Xem toàn bộ tài liệu Lớp 9: tại đây
Đề bài: Kể lại giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.
A/ Dàn ý chi tiết
I. Mở bài
– Giấc mơ diễn ra như thế nào?
– Cảm xúc của bạn khi có giấc mơ đó
– Giới thiệu người bạn thân, Quan hệ với em như thế nào? Cách xa bao lâu? Lí do gì xa cách em lâu thế? Cảm xúc của em khi gặp lại người thân?
Ví dụ:
Tuổi thơ tôi là tháng ngày vô cùng tươi đẹp bên những người bạn vô cùng đáng yêu. Người mà tôi thân thiết và yêu thương nhất là Lan. Nhưng từ lúc học lớp 6 thì Lan cùng với gia đình định cư bên nước ngoài. Từ khi đó, tôi không còn gặp Lan, nhưng trong sâu thẳm trái tim tôi Lan luôn là người bạn tôi yêu quý nhất. Rồi một ngày tôi gặp Lan trong một giấc mơ, mơ giấc mơ thật ý nghĩa.
II. Thân bài
– Giới thiệu chung về người bạn thân: Người bạn đó bây giờ đang ở đâu? Đang làm gì?
– Tả người bạn gặp trong mơ: Khi gặp lại quan sát thấy người thân như thế nào? Diện mạo? Hình dáng? Y phục? Cử chỉ? Nét mặt? Động tác? Lời nói…
– Người bạn có những nét gì khác so với lúc trước khi xa không? (So sánh từ hình dáng bên ngoài với tính cách bên trong trước đó và bây giờ?) và nêu lên Nhận xét và suy nghĩ của bạn.
– Nhớ và kể lại những kỉ niệm gắn bó với người bạn gặp trong mơ
– Bạn và người bạn thân đã trò chuyện như thế nào? Nói với nhau những gì?
– Cuối buổi gặp gỡ những việc gì xảy ra? Cảm xúc của bạn ra sao?
– Tình huống đánh thức bạn dậy? Tâm trạng bạn như thế nào? Cảm xúc ra sao?
III. Kết bài
– Giấc mơ tan biến bạn quay trở về hiện thực và ấn tượng sâu sắc nhất của bạn và người bạn thân là gì?
– Cảm xúc của bạn ra sao, khi nhớ lại cuộc gặp gỡ này?
– Bạn có cảm nghĩ gì?
B/ Bài văn mẫu
Kể lại giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày – mẫu 1
Ngày hôm ấy thật đặc biệt khi tôi nhận được điểm 10 môn Mỹ Thuật. Bài vẽ chủ đề gia đình và tôi chọn vẽ hình ảnh bà ngoại tôi đang ngồi đan. Nhưng cô giáo tôi đâu biết, hình ảnh đó là trong kí ức của tôi. Bà tôi rời xa thế gian, rời xa tôi đã hai năm nay. Tôi rầu rĩ với ý nghĩ không thể khoe bà bài vẽ 10 điểm. Vậy mà tối hôm ấy, trong giấc mơ huyền diệu, bà đã về bên tôi, nhẹ nhàng, hiền hậu…
Hiện ra trước mắt tôi là khung cảnh quen thuộc của nhà bà. Ánh nắng chiều vàng vọt rọi lên khoảng trời đầy lá khô và bức tường rêu làm tôi bồi hồi. Ngôi nhà bà ở thật bình yên. Đẩy cánh cửa gỗ, tôi bước. Tôi gần như không thể tin vào mắt mình, bà đang ngồi trên ghế, bàn tay đang đan thoăn thoắt. Hình ảnh bà lúc ấy giống hệt trong bức vẽ của tôi. Vẫn là mái tóc bạc trắng được búi gọn gàng, vẫn là ánh mắt luôn ánh lên tình yêu thương con cháu, vẫn là nụ cười hiền hậu như bà Tiên trong câu chuyện cổ tích bà thường hay kể cho tôi nghe, vẫn là đôi vai gầy guộc nhưng đã gánh cả cuộc đời con cháu. Tôi chạy vội đến bên bà, ôm chầm lấy bà mà nước mắt không ngừng tuôn rơi.
– Con bé hôm nay lạ nhỉ. Cháu về thăm bà sao không báo bà một tiếng để bà còn chuẩn bị cơm nước – Bà xoa đầu tôi âu yếm
Tôi cứ ôm chặt lấy bà, hết thơm má, thơm trán rồi lại thơm lên bàn tay gầy guộc, đầy những chấm đồi mồi đã từng nuôi tôi khôn lớn.
– Chỉ là…chỉ là… cháu nhớ bà quá
Bà mắng yêu:
– Bố cô!
Rồi như sực nhớ ra, tôi liền vội vàng khoe:
– Bà ơi, hôm nay cháu đã được 10 điểm môn Mỹ Thuật. Bà biết cháu vẽ ai không? Đó chính là bà kính yêu của cháu đấy ạ
– Cháu bà giỏi lắm, cháu muốn bà thưởng gì cho cháu nào?
– Chè kho ạ – Tôi hào hứng nói
Hồi nhỏ, do công việc ba mẹ bận rộn nên tôi về sống với bà ở quê. Cuộc sống nơi đây cũng không dư dả gì nên khác với các bạn thành phố, tôi rất quen thuộc với những món ăn giản dị mà đậm đà hương vị của người Việt. Bà cưng tôi lắm, cái gì cũng chiều. Bà bảo ăn đi, rồi mai sau có đi đến phương trời xa xôi nào cũng nhớ về quê cha đất tổ, dòng dõi tổ tiên. Tôi theo bà xuống bếp, bà bảo tôi lấy từng thanh củi cho vào bếp. Nồi đỗ xanh trên bếp sôi lên rồi dần dần cạn đi. Sau đó bà cẩn thận ước chừng lượng đường sao cho chè đổ ra không quá ngọt cũng không quá nhạt. Bà khuấy đều đường cùng đỗ. Lâu thật lâu, khi nước trong nồi sánh lại, bà mới bảo được rồi. Lúc đầu chè đổ ra còn nóng, tôi phải ăn dè dặt. Đến khi nguội, hai tay hai miếng chè mà như thấy cả cái ngọt thơm tan ra trong miệng. Vị ngọt vừa của đường quyện với vị béo ngậy của đỗ khiến cho tôi ăn năm, sáu miếng liền tù tì mà sao vẫn thấy thòm thèm. Chao ôi, những đĩa chè kho có vị ngọt của đường đỗ lẫn trong niềm háo hức trẻ thơ, khiến cho không có món chè nào ngọt hơn thế, hấp dẫn hơn món ăn của bà.
Ăn xong, hai bà cháu mắc võng ngoài hiên nằm. Được nằm trong vòng tay êm ấm của bà, tôi thấy mình như bé lại. Bà kể cho tôi những câu chuyện cuộc sống khiến cho tôi nghiệm ra nhiều điều ý nghĩa. Bà chậm rãi chỉ vào một chiếc xanh trên cây bàng cuối sân và nói: “Đó là cháu”, rồi chỉ vào một chiếc lá màu ngả vàng đã rụng: “Đó là bà”. Ngưng một lát, bà nói tiếp: “Chiếc lá đã rụng kia hẳn là đã có cuộc đời có ích. Chắc chắn, khi về đầu nguồn, nó sẽ cảm thấy mãn nguyện. Còn chiếc lá non kia? Hãy cùng cầu mong cho nó cũng như vậy. Đời người không quá dài mà cũng chẳng ngắn. Vì vậy hãy làm những việc thật có ích cháu nhé!”. Nói rồi, bà lại vuốt nhẹ mái tóc của tôi. Tôi cất tiếng “Vâng” rồi trầm ngâm suy nghĩ về những điều bà dạy. Nằm trong tay bà, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay…
Tỉnh dậy, tôi mới biết mình đã mơ. Một giấc mơ thật đẹp và nếu cho tôi được chọn, tôi muốn được ở trong giấc mơ ấy thêm nữa, được đắm chìm trong thế giới cổ tích và bà hiện ra là bà Tiên hiền hậu, nhân từ. Bên tai tôi vẫn còn văng vẳng những lời nói dịu dàng của bà cùng câu hát à ơi mà bà thường ngâm nga ru tôi vào giấc ngủ thuở còn tấm bé. Dù bà đã đi xa nhưng trong lòng tôi tin rằng, dáng hình hiền hậu ấy sẽ mãi luôn bên tôi, dõi theo bước đường mà tôi đi.
Kể lại giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày – mẫu 2
“ À ơi … à ời…”
Tiếng hát ru ngọt ngào làm tôi tỉnh giấc. Ánh mặt trời không gay gắt nhưng cũng đủ làm tôi bị lóa. Dụi dụi đôi mắt, tôi nhận ra mình đang nằm trước hiên nhà, gối đầu lên đôi chân gầy gầy xương xương quen thuộc. “Là bà nội! Đúng là nội rồi!” –Tôi reo thầm rồi rụt rè ngước mắt lên. Trước mắt tôi là khuôn mặt hiền từ phúc hậu đang nhìn tôi đầy yêu thương trìu mến. Tôi choàng dậy, ôm chầm lấy nội mà nức nở:” Bà ơi! Cháu nhớ bà nhiều lắm”.
Đôi bàn tay đầy những vết chân chim vuốt ve mái tóc tôi:
-Cháu gái yêu của bà! Bà cũng rất nhớ con… Chà! Cháu gái của nội đã lớn thế này rồi ư?- Nội vừa nói, vừa đẩy tôi ra, lau nước mắt trên mặt tôi.
Tôi nhìn nội thật lâu. Vẫn là khuôn mặt hiền từ ấy. Vẫn là ánh mắt đong đầy yêu thương và những nếp đồi mồi trên đôi má, những vết tích của thời gian đời người vội vã qua đi kịp để lại. Mái tóc nội bác trắng như cước. Dường như tóc nội đã bạc đi nhiều hơn thuở tôi còn bé. Vẫn là chiếc áo cánh máu nâu giản dị, chiếc quần vải sờn màu đen đã bạc. Nhưng sao hôm nay tôi thấy nội tôi đẹp đế lạ. Vẫn là những nét đẹp của một người phụ nữ tần tảo một đời vì con vì cháu, nhưng lại được cộng hưởng thêm một điều gì nữa khiến trong mắt tôi nội đẹp như một bà tiên ban phép lạ cứu rỗi những mảnh đời.
-Để nội ngắm cháu gái của nội một chút nào! Vẫn cái trán bướng như ngày nào! Đôi mắt vẫn tinh nghịch như thuở con còn bé. Mái tóc đã để dài rồi này. Ngày còn nhỏ, cháu cứ đòi cắt tóc mãi thôi, chẳng bao giờ chịu mặc váy và cột tóc hai bên cả.- Nội cười âu yếm vuốt ve lên đôi má tôi- Cháu gái nội đã lớn thật rồi! Ra dáng một cô bé gái đáng yêu rồi!
– Mấy năm nội vắng nhà, mọi thứ đã thay đổi nhiều quá!-Nội đưa mắt nhìn xung quanh, giọng nói chứa chan điều gì như là tiếc nuối.
– Vâng ạ! Ba nói sửa sang lại nhà cửa để đón nội về nhà mà! Chiếc giường của nội vẫn ở đó. Nội thấy không?- Nói rồi tôi đưa tay về phía gian nhà trong- Còn nữa, cái chăn ngày trước nỗi vẫn dùng, bây giờ sưởi ấm con và em cu Tí mỗi đêm trời trở gió. Mọi thứ trong nhà vẫn bày trí y chang cách nội thường làm ngày trước. Thật may vì nội đã trở lại với chị em con và ba mẹ. Ba mẹ và em cu Tí khi về nhà chắc sẽ vui lắm!
Cứ thể tôi ngồi bên cạnh nội, kể cho nội nghe mọi thứ đã xảy ra trong mười năm qua, khi nội vắng nhà. Chuyện ở nhà, chuyện ở trường, tất cả những gì có thể nhớ, tôi đều lần lượt kể tỉ mỉ cho nội nghe. Đôi lúc, có những chỗ tôi chưa nhớ ra, nội lại nhắc tôi. Tôi lấy làm ngạc nhiên lắm. Tôi hỏi nội thì nội nói rằng ở một nơi nào đó, nội vẫn luôn dõi theo ba mẹ và chúng tôi.
Nhớ ngày còn bé, tôi vừa thường nhổ tóc sâu cho nội vừa nghe nội kể chuyện ngày xửa ngày xưa, những chuyện có thật và những chuyện cổ tích. Tôi bèn nảy ra sáng kiến vừa kể chuyện cho nội nghe vừa nhổ tóc sâu cho nội như ngày nào.
Mặt trời khuất bóng sau rặng tre, hoàng hôn buông xuống trên con xóm nhỏ. Nội nhắc tôi sắp đến giờ em cu Tí và ba má về nhà và hai bà cháu bắt đầu sửa soạn nấu bữa rồi dọn dẹp nhà cửa. Nếu ngày còn nhỏ, tôi chỉ chạy lăng xăng theo nội từ nhà sang bếp, từ bếp ra vườn thì bây giờ tôi đã có thể giúp nội nhặt rau, quét nhà. Nấu nước, thổi cơm xong, tôi cùng nội cho gà cho lợn ăn, rồi tưới rau, nhặt cỏ vườn. Vừa làm, nội vừa kể cho tôi nghe những chuyện lý thú mà nội đã gặp khi vắng nhà. Xong xuôi, bà cháu tôi đợi đến khi trời tối rồi mà vẫn chưa thấy ba mẹ và em cu Tí về nhà. Bỗng cái Liên ở đầu làng chạy vào hớt hải báo tối nay ba mẹ và cu Tí sẽ đi về muộn, mẹ tôi nhắn nó lúc chiều mà đến giờ nó mới nhớ ra.
Tôi và nội cùng nhau ăn cơm tối. Đã lâu lắm rồi tôi mới được ăn lại món ăn mình yêu thích. Món canh củ mỡ mẹ tôi cũng nấu rất ngon, nhưng chỉ khi ăn món canh đó do nội làm tôi mới thấy đầy đủ hương vị. Có lẽ đó là một chút vị của tình yêu thương của người bà, một chút hương vị của sự chở che đùm bọc cho đứa cháu gái bé nhỏ, cộng với một chút hương vị của những kinh nghiệm và sự từng trải.
Sau bữa cơm, tôi nhận phần rửa chén và pha cho nội một chén trà gừng. Hai bà cháu tôi ngồi trước hiên nhà, trong cái gió mát lành của đêm hè, nội nhâm nhi chén trà gừng nóng, vuốt ve mái tóc tôi và lại kể tôi nghe những chuyện ngày xửa ngày xưa như ngày thơ bé… Và cứ thể, tôi đi vào giấc ngủ một cách bình yên và an tâm biết nhường nào!
-Mai! Dậy đi học đi con! Mặt trời sắp lên cao rồi đó!- Tiếng mẹ gọi làm tôi bừng tỉnh giấc.
Tôi choàng dậy, chạy từ sân vào bếp rồi lại ra vườn… “ Không có! Nội không có trở về! Thì ra đó chỉ là giấc mơ!” Tôi thầm nghĩ rồi chẳng hiểu sao nước mắt bắt đầu rơi lã chã. Ngồi bệt xuống tán cây nhãn khi xưa nội trồng, tôi bưng mặt khóc thút thít. Gió buổi sớm làm các tán cây xào xạc như gửi lời an ủi của nội tới tôi. Rồi như thực như mơ, tôi khẽ nghe trong tiếng lá “ Mạnh mẽ lên, cháu gái yêu của bà! Bà vẫn luôn dõi theo con! Bà yêu con!”
Thời gian thấm thoắt tựa thoi đưa. Đã mười năm kể từ ngày nội bỏ tôi ở lại và đi xa mãi mãi. Nội thường nói đời người ai mà chẳng phải trải qua sinh ly tử biệt và luôn nhắc nhở tôi không được buồn hay khóc quá nhiều khi một người mất đi, như vậy họ sẽ không đành lòng mà bước sang thế giới bên kia. Nội thường hay bảo tôi rằng sự sống ở trần gian kết thúc là lúc cuộc sống ở một thế giới khác bắt đầu, một thế giới tốt đẹp hơn và tất cả mọi người đều được hạnh phúc. Tuy vậy, vẫn có những lúc nhớ nội không ngủ được. Nhớ vòng tay nội, nhớ những câu chuyện của nội, nhớ ánh mắt yêu thương trìu mến… Hãy trân trọng những giây phút mà ta có để ở bên và yêu thương gia đình của mình.
Kể lại giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày – mẫu 3
Mưa tầm tã, giã thêm cho nát thân xác hoang tàn của một công trình đổ nát hiện vẫn còn đè bẹp vài số phận hẩm hiu. Lực bất tòng tâm, mấy anh mấy chú cứu trợ đành chịu buông xuôi trước nhịp vẫy của đôi tay mỗi phút trôi qua yếu dần đi của một con người xui xẻo đang quằn quại, ngột ngạt trong đống sắt thép.
Ở xa xa bên kia hàng rào ngăn cách, đằng sau cả đám người bu đông cả đường đi kia, có một người phụ nữ tuổi còn trẻ, ngồi bệt dưới đất, bên cạnh cuốn sổ đen và cái túi xách bằng vải bông đã phai màu. Gò má ướt đẫm, chả biết được đó là do nước mắt, mồ hôi hay nước mưa chỉ biết nó đang đầm đìa trên khuôn mặt thất thần và tái xanh của cô. Mưa vẫn chưa ngớt, từ lúc chiều rồi, đến giờ trời đã tối hẳn, trên mảnh đất đau buồn này chỉ còn vài con người sắp ngã gục vì thể xác và tinh thần hành hạ, cô vẫn ngồi đó, nét mặt lạnh tanh đương thấm sự lo lắng vô cùng, chốc chốc lại gật gà gật gù, toan ngủ, đến mãi sớm mai, mặt trời còn chưa thức hẳn, chợt có một anh đội nón bảo hộ, quần áo xộc xệch tất tả chạy đến, đứng trước mặt cô lúng túng, không dám nhìn cho thẳng, cứ đánh mặt sang chỗ hỗn độn ấy mà rặn ra chữ: “Bình tĩnh nghe tin này Nâm nhé. Đừng buồn Nâm ơi… chú Tín nói đã thấy xác… cũng đã xác nhận được tên…chính nó Nâm à, không ai khác… nó đã đi thật rồi Nâm ơi…” Rồi yên lặng… rồi òa khóc… cả hai người như chìm vào một thế giới đau đớn khốc liệt và nguyên nhân là một con người mà họ đã yêu mến vừa rời bỏ họ mà ra đi vĩnh viễn
“Hức… hức…” tiếng nấc xé lòng của mẹ, đã một tháng qua, cái bức họa thảm khốc ấy vẫn chưa buông tha cho tâm trí của mẹ. Cứ đến chiều trời vừa chập tối là hình ảnh của cha lại hiện về nhiều hơn, mẹ cứ tự tưởng tượng ra cái cảnh cha vùng vẫy một cách vô vọng, rồi cố cảm nhận cái nỗi đau ấy để mà khóc nấc lên. Rồi lại len lẻn ra chỗ bàn thờ cha, ngồi bên linh cữu cha mà than thở:
– Anh này, số mình xui thế anh nhỉ? Cũng đúng chứ, người nghèo có cái khổ của người nghèo, cái khổ của người nghèo là “khổ liên miên”- rồi khẽ nấc lên, cái giọng nói mỗi lúc lại thêm nghẹn ngào – hức… anh bỏ con bỏ em mà đi, anh đi được thì anh ráng mà sống cho sướng với ông bà, còn lại nỗi khổ của anh ở nơi này thì em thay anh em gánh… em sẽ gánh tất cả… một mình em gánh…hư…hư…
Mẹ khiến tôi muốn khóc, tâm trí tôi hỗn loạn và sao sự hỗn loạn cứ sinh sôi nảy nở thêm trong đầu, càng hỗn loạn, không thể chứa được ngần ấy suy nghĩ nữa, tôi cảm thấy…
…
Căn nhà này thật ngột ngạt,
Căn nhà này thật buồn chán, thật rùng rợn.
Tôi ước mong được rời khỏi đây thật nhanh,
Rời khỏi mẹ là một người phụ nữ nhiều nước mắt và hay than vãn.
Tôi muốn rời khỏi đây thật nhanh,
Rời khỏi sự bi quan đó như thể nó sẽ đuổi theo tôi và biến tôi thành một con người đau khổ như mẹ.
Chạy trốn khỏi đây là điều tôi muốn.
Trốn đến nơi nào chỉ có mình tôi thôi.
Tôi còn muốn…
Đột nhiên xung quanh tôi tất cả đều là màu đen, như thể hai mắt đang nhắm tịt nhưng mà sự thật là nó đang mở to, bốn bề im lặng, tôi tự hỏi mẹ tôi đâu, sao không đi thắp nến đi, cái nệm đâu, không đến được chỗ cái nệm thì làm sao mò được cái quạt tay để quạt cho mát thì mới ngủ được chứ, tôi cứ đinh ninh là cúp điện và theo thói quen thì khi cúp điện cứ mò theo bức tường khi nào đụng phải cái ghế thì rẽ trái và khi nào đụng cái nệm thì cúi xuống và mò xem cái quạt ở đâu, đó là nhiệm vụ của tôi, nhiệm vụ của mẹ là thắp nến và… nhiệm vụ của ba là bất ngờ hét to lên và cố hù cho mẹ và tôi sợ phát khiếp, đó là cái niềm vui của ba khi cúp điện.
Nhưng không phải vậy, xung quanh tôi không có chút động tĩnh, không có tiếng la thất thanh và đôi bàn tay bất chợt nắm chặt vai tôi của ba cũng không có ánh nến lấp ló, lập lòe của mẹ,
Tôi đi mãi đi mãi, mò mẫm hai bên nhưng không thấy bất cứ cái ghế nào đụng cái cốp vào chân như thường lệ. Sư khác lạ làm tôi sợ, bất giác nhớ lại câu chuyện ma của Ngọc Ngạn vừa xem hôm rồi, tôi rùng mình, cảm thấy toàn thân muốn rụng rời. Tự nhiên, cái gì đó nắm lấy chân tôi, cái gì lành lạnh, kéo tôi muốn ngã xuống:
– Á…á…á…! Cứu con với mẹ ơi. Cứu! Cứu con! Cứu con mẹ ơi…
Tôi cố vùng chạy, tim đập như trống đánh, lúc này thật kinh dị, thật kinh khủng, tôi nhắm mắt lại, cố nghĩ đây chỉ là một giấc mơ, chợt có ánh sáng nhỏ du hành vào nơi tối tăm này, tôi mừng hết lớn, vừa sợ vừa hi vọng. Thế mà ánh sáng đó vô tình cho tôi thấy một hình ảnh kinh khủng nhất trong đời mà tôi chưa từng nhìn thấy cái hình ảnh nào khủng khiếp hơn thế trong suốt thời gian tôi sinh ra đến giờ. “Cái gì đó” nắm chặt chân tôi chính là một bàn tay, bàn tay trầy trụa, có ít máu nhòe ở các vết trầy, mà cái rùng rợn nhất, đó là bàn tay của một người đàn ông mặc cái áo có thêu cái chữ N là chữ kí của mẹ tôi khi may áo cho cha tôi. Thật điên rồ, chưa có chuyện gì điên rồ hơn chuyện này, cha tôi đã chết rồi và cha đẹp trai lắm, còn người đang nằm đây thật ghê rợn, hốc hác, xanh xao, bầm dập, tôi sợ quá, sợ lắm, ước gì có mẹ ở đây với tôi hay nếu có thằng Ù cũng tốt, thằng ấy chả sơ cái gì bao giờ cả, vì thế có thể nó sẽ làm cho tôi hết sợ hãi.
Nhưng thực tế là tôi chỉ có một mình, tôi thừa nhận là tôi đã ước được ở một mình nhưng một mình ở thế giới giống thế này thì chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Bàn tay ấy dần nới lỏng ra và rớt xuống đất. Cha của tôi đây sao? Mười hai năm sống bên cha có lúc yêu cha có lúc giận cha, một tháng không còn cha và đây là giây phút gặp lại thật khó ngờ, khi đã khẳng định được đó là cha của mình, và sau những giây phút hoàn hồn, sợ hãi thì lúc này đây lòng tôi nặng nề làm sao, niềm vui đoàn tụ đè nặng lên tất cả những cảm xúc khác, tôi nhìn cha, lúc này đây cha thật yên lặng, cha chẳng nói gì cả, chẳng buồn nói một câu bông đùa, ánh sáng mỗi lúc thêm tỏ hơn, tỏa rộng ra xung quanh cha, ba thanh thép đã rỉ, chắc tại mấy bữa ông trời khóc quá chừng, trên chân phải của cha, một miếng bê tông còn ẩm và lạnh tanh, đè chân cha nát tan, máu loang ra đất, tôi tự hỏi, còn bao nhiêu người đã chịu cảnh như cha? Bỗng tối dần lại, một, hai, ba giọt nước rơi rơi, có hạt rơi rất nhanh, có hạt rơi chậm rãi, có hạt thật nặng và đầy nước, có hạt bé xíu như bụi phấn, chúng nó cứ rơi vô tư như thế, tạo nên một giai điệu thật đẹp đẽ nhưng buồn và rất buồn. Chúng rủ rê cả nước mắt của tôi rơi theo, rớt lên khuôn mặt của cha, khuôn mặt vốn dĩ đang gầy gò và rất xanh. Người ta nói tình phụ tử là một tình cảm thiêng liêng và kì diệu, người ta đúng, tôi có thể nghe tiếng cha thở, và cơ thể cha chuyển động, cha đang sống lại, tôi bắt đầu thấy nghi ngờ sự việc này, nó giống truyện cổ tích và thường chỉ có trong phim, cớ nào lại đến với một con người “chẳng có gì” như tôi? Mọi thứ trở nên mơ hồ, huyền huyền ảo ảo, mờ nhạt và phai nhòa thấy hẳn, bấy giờ, tôi chỉ thấy cha ngồi dậy, và tôi nhớ từng lời cha nói:
– Cha yêu con, con gái, cha yêu mẹ con. Con nói với mẹ như thế, con nói với mẹ, cha luôn luôn nghe thấy mẹ than vãn với cha, con truyền lời của “vị vua già” này đến “thái hậu” là “xì tốp” than vãn đi con nhé! Cha nghe chán quá rồi! – nói đến đây, cha tôi khúc khích cười
Thật hạnh phúc khi được nghe lại cái điệu cười và lời nói quen thuộc như thế, tôi thấy cha dễ thương quá, và thoáng nghĩ “trên đời này không ai có được cha như cha của mình”, bỗng cha đổi giọng trầm xuống:
– Con gái, từ nay, có lẽ cuộc đời con sẽ có chút thay đổi đấy, biết không con? Cha sẽ không thể giúp đỡ mẹ được nữa, vì vậy mẹ sẽ rất cơ cực, mẹ sẽ rất mệt, và mẹ sẽ cáu lên! Con thấy mẹ cáu chưa? Ôi cha sợ lắm đấy. Ha ha. Này con, cha thật là buồn vì từ nay sẽ bỏ lỡ rất nhiều chuyện nhưng có một điều cha muốn con nhớ: “sự mất mát dẫn đến một sự khắc phục, sự khắc phục phải đưa đến một sự tốt đẹp hơn, như thế thì sự mất mát ấy mới không vô ích”. Rồi mọi thứ sẽ lại như bình thường, quan trọng là từ đây, ta có tốt lên hay không và ta phải cố gắng làm sao không để xảy ra thêm sự mất mát khác. Từ nay, con phải thay cha an ủi, động viên mẹ này, giúp mẹ những việc mà mẹ vẫn làm, để mẹ có thời gian làm những công việc ba “nhường” lại cho mẹ đó con, nhớ lời cha chưa nào?
Thật dễ dàng cho tôi trả lời: “Dạ vâng ạ!”
Và nhanh như thời gian cho một cái xe tải từ trên ngôi nhà hai tầng rớt xuống đất, tôi trở về căn nhà yêu dấu của tôi. Sau bức tường, tiếng mẹ hòa với tiếng nấc: “Sao không bật đèn vậy con gái?”. “A! Mẹ mẹ.”- người tôi lảo đảo, đến ôm mẹ một cái thật chặt, cảm thấy tâm hồn thật bình yên và hạnh phúc. Tôi nói với mẹ:
– Mẹ này, con yêu mẹ lắm! Mẹ có mệt không con lấy cho li nước?
Rồi tôi nói với ba “Con cũng yêu ba lắm! Ba yên tâm, con gái ba sẽ làm cho mẹ thật hạnh phúc, con sẽ ngoan hơn bất kì đứa trẻ nào trên đời, con rất buồn đó ba, vì mai này con sẽ không bình thường nữa, con sẽ thành mồ côi, là một đứa vừa nghèo vừa mồ côi, nhưng mà ba ơi, con gái ba sẽ cố gắng, dù điều đó thật khó khăn. “Sự mất mát dẫn đến một sự khắc phục, sự khắc phục phải đưa đến một sự tốt đẹp hơn, như thế thì sự mất mát ấy mới không vô ích”, phải không ba?
Kể lại giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày – mẫu 4
Đã bao giờ bạn tin rằng sau một giấc mơ những điều bạn hằng mong ước bấy lâu nay sẽ biến thành sự thật, y như một câu chuyện cổ tích chưa? Đã có lúc tôi rất tin vào điều đó và rồi lại phải thất vọng. Nhưng tôi luôn nhớ khoảnh khắc mà chỉ giấc mơ kì diệu mới đem đến cho tôi, như vừa mới xảy ra đây thôi.
Năm tôi học lớp năm, vào Tết năm ấy cũng là lúc ông tôi qua đời. Người ông mà tôi hằng kính yêu đã vĩnh biệt tôi trước khi kịp đón Tết cùng tôi. Tôi buồn bã vô cùng và tự nhủ sẽ không bao giờ tôi được đón một cái tết có ông bên cạnh nữa. Mấy năm sau vào lúc sắp sửa bốc mộ ông tôi và gần đến tết, lông tôi lại bâng khuâng nhớ đến cái tết năm nào. Tôi thắp một nén hương lên bàn thờ ông, hi vọng cháy bỏng được nhìn lại ông bên mâm cơm giao thừa lại bùng lên trong tôi, y như hồi còn nhỏ. Hôm đó là ngày 29 Tết, trước đúng một ngày vào cái năm buồn bã ấy, ông tôi mất. Tôi nghe mẹ đi ngủ sớm để ngày mai còn theo mẹ đi chợ. Lông tôi chộn rộn mãi không sao ngủ được. Mắt tôi nhòa đi.
Tôi đang nằm trên chính chiếc giường mà ông tôi đã nằm ngày trước. Đến khi mẹ tôi tắt đèn đầu giường, tôi mới thiếp đi.
Một lúc sau có tiếng bước chân bên giường tôi, tôi choàng tỉnh dậy. Thật hay mơ đây, trước mắt tôi là người ông hiền hậu đã xa cách tôi bấy lâu nay. Ông bảo tôi dậy rửa mặt để đi cùng mẹ, sáng đó đã là ngày 30 Tết. Tôi ôm lấy ông, bảo sao ông đi lâu thế. Ông chỉ mỉm cười, lấy tay lau nước mắt cho tôi. Tôi nhìn ông không chớp mắt, vẫn dáng người cao cao như thế, vẫn khuôn mặt hồng hào, phúc hậu như xưa. Mái tóc ông bạc trắng, tôi còn nhớ lúc ông ra đi tóc ông mới chỉ lốm đốm bạc. Ông tôi bận bộ com-lê màu ghi, tuy cũ mà phẳng phiu, trông ông thật đẹp lão. Tôi chưa được ngồi cùng ông lâu thì nghe tiếng mẹ gọi: “Con ơi mau đi chợ với mẹ, Tết đến rồi mà còn ngủ à?” – Tôi dạ và vội nói với ông: “Ông ơi ông ở nhà nhé! Ông chờ cháu về rồi dẫn cháu đi chơi ông nhé!”. Ông gật đầu, bảo tôi đi kẻo mẹ chờ.
Sau khi đi chợ xong, tôi chạy ù té vào phòng quên cả đặt thức ăn vào bếp. Nhìn thấy ông đang đọc sách, tôi mừng lắm. Ông bảo với tôi rằng ông sẽ dẫn tôi đi chợ Tết, chọn một cành đào thật đẹp về cắm trong nhà. Tôi mừng rỡ, tíu tít giục ông đi ngay. Ông vẫn nhớ ý thích của tôi như hồi tôi còn nhỏ. Ông chở tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch ông vẫn thường đi. Trên chiếc xe đạp này, đã bao lần ông đèo tôi đến nhà trẻ. Tôi sẽ nhớ mãi những giây phút ấy. Tôi cùng ông đi giữa phố phường, cảm thấy Tết năm nay nhộn nhịp hơn các năm trước. Phố xá đông nghìn nghịt, dường như ai ai cũng muốn ra đường để sắm sửa cho Tết.
Rồi hai ông cháu cũng đến được chợ hoa ngày Tết. Mới từ đầu vào tôi đã thấy tấp nập bao nhiêu là người, từ những cô gái đến những người phụ nữ lớn tuổi. Phải một lúc lâu sau, ông tôi mới gửi được xe và dẫn tôi đi xem cây cảnh. Chợ hoa ngày Tết mở ra trước mắt tôi vô số loài hoa rực rỡ khoe sắc. Nào là hoa lay-ơn, hoa thược dược, nào hoa cúc, hoa vi-ô-lét. Có những loài hoa tôi chưa biết tên, có những loài hoa tôi không hề biết. Ông tôi vốn là thầy giáo dạy Sinh học nên chỉ cho tôi biết bao nhiêu là hoa thật độc đáo. Vừa nghe ông nói vừa ngắm các loại hoa, tôi bỗng thấy mở mang thêm nhiều điều. Nhiều điều trước đây tôi thờ ơ giờ hiện lên rõ ràng trong trí óc tôi tựa như những bông hoa ngày càng tươi tắn, đầy sức sống hơn. Ông dẫn tôi xem hoa một lúc rồi cùng tôi chọn một cành đào ưng ý. Tôi rất thích cành đào với đầy hoa màu hồng nở rộ. Nhưng ông tôi chỉ chọn một cành đào mới chớm nở vài ba bông hoa, còn lại là biết bao nụ hoa xanh mướt và những lá non. Ông bảo với tôi rằng, tuy bây giờ cành đào không đẹp nhưng chỉ một hai hôm sau Tết đào sẽ nở đầy hoa rất đẹp và lâu tan. Tôi mới vỡ lẽ cành đào ấy bây giờ đây ẩn chứa bao điều đẹp đẽ với tôi và ông trở thành một ông tiên hiểu tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Tôi giữ sự ngưỡng mộ ấy như hồi thơ bé, ông như người thầy giáo mở ra cho tôi bao điều lí thú để tôi khám phá. Và ông đã thay mẹ tôi dạy tôi học khi còn tiểu học. Ông cháu tôi ra về. Tôi ngồi sau giữ cành đào còn ông mải miết đạp xe về đến nhà, tôi khoe ngay cánh đào, bà bảo có cành đào nhiều lộc này, Tết năm nay sẽ vui lắm đây. Ông chỉ mỉm cười, nụ cười đồng tình lẫn niềm vui rạng rỡ. Đêm đến, gia đình tôi sum họp quanh mâm cơm giao thừa. Tôi hạnh phúc biết nhường nào bởi có ông tôi bên cạnh, ông không xa tôi nữa. Chỉ còn ba tiếng nữa là đến giao thừa, tôi chỉ mong được sống mãi những giờ phút này, mong thời gian đừng trôi quá nhanh để luôn có tình yêu thương của mọi người trọn vẹn bên tôi. Tôi cũng thầm hứa với bản thân sẽ mãi ngoan ngoãn như hôm nay để ông khỏi phiền lông. Vậy mà sao ngày hôm nay qua thật mau. Đã đến giao thừa rồi. ông vuốt lên mái tóc tôi, bảo tôi ở nhà, ông sẽ hái lộc đầu năm mới cho tôi. Tôi dạ và hứa sẽ thức đợi ông về.
Ông đi rồi tôi cố thức, nhưng sao cơn buồn ngủ cứ kéo đến, kéo sụp hai mí mắt tôi lại. Tôi thiếp đi lúc nào không biết. Tôi nghe thấy những tiếng gọi rồi tiếng lịch kịch. Tôi mở mắt choàng dậy. Bây giờ đã sáng rồi sao? Tôi ngạc nhiên quá. Tôi nháo nhác tìm ông mà không thấy đâu Thật kì lạ, mới lúc trước tôi còn mường tượng bàn tay khẳng khiu ông đặt lên đầu tôi cơ mà. Tôi xem lại lịch, hôm nay là ngày ba mươi Tết. Tôi òa khóc, vậy đó chỉ là một giấc mơ. Giấc mơ quá thực khiến tôi hụt hẫng và buồn rầu. Ông tôi đã ra đi thật chứ không về lại với tôi như tôi tưởng. Tôi nuối tiếc giấc mơ hạnh phúc. Tôi thầm tự hỏi: Liệu trong mơ nếu tôi thức chờ ông, tôi có gặp lại ông không? Nhưng cuộc sống không dừng lại để tôi nuối tiếc, tôi chuẩn bị quần áo đi chợ cùng mẹ. Tôi có kể lại cho mẹ giấc mơ, mẹ chỉ im lặng, chắc tâm trạng mẹ khó có thể nói thành lời.
Giấc mơ chỉ là sự mong ước tưởng tượng, chuyện cổ tích vẫn là chuyện cổ tích. Tôi sẽ vẫn nuối tiếc nhưng chỉ là nhỏ nhoi thôi. Tôi đã học được nhiều điều từ giấc mơ ấy, học được niềm tin và hi vọng và cả nỗ lực cố gắng cho giấc mơ của chính mình.