Xem toàn bộ tài liệu Lớp 9: tại đây
Đề bài: Nước ta có nhiều tấm gương vượt lên số phận, học tập thành công (như anh Nguyễn Ngọc Kí bị hỏng tay, dùng chân viết chữ; anh Hoa Xuân Tứ bị cụt tay, dùng vai viết chữ; anh Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt đã tự học, trở thành nhà thơ; anh Trần Văn Thước bị tai nạn lao động, liệt toàn thân đã tự học, trở thành nhà văn,…). Lấy nhan đề “Những người không chịu thua số phận”, em hãy viết bài văn nêu suy nghĩ của mình về những con người ấy.
A/ Dàn ý chi tiết
I. Mở bài :
– Giới thiệu khái quát những tấm gương tiêu biểu trên một số lĩnh vực
– Họ đều giống nhau ở điểm : vượt lên số phận để sống, học tập, cống hiến cho xã hội
II. Thân bài :
a. Ca ngợi một số tấm gương không chịu thua số phận
– Chọn những tấm gương tiêu biểu được đài báo nói đến:
+ Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký
+ Nhà thơ Đỗ trọng khôi
+ Vận động viên Paragames
+ Kỹ sư máy tính ……
Cần kể ngắn gọn, giới thiệu được ý thức vươn lên chiến thắng số phận của họ
b. Suy nghĩ về những con người ấy
+ Họ đáng cảm phục
+ Chiến thắng số phận bằng ý chí nghị lực
+ Họ cho ta hiểu sức mạnh của ý chí nghị lực
+ Họ đã “tàn” Nhưng không “phế” lại còn mang đến cho xã hội những thành quả vô giá
– Vì sao họ có thể “không chịu thua số phận” ?
– Ý thức về bản thân và cuộc đời
– Ước muốn có cuộc sống tốt đẹp,có ích.
– Họ có ý thức,kiên trì vượt khó
– Sự giúp đỡ của mọi người
c. Trách nhiệm của mỗi chúng ta và xã hội với họ như thế nào?
– Cảm thông, tôn trọng họ
– Giúp đỡ họ nếu có điều kiện và khi họ cần
– Tạo điều kiện để những người như họ được phát huy khả năng
III. Kết luận:
– Quyết tâm học tập những tấm gương đó
B/ Bài văn mẫu
Nước ta có nhiều tấm gương vượt lên số phận, học tập thành công– mẫu 1
“Số tôi khổ…”, “số đã thế rồi…”, “phận nghèo…”, “số nó phải thế..”. Không khó để có thể lắng nghe những lời than vãn này kèm theo đó là những khuôn mặt tiếc nuối với lời ước “giá như…”. Đành rằng đó gần như là những câu cửa miệng của nhiều người nhưng có lẽ quan niệm về sự an bài của số phận giống như một cái bóng đen, mà nguồn gốc của nó từ nền phong kiến với những nếp nghĩ lạc hậu, đã bao phủ con người trong những quẩn quanh, bế tắc mà đôi khi là tuyệt vọng. Bởi lẽ “đường chỉ tay nói lên số phận nhưng nó luôn nằm trong bàn tay ta” và “những người không chịu thua số phận” hay chính là những người bản lĩnh đã kiến tạo cuộc sống theo cách của chính mình?
“Số phận” là những điều đã được an bài từ trước theo quy luật của thiên mệnh hay là cách chúng ta thường nói về những khó khăn trở ngại trong cuộc đời? Nếu hiểu “số phận” gắn với những lời thở than, trách móc thì cụm từ này thiên nhiều về hàm ý nói về những rào cản, những “ranh giới” trong cuộc sống. “Những người không chịu thua số phận” là những người có bản lĩnh và nghị lực để vượt qua những ranh giới ấy.
Cách chúng ta hơn nửa thế kỉ người bác sĩ trẻ tuổi Đặng Thùy Trâm đã từng nêu cao một lý tưởng sống “đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”. Người con gái ấy đã sống trọn và đúng nghĩa 28 năm cuộc đời ngắn ngủi cho Đảng, cho đất nước, cho tự do. “Giông tố” mà người cách mạng trẻ tuổi này phải chịu có lẽ khốc liệt hơn bao giờ hết, sinh mạng mong manh hơn bao giờ hết. Đó là những tháng năm chiến đấu ác liệt mà biết bao người như chị đã trải qua, quyết liệt và tàn khốc đến mức “nơi đây, mọi sắt thép đều tan chảy, chỉ có con người là vững vàng đi qua”. Họ đã không chịu thua số phận. Vì một niềm tin về tương lai tươi sáng hơn, vì một cuộc đời sống sao cho mỗi ngày đều xứng đáng, hay vì sự kiên cường của họ để bảo vệ những người thân thương nhất, bảo vệ hai tiếng thân thương nhất: đất nước?
Cuộc sống vẫn luôn tồn tại những cơn “giông tố” khiến chúng ta phải vấp ngã, phải gục ngã không chỉ một mà có khi rất nhiều lần cho đến khi ta lựa chọn đi xuyên qua nó hoặc chấp nhận gục ngã. Nhưng “khi anh bước ra khỏi cơn bão , anh sẽ không giống như anh của trước kia, người đã bước vào cơn bão” (Haruki Murakami”. Bởi vậy, sau cơn bão ta không thấy một Nguyễn Ngọc Kí bị liệt hai tay, một cậu học sinh gầy gò ốm yếu, ta thấy một Nhà giáo ưu tú, một con người bản lĩnh, một người truyền lửa. sau những giông bão ta không còn thấy ở bà Phạm Thị Huệ bóng dáng của người bị nhiễm HIV, ta thấy người phụ nữ dám công khai căn bệnh thế kỉ của mình, một tình nguyện viên của Liên Hợp Quốc. Họ đã vượt qua giông bão, vượt qua số phận. Họ thay đổi cuộc đời của chính mình bằng những nỗ lực, những ý chí, những đau đớn, sự kiên trì trước hết là trong thầm lặng.
Trong cuộc sống, bên cạnh những con người bị bóng đen số phận bao phủ vẫn luôn có những con người không bao giờ chịu cúi đầu trước số phận. Họ đã có những phút giây đau đớn, mệt mỏi và có đôi khi là những phút ngã lòng, nhưng họ đã vượt qua bằng những ý chí và nghị lực phi thường nhưng không bất thường. Những cơn giông bão có thể là rào cản nhưng hoàn toàn trở thành động lực để ta trở nên tốt đẹp hơn, ít nhất là so với trước kia. Bởi lẽ để vượt qua giông bão, bạn buộc phải trở nên mạnh mẽ. Chính những tấm gương ấy đã truyền một ngọn lửa ý chí. Nhưng ý nghĩ là nụ hoa nhưng hành động mới là quả ngọt. Cuộc sống chưa bao giờ được lập trình sẵn, sẽ luôn có những chông gai, bởi vậy sự chuẩn bị hành trang về kiến thức và thực tế luôn là những điều thiết yếu. Chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ bằng nhiều cách, tự lực và cả việc trân trọng những sự giúp đỡ từ người khác và giúp đỡ người khác.
Số phận của tôi là một trang giấy có thể không hoàn hảo nhưng là tự tôi viết nên trên trang vở cuộc đời và tôi biết cuộc sống ấy sẽ xứng đáng với những gì tôi viết. Điều quan trọng là tôi và bạn sẽ viết điều gì trên những trang vở đó mà không phải hai chữ “bỏ cuộc”
Nước ta có nhiều tấm gương vượt lên số phận, học tập thành công– mẫu 2
“Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, có một bông hoa mọc lên và nở những chùm hoa thật đẹp”. Giữa hiện thực cuộc sống khắc nghiệt, khó khăn, có những nghị lực vẫn không chịu bị khuất phục để vươn lên học tập và thành công. Ta gọi đó là “những người không chịu thua số phận”.
Nhà Phật có câu: “Đời là bể khổ”. Cuộc sống là sự góp nhặt của những khó khăn, thử thách và đôi khi là những khổ đau, bất hạnh. Khó khăn khi đất nước ta nằm trong khu vực thường xuyên phải hứng chịu thiên tai: miền Bắc, miền Trung thường xuyên xảy ra bão, miền Nam đối mặt với lũ lụt, với nước biển dâng cao có thể nhấn chìm mọi căn nhà. Khi chiến tranh đã đi qua hơn nửa thế kỉ nhưng những nỗi đau, mất mát vẫn còn đó, khôn nguôi. Những người chồng không thể trở về, những đứa con còn thể sống sót lại bị ảnh hưởng của bom đạn để lại, để rồi những thế hệ sau sinh ra: dị dạng, không trọn vẹn trong hình hài, …Rồi vì điều kiện hoàn cảnh, những đứa trẻ không thể đến trường, sống cuộc sống không có ánh sáng. Nhiều người kêu than rằng cuộc đời bất công, số phận bất hạnh và hạnh phúc không phải từ dành cho họ.
Nhưng bên kia của mảnh ghép cuộc đời, vẫn còn những mảnh niềm vui. Đôi lúc cuộc sống bắt bạn chìm trong bất hạnh không phải để bạn chết chìm mà để bạn học cách tập bơi. Hứng chịu nhiều thiên tai, nhưng chúng ta có nhiều nguồn tài nguyên, phong cảnh. Và hơn hết, chúng ta có con người. Thượng Đế tạo ra loài người gửi gắm cho ta một trí tuệ để ta suy nghĩ, cho ta lòng kiên trì và quyết tâm để dù nghịch cảnh vẫn không thể lật đổ, cho ta bàn tay để “làm nên tất cả” chỉ cần “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” và cả trái tim và tình yêu thương, đoàn kết để chiến đấu và chiến thắng. Và số phận chỉ là quan niệm sai lầm, nó chỉ bao che cho sự thật bạn không thể kiểm soát cuộc đời mình, không biết sử dụng món quà được trao tặng.
Bằng nghị lực sống, niềm hi vọng; những con người ấy không bao giờ chịu thua số phận. Nghị lực sống, niềm tin- đó là những thứ tuyệt diệu. Hy vọng cong, xoắn, thỉnh thoảng nó khuất đi nhưng nó không bao giờ tan vỡ. Hy vọng đặt nụ cười lên gương mặt chúng ta khi lí trí không chủ động được điều đó. Hy cọng đặt đôi chân chúng ta lên con đường mà mắt chúng ta không thể nhìn thấy được. Và khi ấy, ta cần ý chí nghị lực để bước tiếp trên con đường đã chọn, để làm bằng tất cả niềm nhiệt huyết và đam mê của mình. Không ai có quyền đánh thuế ước mơ và nghị lực của bạn cả. Vì thế, đâu có mất gì, hãy cứ lạc quan và cố gắng. Vì thế, cuộc sống của chúng ta có những người diễn giả nổi tiếng không tay như Nguyễn Ngọc Kí, có hiệp sĩ công nghệ thông tin chỉ nặng khoảng 20 kg như anh Nguyễn Công Hùng. Dẫu cuộc sống luôn nơm nớp lo sợ bởi bão lũ, thiên tai nhưng những con người miền Trung vẫn từng ngày học tập, là những thủ khoa của đất nước trong các kì thi đại học.
Với sự chăm chỉ, sáng tạo và cải tạo lại hoàn cảnh, con người không chịu thua số phận. Sự tìm tòi, sức sáng tạo của con người là vô tận. Bạn nghĩ mình làm gì với đôi bàn tay trắng của mình? Không gì cả. Nhưng thêm trí tuệ, sự sáng tạo thì có thể. Sự sáng tạo giúp con người bẻ cong lại con đường để dễ bước đi, có thể trải thêm đá để con đường toàn sỏi đá có thể bằng phẳng cho bước tiếp. Điều gì làm cho cậu bé Nguyễn Hiền trở thành Trạng Nguyên nhỏ tuổi nhất của nước ta? Là những ngày tháng bắt đom đóm học bài, lấy lá chuối làm sách và học mọi lúc mọi nơi. Những đồ vật xung quanh chính là những đồ dùng hữu hiệu, là bậc thang đưa bạn đến thành công. Xa hơn về sau, trong thời kháng chiến chống Mĩ, không một anh bộ đội nào lại không biết đến bếp Hoàng Cầm. Chiếc bếp không khói, vô hiệu hóa kĩ thuật quân sự của không quân Mĩ lại gắn kết tình anh em và làm nên chiến thắng của quân đội ta.
Với tinh thần đoàn kết, ta không chịu thua số phận. Mỗi chúng ta chỉ là thiên thần có một cánh, chỉ dựa vào nhau mới có thể bay lên. Một cá nhân dù tài giỏi đến đâu cũng không thể bằng một tập thể. Nhất là khi hoàn cảnh sống khó khăn, chúng ta càng phải dựa vào nhau mà sống, mà vươn lên. Tinh thần đoàn kết, dân tộc chính là một con sóng mạnh nhất, là bức tường vững chãi nhất mà không một điều gì có thể phá bỏ được. Như đại tướng Võ Nguyên Giáp từng chia sẻ: “Mĩ thua Việt Nam vì Mỹ không hiểu người Việt Nam”. Những con người chân lấm tay bùn, hiền lành nhưng khi Tổ quốc thiêng liêng bị xâm phạm, họ sẵn sàng hi sinh, đùm bọc nhau để cùng “quốc tử cho tổ quốc quyết sinh”. Lớp này ngã xuống, lớp kia lại đứng lên. Để rồi một ngày làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Con đường đến với thành công có nhiều nẻo mà con đường đến với thất bại thì mọi con người thất bại đều dẫm chung một lối: không hy vọng, không ý chí, không nghị lực và không đoàn kết. Bên cạnh màu trắng luôn có màu đen, có niềm vui và có cả những nỗi buồn và nước mắt. Khi chúng ta luôn muốn cuộc sống không có nghịch cảnh, hãy nhớ rằng kim cương vốn là than đá được hình thành dưới áp lực. Và chỉ có trong khổ đau, thử thách ta mới biết mình là ai, mình đang ở đâu và mình mang sức mạnh lớn như thế nào. Hãy biết chấp nhận hoàn cảnh, những gì mình đang có để vươn lên, để chiến thắng và để sống hạnh phúc và toàn vẹn hơn. Đừng than thở nếu bạn vẫn còn muốn cố gắng, đừng bỏ cuộc nếu bạn vẫn có thể tiếp tục. Hạnh phúc luôn ở quanh ta, chỉ chờ ta nắm lấy.
Đừng bao giờ tin những đường chỉ tay có thể nói trước tương lai của bạn. Vì những người không có tay vẫn có tương lai. Nó nằm ngay trong người, trong trái tim và trong cách chúng ta suy nghĩ.
Nước ta có nhiều tấm gương vượt lên số phận, học tập thành công– mẫu 3
Trong cuộc sống của chúng ta, có rất nhiều người sống trong hạnh phúc, sung sướng và thành đạt nhưng cũng có rất nhiều người bất hạnh sống trong khổ đau và tủi phận. Khi sinh ra, họ sớm bị thiệt thòi vì khuyết tật. Bất hạnh đến với họ từ nhiều phía, có thể là do bẩm sinh, do tai nạn, do bệnh tật hoặc rủi ro… Nói chung, sự khiếm khuyết đó luôn đem đến cho họ một nỗi đau buồn triền miên, sự xa lánh mọi người hoặc sự mặc cảm sâu sắc. Thể xác hị tuy không bằng người nhưng tâm hồn của họ vẫn rất trong sáng, lành mạnh. Họ tự khẳng định mình là những con người “tàn mà không phế”. Nghị lực sống và ý nghĩa cuộc đời của họ luôn là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta.
Một trong số những con người đã bứt ra khỏi sự tuyệt vọng đó là thầy Nguyễn Ngọc Kí, một người cần cù và có lòng quyết tâm vượt lên số phận. Thầy đã vươn lên bằng nghị lực phi thường mà ít ai có được. Ngay từ hồi còn bé, thầy bị teo hai cánh tay sau một lần bị ốm, nỗi đau thể xác không ghê gớm bằng nỗi khổ về tinh thần. Sự thiếu cảm thông của những người xung quanh và cảm giác mặc cảm buồn luôn đè nặng trong lòng khiến tuổi thơ của thầy thiếu thốn niềm vui, sự hồn nhiên tươi trẻ. Cuộc sống lúc đó luôn là sự né tránh của mọi người, kể cả với người thân. Thầy đã bỏ học và suốt ngày chỉ ru rú trong nhà, quyết không chịu ra ngoài. Một hôm, cô giáo trường làng đến tận nhà gặp gỡ, trò chuyện và khuyên bảo. Cô cho rằng con người ngoài hình thức còn một thứ quan trọng hơn, đó là đời sống tâm hồn, là trí tuệ. Cô động viên cậu bé Kí rất nhiều. Cô không đồng ý với lối sống chỉ cho riêng mình của Kí bấy nay. Theo cô, làm người quan trọng là sống có ích cho mọi người. Suy ngẫm trước sau, thầy Kí hiểu ra nhiều điều mới mẻ. Thầy nhận thức được cuộc sống khép kín của mình không chỉ làm đau khổ cho một mình thầy mà còn làm cho nỗi đau của người thân nhân lên gấp bội phần. Hơn ai hết thầy thấm thía sâu sắc ý nghĩa cuộc sống của những người như mình là tàn tật về thể xác không sợ bằng tật nguyền về tâm hồn. Từ đó, con người thầy như được hồi sinh,lòng quyết tâm vươn lên để sống cởi mở và học tập như mọi người được hình thành trong lòng con người khuyết tật này trở nên thật mãnh liệt. Không có tay thì thầy dùng chân để viết. Viết bằng chân là cả một sự vất vả, ở đó có sự khổ luyện sẽ bội phần khó khăn. Vậy mà thầy đã vượt qua tất cả để trở thành một người trò giỏi hồi phổ thông, một sinh viên gương mẫu trong giảng đường của trường đại học Tổng Hợp và sau này ra đời đã là người thầy giáo mẫu mực cho bao thế hệ học trò noi theo. Không phải ai cũng làm được như người thanh niên giàu nghị lực đó, nghĩa là đủ khả năng đứng lên sau một nỗi tuyệt vọng sâu sắc. Tấm gương của thầy khiến những người lành lặn như chúng ta thấy cần phải cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, anh Bạch Đình Vinh cũng là một con người mà chúng ta hết lòng khâm phục. Con người tàn tật này là sinh viên của ba trường Đại học : giao thông vận tải, thương mại và Khoa công nghệ thông tin- Đại học Bách Khoa Hà Nội. Câu chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi. Ngày 14 tháng 3 năm 1993 ấy, một tai nạn khủng khiếp bất ngờ ập xuống đầu khi anh đang trên đường đi học về. Một chiếc se máy đâm sầm vào đằng sau, hất tung a xuống đường khiến anh ngất đi và hôn mê sâu nhiều ngày. Khi tỉnh dậy, sức khỏe giảm sút nhiều, toàn thân bại liệt, bị chấn thương mạnh nội tạng, khuôn mặt biến dạng mất cả tiếng nói. Tất cả tưởng chừng như chấm hết với người thanh niên này! Vậy mà ý chí vươn lên mãnh liệt, lòng quyết tâm cao độ cùng với sự động viên, giúp đỡ tận tình của gia đình, đặc biệt là người bố, đã đưa anh từng bước trở lại với cuộc sống. Nói ra thì đơn giản nhưng để làm được điều đó những con người muốn tự mình làm ra chính số phận chính mình này đã phải trả giá bằng biết bao nước mắt, đau khổ, xót xa thậm chí có cả sự tuyệt vọng và máu nữa. Ngày tháng trôi đi, chàng thanh niên ít may mắn đó đã chiến thắng. Nụ cười trở về với anh sau bao đêm gian khổ vật lộn với đau thương để làm chủ được mình. Đặc biệt sự, hòa nhập kì diệu nhất là ngồi trên xe lăn, phát âm khó khăn, tay khoèo vào mà anh đã đi học trở lại và tấm bằng cử nhân Thương mại, kỹ sư giao thông, kỹ sư Khoa Công nghệ thông tin – Đại học Bách khoa Hà Nội đã thuộc về anh trong ngày trao bằng tốt nghiệp. Việc này ngay những người bình thường như chúng ta không phải ai cũng làm được, vậy mà chàng trai tật nguyền Bạch Đình Vinh đã thành công. Hạnh phúc của anh không phải chỉ cho cá nhân mà còn là niềm tự hào của tất cả chúng ta. Biết khâm phục một con người đã dũng cảm vượt lên số phận cay đắng của mình cũng có nghĩa là chúng ta hoàn thiện chính bản thân mình.
Hiện nay, hạnh phúc tình yêu cũng theo nghị lực và niềm tin cuộc sống đến cùng với anh. Một người con gái bé nhỏ, chân thành của xứ Huế đã đem lòng yêu mến và cảm phục anh. Cô đã tự nguyện xa gia đình, xa nơi chôn nhau cắt rốn để gắn bó với anh trọn đời!
Mọi người chúng ta vẫn không quên chị Nhữ Thị Khoa, cô gái khuyết tật ngồi xe lăn, bán bánh mì ở Lò Đúc và Trần Xuân Soạn. Người con gái nông thôn gầy gò, bé nhỏ đã tự mình ra thành phố để kiếm sống vì không muốn nhờ vả và sống dựa vào bất cứ ai, kể cả người thân của mình. Ở nơi đất khách quê người, không thân thích mà cô tự nuôi được mình, tự lo được cuộc sống riêng tư quả là không dễ gì. Một ngày nào đó cô đã đến với thể thao như một cơ duyên hay như một sự tất yếu của những con người không chịu đầu hàng số phận. Và lại một điều kỳ diệu nữa đã xảy ra, mà chỉ có ở những người tràn đầy nghị lực như cô. Cô và những người bạn của mình đã đem về cho đất nước những tấm Huy chương vàng của Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á. Vinh quang mà họ giành được đã tôn vinh sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam ta trên trường quốc tế.
Nước ta có nhiều tấm gương vượt lên số phận, học tập thành công– mẫu 4
Ngày xưa, quan niệm về sự an bài của số phận khá phổ biến trong xã hội. Dân gian cho rằng số phận mỗi người đều do “thiên định”. Giàu sang hay nghèo đói, thành công hay thất bại… không phải do cá nhân quyết định. Thuyết “thiên mệnh” ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của mọi người, cho nên trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du sau khi kể chuyện về cuộc đời đầy sóng gió của Thúy Kiều, cũng đã phải kết luận bằng những câu thơ chua xót và cam chịu:
Cho hay muôn sự tại trời!
Trời kia đã bắt làm người có nhân.
Bắt phong trần phải phong trần.
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Tuy nhiên, bên cạnh quan điểm tiêu cực đó vẫn có những quan niệm tích cực, lành mạnh, phản ánh sức sống tiềm tàng của nhân dân lao động như: Đức năng thắng số, Có chí thì nên… Thực tế cho thấy không ít người bằng ý chí và nghị lực phi thường đã chiến thắng số phận bất hạnh, trở thành gương sáng phấn đấu cho mọi người học tập.
Người thầy giáo đầu tiên ở Việt Nam soạn bài, chấm bài, viết văn bằng chân, đó là thầy Nguyễn Ngọc Kí, một tấm gương nghị lực phi thường về ý chí mạnh mẽ vượt lên số phận bất hạnh để trở thành một Nhà giáo ưu tú.
Vào thập kỉ 60, 70 của thế kỉ XX, Nguyễn Ngọc Kí đã trở thành cái tên nổi tiếng ở miền Bắc. Gương sáng Nguyễn Ngọc Kí được đưa vào sách giáo khoa để dạy đạo đức cho học sinh. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, bản thân lại bị liệt cả hai tay sau một cơn sốt kéo dài từ lúc còn nhỏ tuổi, Nguyễn Ngọc Kí rơi vào hoàn cảnh thật đáng thương. Ngày ngày, thấy bạn bè cùng lứa tuổi tung tăng cắp sách tới trường, Kí thèm lắm. Thấy con ham học, năm Kí lên sáu tuổi, bố mẹ dẫn cậu đến trường. Cô giáo thương Kí lắm nhưng đành lắc đầu. Không được học ở trường, Kí tự học ở nhà. Niềm khao khát được biết chữ đã khiến Nguyễn Ngọc Kí nghĩ ra nhiều cách để tập viết. Thoạt đầu, cậu viết bằng miệng, nhưng không thành công. Một lần tình cờ nhìn thấy đàn gà bới đất bằng chân, Nguyễn Ngọc Kí lóe lên ý nghĩ là có thể dùng chân để viết. Sau đó, Nguyễn Ngọc Kí đã kiên trì tập viết bằng chân.
Cô giáo đến thăm, mang cho Kí vài viên phấn. Thấy Kí quyết tâm, cô vui lòng nhận Kí vào lớp. Từ đó, manh chiếu gắn liền với đời học sinh của Kí. Kết quả, Nguyễn Ngọc Kí không những viết thành thạo mà còn viết rất đẹp và trở thành học sinh giỏi trong nhiều năm liền, hai lần được Bác Hồ tặng huy hiệu. Hết cấp 1, cấp 2, cấp 3, năm 1966, Nguyễn Ngọc Kí được tuyển thẳng vào khoa Văn trường Đại học Tổng hợp. Tốt nghiệp, Nguyễn Ngọc Kí về làng làm giáo viên với nhiều sáng tạo đặc biệt. Không thể dùng phấn để viết bảng nên thầy Kí chuẩn bị nhiều câu hỏi, câu đố xung quanh ý nghĩa bài giảng; viết những ý chính và đặc điểm nổi bật của tác phẩm vào tấm bìa lớn rồi dùng chân kéo sợi dây buộc vào ròng rọc để giới thiệu bài giảng. Năm 1983, thầy đoạt giải nhất cuộc thi giáo viên giỏi Văn của tỉnh Nam Định. Từ năm 1993 đến nay, thầy tham gia giảng dạy tại Trường bồi dưỡng Giáo dục quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.
Lúc còn ít tuổi, Nguyễn Ngọc Kí hai lần vinh dự được Bác Hồ tặng thưởng Huy hiệu của Người và gần đây, thầy đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vì những đóng góp đáng kể cho ngành Giáo dục.
Rõ ràng, từ một cậu bé bất hạnh, Nguyễn Ngọc Kí đã không ngừng phấn đấu vươn lên để trở thành người hữu ích. Học tập gương sáng của Nguyễn Ngọc Kí, Hoa Xuân Tứ cụt cả hai tay, đã buộc bút vào vai viết chữ.
Đỗ Trọng Khơi bị bại liệt nhưng vẫn quyết tâm trở thành nhà thơ. Anh Trần Văn Thước sau khi bị tai nạn lao động, liệt toàn thân vẫn không ngừng tự học để trở thành nhà văn…
Trong những năm gần đây, nhiều tấm gương vượt lên số phận đã được giới thiệu rộng rãi trên báo chí, trên truyền hình khiến nhiều người xúc động và khâm phục. Anh Trường Sơn, nạn nhân của chất độc màu da cam có thân hình dị dạng, chỉ cao không đầy một mét vẫn trở thành sinh viên của hai trường cao đẳng và đại học. Bạn Trần Thị Thương, một nạn nhân chất độc màu da cam có chiều cao 50cm, ngày ngày phải nhờ mẹ hoặc bạn bế đi học, vậy mà vẫn học rất giỏi và nung nấu ước mơ trở thành một chuyên gia vi tính. Chị Hướng Dương bị tai nạn giao thông, phải cưa cụt cả hai chân nhưng không gục ngã trước số phận rủi ro mà vẫn sống rất lạc quan, đem niềm vui đến cho những trẻ em khiếm thị bằng thư viện sách nói do chị sáng lập ra. Chị Trịnh Tiểu Hương từ một đứa trẻ bụi đời không biết cha mẹ là ai, suốt tuổi thơ và tuổi thiếu nữ phải sống lay lắt nơi gầm cầu, hè phố, trôi dạt từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, hết lên rừng lại xuống biển để kiếm sống qua ngày… Thấm thía nỗi khổ của trẻ em mồ côi, giờ đây, với trái tim đầy tình nhân ái, chị đã đem hết tâm nguyện của mình mở một cơ sở nuôi dạy hàng trăm trẻ em lang thang cơ nhỡ. Bằng tình thương và trách nhiệm của một người mẹ, chị lo cho các em được ăn mặc đầy đủ, được học chữ, học nghề. Các em yêu quý và kính trọng gọi chị là “mẹ Hương”. Chị coi đó là phần thưởng, là nguồn hạnh phúc lớn lao của đời mình. Mái ấm tình thương của chị giờ đây đã trở nên nổi tiếng, được nhiều tổ chức từ thiện trong và ngoài nước quan tâm giúp đỡ.
Xung quanh chúng ta còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương như thế. Chúng ta có thể học được những bài học thiết thực và bổ ích về ý chí, nghị lực, về khát vọng vươn lên mãnh liệt để chiến thắng số phận nghiệt ngã, chiến thắng hoàn cảnh khó khăn, khẳng định giá trị của bản thân trong xã hội. Đồng thời, những gương phấn đấu kiên cường, bền bỉ nhắc nhở chúng ta hãy suy ngẫm, soi chiếu lại mình và tự đặt ra câu hỏi: Mình đã sống ra sao? Đã làm gì có ích cho gia đình, cho mọi người? Những gương sáng ấy chứng minh hùng hồn cho câu nói nổi tiếng của nhà văn, nhà giáo Nguyễn Bá Học: Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi, e sông.