Xem toàn bộ tài liệu Lớp 12: tại đây
I. Quần thể
– Quần thể sinh vật là tập hợp các cá thể cùng loài, cùng sinh sống trong một khoảng không gian xác định, vào một thời gian nhất định, có khả năng sinh sản và tạo lên thế hệ mới.
– Trong quần thể, các cá thể luôn gắn bó chặt chẽ với nhau thông qua các mối quan hệ hỗ trợ hoặc cạnh tranh
+ Quan hệ hỗ trợ: các cá thể giúp đỡ nhau khai thác nguồn sống của môi trường. Quan hệ này diễn ra khi nguồn sống môi trường còn nhiều, mật độ cá thể còn thưa thớt.
+ Quan hệ cạnh tranh:xuất hiện khi mật độ cá thể tăng cao, nguồn sống trong môi trường không đủ cung cấp cho các cá thể trong quần thể. Cạnh tranh là phương thức thích nghi của quần thể. Nhờ có cạnh tranh mà số lượng và sự phân bố của các cá thể trong quần thể được duy trì ở mức độ phù hợp
II. Các đặc điểm cơ bản của quần thể
1. Tỉ lệ giới tính
– Tỉ lệ giới tính là tỉ lệ giữa số lượng cá thể đực và số lượng cá thể cái.
– Trong quá trình sống, tỉ lệ này có thể thay đổi tuỳ thuộc từng loài, từng thời gian và điều kiện sống.
– Tỉ lệ giới tính của quần thể là đặc trưng quan trọng đảm bảo hiểu quả sinh sản của quần thể trong điều kiện môi trường thay đổi
2. Nhóm tuổi
– Mỗi quần thể có cấu trúc tuổi đặc trưng. Cấu trúc này luôn thay đổi phụ thuộc vào điều kiện sống của môi trường.
+ Khi nguồn sống của môi trường suy giảm, xảy ra các điều kiện bất lợi thì các cá thể non và già bị chết nhiều hơn các cá thể trưởng thành.
+ Trong điều kiện thuận lợi, nguồn sống dồi dào, con non lớn lên nhanh chóng, tỉ lệ tử vong giảm, kích thước quần thể tăng cao.
– Các nghiên cứu về thành phần nhóm tuổi giúp chúng ta có kế hoạch bảo vệ và khai thác tài nguyên sinh vật có hiệu quả
3. Sự phân bố cá thể trong quần thể
– Có 3 kiểu phân bố cá thể thường gặp: phân bố theo nhóm, phân bố đồng đều và phân bố ngẫu nhiên.
– Phân bố ngẫu nhiên là dạng phân bố phổ biến nhất; thường gặp khi điều kiện sống phân bố không đồng đều.
– Phân bố đồng đều thường gặp khi điều kiện sống phân bố đồng đều và giữa các cá thể có sự cạnh tranh gay gắt.
– Phân bố ngẫu nhiên là dạng trung gian giữa hai dạng trên; xảy ra khi điều kiện môi trường phân bố đồng đều và giữa các cá thể không có sự cạnh tranh gay gắt.
4. Mật độ cá thể
– Mật độ quần thể là số lượng hay khối lượng sinh vật có trong một đơn vị diện tích hay thể tích.
– Mật độ cá thể được coi là một trong những đặc trưng cơ bản nhất của quần thể. Vì: mật độ cá thể ảnh hưởng tới mức độ sử dụng nguồn sống trong môi trường, khả năng sinh sản và tử vong.
– Mật độ cá thể của quần thể không cố định mà thay đổi theo mùa, năm hoặc theo điều kiện môi trường.
5. Kích thước quần thể
– Kích thước của quần thể sinh vật là số lượng cá thế (hoặc khối lượng hoặc năng lượng tích luỹ trong các cá thể) phân bố trong khoảng không gian của quần thể.
– Kích thước của quần thể dao động từ kích thước tối thiểu đến kích thước tối đa.
+ Kích thước tối thiểu: số lượng cá thể ít nhất mà quần thể cần có để duy trì và phát triển. Nếu kích thước quần thể xuống dưới mức tối thiểu, quần thể dễ rơi vào trạng thái suy giảm dẫn tới diệt vong.
+ Kích thước tối đa:là giới hạn lớn nhất về số lượng cá thể mà quần thể có thể đạt được, phù hợp với khả năng cung cấp nguồn sống mà môi trường có thể cung cấp. Nếu kích thước quá lớn, cạnh tranh giữa các cá thể tăng lên, một số cá thể di cư khỏi quần thể, mức tử vong cao.
– Kích thước của quần thể luôn phụ thuộc và 4 yếu tố: mức độ sinh sản, mức độ tử vong, mức độ xuất cư và nhập cư của các cá thể.
6. Tăng trưởng của quần thể
– Trên lý thuyết, nếu nguồn sống của môi trường vô cùng dồi dào, không gian cư trú không giới hạn thì quần thể sẽ liên tục phát triển, tạo thành đường cong chữ J
– Trong thực tế, tăng trưởng của quần thể thường bị giới hạn bởi nhiều yếu tố: điều kiện sống không thuận lợi, …Khi đó đường cong tăng trưởng thực tế có dạng chữ S