màu mưa. Và ở đây, hổ là một lãnh chúa đứng lặng ngắm giang sơn của mình thay màu áo mới. Cảnh ở đấy thật dữ dội nhưng cũng thật tráng lệ. Nó gợi sự đổi thay và gợi cả uy quyền của chúa sơn lâm.Càng tráng lệ bao nhiêu thì con hổ càng đau xót bấy nhiêu với thực tại tù túng, giam cầm.
Bức tranh thứ 3 là cảnh “bình minh cây xanh nắng gội”. Con hổ như một bậc vương giả trong giấc ngủ tưng bừng với tiếng ca ru là khúc nhạc rừng của ngàn vạn bầy chim.
Bức tranh thứ 4 là những hoàng hôn nắng đỏ qua con mắt “chúa tể muôn loài”. Đó là những chiều “lênh láng máu sau rừng” và vầng mặt trời sắp lặn chỉ là một đối thủ bé mọn đang hấp hối trước con mắt đầy uy lực của chúa sơn lâm
“Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?”
Về nghệ thuật, ta thấy Thế Lữ sử dụng những hình ảnh rất mới lạ so với thơ ca đương thời như “mảnh mặt trời”. Nếu như thay từ “chết” bằng từ” lặn” và bỏ đi từ “mảnh” thì câu thơ sẽ trở nên lạc lõng bởi nó không phù hợp với logic tâm trạng và tầm vóc của vị chúa tể rừng già. Chính câu thơ này đã nâng tầm vóc của con hổ, của cả đoạn thơ lên mức phi thường và kỳ vĩ. Bên cạnh đó đoạn thơ có những hình ảnh phi thường, độc đáo, cách sắp xếp thời gian phong phú; sử dụng màu sắc độc đáo. Những yếu tố đó góp phần tạo nên một bức tranh tứ bình hiện đại mà vô cùng giá trị. Ở đây, ta còn thấy, tác giả sử dụng đại từ “ta” lặp lại nhiều lần. Nó có tác dụng thể hiện sự kiêu hãnh, khí phách ngang tàng của con hổ, đồng thời tạo nhạc điệu trầm bổng cho câu thơ. Đoạn thơ còn sử dụng liên tiếp các câu nghi vấn để bộc lộ cảm xúc, tâm trạng. Cách sử dụng câu hỏi tư từ với từ hỏi “đâu” và câu cảm thán “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu” cho thấy sự gắn bó máu thịt của con hổ với núi rừng – nơi nó từng được sống đúng với tư thế dũng mãnh, hào hùng của một vị chúa tể. Đồng thời, những câu hỏi ấy cứ dồn dập mỗi lúc một xoáy sâu vào tâm can, cho thấy nỗi quằn quại, nhớ tiếc quá khứ tới đớn đau tột cùng của con hổ. Bởi lẽ, tất cả những hình ảnh huy hoàng, lẫm liệt kia chỉ là “những ngày xưa” là thời “nay còn đâu”. Tác giả còn sử dụng nghệ thuật đối lập: hình ảnh thiên nhiên và dáng vẻ của con hổ hoàn toàn đối lập với hình ảnh con hổ nằm dài trong cũi sắt đầy ngao ngán và bất lực ở đoạn một. Quá khứ càng hào hùng bao nhiêu thì hiện thực càng xót xa tủi nhục bấy nhiêu. Nó khiến cho nỗi khát khao được sống tự do của con hổ càng thêm nhức nhối.
Có thể thấy bộ bức tranh tứ bình này là những bức tranh thiên nhiên đẹp một cách huy hoàng và đầy bí ẩn. Con hổ hiện lên ở trung tâm mang những dáng dấp khác nhau nhưng đều đầy uy lực. Đây cũng chính là những câu thơ xuất sắc nhất trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ.
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài Nhớ rừng – mẫu 4
“Nhớ rừng” được biết đến là một tác phẩm tiêu biểu của Thế Lữ đã góp phần giúp cho thi ca Việt Nam có những bước đi đầu tiên đầy hứa hẹn trong phong trào Thơ mới. Bài thơ đã mượn lời con hổ ở vườn bách thú nhằm diễn tả nỗi chán ghét thực tại tù túng của một bộ phận trí thức tiểu tư sản. Trong bài thơ, có những dòng tác giả đã tái hiện trước mắt người đọc sự hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên núi rừng – nơi từng là chốn tung hoành ngang dọc của của con hổ ngày xưa. Đặc biệt, với 10 câu thơ ở đoạn thơ thứ ba, tác giả đã tạo nên một bức tranh tứ bình vừa có sự hùng vĩ, tráng lệ của thiên nhiên, vừa có sự uy nghi, lẫm liệt của vị chúa tể…
Bức tranh đêm trăng, bức tranh ngày mưa hay bức tranh lúc bình minh là những ý chính cần phân tích khi tìm hiểu bức tranh tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ.
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng, thì bức tranh đầu tiên xuất hiện chính là hình ảnh hổ trong đêm trăng thơ mộng:
“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?”
Cảnh đêm trăng hiện hữu trong không gian tràn đầy màu sắc ánh vàng của vầng trăng trên cao đang soi chiếu khắp nhân gian. Đặc biệt khung cảnh khi có sự xuất hiện của dòng suối với tiếng chảy róc rách lại càng trở nên sinh động, tươi mát. Trước cảnh ấy con hổ đứng bên bờ ngắm nhìn trong trạng thái say mồi, sảng khoái thưởng thức dòng suối mát trong.
Có lẽ cái làm cho hổ kia phải say không chỉ đơn thuần bởi miếng mồi ngon mà còn là cái say trước sự lung linh, kì ảo của khung cảnh đang hiện hữu trước mắt. Hổ say mồi nhưng càng thỏa mãn hơn khi được uống vào những hớp nước có sự soi vàng của bóng trăng. Bao nhiêu nét gân guốc, dữ tợn của chúa tể vùng sơn lâm nhờ có cảnh đẹp hình như cũng trở nên mềm mại, bình thản hơn để có thể hòa vào cảnh vật. Tìm hiểu bức tranh tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng, ta thấy tất cả những điều trên đã tạo nên sự thơ mộng, kì ảo của một bức tranh có sự hài hòa của cả cảnh và vật.
Cảnh có đẹp, có thơ mộng và diệu kỳ đến nhường nào, hổ có bao lần được hòa mình vào “những đêm vàng bên bờ suối” để “say mồi đứng uống ánh trăng tan”, nhưng thực tại những giây phút sảng khoái cũng chỉ còn trong trí nhớ. Sự “say mồi” đầy thỏa mãn hay tư thế “đứng uống” chễm chệ trong những đêm tự do ấy nay đã lùi xa vào quá khứ nhưng với hổ thì những kỉ niệm và cảm giác ngây ngất ấy vẫn hiển hiện rất rõ rệt như chỉ mới diễn ra ngày hôm qua.
Ở bức tranh thứ hai, tác giả lại dùng ngôn từ của mình vẫn để thể hiện hình ảnh trung tâm là con hổ trên phông nền của khung cảnh ngày mưa:
“Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới”
Chúa sơn lâm lúc này đã không còn say sưa bên dòng suối mát lành và miếng mồi hấp dẫn như trong bức tranh trước đó. Trong khung cảnh “những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn” của núi rừng, thiên nhiên dường như cũng trở nên dữ dội, mịt mù. Mưa giăng khắp lối khiến cho vạn vật cũng rung chuyển theo. Ấy thế mà vị chúa tể của ta vẫn không hề có một chút nao núng trước những sự gào thét dữ dội của thiên nhiên và sự ngả nghiêng của vạn vật.
Hổ vẫn hiên ngang, điềm tĩnh, bệ vệ trước cảnh ấy để thu vào trong mắt tất cả những chuyển biến của đất trời. Mưa gió càng tác động lên tất cả mọi thứ mạnh mẽ, đáng sợ bao nhiêu thì hổ ta vẫn giữ một thái độ của một bậc vương giả. Khi phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng, ta thấy trên hết, hổ còn xem việc “những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn” trên thực chất là sự tác động để “giang sơn ta đổi mới”. Thế nên, trong trạng thái “lặng ngắm” kia, hổ thực chất đang đứng ở tư thế làm chủ vạn vật.
Con hổ trong những ngày mưa to gió lớn chốn rừng thiêng vẫn giữ phong thái điềm nhiên, tĩnh tại ấy lại chỉ là một hình ảnh của thời đã qua. Hổ giờ đây bị giam hãm trong chốn ngục tù, dù có râm mát, dù không bị tắm ướt bởi mưa nhưng đó chưa bao giờ là điều nó mong muốn. Ngày trước khi còn tự do giữa núi rừng đất trời và có lúc phải đón những cơn mưa rừng xối xả, dữ dội nhưng chúa sơn lâm chưa bao giờ phiền lòng vì điều đó.
Ngược lại, trong cảnh mưa tuôn mịt mờ ấy, nó lại càng cảm thấy bản thân mạnh mẽ và oai hùng. Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng để thấy thiên nhiên có thách thức như thế nào, hổ vẫn giữ được bản lĩnh của riêng mình. Khi bị giam cầm, bản lĩnh ấy vẫn còn và chỉ tiếc là nó lại không được thể hiện như trong chính nơi nó cần thuộc về.
Ở câu thơ thứ ba, thứ tư của đoạn thơ, tác giả đã giúp cho ta nhìn thấy sự tươi mới, rộn ràng của khung cảnh đất trời trong khoảnh khắc của ngày mới:
“Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng”
Ngày mưa qua đi như làm cho bầu trời buổi sớm thêm phần trong trẻo, tươi sáng. Trong khung cảnh ấy, cây cối sau khi được tắm mát trong những trận mưa rừng đã đầy lại được gội mình trong nắng mới nên càng trở nên tươi tắn và tràn đầy sức sống. Góp vào sức sống bừng lên trên từng nhánh cây ngọn cỏ ấy là tiếng reo ca rộn rã của bầy chim rừng. Khi phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng, ta nhận thấy trong khung cảnh ấy, hổ xuất hiện trong giấc ngủ, nhưng lại là giấc ngủ “tưng bừng”.
Nếu trong đêm khi tất cả mọi vật đều sâu giấc thì hổ thức để say sưa cùng vũ trụ, những ngày mưa ai ai cũng tìm nơi ẩn trú thì hổ “lặng ngắm giang sơn” và giờ đây khi bình minh ló dạng thì hổ chìm vào giấc ngủ. Đặc biệt, vị chúa sơn lâm lại còn được dỗ giấc bằng không khí mát mẻ và cả những âm thanh tươi vui của vạn vật.
Có thể thấy, khi sống trong môi trường của mình, hổ rất đỗi tự do vì có thể tự ý làm những điều mình muốn. Nó luôn đứng ở vị thế chế ngự đầy uy nghi và có thể chi phối kẻ khác chứ không bao giờ chịu phụ thuộc. Hình ảnh hổ lúc đó khác hẳn với tình cảnh bây giờ: không chỉ “làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi” mà còn phải “chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi”, “với cặp báo chuồng bên vô tư lự”.
Bình minh qua, ngày tàn là thời khắc hoàng hôn gõ cửa. Bức tranh thứ tư của bài chính là diễn tả thời khắc ấy của cảnh rừng. Đây là bức tranh cuối cùng nhưng có thể gây được ấn tượng mạnh mẽ nhất:
“Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”
Cảnh tượng hiện lên thật dữ dội trong hình ảnh “chiều lênh láng máu sau rừng”. Gam màu nóng trở thành gam màu chủ đạo của bức tranh. Đó có thể là màu của máu đỏ cũng có thể là màu của ánh sáng mặt trời. Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Nhớ rừng sẽ thấy nếu như ban ngày, mặt trời làm nhiệm vụ soi tỏa ánh sáng xuống nhân gian. Sự sống của vạn vật cũng nương theo ánh sáng ấy mà vận hành. Đến khi mặt trời khuất bóng thì vạn vật cũng lấy khoảng thời gian mặt trời lặn xuống ấy để ngưng mọi hoạt động mà nghỉ ngơi. Thế nhưng, vị chúa tể lại đang chờ đón khoảnh khắc “chết mảnh mặt trời gay gắt” ấy để:
“Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?”
“Bí mật” ấy phải chăng chính là quyền lực từ tay vũ trụ. Hổ muốn chớp lấy cơ hội để đoạt được quyền lực ấy mà chế ngự hoàn toàn thế giới của nó.
Khát khao tuy to lớn, khung cảnh trong bốn bức tranh tuy hùng vĩ, nguy nga nhưng chỉ là những hình ảnh thuộc về dĩ vãng, dù có lúc hiển hiện rõ rệt nhưng kèm theo đó chỉ là nỗi nhớ da diết tới đau đớn của con hổ. Các điệp ngữ “nào đâu”, “đâu những” cùng hàng loạt các câu hỏi tu từ đã có vai trò diễn tả rất sâu sắc sự nhớ tiếc của con hổ đối với những gì nó đã trải qua.
Thời oanh liệt của những ngày xưa cũ được tung hoành ngang dọc thực chất đã khép lại và có khi không bao giờ trở về. Với vị chúa tể, sau tất cả có lẽ còn lại chỉ là một tiếng than u uất không có sự đáp hồi:
“- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”
Đó là lời than của con hổ, là nỗi niềm của nhà thơ nhưng thực chất cũng là tiếng lòng, tâm trạng chung của những con người phải sống trong sự kìm kẹp, giam hãm. Đối với thời buổi người dân Việt Nam phải sống cảnh nô lệ, bài thơ của Thế Lữ đã thay họ thể hiện niềm tiếc nuối về những chiến công vẻ vang chống giặc ngoại xâm của một thời oanh liệt của dân tộc mình. Đó có lẽ lý do khiến bài thơ được đón nhận rất nồng hậu, say sưa ngay từ khi ra đời.
Những câu thơ khắc họa bốn bức tranh về thiên nhiên núi rừng và sự hiện hữu của chúa tể sơn lâm thực sự là những dòng tuyệt bút của bài thơ “Nhớ rừng”. Thông qua việc sử dụng điệp ngữ, câu hỏi tu từ và hàng loạt các hình ảnh gợi màu sắc, đường nét của cảnh vật thiên nhiên, Thế Lữ không chỉ làm xuất hiện trước mắt người đọc tuyệt phẩm diễn tả sự kì vĩ, hùng tráng của chốn rừng thiêng mà còn làm bộc lộ tâm sự, nỗi niềm của chúa tể sơn lâm. Đó cũng chính là tâm sự, nỗi niềm chung của con người thời đại…
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài Nhớ rừng – mẫu 5
Thế Lữ không những là người cầm lá cờ chiến thắng cho Thơ mới mà còn là nhà thơ tiêu biểu nhất cho phong trào Thơ mới. Thế Lữ có một hồn thơ dồi dào, đầy lãng mạn. “Nhớ rừng” là bài thơ tiêu biểu nhất của Thế Lữ và là tác phẩm mở đường cho sự thắng lợi của Thơ mới.
Để đem lại thành công cho bài thơ, với năng lực của một người họa sĩ Thế Lữ đã tạo dựng được một bức tranh tứ bình đặc sắc. Tranh tứ bình là cách khái quát nghệ thuật mang tính ước lệ thời xưa bởi họ quan niệm tứ bình là một thế giới hoàn chỉnh. Có rất nhiều cách để xây dựng tứ bình. Theo dòng thời gian lưu chuyển có xuân, hạ, thu, đông; phương hướng có đông, tây, nam, bắc; nghề xưa có ngư, tiều, canh, mục … Tứ bình xuất hiện đầu tiên trong hội họa phương Đông cổ điển rồi mới ảnh hưởng đến thơ, ca.
Dùng tứ bình tả cảnh người viết vừa thâu tóm được nét đặc trưng vừa có điều kiện để bao quát toàn cảnh. Dùng tứ bình chưa phải là điều thật mới nhưng quan sát kĩ ta vẫn thấy những sáng tạo riêng của Thế Lữ. Bốn bức tranh trong bộ tứ bình này đều là bốn bức họa của cùng một con hổ, khái quát trọn vẹn thời oanh liệt của chúa sơn lâm. Trong bốn bức tranh này tác giả đã để chúa sơn lâm đối diện với tạo hóa vô biên.
Bức thứ nhất là cảnh đêm vàng bên bờ suối:
“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan”
Hổ gọi những đêm trăng là đêm vàng bởi khung cảnh đầy trăng, con hổ cũng khoác lên mình sắc áo vàng trăng. Cách gọi ấy khiến cho những đêm trăng trở nên huyền ảo hơn. Với hổ giờ đây những đêm trăng ấy quý giá vô ngần bởi đó là đêm tự do và ảo mộng. Hổ say mồi là bản năng của mãnh thú nhưng chúa sơn lâm còn say trăng vàng, sau vì uống ánh trăng tan trong nước suối đại ngàn. Khung cảnh im lặng vừa ghê rợn, vừa kì ảo quyến rũ. Thế Lữ đã miêu tả chân thực tập tính của loài hổ và đem đến cho người đọc những cảm nhận mới lạ. Con hổ cũng biết rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên.
Bức thứ hai là những ngày mưa dữ dội:
“Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới”
Mưa dữ dội làm rung chuyển cả bốn phương trời, những trận mưa như thế có thể làm kinh hoàng những con thú hèn yếu nhưng chúa sơn lâm thì không mảy may sợ hãi trước uy lực của trời đất. Hổ điềm nhiên lặng ngắm giang sơn đổi mới. Dáng vẻ của hổ chứa đựng một bản lĩnh vững vàng và một sức mạnh chế ngự thiên nhiên.
Bức thứ ba là cảnh tươi sáng tưng bừng của bình minh:
“Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng”
Đêm vạn vật chìm trong giấc ngủ thì hổ thức cùng vũ trụ trăng, sao. Những ngày mưa rung chuyển núi rừng, hổ điềm nhiên ngắm cảnh trời đất đổi thay. Bây giờ vạn vật thức dậy cùng mặt trời, cây xanh, nắng gội, chim chóc hót ca thì hổ vẫn ngủ. Uy quyền của chúa sơn lâm khiến hổ muốn gì được nấy. Từ láy “tưng bừng” cho thấy giấc ngủ của hổ thật đặc biệt.Cảnh tưng bừng rộn rã ở ngoài kia chỉ khiến cho giấc ngủ của hổ thêm say, thêm đẹp.
Bức thứ tư là cảnh hoàng hôn.
“Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”
Mấy chữ “lênh láng máu sau rừng” thật dễ sợ. Nó gợi cho ta cảnh tượng chiến trường sau một cuộc vật lộn dữ dội. Đó là máu của một con thú rừng xấu số nào đó ư? Không phải đó là máu của mặt trời. Ánh mặt trời tà dương qua cảm nhận của thú dữ mang sắc máu lênh láng đỏ.Bức tranh hoàng hôn rực rỡ trong gam màu đỏ: đỏ của mặt trời gay gắt, đỏ của máu lênh láng. Chữ “chết” biến mặt trời thành một sinh thể, mặt trời không còn là khối cầu lửa vô tri, vô giác bất động giữa không trung mà thành một con thú.
Hình thức điệp ngữ kết hợp với câu hỏi tu từ đem đến cảm nhận bốn bức tranh là bốn nỗi hoài niệm nuối tiếc. Bốn câu thơ vừa lặp lại, vừa tăng tiến. Có thể nói đây là đoạn thơ đoạn thơ đặc sắc nhất trong “Nhớ rừng”. Ở những nét bút tạo hình của Thế Lữ vừa có họa pháp của người họa sĩ, vừa có thi pháp của trường thi lãng mạn. Với đoạn thơ này “Nhớ rừng” đã trở thành một khúc trường ca dữ đội biểu hiện niềm khao khát tự do của con người.