Phần 1: Công dân với kinh tế

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 11: tại đây

Giải Bài Tập Giáo Dục Công Dân 11 – Bài 2: Hàng hóa – tiền tệ – thị trường giúp HS giải bài tập, hiểu được những chuẩn mực đạo đức và pháp luật cơ bản, phổ thông, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi HS trong các quan hệ với bản thân, với người khác, với công việc và với môi trường sống:

    Câu 1 (trang 26 sgk Giáo dục công dân 11): Hãy cho biết những sản phẩm tiêu dùng nào trong gia đình em là hàng hóa, hoặc không phải là hàng hóa? Vì sao?

    Trả lời:

       – Những sản phẩm tiêu dùng trong gia đình là hàng hóa như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại,… vì những sản phẩm này có thể được mang ra để trao đổi, mua bán

       – Những sản phẩm tiêu dùng trong gia đình không phải là hàng hóa là cơm, thức ăn,…. vì những sản phẩm này không được mang ra để trao đổi, mua bán (trừ trường hợp gia đình làm quán ăn)

    Câu 2 (trang 26 sgk Giáo dục công dân 11): Hãy nêu một số ví dụ thể hiện giá trị sử dụng của hàng hóa được phát hiện dần cùng với sự phát triển của khoa học – kĩ thuật.

    Trả lời:

       – Than đá, dầu mỏ lúc đầu chỉ dùng làm chất đốt. Cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, người ta sử dụng nó làm nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp để chế biến ra nhiều loại sản phẩm khác phục vụ cho đời sống: nhựa, mỹ phẩm,…

    Câu 3 (trang 26 sgk Giáo dục công dân 11): Tại sao giá trị hàng hóa không do thời gian lao động cá biệt quyết định, mà do thời gian lao động xã hội cần thiết quyết định?

    Trả lời:

       Giá trị hàng hóa không do thời gian lao động cá biệt quyết định mà do thời gian lao động xã hội cần thiết quyết định vì:

       – Giá trị của hàng hóa là do lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa. Vậy, lượng giá trị của hàng hóa được đo bằng số lượng thời gian lao động tiêu hao để sản xuất ra hàng hóa đó. Lượng lao động tiêu hao ấy được tính bằng thời gian lao động.

       – Lượng giá trị của hàng hóa không phải do mức hao phí lao động cá biệt hay thời gian lao động cá biệt quy định, mà nó được đo bởi thời gian lao động xã hội cần thiết.

       – Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian lao động cần để sản xuất ra một hàng hóa nào đó trong những điều kiện sản xuất bình thường của xã hội với một trình độ trang thiết bị trung bình, với một trình độ thành thạo trung bình và một cường độ lao động trung bình trong xã hội đó.

       – Chỉ có lượng lao động xã hội cần thiết, hay thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa, mới quyết định lượng giá trị của hàng hóa ấy.

    Câu 4 (trang 26 sgk Giáo dục công dân 11): Trình bày nguồn gốc ra đời và bản chất của tiền tệ.

    Trả lời:

    – Nguồn gốc: Tiền tệ xuất hiện là kết quả của quá trình phát triển lâu dài của sản xuất, trao đổi hàng hóa và của các hình thái giá trị. Có bốn hình thái giá trị phát triển từ thấp đến cao dẫn đến sự ra đời của tiền tệ.

       + Hình thái giá trị giản đơn hay ngẫu nhiên: xuất hiện khi xã hội Công xã nguyên thủy tan rã, sự trao đổi mang tính ngẫu nhiên.

       + Hình thái giá trị đầy đủ hay mở rộng: Khi sản xuất hàng hóa phát triển hơn, số lượng hàng hóa được đem ra trao đổi nhiều hơn, một hàng hóa có thể trao đổi được với nhiều hàng hóa khác.

       + Hình thái giá trị chung: Giá trị của hàng hóa thể hện ở một hàng hóa đóng vai trò vật ngang giá chung. Người ta mang hàng hóa của mình đổi lấy vật ngang giá chung, rồi dùng vật ngang giá chung đổi lấy thứ hàng hóa mình cần. Các địa phương, vùng khác nhau thì hàng hóa làm vật ngang giá chung cũng khác nhau.

       + Hình thái tiền tệ: Có nhiều vật ngang giá chung làm cho trao đổi giữa các địa phương khó khăn, đòi hỏi phải có vật ngang giá chung thống nhất. Ban đầu, vật ngang giá chung có định là vàng và bạc, hình thái tiền tệ của giá trị xuất hiện. Nhưng vàng có ưu thế hơn bạc nên cuối cùng hình thái tiền tệ được cố định ở vàng.

    – Bản chất của tiền tệ: Tiền tệ là hàng hóa đặc biệt được tách ra làm vật ngang giá chung cho tất cả các hàng hóa, là sự thể hiện chung của giá trị; đồng thời, tiền tệ biểu hiện mối quan hệ sản xuất giữa những người sản xuất hàng hóa.

    Câu 5 (trang 26 sgk Giáo dục công dân 11): Phân tích các chức năng của tiền tệ. Em đã vận dụng được những chức năng nào của tiền tệ trong đời sống?

    Trả lời:

    * Chức năng của tiền tệ:

       + Chức năng làm thước đo giá trị: được thể hiện khi tiền được dùng để đo lường và biểu hiện giá trị của hàng hóa. Giá trị của hàng hóa được biểu hiện bằng một lượng tiền nhất định gọi là giá cả hàng hóa. Gía cả hàng hóa được quyết định bởi các yếu tố khác nhau, do đó trên thị trường giá cả có thể bằng, thấp hơn hoặc cao hơn giá trị. Nếu các điều kiện khác không thay đổi, gía trị của hàng hóa cao thì giá cả của nó cao và ngược lại.

       + Chức năng làm phương tiện lưu thông: được thể hiện khi tiền làm môi giới trong quá trình trao đổi hàng hóa theo công thức: H – T – H. Trong đó H –T là quá trình bán, T – H là quá trình mua. Người ta bán hàng hóa lấy tiền rồi dùng tiền để mua hàng hóa mình cần.

       + Chức năng làm phương tiện cất trữ: được thể hiện khi tiền rút khỏi lưu thông và được cất trữ lại ddể khi cần thì đem ra mua hàng. Sở dĩ tiền tệ làm được chức năng này là vì tiền là đại biểu cho của cải của xã hội dưới hình thái giá trị, nên việc cất trữ tiền là hình thức cất trữ cuả cải. Nhưng để làm được chức năng phương tiện cất trữ thì tiền phải đủ giá trị, tức là tiền đúc bằng vàng hoặc những của cải bằng vàng.

       + Chức năng phương tiện thanh toán: được thể hiện khi tiền tệ được dùng để chi trả sau khi giao dịch, mua bán như: trả tiền mua chịu hàng hóa, trả nợ, nộp thuế,… Chức năng này làm cho quá trình mua bán diễn ra nhanh hơn, nhưng cũng làm cho những người sản xuất và trao đổi hàng hóa phụ thuộc vào nhau nhiều hơn.

       + Chức năng tiền tệ thế giới: Thể hiện khi trao đổi hàng hóa vượt khỏi biên giới quốc gia, tiền làm nhiệm vụ di chuyển của cả từ nước này sang nước khác, nên đó phải là tiền vàng hoặc tiền được công nhận là phương tiện thanh toán quốc tế. Việc trao đổi tiền của nước này theo tiền cuả nước khác được tiến hành theo tỉ giá hối đối. Tỉ giá hối đoái là gía cả của đồng tiền nước này được tính bằng đồng tiền nước khác.

    * Em đã vận dụng được những chức năng của tiền tệ như:

       – Dùng tiền tệ làm phương tiện thanh toán, đi mua hàng hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bản thân và gia đình hàng ngày.

       – Khi có tiền nhưng chưa dùng đến, em mang cất đi bằng cách bỏ lợn tiết kiệm, nhờ mẹ gửi ngân hàng giúp,…

    Câu 6 (trang 26 sgk Giáo dục công dân 11): Trình bày nội dung của quy luật lưu thông tiền tệ. Lạm phát có ảnh hưởng như thế nào đối với đời sống?

    Trả lời:

    * Nội dung của quy luật lưu thông tiền tệ:

       + Tiền là hình thức biểu hiện giá trị của hàng hóa, phục vụ cho sự lưu thông hàng hóa. Vì vậy, lưu thông tiền tệ do lưu thông hàng hóa quyết định.

       + Nội dung quy luật lưu thông tiền tệ là xác định số lượng tiền tệ cần thiết cho lưu thông hàng hóa ở mỗi thời kì nhất định. Quy luật này được thể hiện như sau:

       M = P x Q/V

       + Như vậy, lượng tiền cần thiết cho lưu thông tỉ lệ thuận với tổng số giá cả của hàng hóa đem ra lưu thông và tỉ lệ nghịch với số vòng luân chuyển trung bình của một đơn vị tiền tệ. Đây là quy luật chung của lưu thông tiền tệ.

    * Lạm phát có ảnh hưởng đến đời sống là:

       + Tiền vàng là tiền có đầy đủ giá trị, cho nên nếu số lượng tiền vàng nhiều hơn mức cần thiết cho lưu thông hàng hóa thì số tiền vàng rời khỏi lưu thông, đi vào cất trữ và ngược lại. Tiền giấy chỉ là kí hiệu của giá trị, không có giá trị thực như tiền vàng.

       + Khi tiên giấy đưa vào lưu thông vượt quá số lượng cần thiết sẽ dấn đến hiện tượng lạm phát.

       + Khi lạm phát xảy ra thì giá cả của hàng hóa tăng, sức mua của tiền tệ giảm, đời sống của nhân dân lao động gặp khó khăn, các công cụ quản lý kinh tế của Nhà nước kém hiệu lực,…

    Câu 7 (trang 27 sgk Giáo dục công dân 11): Tại sao nói giá cả là “mệnh lệnh” của thị trường đối với mọi người sản xuất và lưu thông hàng hóa?

    Trả lời:

       Sự biến động của cung – cầu, giá cả trên thị trường đã điều tiết các yếu tố sản xuất từ ngành này sang ngành khác, luân chuyển hàng hóa từ nơi này sang nơi khác.

       Khi giá cả một hàng hóa nào đó tăng lên sẽ kích thích xã hội sản xuất ra hàng hóa đó nhiều hơn, nhưng lại làm cho nhu cầu của người tiêu dung về hàng hóa đó bị hạn chế.

       Ngược lại, khi giá cả một hàng hóa giảm xuống sẽ kích thích tiêu dung và hạn chế việc sản xuất hàng hóa đó.

    Câu 8 (trang 27 sgk Giáo dục công dân 11): Thị trường là gì? Em hãy nêu một số ví dụ về sự phát triển của sản xuất hàng hóa và thị trường ở địa phương mình.

    Trả lời:

       Thị trường là lĩnh vực trao đổi, mua bán mà ở đó các chủ thể kinh tế tác động qua lại lẫn nhau để xác định giá cả và số lượng hàng hóa, dịch vụ. Thị trường xuất hiện, phát triển cùng với sự ra đời và phát triển của sản xuất và lưu thông hàng hóa.

       Ví dụ về sự phát triển của sản xuất hàng hóa và thị trường ở địa phương:

       – Sản xuất hàng hóa ở địa phương đa dạng, phong phú. Các hoạt động dịch vụ diễn ra sôi nổi, linh hoạt thông qua các hình thức môi giới, trung gian, quảng cáo, tiếp thị,..

    Câu 9 (trang 27 sgk Giáo dục công dân 11): Hãy nêu một số ví dụ về sự vận dụng các chức năng của thị trường đối với người sản xuất và người tiêu dùng.

    Trả lời:

       – Khi một người mang hàng hóa ra bán trên thị trường, hàng hóa nào phù hợp với nhu cầu của thị trường, chất lượng tốt khiến người mua hài lòng thì bán được, người bán có lãi, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

       – Chức năng thông tin giúp người bán hàng đưa ra quyết định phù hợp, kịp thời để thu lợi nhuận.

       – Người mua cũng căn cứ vào chất lượng, nhu cầu của bản thân và những thông tin trên thị trường để mua có lợi nhất.

    Câu 10 (trang 27 sgk Giáo dục công dân 11): Theo em, mỗi công dân cần phải làm gì đối với sự phát triển kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay?

    Trả lời:

    – Công dân cần làm những hành động sau để giúp kinh tế đất nước phát triển:

       + Thực hiện phong trào Người Việt dùng hàng Việt, tăng cường dùng hàng trong nước để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tái đầu tư sản xuất.

       + Khi tham gia vào thị trường cần mua bán lành mạnh, không buôn bán gian lận để tạo một thị trường đảm bảo, có uy tín, được người mua tin tưởng.

       + Tránh để xảy ra lạm phát

       + Học tập tốt, rèn luyện bản thân để có thể trở thành một người lao động tốt, có kiến thức khoa học, góp phần phát triển nền kinh tế,…

     

    Bài giải này có hữu ích với bạn không?

    Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

    Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 1050

    Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

    --Chọn Bài--

    Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

    Tải xuống