Xem toàn bộ tài liệu Lớp 9: tại đây
I – GÍA TRỊ CỦA VIỆC TRỒNG CÂY ĂN QUẢ
Trồng cây ăn quả có ý nghĩa rất lớn đối với con người, xã hội và thiên nhiên môi trường.
1. Giá trị dinh dưỡng: Quả để ăn có chứa nhiều loại đường dễ tiêu, các axit hữu cơ, protein, chất béo, chất khoáng và nhiều loại vitamin A, B1, B2, B6, PP, C. Đây là nguồn dinh dưỡng rất cần thiết cho mọi lứa tuổi và nghề nghiệp khác nhau.
2. Quả và một số bộ phận khác của cây (rễ, lá, vỏ cây, hoa, hạt,…) có khả năng chữa được một số bệnh (suy nhược thần kinh, cao huyết áp, dạ dày,…)
3. Quả là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến bánh kẹo, đồ hộp, rượu,… Ngoài ra, quả còn là mặt hàng xuất khẩu có hiệu quả kinh tế cao Thu nhập từ 1 ha cây ăn quả gấp 2 – 3 lần, thậm chí là 10 lần so với trồng lúa.
4. Cây ăn quả có tác dụng lớn đến việc bảo vệ môi trường sinh thái:làm sạch không khí, giảm tiếng ồn, làm rừng phòng hộ, hàng rào, chắn gió, làm đẹp cảnh quan,… Ngoài ra trồng cây ăn quả còn có tác dụng chống xói mòn, bảo vệ đất…
II – ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT VÀ YÊU CẦU NGOẠI CẢNH CỦA CÂY ĂN QUẢ
1. Đặc điểm thực vật
a) Rễ: Rễ cây ăn quả gồm hai loại
Rễ mọc thẳng xuống đất (rễ cọc). Tuỳ theo mỗi loại cây, loại rễ này có thể xuống sâu từ 1 – 10 mét giúp cây đứng vững, hút nước, chất dinh dưỡng nuôi cây.
Rễ mọc ngang, hỏ và nhiều, phân bố tập trung ở lớp mặt đất có độ sâu từ 0,1- 10 mét. Nhiệm vụ chủ yếu rễ là hút nước, chất dinh dưỡng.
b) Thân:
Thân cây ăn quả phần lớn là thân gỗ, có tác dụng làm giá đỡ cho cây. Trên thân chính mọc ra các cành phân bố theo cấp độ khác nhau: Cành cấp 1 phát sinh từ trục chính của thân, cành cấp II phát sinh từ cành cấp I… Cứ theo thứ tự như vậy tới các cành cấp V, VI. Các cành cấp V thường là các cành mang quả.
c) Hoa
Cây ăn quả nhìn chung có ba loại hoa:
– Hoa đực: Nhị phát triển. Nhuỵ không phát triển.
Hoa cái: Nhuỵ phát triển. Nhị không phát triển.
Hoa lưỡng tính: Nhị, nhuỵ cùng phát triển.
Nghiên cứu đặc điểm sinh học của hoa giúp cho việc tạo giống, nhân giống cây và có biện pháp điều khiển cho cây đậu quả cao.
d) Quả và hạt
– Cây ăn quả nhìn chung có nhiều loại quả như quả hạch (đào, mận, mơ,…), quả mọng (cam, quýt,…), quả có vỏ cứng (dừa, đào lộn hột…).
– Số lượng, hình dạng, màu sắc của hạt tuỳ thuộc từng loại quả.
Biết được đặc điểm của quả, hạt sẽ giúp cho việc chọn giống, bảo quản, chế biến và vận chuyển phù hợp.
2. Yêu cầu ngoại cảnh
Cây ăn quả là loại cây lâu năm, chịu tác động của các yếu tố ngoại cảnh như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, đất, chất dinh dưỡng.
a) Nhiệt độ
Cây ăn quả ở nước ta rất đa dạng, có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới. Vì vậy, yêu cầu nhiệt độ của chúng rất khác nhau.
Ví dụ: Nhiệt độ thích hợp với cây chuối từ 250C – 300C; với cây cam, quýt từ 250C – 270C; trong quá trình sinh trưởng, phát triển, cây đào cần nhiệt độ thấp 7,20C trong thời gian 200 – 1000 giờ; cây vải cần có nhiệt độ thấp ở thời kì phân hoá mầm hoa (từ tháng 1 – 2).
b) Độ ẩm, lượng mưa
Nói chung các loại cây ăn quả đều ưa độ ẩm không khí khoảng 80 – 90%, lượng mưa hàng năm từ 1000 – 2000m và phân bố đều trong năm.
Cây ăn quả chịu được hạn nhưng chịu úng kém. Vì vậy, cây thường được trồng ở nơi đất cao, không bị úng ngập.
c) Ánh sáng
Cây ăn quả là cây ưa sáng, nhưng cũng có một số cây chịu được bóng râm (dâu tay, dứa…)
d) Chất dinh dưỡng
Cây ăn quả là cây lâu năm. Trong quá trình sinh trưởng phát triển: cành, lá phát triển mạnh; hoa, quả nhiều nên cần đủ các chất dinh dưỡng đạm(N), lân (P), kali (K) và nguyên tố vi lượng
Yêu cầu tỉ lệ các chất dinh dưỡng tuỳ thuộc vào loại cây, thời kì sinh trưởng, phát triển của cây. Nên sử dụng phân chuồng để bón lót trước khi trồng. Bón thúc bằng phân chuồng đã ủ hoại vào thời kì sau thu hoạch. Cần ưu tiên bón đạm, lân vào thời kì đầu, bón kali vào thời kì cuối của giai đoạn ra hoa, ra quả.
e) Đất
Cây ăn quả có bộ rễ ăn sâu và phát triển tốt trên các loại đất có tầng dày, kết cấu tốt, nhiều chất dinh dưỡng, ít chua, dễ thoát nước. Các loại đất đỏ, đất phù sa ven sông là thích hợp.
III – KĨ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY ĂN QUẢ
1. Giống cây
Giống cây ăn quả ở nước ta rất phong phú, đa dạng, bao gồm ba nhóm: cây ăn quả nhiệt đới, á nhiệt đới và ôn đới.
Để có nhiều giống cây ăn quả có chất lượng cao cần phải tiến hành chọn lọc, lai tạo được những giống mới có năng suất cao, phẩm chất tốt, chống được sâu, bệnh và thích nghi với các yếu tố ngoại cảnh.
2. Nhân giống
Các phương pháp nhân giống cây ăn quả gồm có:
– Nhân giống bằng phương pháp hữu tính như gieo hạt
– Nhân giống bằng phương pháp vô tính như giâm cành, chiết cành, ghép, tách chồi, nuôi cấy mô tế bào,…
Tuỳ theo mỗi loại cây mà chọn phương pháp nhân giống thíc hợp
3. Trồng cây ăn quả
a) Thời vụ: Khi chọn thời vụ để trồng cây ăn quả phải dựa vào sự thích ứng giữa cây trồng với các yếu tố ngoại cảnh. Các loại cây ăn quả được trồng vào tháng 2 – 4 (vụ xuân), tháng 8 – 10 (vụ thu) đối với các tỉnh phía Bắc, vào đầu mùa mưa (tháng 4 – 5) ở các tỉnh phía Nam.
b) Khoảng cách trồng: Tuỳ theo mỗi loại cây và loại đất mà khoảng cahcs trồng có khác nhau. Xu hướng chung nên trồng dày hợp lí vừa tạn dụng được đất, vừa dễ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, dễ thu hoạch, cây phát triển tốt cho sản lượng cao.
c) Đào hố, bón phân lót: Trước khi trồng khoảng 15 – 30 ngày phải đào hố trồng. Kích thước của hố khác nhau tuỳ theo từng loại cây. Khi đào hố phải để riêng lớp đất mặt và lớp đất dưới đáy hồ. Trộn lớp đất mặt với phân bón, rồi cho vào hố và lấp đất.
d) Trồng cây: Cây ăn quả được trồng theo quy trình:
Đào hố trồng → Bóc vỏ bầu (trồng cây có bầu) → Đặt cây vào hố → Lấp đất → Tưới nước
Khi trồng phải lưu ý những điểm sau:
– Nên trồng cây có bầu đất. Khi bóc vỏ bầu, không làm vỡ bầu.
– Đặt cây vào giữa hố cho ngay ngắn, lấp lớp đất mặt xuống dưới, lớp đất dưới phủ lên trên.
– Không trồng khi gió to, giữa trưa nắng.
– Trồng xong nên buộc cây với cọc đỡ. Tưới nước cho đủ ấm. Ngoài ra có thể trồng cây chắn gió để bảo vệ cây.
4. Chăm sóc
a) Làm cỏ, vun xới: Tiến hành làm cỏ, vun với quanh gốc cây để diệt cỏ dại, làm mất nơi ẩn náu của sâu, bệnh và làm đất tơi xốp.
b) Bón phân thúc: Bón phân thúc cho cây ăn quả để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển, cho năng suất cao, phẩm chất tốt.
Bón phân thúc cho cây ăn quả vào hai thời kì:
– Khi cây chưa hoặc đã ra hoa, quả để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển cành, lá, ra hoa, quả. Đây là thời kì cây cần nhiều chất dinh dưỡng. Nếu thiếu chất dinh dưỡng hoa, quả sẽ rụng nhiều. Cần bón phân có hiệu quả nhanh như phân đạm, lân và kali.
– Sau khi thu hoạch quả cũng cần bón phân thúc để cây hồi phụcnhanh và ra hoa, đậu quả cho vụ sau
Bón thúc cho cây ăn quảng bằng phân chuồng, phân hoá học, cũng có thể bón thêm bùn đã phơi khô, phù sa, góp phần cải tạo đất và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.
Cách bón: tiến hành bón phân thúc vào rãnh hố theo mén tán cây, sâu 15 – 20 cm, rộng 20 – 30cm. Bón xong, lấp đất kín. Có thể hoà phân vào nước để tưới.
c) Tưới nước: Nước hoà tan chất dinh dưỡng trong đất để cây hút được dễ dạng; tham gia vận chuyển chất dinh dưỡng trong cây… Do vậy, nước là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Vì vậy phải chủ động tưới đủ nước theo yêu cầu của cây nhất là vào thời kì ra hoa, đậu quả; thời kì sắp thu hoạch không cần tưới.
Để giữ ấm và hạn chế xói mòn đất, hạn chế cỏ dại, cần tiến hành phủ rơm, rạ, cành lá nhỏ, tấm PE quanh gốc cây, trồng xen cây ngắn ngày và trồng cây hàng ngày chắn gió.
d) Tạo hình, sửa cành: là biện pháp kĩ thuật quan trọng cần thực hiện tốt
Tạo hình là làm cho cây có thể đứng và bộ khung khoẻ, cành phân phối đều trong tán cây để có thể mang một khối lượng quả lớn.
Sửa cành là loại bỏ những cành nhỏ, cành bị sâu, bệnh, cành vượt… làm cho cây thông thoáng, giảm sâu, bệnh.
Người ta tiến hành tạo hình, sửa cành vào ba thời kì:
– Thời kì cây non, sinh trưởng mạnh, gọi là “đốn tạo hình”
– Ở thời kì cây ra hoa, tạo quả (cây đứng tuổi), gọi là “đốn tạo quả”
– Ở thời kì cây già, gọi là “đốn phục hồi”.
e) Phòng trừ sâu bệnh: Cây ăn quả thường có cành lá sum suê; hoa, quả, mềm, chứa nhiều nước nên dễ bị sâu, bệnh phá hoại.
Các loại sâu đục thân hoa, quả; rầy, rệp, bọ xít; sâu cắn lá. Các bệnh: Mốc sương, vàng lá, thối ngọn hoa, quả… thường xuyên phá hại, làm cho năng suất và phẩm chất của quả bị giảm.
Tiến hành phòng trừ sâu bệnh kịp thời bằng các biện pháp trong chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM như phòng trừ bằng kĩ thuật canh tác (mật độ trồng hợp lí, bón phân cân đối, trồng giống sạch bệnh, tưới nước, đốn tỉa đúng kĩ thuật…) sinh học, thủ công, sử dụng thuốc hoá học đúng kĩ thuật để giảm ô nhiễm môi trường, tránh gây độc cho người và vật nuôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.
g) Sử dụng chất điều hoà sinh trưởng: (trong danh mục nhà nước cho phép) trong các biện pháp kĩ thuật giâm, chết cành, điều hoà sự ra cành lá, kích thích ra mầm hoa, tăng tỉ lệ đậu quả, làm thay đổi kích cỡ, màu sắc quả…
Đây là những chất được sử dụng với nồng độ nhỏ, thời gian nhất định tuỳ thuộc vào loại cây. Do vậy phải sử dụng đúng kĩ thuật mới có kết quả.
IV – THU HOẠCH, BẢO QUẢN, CHẾ BIẾN
1. Thu hoạch
Các loại quả để ăn chứa nhiều nước, vỏ mỏng nên dễ bị giập nát. Vì vậy khi thu hoạch phải nhẹ nhàng, cẩn thận, đúng độ chín. Thu hoạch quả lúc trời mát.
Quả hái về phải làm sạch, phân loại và để ở nơi mát.
2. Bảo quản
Quả phải được xử lí bằng hoá chất, chiếu tia phóng xạ (đúng quy định vệ sinh ant toàn thực phẩm) gói giấy mỏng đưa vào kho lạnh. Không chất đống quả khi bảo quản
3. Chế biến
Tuỳ mỗi loại cây, quả được chế biến thành: xirô quả, sấy khô, làm mứt quả….