Xem toàn bộ tài liệu Lớp 8: tại đây
A. Hoạt động khởi động
(Trang 92 KHXH 8 VNEN) Quan sát hình 1 và dựa vào kiến thức đã học, hãy nêu hiểu biết của em về tự nhiên châu Á.
Trả lời:
– Châu Á có điều kiện tự nhiên rất đa dạng, phong phú với nhiều loại hình ở nhiều khu vực khác nhau.
– Khí hậu châu Á mang nhiều đặc điểm tùy vào từng khu vực.
– Điều kiện tự nhiên mang đến cho cư dân châu Á nhiều điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, phát triển, tuy nhiên cũng để lại không ít khó khăn.
B. Hoạt động hình thành kiến thức
1. Tìm hiểu vị trí địa lí, giới hạn và kích thước lãnh thổ
(Trang 93 KHXH 8 VNEN) Quan sát hình 2 và đọc thông tin, hãy:
– Xác định vị trí địa lí, giới hạn của châu Á:
+ Điểm cực Bắc và cực Nam phần đất liền của châu Á nằm ở các vĩ tuyến nào?
+ Châu Á tiếp giáp với các đại dương và châu lục nào?
– Nhận xét về kích thước lãnh thổ châu Á:
+ Diện tích châu Á (bao gồm diện tích phần đất liền và diện tích các đảo) là bao nhiêu km2?
+ Chiều dài từ điểm cực Bắc đến cực Nam là bao nhiêu km?
+ Chiều rộng từ bờ Tây sang bờ Đông là bao nhiêu km?
Trả lời:
– Xác định vị trí địa lí, giới hạn của châu Á:
+ Điểm cực Bắc châu Á là mũi Seliusky, nằm ở vĩ tuyến 77o44′ Bắc. Điểm cực Nam châu Á là mũi Piai, nằm ở vĩ tuyến 1o16′ Bắc.
+ Tiếp giáp với 3 đại dương: Phía Bắc giáp Bắc Băng Dương, phía Đông giáp Thái Bình Dương, phía Nam giáp Ấn Độ Dương, phía Tây giáp 2 châu lục – Âu và Phi.
– Nhận xét về kích thước lãnh thổ châu Á:
+ Diện tích châu Á (bao gồm diện tích phần đất liền và diện tích các đảo) là 44,4 triệu km2.
+ Chiều dài từ điểm cực Bắc đến điểm cực Nam là 8500 km.
+ Chiều rộng từ bờ Tây sang bờ Đông nơi lãnh thổ mở rộng nhất là 9200 km.
2. Tìm hiểu về địa hình và khoáng sản
(Trang 94 KHXH 8 VNEN) Quan sát hình 3, đọc thông tin, hãy:
– Trình bày đặc điểm chung của địa hình châu Á. Kể tên một số sơn nguyên và các đồng bằng ở châu Á.
– Nhận xét về nguồn tài nguyên khoáng sản của châu Á. Kể tên những khoáng sản chủ yếu ở châu Á. Cho biết dầu mỏ và khí đốt tập trung nhiều nhất ở khu vực nào.
Trả lời:
– Đặc điểm chung của địa hình châu Á:
+ Châu Á có nhiều hệ thống núi, sơn nguyên cao, đồ sộ và nhiều đồng bằng bậc nhất thế giới. Các dãy núi Hi-ma-lay-a, Côn Luân, Thiên Sơn, An-tai…và các sơn nguyên Trung Xi-bia, Tây Tạng, A-ráp, I-ran, Đê-can…; đồng bằng rộng lớn: Tu-ran, Lưỡng Hà, Ấn-Hằng, Tây Xi-bia, Hoa Bắc, Hoa Trung…
+ Các dãy núi chạy theo hai hướng chính: đông – tây hoặc gần đông – tây và bắc – nam hoặc gần bắc – nam là cho địa hình bị chia cắt rất phức tạp.
+ Các núi và sơn nguyên cao tập trung nhiều ở vùng trung tâm. Trên các núi cao có băng hà bao phủ quanh năm.
– Về nguồn tài nguyên khoáng sản của châu Á:
+ Châu Á có nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú với trữ lượng lớn.
+ Các khoáng sản chủ yếu ở châu Á: sắt, mangan, crôm, đồng, thiếc, than, dầu mỏ, khí đốt,
+ Dầu mỏ, khí đốt phân bố chủ yếu ở phía Tây Liên Bang Nga, Trung Quốc, Đông Nam Á, Trung Á, Tây Nam Á.
3. Tìm hiểu về khí hậu
(Trang 95 KHXH 8 VNEN) Quan sát hình 4 và đọc thông tin, hãy:
– Đọc tên các đới khí hậu từ vùng cực Bắc đến vùng Xích đạo dọc theo kinh tuyến 80oĐ và giải thích vì sao khí hậu châu Á lại phân thành nhiều đới như vậy và giải thích vì sao khí hậu châu Á lại phân thành nhiều đới như vậy.
– Cho biết các kiểu khí hậu phổ biến ở châu Á, nơi phân bố và đặc điểm của các kiểu khí hậu đó.
Trả lời:
* Các đới khí hậu từ vùng cực Bắc đến vùng Xích đạo dọc theo kinh tuyến 80oĐ:
– Đới khí hậu cực và cận cực
– Đới khí hậu ôn đới.
– Đới khí hậu cận nhiệt.
– Đới khí hậu nhiệt đới.
– Khí hậu châu Á phân thành nhiều đới như vậy vì lãnh thổ châu Á trải dài trên nhiều vĩ độ từ vùng cực Bắc đến vùng Xích đạo nên khí hậu chia thành nhiều đới.
* Khí hậu châu Á phổ biến là các kiểu khí hậu gió mùa và các kiểu khí hậu lục địa:
– Các kiểu khí hậu gió mùa
+ Khí hậu gió mùa châu Á gồm các kiểu: khí hậu gió mùa nhiệt đới phân bố ở Nam Á và Đóng Nam Á, khí hậu gió mùa cận nhiệt và ôn đới phân bố ở Đông Á.
+ Trong các khu vực khí hậu gió mùa. một năm có hai mùa rõ rệt : mùa đông có gió từ nội địa thổi ra, không khí khô, lạnh và mưa không đáng kể. Mùa hạ có gió từ đại dương thổi vào lục địa, thời tiết nóng ẩm và có mưa nhiều. Đặc biệt, Nam Á và Đông Nam Á là hai khu vực có mưa vào loại nhiều nhất thế giới.
– Các kiểu khí hậu lục địa
+ Các kiểu khí hậu lục địa phân bố chủ yếu trong các vùng nội địa và khu vực Tây Nam Á. Tại các khu vực này vé mùa đông khô và lạnh, mùa hạ khô và nóng. Lượng mưa trung bình năm thay đổi từ 200-500mm, độ bốc hơi rất lớn nên độ ẩm không khí luôn luôn thấp. Hầu hết các vùng ở nội địa và Tây Nam Á đều phát triển cảnh quan bán hoang mạc và hoang mạc.
4. Tìm hiểu về sông ngòi
(Trang 96 KHXH 8 VNEN) Quan sát hình 3 và đọc thông tin, hãy hoàn thành bảng sau:
Trả lời:
5. Tìm hiểu về cảnh quan tự nhiên
(Trang 97 KHXH 8 VNEN) Quan sát hình 5 và đọc thông tin, hãy:
– Cho biết các đới cảnh quan của châu Á theo thứ tự từ bắc xuống nam dọc theo kinh tuyến 80oĐ.
– Chứng minh rằng cảnh quan tự nhiên ở châu Á phân hóa đa dạng và giải thích vì sao.
Trả lời:
– Các đới cảnh quan của châu Á theo thứ tự từ bắc xuống nam dọc theo kinh tuyến 80oĐ:
+ Đài nguyên.
+ Rừng lá kim (hay rừng tai-ga).
+ Rừng cận nhiệt.
+ Hoang mạc và bán hoang mạc.
+ Cảnh quan núi cao.
+ Xavan và cây bụi.
+ Rừng nhiệt đới ẩm.
– Cảnh quan tự nhiên ở châu Á phân hóa đa dạng là do sự phân hóa đa dạng về các đới, các kiểu khí hậu.
C. Hoạt động luyện tập
1. (Trang 98 KHXH 8 VNEN) Ghép mỗi cảnh quan tự nhiên ở hình 6 với một biểu đồ nhiệt độ, lượng mưa ở hình 7 cho phù hợp và giải thích.
Trả lời:
a) Thảo nguyên – U-lan-ba-to (Mông Cổ): khí hậu ôn đới lục địa.
Nhiệt độ trung bình năm khoảng 10oC, nhiều tháng dưới 0oC. Lượng mưa trung bình năm là 220mm. Mưa tập trung chủ yếu vào các tháng 5, 6, 7, 8.
b) Rừng mưa nhiệt đới – Y-an-gun (Mi-an-ma): khí hậu nhiệt đới gió mùa.
Nhiệt độ trung bình năm cao trên 25oC. Lượng mưa trung bình năm trên 2750mm. Mưa rất nhiều từ tháng 5 đến tháng 10.
c) Hoang mạc nhiệt đới – E Ri-át (A-rập-xê-út): khí hậu nhiệt đới khô.
Nhiệt độ trung bình năm trên 20oC. Lượng mưa trung bình năm khoảng 82mm. Mưa tập trung vào các tháng 1, 2, 3 nhưng rất ít.
2. (Trang 98 KHXH 8 VNEN) Quan sát hình 5 và cho biết sự thay đổi cảnh quan tự nhiên từ tây sang đông theo vĩ tuyến 40oB và giải thích tại sao có sự thay đổi như vậy.
Trả lời:
– Sự thay đổi các cảnh quan tự nhiên từ tây sang đông theo vĩ tuyến 40oB:
+ Rừng và cây bụi lá cứng.
+ Thảo nguyên.
+ Hoang mạc và bán hoang mạc.
+ Cảnh quan núi cao.
+ Hoang mạc và bán hoang mạc.
+ Thảo nguyên.
+ Rừng hỗn hợp và rừng lá rộng.
– Có sự thay đổi cảnh quan như vậy là do vị trí địa lí gần hay xa biển đã làm cho khí hậu thay đổi từ duyên hải vào nội địa:
+ Vùng phía Tây có khí hậu cận nhiệt Địa Trung Hải mùa hè khô nóng, mùa đông có mưa, hình thành cảnh quan thiên nhiên thảo nguyên và rừng cây bụi lá cứng.
+ Vào sâu trong lục địa, ảnh hưởng của biển giảm, khí hậu mang tính lục địa khô hạn, hình hành cảnh quan hoang mạc và bán hoang mạc.
+ Ở khu vực dãy núi Thiên Sơn, địa hình cao > 5000 m đã hình thành cảnh quan núi cao.
+ Vùng ven biển phía Đông chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển và đón gió mùa nên khí hậu nóng ẩm, hình thành cảnh quan rừng hỗn hợp và rừng lá rộng.
D-E. Hoạt động vận dụng – tìm tòi mở rộng
(Trang 98 KHXH 8 VNEN) Dựa vào kiến thức đã học và hiểu biết của bản thân, hãy nêu một số thuận lợi và khó khăn của điều kiện tự nhiên châu Á đối với sản xuất và con người.
Trả lời:
– Châu Á có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú:
+ Nhiều loại khoáng sản có trữ lượng rất lớn, đáng chú ý nhất là than, dầu mỏ, khí đốt, sắt, thiếc …
+ Các tài nguyên khác như đất, khí hậu, nguồn nước, thực vật, động vật và rừng rất đa dạng, các nguồn năng lượng (thuỷ năng, gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt…) rất dồi dào. Tính đa dạng của tài nguyên là cơ sở để tạo ra sự đa dạng các sản phẩm.
+ Vị trí địa lý nhiều khu vực quan trọng, là các cầu nồi giao thông, buôn bán trong lịch sử đến ngày nay
– Thiên nhiên châu Á cũng gây nhiều khó khăn cho con người:
+ Các vùng núi cao hiểm trở, các hoang mạc khô cằn rộng lớn, các vùng khí hậu giá lạnh khắc nghiệt chiếm tỉ lệ lớn so với toàn bộ lãnh thổ đã gây trở ngại lớn cho việc giao lưu giữa các vùng, việc mở rộng diện tích trồng trọt và chăn nuôi của các dân tộc.
+ Các thiên tai như động đất, hoạt động núi lửa, bão lụt… thường xảy ra ờ các vùng đảo và duyên hải Đông Á, Đông Nam Á và Nam Á, gây thiệt hại lớn về người và của.
+ Dễ trở thành nơi tranh chấp, xung đột trên thế giới.