Xem toàn bộ tài liệu Lớp 11: tại đây
Giải Bài Tập Giáo Dục Công Dân 11 – Bài 4: Cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa giúp HS giải bài tập, hiểu được những chuẩn mực đạo đức và pháp luật cơ bản, phổ thông, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi HS trong các quan hệ với bản thân, với người khác, với công việc và với môi trường sống:
Bài 1 trang 42 GDCD 11: Cạnh tranh là gì? Phân tích tính tất yếu khách quan và mục đích của cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa.
Trả lời:
– Cạnh tranh là sự ganh đua, đấu tranh giữa các chủ thể kinh tế trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhằm giành những điều kiện thuận lợi để thu được nhiều lợi nhuận.
– Khi sản xuất và lưu thông hàng hóa xuất hiện thì cạnh tranh ra đời, tồn tại và phát triển: Trong nền sản xuất hàng hóa, các chủ sở hữu khác nhau tồn tại với tư cách là những đơn vị kinh tế độc lập, có điều kiện sản xuất và lợi ích riêng, do đó họ không thể không cạnh tranh với nhau.
– Mục đích của cạnh tranh trong sản xuất và lưu thông hàng hóa là nhằm giành lợi nhuận về mình nhiều hơn người khác.
+ Giành nguồn nguyên liệu và các nguồn lực sản xuất khác
+ Giành ưu thế về khoa học và công nghệ
+ Giành thị trường, nơi đầu tư, các hợp đồng và các đơn đặt hàng
+ Giành ưu thế về chất lượng và giá cả hàng hóa, kể cả lắp đặt, bảo hành, sửa chữa, phương thức thanh toán.
Bài 2 trang 42 GDCD 11: Cạnh tranh có những loại nào? Lấy ví dụ để minh họa.
Trả lời:
– Cạnh tranh giữa người bán với nhau: thường xuất hiện khi trên thị trường nhiều người có cùng loại hàng hóa đem bán, nhưng có ít người mua hàng hóa đó.
+ Ví dụ: Trên cùng một khu dân cư có nhiều người cùng mở hiệu quần áo, giữa họ tất yếu có sự cạnh tranh để giành khách hàng. Muốn vậy họ phải nâng cao chất lượng sản phẩm, thái độ bán hàng, địa điểm bán, giá cả hợp lí, sử dụng yếu tố công nghệ trong kinh doanh để được khách lựa chọn.
– Cạnh tranh giữa người mua với nhau: thường xuất hiện khi trên thị trường hàng hóa đem bán ra ít nhưng người mua hàng hóa đó quá nhiều.
+ Ví dụ: Dịp tết đến, mọi người rất chú ý đến những loại hoa quả độc đáo như dưa hấu phúc – lộc – thọ, bưởi hồ lô, hình bản đồ Việt Nam…những loại hoa quả tạo hình như thế có rất ít mà người mua lại đông, tất yếu giữa họ phải có cạnh tranh bằng cách đưa ra mức giá cao hơn.
– Cạnh tranh giữa các ngành: là sự ganh đua về kinh tế giữa các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất khác nhau.
+ Sự cạnh tranh của Grap và Uber về thị trường, giá cả và dịch vụ; sự cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải và xây dựng.
– Cạnh tranh trong nước với nước ngoài: Loại cạnh tranh này xuất hiện khi thị trường vượt khỏi phạm vi trong nước để vươn ra thị trường khu vực và thế giới, gắn với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
+ Ví dụ: Nhờ đổi mới mô hình kinh tế, việc sản xuất lương thực nước ta không chỉ đủ cho nhân dân ta tiêu dùng, dự trữ dồi dào, mà còn tham gia xuất khẩu lương thực (gạo) trên thị trường thế giới. Và tất yếu chúng ta phải tham gia cạnh tranh với một số chủ thể kinh tế khác cùng xuất khẩu lương thực như nước ta như: Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ,…
Bài 3 trang 42 GDCD 11: Khi nước ta là thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo em, tính chất và mức độ cạnh tranh sẽ diễn ra theo hướng nào (êm dịu hay gay gắt quyết liệt)? Tại sao?
Trả lời:
– Sẽ diễn ra theo hướng gay gắt, quyết liệt.
– Vì trình độ phát triển kinh tế của mỗi nước khác nhau. Quá trình cạnh tranh diễn ra không đồng đều. Lợi ích kinh tế khác nhau giữa các nhóm nước sẽ làm sự cạnh tranh diễn ra gay gắt và quyết liệt, đòi hỏi nước ta phải có sự thay đổi cơ cấu kinh tế một cách mạnh mẽ.
Bài 4 trang 42 GDCD 11: Từ tính hai mặt tích cực và hạn chế của cạnh tranh, hãy cho biết Nhà nước cần làm gì để phát huy mặt tích cực và khắc phục được mặt hạn chế của cạnh tranh hiện nay ở nước ta?
Trả lời:
Nhà nước sẽ điều tiết thông qua giáo dục, pháp luật và các chính sách kinh tế – xã hội thích hợp để hạn chế vi phạm pháp luật (làm hàng giả, bán hàng quốc cấm, dùng thủ đoạn phi pháp, rối loạn thị trường), mở rộng thị trường, nâng cao đời sống nhân dân.
Bài 5 trang 42 GDCD 11: Có ý kiến cho rằng: Để phát huy mặt tích cực cuả cạnh tranh ở nước ta hiện nay, Nhà nước chỉ cần đề ra giải pháp khắc phục mặt hạn chế của cạnh tranh. Điều đó đúng hay sai? Tại sao?
Trả lời:
– Ý kiến đó chưa đúng vì:
– Để phát huy mặt tích cực của cạnh tranh ở nước ta hiện nay, chúng ta vừa phải khắc phục hạn chế vừa tiến hành cải tiến khoa học kĩ thuật, tăng cường sự quản lí và giáo dục, nâng cao đời sống nhân dân.
Bài 6 trang 42 GDCD 11: Em hiểu thế nào là cạnh tranh lành mạnh và không lành mạnh? Khi thấy có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, em sẽ xử lí như thế nào?
Trả lời:
– Cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh đúng pháp luật và chuẩn mực đạo đức, có tác dụng kích thích kinh tế phát triển đúng hướng.
– Cạnh tranh không lành mạnh là sự cạnh tranh vi phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức, làm rối loạn và kìm hãm sự phát triển của kinh tế thị trường.
– Khi thấy có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh em sẽ báo ngay với các cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết kịp thời.