Xem toàn bộ tài liệu Lớp 9: tại đây
Lý thuyết Công nghệ 9 Bài 1: Giới thiệu nghề sửa chữa xe đạp
I – VAI TRÒ, VỊ TRÍ CỦA NGHỀ SỬA CHỮA XE ĐẠP
Xe đạp là phương tiện giao thông đơn giản thuận tiện, rẻ tiền và dễ sử dụng cho mọi người. Xe đạp không chỉ sử dụng với mục đích làm phương tiện đi lại, mà còn dùng như một dụng cụ thể thao rèn luyện sức khoẻ. Đặc biệt ở lứa tuổi học trò, xe đạp là phương tiện chủ yếu để các em đi đến trường.
Thuỷ tổ của xe đạp là một chiếc xe đẩy chân do Baron Von Drais người Đức phát minh năm 1817, nó làm bằng gỗ, không có xăm, lốp, không có lò xo ở yên xe. Xe chạy trên đường do chân người đẩy trên mặt đường nên rất vất vả.
Năm 1865, một nhà làm xe ngựa ở Paris là P. Misau và con trai là Ernest đã cải tiến chiếc xe đạp. Họ nghĩ cách lắp hai khung đỡ nhỏ trên trục, bánh trước làm nơi nghỉ chân. Sau đó họ nghĩ: nếu trên trục bánh trước lắp cái trục có đùi cong, dùng hai chân đạp, có thể làm cho bánh xe quay ngược, xe đạp có bàn đạp được phát minh.
Năm 1870, James Stanley và W.J Gourt người Anh sáng chế xe đạp sử dụng nan hoa bằng thép để căng vành xe, xe đạp bánh lốp xuất hiện.
Về sau, xe đạp đều có nan hoa bằng thép. Ngày nay còn có xe đạp bánh liền hoặc nan hoa to đúc liền.
Trong kháng chiến chống Pháp và Mĩ, xe đạp được dùng để vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược từ hậu phương ra tiền tuyến, góp phần rất lớn chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Đó là chiếc xe đạp thể thao Lotus, chiếc xe đạp này đem lại cho tay đua người Anh Chris Boardman chiếc huy chương vàng tại Thế vận hội 1992 ở cự li 4000m. Hình dáng của nó rất đặc biệt.
Xe đạp bánh có nan hoa khi chạy với vận tốc cao, nan hoa gây ra luồng không khí xoáy, có sức cảm tương đối lớn, nên bánh xe đạp đua không làm theo dạng nan hoa mà làm theo dạng bánh đúc liền.
Nhờ có loại vật liệu mới, khả năng chịu lực cao, rất nhẹ đã làm cho chiếc xe đạp trở nên vững chắc hơn, nhẹ hơn và giảm lực cản. Khung xe được đúc liền khối, tư thế vận động viên đi xe gập người lại và thu gọn, giảm lực cản của gió. Lốp xe nhỏ hơn, giảm lực cản ma sát với đường đi, tăng tốc độ xe.
Các loại xe đạp ngày nay về cơ bản đều có các bộ phận chính tương tự nhau về cấu tạo và nguyên lí hoạt động.
Xe đạp vẫn là phương tiện thuận lợi nhất bởi vừa nhẹ, dễ điều khiển, tốc độ phù hợp, không đắt tiền, không làm ô nhiễm môi trường và rèn luyện sức khoẻ.
Sửa chữa xe đạp là một nghề phổ thông, những người thợ đều tự học hoặc được truyền nghề không qua một lớp đào tạo nào. Thực tế, xe đạp được sử dụng rất nhiều nên nhu cầu sửa chữa xe đạp là cần thiết.
Sửa chữa xe đạp là nghề thuộc lĩnh vực cơ khí nên khi học sửa chữa xe đạp các em sẽ có được một số khái niệm, kĩ năng của lĩnh vực này. Thông qua việc học sửa chữa xe đạp, các em có thể tự sửa chữa được xe đạp của mình và gia đình, tự thấy mình có khả năng yêu thích lĩnh vực cơ khí.
II – ĐẶC ĐIỂM VÀ YÊU CẦU CỦA NGHỀ
1. Đặc điểm
– Đối tượng lao động: các loại xe đạp thông dụng hiện hành bị hư hỏng và vật liệu dùng để sửa chữa xe đạp.
– Nội dung lao động: tháo lắp, kiểm tra, điều chỉnh và sửa chữa những hư hỏng của xe đạp.
– Công cụ lao động: bộ đồ nghề sửa chữa xe đạp.
– Điều kiện lao động: trên mặt đất, trong môi trường tự nhiên hoặc trong nhà.
– Sản phẩm lao động: chiếc xe đạp hoạt động tốt.
2. Yêu cầu của nghề đối với người sửa chữa xe đạp
– Về kiến thức : Hiểu biết những kiến thức cơ bản về lĩnh vực cơ khí như: bộ truyền động cơ khí, bộ biến đổi chuyển động…
– Về kĩ năng: Sửa chữa được những hư hỏng thông thường xe đạp.
– Thái độ : Yêu thích các công việc của nghề sửa chữa xe đạp, không ngại bẩn, dầu mỡ, cẩn thận,
– Về sức khoẻ: đủ điều kiện sức khoẻ bình thường, không mắc các bệnh truyền nhiễm; không dị ứng với dầu, mỡ bôi trơn.
3. An toàn lao động
– Chú ý sử dụng các dụng cụ sửa chửa cẩn thận, đúng quy cách, dụng cụ dùng xong để gọn gàng vào hộp đồ sửa chữa.
– Cẩn thận khi sử dụng búa và các dụng cụ sắc nhọn khác như: dao, kéo, tua vít… để không gây tai nạn cho người sử dụng.
– Bố trí nơi làm việc không gần những vật dễ cháy, nổ.
III – TRIỂN VỌNG CỦA NGHỀ
Như chúng ta đã biết, xe đạp là phương tiện giao thông thuận lợi, đơn giản cho nhiều người.
Khi xã hội càng phát triển thì việc gìn giữ, bảo vệ được môi trường ngày càng cấp thiết. Ở nhiều thành phố, các phương tiện giao thông thải ra nhiều lượng khí thải độc hại, làm bầu không khí không còn trong sạch.
Mặt khác, việc khai thác các nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, do vậy xe đạp vẫn là phương tiện giao thông không thể loại bỏ, là phương tiện chủ yếu cho trẻ em và người già. Do đó nhu cầu sửa chữa xe đạp ngày càng tăng về sự phát triển dân số dân số.