Chương 8: Các nhóm thực vật

Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây

Giải Sách Bài Tập Sinh Học 6 – Bài tập có lời giải trang 71, 72, 73, 74, 75, 76 SBT Sinh học 6 giúp HS giải bài tập, cung cấp cho học sinh những hiểu biết khoa học về đặc điểm cấu tạo, mọi hoạt động sống của con người và các loại sinh vật trong tự nhiên:

Bài 1 trang 71 SBT Sinh học 6: Quan sát các hình dưới đây, hãy cho biết tên của từng loại tảo và môi trường sống của chúng.

Lời giải:

Tên các loại tảo và môi trường sống của chúng :

1. Các loại táo sống trong môi trường nước ngọt :

– Hình 1 : Tảo xoắn.

– Hình 2 : Tảo tiểu cầu.

– Hình 3 : Tảo silic.

– Hình 4 : Tảo vòng.

2. Các loại tảo sống trong môi trường nước mặn :

– Hình 5: Rong mơ.

– Hình 6 : Rau diếp biển.

– Hình 7 : Rau câu.

– Hình 8 : Tảo sừng hươu.

Bài 2 trang 72 SBT Sinh học 6: Nêu vai trò của tảo trong thiên nhiên và đối với đời sống con người.

Lời giải:

– Tảo góp phần cung cấp ôxi giúp sự hô hấp của các động vật sống trong môi trường nước.

– Tảo là nguồn thức ăn cho động vật và cho người.

– Tảo dùng làm phân bón, làm thuốc, làm nguyên liệu trong công nghiệp.

– Một số tảo gây hại : Gây hiện tượng “nước nở hoa” làm nước bị nhiễm bẩn ; tảo xoắn, tảo vòng quấn lấy gốc lúa làm lúa khó đẻ nhánh.

Bài 3 trang 72 SBT Sinh học 6: Quan sát hình 38.2 SGK. Túi bào tử và sự phát triển của rêu.

Hãy cho biết:

1. Đặc điểm túi hào tử của rêu.

2. Rêu sinh sản, phát triển nòi giống bằng gì ?

3. Cây rêu con mọc ra từ đâu ?

Lời giải:

1. Đặc điểm túi bào tử của rêu :

– Túi bào tử nằm trên ngọn cây rêu.

– Túi bào tử được hình thành sau quá trình thụ tinh.

– Túi bào tử chứa các bào tử.

– Khi túi bào tử già, túi bào tử mở nắp làm các bào tử rơi ra.

2. Rêu sinh sản, phát triển nòi giống bằng bào tử.

3. Bào tử nảy mầm mọc thành cây rêu con.

Bài 4 trang 73 SBT Sinh học 6: Quan sát hình 39.2 SGK. Túi bào tử và sự phát triển của dương xỉ.

Hãy cho biết:

1. Đặc điểm túi bào tử của dương xỉ ?

2. Dương xỉ sinh sản, phát triển nòi giống bằng gì ?

3. Cây dương xỉ con mọc ra từ đâu ?

Lời giải:

1. Đặc điểm túi bào tử của dương xỉ :

– Túi bào tử nằm ở dưới các lá già của cây dương xỉ.

– Túi bào tử chứa các bào tử.

– Vách túi bào tử có một vòng cơ với màng tế bào dày lên. Vòng cơ có tác dụng mở ra khi túi bào tử chín làm các bào tử rơi ra.

2. Dương xỉ sinh sản, phát triển nòi giống bằng bào tử.

3. Cây dương xỉ con mọc ra từ nguyên tản (Nguyên tản phát triển từ bào tử).

Bài 5 trang 74 SBT Sinh học 6: So sánh đặc điểm cơ quan sinh dưỡng, đặc điểm sinh sản và cơ quan sinh sản của Rêu và Quyết, từ đó rút ra nhận xét về sự tiến hoá.

Lời giải:

– Bảng so sánh :

– Nhóm Rêu và Quyết nhìn chung giống nhau là đã phân hoá thành cơ quan sinh dưỡng và cơ quan sinh sản, nhưng khác nhau về mức độ phát triển và sự phức tạp hoá của các cơ quan đó.

Rêu đã có thân lá nhưng cấu tạo đơn giản, thân không phân nhánh, chưa có mạch dẫn, chưa có rễ chính thức. Rêu sinh sản bằng bào tử. Tuy sống trên cạn nhưng chỉ phát triển được ở môi trường ẩm ướt.

Quyết đã có thân, rễ, lá thật và có mạch dẫn. Sinh sản bằng bào tử. Cây con mọc ra từ nguyên tản sau thụ tinh. Sống trên cạn.

Dương xỉ tiến hoá hơn Rêu.

Bài 6 trang 75 SBT Sinh học 6: So sánh đặc điểm cơ quan sinh dưỡng, đặc điểm sinh sản và cơ quan sinh sản của Hạt trần và Hạt kín, từ đó rút ra nhận xét về sự tiến hoá.

Lời giải:

– Bảng so sánh :

Nhóm thực vật

Đặc điểm so sánh

Hạt trần Hạt kín
Đặc điểm cơ quan sinh dưỡng

– Rễ, thân, lá thật. Lá đa dạng.

– Thân phân nhánh nhiều tạo thành tán cây.

– Có mạch dẫn.

– Rễ, thân, lá thật. Rất đa dạng.

– Thân phân nhánh nhiều tạo thành tán cây.

– Có mạch dẫn hoàn thiện.

Đặc điểm cơ quan sinh sản

– Sinh sản bằng hạt.

– Cơ quan sinh sản là nón: + Nón đực : mang túi phấn chứa nhiều hạt phấn (chứa tế bào sinh dục đực).

+ Nón cái : mang các lá noãn, noãn (chứa tế bào sinh dục cái) nằm trên lá noãn hở.

– Sau thụ tinh noãn phát triển thành hạt, hạt không có quả che chở (hạt trần).

– Chưa có hoa, quả.

– Sinh sản bằng hạt.

– Cơ quan sinh sản là hoa.

– Hoa gồm:

+ Bao hoa (đài, tràng) : bộ phận bảo vệ và thu hút côn trùng.

+ Nhị có nhiều hạt phấn mang tế bào sinh dục đực.

+ Nhuỵ có bầu, chứa noãn mang tế bào sinh dục cái.

– Sau thụ tinh, noãn phát triển thành hạt, bầu nhuỵ phát triển thành quả.

– Hạt nằm trong quả (hạt kín)

– Hoa rất đa dạng, thích nghi với các hình thức thụ phấn khác nhau (nhờ sâu bọ, gió, động vật).

Thực vật Hạt kín tiến hoá hơn Hạt trần :

– Thực vật Hạt trần chủ yếu là cây thân gỗ, không phong phú và đa dạng như thực vật Hạt kín. Thực vật Hạt kín có thân đa dạng về kích thước và hình dạng tán cây; về loại thân có các dạng thân như thân đứng, thân leo, thân bò, thân gỗ, thân cỏ. Lá rất đa dạng về hình dạng, kiểu gân lá, cách mọc lá trên thân và cành. Rễ có rễ cọc và rễ chùm.

– Hạt trần có lá noãn hở không bảo vệ noãn tốt bằng lá noãn khép kín (nhuỵ) ở Hạt kín, không những thế ở Hạt kín phôi còn nằm trong hạt, hạt lại nằm trong quả nên noãn càng được bảo vệ tốt hơn.

– Nón ở Hạt trần chỉ gồm các vảy sinh sản mang túi phấn hoặc noãn. Hoa của Hạt kín gồm đài, tràng, nhị, nhuỵ với cấu tạo đa dạng thích nghi cao với các hình thức thụ phấn khác nhau.

– Các hình thức phát tán của quả, hạt ở Hạt kín đa dạng và phong phú hơn so với Hạt trần (Hạt trần chưa có quả).

– Do những đặc điểm tiến hoá cao và đa dạng của cơ quan sinh dưỡng và cơ quan sinh sản mà thực vật Hạt kín phát tán rộng rãi, thích nghi cao với mọi điều kiện khí hậu khác nhau trên Trái Đất. Ngày nay thực vật Hạt kín đã chiếm ưu thế so với thực vật Hạt trần và các nhóm thực vật khác.

Bài 7 trang 76 SBT Sinh học 6: Con người đã tác động vào giới Thực vật như thế nào ? Nêu kết quả của sự tác động đó.

Lời giải:

– Từ thời xa xưa con người chưa biết trồng trọt mà chỉ thu lượm quả, hạt của cây cối trong rừng làm thức ăn. Sau này do nhu cầu cuộc sống con người đã biết giữ lại hạt giống cho mùa sau nên mới có cây trồng.

– Tuỳ theo mục đích sử dụng của con người mà từ một loại cây dại ban đầu đã tạo ra được nhiều thứ cây trồng khác xa và tốt hơn hẳn tổ tiên hoang dại của chúng.

– Quá trình tác động của con người vào giới Thực vật thực hiện qua các bước :

+ Sử dụng các biện pháp kĩ thuật khác nhau như lai giống, gây đột biến, kĩ thuật di truyền… để uốn nắn, cải biến đặc tính di truyền của giống cây.

+ Chọn những biến đổi có lợi, phù hợp nhu cầu sử dụng, loại bỏ cây xấu, giữ lại cây tốt để làm giống.

+ Nhân giống những cây đáp ứng những như cầu của con người từ hạt, chồi, cành, bằng chiết, ghép, nhân giống vô tính trong ống nghiệm.

+ Chăm sóc cây, tạo điều kiện sống mới thuận lợi cho cây bằng các biện pháp như làm đất, chăm sóc, tưới nước, bón phân, bắt sâu… cho cây.

Kết quả là từ một loài hoang dại con người đã tạo ra được nhiều dạng cây trồng khác nhau, có tính chất khác, nhau và phẩm chất hơn hẳn tổ tiên hoang dại của chúng.

Ví dụ :

+ Từ cây cải dại bé, ít lá, đắng, con người đã tạo ra các loại cải có năng suất cao, chất lượng tốt như cải canh, cải bẹ, cải làn, su hào, súp lơ, bắp cải.

+ Từ cây chuối rừng có quả nhỏ, vị chát, nhiều hạt con người đã tạo ra các loại chuối nhà có nhiều quả, quả to, thơm ngon, không hạt. Có nhiều loại chuối nhà như chuối tiêu, chuối tây, chuối ngự, chuối lá.

 

Bài giải này có hữu ích với bạn không?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!

Đánh giá trung bình 5 / 5. Số lượt đánh giá: 926

Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.

--Chọn Bài--

Tài liệu trên trang là MIỄN PHÍ, các bạn vui lòng KHÔNG trả phí dưới BẤT KỲ hình thức nào!

Tải xuống