Xem toàn bộ tài liệu Lớp 11: tại đây
Giải Bài Tập Giáo Dục Công Dân 11 – Bài 9: Nhà nước Xã hội chủ nghĩa giúp HS giải bài tập, hiểu được những chuẩn mực đạo đức và pháp luật cơ bản, phổ thông, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi HS trong các quan hệ với bản thân, với người khác, với công việc và với môi trường sống:
Bài 1 trang 80 GDCD 11: Trong lịch sử xã hội loài người, nhà nước xuất hiện từ khi nào? Tại sao khi đó nhà nước xuất hiện?
Trả lời:
– Trong lịch sử xã hội loài người, nhà nước ra đời khi xuất hiện sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và xã hội phân có sự mâu thẫn giai cấp không thể điều hòa được.
– Khi đó nhà nước xuất hiện nhằm điều hòa mâu thuẫn trong xã hội có giai cấp.
Bài 2 trang 80 GDCD 11: Giải thích tại sao nhà nước mang bản chất giai cấp của giai cấp thống trị? Cho ví dụ minh họa?
Trả lời:
– Nhà nước mang bản chất giai cấp của giai cấp thống trị vì:
+ Chỉ có giai cấp thống trị về kinh tế mới đủ điều kiện lập ra và sử dụng bộ máy nhà nước.
+ Giai cấp nào thống trị về kinh tế sẽ trở thành giai cấp thống trị về chính trị và tư tưởng, bắt buộc mọi thành viên trong xã hội phải tuân theo.
+ Để bảo vệ địa vị thống trị và lợi ích của mình, giai cấp thống trị sử dụng những lực lượng đặc biệt đó là bộ máy quân đội, cảnh sát đàn áp sự phản kháng của các giai cấp bị thống trị.
– Ví dụ: Nhà nước ban hành Hiến pháp và pháp luật mang tính bắt buộc, được nhà nước bảo đảm thực hiện, ai làm trái sẽ bị xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Bài 3 trang 80 GDCD 11: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì? Tại sao nói nhà nước ta mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc?
Trả lời:
– Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, quản lí mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
– Nhà nước ta mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sau sắc vì:
+ Nhà nước ta lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
+ Do nhân dân lập nên thông qua tổng tuyển cử toàn dân, dưới sự kiểm soát của nhân dân, mọi quyền lực nhà nước có được đều do nhân dân ủy quyền.
+ Mọi chủ trương, chính sách của nhà ước đều thể hiện ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân.
+ Trong tổ chức và hoạt động của nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ; có sự thống nhất hữu cơ giữa chức năng giai cấp và chức năng xã hội.
Bài 4 trang 80 GDCD 11: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những chức năng cơ bản nào? Chức năng nào là cơ bản nhất? Tại sao?
Trả lời:
– Các chức năng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
+ Chức năng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Để xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Nhà nước ta sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình để phòng ngừa, ngăn chặn mọi âm mưu gây rối, phá hoại, bạo loạn, xâm hại đến nền an ninh quốc gia, đến sự ổn định chính trị trong nước, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội, tạo điều kiện hòa bình, ổn định cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta
+ Chức năng tổ chức và xây dựng, bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân.
– Tổ chức xây dựng và quản lí nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
– Tổ chức xây dựng và quản lí văn hóa, giáo dục, khoa học.
– Tổ chức xây dựng và bảo đảm thực hiện các chính sách xã hội.
Xây dựng hệ thống pháp luật để đảm bảo thực hiện các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân.
– Hai chức năng trên có mối quan hệ hữu cơ và thống nhất với nhau, trong đó có chức năng tổ chức và xây dựng là căn bản nhất, giữ vai trò quyết định.
– Bởi vì, với nhà nức xã hội chủ nghĩa, chức năng đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội “mới chỉ là những công việc quét dọn trước khi xây dựng, chứ chưa phảo là đích thân việc xây dựng” như Lê-nin đã khẳng định.
Bài 5 trang 80 GDCD 11: Vai trò của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hệ thống chính trị ở nước ta như thế nào?
Trả lời:
– Hệ thống chính trị là tập hợp các thiết chế chính trị, bao gồm nhà nước, các đảng phải chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội có quan hệ gắn bó hữu cơ và tác động qua lại lẫn nhau nhằm thực hiện quyền chính trị của giai cấp cầm quyền.
– Là một yếu tố cấu thành hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những vai trò sau:
+ Một, thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam; thể chế hóa và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
+ Hai, tổ chức xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.
+ Ba, là công cụ hữu hiệu để Đảng thực hiện vai trò của mình đối với toàn xã hội
+ Bốn, là công cụ chủ yếu của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.
Bài 6 trang 80 GDCD 11: Mỗi công dân cần phải làm gì để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta?
Trả lời:
– Gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
– Tích cực tham gia các hoạt động: Xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
– Phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật.
– Thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.
Bài 7 trang 80 GDCD 11: Em hãy nêu những ví dụ thể hiện Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trả lời:
– Người dân được hưởng quyền bình đẳng trong xã hội, quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại, quyền bầu cử, ứng cử, quyền và nghĩa vụ học tập, lao động cống hiến cho xã hội.
– Người dân được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách xã hội của nhà nước về văn hóa, y tế, giáo dục.
– Nhà nước đều tiến hành trưng cầu dân ý về các vấn đề của đất nước để mỗi người dân đều được đóng góp ý kiến nhằm xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bài 8 trang 80 GDCD 11: Hãy nêu những việc làm của chính quyền địa phương nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân mà em biết.
Trả lời:
– Thực hiện bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp bằng việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi ứng viên công tác và cư trú.
– Cải cách các thủ tục hành chính nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch; tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc và chi phí đi lại nhiều lần gây tốn kém cho nhân nhân.
– Địa phương có các nhà văn hóa làm không gian sinh hoạt chung cho người dân.
– Chính quyền địa phương quan tâm đến các gia đình chính sách, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn.
Bài 9 trang 80 GDCD 11: Là một học sinh, em phải làm gì để góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh ở địa phương mình?
Trả lời:
– Tham gia tích cực các hoạt động tập thể ở địa phương như: sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; thể dục thể thao, hoạt động từ thiện…
– Tham gia tuyên truyền việc thực hiện tốt các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước
– Tham gia bầu cử HĐND các cấp khi đủ tuổi.