Xem toàn bộ tài liệu Lớp 12: tại đây
- Giải Sinh Học Lớp 12
- Giải Sinh Học Lớp 12 (Ngắn Gọn)
- Sách Giáo Viên Sinh Học Lớp 12
- Sách Giáo Viên Sinh Học Lớp 12 Nâng Cao
- Sách Bài Tập Sinh Học Lớp 12
Giải Bài Tập Sinh Học 12 – Bài 15: Di truyền liên kết với giới tính (Nâng Cao) giúp HS giải bài tập, cung cấp cho học sinh những hiểu biết khoa học về đặc điểm cấu tạo, mọi hoạt động sống của con người và các loại sinh vật trong tự nhiên:
Trả lời câu hỏi Sinh 12 nâng cao Bài 15 trang 60: – Quan sát hình 15.2 và giải thích sự di truyền màu mắt ở ruồi giấm.
– Có nhận xét gì về sự khác nhau ở phép lai thuận và phép lai nghịch?
Lời giải:
– Vì trong phép lai thuận, F2 có tỉ lệ 3 mắt đỏ : 1 mắt trứng, do đó màu mắt bị chi phối bởi một gen, trong đó mắt đỏ là tính trạng trội còn mắt trắng là tính trạng lặn.
Nếu gen màu mắt nằm trên NST thường thì ruồi mắt trắng ở F2 không thể toàn là ruồi đực. Vì vậy kết quả lai thuận chỉ giải thích được khi cho rằng gen màu mắt nằm trên NST X. Sự di truyền màu mắt từ P đến F1 trong phép lai nghịch là sự di truyền chéo.
Tỉ lệ phân bố KH theo 2 giới tính ở F2 khác nhau:
+ Ở lai thuận: 2/4 cái mắt đỏ, 1/4 đực mắt đỏ, 1/4 đực mắt trắng.
+ Ở lai nghịch: 1/4 cái mắt đỏ, 1/4 đực mắt đỏ, 1/4 cái mắt trắng, 1/4 đực mắt trắng.
– Phép lai thuận và phép lai nghịch có kết quả khác nhau vì cặp tính trạng màu mắt do một cặp gen quy định, cặp gen này nằm trên NST X, nên sự di truyền tính trạng này liên quan đến sự phân li tổ hợp của cặp NST giới tính trong quá trình giảm phân và thụ tinh. Trong đó, XY chỉ cần một alen lặn đã biểu hiện kiểu hình, còn XX thì cần 2 alen lặn mới biểu hiện kiểu hình.
Bài 1 trang 63 sgk Sinh học 12 nâng cao: Giải thích kết quả thí nghiệm di truyền màu mắt của ruồi giấm. Bệnh mù màu và bệnh máu khó đông chỉ biểu hiện ở nam giới, đúng hay sai? Vì sao?
Lời giải:
– Kết quả phép lai cho thấy màu mắt đỏ là tính trạng trội, còn mắt trắng là lặn.
+ Quy ước: Gen W: mắt đỏ, w: mắt trắng.
+ Theo Moocgan, các gen này nằm trên NST X. Màu mắt diễn ra sự di truyền chéo (phép lai nghịch): tính trạng của ruồi mẹ truyền cho con đực, còn tính trạng của ruồi bố truyền cho con cái. Tỉ lệ kiểu hình phân bố không đều ở F2 trong hai giới tính (phép lai thuận) và đồng đều ở hai giới tính (phép lai nghịch).
+ Cơ sở tế bào học của phép lai là: sự phân li của cặp NST giới tính trong giảm phân và sự tổ hợp của chúng ta qua thụ tinh đã đưa đến sự phân li và tổ hợp của cặp gen quy định màu mắt.
+ NST Y không mang gen quy định màu mắt, vì vậy ruồi đực chỉ cần NST X mang một gen lặn w (XwY) là biểu hiện mắt trắng. Còn ruồi cái cần phải cả cặp XX đều mang gen lặn (Xw Xw) mới biểu hiện mắt trắng, vì vậy ruồi cái mắt trắng thường hiếm.
+ Phép lai thuận và nghịch nêu trên cho kết quả khác nhau, không giống như lai thuận và nghịch về một cặp tính trạng quy định bởi một cặp gen trên cặp NST thường đều cho kết quả như nhau.
– Sai, vì bệnh mù màu và bệnh máu khó đông không chỉ biểu hiện ở nam giới mà còn biểu hiện ở nữ giới nhưng hiếm hơn.
Bài 2 trang 63 sgk Sinh học 12 nâng cao: Trình bày đặc điểm di truyền của các tính trạng do các gen trên NST X và NST Y quy định.
Lời giải:
– Gen trên NST X: Tính trạng lặn từ bố truyền cho con gái và được biểu hiện ở cháu ngoại trai. Sự di truyền chéo.
– Gen trên NST Y: Thường NST Y ở các loài chứa ít gen. Gen ở đoạn không tương đồng trên NST Y chỉ truyền trực tiếp cho giới dị giao tử (XY), cho nên tính trạng do gen đó quy định được truyền cho 100% số các thể dị giao tử (di truyền thẳng).
– Đặc điểm di truyền của các tính trạng do các gen trên NST X và NST Y quy định: Sự phân li của cặp NST giới tính trong giảm phân và sự tổ hợp của chúng qua thụ tinh đã đưa đến sự phân li và tổ hợp của cặp gen quy định tính trạng nằm trên NST giới tính.
Bài 3 trang 63 sgk Sinh học 12 nâng cao: Di truyền liên kết giới tính được ứng dụng như thế nào trong thực tiễn?
Lời giải:
– Trong thực tiễn, người ta dựa vào những tính trạng liên kết với giới tính để sớm phân biệt đực cái, điều chỉnh tỉ lệ đực cái theo mục tiêu sản xuất.
VD: + Ở gà, người ta dựa vào gen trội A trên NST X quy định lông vằn để phân biệt trống, mái từ khi mới nở. Gà trống con mang cặp X^A X^A nên mức độ vằn ở đầu rõ hơn gà mái con mang XAY.
+ Tằm đực cho tơ nhiều hơn tằm cái. Người ta dựa vào gen A trên NST X tạo trứng sẫm màu để phân biệt con đực và con cái ngay từ giai đoạn trứng. Bằng phương pháp lai người ta chủ động tạo ra trứng tằm (đã thụ tinh) mang cặp NST XAXa cho màu sáng phát triển thành tằm đực.
Bài 4 trang 63 sgk Sinh học 12 nâng cao: Ở người, gen M quy định mắt bình thường, gen m quy định mù màu (đỏ và lục). Mẹ (1) và bố (2) đều bình thường, sinh được một trai (3) mù màu và một gái (4) bình thường. Người con gái lớn lên và lấy chồng (5) bị mù màu, sinh được một gái (6) bình thường và một gái (7) mù màu. Xác định kiểu gen của 7 người trong gia đình đó.
Lời giải:
– Bệnh thường gặp ở nam và ít gặp ở nữ → gen gây bệnh nằm trên NST X.
– Con trai (3) và chồng cô con gái (5) bị mù màu: XmY.
– Bố (2) bình thường: XMY.
– Con gái (7) mù màu: XmXm.
– Con trai (3) mù màu và bố mẹ bình thường → mẹ (1): XMXm.
– Con gái (4) bình thường sinh có gái mù màu → con gái (4): XMXm.
– Con gái (6) bình thường nhận giao tử Xm từ bố bị bệnh → con gái (6): XMXm
Bài 5 trang 63 sgk Sinh học 12 nâng cao: Khi lai gà trống lông không vằn với gà mái lông vằn được F1 có tỉ lệ 1 trống lông vằn : 1 mái lông không vằn.
a) Biện luận và viết sơ đồ lai từ P đến F1.
b) Khi cho gà F1 giao phối với nhau thì kết quả ở F2 như thế nào?
Cho biết màu lông do 1 gen chi phối.
Lời giải:
a. F1 phân li gà trống, gà mái có tỉ lệ khác nhau, có hiện tượng di truyền chéo → Gen quy định tính trạng nằm trên NST giới tính X.
– Ở gà: gà trống: XX và gà mái: XY.
– Gà trống lông vằn F1 nhận giao tử X mang gen quy định tính trạng lông vằn từ gà mái mẹ và 1 giao tử X mang gen quy định tính trạng lông không vằn từ gà trống cha → Tính trạng lông vằn trội hoàn toàn so với tính trạng lông không vằn.
– Sơ đồ lai:
P: XAY × XaXa
Gp: XA : Y Xa
F1: XAXa : XaY (1 gà trống lông vằn : 1 gà mái lông không vằn)
b. Sơ đồ lai:
F1: XAXa × XaY
Gp: XA : Xa Xa : Y
F2: XAXa : XaY : XaXa : XAY
Kiểu hình: 1 gà trống lông vằn : 1 gà mái lông không vằn : 1 gà trống lông không vằn : 1 gà mái lông vằn.
Bài 6 trang 63 sgk Sinh học 12 nâng cao: Hãy chọn phương án trả lời đúng. Sự di truyền tính trạng chỉ do gen trên NST Y quy định như thế nào?
A. Chỉ di truyền ở giới đồng giao.
B. Chỉ di truyền ở giới đực.
C. Chỉ di truyền ở giới cái.
D. Chỉ di truyền ở giới dị giao.
Lời giải:
Đáp án D
Bài thu hoạch
I. Lai giống thực vật:
– Tóm tắt các bước tiến hành lai giống và những điều cần chú ý khi chọn hoa cùng với thao tác khi giao phấn.
– Vẽ hình sơ lược mô tả các thao tác giao phấn.
Trả lời:
Nội dung thí nghiệm
a. Khử nhị trên cây mẹ:
– Chọn những hoa còn là nụ có màu vàng nhạt để khử nhị (hoa chưa tự thụ phấn).
– Dùng kim mũi mác tách 1 bao phấn ra nếu phấn còn là chất trắng sữa hay màu xanh thì được. Nếu phấn đã là hạt màu trắng thì không được.
– Dùng ngón trỏ và ngón cái của tay để giữ lấy nụ hoa.
– Tay phải cầm kẹp tách bao hoa ra, tỉa từng nhị một, cần làm nhẹ tay tránh để đầu nhụy và bầu nhụy bị thương tổn.
– Trên mỗi chùm chọn 4 đến 6 hoa cùng lúc và là những hoa mập để khử nhị, cắt tỉa bỏ những hoa khác.
– Bao các hoa đã khử nhị bằng bao cách li.
b. Thụ phấn:
– Chọn những hoa đã nở xoà, đầu nhị to màu xanh sẫm, có dịch nhờn.
– Thu hạt phấn trên cây bố: chọn hoa vừa nở, cánh hoa và bao phấn vàng tươi, khi chín hạt phấn chín tròn và trắng.
– Dùng kẹp ngắt nhị bỏ vào đĩa đồng hồ.
– Dùng bút lông chà nhẹ trên các bao phấn để hạt phấn bung ra.
– Dùng bút lông chấm hạt phấn cây bố lên đầu nhụy hoa của cây mẹ đã khử nhị.
– Bao chùm hoa đã thụ phấn bằng túi cách li, buộc nhãn, ghi ngày và công thức lai.
c. Chăm sóc và thu hoạch
– Tưới nước đầy đủ.
– Khi quả lai chín thì thu hoạch, cẩn thận tránh nhầm lẫn các công thức lai.
– Bổ từng quả trải hạt lên tờ giấy lọc ghi công thức lai và thứ tự quả lên tờ giấy đó.
– Phơi khô hạt ở chổ mát khi cầ gieo thì ngâm tờ giấy đó vào nước lã hạt sẽ tách ra.
Chú ý:
– Muốn tránh sự tự thụ phấn của hoa bằng cách cắt bỏ nhị từ khi chưa chín ở hoa của cây làm mẹ.
– Những hoa được chọn để khử nhị phải chắc chắn chưa thụ phấn. Muốn kiểm tra, hãy dùng kim mũi mác tách một bao phấn ra. Nếu phần còn là chất sữa trắng hay là những hạt màu xanh nhạt thì chắc chắn là chưa xảy ra sự tự thụ phấn. Tốt nhất là hoa cây mẹ đang là nụ có màu vàng nhạt thì tiến hành khử nhị.
– Lựa chọn hoa cây mẹ và cây bố:
+ Cây mẹ có đầu nhụy màu xanh thẫm, có dịch nhờn.
+ Cây bố có hoa mới nở xòe, cánh hoa và bao phấn màu vàng tươi.
– Các thao tác giao phấn theo thứ tự sau:
+ Cách tỉa nhị ở cây mẹ như SGK.
+ Cách lấy hạt phấn ở cây bố nhứ SGK, chỉ lấy các hạt phấn đã chín (hạt phấn tròn và trắng).
+ Cách thụ phấn (chấm hay bôi hạt phấn lên đầu nhụy).
II. Lai một số loài cá cảnh:
– Tóm tắt các bước tiến hành lai giống.
– Ghi kết quả và nhận xét thì nghiệm vào bảng.
Trả lời:
– Các bước tiến hành lai giống như đã nêu trong bài, sau đó ghi kết quả vào bảng trả lời.
1. Kiếm mắt đen × Kiếm mắt đỏ (và ngược lại).
2. Mún đực xanh × Mún cái đỏ (và ngược lại).
3. Khổng tước đực có chấm màu × Khổng tước cái không có chấm màu.
4. Khổng tước đực có vết đỏ ở trước gốc đuôi và chấm màu xanh sau nắp mang × Khổng tước cái không có đặc điểm nêu trên.
5. Khổng tước đực có vây lưng hình dải dài × Khổng tước cái không có đặc điểm này.
6. Khổng tước cái có một vệt tím trên đuôi × Khổng tước đực không có đặc điểm này.