Xem toàn bộ tài liệu Lớp 9: tại đây
Đề bài: Nhận xét nghệ thuật miêu tả cảnh thiên nhiên trong truyện “Bến quê”..
A/ Dàn ý chi tiết
I. Mở bài
– Giới thiệu khái quát tác giả: Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Hàng loạt những truyện ngắn trăn trở, day dứt đã ra đời và một thời gây xôn xao dư luận như: Bức tranh, Phiên chợ Giát, …
– Giới thiệu tác phẩm: Bến quê là một truyện ngắn xuất sắc trong tập truyện ngắn cùng tên được xuất bản năm 1985, bốn năm trước khi nhà văn từ giã cõi đời.
II. Thân bài
– Hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng
– Một đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật truyện: Sáng tạo hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng. Trong “Bến quê”, hầu như mọi hình ảnh đều mang hai lớp nghĩa: nghĩa thực và ý nghĩa biểu tượng.
+ Bãi bồi, bến sông, khung cảnh thiên nhiên: là vẻ đẹp của đời sống trong những cái gần gũi, bình dị, thân thuộc.
+ Bông hoa bằng lăng cuối mùa; tiếng những tảng đất lở ở bờ sông bên này, khi cơn lũ đầu nguồn dồn về, đổ ụp vào trong giấc ngủ của Nhĩ lúc gần sáng: Sự sống của nhân vật Nhĩ đã ở vào những ngày cuối cùng.
+ Đứa con trai của Nhĩ đã sa vào một đám chơi phá cờ thế trên lề đường: Sự chùng chình, vòng vèo mà trên đường đời người ta khó tránh khỏi.
+ Hành động và cử chỉ của Nhĩ: Thức tỉnh con người.
– Miêu tả tâm lý tinh tế
– Cách xây dựng tình huống nghịch lý. Đi hầu hết khắp nơi trên thế giới, bị liệt toàn thân, không thể đi đâu được.
– Trần thuật theo dòng tâm trạng của nhân vật.
III. Kết bài
– Nguyễn Minh Châu là nhà văn đi được xa nhất trên con đường đổi mới văn học.
– Tác phẩm mang tính hiện đại, tính nhân văn sâu sắc.
B/ Sơ đồ tư duy
C/ Bài văn mẫu
Nghệ thuật miêu tả cảnh thiên nhiên trong truyện Bến quê – mẫu 1
Trong truyện ngắn “Bến quê”, thiên nhiên hiện lên dung dị hơn qua cảm nhận của một người con quê hương. Đoạn truyện đã thể hiện rõ cái cảm quan hiện thực của người viết – một cái nhìn thiên nhiên, khung cảnh rất đời, rất gần gũi.
Trong những giây phút cuối đời, anh nhìn ra ngoài cửa sổ, nhận thấy những thay đổi rất nhỏ nhặt như “những cánh hoa bằng lăng dường như thẫm màu hơn – một màu tím thẫm như bóng tối”. Những tia nắng sớm đang từ từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khung cửa gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen lẫn màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, như hơi thở của đất màu mỡ”. Những sắc màu thân thuộc như khí trời, hơi thở, gần gũi như đời sống nhưng dường như lần đầu tiên Nhĩ mới nhận ra, mới thấm thía hết vẻ đẹp của nó. Phải chăng, trong cuộc sống bình dị cũng có những nét đẹp của nó nhiều khi không dễ nhận ra. Trong câuhỏi anh hỏi vợ: “Đêm qua em có nghe thấy tiếng gì không?” ta bắt gặp những âm thanh quen thuộc mà bình thường Nhĩ cũng chẳng bận tâm, nhưng giờ đây với anh nó thật thân thuộc và quý giá biết bao ! Hình như ??? cứ trở đi trở lại trên con sông như đọng lại trong tâm tưởng của Nhĩ, anh quá hiểu rằng mình chỉ có thể sang bờ đất mơ ước trong tâm tưởng mà thôi. Cánh buồm tượng trưng cho sự nghèo đói của quê hương được nhìn dưới con mắt đầy tình yêu và xót xa của Nhĩ, Mảnh và trên cánh buồm hay trên tấm áo của Liên… đó là tất cả hình ảnh quê hương gần gũi, yêu thương mà nặng trĩu niềm xót xa, thương cảm
Nghệ thuật miêu tả cảnh thiên nhiên trong truyện Bến quê – mẫu 2
Truyện ngắn Bến quê là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu, được viết vào năm 1985. Tác phẩm sử dụng rất nhiều những hình ảnh mang tính ẩn dụ, đa nghĩa, và một trong số ấy là cảnh thiên nhiên với những bông hoa bằng lăng tím – cảnh miêu tả thiên nhiên ở đầu tác phẩm.
Đoạn văn được mở đầu tác Bến quê là đoạn miêu tả những bông hoa bằng lăng. Những bông hoa ấy được tác giả miêu tả với sắc tím – nhưng không phải là màu tím mộng mơ của xứ Huế, mà lại là màu tím nhợt nhạt, với những bông hoa cuối mùa màu “như trở nên đậm sắc hơn”. Thêm nữa là “thứ ánh sáng loa lóa vừa nhìn đã thấy chói cả mắt ở ngoài bờ sông Hồng không biết dã rút đi đâu từ bao giờ”. Những hình ảnh và màu sắc ấy đã gợi cho người đọc biết bao suy ngẫm. Đó là một màu tím thẫm như bóng tối. Đâu phải là màu sắc tươi tắn mà dấu hiệu của sự tàn phai, tiêu biến. Còn ánh sáng rực rỡ của mặt trời cũng biến đi mất, thay thế bằng bầu trời dần trở nên xám xịt khi tiết trời chuyển sang đông. Cái tàn lụi đó bỗng trở nên gấp gáp, nhẫn tâm khi nó gắn với tâm trạng và cảnh ngộ của Nhĩ. Tác giả đã sử dụng biện pháp tương phản, đối lập để tạo nên sự khác biệt giữa bờ bên này và bờ bãi bên kia sông Hồng. Nếu bên này bờ, nơi Nhĩ đanh đau đớn vì sự hành hạ của căn bện quái ác, mang màu sắc nhợt nhạt, ảm đạm của sự héo úa, lụi tàn, như sắp bị bóng tôi bao trùm và nuốt chửng, thì ở bên bãi bồi bên kia sông Hồng lại hiện lên với vẻ vô cùng rực rỡ. Trong đôi mắt của Nhĩ, bờ bãi sông hồng hiện lên với những hình ảnh “tiết trời đầu thu đem đến cho con sông Hồng một màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra. Vòm trời cũng như cao hơn. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi ở bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian gác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ…”. Bờ bãi sông Hồng khoác lên mình một màu sắc tươi non, của phù sa, của màu vàng lúa chín, màu xanh non của cỏ cây – những thứ màu sắc đặc trưng chỉ thuộc về sức sống. Mà trong tâm thức của Nhĩ, đó là thứ “màu sắc thân thuộc quá, như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”. Sức sống như đang trỗi dậy mạnh mẽ trên dòng nước mênh mông khi mặt sống lấp lánh trở nên rộng thêm ra. Cảnh hiện lên càng đẹp bao nhiêu thì nỗi day dứt, xót xa trong lòng Nhĩ lại càng hiện hình rõ nét bấy nhiêu, để rồi anh nhận ra một nghịch lí trong cuộc đời mình “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất, đây là một chân trời gần gũi, mà lại xa lắc vì chưa hề bao giờ đi đến – cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình.”. Có ai đã đi khắp thế gian mà lại chưa bao giờ đặt chân tới vùng đất ngay gần nhà? Ấy vậy mà Nhĩ chưa bao giờ đặt chân sang bãi bồi bên kia sông, vì chưa bao giờ anh nghĩ đó là một cảnh đẹp có gì đáng để thăm thú và ngắm nhìn. Nhưng vào những ngày cuối đời nằm liệt trên giường bệnh, anh lại nhận ra điều ngược lại.
Truyện của Nguyễn Minh Châu hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình và tính triết lí. Ông đã tạo dựng những tình huống đặc biệt, những đối lập và nghịch lí để nhân vật chiêm nghiệm ra cái triết lí nhân sinh – đời người. Ông xây dựng nhiều hình ảnh, chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng, có sức chứa lớn về cảm xúc, tư tưởng. Hầu hết những hình ảnh trong truyện đều mang hai nghĩa: nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Hai lớp nghĩa này gắn bó, thống nhất, khiến cho các hình ảnh không bị mất đi giá trị tạo hình và sức gợi cảm. Ý nghĩa biểu tượng được gợi ra từ hình ảnh thực và được đặt trong hệ quy chiếu của chủ đề tác phẩm. Và hình ảnh bãi bồi ven sông trong cái nhìn so sánh, đối lập với căn gác xép chập hẹp, nóng hầm hập của Nhĩ chính là một ẩn dụ cho cuộc đời con người, luôn bó hẹp mình trong những tính toán, trong những chuyến đi xa, mà quên mất rằng, hạnh phúc không ở cách quá xa, mà nó hiện hữu ở ngay đây, ngay trong những gì thân thuộc, gần gũi nhất. Hạnh phúc đối với Nhĩ những giây phút cuối đời, chỉ là được đặt chân lên bãi bồi bên kia sông Hồng. Nhưng nó lại là ước muốn quá đỗi xa vời với anh.
Có thể nói, thiên nhiên hiện lên trong đoạn văn được đặt trong cái nhìn đối lập giữa sự nhợt nhạt đến đáng thương của những bông bằng lăng tím với sắc hồng hồng quyến rũ đầy sức sống của bãi bồi bên kia sông. Qua đó, Nguyễn Minh Châu cũng gửi gắm những quan niệm, triết lí sâu sắc về cuộc sống và con người.
Nghệ thuật miêu tả cảnh thiên nhiên trong truyện Bến quê – mẫu 3
Thiên nhiên trong truyện ngắn “Bến quê” không mang vẻ đẹp như thiên nhiên trong nhiều thi phẩm khác mà ta đã được biết. Nếu như trong các tác phẩm “Cô Tô” của Nguyễn Tuân, “Sang thu” của Hữu Thỉnh, “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận, hay “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long… cảnh thiên nhiên đẹp rực rỡ, lung linh, huyền ảo, mộng mơ được cảm nhận qua tâm hồn rung cảm của người nghệ sĩ thì trong truyện ngắn “Bến quê”, thiên nhiên hiện lên dung dị hơn qua cảm nhận của một người con quê hương.
Đoạn truyện đã thể hiện rõ cái cảm quan hiện thực của người viết – một cái nhìn thiên nhiên, khung cảnh rất đời, rất gần gũi. Trong những giây phút cuối đời, anh nhìn ra ngoài cửa sổ, nhận thấy những thay đổi rất nhỏ nhặt như “những cánh hoa bằng lăng dường như thẫm mầu hơn – một màu tím thẫm như bóng tối”. Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khung cửa gian gác nhà Nhĩ một một thứ màu vàng thau xen lẫn màu xanh non- những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, như hơi thở của đất màu mỡ . Những sắc màu thân thuộc như khí trời, hơi thở, gần gũi như đời sống nhưng dường như lần đầu tiên Nhĩ mới nhận ra, mới thấm thía hết vẻ đẹp của nó. Phải chăng, trong cuộc sống bình dị cũng có những nét đẹp của nó nhiều khi không dễ nhận ra. Trong câu hỏi anh hỏi vợ : “Đêm qua em có nghe thấy tiếng gì không ?” ta bắt gặp những âm thanh quen thuộc mà bình thường Nhĩ cũng chẳng bận tâm, nhưng giờ đây với anh nó thật thân thuộc và quý giá biết bao ! Hình ảnh cánh buồm nâu cứ trở đi trở lại trên con sông như đọng lại trong tâm tưởng của Nhĩ, anh quá hiểu rằng mình chỉ có thể sang bờ đất mơ ước trong tâm tưởng mà thôi. Cánh buồm tượng trưng cho sự nghèo đói của quê hương được nhìn dưới con mắt đầy tình yêu thương và xót xa của Nhĩ. Mảnh vá trên cánh buồm hay trên tấm áo của Liên…. Đó là tất cả hình ảnh quê hương gần gũi, yêu thương mà nặng trĩu niềm xót xa, thương cảm. Hình ảnh quê hương trong văn học Việt Nam vốn hiện lên với nét đẹp rất thơ mộng… Trên trang văn của Nguyễn Minh Châu thì khác hẳn, quê hương vất vả tiêu điều, trong sự tần tảo sớm hôm. Đằng sau sự gắn bó với quê hương, với bờ bãi bên kia sông gần gũi mà xa lắc, ẩn dưới nó là nỗi niềm day dứt gần như xót xa. Cái nhìn thiên nhiên của Nhĩ là một cái nhìn rất hiện thực, rất đời, rất tỉnh táo mà chan chứa tình yêu thương da diết.
Giờ đây, trong những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời, Nhĩ mới thấm thía. Anh đang cố gắng bấu chặt tay vào cửa sổ như bám chặt lấy niềm hạnh phúc cuối cùng. Anh run lên trong nỗi xúc động, nỗi mê say đầy đau khổ. Phải chăng lúc này, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh như tờ giấy ? Phải chăng anh đang cảm nhận được sự ngắn ngủi của đời người ? Vì thế anh lấy hết sức “đu mình, nhô người ra ngoài cửa sổ” như để được đến gần hơn với miền đất mơ ước. Cánh tay gầy guộc như khẩn thiết ra hiệu cho con trai thực hiện niềm mong ước cuối cùng này của mình hay như muốn chạm vào, muốn với đến miền đất mơ ước ? Cánh tay vẫy vẫy đó cũng như đang vẫy chào con đò, tạm biệt con đò quen thuộc đã chở nặng mơ ước của Nhĩ, con đò đã đưa Nhĩ sang sông trong tâm tưởng, với niềm mê say đầy đau khổ với quê hương, với cuộc sống. Cái vẫy tay ấy như lời vĩnh biệt của anh, vĩnh biệt tất cả những gì là thân thuộc, gần gũi, những nét đẹp vĩnh hằng của đời sống mà nhiều khi những bận rộn lo toan, mục đích của cuộc sống đã che lấp khiến cho chúng ta không dễ nhận ra, khi nhận ra thì cũng là lúc anh phải xa lìa.
Đó cũng là lời nhắc nhở đầy xót xa, day dứt của Nguyễn Minh Châu tới tất cả chúng ta : hãy sống có ích, đừng sa đà vào những điều vòng vèo, chùng chình, những cám dỗ, hãy dứt ra khỏi nó để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, hãy dứt khỏi nó để hướng tới những giá trị đích thực, vốn giản dị, gần gũi và bền vững của gia đình và quê hương.