Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây
Đề bài: Tuổi trẻ và tương lai đất nước.
A/ Dàn ý chi tiết
I. Mở bài:
– Dẫn dắt, nêu vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai của đất nước.
– Có thể dẫn dắt lời thư của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam công học tập của các em” hoặc một số câu khác có nội dung tương tự.
II. Thân bài:
* Giải thích thế nào là tuổi trẻ?
– Tuổi trẻ là lứa tuổi thanh niên, thiếu niên. Là lứa tuổi được học hành, được trang bị kiến thức và rèn luyện đạo đức, sức khỏe, chuẩn bị cho việc vào đời và làm chủ xã hội tương lai.
– Tuổi trẻ là những người chủ tương lai của đất nước, là chủ của thế giới, động lực giúp cho xã hội phát triển. Một trong những việc làm quan trọng nhất của tuổi trẻ chính là nhiệm vụ học tập.
* Vì sao thế hệ trẻ lại ảnh hưởng đến tương lai đất nước?
– Thanh niên học sinh hôm nay sẽ là thế hệ tiếp tục bảo vệ, xây dựng đất nước sau này.
– Vốn tri thức được học và nền tảng đạo đức được nhà trường giáo dục là quan trọng, cơ bản để tiếp tục học cao, học rộng, đem ra thực hành trong cuộc sống khi trưởng thành.
– Một thế hệ trẻ giỏi giang, có đạo đức hôm nay hứa hẹn có một lớp công dân tốt trong tương lai gần. Do đó, việc học hôm nay là rất cần thiết.
– Thế giới không ngừng phát triển, muốn “sánh vai các cường quốc” thì đất nước phải phát triển về khoa học kĩ thuật, văn minh – điều đó do con người quyết định mà nguồn gốc sâu xa là từ việc học tập, tu dưỡng thời trẻ.
* Thực tế đã chứng minh, việc học tập của tuổi trẻ tác động lớn đến tương lai đất nước.
– Những người có sự chăm chỉ học tập, rèn luyện khi còn trẻ thì sau này đều có những cống hiến quan trọng cho đất nước:
+ Ngày xưa: Những người tài như Lí Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi từ thời trẻ đã chăm chỉ luyện rèn, trưởng thành lập những chiến công làm rạng danh đất nước.
+ Ngày nay: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng. Các nhà khoa học xã hội có nhiều đóng góp cho đất nước trong mọi lĩnh vực như nhà bác học Lương Định Của, tiến sĩ Tạ Quang Bửu, anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa.
– Từ xưa đến nay, thế hệ trẻ luôn là lực lượng tiên phong, xông pha vào những nơi gian khổ mà không ngại gian khó, hy sinh.
+ Trong chiến tranh: (Dẫn chứng cụ thể)
+ Trong thời bình: (Dẫn chứng cụ thể)
– Các thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay cũng đang ra sức luyện tài, đã gặt hái được những thành công trong học tập, nghiên cứu khoa học đó sẽ là tiền đề quan trọng để đưa đất nước phát triển hơn trong tương lai.
* Làm thế nào để phát huy được vai trò của tuổi trẻ?
– Đảng và nhà nước cần có những chính sách ưu tiên hơn nữa cho việc đào tạo thế hệ trẻ.
– Nhà trường phải đẩy mạnh công tác giáo dục thế hệ trẻ về tài, đức.
– Mỗi người trẻ cần ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với sự phát triển của đất nước, phải chăm chỉ học hành, rèn luyện đạo đức.
III. Kết bài:
– Khẳng định tầm quan trọng của việc học tập, rèn luyện của thế hệ trẻ đối với tương lai của đất nước.
– Liên hệ bản thân, rút ra bài học.
B/ Sơ đồ tư duy
C/ Bài văn mẫu
Tuổi trẻ và tương lai đất nước – mẫu 1
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ Vĩ đại của Đảng ta, dân tộc ta, đã viết trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc năm 1946 như sau: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Vậy hôm nay chúng ta hãy cùng nhau bàn bạc về tuổi trẻ và tương lai của đất nước nhé!
Nói về đất nước ta trước năm 1945, thật là những cuộc sống tối tăm:
“Ôi nhớ những đêm nào thuở trước
Xóm làng ta xơ xác héo hon
Nửa đêm thuế thúc trống dồn
Sân đình máu chảy, làng thôn lính đầy”….
Những mảnh đời như lão Hạc, chị Dậu và cái Tí thật chẳng có lối thoát, không còn hi vọng gì, còn con trai lão Hạc thì:
“Bán thân đổi mấy đồng xu
Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng …”
Kiếp sống của nhân dân lao động thì tăm tối, bị chà đạp về nhân phẩm và quyền sống; kiếp sống của những người trí thức cũng chẳng có tương lai: những ông giáo của Nam Cao cũng hệt như con hổ nhớ rừng: “Nay sa cơ chịu nhục nhằn tù hãm”…
Nhưng Bác Hồ đã tiên đoán được tiềm năng của dân tộc Việt chúng ta. Năm 1921, người đã viết: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”.
Với ý nghĩa “tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội, thực sự thanh niên là lực lượng hùng hậu, có sức khỏe. Có học vấn và tiềm năng sáng tạo, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học hiện đại. Trong giai đoạn cách mạng mới, trước xu thế toàn cầu hóa về kinh tế và bối cảnh thế giới biến động phức tạp, Đảng ta đã khẳng định: “Thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, là nguồn nhân lực quyết định thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thanh niên chiếm 1/3 dân số, là lực lượng xung kích, là người chủ hiện tại và tương lai của đất nước ta. Hiện nay, thanh niên ta đang đứng trước những thời cơ là:
– Sự nghiệp đổi mới của Đảng, sự đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự quan tâm của nhà nước và các cấp chính quyền và các ngành mở ra cho thanh niên nhiều cơ hội để phát huy tài năng, cống hiến và trưởng thành.
– Các chính sách của nhà nước như phát triển giáo dục, nâng cao trình độ học vấn và tay nghề, các chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển kinh tế nhiều thành phần …là cơ hội để thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng.
Trong những năm 1920, Bác viết bài “Gửi thanh niên An Nam” như sau:
“Thanh niên chúng ta đang làm gì? Nói ra thì buồn, buồn lắm: họ không làm gì cả. Những thanh niên không có phương tiện thì không dám rời quê nhà;; những người có phương tiện thì lại chìm ngập trong sự biếng nhác; còn những kẻ xuất dương thì chỉ nghĩ đến việc thỏa mãn tính tò mò của tuổi trẻ mà thôi! Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên của người không sớm hồi sinh!”. Cùng thời lúc ấy, nhà cách mạng Phan Bội Châu cũng mượn tiếng gà gáy để đánh thức tuổi trẻ.
“Dậy Dậy! Dậy!
Bên án, một tiếng gà vừa gáy.
Chim trên cây cũng tỏ ý chào mừng
Xuân ơi xuân, em có biết cho chăng?
Ba mươi năm lẻ đã từng chua với xót…!!”
Rồi từ đó, nhà chí sĩ kêu gọi thanh niên:
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ…
Mới thế này là mới! Hỡi chư quân!”…
Bao nhiêu năm trôi qua từ những năm 1920 ấy, bao anh hùng đã đổ máu xương xuống mảnh đất này! Bây giờ, trong những thanh niên thế kỉ XXI, ai là người còn nhớ đến những người lãnh tụ chịu tù tội, ai đếm được những máu xương nhuộm thắm quê hương để giành độc lập tự do? Nếu bạn có một hoài bão cao đẹp dựng xây đất nước, xin hãy đi lên bằng nghị lực của mình và một trí tuệ được thụ hưởng có chọn lọc thời mở cửa của thế kỉ XXI. Mong sao những thanh niên như thế có một tương lai tươi sáng khi bạn biết đi lên, sống xây dựng và cống hiến. bạn sẽ có một tương lai tươi sáng giữa một góc quê hương giàu đẹp!
Nhưng nếu bạn là một trong những bạn trẻ đang rong chơi thay cho việc vùi đầu vào nghiên cứu và học tập? Nếu bạn ăn chơi và vô tình sa chân vào con đường nghiện ngập, khó thoát ra? Vậy thì tương lai của những người như bạn đưa đất nước quê hương về đâu? Bạn đưa gia đình thân thích bạn đi đến nơi nào nếu nơi bạn đến là bệnh viện chữa AIDS? Nếu thanh niên chúng ta không là gánh nặng cho gia đình, xã hội, mà là chỗ dựa cho người thân yêu, thì đó là “con hơn cha là nhà có phước”. Đất nước càng nhiều người như thế, càng giàu mạnh hùng cường.
Tuổi trẻ và tương lai đất nước – mẫu 2
“Tre già măng mọc” quy luật ngàn đời nay vẫn thế. Cũng như cuộc sống con người, thế hệ trước cống hiến, hi sinh cũng sẽ đến lúc nhường bước cho thế hệ trẻ vươn lên làm chủ vận mệnh của đất nước. Và tuổi trẻ chính là tương lai của đất nước, tuổi trẻ sẽ quyết định sự tồn vong, hưng vượng của một quốc gia.
Tuổi trẻ không ai khác chính là lứa tuổi thanh thiếu niên, những bạn độ tuổi học sinh sinh viên, họ được trang bị kĩ lưỡng về tri thức và kĩ năng để chuẩn bị hành trang vững chắc bước vào cuộc sống, bước vào hành trình xây dựng đất nước.
Vậy vì sao tuổi trẻ và chỉ có tuổi trẻ mới là tương lai, mới là sự phát triển của đất nước? Trước hết, theo đúng như quy luật đã nói ban đầu, tre già măng mọc, cây già ngã xuống cây non sẽ đứng lên tiếp bước. Con người ta không ai có thể trường tồn mãi mãi, mà cũng sẽ có lúc phải nghỉ ngơi, và để xã hội tiếp tục phát triển các thế hệ sau sẽ kế tục. Thứ hai thế hệ trẻ được trang bị đầy đủ, kĩ lưỡng trên tất cả các phương diện: sức khỏe, tri thức, đạo đức để đem những điều mình đã được học phục vụ cuộc sống bản thân và xã hội khi đã trưởng thành. Sự ảnh hưởng của thế hệ trẻ đến tương lai của đất nước còn thể hiện ở sự phát triển của đất nước khi thế hệ đó kế tục. Một thế hệ giỏi giang, cần mẫm, sống có đạo đức của ngày hôm nay chính là dấu hiệu cho tương lai vững bền, tươi sáng của đất nước trong tương lai. Không chỉ vậy, thế giới không ngừng phát triển, khoa học công nghệ đưa văn minh nhân loại đến những bước tiến ngoài sức tưởng tượng, mà thế hệ trẻ lại là thế hệ có sức trẻ, có nhiệt huyết, thông minh và sáng tạo dễ dàng tiếp thu và đưa vào thực tiễn các tri thức mới. Bởi vậy, họ chính là chủ nhân tương lai của đất nước.
Vai trò của thế hệ trẻ, không phải chỉ đến bây giờ mới được xác định, mà hàng trăm năm trước đây đã được minh chứng bằng những vị anh hùng đã lưu danh sử sách. Lý Công Uẩn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du,… đều là những người có học thức uyên bác, tuổi trẻ cần cù, chăm chỉ lại thêm thiên phú trời ban đã lập nên những chiến công hiển hách, đã để lại sự nghiệp văn chương vĩ đại cho muôn đời sau. Gần hơn ta có thể kể đến chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người thanh niên trẻ tuổi, thông minh, hiếu học, đã sẵn sàng rời quê nhà ra đi tìm đường cứu nước. Trong quá trình bôn ba hải ngoại vẫn không ngừng học hỏi, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, để tìm ra con đường cứu nước đúng đăn cho dân tộc. Gần hơn chút nữa, chắc hẳn các bạn vẫn không quên cậu bé Đỗ Nhật Nam, tuy nhỏ tuổi nhưng rất thông minh, xuất chúng, đây chính là mầm mon sẽ gánh vác sự phát triển của đất nước sau này.
Nhìn vào thực tiễn lịch sử, từ xưa đến nay thế hệ trẻ luôn là thế hệ đi đầu, tiên phong, sẵn sàng xông vào khó khăn hiểm nguy. Trong thời chiến ta vẫn nhớ những vị anh hùng trẻ tuổi như Lê Văn Tám,… đến thời bình những chiếc áo xanh tình nguyên khoác trên mình khẩu hiệu, “Đâu cần thanh niên có. Việc khó có thanh niên” đem sức trẻ đi giúp đỡ mọi người trên khắp mọi miền đất nước. Vậy ta mới thấy, tuổi trẻ có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của đất nước.
Để phát huy sức trẻ, chúng ta, thế hệ học sinh cần chăm chỉ học tập hơn nữa, không chỉ bồi đắp tri thức mà còn rèn đạo đức, luyện kĩ năng, để có đầy đủ công cụ cần thiết, sẵn sàng bước vào cuộc sống và cống hiến. Bên cạnh đó nhà nước cũng cần có các chính sách ưu tiên hơn nữa khuyến khích việc học, phát triển tài năng…
Thế hệ trẻ chính là tương lai đất nước, là cội rễ cho sự phát triển của dân tộc. Là một học sinh, chúng ta cần không ngừng nỗ lực, cố gắng, xây dựng cho bản thân một mục đích, mục tiêu rõ ràng, không ngừng phấn đấu để đạt được những mục tiêu mình đã đề ra.
Tuổi trẻ và tương lai đất nước – mẫu 3
Người Việt Nam thường nói: “tre già măng mọc”, “con hơn cha là nhà có phúc”. Vấn đề truyền thống là mạch ngầm trong lòng dân tộc, là sức sống diệu kỳ trong hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Cha ông ta trao cho con cháu ngọn lửa thiêng liêng của nền văn hóa, văn hiến và hơn ai hết tuổi trẻ của thế hệ hôm nay phải có sứ mệnh thắp sáng hơn, đưa ngọn lửa thiêng liêng ấy đến đài vinh quang trong tương lai.
Thời kì nào cũng vậy, dân tộc nào cũng vậy, tuổi trẻ là nguồn tài nguyên vô giá và là nhân vật chính tạo nên cái thế, cái dáng đứng cho Tổ quốc, cho dân tộc. Tuổi trẻ là thế hệ măng đã sắp thành tre, là những con người đủ điều kiện, đủ ý thức để nhận thức vị trí của mình trong cuộc đời đối với chính mình và xã hội.
Tuổi trẻ của đất nước hôm nay là bạn, là những anh chị hơn mình tuổi tác đang có mặt trong các giảng đường Đại học, Cao đẳng, đang hoạt động bằng tâm huyết của mình để cống hiến nhiều nhất sức trẻ với sự đam mê, hăng say, nhiệt tình bốc lửa.
Nhiệm vụ của tuổi trẻ thời nào cũng có những mục đích rất cụ thể. Thời kì chống Pháp, chống Mĩ, hàng triệu thanh niên đã ngã xuống, đem lại độc lập, tự do cho đất nước. Giờ đây, hàng triệu Thanh niên Việt Nam cần phải thấm nhuần lời dạy của Bác là phải: “Học tập tốt, lao động tốt”. Hơn bao giờ hết chúng ta cần suy ngẫm tới những lời nói vàng ngọc xuất phát tự đáy lòng của Bác trong “Thư gửi học sinh Việt Nam” nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm Châu được hay không, chính là nhờ một phần vào công học tập của các cháu”.
Ngay những ngày đầu mở nước, Bác đã quan tâm diệt giặc dốt. Bác coi loại giặc này còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm. Với kinh nghiệm từng trải, với việc chứng kiến nhiều nền văn minh khác nhau trên thế giới Bác đã hiểu rằng: “Một dân tộc dốt nát, dân trí thấp thì trước sau cũng chỉ là nô lệ cho thế lực bên ngoài”.
Nói đến tuổi trẻ hôm nay là nói tới việc học hành. Tuy nhiên, có người coi chuyện học hành như một việc khổ sai. Việc học là sự thúc ép của cha mẹ, của thầy cô. Việc học không tự giác đã dẫn tới lười biếng, cẩu thả. Chính mình tự đầu độc mình bằng…học. Người ta coi học tập là ngày hội, thì một số người coi học tập là nỗi nhọc nhằn phải chịu đựng. Kiến thức các bộ môn cứ y như cỏ rơm mà con người phải nhai lại vậy.
Có người coi chuyện học tập, chuyện thi cử chỉ là hình thức. Bởi họ cần bằng cấp không cần kiến thức. Có bằng cấp họ lại được “sắp”, “xếp” vào những vị trí như mong muốn của bản thân, thậm chí theo như ý của các ông bố, bà mẹ. Vị trí của họ sớm đã được xác định nên dẫn tới một bộ phận thanh niên không đem hết tài sức để phấn đấu. Thật nguy hại cho lối học cơ hội này bởi lối học đó sẽ tạo nên những nhân cách cơ hội, phương cách làm giàu “kiểu chụp giật may rủi” chúng chẳng những không đưa nước ta sánh vai với các cường quốc mà ngược lại chúng làm dân tộc ta tụt hậu, lụn bại.
Thời đại của tri thức, của khoa học công nghệ. Ai nắm được tri thức công nghệ, người ấy sẽ nắm chiếc đũa thần để tạo bước đi thần diệu cho đất nước. Nhiệm vụ của tuổi trẻ phải có chiếc đũa thần ấy. Bất cứ ai ở tuổi ăn học, phải tạo mọi điều kiện, tiếp cận với tri thức. Chỉ có tri thức dồi dào, đạo đức nhân tâm trong sáng, khát vọng sống, lao động cống hiến mãnh liệt trong tầng lớp tuổi trẻ thì tương lai của dân tộc mới sáng lạn, lấp lánh hào quang.
Tuổi trẻ Việt Nam không phải không có nhân tài. Nhưng tất cả tuổi trẻ Việt Nam phải biết hóa thân cho “dáng hình xứ sở”. Mọi người phải là anh vệ quốc quân, anh giải phóng quân ngày nào.
“Đoàn vệ quốc quân một ngày ra đi
Nào có sá chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi…”
Chúng ta phải học tập với tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Phải coi chuyện học tập hằng ngày của chúng ta là những chiến công. Nói như Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thanh niên ta hiện nay cần phải lập những Điện Biên Phủ mới để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên huy hoàng, ấm no, hạnh phúc.
“Thành công là do 99% tài năng và 1% may mắn”. Tôi, bạn và những người lắng nghe dòng tâm sự này hãy cố gắng nỗ lực hết mình để Việt Nam mãi trường tồn với thời thời gian, vĩnh cửu trên thế giới.
Tuổi trẻ và tương lai đất nước – mẫu 4
Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ đã thiết tha căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Lời nhắn nhủ của Bác một lần nữa càng giúp ta thấm thía hơn vai trò, trách nhiệm của thế hệ với tương lai đất nước.
“Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Cuộc đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Vâng, tuổi trẻ là chặng đời con người có thể có những đóng góp lớn lao nhất cho xã hội. Vì sao vậy? Bởi lẽ, tuổi trẻ là tuổi sung sức nhất trong cuộc đời mỗi con người. Tuổi trẻ là tuổi ôm ấp bao ước mơ, hoài bão. Tuổi trẻ là tuổi năng động và sáng tạo. Tuổi trẻ cũng là tuổi có sức bật mạnh hơn hết thảy. Với tất cả những phẩm chất tinh túy ấy, không bàn cãi gì nữa, thế hệ trẻ sẽ là những chủ nhân của đất nước, sẽ là nguồn động lực hàng đầu trong công cuộc xây dựng một đất nước phát triển và giàu mạnh. Song, để có thể sống và đóng góp một cách trọn vẹn, viên mãn nhất cho đất nước, tuổi trẻ cũng cần chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết để tiến vào tương lai, đảm đương vai trò, sứ mệnh thiêng liêng của mình.
Tuổi trẻ ấy không ai khác chính là chúng ta, thế hệ học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Vậy, chúng ta phải chuẩn bị những gì cho hàng trang đi vào tương lai? Thiết nghĩ, trước hết chúng ta phải là những con người có đạo đức tốt, có nhân cách cao đẹp. Đồng thời, phải không ngừng nỗ lực để nâng cao tri thức, hiểu biết, trí tuệ nhằm đem tài năng của mình phục vụ cho Tổ quốc. Nghĩa là, mỗi người phải phần đấu để trở thành con người toàn diện, vừa có đức, vừa có tài. Lời Bác dạy vẫn còn đó: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.
Con đường tiếp cận tri thức của nhân loại là cả một hành trình không mệt mỏi, không có chỗ dừng. Để có thể thực sự trở thành những chủ nhân vững vàng của đất nước tương lai, ngay từ bây giờ, mỗi chúng ta phải không ngừng học tập, nắm bắt một cách đầy đủ những kiến thức cơ bản để có thể tiến xa hơn trên con đường khám phá tri thức nhân loại, trở thành lực lượng lao động tri thức, trở thành những con người cốt cán của thời đại khoa học kĩ thuật.
Tương lai đất nước phụ thuộc vào việc học của chúng ta. Lời nhắn nhủ của Bác đặt trong hoàn cảnh hiện nay càng sâu sắc hơn bao giờ hết. Sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội sẽ không chấp nhận những ai bằng lòng với những gì mình đang có. Điều đó cũng có nghĩ làm không chịu học, không ham học thì chúng ta sẽ bị tụt hậu. Chắc chắn, sứ mệnh của những chủ nhân tương lai sẽ không phải là chúng ta. Điều này quả là ngoài ý muốn của những ai biết yêu Tổ quốc, giống nòi, biết tự hào với truyền thống cao đẹp của “con Hồng cháu Lạc”.
Vậy chúng ta phải học tập như thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu lớn lao đó? Thiết nghĩ, mỗi người phải ý thức rõ vai trò chủ nhân tương lai đất nước. Không ngừng học tập và học hỏi, học với tất cả sự nhiệt tình và niềm say mê khám phá không ngừng để tiếp cận chân lí của tri thức nhân loại. Xác định rõ mục tiêu học tập vinh quang ấy, mỗi học sinh phải xem những tấm gương hiếu học, những gương mặt tài năng trẻ không chỉ là niềm tự hào của tuổi trẻ chúng ta mà còn là cái đích vươn lên của mỗi con người. Trau dồi kiến thức, học đến đâu chắc đến đó; kết hợp học với hành, lí thuyết gắn với thực nghiệm để có kích thích sáng tạo; tìm tòi cái mới. Và tất nhiên, không bao giờ quên ý thức trau dồi trở thành con người toàn diện cả tài và đức. Bởi chỉ thực sự có tài và có đức thì mới mong đóng góp được nhiều cho đất nước, cho dân tộc.
Bác mong các cháu ma khôn lớn
Nối gót ông cha bước kịp mình.
(Tố Hữu)
Lời Bác dạy và mong ước tha thiết của Người sẽ mãi là lẽ sống đẹp của mỗi chúng ta, hôm nay và mai sau. Bạn, tôi và tất cả chúng ta chắc chắn sẽ là những chủ nhân xứng đáng của đất nước. Và, tất nhiên phải bắt đầu ngay từ bây giờ, những gì cần thiết nhất để hoàn thành sứ mệnh của tương lai.
Tuổi trẻ và tương lai đất nước – mẫu 5
Tuổi trẻ là lực lượng những con người đang ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, thời gian cống hiến cho xã hội lâu dài. Họ có sức khoẻ, có khát vọng hoài bão, có lý tưởng, dám nghĩ dám làm, không ngại khó khăn hay lùi bước trước gian khổ. Nói một cách khác, họ là nguồn tài nguyên vô giá của mỗi dân tộc. Còn tương lai đất nước là để chỉ con đường phía trước của một dân tộc. Nó có thể tươi đẹp hoặc có thể ảm đạm. Nói đến tương lai của đất nước là nói đến sự phát triển của mỗi dân tộc, tuổi trẻ có vai trò quyết định rất lớn. Bởi vì lịch sử của mỗi dân tộc, thì trong mỗi giai đoạn đều có những đòi hỏi, yêu cầu cấp thiết mà con người phải đáp ứng. Và hơn hết, lực lượng tuổi trẻ là những con người có thể đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử.
Để hiểu rõ được điều này, chúng ta cần thấy được, trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, tuổi trẻ đã làm được gì? Xưa kia, những vị anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Quốc Toản, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi đã làm cho để quốc phương Bắc hiểu rằng không dễ gì có thể thôn tính được dân tộc ta. Ví dụ như hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị đã dấy lên cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô vào thế kỷ thứ I, khiến toàn thể Giao Châu bị chấn động. Hay như ông Quang Trung, ông đã chỉ huy nhân dân ta, chiến thắng hai mươi vạn quân Thanh xâm lược. Ông là một con người đánh trăm trận trăm thắng. Họ là những con người của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, họ cứ kế tiếp nhau đứng dậy đánh giặc, duy trì sự tồn tại của đất nước.
Vào những năm thế kỷ hai mươi, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tuổi trẻ Việt Nam đã lập được rất nhiều chiến công. Họ là những lực lượng bộ đội du kích, dân quân, thanh niên xung phong, họ bảo vệ đất nước, họ đánh đuổi giặc, với một khát vọng giải phóng đất nước. Nào là chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi, anh Bế Văn Đàn, họ đã viết tiếp những trang sử vàng cho dân tộc ta. Và đặc biệt, người thiếu niên trẻ tuổi, tiêu biểu nhất đó là Nguyễn Ái Quốc. Người đã dùng sức mạnh của tri thức để giải phóng dân tộc ta. Với đức tình cần cù, ham học hỏi, Bác đã thu nhận được nguồn kiến thức to lớn khiến người đời phải thán phục.
Tuổi trẻ hiện nay, chiến tranh đã lùi xa ba mươi năm, và hơn lúc nào hết, đây là lúc chúng ta phải góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước để thỏa lòng mong ước của Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.” Tuổi trẻ Việt Nam luôn đi đầu trong mọi lĩnh vực như khoa học kỹ thuật, kinh doanh, sản xuất. Những tấm gương học tập như Ngô Bảo Châu, Nguyễn Phương Ngọc đã làm rạng danh cho nền toán học nước nhà, để thế giới phải khâm phục tuổi trẻ Việt Nam, hay như Đặng Lê Nguyên Vũ – một doanh nghiệp trẻ, Phan Hồng Huy – 15 tuổi giải nhất tin học không chuyên,… Và còn biết bao con người Việt Nam khác, họ đã trở thành những lực lượng thanh niên tình nguyện, đi đến những miền đất xa xôi của tổ quốc để lập nghiệp, cứu giúp những người còn nghèo khổ.
Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những học sinh, sinh viên không biết tôn trọng tuổi trẻ, sống hời hợt, vô trách nhiệm. Họ đam mê những thị yếu tầm thường, như là rượu chè, cờ bạc, nặng hơn nữa, họ lười lao động, sống bằng lừa đảo, trộm cắp.
Vậy, chúng ta phải làm gì? Tuổi trẻ hiện nay phải sống có lý trí, có hoài bão và có đạo đức. Chúng ta phải trau dồi tri thức để đáp ứng kịp thời những nhu cầu của đất nước, của xã hội.