Soạn Khoa học xã hội 8 VNEN Tập 1

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây

A. Hoạt động khởi động

(Trang 86 KHXH 8 VNEN) Quan sát các hình ảnh, hãy:

– Cho biết những hình dưới đây thể hiện sự phát triển của lĩnh vực nào.

– Nêu hiểu biết của em về sự phát triển của lĩnh vực đó.

Trả lời:

– Các hình ảnh trên thể hiện sự phát triển trong lĩnh vực công nghiệp, cụ thể là các ngành công nghiệp hàng hải, công nghiệp đường sắt và ngành hàng không.

– Chiếc tàu thủy đầu tiên chạy bằng động cơ hơi nước được phát minh bởi một người Pháp, Claude Jouffroy d’ Abbans. Năm 1783, ông đã chế tạo thành công chiếc tàu thủy đầu tiên chạy bằng động cơ hơi nước với tên gọi Pyroscaphe và cho chạy thử trên sông Sa-o-ne.

– Đường ray xe lửa đầu tiên cũng được George Stephenson xây dựng, dài 32 cây số (20 dậm), bắt đầu nối hai thị xã Stockton và Darlington vào năm 1825 và trên tuyến đường này, các xe lửa dùng hơi nước đã chạy theo một lịch trình đều đặn.

– Trong chuyến bay đầu tiên vào ngày 17 tháng 12 năm 1903, chiếc máy bay do anh em nhà Wright sáng chế bay được 40 m trong 12 giây trên không trung và trở thành chiếc máy bay đầu tiên trong lịch sử cất cánh thành công, được đặt tên là Flyer I.

B. Hoạt động hình thành kiến thức

I. Sự phát triển của kĩ thuật, khoa học, văn học và nghệ thuật thể kỉ XVIII – XIX

1. Khám phá những thành tựu chủ yếu về kĩ thuật

(Trang 87 KHXH 8 VNEN) Đọc thông tin, kết hợp với quan sát các hình ảnh, hãy:

– Trình bày những tiến bộ về công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và quân sự từ nửa sau thế kỉ XVIII đến cuối thế kỉ XIX.

– Cho biết vai trò của sắt, máy móc và động cơ hơi nước đối với các ngành kinh tế và đời sống xã hội.

Trả lời:

* Tiến bộ về công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và quân sự từ nửa sau thế kỉ XVIII đến cuối thế kỉ XIX:

– Công nghiệp: Kĩ thuật luyện kim được cải tiến làm tăng nhanh sản xuất thép. Nhiều máy chế tạo công cụ ra đời. Các nguồn nguyên liệu mới như: than đá, dầu mỏ,… được sử dụng trong công nghiệp. Sắt trở thành nguyên liệu chủ yếu. Máy hơi nước được ứng dụng rộng rãi.

– Giao thông vận tải: Tiến bộ nhanh chóng với phát minh máy hơi nước. Năm 1807, Phơn-tơn (Mĩ) đóng được tàu thủy chạy bằng động cơ hơi nước đầu tiên. Năm 1814, Xti-phen-xơn (Anh) chế tạo được loại xe lửa chạy trên đường sắt kéo theo nhiều toa với tốc độ nhanh. Giữa thế kỉ XIX, máy điện tín được phát minh ở Nga và Mĩ. Moóc-xơ (Mĩ) đã sáng chế ra bảng chữ cái cho điện tín gồm những gạch và chấm.

– Nông nghiệp: Có nhiều tiến bộ về kĩ thuật và phương pháp canh tác. Sử dụng phân bón hóa học trong nông nghiệp. Sử dụng rộng rãi các loại máy móc trong sản xuất: máy kéo chạy bằng hơi nước, máy cày nhiều lưỡi, máy gặt đập,…

– Quân sự: Nhiều vũ khí mới được sản xuất: đại bác, súng trường bắn nhanh và xa; chiến hạm võ thép chạy bằng chân vịt có trọng tải lớn; ngư lôi được sử dụng; khí cầu,…

* Vai trò của sắt, máy móc và động cơ hơi nước đối với các ngành kinh tế và đời sống xã hội: Tăng năng suất lao động, giải phóng sức lao động.

2. Tìm hiểu những tiến bộ về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội

(Trang 88 KHXH 8 VNEN) Đọc thông tin, kết hợp quan sát các hình ảnh, hãy:

– Cho biết trong các thế kỉ XVIII – XIX, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội có những tiến bộ gì?

– Nêu vai trò của khoa học xã hội đối với đời sống xã hội trong các thế kỉ XVIII – XIX.


Trả lời:

* Những tiến bộ của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong các thế kỉ XVIII – XIX:

Khoa học tự nhiên:

+ Thế kỉ XVIII – XIX. Đầu thế kỉ XVIII, nhà bác học Niu-tơn (Anh) tìm ra thuyết vạn vật hấp dẫn.

+ Giữa thế kỉ XVIII, nhà bác học Lô-mô-nô-xôp (Nga) tìm ra định luật bảo toàn vật chất và năng lượng cùng nhiều phát minh lớn về vật lí hóa học.

+ Năm 1837, nhà bác học Puốc-kin-giơ (Séc) khám phá bí mật của sự phát triển của thực vật và đời sống của mỗi động vật. Ông là người đầu tiên chứng minh đời sống của mô sinh vật là sự phát triển của tế bào và sự phân bào.

+ Năm 1859, nhà bác học Đác-uyn (Anh) công bố thuyết tiến hóa và di truyền.

Khoa học xã hội:

+ Các ngành khoa học xã hội cũng có những bước tiến mạnh mẽ.

+ Ở Đức, chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng được xây dựng tương đối hoàn thiện với các đại biểu là Phoi-ơ-bách và Hê-ghen.

+ Ở Anh, chính trị kinh tế học tư sản ra đời với các đại biểu xuất sắc là Xmít và Ri-các-đô.

+ Chủ nghĩa xã hội không tưởng gắn liền với tên tuổi của Xanh Xi-mông, Phu-ri-ê (Pháp) và O-oen (Anh).

+ Phát minh lớn nhất về khoa học xã hội là học thuyết Chủ nghĩa xã hội khoa học (giữa thế kỉ XIX) do Mác và Ăng-ghen đề xướng. Đây là cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng của loài người.

* Vai trò của khoa học xã hội đối với đời sống xã hội trong các thế kỉ XVIII – XIX:

– Mang lại hệ tư tưởng mới, tấn công thành trì hệ tư tưởng phong kiến và nhà thờ.

– Giải phóng sức lao động.

– Nâng cao năng suất sản xuất.

– Nâng cao đời sống con người.

II. Sự phát triển của khoa học – kĩ thuật và văn hóa thế giới nửa đầu thế kỉ XX

1. Tìm hiểu sự phát triển của khoa học – kĩ thuật

(Trang 89 KHXH 8 VNEN) Đọc thông tin kết hợp quan sát các hình ảnh, hãy:

– Cho biết các thành tựu khoa học – kĩ thuật tiêu biểu nửa đầu thế kỉ XX.

– Giải thích em hiểu như thế nào về câu nói của nhà khoa học A. Nô-ben: “Tôi hi vọng nhân loại sẽ rút ra được từ những phát minh khoa học nhiều điều tốt hơn là điều xấu”.

Trả lời:

* Các thành tựu khoa học – kĩ thuật tiêu biểu nửa đầu thế kỉ XX:

– Trong lĩnh vực Vật lí có lí thuyết nguyên tử hiện đại, đặc biệt là lí thuyết tương đối của nhà bác học Đức An-be Anh-xtanh. Các phát minh lớn về Vật lí học của thế kỉ XX, từ năng lượng nguyên tử đến lade, bán dẫn… đều có liên quan đến lí thuyết này.

– Các lĩnh vực khác: Hóa học, Sinh học, các khoa học về Trái Đất (Hải dương học, Khí tượng học…) đều đạt được những thành tựu to lớn.

– Nhiều phát minh khoa học cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX đã được đưa vào sử dụng như điện tín, điện thoại, rađa, hàng không, điện ảnh với phim có tiếng nói và phim màu…

* Về câu nói của nhà khoa học A. Nô-ben: “Tôi hi vọng nhân loại sẽ rút ra được từ những phát minh khoa học nhiều điều tốt hơn là điều xấu”:

– Nhiều thành tựu khoa học bị mang vào lĩnh vực quân sự, nhiều vũ khí mới được chế ra. Đặc biệt là vũ khí sinh học, hóa học…

– Các thành tựu y tế nếu áp dụng không đúng mục đích nhân đạo sẽ bị áp dụng cho những vấn đề phi nhân đạo.

2. Tìm hiểu sự hình thành và phát triển của văn hóa Xô viết

(Trang 90 KHXH 8 VNEN) Đọc thông tin kết hợp quan sát các hình ảnh, hãy:

– Nêu những thành tựu của nền văn hóa Xô viết. Kể tên một số tác phẩm văn học Xô viết mà em biết.

– Giải thích vì sao xóa nạn mù chữ được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong việc xây dựng một nền văn hóa mới ở Liên Xô.

Trả lời:

* Những thành tựu của nền văn hóa Xô viết:

– Về giáo dục: Xóa bỏ tình trạng mù chữ và nạn thất học. Sáng tạo chữ viết cho các dân tộc trước đây chưa có chữ viết. Phát triển hệ thống giáo dục quốc dân,…

– Về khoa học – kĩ thuật: đạt được nhiều thành tựu rực rỡ và chiếm lĩnh nhiều đỉnh cao khoa học thế giới.

– Về văn hóa – nghệ thuật: Đất vỡ hoang, Sông Đông êm đềm của Sô-lô-khốp, Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A.Ostrovsky, Bài ca sư phạm của A.Ma-ca-ren-cô.

* Xóa nạn mù chữ được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong việc xây dựng một nền văn hóa mới ở Liên Xô, vì:

– Tình trạng mù chữ ở nước Nga rất phổ biến: trước cách mạng, 3/4 dân số Nga mù chữ. Muốn thay đổi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển thì người dân phải biết đọc, biết viết, nhiệm vụ của nhà nước là phải xóa nạn mù chữ.

– Trình độ dân trí là tiêu chí để đánh giá sự phát triển kinh tế – văn hóa của một quốc gia.

– Cần có những người có trình độ văn hóa cao, đội ngũ trí thức đông đảo để phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

.

C. Hoạt động luyện tập

1. (Trang 91 KHXH 8 VNEN) Lập bảng thống kê những thành tựu chủ yếu của kĩ thuật, khoa học, văn học, nghệ thuật trong các thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XX theo yêu cầu sau:

Trả lời:

Lĩnh vực Thành tựu
Kĩ thuật Phơn-tơn (Mĩ): Đóng được tàu thủy chạy bằng động cơ hơi nước đầu tiên (1807). Xti-phen-xơn (Anh): Chế tạo được loại xe lửa chạy trên đường sắt kéo theo nhiều toa với tốc độ nhanh (1814). Moóc-xơ (Mĩ): Sáng chế ra bảng chữ cái cho điện tín gồm những gạch và chấm.
Khoa học tự nhiên Niu-tơn (Anh): Tìm ra thuyết vạn vật hấp dẫn (đầu thế kỉ XVIII). Lô-mô-nô-xốp (Nga): Tìm ra định luật bảo toàn vật chất và năng lượng cùng nhiều phát minh lớn về vật lí, hóa học (giữa thế kỉ XVIII). Puốc-kin-giơ (Séc): Khám phá ra thuyết tế bào (1837). Đác-uyn (Anh): Nêu lên thuyết tiến hóa và di truyền (1859).
Khoa học xã hội Phoi-ơ-bách, Hê-ghen (Đức): Chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng. Xmít, Ri-các-nô (Anh): Chính trị kinh tế học tư sản. Xanh Xi-mông, Phu-ri-ê (Pháp), Ô-oen (Anh): Chủ nghĩa xã hội không tưởng Mác, Ăng-ghen: Thuyết Chủ nghĩa xã hội khoa học.
Văn học, nghệ thuật Ban-dắc: “Tấn trò đời”, “Vỡ mộng”, “Trời không có mắt”,… Lép Tôn-xtôi: “Chiến tranh và hòa bình”, “Phục sinh”,… Mô-da (Áo): Những bản concerto dành cho piano. Trai-cốp-xki (Nga): “Hồ thiên nga”, “Người đẹp ngủ trong rừng”… Bét-tô-ven (Đức): Hàng loạt các bản giao hưởng nổi tiếng thế giới.

2. (Trang 91 KHXH 8 VNEN) Hãy giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm văn học tiêu biểu trong các thế kỉ XVIII – XIX.

Trả lời:

Lép Tôn-xtôi (1828-1910), nhà văn Nga, nổi tiếng với các tác phẩm: Chiến tranh và Hòa bình, An-na Ka-rê-ni-na, Phục sinh. Với chủ nghĩa hiện thực phê phán, qua các tác phẩm của mình, Tôn- x tôi đã chống lại trật tự xã hội phong kiến Nga hoàng, ca ngợi phẩm chất của người dân Nga trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lê-nin đã đánh giá các tác phẩm của Tôn-xtôi như “tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”.

3. (Trang 91 KHXH 8 VNEN) Nêu một số tác phẩm văn học Xô viết mà em biết.

Trả lời:

– Những câu chuyện sông Đông, Thảo nguyên xanh, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc của Sô-lô-khốp.

– Thép đã tôi thế đấy – N. Ô – xtrốp – xki.

– Chiến tranh và hòa bình của Lép Tôn-xtoi.

D-E. Hoạt động vận dụng – tìm tòi mở rộng

1. (Trang 91 KHXH 8 VNEN) Theo em, phải làm gì để phát huy tinh thần sáng tạo về khoa học – kỹ thuật trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay?

Trả lời:

– Có nhiều chính sách hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật.

– Thúc đẩy học tập, nghiên cứu khoa học-kỹ thuật.

– Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong học tập nghiên cứu, phát huy tinh thần hiếu học của dân tộc.

2. (Trang 91 KHXH 8 VNEN) Theo em, phải làm gì để phát huy những mặt tích cực của những thành tựu khoa học – kỹ thuật (thế kỷ XVIII-nửa đầu thế kỷ XX), đồng thời hạn chế những mặt tiêu cực do chính con người lợi dụng thành tựu khoa học – kỹ thuật gây ra.

Trả lời:

– Đào tạo vững vàng về mặt tư tưởng, đạo đức các nhà khoa học.

– Ứng dụng những thành tựu về mặt tích cực, y học, sản xuất…

– Kêu gọi thế giới chung tay phản đối áp dụng khoa học kỹ thuật vào quân sự, chống sản xuất các loại vũ khí hủy diệt.

– Cần có cơ chế kiểm soát việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, tránh để các thành tựu ứng dụng vào những mục đích xấu.

3. (Trang 91 KHXH 8 VNEN) Sưu tầm tranh ảnh, tư liệu về các thành tựu khoa học – kỹ thuật, văn học, nghệ thuật thế kỷ XVIII- nửa đầu thế kỷ XX.

Trả lời:

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 946

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống