Viết bài tập làm văn số 5 – Văn thuyết minh (tiếp theo)

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây

Đề bài: Thuyết minh về một văn bản một thể loại văn học đơn giản.

A/ Dàn ý chi tiết

I. Mở bài:

– Giới thiệu một văn bản/ một thể loại văn học đơn giản.

II. Thân bài

* Thuyết minh về một văn bản cần chú ý làm nổi bật những ý sau:

– Giới thiệu về các phần các mục của văn bản.

– Công dụng của văn bản.

– Cách làm.

– Những điểm cần lưu ý hay những lỗi thường gặp nên tránh khi tạo lập văn bản.

* Thuyết minh về một thể loại văn học cần tập trung vào các ý:

– Đặc điểm của thể loại:

+ Về cấu trúc.

+ Về âm thanh.

+ Về nhịp điệu.

+ Số câu, số chữ.

+ Nguyên tắc cấu tạo, xây dựng hình tượng.

– Vai trò của thể loại trong lịch sử và trong đời sống văn học nói chung.

III. Kết bài:

– Khẳng định lại ý nghĩa văn bản/ thể loại đối với nền văn học.

B/ Sơ đồ tư duy

C/ Bài văn mẫu

Thuyết minh về một văn bản/ một thể loại văn học đơn giản – mẫu 1

Phú là một thể loại văn chương cổ có nguồn gốc từ Trung Hoa. Trong quá trình du nhập và phát triển, thể loại văn học này đã có nhiều sự biến đổi và phát triển. Có rất nhiều những nhà thơ, nhà văn Việt Nam thời kì này sử dụng Phú đã sáng tác nên những tác phẩm kiệt xuất.

Phú là thể loại văn vần, có từ thời nhà Hán nhưng thể phú được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam có nguồn gốc từ thời Đường, gọi là Đường Phú. Theo tiếng Hán, “phú” chủ yếu là thể văn tả cảnh, nhưng thơ phú thường mượn cảnh để tả tình, tả cảnh vật để nói lên suy nghĩ nội tâm của con người. Thể phú được vua chúa Việt Nam dùng trong khoa cử. Trong kì thi Hương và thi Hội, phú là một phần của tam trường.

Bài phú có hai yếu tố là vần và đối. Một câu chia làm hai vế phải đối nhau. Chữ cuối câu thứ hai trong bài phú thì gieo vần, cấu trúc câu ngăn, dài không bó buộc khiến thể thơ mang hàm ý kể chuyện giống văn xuôi. Cách sắp xếp bài phú có năm đoạn, phần lưng, mở bài, phần biện nguyên, tìm gốc rễ của đề tài, phần thích thực miêu tả ý nghĩa, phần phú diễn, làm rõ ý và phần nghị luận, tổng kết vấn đề. Số câu trong một bài phú không nhất định, không giới hạn. Câu đầu mỗi đoạn thường dùng câu bốn chữ.

Văn chương Việt Nam có những bài phú nổi tiếng như “Cư trần lạc đạo phú” của vua Trần Nhân Tông soạn bằng chữ Nôm.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên

Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền

Vào thế kỉ 19, có bài “Tụng Tây Hồ phú” của Nguyễn Huy Lượng:

Ngán nhẽ tụng Tây hồ;

Ngán nhẽ tụng Tây hồ!

Vốn trước đã lở hầm toang hoác vũng;

Có lẽ đâu mọc đá nhấp nhô gò?

Người rằng nơi Long tử khoét làm vũng, bởi được bùa quái chú Huyền trao, vậy cáo trắng hách hơi vào đại trạch,

Kẻ bảo ấy Cao vương đào chặn mạch, vì mảng tiếng chuông thầy Khổn nện, nên trâu vàng theo dấu đến trung đô.

Phú chữ Nho có bài “Bạch Đằng Giang phú” của Trương Hán Siêu

Khách hữu:

Quải hạn mạn chi phong phàm,

Thập hạo đãng chi hải nguyệt.

Triệu dát huyền hề Nguyên, Tương,

Mộ u thám hề Vũ huyệt.

….

Nội dung một bài phú chủ yếu được dùng để miêu tả phong cảnh. Với đặc trưng không giới hạn số lượng câu, một câu không quy định số từ, thể phú thường diễn tả lại những cảnh đẹp của thiên nhiên, từ đó liên hệ với tâm trạng và cảm xúc con người.

Ở thời kì Trung đại, những nhà thơ thường dùng thể phú để miêu tả cảnh đẹp đất nước, vạn vật như cảnh trăng khuya, cây rừng, sông nước, chim muông, cảnh hoàng hôn, bình minh. Dựa vào cảnh vật, tác giả bộc lộ tình cảm, suy nghĩ nội tâm. Trong Bạch Đằng giang phú, Trương Hán Siêu nói lên sự kính trọng, biết ơn công dựng nước, giữ nước của các vị hảo hán, Cư trần lạc đạo phú thể hiện sự tĩnh tâm, lối sống tự tại, đơn giản của một nhà tu hành. Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Đĩnh Chi thì mượn hình ảnh hoa sen, miêu tả hoa sen trong giếng ngọc cốt để nhắc về giá trị, về tài năng của bản thân mình.

Như vậy, thể phú được sử dụng nhiều trong văn học cổ đại. Trong quá trình giao lưu, học hỏi và tiếp thu đã có nhiều biến đổi để phù hợp với văn phong và quan niệm của người Việt.

Thuyết minh về một văn bản/ một thể loại văn học đơn giản – mẫu 2

Nền văn học thế giới phát triển rực rỡ với nhiều thể loại phong phú, đó là thơ ca, hò vè, truyện ngắn, tiểu thuyết,…và không thể không nhắc đến thể loại trường ca, một trong những thể loại độc đáo trong văn học.

Trước đây, thời cổ đại những tác phẩm sử thi được xem là trường ca. Hiện nay, những tác phẩm thuộc thể loại trường ca là những tác phẩm thơ hoặc văn tự sự có một dung lượng lớn. Trường ca xuất hiện từ rất sớm, trải qua quá trình phát triển thể loại trường ca có nhiều quan niệm, cách đánh giá khác nhau, song nó vẫn có vị trí đặc biệt quan trọng trong văn học.

Để tìm hiểu bản chất của trường ca, một số nhà nghiên cứu đi sâu tìm hiểu và đưa ra những luồng ý kiến khác nhau. Một số người xác định bản chất của nó theo cách định lượng tác phẩm: họ cho rằng trường ca phải có sự rộng lớn về nội dung và tầm cỡ về quy mô cảm xúc. Một số khác lại xác định bản chất trường ca theo cách định tính: trường ca phải kế thừa được tính tự sự- sử thi thời cổ đại hoặc trường ca phải là sự giao thoa, kết hợp hài hoà giữa tự sự và trữ tình. Song, dù được xác định như thế nào, trường ca vẫn luôn mang tính trữ tình độc đáo, qua đó người viết thể hiện được dòng cảm xúc, tâm tình của chính mình.

Cách phân loại trường ca được dựa trên nhiều cơ sở, căn cứ vào nội dung có thể kể đến các loại trường ca sau: trường cả có cốt truyện lãng mạn, trường ca anh hùng, trường ca giáo huấn,.. Đề tài của thể loại trường ca khá phong phú. Trường cả thường viết về đề tài đất nước, đề tài lịch sử toàn dân, đề tài lịch sử toàn thế giới, đề tài về các vị anh hùng hoặc đề tài về tôn giáo. Dù ở bất kỳ đề tài nào, trường cả vẫn luôn thể hiện được sự thu hút và hấp dẫn của mình trong chính mỗi tác phẩm được viết ra.

Quá trình phát triển của trường ca qua mỗi thời kỳ được đánh dấu quá nhiều tác phẩm lớn. Thời cổ đại có thể kể đến tác phẩm của John Milton với “Thiên đường đã mất” hay Đante với tác phẩm “Thần khúc”. Thời kỳ trung đại có trường ca hiệp sĩ như “Chàng Dũng sĩ khoác áo da hổ” của tác giả Rustaveli hay như “Chàng Orlando cuồng nộ” của Ariosto. Bước vào thời đại chủ nghĩa lãng mạn, trường ca được dịp nở rộ và phát triển đỉnh cao. Những tác phẩm tiêu biểu gây tiếng vang lớn giai đoạn này như “Kỵ sĩ đồng” của thiên tài văn học Puskin hay “Con quỷ” của nhà văn Lomontev. Những năm cuối thế kỉ 19, thể loại này dần suy thoái song vẫn có một số trường ca khá xuất sắc và giá trị như “Bài ca về Hiawatha” hay “Thần băng giá mũi đỏ”.

Ở nền văn học nước nhà, thể loại trường ca cũng khá phát triển. Truyền thống lịch sử tốt đẹp cùng các vị anh hùng dân tộc và một thời đại lịch sử hào hùng là nguồn cảm hứng dạt dào và mãnh liệt cho các thi nhân. Theo kết quả của các nhà nghiên cứu trường ca Việt Nam được phát triển qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu trước năm 1975 là giai đoạn trường ca bắt đầu xuất hiện ở nước ta nên có còn mang nặng nét sử thi trong tác phẩm. Giai đoạn sau 1975 trường ca có thiên hướng trữ tình và thể hiện được cái tôi cá nhân của tác giả. Những tác phẩm trường ca xuất sắc và tiêu biểu đóng góp lớn vào thành tựu lớn của văn học nước nhà phải kể đến : “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo, “Con đường những vì sao” của Nguyễn Trọng Tạo, “Khúc hát người anh hùng” của Trần Đăng Khoa, “Mỗi loài hoa một mặt trời” của Trần Anh Thái,…

Khác với các thể loại khác, trường ca mang một nét riêng biệt mà đặc sắc cá tính nhưng cũng đầy dịu dàng, tràn trề xúc cảm. Thể loại trường ca được các nhà thơ, nhà văn tiếp thu và phát triển, biến đổi một cách đầy linh hoạt. Hy vọng rằng, thể loại này sẽ là một miền đất lành để các tác giả tiếp tục thể hiện tài năng của mình, bộc lộ những cảm quan về thời đại mới, con người mới trong xã hội hiện đại.

Thuyết minh về một văn bản/ một thể loại văn học đơn giản – mẫu 3

Ca dao là loại thơ trữ tình xuất hiện từ lâu đời và rất phổ biến trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam. Nội dung chính của nó là phản ánh đời sống tư tưởng, tình cảm phong phú của người bình dân. Dân ca là những sáng tác kết hợp giữa ca dao với các làn điệu dân ca. Vì thế mà ca dao – dân ca thường sóng đôi, gắn bó như hình với bóng.

Người bình dân thời xưa hay dùng ca dao – dân ca để thể lộ tâm tình và nói lên những suy nghĩ về cuộc sống. Trong giao tiếp hằng ngày, họ có thói quen mượn những câu ca dao hợp tình, hợp cảnh để diễn đạt thay cho lời nói, làm tăng sức biểu cảm của lời nói. Từ ca dao, người dân biến thành các làn điệu dân ca nhằm gửi gắm, bộc lộ đầy đủ hơn tâm tư, tình cảm của mình.

Chủ đề đầu tiên của ca dao, dân ca Là những câu hát thổ lộ tâm tình. Những câu hát này thường gắn liền với các hình thức sinh hoạt lao động, sinh hoạt gia đình và sinh hoạt cộng đồng. Hình thức hát cũng rất đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng công việc. Lứa tuổi trẻ thơ có những bài đồng dao hát khi chơi các trò chơi quen thuộc như: chi chi chành chành, chồng nụ chồng hoa, dung dăng dung dẻ… Nông dân có hát phường cấy, ngư dân có hò chèo thuyền, hò kéo lưới, thợ dệt có hát phường vải… Từng vùng miền đều có những câu ca dao, những làn điệu dân ca mang tính chất đặc trưng cho con người và địa phương. Ví dụ như Phú Thọ có hát xoan, Bắc Ninh có dân ca quan họ, Nghệ – Tĩnh có hát phường vải và nhiều điệu hò; Huế có ca Huế, hò Huế; vùng Ngũ Quảng có hát bài chòi; Nam Bộ có các điệu lý, điệu hò của vùng đồng bằng sông nước… Dù hình thức khác nhau nhưng tất cả đều cùng chung một nội dung phản ánh tâm tư tình cảm vui buồn và những ước mong, khát vọng của người dân lao động thuở xưa.

Một trong những tình cảm trong sáng và đẹp đẽ mà ca dao luôn nói tới là tình yêu tha thiết đối với quê hương, đất nước. Non sông Việt Nam nơi nào cũng đẹp, cũng cuốn hút hồn người. Từ vùng địa đầu Tổ quốc:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.

Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.

Đến Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến:

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,

Hỏi ai gây dựng nên non nước này?”

Đến dải đất miền Trung sơn thủy hữu tình:

“Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ…”

Đến châu thổ đồng bằng miền Tây Nam Bộ phì nhiêu, màu mỡ:

“Ruộng Cửu Long cò bay thẳng cánh

Sông Cửu Long lấp lánh cá tôm”

Giang sơn gấm vóc ấy có được là do bao thế hệ đổ mồ hôi, xương máu xây đắp và bảo vệ. Chính vì thế mà truyền thống yêu nước, bất khuất chống ngoại xâm, truyền thống cần cù lao động, truyền thống đoàn kết, nhân ái… của dân tộc Việt Nam là rất đáng tự hào.

Qua ca dao – dân ca, hình ảnh quê hương với lũy tre, đồng lúa, cây đa, bến nước, sân đình cùng những mái rạ đơn sơ đã trở nên thiêng liêng đối với mỗi người dân đất Việt. Dẫu đi đâu, về đâu, dẫu sống ở phương trời nào lòng người cũng thương, cũng nhớ:

“Anh đi anh nhớ quê nhà,

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Nhớ ai dãi nắng dầm sương,

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”

Nhiều bài học đạo lý được nhân dân ta đưa vào trong ca dao – dân ca để dạy dỗ, giáo dục con cháu từ thuở ấu thơ, nhắc nhở con cái phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ:

“Con người có tổ có tông,

Như cây có cội như sông có nguồn”

Hoặc:

“Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ, kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Khuyên anh em phải hòa thuận, thương yêu:

“Anh em như thể tay chân,

Rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đần”

Khuyên trai gái yêu nhau phải biết vượt qua mọi trở lực để đến với tình yêu đích thực:

“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,

Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua”

Khuyên vợ chồng phải thủy chung, son sắt:

“Rủ nhau xuống biển mò cua,

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.

Ai ơi chua ngọt đã từng,

Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau”

Khuyên bạn bè phải đối xử trân trọng, trước sau gắn bó:

“Bạn bè là nghĩa tương tri,

Sao cho sau trước một bề mới yên”

Khuyên mọi người biết đùm bọc, sẻ chia lúc khó khăn, hoạn nạn:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Bên cạnh những câu ca dao – dân ca nói về tình yêu quê hương, đất nước, con người… là những câu thể hiện tâm sự đắng cay, buồn tủi trước thân phận nghèo khó, bất hạnh của người lao động trong xã hội phong kiến đầy áp bức, bất công. Đời sống vật chất thiếu thốn cộng với những nỗi cơ cực do giai cấp bóc lột gây nên là nguyên nhân phát sinh ra những câu hát được phổ biến rộng rãi trong dân gian:

“Thương thay thân phận con tằm,

Kiếm ăn được mấy phải nằm nhả tơ.

Thương thay lũ kiến li ti,

Kiếm ăn được mấy phải đi kiếm mồi.

Thương thay con cuốc giữa trời,

Dẫu kêu ra máu có người nào nghe ?

Thương thay con hạc đầu đình,

Muốn bay không cất nổi mình mà bay”

Có thể nói ca dao – dân ca là bức tranh toàn cảnh về đời sống xã hội của Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Sở dĩ ca dao – dân ca có sức sống lâu bền chính là nhờ những đặc điểm nghệ thuật độc đáo của nó. Trước hết phải nói đến thể thơ. Phần lớn ca dao sáng tác theo thể thơ lục bát (sáu – tám) và song thất lục bát (bảy – bảy – sáu – tám). Những thể thơ này có cách gieo vần dễ thuộc, dễ nhớ, dễ lưu truyền. Ngoài ra còn có dạng lục bát biến thể, số lượng chữ trong câu thay đổi những quy luật về vần và thanh điệu thì vẫn giữ nguyên. Ví dụ:

“Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,

Về sông ăn cá về đồng ăn cua”

Những hình ảnh so sánh và ẩn dụ trong ca dao đều được lấy từ thực tế cuộc sống lao động của nông dân nơi đồng ruộng, xóm làng; từ phong cảnh thiên nhiên quen thuộc, hữu tình. Vì thế mà nó dễ đi vào lòng người và gây xúc động sâu xa.

Đặc điểm thứ ba là ngôn ngữ của ca dao – dân ca rất giản dị, hồn nhiên và đậm chất địa phương. Tuy gần với ngôn ngữ thơ ca nhưng ca dao, dân ca vẫn mang hơi hướng của lời nói thường ngày trong cách dùng từ, đặt câu, diễn ý. Những thành ngữ, tục ngữ, lối chơi chữ thông minh, dí dỏm cũng được đưa vào ca dao – dân ca một cách nhuần nhị và khéo léo.

Ca dao – dân ca là tấm gương phản chiếu đời sống muôn màu muôn vẻ của dân tộc Việt Nam; là nền tảng vững chắc để nền văn học viết kế thừa và phát triển. Ca dao – dân ca có tác dụng rất lớn trong việc khẳng định bản chất giàu và đẹp của tiếng Việt – sản phẩm tinh thần vô giá mà tổ tiên đã để lại cho con cháu đời đời.

Thuyết minh về một văn bản/ một thể loại văn học đơn giản – mẫu 4

Lục bát là một trong hai thể loại thơ chính của Việt Nam (lục bát và song thất lục bát). Thơ lục bát ở Việt Nam được truyền bá và phát triển hàng trăm năm nay. Thơ lục bát đã thấm đẫm tâm hồn người Việt chúng ta vì đó là thể thơ trong ca dao, đồng dao và các bài ru con. Ngày nay thơ lục bát vẫn được các nhà thơ hiện đại tiếp thu, hoàn chỉnh và giữ một vị trí quan trọng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Thể thơ lục bát rất giản dị về quy luật, dễ làm thường dùng để diễn tả những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tâm hồn con người.

Thể thơ lục bát có nguồn gốc lâu đời, là một thể thơ dân tộc ta, thơ lục bát bao gồm có thể từ hai câu trở lên. Trong đó thì cứ hai câu ghép lại thành một cặp câu. Các cặp câu gồm có một câu sáu tiếng (câu lục) và một câu tám tiếng (câu bát), và xen kẽ cứ câu lục là câu bát rồi đến cặp câu khác, số câu trong bài không giới hạn. Thông thường thì bắt đầu bằng câu sáu chữ và chấm dứt ớ câu tám chữ. Nhưng cũng có khi kết thúc bằng câu sáu để đạt tính cách lơ lửng, thanh và vần, vì vậy tìm hiểu thơ lục bát là tìm hiểu về luật và vần của nó. Luật về thanh giúp cho câu thơ trở nên hài hoà. Các vần chính là hình thức kết dính các câu thơ lại với nhau.

Luật thanh trong thơ lục bát: Thơ lục bát có 2 câu chuẩn là câu lục và 2 câu là câu bát, cũng như thơ Đường luật, nó tuân thủ quy tắc nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh. Nghĩa là các tiếng thứ 1, 3, 5 trong câu có thể tự do về thanh, nhưng các tiếng thứ 2, 4, 6 thì phải theo luật chặt chẽ. Luật như sau:

Câu lục: Theo thứ tự tiếng thứ 2 – 4 – 6 là Bằng (B) – Trắc (T) – Bằng (B). Câu bát: Theo thứ tự tiếng thứ 2 – 4 – 6 – 8 là B – T – B – B

Ví dụ như:

“Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân (B – T – B)

 Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều” (B – T – B – B)

(Tố Hữu)

Về phối thanh, chỉ bắt buộc các tiếng thứ tư phải là trắc, các tiếng thứ hai, thứ sáu, thứ tám phải là bằng, nhưng trong câu tám các tiếng thứ sáu thứ tám phải khác dấu, nếu trước là dấu huyền thì sau phải là không dấu hoặc ngược lại:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Thế nhưng đôi khi có thể tự do về tiếng thứ hai của câu lục hay câu bát, có thể biến nó thành thanh trắc. Hoặc là câu lục giữ nguyên mà câu bát thì lại theo thứ tự T – B – T – B những câu thơ thế này ta gọi là lục bát biến thể.

Ví dụ:

“Có xáo thì xáo nước trong (T – T – B)

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con” (T – T – B – B)

Hay:

“Con cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non” (T – B – T – B)

Cách gieo vần trong thơ lục bát: Thơ lục bát có cách gieo vần khác với các thơ khác. Có nhiều vần được gieo trong thơ nhiều câu chứ không phải là một vần, điều này tạo cho thơ lục bát tính linh hoạt về vần. Thể thơ lục bát thường được gieo vần bằng; tiếng cuối của câu lục hiệp với tiếng thứ sáu của câu bát, tiếng thứ sáu của câu bát hiệp với tiếng của câu lục tiếp; cứ như thế đến hết bài lục bát:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”

Như thế ngoài vần chân có ở hai câu 6 và 8, lại có cả vần lưng trong câu tám.Tiểu đối trong thơ lục bát: Đó là đôi thanh trong hai tiếng thứ 6 (hoặc thứ 4) của câu bát với tiếng thứ 8 câu đó. Nếu tiếng này mang thanh huyền thì tiếng kia bắt buộc là thanh ngang và ngược lại.

Ví dụ:

“Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Ngoài đối thanh còn có đối ý:

Dù mặt lạ, đã lòng quen”

(Bích câu kỳ ngộ)

Cách ngắt nhịp trong thơ lục bát: Thơ lục bát thông thường ngắt nhịp chẵn, là nhịp 2/2/2, hoặc 4/4 để diễn tả những tình cảm thương yêu, buồn đau…

“Người thương/ơi hỡi/ người thương

Đi đâu /mà để /buồng hương/ lạnh lùng”

Đôi khi để nhấn mạnh nên người ta đổi thành nhịp lẻ đó là nhịp 3/3: Chồng gì anh/ vợ gì tôi Chẳng qua là cái nợ đòi chi đây. Khi cần diễn đạt những điều trắc trở, khúc mắc, mạnh mẽ, đột ngột hay tâm trạng bất thường, bất định thì có thể chuyển sang nhịp lẻ 3/3, 1/5, 3/5… Thể thơ lục bát với cách gieo vần, phối thanh và ngắt nhịp giản dị mà biến hóa vô cùng linh hoạt, phong phú và đa dạng, nó rất dồi dào khả năng diễn tả. Đa số ca dao được sáng tác theo thể lục bát. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu có hơn 90% lời thơ trong ca dao được sáng tác bằng thể thơ này.

Từ những đặc trưng cấu trúc ngữ nghĩa trên có thể thấy về cơ bản thể thơ lục bát vẫn là thể thơ nền nã, chỉnh chu với những quy định rõ ràng về vần nhịp, về số tiếng mỗi dòng thơ, về chức năng đảm trách của mồi câu trong thể. Tuy vậy cũng có lúc câu lục tràn sang câu bát, câu lục và câu bát dài quá khổ, có khi xê dịch phối thanh, hiệp vần… đó là dạng lục bát biến thể. Sự biến đổi đó là do nhu cầu biểu đạt tình cảm ngày càng phong phú, đa dạng phá vỡ khuôn hình 6/8 thông thường. Tuy nhiên dù phá khuôn hình, âm luật, cách gieo vần của thể thơ lục bát cơ bản vẫn giữ nguyên. Đó là dấu hiệu đặc trưng cho ta nhận biết nó vẫn là thể lục bát.

Bên cạnh lục bát truyền thống còn có lục bát biến thể là những câu có hình thức lục bát nhưng không phải trên sáu dưới tám mà có sự co giãn nhất định về âm tiết về vị trí hiệp vần… Hiện tượng lục bát biến thể là vấn đề đáng chú ý trong ca dao, chúng ta có thể xem xét một số trường hợp: Lục bát biến thể tăng, tiếng lục bát biến thể giảm số tiếng.

Xét về mặt nội dung thơ lục bát diễn đạt tâm trạng nhiều chiều của nhân vật trữ tình. Thông thường người bình dân hay mượn thể loại văn vần này để bày tỏ nỗi lòng, tâm trạng của mình trong cuộc sống, sinh hoạt, tình yêu… Do vậy thể thơ chủ yếu của ca dao vần là thể lục bát vì nó có khả năng diễn đạt tất thảy những cung bậc cảm xúc như: Tình yêu trai gái, tình yêu gia đình, xóm làng, yêu đồng ruộng, đất được, yêu lao động, yêu thiên nhiên. Dân tộc nào cũng có một thể thơ, một điệu nhạc phù hợp với cách điệu cuộc sống của dân tộc đó. Lục bát là thể thơ hài hòa với nhịp đập của con tim, nếp nghĩ, cách sinh hoạt của người dân Việt Nam. Ca dao, tiếng nói mang đầy âm sắc dân tộc cũng được chuyền tải bằng lục bát. Việc sáng tạo thể thơ độc đáo này thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người bình dân, rất nhiều nhà thơ thành công nhờ thể thơ này. Những truyện thơ vĩ đại nhất của Việt Nam như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên đều được thể hiện bằng hình thức thơ Lục bát. Sau này các nhà thơ hiện đại cũng đã rất thành công khi vận dụng thể lục bát trong các sáng tác của mình. Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn tiêu biểu cho dòng lục bát dân gian. Dòng lục bát trí tuệ có thể xem Lửa thiêng của Huy Cận trong phong trào Thơ Mới là thành tựu mở đầu. Dòng lục bát hiện đại có Bùi Giáng, Nguyễn Duy, Tố Hữu…

Như vậy, lục bát là thể thơ vô cùng quan trọng trong đối với nền văn học của dân tộc Việt Nam. 

Thuyết minh về một văn bản/ một thể loại văn học đơn giản – mẫu 5

Truyện ngắn là một thể loại văn học thuộc hình thức tự sự loại nhỏ. Đây là một trong những thể loại văn học vô cùng quan trọng.

Truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ, tập trung mô tả một mảnh cuộc sống, một biến cố, một hành động, một trạng thái nào đó trong cuộc đời nhân vật, thể hiện một khía cạnh của tính cách hay một mặt nào đó của đời sống xã hội. Truyện ngắn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh ghi lại một biến cố quan trọng trong cuộc đời đứa trẻ khi em từ thế giới gia đình bước vào thế giới nhà trường. Trong “Chiếc lá cuối cùng” của O’ Hen-ri, đó là việc Giôn-xi bị ốm nặng nằm chờ chết; việc cụ Bơ-men lặng lẽ vẽ chiếc lá cuối cùng trong một đêm mưa tuyết dữ dội để cứu sống cô gái, và cụ đã ra đi sau khi hoàn thành kiệt tác ấy. Còn trong “Lão Hạc”, Nam Cao ghi lại mảnh đời cuối cùng của người nông dân già nghèo khổ, đơn độc, nhưng trước khi tìm về cái chết đã lo lắng thật chu đáo cho đứa con lúc nó trở về. Truyện ngắn thường có ít nhân vật và sự kiện như trong ba truyện ngắn trên.

Cốt truyện của truyện ngắn thường diễn ra trong một không gian, thời gian hạn chế. Nó không kể trọn vẹn một quá trình diễn biến một đời người mà chọn lấy những khoảnh khắc, những lát cắt của cuộc sống để thể hiện. Tôi đi học chỉ thu lại trong buổi tựu trường đầu tiên trên con đường từ nhà đến trường, trên sân trường, trong lớp học; Lão Hạc chỉ là khoảnh khắc cuối đời của nhân vật từ nhà của lão sang nhà ông giáo; Chiếc lá cuối cùng được kể lại trong những ngày Giôn-xi ốm nằm ở căn phòng nhỏ có chiếc cửa sổ trông ra cây thường xuân.

Kết cấu truyện ngắn thường là sự sắp đặt những đối chiếu, tương phản để làm nổi bật chủ đề, như sự tương phản giữa tình mẹ con và những tình cảm mới mẻ đối với nhà trường, thầy giáo, bạn bè trong tâm trạng đứa trẻ (Tôi đi học); giữa cuộc sống nghèo khổ với cái chết đau đớn với tình yêu thương lo lắng cho đứa con của lão Hạc (Lão Hạc), giữa sự trở về với cuộc sống của Giôn-xi và sự ra đi của cụ Bơ-men, giữa chiếc lá thường xuân đã rụng và chiếc lá cuối cùng vẫn còn mãi mãi trên tường (Chiếc lá cuối cùng).

Những đặc điểm trên đây đã khiến cho dung lượng truyện ngắn thường ngắn. Nhưng không phải vì thế mà truyện ngắn không đề cập tới những vấn đề lớn của cuộc đời như Lão Hạc hay Chiếc lá cuối cùng. Và nếu đọc các tác phẩm của các bậc thầy trong thể loại này, ta càng thấy rõ điều đó.

Như vậy truyện ngắn là một thể loại văn học hiện đại. Ngày nay nó đã và đang phát huy được ưu thế và đóng góp không nhỏ vào thành tựu của văn học Việt Nam thế kỉ XX, XXI và mãi về sau.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1179

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống