Bộ Đề Thi Ngữ Văn Lớp 10 (Có Lời Giải)

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 10: tại đây

Phòng Giáo dục và Đào tạo …..

Đề kiểm tra 1 tiết Học kì 2

Môn: Ngữ văn 10

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề 1)

Phần I. Đọc hiểu (4 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắt nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận cảu những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.

    (Theo A.L.Ghec-xen, 3555 câu danh ngôn,

    NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1997)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2: Nêu nội dung chính của văn bản trên.

Câu 3: Chỉ ra tác dụng của việc dùng phép so sánh trong văn bản trên.

Câu 4: Theo quan điểm riêng của anh/ chị, cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình gây ra những tác hại gì? (Trả lời ít nhất 2 tác hại trong khoảng 5-7 dòng)

Phần II. Làm văn (6 điểm)

Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh của đất nước quê hương.

Đáp án và thang điểm

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: phương thức nghị luận/Nghị luận.

Câu 2. Nội dung chính của văn bản trên: khẳng định cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống sai lầm/bác bỏ một quan niệm sống sai lầm: sống bó hẹp trong ngưỡng cửa nhà mình.

Câu 3.

– Tác giả đã so sánh cuộc sống của mỗi người (cuộc sống đầy đủ tiện nghi; cuộc sống biệt lập;cuộc sống lúc sóng gió; …) với một mảnh vườn (mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm, sạch sẽ và gọn gàng; mảnh vườn có lớp rào bao quanh; mảnh vườn lúc dông tố nổi lên;…).

– Tác dụng: việc sử dụng pháp so sánh khiến đoạn văn trở nên sinh động, truyền cảm, dễ hiểu, có sức thuyết phục cao chứ không khô khan như khi chỉ sử dụng lí lẽ thuần túy.

Câu 4. Nêu ít nhất 02 tác hại của cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ở bên ngoài ngưỡng cửa nhà mình theo quan điểm riêng của bản thân, không nhắc lại quan điểm của tác giả trong đoạn trích đã cho. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục.

Phần II: Làm văn

Dàn ý:

1. Mở bài : Giới thiệu về vị trí danh lam thắng cảnh (vịnh Hạ Long) đối với quê hương đất nước.

2. Thân bài :

– Vị trí địa lí :

    + Thuộc tỉnh Quảng Ninh, cách Hà Nội 151km về phía Đông Bắc.

    + Là một phần của vịnh Bắc Bộ gồm vùng biển thuộc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần huyện đảo Vân Đồn.

    + Tiếp giáp về các phía Đông, Tây, Nam, Bắc.

    + Diện tích : 1553km2, với gần 2000 hòn đảo lớn nhỏ.

– Nguồn gốc :

    + Tên gọi Hạ Long theo nghĩa Hán Việt nghĩa là rồng đáp xuống.

    + Xuất phát từ truyền thuyết : Khi người Việt mới lập nước đã bị nạn ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp đỡ. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống gọi là Hạ Long, nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long, chỗ đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xóa là Bạch Long Vĩ.

– Đặc điểm – cấu tạo :

    + Có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch.

    + Trên đảo là hệ thống hang động phong phú với những nhũ đá có màu sắc đa dạng, huyền ảo. Một số hang mang dấu tích người tiền sử.

    + Vùng lõi có diện tích 434km2, như một tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía Tây), hồ Ba Hầm (phía Nam), đảo Cống Tây (phía Đông) với 775 đảo với nhiều hang động, bãi tắm. Vùng kế bên (vùng đệm) là di tích danh thắng quốc gia đã được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam xếp hạng từ năm 1962.

    + Địa hình Hạ Long là đảo, núi xen kẽ giữa các trũng biển, là vùng đất mặn có sú vẹt mọc và những đảo đá vôi vách đứng tạo nên những vẻ đẹp tương phản, hài hòa, sinh động giữa các yếu tố : đá, nước và bầu trời…

– Vai trò và ý nghĩa :

    + Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1994 và 2000.

    + Thu hút nhiều khách du lịch và các nhà đầu tư phát triển kinh tế, tăng nguồn thu cho đất nước.

    + Là nơi thích hợp nghiên cứu thạch nhũ, nghiên cứu hệ sinh thái, khảo cổ.

3. Kết bài : Vịnh Hạ Long là niềm tự hào của thiên nhiên, đất nước Việt Nam. Mỗi người dân Việt cần phát huy, giữ gìn nét văn hóa của danh lam thắng cảnh đất nước.

Phòng Giáo dục và Đào tạo …..

Đề kiểm tra 1 tiết Học kì 2

Môn: Ngữ văn 10

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề 2)

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc câu chuyện sau và trả lời các câu câu hỏi bên dưới:

Tôi vốn là một tảng đá khổng lồ trên núi cao, trải qua bao năm tháng dài đằng đẵng bị mặt trời nung đốt, người tôi đầy vết nứt. Tôi vỡ ra và lăn xuống núi, mưa bão và nước lũ cuốn tôi vào sông suối. Do liên tục bị va đập, lăn lộn, tôi bị thương đầy mình. Nhưng rồi chính những dòng nước lại làm lành những vết thương của tôi. Và tôi trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ.

Câu 1: Hãy nêu ngắn gọn nội dung câu chuyện?

Câu 2: Những từ ngữ “nung đốt”, “vết nứt”, “vỡ ra”, “va đập”, “lăn lộn”, “bị thương” cùng nhằm biểu đạt nội dung gì? Từ câu chuyện trên, anh/chị rút ra bài học gì về cuộc sống?

Phần II. Làm văn (7 điểm)

Thuyết minh về tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”.

Đáp án và thang điểm

Phần I. Đọc hiểu

Câu 1:

Câu chuyện kể về hành trình của hòn sỏi từ đảng đá khổng lồ, gồ ghề, nứt nẻ trải qua nhiều va đập trở thành hòn sỏi láng mịn.

Câu 2:

– Những từ ngữ “nung đốt”, “vết nứt”, “vỡ ra”, “va đập”, “lăn lộn”, “bị thương”, cùng nhằm biểu đạt những khó khăn thử thách, chông gai trên đường đời.

– Bài học về cuộc sống: Cuộc sống chẳng bao giờ chỉ mang đến hạnh phúc, cũng chẳng bao giờ chỉ mang đến nỗi đau. Vượt qua gian khổ, vượt qua những thử thách, vượt qua những nỗi đau cũng là tự vượt qua chính mình để vươn lên và sống có ích cho đời.

Phần II: Làm văn

1. Mở bài : Giới thiệu khái quát về tác phẩm (tác giả, thời gian, ý nghĩa chính)

2. Thân bài :

– Đôi nét về tác giả.

– Giới thiệu về Truyền kì mạn lục : ghi chép những chuyện lạ trong dân gian vào các thời Lí, Trần, Hồ, Lê sơ.

– Tóm tắt ngắn gọn truyện.

– Nội dung :

    + Vạch trần bộ mặt gian tà của không ít kẻ đương quyền hay dối lừa, tố cáo hiện thực. Tử Văn buột miệng “Sao mà nhiều thần quá vậy ?” cũng cho thấy một xã hội phong kiến quá nhiều kẻ hữu danh vô thực, lợi dụng địa vị làm điều bất chính.

    + Đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác của Ngô Tử Văn.

    + Thể hiện niềm tin công lí của nhân dân.

– Nghệ thuật :

    + Yếu tố kì ảo.

    + Nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, nhân vật sắc nét, tình tiết và diễn biến truyện giàu kịch tính.

3. Kết bài : Nhận xét, đánh giá về giá trị, vị trí tác phẩm.

Phòng Giáo dục và Đào tạo …..

Đề kiểm tra 1 tiết Học kì 2

Môn: Ngữ văn 10

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề 3)

Phần I. Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc đoạn văn sau và thực hiện theo yêu cầu:

“Than ôi! Người ta thường nói:“Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm?

Ngô Tử Văn là một chàng áo vải. Vì cứng cỏi cho nên dám đốt cháy đền tà, chống lại yêu ma, làm một việc hơn cả thần và người. Bởi thế được nổi tiếng và được giữ chức vị ở Minh ti, thật là xứng đáng. Vậy kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi.”

(Trích Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên, SGK Ngữ văn 10, trang 60, tập II, NXBGD 2006)

Câu 1: Nêu nội dung chính của văn bản.

Câu 2: Văn bản có nhắc đến hành động đốt cháy đền tà của Ngô Tử Văn, hãy nêu cụ thể những chi tiết liên quan đến ngôi đền này.

Câu 3: Qua văn bản, nhà văn Nguyễn Dữ tỏ thái độ, tình cảm như thế nào với nhân vật Ngô Tử Văn?

Câu 4: Câu văn nào trong văn bản có ý bác bỏ quan niệm “đổi cứng ra mềm” của những kẻ sĩ cơ hội, cầu an? Cách bác bỏ thuyết phục người đọc nhờ dựa trên cơ sở nào?

Câu 5: Sau khi đọc truyện có bạn học sinh cho rằng: “Trong thực tế, không nên sống “cứng cỏi” theo kiểu Ngô Tử Văn vì như vậy chỉ mang lại sự thiệt thòi cho bản thân.” Anh/ chị có đồng ý với ý kiến đó không? Hãy viết đoạn văn (khoảng 15-20 dòng) trình bày quan điểm của mình.

Phần II. Làm văn (5 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau:

   […] Cậy em em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

   Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

   Kể từ khi gặp chàng Kim,

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề.

   Sự đâu sóng gió bất kì,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.

   Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ thay lời nước non.

   Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

   (Trao duyên trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, Sách Ngữ văn lớp 10, tập 2)

Đáp án và thang điểm

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1: Nội dung chính:

Lời răn về nhân cách của kẻ sĩ: phải sống cương trực, ngay thẳng, cứng cỏi.

Câu 2:

Những chi tiết liên quan đến ngôi đền:

– Ngôi đền vốn trước đây là đền thờ thổ công.

– Sau bị tên Bách hộ họ Thôi là bộ tướng của Mộc Thạnh tử trận gần đấy chiếm lấy, rồi làm yêu làm quái trong dân gian.

Câu 3:

Nhà văn Nguyễn Dữ tỏ thái độ, tình cảm: ca ngợi, khâm phục sự cứng cỏi và lòng can đảm của nhân vật Ngô Tử Văn.

Câu 4:

– Câu văn trong văn bản có ý bác bỏ quan niệm “đổi cứng ra mềm” của những kẻ sĩ cơ hội, cầu an: Vậy kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi.

– Cách bác bỏ thuyết phục người đọc dựa trên cơ sở:

   + Lí lẽ: Than ôi! Người ta vẫn nói: “Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời.

   + Dẫn chứng thực tế: hành động của Ngô Tử Văn được ngợi ca

Câu 5:

– Dẫn đề

– Đồng ý hoặc không đồng ý với ý kiến trên

– Đưa ra được quan điểm của cá nhân thông qua lí lẽ, dẫn chứng

– Rút ra bài học cho bản thân/chốt lại vấn đề

Lưu ý: Quan điểm cá nhân phải tích cực, dựa trên đạo đức văn hóa và lối sống của người Việt Nam.

Phần II : Làm văn

* MB: Giới thiệu tác giả Nguyễn Du, tác phẩm Truyện Kiều, đoạn trích Trao duyên trích (vị trí, tóm tắt đoạn trích). Trích thơ

* TB: Cần trình bày các ý sau:

1. Giới thiệu chung: vị trí đoạn trích, nội dung,…

2. Phân tích

HS có thể phân tích các ý sau:

– Hai câu thơ đầu: Lời nhờ cậy

   + Đây là lời nhờ cậy, tác giả đã đặt Thúy Kiều vào hoàn cảnh éo le để nàng tự bộc lộ tâm trạng, nhân cách của mình. Kiều buộc phải trao duyên, nàng làm như vậy là thực hiện một chuyện tế nhị, khó nói. (Phân tích rõ từ “cậy”, từ “chịu” để thấy được Thúy Kiều hiểu hoàn cảnh của Thúy Vân, nàng ý thức được việc mình nói ra mang tính chất rất hệ trọng, việc nàng nhờ cậy có thể làm em lỡ cả đời)

   + Khung cảnh “em” – “ngồi”, “chị” – “lạy”, “thưa”. Ở đây có sự đảo lộn ngôi vị của hai chị em trong gia đình, diễn tả việc nhờ cậy là vô cùng quan trọng, thiêng liêng, nghiêm túc.

Thúy Kiều là người khéo léo, thông minh, tế nhị, kín đáo, coi trọng tình nghĩa.

– 6 câu tiếp: Lời giãi bày nỗi lòng mình

   + Thúy Kiều nói về hoàn cảnh éo le của mình

   + Kiều nói vắn tắt về mối tình đẹp nhưng dang dở với Kim Trọng (điệp từ “khi” nhấn mạnh tình yêu sâu nặng, gắn bó bền chặt của Kim-Kiều.)

   + Nàng nhắc đến các biến cố đã xảy ra khiến Kiều không thể tiếp tục cuộc tình của mình.

   + Kiều xin em hãy “chắp mối tơ thừa” để trả nghĩa cho chàng Kim.

– Bốn câu tiếp: Lời thuyết phục.

   + Thúy Kiều thuyết phục em nhờ vào lí lẽ:

   + Nhờ vào tuổi xuân của em

   + Nhờ vào tình máu mủ chị em

   + Dù đến chết Kiều vẫn ghi ơn em, biết ơn sự hi sinh của em.

Đó là những lời nói, lí lẽ khéo léo, tinh tế làm tăng tính thuyết phục của lời nói, tạo tính chất lời nói thiết tha, kín kẽ, tế nhị. Giọng thơ khẩn khoản, cách ngắt nhịp thơ đem lại sắc thái trang trọng.

– Nghệ thuật:

   + Miêu tả tinh tế nội tâm nhân vật

   + Ngôn từ chọn lọc, sử dụng nhiều biện pháp tu từ.

* KB: Khẳng định lại nội dung, nghệ thuật, khẳng định tài năng của tác giả.

Phòng Giáo dục và Đào tạo …..

Đề kiểm tra 1 tiết Học kì 2

Môn: Ngữ văn 10

Thời gian làm bài: 45 phút

(Đề 4)

Phần I. Đọc hiểu (5 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

   Mẹ ta không có yếm đào

Nón mê thay nón quai thao đội đầu

   Rối ren tay bí tay bầu

Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

   Cái cò…sung chát…đào chua

Câu ca mẹ hát gió đưa về trời

   Ta đi trọn kiếp con người

Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

   (Trích Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – Nguyễn Duy)

Câu 1: Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2: Trong bốn câu thơ đầu, hình ảnh người mẹ được gợi lên qua những chi tiết nào?

Câu 3: Hãy chỉ ra những câu thơ sử dụng chất liệu ca dao trong đoạn trích?

Câu 4: Nghĩa của từ đi trong hai câu thơ cuối là gì?

Phần II. Làm văn (5 điểm)

Anh/chị hãy cảm nhận tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn thơ sau:

   Chiếc vành với bức tờ mây,

Duyên này thì giữ vật này của chung.

   Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.

   Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.

   Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy so tơ phím này.

   Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

   Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.

   Dạ đài cách mặt khuất lời,

Rưới xin giọt nước cho người thác oan.

   (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du, Ngữ Văn 10, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)

Đáp án và thang điểm

Phần I: Đọc hiểu.

Câu 1. Các phương thức biểu đạt: Tự sự, miêu tả, biểu cảm.

Câu 2. Hình ảnh người mẹ được gợi lên trong bốn câu thơ đầu qua các chi tiết: yếm đào, nón mê, nón quai thao, tay bí, tay bầu, váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu.

Câu 3. Những câu thơ sử dụng chất liệu ca dao trong đoạn trích:

Cái cò …sung chát…đào chua

Câu ca mẹ hát gió đưa về trời

Câu 4. Nghĩa của từ đi trong hai câu thơ: ta đi trọn kiếp người/cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

• Chữ đi trong câu thơ thứ nhất nghĩa là: sống, là trải qua kiếp người.

• Chữ đi trong câu thơ thứ hai nghĩa là: thấu hiểu và cảm nhận.

Phần II: Làm văn

* Mở bài: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.

* Thân bài:

– Nêu hoàn cảnh, xuất xứ đoạn trích:

+ Tình yêu của Kim-Kiều đang mặn nồng thì gia đình Kiều gặp tai biến. Kiều quyết định bán mình chuộc cha.

+ Đêm trước ngày đi theo Mã Giám Sinh, Kiều đã nhờ Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Sau lời trao duyên, Kiều trao kỉ vật tình yêu cho Thúy Vân.

– Tâm trạng của Kiều sau khi trao kỉ vật: Có sự giằng xé giữa từ bỏ và níu kéo càng làm rõ hơn nỗi đau khi mất tình yêu.

– Sau khi trao kỉ vật tình yêu, Kiều tưởng tượng ra một tương lai xót xa: đó là cái chết, là một oan hồn, cầu xin người thân hãy hóa giải linh hồn đau khổ…

→ Tình yêu mãnh liệt, đắm say mà Thúy Kiều dành cho Kim Trọng, khi tình yêu không còn thì cũng coi như mình đã chết.

– Nghệ thuật của đoạn trích: Phân tích tâm lý tinh tế, kết hợp giữa độc thoại và đối thoại  Làm nổi bật tâm trạng của Thúy Kiều khi tình yêu tan vỡ và những phẩm chất đáng quý của Thúy Kiều trong tình yêu. Đoạn trích cũng cho thấy sức cảm thông lạ lùng của Nguyễn Du dành cho Thúy Kiều.

* Kết bài: Đánh giá những thành công về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1126

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống