Xem toàn bộ tài liệu Lớp 9: tại đây
Đề bài: Đã có một lần em cùng bố, mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết. Hãy kể lại cuộc thăm viếng đó.
A/ Dàn ý chi tiết
I. Mở bài:
– Giới thiệu một lần em cùng bố, mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết
II. Thân bài: Kể lại một lần em cùng bố, mẹ (hoặc anh, chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết
1. Kể lại việc chuẩn bị đi thăm mộ và trên đường đi ra sao:
– Gia đình em chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho việc tảo mộ
– Cả nhà chuẩn bị sẵn sàng để đi thăm mộ
– Cả nhà em ai cũng hăng hái và hào hứng đi đến mộ
– Trên đường đến mộ ai cũng rộn rã nói chuyện vui cười
2. Kể lại việc đến nghĩa trang
– Khung cảnh mùa xuân lúc đi viếng mộ:
+ Trời buổi sáng sương mờ ảo
+ Có vài hạt mưa xuân rơi
+ Cái se se lạnh của mùa xuân khiến ta cảm thấy lạnh
+ Những bông hoa đang hứng sương sớm
+ Những chú chim, chú bướm ra khỏi tổ tìm thức ăn
– Công việc khi đến nghĩa trang:
+ Ai cũng cùng dọn rác, quét và thắp hương tại mộ
+ Bày biện những vật cần thiết
+ Rồi ông em cúng bái
+ Mọi người ở chơi chặp lâu rồi về
III. Kết bài:
– Nêu cảm nghĩ của em về lần viếng thăm mộ
– Suy ngẫm của bản thân
B/ Sơ đồ tư duy
C/ Bài văn mẫu
Kể lại một lần em đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết – mẫu 1
Hôm ấy là ngày đầu xuân, trời thật đẹp, trăm hoa đua nở như đón sự an khang, thịnh vượng đến với mọi nhà. Gia đình tôi đón xuân trong niềm vui đầm ấm và tưởng nhớ về tổ tiên – cội nguồn của mình. Lòng biết ơn sâu sắc đó đã thôi thúc gia đình tôi đi thăm mộ ông bà vào ngày Tết – ngày mở đầu của một năm mới mà tôi cho là quan trọng nhất.
Trước đó mấy ngày, tôi thật phấn khởi trong không khí đón Tết, sắp được về quê chúc Tết bà con và thăm mộ ông bà. Tôi háo hức nhất là trong đêm 30 tháng chạp, cả nhà quay quần bên chiếc bàn xinh xắn để bàn chuyện đi thăm mộ ông bà vào ngày hôm sau. Nồi bánh chưng bốc nghi ngút, sôi sùng sục. Tôi thầm nghĩ:
– Chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi là bước sang năm mới. Xuân sẽ đến với đất trời, đến với mọi nhà, đến với gia đình mình.
Tôi mong trời mau sáng để cùng bố mẹ về quê đi thăm mộ ông bà và đi chúc Tết bà con ở quê.
Sáng hôm sau, tôi được bố mẹ đưa đi thăm mộ ông bà. Khí trời se lạnh, mây trắng nhởn nhơ trên bầu trời xanh thẳm, cảnh vật dường như đẹp hơn mọi ngày. Những ngôi nhà hai bên đường đã mở cửa, nhà nào cũng có hoa, có những câu đối đỏ treo trên những cành mai đang trổ lộc. Đâu đó, nghe tiếng chim hót lảnh lót như đón chào xuân đang tới. Ra đến nghĩa trang, khói hương xung quanh nghi ngút. Bà con ở gần đi viếng mộ rất sớm, trẻ em chạy nhảy tung tăng trên bãi cỏ với những bộ quần áo mới. Bố tôi kính cẩn đặt hoa tươi, bánh mứt để cúng ông bà. Tôi bồi hồi tưởng nhớ cội nguồn của mình và dấy lên một lòng biết ơn sâu nặng. Khói hương bốc lên lan tỏa khắp các mộ ở nghĩa trang. Người nào cũng tưởng nhớ đến người quá cố. Duy chỉ có những em bé là hồn nhiên, vô tư, chúng đang tinh nghịch trên lề đường đằng xa. Gặp lại những đứa bạn ở quê cùng đi viếng mộ, tâm trạng tôi cũng vui lên sau những phút giây bùi ngùi thương nhớ về ông bà của mình đã yên nghỉ nơi phần mộ. Làn khói hương vẫn bay bay, hòa quyện với đám sương mờ đang bao phủ. Tôi, bố mẹ tôi và mọi người vẫn đứng trước những ngôi mộ tổ tiên của mình. Bố tôi nói:
– Ngày trước, bố cũng thường đi viếng mộ tổ tiên cùng ông bà trong dịp Tết.
Nghe bố nhắc đến ông, bà nội thì tôi lại bâng khuâng nhớ về ngày ông, bà nội tôi chưa mất. Lúc ấy, tôi được sống trong tình thương bao la của ông, bà. Nhớ những đêm trăng sáng, tôi cùng bà ngồi trò chuyện trên chiếc võng đầu hè, nghe bà kể chuyện thời xưa. Tôi lại ứa nước mắt khi nghĩ đến điều này. Bố tôi cũng thế! Dường như bố mẹ tôi cũng xúc động khi nhắc đến ông, bà nội. Cúng viếng xong, hương trầm cũng dần tàn theo bánh xe thời gian đang di chuyển. Bố và tôi cúi lạy ông bà, lấy bánh mứt phân phát cho các em nhỏ rồi bố tôi đưa tôi về nhà dì chúc Tết.
Dịp đi thăm viếng mộ ông bà lần này đã cho tôi một tình, yêu sâu sắc; Tình yêu gia đình, quê hương, đất nước bền chặt trong tôi. Tôi thầm nhắc mình phải cố gắng học giỏi, thành tài để xứng đáng với cội nguồn tổ tiên, cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Kể lại một lần em đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết – mẫu 2
Trong những ngày Tết đến xuân về thì mọi người ai ai cũng thật háo hức. Và em cũng biết được đã hơn hai năm trôi qua, em cũng không có bà ở bên chăm sóc, vỗ về và động viên em như trước. Trong tâm trí của em lúc này thì bà chỉ hiện lên trong những dòng ký ức, trong trí tưởng tượng non nớt của em lúc bấy giờ. Năm nay thì em cùng bố mẹ ra tảo mộ bà, thăm mộ bà mà trong em có biết bao những tâm trạng khó tả.
Lúc này đây khi mà trời đất, vạn vật choàng tỉnh khỏi giấc ngủ mùa đông, khoác tấm áo mới tươi tắn mừng xuân về thật lung linh biết bao nhiêu. Em cũng như đã cảm nhận được thấy những giọt nắng đầu tiên đã xuất hiện, những hạt nắng này dường như cũng đã lại rơi xuống con đường đất nâu sậm trông cũng rất lạ nữa. Khi ánh nắng chiếu sáng thì nó cũng đã có sức để làm tan đi cái lạnh lẽo, u ám vốn thấy ở mùa đông. Thế rồi em cũng nhận thấy được cũng ngay chính bên vệ đường, những bông lau, những vạt cỏ mới mọc, nó cũng như khẽ đưa mình trước làn gió thoảng, gợn sóng mềm mại. Em cũng cảm nhận được đất trời như rộng thêm ra rất nhiều nữa. Nhìn xung quanh em cũng lại có thể nhận thấy được con đường như cũng thật vắng vẻ, mọi người rảo bước đi nhanh hơn. Em thấy trong mình thật lạ! Lúc này đây em cũng đã rất muốn gặp, rất muốn thăm bà nhưng thực tình trong em lại không muốn bước chân vào khu nghĩa trang này, nó thật buồn biết bao nhiêu. Và khi bước chân vào em lại có cảm nhận được rằng người bà thân yêu như đã thật rời xa em bao lâu nay. Thế rồi tự bao giờ em cũng đã đứng trước nơi bà yên nghỉ. Em biết được tất cả mọi thứ xung quanh chợt mờ đi trước mắt em vậy, thực sự muốn dùng nước mắt như cố để phủ nhòa đi tất cả cái cảnh tượng trước mắt.
Em thấy mẹ cũng đã chuẩn bị đầy đủ trong chiếc làn nặng trĩu những thứ cần thiết để tảo mộ. Đó chính là những nén nhang, hoa và cả đồ lễ được để gọn gàng nữa. Lúc này em cũng cảm nhận được mẹ đã cùng chị sửa sang phần mộ chu đáo, cẩn thận biết bao nhiêu, mẹ và em cũng đã nhổ cỏ quanh bia đá sao cho thật sạch sẽ nữa. Khi thắp hương trước bia mộ của người bà quá cố em thấy được trong em lại có biết bao nhiêu những kỷ niệm chợt ùa về với tôi thật rõ nét. Thực sự em biết được những điều này chỉ như vừa mới qua thôi. Em nhớ hình bóng của bà lắm! Nhớ vòng tay ôm ấp, nhớ nụ cười hiền từ của bà. Em không thể nào quên được, và bất giác em như có cảm giác bà vẫn đứng đó với nụ cười ân cần và mong em học tốt, để có thể thành tài giúp cho gia đình và quê hương.
Thế rồi cũng cho đến bây giờ, em nhận thấy được mặc dù bà đã đi xa nhưng bà vẫn đang và sẽ mãi mãi sống trong lòng em. Buổi tảo mộ này thật ý nghĩa, nó đồng thời cũng thể hiện được tình cảm của con cháu đối với những người thân đã khuất.
Kể lại một lần em đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết – mẫu 3
Uống nước nhớ nguồn luôn là một truyền thống quý báu và tốt đẹp có từ ngàn đời nay của nhân dân ta. Bố mẹ cũng luôn dạy chị em chúng tôi về đạo lí ấy. Hai mươi tháng chạp năm nào cũng thế, chúng tôi sẽ cùng bố mẹ đi thăm mộ của ông bà, mời ông và về ăn Tết cùng con cháu. Năm nay cũng không ngoại lệ.
Thời tiết se se lạnh, gió nhè nhẹ luồn qua những cành cây đang bung ra những lộc xanh nõn nà. Ánh nắng mặt trời cũng trở nên dịu dàng và ấm áp hơn chứ không còn là cái nắng hanh khô của những ngày trời đông giá lạnh nữa. Cả nhà chúng tôi đã sửa soạn thật tốt mọi thứ từ tối hôm trước. Sáng tinh mơ, mẹ đánh thức cả nhà dậy cùng nhau ra thăm mộ ông bà. Có lẽ Tết sắp đến nên trên khuôn mặt ai cũng có vẻ nhẹ nhõm, thoải mái. Chị em tôi cũng hồ hởi xách theo hoa quả, hương hoa giấy tiền, cả nước và khăn nữa. Nhà chúng tôi đến khá sớm, trong nghĩa trang mới chỉ có vài người. Nơi này lúc nào cũng có một vẻ im lặng đến lạ. Mộ phần của ông bà tôi nằm chếch về phía tay phải cổng vào. Chị em tôi cùng bố mẹ đi men theo con đường mòn chỉ rộng bằng hai bàn chân đến mộ của ông bà. Từ xa tôi đã trông thấy bởi cạnh mộ ông bà có hai cây mộc hương được chính tay bố tôi trồng hồi mới bốc mộ cho ông bà. Những ngày gần tết cũng là lúc cây mộc hương nở ra từng chùm hoa trắng muốt. Những bông hoa trắng mọc thành từng chùm với hương thơm thoang thoảng quyện theo gió lan khắp cả không gian. Bố tôi bảo ngày trước ông bà rất thích hoa mộc hương nên bố tôi mới trồng hai cây bên mộ để ông bà lúc nào cũng được ngắm loài cây mà mình yêu thích.
Không hiểu sao, phần mộ của ông bà lúc nào cỏ dại cũng mọc um tùm. Tôi và thằng em trai ngồi xuống nhổ từng cây cỏ dại trong khi mẹ tôi thì sắp xếp hoa quả, giấy tiền chuẩn bị thắp hương. Bố tôi thì đang dùng khăn để lau dọn phần nhà thờ. Mỗi người một tay một chân, một việc nhưng đều làm trong tâm trạng vui vẻ và chắc hẳn ai cũng đang nhớ đến những kỉ niệm và hình ảnh của ông bà. Chẳng mấy chốc, hai ngôi mộ đã sạch cỏ, sạch bụi bặm. Mẹ tôi bày đồ lễ lên nhà thờ còn ba bố con rửa tay để thắp hương. Mùi hương trầm mẹ đốt lan khắp không gian. Đây cũng là lúc tôi thấy nhớ ông bà hơn bất cứ lúc nào. Tôi nhớ những sớm tinh mơ ông cầm bình nước tưới cây, cái kéo nhỏ trong tay ông đưa thoăn thoắt tỉa lá, uốn cành cho những cây cảnh trong vườn. Tôi nhớ những lúc bà ngồi chải tóc ngoài hiên nhà. Mái tóc bà dài, bạc trắng nhưng thơm mùi bồ kết, hương nhu và mùi lá bưởi. Tôi nhớ những lúc hai ông bà ngồi nói chuyện với nhau trên chiếc chõng tre với ấm trà xanh nghi ngút khói. Tôi nhớ cả những câu chuyện thời quá khứ của ông với những trận đánh trường kì của dân tộc, cả những câu chuyện cổ tích của bà. Tôi nhớ cả con diều, cái đèn ông sao ông làm cho tôi hồi tôi còn nhỏ. Tôi nhớ hương vị của món xôi khúc, món canh sườn nấu khoai sọ của bà tôi…Tất cả những kí ức ấy đều ùa về như thác lũ, ngay tại giây phút này…Chưa lúc nào tôi thấy nhớ da diết đến thế. Tôi thấy đôi mắt mình hoen hoen hoen đỏ bởi tôi vừa thấy nhớ, vừa thấy thương ông bà mà tôi chưa kịp báo hiếu thì ông bà đã đến một nơi xa lắm rồi. Không khí cứ yên lặng như thế một lúc lâu, không ai nói với ai câu nào. Bởi mỗi người đều mang trong mình những suy nghĩ riêng. Nhưng tôi tin rằng cả nhà dều đang nhớ đến ông bà. Mãi cho đến khi hương cháy hết, mẹ tôi mới bảo:
– Hai chị em mang giấy tiền đi hóa cho ông bà đi – Rồi chắp tay quay về phía nhà thờ, Chúng con ra mời ông bà về ăn Tết với gia đình nhà mình.
Tôi và thằng em trai cầm giầy tiền ra một góc rồi đốt. Nhìn những tờ giấy đủ màu xanh, đỏ, vàng dần dầy cháy đi theo ngọn lửa, tôi thấy lòng mình buồn man mác. Đốt xong giấy tiền, cả nhà chúng tôi đứng dậy ra về. Tôi nhận ra rằng, tình cảm gia đình là thứ tình cảm thiêng liêng và không gì có thể thay thế được. Những người minh yêu thương sẽ sống mãi nếu như những người còn sông vẫn giữ lại hình ảnh, kí ức, kỉ niệm về họ trong trái tim mình.
Kể lại một lần em đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết – mẫu 4
Bầu không khí ấm áp, trong lành dưới cái nắng dịu nhẹ của những ngày cuối năm đã hiện rõ, báo hiệu ngày lễ lớn và kéo dài nhất Việt Nam – Tết Nguyên Đán đã đến gần. Ông bà xưa có câu:
“Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.”
Đúng như câu thành ngữ đã lưu truyền từ ngàn đời nay, cứ vào ngày hai mươi tháng Chạp (Âm Lịch) hằng năm, gia đình em lại về quê ở ấp 4 xã An Trường thuộc huyện Càng Long thăm mộ ông em.
Những tia nắng dịu nhẹ chưa xuyên qua làn sương mỏng đã thấy bố mẹ quần áo, mâm cỗ tươm tất chuẩn bị về An Trường. Từ nhà em về quê, nếu đi xe máy khoảng hơn hai mươi phút. Trên đường đi, có rất nhiều người cũng giống như gia đình em: tay bưng mâm cỗ, đồ cúng, gương mặt rạng rỡ nói cười. Lúc trước, gia đình em chỉ đi một xe thôi, nhưng giờ phải đi hai xe vì em đã lớn rồi, không thể đi cùng bố mẹ và em nhỏ được. Thế là bố chở em và em nhỏ, còn mẹ thì đi một mình. Em của em cứ miệng líu lo những câu hỏi vu vơ: “Sao hôm nay có nhiều xe thế bố?”, “Sao lại về thăm mộ ông vậy bố?”, và đôi lúc lại hát những khúc ca quen thuộc của tuổi ăn ngủ. Gần một năm kể từ Tết năm ngoái, gia đình em không về quê vì bố mẹ bận việc làm ăn, rồi lại lo việc học hành của em chị em em; giờ trở về quê, thấy cảnh vật có thay đổi ít nhiều. Nhà cửa đã mọc sang sát nhau, đa phần là nhà tường, nhà tôn… những ngôi nhà lá đã mất dần, chứng tỏ đời sống của người dân nơi đây đã khá hơn. Đường lộ cũng thế, được mở rộng, trán nhựa rất đẹp thuận tiện cho việc đi lại.
Nhanh thật, mới đây đã thấy hình bóng ẩn hiện của cây đa già nua ở đầu làng; chỉ còn cách vài ngôi nhà sẽ thấy “Dương gia chi mộ” – nơi ăn nghỉ của những người thân của dòng họ Dương. Tới đây thì đường làng đã nhỏ và hẹp dần – vì nó thuộc ngôi làng nhỏ của xã An Trường nên nhà nước chưa mở rộng đường và chăm lo cho đời sống của người dân chu đáo nên vẫn còn có nhiều hộ gặp khó khăn. Những ngôi nhà lá tạm bợ tuy đã giảm dần nhưng số lượng vẫn còn nhiều. Tới nơi, bố mẹ em dừng xe ở cổng chi mộ; những hình ảnh quen thuộc của anh em, cô chú và các ông, các bà lại hiện rõ đầy đủ; không thiếu một người. Mọi người chào nhau, thăm hỏi nhau rất nồng nhiệt; những lời chúc ân cần cứ luân phiên nhau làm không khí náo nhiệt hẳn lên. Khi đã thăm hỏi tình hình làm ăn của bà con xong, mọi người liền bắt tay vào việc tân trang lại các ngôi mộ của ông bà. Người thì tay cầm dao mác, đốn chặt những cây cỏ dại; người thì nhanh nhẹn đặt đồ cúng ở trước mộ ông bà; cả trẻ em cũng bận rộn nữa, mấy bé cũng cầm giẻ lau, lau sạch những lớp bụi đã bám dày trên mộ; các cô, các dì tay cầm giá, tay cầm xoong nấu những món ăn dân dã – là đặc sản của người dân lao động xứ Việt (là vì nhà của bà Tư em ở gần Chi mộ nên khi đã tân trang xong chi mộ thì cả dòng họ qua nhà bà em ăn uống, vui chơi). Khi đã gần xong, người nào người nấy đều đã thấm mệt, riêng chỉ có những em nhỏ là còn sức để quậy thôi. Giờ thì lần lượt từng người từ già đến trẻ, đến thắp nhang, cầu xin ông bà phù hộ cho việc làm ăn và sức khỏe của mình. Các bác không quên đem theo điếu thuốc lào và một xị rượu để dân lên các ông – những người đã khuất. Các em nhỏ thì ngoan ngoãn chờ khi cúng xong, xin pháp ăn vài miếng bánh, miếng dưa và cũng không quên chúc những lời chúc tốt lành đến ông bà, nhưng chắc các em không hiểu hết lí do vì sao phải xin phép và chúc ông bà; đơn giản là vì các em còn rất ngây thơ, chỉ biết việc ăn ngủ mà thôi.
Mọi việc đã xong, cả dòng họ sang nhà bà Tư ăn uống, vừa bước vào cửa nhà đã thoáng nghe mùi của món thịt kho hột vịt, canh chua cua đồng, vịt quay toàn là món khoái khẩu của em. Tuy nhà bà em không lớn lắm nhưng cũng đủ để mọi người vui chơi, nghỉ ngơi thư giãn. Ở bàn nữ, các cô các dì và có vài ba em là bà nội, bà Tư, bà Tám liên tục ói về những chuyện trai gái của các chị đã đến tuổi lấy chồng; và cũng không quên dặn dò con cháu cố gắng học tập nên người. Còn bên bàn nam thì các ông, các bác thăm hỏi nhau về việc làm ăn, kinh tế và còn bàn về các món nhậu nữa. Đã về chiều, mọi người vào ấp 7 xã An Trường thăm bà con. Vì gia đình em lên huyện ở do điều kiện kinh tế nên sẵn dịp thăm này thăm nhà bà con. Thấy mọi thứ cũng không có thay đổi gì nhiều, chỉ có khác là vật chất được nâng cao, các thiết bị điện đã thay dần các dụng cụ thô sơ, lỗi thời. Vào ấp 7, các bác lại nhậu thêm một lần nữa, khiến các cô các dì cứ liên tục nhắc nhở chồng là nhậu ít để còn lái xe. Chúng em thì ra bờ sông – nơi cầu treo bắc qua sông Càng Long chơi; hít thở không khí trong lành của cảnh làng quê. Lâu lâu lại nghe tiếng nhắc nhở của mẹ các em nhỏ là đừng đến gần bờ sông quá, đừng đùa giỡn trên cầu treo vì sẽ rất nguy hiểm. Các cô thì qua nhà cô Ba ăn uống, tán gẫu những chuyện làm đẹp…
Hơn sáu giờ chiều, thế mà trời vẫn sáng nhưng vì phải về nhà sớm để lo cho việc ăn ngủ của các em. Gia đình của chú Ba và cô Út ở tận Hồ Chí Minh nên phải lên xe về sớm. Vậy mà hằng năm, họ đều xuống đủ và luôn mang quà bánh về cho các cháu. Dù cho điều kiện kinh tế có ra sao nhưng bà con dòng họ em đều dành ngày hai mươi tháng Chạp (Âm Lịch) hằng năm về quê thăm ông bà. Thăm lại những người đã một thời dày công cực khổ – dầm mưa dãi nắng để chăm lo, nuôi nấng con cháu nên người.